Hồi ức tuổi thơ: QUA ĐÒ BẾN ĐÌNH*
Quê tôi thuộc làng Rừng
Da, xã Lợi Thuận, quận Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Trước 75 ít người biết tên nầy vì nó nằm sát biên giới
Campuchia, là một làng nhỏ, giữa quận Gò
Dầu và Bến Cầu. Không giống với những làng khác, làng tôi không có tổ chức
chánh quyền, không luật pháp nên thường xuyên xảy ra những vụ thanh toán, giết người. Thêm vào
đó là nạn cướp của sát hại người ban đêm gây kinh hoàng cho người dân nghèo khổ
lại càng đau đớn hơn, bắt đầu từ 1945 kéo dài gần 20 năm. Nhiều gia đình không
có đủ cơm ăn áo mặc, trong đó có chúng tôi. Đã có một số gia đình âm thầm rời bỏ
làng di tản về quận Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu hoặc Tây Ninh . Sống trong cảnh nghèo khổ lại mất an ninh, mạng sống
con người coi như cỏ rác nên ba má tôi quyết định bỏ nhà cửa ruộng vườn di tản
về tỉnh lỵ Tây ninh, tạo dựng lại cuộc đời mới trên vùng đất hứa .
Ba tôi xin làm công
nhân cho nhà máy điện “Nhà Đèn” Tây Ninh, nhiệm vụ đi thu tiền điện hàng tháng,
nhưng may mắn được sở cấp cho nhà ở ngay trong khu vực nầy. Tôi từ giã nếp sống
nhà quê, không còn mò cua bắt ếch trên miếng ruộng gần nhà nữa. Sống gần 6 năm
tôi không thấy ba tôi liên lạc với ai nơi quê nhà, cũng không mời bà con họ
hàng thăm viếng vì theo tôi hiểu thì gia đình quá nghèo nên ba chẳng muốn liên lạc với ai. Vậy mà… một buổi chiều
khi cơm nước xong, chợt có một người khách lạ tìm đến nhà gặp ba tôi, nói chuyện
đôi điều rồi xin ở lại chơi 2 ngày. Ba tôi cho biết ông khách nầy là người cùng
làng ngày xưa. Riêng tôi cảm thấy ngờ ngợ, hình như đã gặp ông đâu rồi mà nghĩ
mãi không ra: một nốt ruồi to bên má trái với 2 hàng mi đen sậm tua tủa. Khi
ông sắp từ giả ra về, ba tôi kêu tôi bảo
đi theo ông nầy về quê đòi một số tiền
50$ của một người hàng xóm ( 50$ thời bấy
giờ có giá lắm). Ba tôi gởi gắm ông, đi đường coi chừng dùm thằng nhỏ ! Lúc nầy
tôi cũng đã lớn, 13 tuổi, đang học đệ thất công lập TN ( năm 1955). Anh yên chí
tôi sẽ chở cháu tới nhà cũ, đừng lo, ông
khách trả lời.
Ông khách đi xe đạp đàn ông, tôi ngồi lên
“đòn dong” phía trước, ông đạp ra bến xe
TN, đưa xe lên mui về Cẩm Giang, từ đó xuống
đò máy chạy về hướng Rừng Da. Bến đò Cẩm Giang nằm bên kia quốc lộ 22, trên
sông Vàm Cỏ Đông, thuyền ghe tấp nập,
chuyên chở hàng hóa lên chợ bán. Nơi đây có một chiếc ghe máy khá lớn chở hành
khách và hàng hóa đi tới quận Bến Cầu tỉnh TN. Chúng tôi xuống đò, đợi hơn một
tiếng đồng hồ cho đủ khách đò mới chạy. Lúc nầy trời đã xế trưa, gió mát trên
sông thổi về nghe gợi nhớ tình quê, đã 5 năm chưa về thăm lại chốn xưa, lòng
nao nao khôn tả! Bỗng có tiếng kêu lên: Đò sắp cập Bến Đình, bà con ai xuống
thì chuẩn bị. Ông khách lúc nầy mới kên tiếng: Chúng ta xuống đây rồi đạp xe về
Rừng Da. Đò vừa cập bến, chưa kịp bước
lên thì bỗng có tiếng quát: Ai ở đâu thì ngồi yên đó, chúng tôi kiểm soát giấy
tờ! Tôi hoảng hồn trong mình không có một tờ giấy lộn ( tôi quên mang theo thẻ
học sinh) . Ngước nhìn lên tôi thấy 2 tên du kích mặc đồ bà ba đen tuổi 17, 18
( rõ ràng không phải lính quốc gia, vì họ không xưng danh nên tôi không rõ họ
thuộc lực lượng nào) một tên mang súng dài một tên tay không, tên nầy đang bắt
một thanh niên dẫn lên bờ, đợi lịnh. Tôi điếng người mặt cắt không còn chút
máu, tôi co người nép sát vào ông khách lúc nầy ông vẫn bình thản như không có chuyện
gì xảy ra. Tôi hối hận, tại sao mình lại dấn thân vào chỗ chết một cách vô lý
như vầy ? Nếu họ bắt tôi đi theo họ thì đời tôi coi như chấm dứt. Tên cầm súng
tiến lại gần tôi, nó nhìn vào mặt tôi như tìm kiếm một cái gì, tôi đứng tim .
Trong giây phút “chết người” đó bỗng tên kia la lớn : Rút lui! Tên mang súng vội
vã bước nhanh lên bờ, tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.Trời đã cứu tôi!
Sau nầy khi chiến cuộc
bùng nổ ( 20.1.1960), Bến Đình trở thành một căn cứ quân sự và tiếp vận của
phía bên kia. Bến Đình là một xã nhỏ trước 75, sát bờ
sông có một chỗ được chọn để thuyền, ghe
cập bến rước khách hoặc hàng hóa trái cây dân quê đem ra chợ bán. Năm 2014, một
cây cầu đúc dài gần 400m ( gọi là cầu Bến Đình) nối liền hai xã Cẩm-Giang, quận Gò-Dầu với Tiên-Thuận và thị trấn
Bến-Cầu, thuộc tỉnh Tây-Ninh, tiện lợi cho việc đi lại,
rút ngắn đoạn đường từ Cẩm Giang về Rừng Da.
Chúng tôi lên bờ, tiếp tục cuộc hành
trình bằng xe đạp, đoạn đường nầy hoàn toàn xa lạ đối với tôi, đây là lần đầu
tiên tôi về quê bằng đò máy qua ngõ Bến Đình. Con đường quê nhỏ hẹp, xe đạp
nghiêng bên nầy ngả bên kia có lúc tưởng lật nhào . Đi được 15 phút thì phía trứơc
có người đứng chận ngang, xin quá giang ! Trời đất! quá giang cái nỗi gì? Chỗ
đâu mà ngồi? Sau cùng ông khách cũng cho ông nọ quá giang vì ông nầy là bạn
cùng làng ! Ông khách ra lịnh: Cháu ra sau đứng 2 chân lên chuồn chuồn xe! Tôi
tức mình! Giữa khoảng rừng chồi mênh mông không một bóng người, tôi không còn
con đường nào khác để chọn đành lên xe,
2 chân kềm chặt 2 con chuồn chuồn mà một con gãy cánh, bén ngót, còn ông
kia lên ngồi trên đòn dông phía trước, khỏe re! Xe chạy nghiêng ngả, luồn qua
lách lại chưa đầy 5 phút mà 2 chân tôi
tê buốt nhức nhối vô cùng nhưng tôi phải cắn răng để khỏi bật ra tiếng
kêu đau đớn . Khi về tới nhà ông khách thì trời đã xế chiều, tôi bước xuống xe
té nhào. Ông bảo tôi tìm đường về nhà cũ, còn ông kia tự động đi về nhà ông ấy.
Ông khách nhanh chân bước vào cổng , tôi đứng nhìn dáng ông đi , nhìn cổng rào phía
trước, nhìn cái nốt ruồi bên má trái, tôi giật mình nhớ lại: Thì ra là ông ! Ông
K ơi, ông còn nợ tôi tiền 3 cái bánh cam chưa trả! Ký ức đau buồn ngày xưa cuồn cuộn tràn về…
Sáu năm trước tôi sống tại chốn nầy.
Gia đình đông con ba má tôi không làm gì ra tiền, túng quá má tôi chiên một rỗ
bánh cam bảo chị Ba tôi và tôi bưng đi bán quanh xóm. Đi từ sáng sớm tới trưa
mà chẳng bán được cái nào, tôi lúc đó 7 tuổi chị Ba tôi lớn hơn tôi ba tuổi, thấy
không bán được ở xóm nghèo chị Ba bảo tôi đi vào “xóm trong” gần mấy nhà giàu
may ra bán được cho con cái họ. Nhà giàu hiểu theo nghĩa bình dân là nhà lợp
ngói, có vườn trước vườn sau, và có vựa lúa to trong nhà. Trong địa bàn nhỏ hẹp
làng tôi chỉ có 3 người giàu là Chú Út tôi, Bác Năm tôi ( ở xóm trong) và nhà
ông K ( cũng ở xóm trong). Chị Ba vừa đi
vừa rao: Bánh cam đây, ai bánh cam hôn? Đến khi tới nhà ông K thì chị rao lớn
hơn xem có ai trong nhà chạy ra mua hôn? Nhà ông K được bao quanh bởi một hàng
rào bằng cây rừng dày đặc kín mít, ở ngoài nhìn vào chỉ thấy mái ngói rêu
phong, giống như một ngôi đình ẩn trong rừng rậm. Trước nhà có một cái cổng bằng
gỗ thật chắc, có then gài. Đặc biệt cạnh cổng lại có một cây gõ rất to, 2 người
ôm không hết . Chị em tôi dừng lại ngồi dưới gốc cây gõ nghỉ mệt. Bỗng xa xa, bên
kia đưởng mòn có một người đàn ông bước nhanh tới, thấy chúng tôi bèn hỏi đang làm gì vậy? Chị tôi trả lời: Bán bánh
cam! Ông suy nghĩ một hồi rồi bảo lại đây ông mua.Ông ngồi xuống ăn ngon lành mấy
cái bánh cam, ông nhai ngấu nghiến , miệng bạnh ra, nốt ruồi đen trên má trái hiện
rõ dưới hàng mi rậm đang lay động theo miệng nhai. Tôi nhìn ông ăn mà thèm chảy
nước miếng vì tôi đang đói bụng mà không được phép ăn. Ăn xong 3 cái bánh cam
ông đứng dậy, tiến tới cửa đi vào nhà, nói thêm một câu: Theo tao vào nhà lấy
tiền! Nói xong ông đóng sầm cửa lại, tôi và chị Ba định theo ông vào nhà thì bất
ngờ 2 con chó đốm hung dữ nhào tới táp vào chân tôi, may mà tôi giựt chân kịp, tôi hoảng hốt chạy ra xa . Hai
chị em ngồi dưới gốc cây gõ đợi ông K ra trả tiền nhưng đợi mãi tới xế trưa mà
chẳng thấy bóng dáng ông đâu! Hai chị em đành lủi thủi đi về…
Tôi chán nản lầm lũi bước nhanh vì hoàng
hôn sắp buông xuống. Đường xưa lối cũ
nay đã thay đổi nhiều, cây cỏ mọc bít lối mòn, tôi cứ nhắm hướng mà đi. Nắng
vàng thoi thóp trên ngọn cây, vài tia yếu ớt rớt nhẹ trên đường. Không gian vắng
lặng không một bóng người. Thỉnh thoảng một vài con thú ra kiếm ăn sớm, thấy
bóng người nó vội xẹt qua thật nhanh rồi biến mất trong bụi rậm. Màn đêm xuống
thật nhanh, tôi lo lắng vì không gặp ai
để hỏi thăm, nếu lỡ lạc đường thì biết làm sao? Nhiều năm xa cách con đường nầy
trở nên xa lạ như mới đi lần đầu.Cũng may, sau cùng tôi cũng về tới nhà ông Chú
lúc đã lên đèn, may mà ông vẫn còn đây.Chú cháu gặp nhau mừng rỡ.
Sáng hôm sau tôi đến
nhà “con nợ” tìm người nhưng nhà trống hoác, có người cho biết bà X. đã ra đồng
gặt lúa mướn rồi, tôi thất vọng trở lại nhà Chú để sáng hôm sau về lại TN, không bằng đường cũ mà bằng đường Gò Dầu Hạ rồi
đón xe đò về TN.
Đây là một kỷ niệm
khó quên trong đời. Hôm nay những người trong câu chuyện đều trở thành người
thiên cổ, còn tôi, nhờ Trời ban phước nên vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt qua bao
giông tố cuộc đời . Hơn nửa thế kỷ trôi qua tôi chưa một lần trở lại quê xưa.
Tôi sợ lòng người nham hiểm, sợ con đò Bến Đình, sợ nửa đêm xét nhà!
Nguyễn
Cang ( August 10, 2022)
No comments:
Post a Comment