Friday, August 12, 2022

Vạn nẻo Vô Thường - Vinhuy Le

 

VÉN NẺO VÔ THƯỜNG

 

Cuối thế kỷ 19, có một thanh niên Trung Hoa từ bỏ mảnh đất Phúc Kiến loạn lạc khốn khổ để sang xứ An Nam, lần xuống vùng Nam kỳ Lục Tỉnh mưu sinh. Nhờ có chút chữ nghĩa, lại biết xử dụng bàn toán, chàng Hoa kiều được một chủ chành(1) ở Trà Vinh thu nhận, cho làm “tài phú”(2). Được một thời gian, thấy người tài phú đã thật thà lại siêng năng giỏi giắn, ông bà chủ chành bèn gả con gái cho.

Vinhhuy Le

 

Đôi vợ chồng người tài phú ra riêng, chồng bắt mạch hốt thuốc, vợ buôn hàng xén, lần hồi cũng lập nên cơ nghiệp, tậu thêm ruộng vườn. Trong mười bốn người con của họ, có hai anh em sinh đôi nổi tiếng hào hiệp trượng nghĩa.

Cậu Sáu An sớm thành gia thất, còn cậu Bảy Bình tính thích bay nhảy, chưa muốn vướng vòng vợ con lẩn quẩn. Cả hai đều theo nghề thương lái để rộng cẳng giang hồ.

Một hôm, khi cho ghe đi ngang vàm Trà Cú, Bảy Bình tình cờ gặp một thiếu nữ đang giặt đồ dưới bến sông. Cậu than với anh:

– Rồi, chắc đời tui neo lại bến này thôi, anh Sáu ôi!

Chỉ nói vậy rồi cậu nhảy tót lên bờ, lần theo dò hỏi thân thế cô gái, để người anh một mình dẫn đoàn ghe thương hồ đi tiếp.

Cô gái nọ là con một chủ điền trong vùng. Cô cũng là con thứ bảy trong nhà, tên Phương. Cô đẹp người lại tốt nết, thùy mỵ đảm đang, được nhiều người ngấp nghé nhưng chưa hề để mắt tới ai.

Bảy Bình say người đẹp, liền xin vào làm thuê cho nhà nàng. Chưa đầy nửa năm sau, cậu đã được ông chủ điền tin cậy cất nhắc, giao cho việc trông coi sổ sách trong điền.

Phần ông tài phú họ Huỳnh, hay tin Bảy Bình mang thân đi làm mướn, lúc đầu ông giận lắm, nhưng sau đó nghĩ lại, cho rằng con mình đã gặp người vừa duyên phải lứa, ông đổi giận làm vui, chọn ngày lành để sang nhà ông chủ điền họ Lưu xin kết thông gia.

Hôm ấy, trong điền có con trâu nổi chứng, hễ gặp người là chém, làm náo loạn cả cánh đồng. Bảy Bình nổi hứng trổ oai, xoay trần quần nhau với trâu dữ cả buổi mới hàng phục được nó. Khi người nhà ra tìm, cho hay là hai họ đang giáp mặt bàn chuyện lứa đôi cho mình, Bảy Bình chỉ kịp nhảy tùm xuống ao, hụp đầu vài cái để rũ bùn rồi hộc tốc thay đồ chạy về. Chàng rể ra mắt nhạc gia, đầu tóc sũng nước, quần áo còn ngầy ngậy mùi bùn non ngoài đồng. Chừng bấy giờ ông bà chủ điền mới hay chàng trai mấy tháng nay làm công cho nhà mình là công tử con nhà tài phú. Cô Bảy Phương cảm động trước tấm chân tình của chàng trai, mới ưng lời vầy duyên cá nước. Họ sinh được một cô con gái, gia đình êm ấm no đủ yên vui, cho đến khi…

Đang thời ly loạn mà hai cậu Sáu An và Bảy Bình cứ đi ghe hoài, người thân can ngăn mấy cũng chẳng được. Họ có cái lý riêng: Thời buổi hiếm ai đi thương hồ mà mình dám đi thì mới được lãi nhiều. Và rồi tai họa đã xảy ra, làm tan nát cả một dòng tộc.




Ngày nọ, khi họ dẫn đoàn ghe ghé chợ Phong Thạnh thuộc huyện Cầu Kè thì nhằm ngay lúc Việt Minh rải truyền đơn trong chợ, Tây đang dẫn lính đi lùng. Thấy hai người mặt mày sáng sủa khôi ngô, viên sĩ quan Pháp ngờ là Việt Minh(3), liền ra lệnh bắt họ. Người cùng đoàn thương hồ của hai anh em nghe kinh động, vội vàng lui ghe, nên được an toàn cả nhóm. Còn hai chàng trai bị trói gô lại, quan Tây lập tức cho hành hình, không cần xét xử.

Đao phủ là một người Khmer, y không phải dân giết người chuyên nghiệp, nên chỉ biết nghiến răng nhắm mắt phạt đại mã tấu ngang thân hai người. Chừng ngó lại thấy hai cái xác đứt làm bốn, ruột gan tuôn lòng thòng, người đao phủ trợn trắng rú lên kinh hoàng, y rụng rời làm rớt thanh mã tấu. Công xá quan Tây thưởng đãi cho chỉ là lít rượu đế, người Khmer uống đến say mèm, hết biết trời trăng. Đến đêm, y đào ngũ trốn về phum sóc, từ bỏ nghiệp theo Tây. Hai anh em Sáu An, Bảy Bình trước sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày, vậy là nay chết cũng cùng giờ cùng ngày cùng tháng cùng năm, lúc mới ngoài ba mươi tuổi. Tình huynh đệ đồng sinh đồng tử được vậy kể cũng là trọn nghĩa, nhưng chỉ thương cho những người thân ở lại phút chốc hóa bơ vơ.

Ông Huỳnh tài phú phẫn uất và đau lòng vì mất cùng lúc hai người con, quyết chí tái di cư. Được những anh em trong bang hội Hoa kiều giới thiệu, ông mang theo ít vàng bạc, dắt theo cậu con út, xuống thuyền tìm đường sang Cựu Kim Sơn, định khi quen thung thổ Hoa Kỳ sẽ dời cả dòng họ qua theo. Song dọc đường ông bị ngã bệnh rồi mất, người con út theo cha từ đấy cũng bặt tăm hơi, tuyệt không ai biết cậu mất hay còn. Bà tài phú từ đấy xuất gia, mượn câu kinh tiếng kệ để nguôi quên thế sự vô thường.

Sáu An mất đi, để lại cho đời được ba đứa con. Bảy Bình thì chỉ có mỗi mụn con gái. Cô Bảy Phương hôm ấy dắt con xuống bến sông đón ghe chồng về, tưởng đâu được mừng họp mặt, nào dè lại hay tin dữ chồng chết chẳng toàn thây. Đau thương quá độ, người quả phụ sinh trọng bệnh, mấy tháng sau cũng nối gót theo chồng. Bé Ánh – con Bảy Bình và Bảy Phương – mới vừa 8 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, không anh chị em ruột rà, một mình cui cút giữa quê nghèo bộn bề giặc giã.

Cô bé được người dì mang về nuôi. Ông bà ta thường nói: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, nhưng bé gái sẩy cả cha lẫn mẹ nên phải tự mình cậy mình. Ở nhà quê, người ta lại càng ham công tiếc việc. Tự biết phận mình nên mới tí tuổi đầu bé đã phải quán xuyến việc nhà: giữ em, tắm heo, chăn trâu, nấu cơm, giặt giũ… Người cô thứ Mười Một của bé sang thăm, thấy đứa cháu mình ốm nhom đèo đẹt, da đen khét nắng, tóc cháy đỏ như râu bắp. Đang giữa trưa mà bé phải na từng nạm rơm đút vô lò nấu nồi cơm to đùng, cơm chín thì bơi xuồng mang ra đồng cho hơn hai chục người lớn dùng bữa.

Cô Mười Một bèn khăng khăng mang cháu bé về chăm nom, người trong nhà chủ điền họ Lưu ngại mang tiếng bạc đãi cô nhi nên xúm vào ngăn cản quyết liệt. Mười Một tuy là phận nữ nhi nhưng có lá gan hảo hán, nhà họ Huỳnh xưa kia từng nuôi võ sư Tàu để truyền võ nghệ cho 14 anh em, thì cô Mười Một là đệ tử ưng ý nhất của thầy Tàu. Bị cả đám đông hùng hổ bao vây, cô một tay dắt cháu, một tay rút dao phay chém phập dính cột nhà, buông lời thề độc:

– Mười Một này thề suốt đời không lấy chồng, quyết một dạ ở vậy nuôi con Ánh, con anh chị Bảy, cho đến ngày nó lớn khôn. Nếu sai lời thề, xin chết không đất chôn. Còn bữa nay, như người nào muốn cản tui mang cháu đi, Mười Một xin phép bửa đầu kẻ đó!

Sau khi Sáu An và Bảy Bình mất, cô Mười Một tập hợp những người thân tín, lại thay hai anh chỉ huy đoàn thương buôn len lỏi ngược xuôi kênh rạch sông hồ. Về với cô, bé Ánh được rày đây mai đó, tuy mải miết kiếp lênh đênh, thời gian sống dưới ghe nhiều hơn ở trên bờ, lại không có bạn đồng lứa tuổi, nhưng bé lấy làm sung sướng lắm, vì đã có vòng tay cô vững chãi đùm bọc.

Nhưng những ngày tươi đẹp của cô bé chẳng được bao lâu. Do lao tâm lao lực dãi nắng dầm sương quá độ, chỉ vài năm sau là cô Mười Một từ trần. Lúc lâm chung, cô cầm tay bé Ánh dặn dò:

– Mệnh trời không cho cô được chăm sóc con đến ngày khôn lớn rồi, thôi thì cô cháu mình từ đây chia tay. Con ở lại phải ráng sống sao cho khỏi thẹn là con của Bảy Bình, là cháu cưng của cô Mười Một, nghe không!

Lại một lần nữa bé Ánh quấn lên đầu vòng khăn tang, đưa tiễn người thân về cõi vĩnh hằng.

Năm 12 tuổi, có người bà con xa về quê chơi, khi trở lên Biên Hòa đã dắt Ánh theo. Từ đấy, cô bé đi ở đợ tự nuôi lấy thân. Sáng dọn hàng cho sạp vải của người bà con ở chợ Biên Hòa, xong rồi đi gánh nước, rửa bát thuê cho tiệm hủ tiếu, tối đi học nghề may.

20 tuổi, cô mở được một hiệu may ở cạnh rạp hát Biên Hùng. Con bé nhà quê đen nhẻm gày guộc khi xưa giờ đã thành cô Hai Ánh hoa khôi xứ bưởi. Các sĩ quan, danh ca, bác sĩ, kỹ sư đua nhau lượn lờ, xe hơi choáng lộn xếp hàng dài trước cửa hiệu may mong được rước người đẹp về dinh, nhưng tất thảy đều bị cô gạt phắt sang bên để đến với một anh trai Tàu cục mịch quanh năm chỉ vận độc may ô quần đùi đẩy xe nước mát bán rong.

23 tuổi, cô về làm dâu một gia đình người Hoa nhiều khuôn phép khắc nghiệt. Rồi năm sau, cô sinh ra… tôi.

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ thường kể chuyện bên dòng họ ngoại cho tôi nghe. Mẹ kể những đau thương bằng giọng tỉnh rụi, cứ như chuyện của ai ai ấy, chẳng liên can gì đến mình. Những gian truân lầm than của đứa trẻ mồ côi một thân chèo chống xuôi ngược chợ đời khiến tôi “bức xúc”, thường giậm chân trách mẹ:

– Sao lúc đó… lúc đó… mẹ không kêu con để con giúp mẹ?

Mẹ tôi cười ngất:

– Lúc đó mày còn ở dưới mắt cá mẹ, đã chui ra đâu mà giúp với đỡ!

* * *

Ngày hòa bình thống nhất, mẹ thắp nhang vái van ông bà ngoại tôi, rằng đất nước nay đã an bình, đúng như tâm nguyện của cụ cố tôi khi xưa đặt tên cho hai người anh em sinh đôi. Mẹ vui vì từ nay các con của mẹ sẽ không phải chịu đau khổ vì tai nạn chiến tranh như đời mẹ và cha ông xưa.

Ba ngày sau đó, ba tôi gom vàng bạc trong nhà toan bắt mối đưa cả gia đình ra nước ngoài. Đời ông bà nội tôi cũng vì họa cộng sản Trung Quốc mà hóa phải mồ côi, lưu lạc sang vùng đất phương Nam này; giờ lại thấy Cộng quân nắm quyền nên sợ lắm, phải lo mà tái di cư. Nhưng đang đi nửa đường thì ba bị xe GMC do các chú bộ đội điều khiển cán phải, họ chạy xe giữa đường phố mà lại phóng loạn xạ tưởng như giữa rừng Trường Sơn nên đã cho xe nghiến lên ba tôi. Chiếc 67 của ba nát bét, sau đó chỉ có thể mang cân sắt vụn. May mà ba tôi không chết, nhờ có người qua đường sau khi vét sạch vàng bạc trong người ba, đã động lòng hảo tâm gọi điện báo tin cho mẹ tôi hay, kịp đưa ba đi bệnh viện.

Tai nạn làm gương mặt ba biến dạng ghê gớm, em gái tôi sợ hãi khóc thét khi nhìn thấy ba. Cả hàm răng trên của ba sụp xuống phải dùng niền inox gá lên; một chân ba bị gãy xương, tuy nối lại được nhưng trật khớp, từ đó ba tôi chỉ có thể đi cà nhắc chậm chạp. Gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ tôi.

Một năm sau, cả nhà tôi bồng bế nhau về quê ngoại sinh sống. Với chút tư trang còn sót lại, ba mẹ tôi mua mảnh vườn và khai khẩn thêm. Mua xong mảnh vườn thì trong nhà tôi chẳng còn lại gì, cả nhẫn cưới của ba mẹ cũng không còn. Tôi và thằng em thứ nhỏ hơn tôi một tuổi phụ mẹ rà miểng bom, vỡ đất, đào mương. Cả nhà gồm ba mẹ và năm anh em tôi phải chen chúc nhau sống trong căn chòi lá tạm bợ như chuồng heo, chỉ vừa đủ chỗ kê cái giường và quây bồ đựng lúa. Những lúc gia đình lâm cơn túng đói ngặt nghèo, mẹ tôi vẫn cười hồn hậu:

– Ráng lên, nhà mình nhất định sẽ qua được đận gian lao này! Ngày xưa mẹ chỉ một mình tứ cố vô thân còn sống được, huống chi nay cả nhà có đến 7 người chung sức chung lòng…

Mùa rẫy đầu tiên, nhà tôi trồng cải bắp. Đất tốt nên cải lên xanh mượt, bắp cải nào cũng xanh mởn ngon muốn cắn, nặng trìu trịu. Ba mẹ con thuê xuồng chèo qua chợ Đại Ngãi bên Sóc Trăng bán, bị chủ vựa ép giá, mẹ quyết định mang ra đầu chợ ngồi bán lẻ từng bắp một, nhờ vậy mà có được đồng lời đủ tiền mua hạt giống mới và phân bón cho mùa sau, lại còn sắm được cặp heo con.

Đêm, mẹ thường thắp nhang, khấn vái rất lâu. Tôi hỏi mẹ vái gì, mẹ mỉm cười:

– Mẹ vái cầu ông bà ngoại phù hộ độ trì cho nhà mình…

Một hôm, mẹ mơ thấy ông ngoại tôi và ông Sáu về than, hai anh em nằm ngoài bờ bụi trơ vơ lạnh lẽo lắm, hai ông bảo mẹ tôi rước hài cốt hai người về. Trong mơ mẹ tôi hỏi làm sao mà tìm được cốt, vì mẹ nhớ ngày xưa khi ông nội mẹ – cụ tài phú họ Huỳnh – đích thân đi lãnh xác con mà không được, còn suýt bị Tây bắt. Trải qua bao khói lửa đạn bom cày xới vùng quê, biết tìm đâu được nắm xương tàn của hai ông đây! Mẹ kể:

– Ông ngoại con nói là cứ tìm người hồi xưa chém hai ông thì sẽ gặp!

Mẹ tin vào giấc mơ ấy lắm, làm tôi cũng nôn nao xốn xang trong dạ. Mẹ còn nhắc hồi xưa ông ngoại sau mỗi chuyến đi buôn về thường đặt mẹ ngồi lên vai, cõng đi khắp xóm. Trong nhà chẳng còn đồng bạc nào, mà chuyến đi tìm ông ngoại phải dài ngày họa may mới mong tìm đặng. Gần nhà có ông cán bộ xã muốn vét hồ cá tra nhưng ai nghe cũng gớm, chẳng ai chịu nhận làm. Hồ cá nhà ông ta đào cạnh lộ, người đi đường mà chột bụng chỉ cần xé lá chuối khô rồi bước vào an tọa. Đã vậy, ông ta còn xây thêm chuồng heo trên ao cá. Đứng cách ao cả công đất còn nghe mùi cuồn cuộn…

Tôi và thằng em đến đòi giá cao, ông cán bộ bấm bụng ưng thuận.

Lúc mới đặt chân xuống đáy ao, tôi gớm đến nổi rùng mình ớn lạnh, chỉ muốn lộn mửa, nhưng sau một hồi thì quen, tay gàu sục bùn lỏng xúc quăng lên lia lịa. Thứ bùn ao cá cầu tiêu nó bầy nhầy, lỏng bỏng, trơn nhớt… Lúc khom xuống múc bùn, thấy phân người phân heo xanh xanh vàng vàng còn đọng lại lợn cợn lềnh bềnh ngang mũi, tôi bật cười, nói với thằng em:

– So với anh em mình thì thằng Câu Tiễn là đồ bỏ!

Làm chỉ hai ngày là xong cái ao cá vồ, lãnh được món tiền cũng bộn, đủ cho chuyến đi tìm rước ông ngoại. Có điều, cả tuần sau, trên người hai anh em tôi vẫn còn vương vấn mùi phân…

Bơi xuồng đến chợ Phong Thạnh hỏi thăm thì hai mẹ con càng xanh mặt rởn ốc cục vì sự linh hiển của ông ngoại: Quả nhiên, người đàn ông đao phủ Khmer khi xưa chém ông ngoại hiện vẫn còn sống! Ông lão giờ dở điên dở tỉnh, không vợ con thân thích, đang ăn xin ngoài chợ. Khi nghe mẹ tôi hỏi thăm chuyện xưa, ông vùng trợn trắng, giãy đành đạch như con cá lóc bị ai đập đầu. Mẹ tôi cạo gió, giựt tóc mai cho ông cả tiếng đồng hồ ông mới hồi tỉnh, và rồi ông tỉnh hẳn lại, đứng phắt dậy dắt hai mẹ con tôi đi vùn vụt, phăng phăng băng đồng lướt bụi. Đến một thẻo đất um tùm ô rô cóc kèn bên bờ sông Phong Thạnh, ông nhảy loi choi:

– Đây, đây, ở đây. Hai người. Đổ ruột. Giống con trùn bị ngắt làm đôi. Tui nhớ, nhớ kỹ lắm. Người bị tui giết đó.

Ông phụ chúng tôi đào lên. Bàn tay khi xưa vung mã tấu lên giờ run rẩy xắn lưỡi leng xuống. Đất mềm nên cũng dễ đào, chỉ độ hơn nửa tiếng là chúng tôi thấy hai bộ hài cốt đen thui như gỗ mun chung một chỗ nằm, lẫn lộn vào nhau. Cặp anh em sinh đôi này đến chết vẫn còn quấn quýt thâm tình ruột thịt. Lạ thay, gần 40 năm vùi trong đất bùn mà xương cốt hai ông vẫn chưa phân hủy, ý hẳn chờ người thân tìm đến rước về. Mẹ nhận ra bốn cái răng vàng của ông Sáu, còn thì chia đều ra làm hai gói. Gói có răng vàng để dành trao lại cho mấy người dì con ông Sáu, nay đã là mệnh phụ cấp huyện, dì Ba Hà còn có người con bằng tuổi tôi đang du học đâu ở xứ Bún-cà-ri.

Cuộc đi tìm di cốt ngỡ phải mười bữa nửa tháng, dè đâu chỉ hơn nửa ngày là hoàn thành. Mẹ tôi trút hết món tiền làm lộ phí cho ông lão Khmer. Phải là con mẹ mới biết món tiền đó nặng cỡ nào. Mẹ tôi tiện tặn cả đời, bòn mót được đồng nào là dành dụm để lo cho các con. Thèm ăn hủ tiếu, nhưng khi sáng đãi ông lão, vào quán mẹ chỉ gọi có hai tô. Một tô phần ông lão, tô kia sớt làm đôi mẹ con chia nhau. Chịu ảnh hưởng từ mẹ mà đến giờ tôi vẫn có thói quen ăn cơm không để rớt nửa hột; vào quán xá ăn sáng, tôi húp sạch đến cặn chẳng sót miếng nước lèo; uống cà phê là phải nhai đến cục nước đá cuối cùng, quyết không chừa lại dù chỉ hạt đường dưới đáy ly. Các chủ quán quen thường trêu tôi: Bán hàng cho tôi rất khỏe, khỏi phải rửa lại tô với chén, ly với tách chi cho mệt, vì chúng sạch boong cả rồi!…

Mà số tiền đó lại là tiền công vét phân cho người ta của hai anh em tôi, nên tôi xót lắm, trong bụng tính thầm: Lát nữa phải tìm cách để mẹ đi về trước, còn mình lộn trở lại chặn đường lão Khmer này để trấn lại phân nửa, nhiêu đó cũng là quá lắm rồi!

Nhưng ông lão ăn xin không chịu cầm lấy, ông sụp xuống lạy mẹ tôi làm hai mẹ con tôi hoảng hồn phải quỳ xuống lạy trả. Lạy qua lạy lại một hồi, tôi chịu hết xiết, xốc nách ông dậy:

– Nghiêm, đứng thẳng, đứng!

Mẹ vừa khóc vừa siết chặt đôi bàn tay từng vấy máu ông ngoại tôi:

– Bác ơi, chuyện ngày xưa cũng qua lâu rồi, giờ bác chỉ giùm cho cháu lấy được hài cốt cha cháu về thì bác là người ơn của gia đình cháu. Số tiền này bác cứ nhận đi, coi như là nhận để xóa bỏ chuyện xưa lắc xưa lơ cho nhẹ lòng, mà cha với bác của cháu  ở dưới đó cũng được an dạ.

* * *

Sau đó, mẹ con tôi về bên Trà Cú cải táng cho bà ngoại, rước bà về nằm cạnh ông ngoại (và có thể, cũng có cả một phần của ông Sáu tôi nữa).

Lấy cốt ông ngoại về được hai tháng thì ông lão Khmer qua đời. Nghe nói những ngày cuối đời ông không còn điên điên khùng khùng nữa, ông cạo đầu vào chùa tu và được hỏa táng trong chùa Khmer.

Hàng năm, đến ngày giỗ ông ngoại, bao giờ mẹ tôi cũng không quên khấn ông lão Khmer về uống chung với ông ngoại và ông Sáu ly rượu. Mẹ nói:

– Chết rồi thì mấy ông gặp nhau cũng kết làm bạn bè với nhau chứ kể gì ân oán hồi còn sống chi nữa!

Vinhhuy Le

 (1) Vựa buôn lúa.

(2) Kiểu như thư ký, kế toán.

(3) Ở đây, tôi chỉ ghi lại theo lời kể của các ông già bà cả, chứ quan niệm mỗi thời mỗi có khác nhau. Thời nay thì cán bộ nào không có cái mặt… ngu ngu thì không phải thế cán bộ. Xin phép nói rõ: Sở dĩ ngu ngu là do vì quanh năm suốt tháng chỉ biết có ăn với nhậu, hê hê!

VĨ THANH

Truyện ngắn này, tôi viết hồi tháng 3-2011. Gõ một mạch, viết đến đâu nước mắt lăn dài đến đó. Xót ông bà ngoại, thương phận mẹ, và tủi cho kiếp mình.

Tôi viết để tự nhắc nhở mình phải nhớ lấy lời mẹ dạy: đừng nuôi oán thù.

Sống được ngày nào thì mở lòng ra yêu lấy và tận hưởng thế gian này. Kiếp người vốn ngắn ngủi như gió thoảng bên thềm, sương tan buổi sớm. Cưu mang thêm cừu hận chỉ làm chính kiếp sống mình thêm oan trái nặng nề.

Nhưng không phải vì muốn xua đi năng lượng xấu đi mà cúi đầu cam chịu bất công, để mặc cường bạo hoành hành. Mẹ ơi, mẹ còn nhớ không, hồi đó ngăn sông cấm chợ, nhà mình gom tiền mua lúa đặng về quây bồ dự trữ. Miền tây này nước lành trái ngọt, chỉ cần có bồ lúa đủ ăn một năm trong nhà là đủ, còn thức ăn thì cứ nhảy xuống mương rạch, chịu khó lặn lội vài khắc là đủ soạn mâm cơm.

Vậy mà ghe lúa nhà mình bị chúng nó chặn bắt, hai mẹ con bị vu là gian thương phải bị giam trong văn phòng hợp tác xã. Nửa đêm nước lớn, mẹ con mình cởi trói, tháo ghe xuôi dòng về nhà, con chống sào đằng trước, mẹ bẻ lái đằng sau, tay lăm lăm dao bầu, nhứt định nếu chúng nó dám rượt theo là đuổi bắt là ra tay chặt phăng vài thủ cấp, cho biết dòng dõi Bảy Bình không phải thứ con sâu cái kiến cam chịu khuất nhược. Lúc đó, con đã cười sặc, sảng khoái ghê gớm khi nhìn mẹ khẳng khái huơ dao nửa vòng trước mặt:

– Mẹ bà nó, thử đi thì biết. Người chết thì lúa này mới chịu mất!

Mẹ sẵn sàng bỏ qua nhát mã tấu giết chết ông ngoại, nhưng quyết không khoan nhượng, cam để bọn cường Cộng cướp đi bồ lúa nuôi sống các con mẹ. Nếu cần, mẹ con nhà mình sẵn sàng hiện nguyên hình thảo dã, chẳng ngán đứa nào…

* * *

Giờ thì mẹ đã lẫn, quên nhiều hơn nhớ. Chuyện năm bảy chục năm trước mẹ nhắc rõ rành từng chi tiết nhưng lại không biết mình sáng nay đã ăn gì chưa. Có lúc, mẹ ngỡ ngàng nhìn con chẳng biết là thằng nào, con nhà ai sao lại bóp chân cho mẹ. Gần 80, mẹ không còn thể tự tay bưng ly nước chén cơm, bước đi cũng phải tập lại từ đầu, chập chững như thuở sơ sinh đến thế gian này.

Không oán không hờn, không thương không luyến, mẹ tôi đang dựa lưng ra ghế, nhẹ nhàng ngắm mây chiều rực rỡ phía chân trời.

Vinhhuy Le

Nguồn: Facebook Vinhhuy Le

 304Đen – llttm- sgtc

No comments: