Wednesday, August 24, 2022

Mẹ Tôi - HQ

 

MẸ TÔI




Ngày này, 78 năm về trước Mẹ tôi “vượt cạn mồ côi một mình” và tôi chào đời khi Mẹ bệnh.

Mẹ tôi quê ở Nhị Quý, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường, cách quận Cái bè hơn chục cây số.

Mẹ tôi là phụ nữ đẹp, xuất thân từ 1 gia đình khá giả. Ông Ngoại tôi là một Ông Lang mát tay, thời còn xài tiền xu, tiền điếu thì Ông tôi đã có hơn 70.000 đồng, nhưng Ông đã sai lầm không cho Mẹ tôi học chữ.

Tất cả cuộc đời của Mẹ tôi người đều kể hết cho tôi nghe, nhưng Mẹ tôi gặp và thương Ba tôi “một người thợ may tầm thường” ở Cái Bè, trong dịp nào thì tôi ngốc nghếch đã không hỏi điều đó.

Mẹ tôi lập gia đình với Ba tôi, không được sự đồng ý của Ông Ngoại tôi.

Thời đó không có việc đăng báo từ con, nhưng Ngoại tôi không ngó ngàng, giúp đở gì cho Mẹ tôi nữa.

Mẹ tôi đầu quân vào một gia đình nghèo và khắc nghiệt.

Cô Loan trong Đoạn Tuyệt qua ngòi bút tài tình của Nhất Linh đã lấy đi bao nước mắt của người khác, nhưng so với hoàn cảnh của Mẹ tôi thì không nghiệt ngã bằng.

Mẹ tôi phải sống như tôi đòi, thậm chí việc ăn uống cũng không bao giờ được chung mâm với gia đình.

Nấu nướng ngon miệng thì mọi người ăn hết, Mẹ tôi chỉ còn đôi chút vụn sót. Không vừa miệng thì bị nặng nhẹ, thậm chí có khi còn bị phá, như bị bỏ thêm muối mặn để có cớ đay nghiến.

 

Hồng trần bạch lảng lưỡng cưu mang
Nhẩn nhục nhu hoà thị diệu phang

 

Mẹ tôi không biết chữ để tiếp thu lời giáo huấn của Thánh hiền, nhưng bản chất nhẩn nhục, nhu hoà có tự nhiên trong con người đôn hậu của Mẹ nên lần hồi chinh phục được tình thương của cả gia đình nhà chồng (trừ Ba tôi).

Điều oái oăm là khi tôi tròn tuổi thôi nôi thì Ba tôi lại bỏ nhà theo một bóng sắc khác, đem nhau lên Sài Gòn lập tổ ấm.

Chị chồng và cô em chồng của Mẹ tôi cũng tách nhà lập gia đình riêng.

Mẹ tôi trước không biết, nhưng giờ phải đầu tắt mặt tối, dấn thân vào nghề làm bánh bán để nuôi Bà Mẹ chồng lú lẩn và 2 con thơ dại.

Chị tôi chỉ lớn hơn tôi 4 tuổi, nên tôi đã thường toạ trong 1 chiếc thúng của gánh bánh.

Mẹ tôi làm bánh thật khéo : bánh ít, bánh tét, bánh qui, bánh cúng, bánh bò, bánh chuối, xôi..., buôn bán thật uy tín và có tiếng nên được hàng xóm rất thương mến.

Lúc tôi lên 8, Bà Nội tôi mất.

Chị tôi hết bậc tiểu học cũng phải nghĩ, lên Sài Gòn giúp việc cho Cô tôi và từ đó tôi đảm nhận vai "phụ tá chánh", nên ngoài giờ học phải tham gia phụ Mẹ tất cả các khâu.

Năm tôi học lớp nhất, một hôm tan học về, tôi vòng tay thưa Mẹ con đi học về, thì thấy bên cạnh giàn xay bột có một bà cụ. Mẹ tôi bảo tôi "chào Ngoại đi con". Tôi vâng lời nhưng trố mắt vì Bà Ngoại tôi đã mất trước khi tôi chào đời.

Số là Ông Ngoại tôi buồn Mẹ tôi nên tái lập gia đình với 1 bà. Bà này cùng mấy người Cháu bòn rút sạch tài sản của Ông Ngoại tôi khiến Ông buồn phiền sanh bệnh và qua đời.

Không rõ bà Ngoại kế này làm thế nào mà trở thành trắng tay, nên tìm đến con chồng là Mẹ tôi để nhờ vã. Bà đã ở với chúng tôi hơn tuần lễ mới trở về Nhị Quý.

Năm sau thì Bà qua đời vì bị ung thư cuống họng. Mẹ tôi dẩn tôi lần đầu về quê Ngoại, nhưng thật tình mà nói tôi không có chút lưu luyến nào.

Hết bậc tiểu học, tôi tiếp tục bậc trung học ở Mỹ Tho. Chỉ cuối tuần và những tháng hè tôi mới được gần Mẹ.

Xong bậc trung học, tôi lên Sài Gòn tiếp tục học nên cũng rất ít khi về quê.

Chị tôi trước đó vài năm cũng đã lập gia đình.

Tôi là con trai duy nhất của gia đình, có thể xin hoản dịch để tiếp tục học, nhưng từ nhỏ đã chứng kiến sự man rợ của Viêt Minh (tiền thân của VC) nên năm 1966, tôi tình nguyện đi lính để đánh giặc.

Năm 1970, tôi lập gia đình.

Đời lính, cuộc sống rày đây mai đó, thêm bổn phận với vợ con khiến tôi bất hiếu, chẳng mấy khi đươc gần Mẹ.

Mẹ tôi có con, cháu, nhưng vò võ cho đến khi nhắm mắt năm 1976 vẫn không thấy mặt được thằng con bất hiếu vì lúc đó tôi đang tù VC ở Hoàng Liên Sơn.

Riêng về Ba tôi, ở khu Bàn Cờ, quận 3 Sài Gòn, hành nghề may và dạy may, cùng phụ chút việc cho người Anh Rễ để nuôi vợ và 3 cô con gái.

Ông chỉ nghĩ đến tôi khi tôi học lớp Đệ Tam và bắt đầu trả tiền cơm tháng thay cho Mẹ tôi.

Năm 1971, khi tôi đi công tác ở nước ngoài về, đến thăm Ba thì Bà Dì - vợ kế của Ba tôi bảo "Ba tôi đang bệnh, đợi tôi về để đem vô nhà thương".

Tôi có người quen là CHT /TYV Cộng Hoà và Bạn làm việc ở đó, nên muốn đem Ba tôi vào điều trị ở nơi này, nhưng Ba tôi không chịu.

Muốn đem Ba vào bệnh viện Hải Quân, Ba cũng không đồng ý, với lý do chỗ quân đội, 3 em gái của tôi ra vào không tiện.

Ba tôi muốn nằm ở bệnh viện Sùng Chính - Tàu, thật đắt đỏ.

Chỉ tiền phòng 1 tháng đã ngốn hết 2 tháng lương của tôi và tôi phải ra chợ trời đường Tôn Thất Thiệp bán đi hầu hết những gì tôi mua được ở PX khi công tác ở nước ngoài.

1 tháng sau Ba tôi xuất viện về nhà vì cho là đã khoẻ, nhưng thật ra là đèn loé lên trước khi tắt và Ba tôi mất tuần lễ sau đó.

 

Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng

 

Ba tôi đã không công bình, thiếu bổn phận với Mẹ con tôi.

Tuy những năm cuối đời Ba đã trường chay, ăn năn, hối hận, nhưng thật muộn màng.

Ba tôi thật khắt khe với tôi, nhưng tánh tôi giống Mẹ thật nhiều, nên khi hối hận thì Ba tôi cũng thương tôi hơn.

Ba tôi mong ước được chôn dưới chân mộ Nội tôi và tôi đã cố gắng thực hiện điều đó.

Khi quan tài Ba tôi về đến quê nhà, Bà Dì ghẻ sụp lạy Mẹ tôi, Mẹ tôi né tránh khiến tôi hết hồn, nhưng may thay mọi diển biến tiếp theo đều tốt đẹp.

Ba tôi mất năm 1971, Mẹ tôi mất năm 1976, cả hai đã xong một kiếp người.

Dù không hoàn hảo, nhưng Cha Mẹ tôi đã cho tôi một tình thương bao la.

Ngày nay, ở xứ người tôi cũng cô đơn như Mẹ tôi, nhưng tôi nguyện "sẽ thương tôi và thương tất cả mọi người", nhất là với phụ nữ vì họ là hình ảnh của Mẹ tôi (như là sự sám hối muộn màng vì tội bất hiếu).

Đại phúc thay cho những ai còn đủ cha mẹ, nên trân quý và luôn hành động cụ thể trong khả năng và hoàn cảnh, đừng đợi ngày lễ Mẹ hoặc mùa Vu Lan để mong báo hiếu.

Paris, tháng 08. 2022
HQ

 304Đen – Llttm - BCT

No comments: