NHỚ NĂM THÌN
Gió lạnh, mưa lê thê. Tôi hay tin nạn bão lụt miền Trung quá trễ. Những
con số 7000 người chết, hàng triệu người không nhà cửa đã vượt ngoài sự tưởng
tượng của tôi. Từ hồi lớn khôn đến giờ, tôi chưa từng thấy hàng trăm người chết
– thấy tản mát, lần nào cả.
Sơn
Nam
Trong nghĩa địa, có hàng ngàn ngôi mộ nhưng là những ngôi mộ sạch sẽ,
xác chết nằm yên ấm trong quan tài và trước khi hạ huyệt, người thiện có được
an ủi bằng nước mắt của thân nhân bạn hữu, vài cục đất, vài cánh hoa ném xuống…
Đi viếng một nghĩa đĩa có 7000 ngôi mộ, có lẽ tôi chỉ buồn buồn cho kiếp sống,
thế thôi. Tôi nghĩ đến bảy ngàn – và hơn bảy ngàn xác chết của đồng bào miền
Trung, ở một vùng mà từ thuở bé đến giờ tôi chưa từng đặt chân tới. Cớ sao dãy
núi Trường Sơn lại giận dữ, trở thành một hung thần? Và biển Thái Bình lại trở
chứng đột ngột? Nhưng trách chi núi, trách chi biển! Nếu suy luận miền Nam như
thế, tôi sẽ trở thành một người lẩm cẩm, đóng cửa rút cầu, xa thực tế. Ngày
xưa, đã nhiều người làm văn tế suông với những câu rất sáo lập đi lập lại. Lại
còn những nhà hiền triết ngồi yên ấm bên chén trà nhìn qua cửa sổ để cảm thông
với băng giá bên ngoài. Và những thi sĩ đốt lò hương trầm, uống rượu nồng, thả
hồn đến tận chốn sa trường than khóc giùm các chiến sĩ đang chinh Đông chinh
Tây. Rồi thương tiếc cho những nàng chinh phụ ở nhà đang ôm gối mộng nhìn
trăng.
Không co bài văn tế nào nói hết nỗi đau khổ của kẻ chết, người sống
trong trường hợp đặc biệt này. Bảy ngàn xác chết, nếu chất thành đống, ắt vun
lên như quả núi. Oan ức biết là bao. Suốt 20 năm chiến tranh, họ đã sống, đã
đau khổ, đã yêu nước, đã cày ruộng cuốc đất, để rồi chết vì một lý do tức tưởi
như vậy, trong khoảnh khắc. Lại còn hàng triệu người không nhà. Một triệu tức
là phân nửa dân số Sài-gòn, Chợ-lớn. Tôi chưa hình dung nổi một rừng người đông
đảo như thế. Mấy năm nay, tôi chỉ thấy vài chục người ngủ ngoài lề phố, chung
quanh nhà chú Hỏa Sài-gòn. Vài chục người không nhà, cảnh tượng ấy cũng đủ làm
cho tôi chạnh lòng rồi. Một triệu là bao nhiêu! Nếu họ ngồi đâu lưng với nhau
hoặc nằm gần nhau thì sẽ chiếm bao nhiêu cây số bề dài? Lố bịch quá! Giờ phút
này những con người có lương tâm không được quyền “giải trí” hoặc tò mò “tìm
hiểu” theo lối đó, lối tìm hiểu, giải trí của những kẻ sống ngoại cuộc, thủ lợi,
ích kỷ tột độ và thông minh lặt vặt.
Tôi cúi đầu, cầm viết. Viết hiệu triệu chăng? Tôi chưa đủ thẩm quyền để
hiệu triệu: “Hỡi đồng bào, chúng ta nên…”. Bấy lâu nay, tôi mang chứng bệnh
“suy cổ nghiệm kim”. Tôi sực nhớ đến bài vè về Bão lụt năm Thìn, đăng trong
Revue Indochinoise năm 1904, một loại tạp chí ít ai còn giữ được và xưa kia chỉ
lưu hành trong một số người được thực dân ưu đãi. Sáu mươi năm về trước. Hơn
nửa thế kỷ. Vào thư viện để lục lạo mớ giấy đầy bụi bặm ấy chăng? Để giải trí,
để hoài cổ theo lối quí tộc, sang trọng! Tôi thiếu can đảm để làm chuyện ấy. Ra
ngoài Trung để chứng kiến thảm họa, tìm đề tài chăng? Tốn tiền, vô ích. Tình
thế cấp bách lắm rồi. Sự thật đang diễn biến thiên hình vạn trạng. Nhiều người
chết, không được người sống đếm số – vì xác họ đã mất, mất trước khi người làm
“công việc đếm” chú ý tìm họ. Nhiều người không nhà đang sắp sửa xuống ngủ dưới
lòng đất vì bệnh, vì đói. Nhiều người mạnh khỏe đang trở thành phế nhân. Nhiều
gia đình không còn là gia đình và người gia trưởng đang chết hoặc đã chết. Vợ
con của họ sắp tung ra tám hướng trời; từ buổi này phải xa nhau, tan tác để
mạnh ai nấy tìm sanh kế.
°
Tôi ra đường thở dài. Sở trường của tôi là cầm bút. Cái sở trường ấy nên
sử dụng như thế nào cho có hiệu quả? Viết một bài để cho người còn sống đọc
lên. Những người sống ở xa trung tâm bão lụt, đủ tiền mua báo hoặc đủ thời giờ
mượn báo của người láng giềng mà đọc qua loa. Trời lạnh lắm. Chưa chắc thiên hạ
đọc báo. Tôi tìm một đề tài về bão lụt. Thứ lụt thường niên ở Hậu Giang, vùng
làm lúa xạ, tôi đã thấy rồi. Nó khác hẳn với nạn lụt ở miền Trung. Đài khí
tượng cho biết: Bão có thể thổi qua Sài-gòn nhưng vào giờ chót, bão lại di
chuyển ra miền Trung một lần nữa. Sài-gòn không bao giờ gặp bão to.
Tôi bước lầm lũi, lần hồi đến một ngõ hẻm ở đường T. B. T. để gặp lão Tư
Nê. Lão ở một quê xứ với tôi. Tôi nhớ rõ: vào những năm “thái bình thịnh vượng”
hễ đến đâu lão cũng bàn tới bàn lui chuyện bão lụt năm Thìn, tại Gò Công. Lão
khoe khoang:
– Tôi sống trong cảnh đó mà.
Có người chất vấn:
– Năm Giáp Thìn, đời vua Thành Thái, lão mấy tuổi?
Lão đáp:
– Mười lăm tuổi.
– Bốn năm chục năm trôi qua, làm sao lão nhớ được chuyện hồi thuở mười
lăm?
– Sao không nhớ! Chuyện thiên tai, người ta nhớ đến già, đến chết,
truyền tụng cho con cháu, đâu phải để quên hoặc nhớ lai rai như chuyện trai
gái, chuyện thua cờ bạc. Thảm thiết lắm.
Hồi mấy năm xưa đó, lão phổ biến hai câu hát về bão lụt năm Thìn:
– Gặp mặt em đây, mới biết em còn,
Hồi năm Thìn bão lụt, anh khóc mòn con ngươi.
và:
– Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Gió nào độc bằng gió Gò Công…
Lão nói tiếp:
– Hồi trước, người ta hát: “… Đèn Châu Đốc, Đất nào dốc bằng dốc cho Nam
Vang. Một tiếng em than, hai hàng lụy nhỏ. Có một mẹ già, biết bỏ cho ai.” Sau
trận lụt Gò Công hồi năm Thìn, câu hát sửa lại rằng: “… Gió nào độc bằng
gió Gò Công. Một trận Đông Phong, xiêu vợ lạc chồng. Em ngồi đây mà nhớ lại,
nước mắt hồng tuôn rơi.”
Từ hồi tạm biệt với lão Tư Nê, tôi lên Sài-gòn, thỉnh thoảng lúc túng đề
tài “Chuyện xưa tích cũ”, tôi gợi lại hình ảnh bão lụt Gò Công gọi là để mua
vui một vài trống canh cho thiên hạ. Tư Nê lên Sài-gòn, trễ hơn tôi; hơn bảy
mươi tuổi rồi còn làm ăn gì được nữa. Lão sống nhờ sự “hiểu biết” của đứa con
trai út chạy xich lô máy. Thời buổi loạn lạc, còn hy sinh nuôi cha, còn sống
gần cha là điều hiếm có. Nhà lão khá đông, thêm năm bảy đứa cháu nội; đứa con
trai út có sức xoay trở, giành giựt từng thanh củi quế, từng nắm gạo châu. Mưa
gió bấc năm ngoái, lão Tư Nê trở bệnh ho lao ho tốn gì, tưởng đâu sẽ nằm yên
giấc trên nghĩa địa Chí Hòa. Ai dè trời còn bắt lão sống, sống để mà thông cảm
với nạn bão lụt Giáp Thìn, sáu mươi năm đáo lại. Lần Giáp Thìn này, chắc chắn
là lần Giáp Thìn cuối cùng của đời lão. Tuy ở xa trận bão, lão hãy tin rất sớm
nhờ cái ra-dô Transistor, nhờ hình ảnh trên báo hàng ngày, hàng chục thứ báo.
Thanh niên bây giờ mê “xi-nê-ma” như hồi thuở nọ, lứa thanh niên mười lăm tuổi
của lão mê hát bội. Máy bay bay rền trời, ngày như đêm, nhiều hơn tiếng sáo
diều. Và chung quanh lão, xe hơi nhiều hơn trâu bò ở xóm nhỏ, thuộc tỉnh Gò
Công thời xa lơ xa lắc.
°
– Cháu muốn hỏi thêm về bão lụt Gò Công để đăng báo hả? Xưa lắm rồi.
Đúng sáu mươi cuốn lịch trên nóc nhà.
Tôi hỏi:
– Thưa bác có phải là mấy cuốn lịch Tàu mỗi quyển xem trọn năm, trong đó
nào là tử vi, ngày tốt tháng xấu…
– Âm lịch… nói bậy bạ vậy mà đúng. Bây giờ, thứ lịch đó còn bán lai rai
ở Chợ-lớn, ghi rõ thời tiết từng ngày, phương hướng xuất hành… Mỗi năm, mình
mua một cuốn, xem xong thì treo nó lên nóc nhà. Đúng sáu mươi năm, tức là sáu
mươi cuốn, nếu mình treo đúng thứ tự. Giáp Thìn và Ất Tỵ, Bính Ngọ… thì cứ sao
y bổn cũ mà xài, khỏi cần mua thêm cuốn nào khác. Hồi đó, bác để dành đâu được
bốn chục cuốn rồi chạy giặc liên miên.
– Bây giờ, người ta xài thứ lịch khác…
Tôi nói lẩm bẩm như vậy. Trên nóc nhà lão Tư Nê, có đến hai tấm lịch gỡ
từng ngày nhưng dường như mấy ngày rày con cháu của lão quên gỡ. Tấm lịch này,
ba mươi tháng mười. Tấm kia, ba mươi tháng mười một, có lẽ vì con nít xé quá
nhiều. Lại còn tấm lịch xài mãn năm, dán trên vách, sắp tróc vì keo rã hồ tan
khi mưa bay gió tạt. Tặng phẩm bất ngờ của nhật báo nào đó, phục vụ bạn đọc.
Thanh Nga, Thanh Thúy gì đó cười mơ hồ bên cạnh núi Phú Sĩ Sơn và đảo Hạ Uy Di.
Suốt năm cười mãi.
Lão Tư Nê vụt đứng dậy, chạy ra cửa, quát to:
– Hai, Ba, Hùng… vô đây. Kiếm cái áo khác bận vô. Sổ mũi đó.
Rồi lão day lại phía tôi:
– Mấy đứa cháu nội. Nó liến khỉ, chịu không nổi.
Tôi tìm cách gợi lại chuyện bão lụt Năm Thìn.
– Thưa bác…
– À! Để tôi nói tiếp. Bây giờ khác rồi.
– Thưa bác, nhưng người ta chết ngộp, mất xác như hồi xưa. Nhờ bác nói
lại vài chi tiết… để viết lên báo. Chẳng lẽ cháu ra tận ngoài miền Trung.
– Thì năm đó, cuối tháng Tư chớ không phải tháng Mười. Đầu mùa mưa, ai
cũng tưởng là không có sao. Dè đâu, gió trở ngọn thổi mạnh, từ 10 giờ sáng đến
10 giờ đêm. Nước dâng lên. Người ta hơi lo nhưng an ủi: “Bất quá thì nó ngập
tới bộ ván. Mình lên bộ ván mà ngồi”. Lát sau, người ta nói: “Bất quá thì nước
ngập… tới mái nhà”. Trễ quá rồi. Trời tối đen như mực, vào giờ ngọ, ngửa bàn
tay cung không thấy. Sóng đánh ầm ầm, bể vách nhà, vách bằng lá. Thôi thì chỉ
còn cách lên xuồng ghe mà tản cư, kiếm mấy chỗ có giồng đất cao. Ghe chìm thì
chết. Nếu ghe không chìm thì mình tới một chòm tre ở xa xa. Nhà nơi đó bắt đầu
ngập. Thiên hạ chạy loi ngoi ra ngoài. Gió thổi mạnh, mưa quá lạnh. Họ kiếm gốc
cây to hoặc vách nhà ngói nào đó mà núp. Cây ngã, vách sập. Chỉ còn một cách
trốn tránh sau cùng là nhảy xuống mương, theo kiểu xuống “tăng xê”. Nằm dưới
mương, ít gió, không bị cây đè. Nhiều người mang theo cái nồi, cái chảo bằng
gang mà đội cho chắc chắn. Nhưng nước ngập ao, ngập mương… Con nít, đàn bà, ông
già thì chết tự hồi nào rồi. Mấy người đau ốm thì khỏi cần nhắc tới. Nãy giờ,
tôi nói tới bọn đàn ông trai tráng, vai u thịt bắp…
– Thưa bác, họ lội hoặc tìm khúc cây, miếng ván mà nương tựa…
Lão Tư Nê lắc đầu:
– Tay chân họ tê cóng rồi. Nãy giờ ngồi đây, xa trận bão hàng ngàn cây
số, cháu thấy không? Bão đã tan, bão đã đi xa mà mình hãy còn lạnh huống gì ở
tại chỗ. Thí dụ như bây giờ, cháu nhảy vô lu nước mà ngâm mình, chừng vài phút
đồng hồ thôi. Bụng đói, người ta chịu lạnh dở lắm. Người ta van vái Trời Phật,
ông bà đất nước. Nhưng giữa ban ngày, trời tối mù mịt. Người ta đâu phải là vật
vô tri vô giác, kẻ tán tận lương tâm nhứt cũng nhớ tới vợ, tôi con, tới cha mẹ.
Cha mẹ chết từ nãy giờ rồi. Họ mất tinh thần. Ngoài ra, đồng ruộng ngập nước.
Trâu bò là giống vật mạnh mẽ, lội giỏi nhưng không thấy con nào nổi trên mặt
nước. Tụi nó chìm hết rồi. Chỉ còn vài người cuối cùng, trên biển, thứ biển đầy
sóng gió, lạnh như nước đá, thứ nước đá màu đen. Họ chưa lội, chưa quơ tay quơ
chân là đã chết chìm rơi xuống đáy nước như cái thây ma. Chẳng một ai nghe
tiếng than khóc của ai. Lạnh tê môi, làm sao khóc ra tiếng? Vài người còn sống
sót, nhờ họ cỡi trâu lúc trận bão vừa mới tới. Trâu chạy rồi trâu lội qua phía
Mỹ Tho. Còn những người sống sót khác… họ có phước vì hôm đó không có mặt tại
vùng biển Gò Công. Họ đi thăm bà con từ hôm trước. Lại có nhiều người từ xứ
khác tới Gò Công để… lãnh đủ, một thuyền một hội.. Giáp Thìn mà! Tôi tin rằng
lịch của ông bà để lại ít khi sai chạy…
Tôi im lặng, chẳng biết hỏi lão Tư Nê điều gì nữa. Gió lại thổi, mưa rơi
lắc rắc, không thêm không bớt. Mưa còn dai dẳng tới bao giờ? Lão nói to giọng,
như muốn bước qua giai đoạn xã giao khác, đuổi khách:
– Hết rồi.
– Thưa bác, sau trận lụt đó, thiên hạ làm sao mà sống?
– Thì tạm vui mà sống. Năm đó, nhà nước Tây cai trị. Tây nghèo lắm. Từ
Mỹ Tho, dường như chỉ có một chiếc tàu đò chạy qua Gò Công. Ở Mỹ Tho, thiên hạ
cũng đói rách. Xuồng ghe đều bị quăng lên bờ. Nước rút lần hồi. Mùa màng sạch
bách. Thôi thì móc củ co, câu cá, nấu canh bông súng mà ăn trừ cơm. Cá nhiều
lắm. Nhiều thứ cá lạ, lội từng bầy. Nghe đâu mấy bầy cá đó từ Biển Hồ lội
xuống. Đất bỏ hoang. Nhiều làng không còn một người, không còn một căn nhà.
Ruộng đất vườn tược đều vắng chủ. Nhà nước Tây ra lịnh: “Ai muốn khẩn thì khẩn,
ghi tên vô bộ mới, làm chủ, miễn là đóng thuế cho nhà nước”. Nhưng ai thèm. Đau
xót nhứt là mấy người còn sống. Họ phải sống để thấy cảnh bọn… bất lương. Họ vớt
thây ma để lột vòng vàng bán ăn, khỏe thân hơn làm ruộng. Thời xưa, mấy người
khá giả luôn luôn đeo vàng trong mình. Hết vòng vàng thì họ vác búa mà bủa mấy
cái tủ kính, tủ cẩn trôi lều bều. Trong tủ đó, có thể còn quần áo thứ mắc tiền
và tiền bạc. Nhưng trách ai bây giờ? Nhiều người lương thiện bỗng trở nên bất
lương. Và nhiều người bất lương nhưng trở thành lương thiện, đâm ra tay cứu
vớt… mấy xác chết đem chôn cất, suốt ngày đêm. Chôn người rồi lại chôn trâu bò.
Trâu bò chết, sình hôi thúi nực nồng, quạ ăn không hết vì quạ chết trong cơn
bão. Thôi! Chuyện xưa nói bao nhiêu đó cho cháu nghe, nhiều rồi. Thời nay, khác
hơn. Xứ mình có giặc.
°
Tôi ra về cứ ngậm ngùi nghĩ mãi về lời nói của lão Tư Nê. Bão lụt ngày
xưa và ngày nay có khác gì nhau không? Có khác chăng thì chỉ khác về chi tiết,
chứ cảnh chết chóc thì cũng giống như nhau. Trời cứ mưa và cứ lạnh. Xe cộ qua
lại ầm ầm. Những người ấm áp. Những người lạnh lẽo. Mỗi người một số phận. Thời
nay, khác hơn. Hoài cổ là vô ích và lắm khi đưa chúng ta đến một nhận định sai
sự thật. Thân xác con người cũng mới, với những đòi hỏi mới, những đau khổ mới
– những đòi hỏi những đau khổ thật sự hoặc giả tạo “khôn sống bống chết, mạng
ai nấy lo, hồn ai nấy giữ”. Cái phương châm xử thế ấy lại hiện ra trong tâm trí
tôi. Nó dã man, vô nhân đạo nhưng lắm khi nó được… đề cao, trở thành một nguyên
tắc của kẻ muốn thành công trên đường đời! Tôi tin rằng giờ phút này người Việt
Nam đã “xét lại” phương châm “sang trọng, khôn ngoan ấy”. Nhưng chẳng lẽ mọi
người đều… treo cờ tang, ngồi nhà mà mặc niệm. Lại một hình thức dối lòng, dối
mà không biết rằng mình dối. Khóc lóc, rên rỉ là vô ích. Làm sao khóc được khi
tình cờ trong những ngày này, có người gặp chuyện may mắn lặt vặt. Cuộc sống là
cuộc sống. Tân nhạc, cổ nhạc… cứ hát lên đi! Báo hàng tuần, báo hàng ngày, cứ
cạnh tranh sanh tử với nhau đi! Ai thèm rượu thì cứ uống. Ai có mền ấm thì cứ
đắp! Vấn đề không phải là khóc lóc mà là một sự tổ chức khoa học. Người đang
uống rượu, người đang hát, người đang đắp mền, người đang thất nghiệp đều muốn
giúp đồng bào. Chỉ cần tổ chức đừng câu nệ hình thức. Kẻ hoang phí đang muốn
mua giấy số.
Gió cứ thổi. Tôi về đến nhà. Viết xong chuyện bão lụt rồi. Viết qua
chuyện ma, không bao giờ có. Viết qua chuyện tâm tình gỡ rối. Tâm tư bị xé ra
muôn mảnh. Và bài này có đủ năng lực hấp dẫn ai không? Tôi hy vọng nó chỉ là
nén hương ngắn ngủi, đốt quá muộn, không an ủi được kẻ chết nhưng họa chăng nó
nhắc nhở cho một đời người còn sống lưỡng lự khô khan… chờ đợi. Một đôi người
không phải ở miền Trung, nhưng đương sống ích kỷ tại Sài-gòn. Như tôi chẳng
hạn.
Sơn
Nam
304Đen – llttm- sgtc
No comments:
Post a Comment