NHIỄM VIRUS CORONA 2019
(COVID-19)
Tiểu bang California chưa vào xuân mà bầu trời trong vắt, nắng
chói chang cao vòi vọi. Mây trắng như bông gòn từng cụm dầy cui, in nền trời
xanh biếc la đà nhẹ bay theo hướng gió trong không gian bao la bát ngát. Cây cỏ
hoa lá trước sau nhà tôi đã đâm chồi nẩy lộc, trổ nụ bán khai... như thêm sức
sống, để chào đón ánh xuân hồng tươi mát sắp trở về với muôn loài, trên vùng
đất hứa, đất vàng California của miền Nam nước Mỹ. Nhưng sáng nay đài khí tượng
cho biết cả tuần nhiệt độ tròm trèm từ 90 đến 100 độ F. Eo ơi 80 độ F đã nóng,
mà độ cao hơn nữa thì nóng nhiều lắm, sẽ làm teo héo hết cỏ cây hoa lá...
Nghe thời tiết nóng tôi thở dài lẩm bẩm một
mình:
- Chưa
chi mà nóng sắp ập tới rồi. Điệu nầy rau cải, bầu, bí... mới lên mầm, ra lá non
sẽ tiêu tùng hết. Nếu cái nóng cứ tiếp theo và nhiệt độ ngày càng tăng lên cao
thì coi như xong, uổng công sức cố gắng trong việc ương hột chăm bón của mình.
Nói nhỏ như vậy mà thằng con đi phía sau lưng
tôi trờ tới, cười bô hô cái miệng, lên tiếng:
- Vậy
thì tốt, năm nay mẹ sẽ khỏe khỏi trồng chi cực quá, nào là tưới nước, vô phân,
trừ sâu... tới mùa có trái đem năn nỉ cho mấy nhà Mễ, Tàu, Đại Hàn... xa, gần
trong xóm. Mẹ còn nuôi làm chi mấy con gà, ngày nào cũng cho ăn no nê, hốt
phân... rửa chuồng cho sạch sẽ không hôi hám làm phiền hàng xóm, khi có trứng,
đem muối, đem cho... người ta còn chê hột nhỏ, hột gà dính đơ không rửa sạch sẽ...
Đang bực mình về chuyện nắng nóng làm chết
rau cải, tôi nạt tưới:
- Thôi
có im cái miệng lại không. Có mầy nói chớ ai nói, trời mưa gà đạp đất rồi đạp lên
trứng, làm sao rửa nước thường được, hột gà sẽ mau hư... Ai cực đâu không biết,
chớ mỗi lần chiên hột gà ăn, thì mầy là thằng ăn nhiều nhứt. Hột gà chiên ốp-la
ăn một lần 4, 6... trứng khen ngon hơn hột gà mua ngoài chợ. Còn bí, bầu cắt vào
xào liền với tôm khô mầy khen: “... ngon vô cùng kể, là cực phẩm của nhân gian
không có gì sánh bằng đó mẹ à...”
Tôi nói trúng tim đen, nên thằng nhỏ không
trả lời, cười ngất ngất rồi bước ra lồng nuôi chim dạy và nói chuyện với mấy
con chim két... Tôi cũng bước ra sân sau nhà, và đến ngồi bên bờ hồ cá koi,
nhìn bầy cá đang nhởn nhơ bơi lội nhàn nhã như vô tranh với đời. Còn ánh nắng
trong vắt, chói rọi xuống trần gian, có những tia chiếu vào cành lá cây cam, bưởi,
táo tàu... ở sân nhà lấp lánh những giọt nước còn đọng vì mới được tưới nước xong.
Ngồi bên hồ cá chưa nóng chỗ thì nghe tiếng
chuông điện thoại reo vang, tôi vội đi nhanh vào, chụp lấy điện thoại nhà. Nghe
tiếng thằng con Út hụt hẫng bên kia đầu dây, vì cháu gọi từ phương trời xa hơn
nửa vòng trái đất qua bao nhiêu vòng kinh tuyến và vĩ tuyến... tận nước Đức bên
trời Âu. Nghe xong điện thoại của con, tôi như ngồi chuồi xuống chiếc ghế sát
bên, vì chân không còn đứng vững, và đầu óc lung tung, rối nuồi... nước mắt
chảy dài xuống má!
Tôi có ba đứa con, gái lớn và trai kế sanh ở
Việt Nam, thằng Út qua đây mới sanh mà đã bốn mươi hai tuổi rồi. Con gái có
chồng được hai đứa con ở gần nhà tôi. Em trai nó, cái thằng “già” nầy đã hơn
năm mươi tuổi mà vẫn chưa chịu lấy vợ, cũng nhờ thế mà mẹ con tôi sống nương tựa
với nhau sau khi ba nó qua đời! Còn thằng con Út đã lập gia đình, vợ cháu là
người Nhật sanh ở Mỹ, có hai đứa con: con gái bốn tuổi, và con trai tám tháng,
ở San Diego. Mặc dù mẹ con chúng tôi sống cùng tiểu bang California, nhưng gia
đình cháu Út ở miền Nam, còn hai gia đình chúng tôi ở miền Bắc. Út ở xa mẹ và
chị nó gần tám giờ lái xe, còn bay thì phải mất một giờ, ba mươi phút mới đến
nơi.
Tóc tôi nay đã bạc trắng nếu ba tuần không
nhuộm. Còn ba đứa con tôi đã thành nhân, rời trường học ra bươn chải với đời từ
mười mấy hai mươi năm nay rồi. Con trai đầu của đứa gái lớn sẽ vào ngưỡng cửa
Đại học, niên khóa 2022-2023. Mỗi lần nghĩ đến ba đứa con, tôi cảm thấy hạnh
phúc và tự hào với chính mình. Về con trai con gái của tôi thì không nói làm
gì, còn con dâu (Nhật) và thằng rể (VN). Chúng nể và cũng không ghét bà mẹ chồng,
mẹ vợ cù lần và quê mùa nầy nhiều! Mà dâu rể chỉ ghét tôi the the, sương sương thôi!
Bởi rút kinh nghiệm của những người quen
biết, lúc nào tôi cũng giữ gìn cho mình không nói nhiều, và đòi hỏi ở con theo
ý mình phải thế nầy, thế kia, mà làm mất lòng rể, dâu... Thằng Út tôi làm nhiều
tiền lắm, lương kỹ sư hơn nhau chỉ đôi ba chục ngàn một năm thôi. Thằng nầy ngoài
lương hàng năm cháu còn có tiền chia lời của hãng, tiền bán những thứ trong nhóm
làm ra... Nên dù ba đứa lớn (chị, anh rể, và anh nó) nghề nghiệp cũng ngon lành,
nhưng làm một năm cộng lại chỉ bằng lương thằng em Út làm 5 hoặc 6 tháng mà thôi.
Một thí dụ nhỏ về bà mẹ chồng nầy với vợ thằng
Út! Số là lúc cháu Út chưa cưới vợ, mỗi năm cháu mua trên mạng loại bột gia vị để
tôi nấu ăn. Bột sản xuất từ Croatia (theo Google gần nước Nga) và họ biến chế từ
các rau, củ, đậu, tiêu hành, tỏi, muối biển... để ướp cá, thịt, tôm bò... xào,
kho, nấu vv... Tôi đã dùng gần 20 năm nay, thành viên trong gia đình ăn tốt không
bị dị ứng, hoặc khô cổ... Mỗi bịt nặng 3 lbs, 15 đo-la cháu mua mỗi lần thường
thì 3 hoặc 4 bịt, gởi về nhà tôi dùng nấu
ăn cả năm mới hết.
Sau tám chín tháng cháu cười vợ, như thường lệ
tôi không nghĩ suy gì cả, thấy bột nấu ăn sắp hết, gọi bảo cháu mua. Cả hai tháng
sau, bột nêm trong nhà đã hết, gọi nhắc cháu lần nữa, thì khoảng 4 ngày sau tôi
nhận được “chỉ có 1 bịt nhỏ” hơn những
lần mua trước. Tôi dè dặt hỏi cháu: “Ai mua bột nêm cho mẹ lần nầy vậy, con hay
vợ con?” Cháu vui vẻ bảo: “Mẹ nhận được rồi? Con bận quá nên bảo vợ con gọi mua
cả tháng trước, vậy mà nay mới đến...”
Nghe con bảo, và biết ý con dâu, tôi không nói
gì nhưng trong lòng hơi nhói! Sau đó, có dịp tôi vui vẻ bảo với con trai và dâu
đừng mua bột gia vị nữa, vì chợ ở gần nhà có bán rồi! Chuyện nhỏ như vậy cho tôi
thấy rằng để tránh gặp cảnh đau lòng trong gia đình thường xảy ra ở cái xứ giàu
tiền bạc, thừa vật chất... mà dễ dàng mất con trai, cháu nội, hoặc mất con gái
cùng cháu ngoại! Nếu tôi mà để cho dâu, rể ghét thì nó sẽ không cho chồng con,
hoặc vợ con đến gần với nội ngoại nữa. Và các con cháu dần dà sẽ xa lánh mình, hoạc
chúng dời đi tiểu bang khác thì “ngàn năm
mây bay” rồi sẽ xa hơn, và xa tít mờ xa...
Nhớ lúc sanh thời má và mấy là chị cùng mấy
đứa em xí xọn đều bảo tui là đứa khó tánh nhất nhà! Đó là ngày xưa kìa, chẳng
biết có đúng như vậy không! Nhưng bây giờ, mấy mươi năm sau với tấm lòng của
người mẹ cả ba đứa con cưng vàng, cưng ngọc, cưng hột xoàn, cưng cẩm thạch của
tui, của bà mẹ nầy thì chúng lúc nào còn nhỏ! Dù thằng con Út năm nay đã bốn
mươi hai tuổi, có gia đình riêng, nhưng trong lòng tôi chúng vẫn còn bé thơ cần
có sự che chở và dòm ngó của mẹ! Cho nên mỗi lần đi công tác gần hay xa, cháu đều
gọi cho tôi biết ngày đi, đến tiểu bang nào, nước nào, bao lâu và ngày cháu về
lại nhà để mẹ an tâm.
Lần nầy cũng không ngoại lệ, thằng con Út cho
tôi biết, sẽ qua nước Đức công tác ngày từ ngày 12, đến 22 tháng 6, 2022 mới
trở về Mỹ.
Mấy hôm rày trời nắng nóng quá, thiệt tội
nghiệp mấy dây bầu, bí mỗi ngày tưới 3, 4 lần nước mà vẫn èo uột, lá teo héo và
không to không xanh mướt. Hoa cũng không nở to màu trắng của bầu, bông vàng sắc
thắm của bí như mọi năm. Còn rau thơm,
quế, rau răm... trồng trong chậu tưới ngập cả nước mà vẫn teo nhách, ớt trái
thì lớn không nổi mà héo queo, già khú...
Ra ngoài trời nóng, tôi cảm thấy như mình
đang đứng hoặc ngồi gần lò lửa, vì nhiệt độ đang là 104 độ F. Cây cối hai bên
lề đường đứng yên như bất động không một chút gió lay lá cành. Không một bóng
người lớn tuổi đi bộ quanh xóm, không bóng trẻ con thảy banh hay đùa giỡn ngoài
sân nhà trước. Chỉ cách nhà tôi hai căn, sau nhà có hồ bơi, mới nghe tiếng trẻ
con đùa giỡn réo gọi nhau và nhảy xuống nước hồ bơi lội bì bõm.
Nắng chang chang, nóng ơi là nóng, và bầu
trời cao vẫn cao, xanh vẫn xanh. Bỗng chợt nhớ đến nay quá ngày thằng Út qua
Đức công tác, đã quá ngày trở về rồi sao vẫn chưa gọi báo cho mình biết vậy cà
(?) Tôi lật đật lấy máy tay gọi cho cháu... nhưng chỉ nghe lời nhắn... Tôi vội
gọi cho con gái (đang làm việc) hỏi về thằng em nó đã về Mỹ chưa? Con gái trả
lời “... Bận việc đột xuất nên em còn bên Đức chưa về, chắc có lẽ vài hôm nữa
mẹ à...” Tôi yên lòng, không nói gì rồi cúp điện thoại.
Chiều, trên đường đi làm về con gái ghé nhà,
thấy con, tôi ngừng đang tưới nước bông hoa trước sân, tươi cười bảo:
- Con nầy có lộc ăn
thiệt, nồi thịt kho trứng vừa xong. Để mẹ vào
múc cho đem về, có cả dưa cải và dưa giá nữa... Chiều nay gia đình ăn
khỏi phải mất công nấu...
Cha mẹ ở gần, con có lợi là ở chỗ đó! Khi
chúng không muốn nấu ăn thì gọi hỏi mẹ, cho dù thịt thà tôm cá còn đông đá cũng
lôi ra làm đủ mọi cách cho tan đá để nấu cho con cháu ăn... Công việc không gì
nặng nề nhưng lắt xắt tối ngày đôi khi cũng mệt... Nhưng đó là việc làm tự
nguyện cho con, không bị ai bắt buộc, nhưng tôi rất vui và cảm thấy hạnh phúc
lắm.
Nhớ hồi xưa, ở cố hương thịt kho trứng, bánh
tét, bánh ít... khi nào nhà có đám giỗ, tiệc tùng quan trọng, hay Tết mời được
ăn. Chớ ngày thường thì chỉ cá kho, thịt kho, tép rang, canh rau, canh mướp,
canh chua, đậu xào, bầu luộc... ăn với cơm trắng thì hạnh phúc lắm rồi! Ở xứ
người có đủ mọi thứ, có công ăn việc làm thì sẽ có tiền được tự do mua sắm và
tha hồ ăn những món ngon vật lạ... và đi du lịch đó đây!
Theo lẽ nghe có thức ăn ngon, con bé sẽ mở to
mắt sáng rỡ, nịnh bợ mẹ vài câu thường là “... Cảm ơn mẹ, mẹ nấu ăn ngon số
một... Con rất thích thức ăn mẹ nấu...” Tôi biết chớ, con bé ăn thường do mẹ
nấu từ sau 30 tháng tư năm 1975 cho đến bây giờ nên quen rồi! Chớ tôi biết mình
là người nấu ăn “tệ” nhứt thế giới! Vì lúc nhỏ ở nhà chị và má tôi hoặc bà người
làm nấu. Đi học xa nhà tôi ở trọ ăn cơm tháng. Khi đi làm ở bịnh viện thì cũng
ăn cơm tháng do ma-sơ nấu... Sau khi lập gia đình thì phu quân tôi là lính
chiến miền xa... năm, ba tháng mới về thăm nhà mấy ngày, nên chúng tôi thường
đèo nhau đi ăn tiệm... Cho đến lúc có con thì nhà có bà vú nấu ăn, vậy thì làm
sao tôi biết nấu ăn đây! Và thú thật, tôi cũng ghét nấu ăn lắm! Thiệt là “tệ” quá,
phải không!
Nghe có món ngon như vậy mà mặt mày con nhỏ
bí xị, chẳng nói câu nào! Bỗng cháu sà lại ôm vai tôi hụt hẫng trong lời nói:
- Xin
lỗi mẹ, thằng Út nhà mình bị bịnh “Covid 19” nên bên Đức không cho lên máy bay
và Mỹ cũng không cho vào... Chờ trị hết bịnh em mới trở về... Xin lỗi mẹ, bởi
sợ mẹ lo nên con cố tình giấu, xin mẹ an lòng hôm nay em đã đỡ rồi, sẽ mau về
thôi mẹ à...
Tôi mở to mắt, toàn thân không nhúc nhích
được, như bị trời trồng! Chỉ thảng thốt “Trời ơi!” và lệ hoen mi mắt, tôi ngồi
bẹp xuống đám cỏ trên sân một hồi, kẻo bị ngã!
Đã mấy năm rồi, ai cũng biết ác dịch Vũ Hán
(Covid 19) vẫn còn hiện hữu trên cõi đời nầy. Mặc dù chúng đã biến thể qua
nhiều hình thức khác nhau giết hại con người vô số kể! Toại nguyện ý đồ của kẻ
tạo nghiệp ác!
Theo thống kê của Google trên thế giới đã có
hơn 6, 370 000 người bị tử vong vì dịch bịnh! Nước Mỹ người chết nhiều nhất!
Một sự thật quá khủng kiếp đau thương! Dẫu biết rằng mấy đứa nhỏ ở nhà và tôi
đều đã chích ngừa dịch Covid lần thứ ba. Bây giờ lại có thuốc uống để trị bịnh Covid19 nữa. Người có bị nhiễm vẫn nhẹ
hơn, và số tử vong không nhiều như những người bị bịnh dịch lúc khởi đầu! Nhưng
Thượng Đế ơi, biết con bị nhiễm , nỗi
âu lo cùng cực nầy quá lớn đối với tôi!
Sáng sớm ngày đầu của tháng bảy, tôi được
điện thoại Viễn Liên của thằng con Út bị nhiễm bịnh Covid 19, từ bên Đức gọi về:
- Thưa
mẹ, con đây...
Nghe giọng nói của
con tôi nghẹn ngào, miệng như bị câm không nói được lời nào. Đầu dây điện thoại
bên kia, thằng nhỏ tiếp:
- Thưa
mẹ có khỏe không, con thì đỡ nhiều rồi. Mẹ yên lòng đừng lo cho con, ở Đức về y
học tốt không thua kém Mỹ đâu. Con bị bịnh nhưng không điều trị trong bịnh
viện, mà ở cách ly trị bịnh trong một ngôi nhà rộng đầy đủ tiện nghi. Có bác
sĩ, y tá và nhân viên phục vụ cho một người bịnh 24/24 trong ngày. Vì công việc
con bị bịnh nên sở làm sẽ lo cho tất cả rất chu đáo. Sáng nay bác sĩ bảo con đã
bớt rất nhiều, thứ sáu (2 ngày nữa) thử lại nếu hết virus thì chủ nhật con sẽ
trở về Mỹ. Mẹ giữ gìn sức khỏe hy vọng chủ nhật nầy con về... Đừng lo nghe
mẹ... chào mẹ.
Đầu dây bên nầy tôi chỉ biết ừ hử, vì nước
mắt đầm đìa! Nhưng cuối cùng tôi cũng cố lớn giọng vớt vát được vài chữ để con
nghe: “Cố gắng hết bịnh, để về nhà, khi đến nhà thì nhớ điện thoại cho mẹ biết
liền nghe con...”
Đối với họ hàng gia tộc, bạn bè gần xa nghe
người quen biết nhiễm ác dịch thì lo ngại một chút rồi thôi không kéo dài... Vì
mỗi người một hoàn cảnh, ai có việc nấy và lo gìn giữ cho mình và gia đình các
con cháu. Tôi biết, nếu cháu đang sống chung nhà mà bị bịnh, tôi cũng không làm
gì hơn, mà chỉ nhờ vào bác sĩ và nhân viên chuyên môn chăm sóc bịnh... Nhưng khi
nghe thằng Út nhiễm Covid, tôi vẫn lo, lo đủ chuyện và luôn nghĩ về cái “xấu” sẽ
tới... Cả ngày tôi không muốn ăn uống chi cả, mặc dù mấy đứa con lớn khuyên lơn
đừng buồn, đừng lo nhiều mà sanh bịnh... Nửa đêm thức giấc không tài nào ngủ
lại được, và tâm tư tôi lúc nào cũng lo nghĩ về thằng con Út đang bịnh, kẹt lại
ở Âu Châu! “...Con ơi, tận phương trời Mỹ
Quốc mẹ luôn nguyện cầu và thấp thỏm, bồn chồn, mong ngóng tin lành của con...”
Tôi thở dài nghĩ ngợi trong nghẹn ngào.
“...Ngày xưa nước nhà chinh chiến đã một thời tôi lo sợ an nguy cho chồng ngoài
chiến trường xa! Nay sống nơi xứ người an bình, giàu đẹp cơm no áo ấm, thừa
thãi vật chất... lại lo sợ cho con đang bị ác dịch! Trời ơi kiếp người sao khổ
như vậy?” Tâm tư tôi rối bời, chỉ biết nguyện cầu, và nguyện cầu!
Mấy mươi năm trước, khi ra trường tôi về
trình diện ở Ty Y Tế Mỹ Tho cuối năm 1967, do bác sĩ Võ Văn Cẩn quyền Trưởng
Ty. Sau cái Tết Mậu Thân tôi chính thức làm việc ở phòng ngoại chẩn của bệnh
viện Mỹ Tho. Về sau tách rời Ty Y Tế và bịnh viện là “Trung tâm Y Tế Toàn Khoa” Cửa chánh của bệnh viện cách đại lộ Hùng
Vương, là đối diện với Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 7
Bộ Binh. Thuở đó tôi còn trẻ, mới đến Mỹ Tho nên chưa quen biết nhiều về nhân
sự, chỉ hạn hẹp trong bịnh viện và một vài nhân viên hành chánh cùng đôi ba
đồng nghiệp làm chung phòng. Còn bên Ty Y Tế, thì biết rất ít vì nhiều nhân
viên chuyên môn khác đi công tác ở nông thôn, các quận, làng xã... trong tỉnh
nên ít khi gặp.
Ngoài việc làm chuyên môn theo giờ hành chánh
ở bịnh viện, tôi rất rỗi rảnh thường đi trực dùm đồng nghiệp gia đình bận rộn
chi đó. Hoặc tình nguyện theo đoàn công tác “Y Tế Về Làng” (đi về trong ngày)
đến hỗ trợ chích ngừa bệnh đậu mùa, bệnh lao, bịnh sốt rét... Có khi còn qua
phụ giúp bên bệnh viện của quân đội... Bởi nhiều lúc sau trận chiến, thương bịnh
binh rất nhiều...
Biết tôi hay tình
nguyện làm ở những trại bịnh truyền nhiễm như: trại bịnh cùi, bịnh da liễu,
bịnh thần kinh, hoặc bịnh lao... Mấy đồng nghiệp cũng trẻ như tôi, nhưng chúng đẹp,
con nhà có tiền, có chỗ dựa... tỏ vẻ mình sang, chảnh... nhìn tôi cười nửa miệng, chọc quê:
- Sao
không làm ở ngoại chẩn, nội khoa hay ngoại khoa lúc nào cũng cần người, mà mầy
lại tình nguyện làm những bịnh hiểm ác truyền nhiễm đó! Dù mầy còn trẻ năng
động, hăng tiết vịt cũng thế... bộ muốn “ống chề” hả? Bởi thằng nào muốn quen,
hỏi mầy làm ở đâu “làm ở trại cùi...” hắn
ta sẽ chạy sút dép đó mầy à...
Một đứa mở miệng “ngậm vàng, ngậm ngọc” nói xong... thì mấy đứa kia cùng nhau rộ lên
cười hô hố thấy phát ghét! Tôi cũng mắc cười, nhưng nguýt mắt lườm rồi trề môi
dài cả thước, và hất mặt về phía chúng “nghinh” lại liền:
- Xì, chuyện
của tao thì có mắc mớ gì đâu mà tụi bây lo cho mệt! Tao sẽ cho vài con vi trùng
cùi thì có đuổi đi chỗ khác chơi, những anh chàng “dê” đó cũng sẽ tìm đến van
xin, năn nỉ để gặp tao liền hà...
Còn mấy đứa thì thầm sau lưng:
- Cái
con mới về làm, ốm teo như con ba khía, được cái là mặt mày sáng sủa dễ nhìn mà
sao ngu quá trời, ngu hết chỗ chê! Ai đời chỗ sướng không làm, đi lãnh làm nơi bịnh truyền
nhiễm... Để rồi coi có ngày nó nhiễm bịnh thì
ngồi đó nhìn trời hiu quạnh mà khóc hu hu... mấy cái lu đựng nước mắt không đủ!
Tôi biết chớ, nhưng đừng tưởng bở nghe, “chị
Hai” bây đâu có lười biếng như tụi bây! Đã vào cái nghề nầy rồi mà cứ ngại, cứ
sợ “sinh nghề tử nghiệp”! Chỗ người bịnh cần giúp mà cố tình
tránh né, thì chọn nghề khác tốt hơn, vả lại trước khi học nghề tụi bây không
nhớ đã phải thề trước Tổ Sư rồi sao? Và chỉ làm ba tháng thì đổi đi trại bịnh
khác mà...
Tôi thấy có bà y tá đã làm ở trại lao hơn 10
năm rồi. Bác sĩ mấy lần hỏi bả có muốn làm ở trại khác không, bà lắc đầu cười
hiền “Cảm ơn bác sĩ, đã làm quen với vi trùng lao rồi, nên không còn sợ nó lây
nữa...” Còn có những nhân viên đi học thêm về chuyên môn để sau nầy làm việc
lâu dài hơn. Không những chỉ có bệnh lao, mà bệnh da liễu, bệnh cùi, bệnh tâm
thần... nữa kia!
Sau khi lập gia đình, tôi tình nguyện làm
trong phòng bài lao. Suốt thời gian dài hơn 8 năm, hằng ngày tôi trực tiếp với
bịnh nhân: tìm bịnh, trị bịnh đa số bịnh nhân lãnh thuốc về nhà uống. Hoặc bịnh
nặng thì vào nằm viện trị bịnh trực tiếp. Thường ngày trại lao có khoảng 40
người bịnh lao nặng (ho ra máu) mới được vào nằm. Mỗi tuần chúng tôi phải trực
1 đêm, khi nào thiếu nhân viên thì 2 đêm. Tôi đã làm ở khoa bài lao từ năm 1971
cho đến vượt biên (ngày 13 tháng 5, năm 1979). Vậy mà khi vượt biên qua đảo, người
nào cũng phải khám sức khỏe trước khi đi định cư ở đệ tam Quốc Gia. Khi chụp hình
phổi, phổi tôi trong sáng không bị chi cả! Còn đồng nghiệp, lúc làm chung ở
bệnh viện Mỹ Tho chị làm trại ngoại khoa, mà phổi bị nám... Phải ở lại trị bịnh
hơn sáu tháng sau khi phổi chị hết nám mới được rời đảo!
“...................
Chuyện xảy ra mãi còn trong tiềm thức
Tháng ngày nào, sau Ba Mươi
tháng Tư
Trại bịnh ít giường, chứa mấy chục người
Có thiếu phụ trẻ ngoài ba mươi tuổi
Ho húng hắng... họ ít cười, biếng nói
Đi vệ sinh, ngồi, đứng, lúc giờ ăn...
Thiếu thuốc, ốm đói... đau bệnh nhọc nhằn
Có khi đỡ, lúc trở cơn nguy ngập...
Trong tĩnh lặng... vẳng bài “Rừng
Lá Thấp”
Ai lén nghe nhạc “ngụy”
giữa đêm trường!
Ôi chạnh lòng tôi hồi tưởng, nhớ thương...
Thời miền Nam trong an lành thạnh trị!
Qua thăm bệnh mọi người đang an nghỉ
Chợt nghẹn ngào chị nắm lấy tay tôi:
“...Cô ơi, xin
cô cứu giúp mảnh đời...
Bé trai bốn
tuổi, gái vừa lên sáu...”
Tôi nghẹn lời! Giọng thều thào chị bảo:
“...Cha bị đày cải
tạo, mẹ bịnh lao!
Không nội,
ngoại, thân thuộc, bên nào
Mẹ con sống nhờ
hảo tâm chòm xóm...
Giặc tràn vào
dân khó khăn khốn đốn
Dẫu tốt lòng...
ai đâu giúp lâu dài...
Niềm hy vọng, sẽ
hết bịnh ngày mai...
Về chờ chồng,
nuôi con còn quá nhỏ...”
..........................................................”
“Để rồi 45 năm sau có dịp, hồi ức trực ở trại
lao cho tôi sống lại thuở ngày xưa, mà viết nên đoạn thơ nầy!”
Cũng nhờ Ơn Trên hộ độ, nhờ thuốc men và bác
sĩ cùng y tá tận tình chăm sóc, mà cháu Út nhà tôi an toàn trở về Mỹ với gia
đình. Sau khi cháu được điều trị ở Đức hơn 3 tuần kể từ khi bị nhiễm bịnh Covid 19.
Được điện thoại con cho biết đã về đến nhà,
lòng tôi khấp khởi rộn niềm vui và cảm thấy mọi vật chung quanh mình cái gì
cũng đẹp, cũng đáng yêu, đáng quý! Thật đúng với câu người xưa đã nói: “Người vui thì cảnh cũng vui/ Nguời buồn
cảnh có vui đâu bao giờ”. Bầy
chim trời trốn nắng đậu trên các cành nhánh cây nhảy nhót ca hót líu lo véo von
trong nắng xuân ướp cỏ cây hoa lá thắm tươi... Trong nhà thì máy lạnh chạy
24/24 tỏa hơi mát mẻ... Tôi quên đi ngoài trời nắng chói chang và nóng hơn cả
104độ F.
Cẩn thận trước 4 ngày đi thăm gia đình thằng
con Út ở San Diego, thì tôi hẹn đến phòng tìm bệnh Covid 19 ở địa phương, thử
nghiệm cho yên lòng. Ba ngày sau khi thử Covid 19, kết quả là tôi không có bịnh.
Thế là “Tư
Ếch Đi Sài Gòn” là tôi đây, cười hí hí thỏa lòng vui vẻ, phấn khởi chuẩn bị
đi thăm con cháu với hai va-li nặng (mỗi va-li) không quá 50lbs. Va-li áo quần
và đồ dùng cá nhân mình, va-li kia thì áo quần mới, con gấu, con chó (độn bông)
và vài món đồ chơi khác làm quà cho hai đứa cháu nội gái 4 tuổi, cháu nội trai 8 tháng.
Từ nhà tôi đến phi trường Sacramento phải mất
một giờ lái xe! Theo lịch trình, 6:30AM hôm nay, thằng con trai lớn đưa tôi ra
phi trường, để 9:AM máy bay cất cánh, và 10:30AM sẽ đến San Diego.
Cứ mỗi lần đi đâu, chuyến bay gần hay xa
(trong, hoặc ngoài nước Mỹ) tôi thường thủ sẵn cái giỏ xách nhỏ theo lên máy
bay, có 2 bánh xe để kéo đi dễ dàng không phải mang trên vai cho nặng cái thân
già! Tùy theo thời gian bay xa hay gần, trong giỏ lúc nào cũng có một ít: kẹo,
bánh... Trái cây như là: nho, nhãn, táo tàu... Máy nghe CD nhạc, vài quyển sách
để đọc, khi buồn chán thì lấy máy đánh “game” cầm tay... Tôi mãi mê trong giải
trí của mình, khi máy bay lả lướt trên không gian... đến nơi hồi nào cũng không
hay biết.
Tôi đang mê mẩn tâm hồn với nhạc khúc “Tuyết Trắng” do Sĩ Phú hát. Nhạc phẩm
được ca sĩ thần tượng của tôi hát trong khi con chim sắt vi vu, lả lướt trên
bầu trời cao rộng. Đắm hồn trong nhạc khúc quen thuộc nầy, nghe hoài vẫn không
chán vì lời hay, nhạc hay và ca sĩ có giọng điệu tuyệt vời vô địch thủ! “...Anh biết
chiều nay em anh buồn lắm/ Đã hẹn nhưng chẳng thấy bóng anh sang/ Khi nắng cổng trường soi bước em/ Khi chiều kéo lại bao nhiêu nhớ thương/ Khi đường bay chờ anh tung cánh sắt...”
Ôi giọng ngân nga của ông sao mà ngọt ngào thiết tha nhẹ nhàng như
đưa tôi vào mộng, và sao mà trầm ấm lả lướt dịu dàng như cười cợt với gió và
đùa giỡn cùng mây “...Ngả nghiêng cánh
chim/ Con tàu sẽ rời, rời xa thành phố rồi/ Mây giăng thật thấp/ Mây đan lụa
trắng/ Mây pha màu nắng/ ...Vượt cao vút cao/ Mây trời kết thành một vùng tuyết
trắng ngần/ Tuyết ơi xin nhuộm/ Trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương...”
Quê Nam một cõi của chúng tôi thuở xưa rất
nhiều ca nhạc sĩ có tài: sáng tác hay, đờn giỏi, hát hay, đẹp trai... Nhưng
trong tôi Sĩ Phú là có giọng ca “liêu
trai” nhẹ nhàng, thanh thoát như ru hồn người! Bất cứ một nhạc phẩm nào,
qua giọng ca của ông cũng bay bổng, dễ dàng truyền cảm thâm trầm lắng sâu vào
tâm hồn người thưởng thức.
Nhìn đồng hồ tay, theo lịch trình tôi biết
khoảng 15 phút nữa là máy bay đáp xuống phi trường. Bỗng gần như hành khách đều
giật mình nhìn chung quanh dò xét... sau khi nghe tiếp viên hàng không yêu cầu
trên chuyến bay nếu có y tá và bác sĩ, nhờ đến phụ giúp... và dặn dò ai ngồi
yên chỗ của mình trừ trường hợp cấp bách phải vào phòng vệ sinh!
Như mọi hành khách trên chuyến bay, tôi tìm
kiếm và ngoái đầu nhìn qua kẽ hở của hai ghế thấy một thanh niên ngồi sau tôi,
vẫn ngồi trên ghế của mình, nhưng mặt mày anh ta tái xanh và môi trở thâm, mũi
được thở dưỡng khí... Có 4 người đang vây quanh to nhỏ nhưng không nghe được họ
nói gì... Chừng 5 phút sau, mặt mày ông bớt xanh, trở trắng, miệng lép nhép thì
thào và mở mắt lim dim...
Hành khách vẫn yên lặng ngồi chờ, chớ không
nhốn nháo như mọi khi máy bay vừa đáp xuống phi trường. Xe cứu thương, xe cảnh
sát đang chờ sẵn, cửa hông máy bay mở và người ta đẩy người bịnh ra và thân
nhân đi theo sau... Đưa người bịnh đi rồi, hành khách chúng tôi lần lược trật
tự từ từ đi ra bằng cửa trước máy bay như thường lệ.
Theo dòng người cùng chuyến bay, tôi đến nơi
nhận hành lý và chờ thằng con đến rước... Gặp lại nhau hai mẹ con mừng rỡ, tôi
ôm chầm con và mắt đỏ vì cảm động... Rồi chúng tôi cùng đi ra bãi đậu xe, vừa
đi tôi vừa kể chuyện ông bị bịnh trên máy bay cho con nghe... Luồng gió biển của
San Diego nhẹ thổi qua mát rượi, nhưng tôi lại cảm thấy ớn ớn xương sống (lành
lạnh ở lưng) và cổ gàn gàn như muốn ho, mà không ho được! Đến chỗ đậu xe không
xa lắm, chừng trên dưới trăm thước thôi. Tôi vào chỗ ngồi phía trước, còn thằng
con kéo 2 va-li để vào cốp xe. Xong đâu đó nó ngồi vào tay lái nổ máy, bỗng con
nhẹ giọng bảo:
- Mẹ
có đói bụng muốn ăn gì trước khi về nhà con không?
Đang vui khắp khởi sắp gặp hai đừa cháu nội,
tôi cười nhẹ lắc đầu:
- Mẹ không
đói chỉ khát nước thôi...
Cháu chồm ra băng sau, lấy chai nước lọc mở
nắp đưa cho tôi, tiếp:
- Trông
mặt mẹ mệt, và xanh. Có thuốc trên xe để con thử xem sao nghe mẹ...
Tôi “ờ” và rất yên tâm, vì mình mới biết kết
quả ngày trước không có bịnh. Cháu lấy đưa cho tôi cây bông gòn sẵn trong bao
có thuốc thử. Tôi để vào mũi quay theo vòng năm lần (lấy nước mũi dính vào bông
gòn) và lỗ mũi bên kia quay năm lần nữa rồi đưa cho cháu.
Khoảng mười phút sau, cháu thảng thốt:
- Trời
ơi, mẹ bị nhiễm Covid 19 rồi... mẹ ơi!
- Cái gì, sao lạ vậy...?
Tôi chưng hửng và
lo sợ thái quá, nên tứ chi như rụng rời, chỉ nói được vậy thôi! Nước mắt hoen
mi, và cơ thể như bị rung, bị lạnh nhiều hơn. Đầu óc rối nuồi không nghĩ được
gì, và không biết mình phải làm gì đây!
Thằng con cũng sếu mếu, nghẹn ngào, đau xót
nhìn tôi:
- Tội
nghiệp mẹ quá, hôm nay ngày sinh nhật của mẹ! Chiều nay, vợ con làm sinh nhật cho
mẹ ngạc nhiên...
Buồn giọng, thằng con tiếp:
- Bây
giờ để con đưa mẹ đến bác sĩ khám... sau đó đến khách sạn gần nhà tiện con chạy
tới lui lo cho mẹ. Vì ở nhà hai đứa con ồn ào và còn nhỏ quá không tiện việc cách
ly...
Tôi như hoàn hồn, lẹ miệng nhưng như hụt hơi,
bảo con:
-
Không, con mua giấy máy bay cho mẹ trở về nhà (Sacramento) Nếu không kịp
chuyến nầy thì chuyến sau... hoặc chuyến sau nữa...
Vợ chồng đứa con gái tôi ở Sacramento, biết
tin hết sức lo sợ và ngạc nhiên vô cùng! Cháu bảo thằng em Út hỏi mẹ có cần xe
cứu thương ra phi trường rước không? Tôi bảo thằng nhỏ trả lời anh chị nó “Mẹ
bảo chưa cần thiết phải dùng xe cứu thương. Hãy rước bằng xe thường đưa về nhà,
chớ mẹ không muốn vào bệnh viện...”
Chuyến máy bay tiếp theo ở phi trường San
Diego cất cánh 2:00PM đưa tôi về đến phi trường Sacramento đúng 3.30PM. Tại
phòng nhận hành lý có con gái và con rể tôi chờ sẵn. Về đến nhà tôi bảo chúng
lôi hai va-li để ngoài sân sau có nắng chang chang, nóng hơn trăm độ F, cho
chết vi trùng! Còn tôi đi thẳng vào phòng tắm, gội đầu...
* Những
ngày dưỡng và trị bịnh Covid 19, tôi không ra khỏi nhà.
*Uống 5
ngày, mỗi ngày 6 viên thuốc “Paxlovid” (Uống thuốc nầy cái miệng đắng nghét). *
Uống kèm theo là thuốc nhức đầu (Tylenol) * Thuốc loãng máu (Bayer). * Thuốc dị
ứng (AllerClear và Singulair) * Thuốc (cold&Flu) vào đầu đêm (nếu có ho). * Ăn nhiều trái cây chua... uống nước cam
vắt, nước chanh (tự làm) tốt hơn mua ở chợ! * Tôi còn đốt vỏ quít, gừng, và trà
(nhiều trà cho đậm) pha với nước sôi và giữ nóng để uống cả ngày... * Dù đã
được chích ngừa bịnh Covid lần thứ 3 rồi. * Khi bị nhiễm bịnh, tôi cảm thấy lừ
đừ, dã dượi, mỏi mệt, lười biếng, cổ khô, nhức đầu... Tôi không bị sốt cao,
không bị ho nhiều, ăn uống lúc được lúc không, ngủ ít.
Phải chăng là tâm lý khi bị bịnh, người bịnh thường
buồn lo linh tinh đủ thứ! Vì từ khi khởi đầu, dịch đã giết 2 nữ đồng môn tôi thân
mến (ở Mỹ). Còn thêm nữa ở cố hương, hay nước khác thì tôi không biết! Bạn bè
gần xa chết khoảng 8 người vì Covid! Cho nên nỗi âu lo cứ canh cánh bên lòng, ngay
từ khởi đầu cơn ác dịch đã khiến tôi cảm thấy xót xa đau buồn, lo sợ cho gia
đình và cho mgười thân!
Khi bịnh Virus Corona 19 mới phát ở đâu bên Tàu,
tôi có xem trong Youtube đoạn video ngắn:
“...Một
nhân viên nam làm trong bịnh viện ở Vũ Hán (Tàu), bị cách ly không được về thăm
nhà. Gia đình anh có cha mẹ, vợ và 2 đứa con nhỏ mới biết đi biết chạy. Nhớ nhà
tối đó anh lén về thăm, chỉ đứng bên ngoài nhìn vào, qua đèn nhà chiếu rọi anh
thấy bóng hai con đang chạy giỡn, bóng cha mẹ và vợ đứng, ngồi... nơi nào đó ở phòng
khách... Anh yên lòng trở về nơi làm việc, nửa tháng sau anh chết vì bịnh nhân
lây! Và mấy tuần sau cha mẹ, vợ con anh cũng qua đời vì nhiễm bịnh Covid 19...”
Xem xong đoạn phim, không kềm được cảm xúc, tôi
đã khóc, khóc thật nhiều! Tôi khóc cho tha nhân! Bây giờ bị nhiễm bịnh Covid 19,
tôi giấu con âm thầm sầu đau rồi khóc một mình! Tôi cũng khóc nhiều! Tôi khóc cho
người và tôi khóc cho tôi!
Sau 5 ngày uống hết 30 viên thuốc “Paxloxid”.
Đến ngày thứ 6 tôi cảm thấy dễ chịu hơn những ngày qua... Ngày thứ 7 đi xét nghiệm lại! Tôi
không còn bị nhiễm Covid 19 nữa! Nhưng cơ thể vẫn còn vật vả khó chịu và
lừ đừ lắm! Lạy tạ Ơn Trên! Được tin tốt lành nầy, tôi vui mừng như mình vừa
được trút đi gánh nặng! Nay thì mọi nỗi âu lo muộn phiền trong tôi đã tan biến
dần sau khi xét nghiệm kết quả mình không còn nhiễm Covid 19.
Thằng con Út tôi điện thoại thăm, đứa cháu
nội gái 4 tuổi mẹ nó dạy chúc mừng bà nội hết bịnh (Con bé chỉ gọi bà
nội là tiếng Việt, còn lại tất cả bằng tiếng Mỹ) Bỗng cháu nội cười
khúc khích chúc tôi, rồi sau đó con bé tự nhiên thích thú trở giọng líu lo, như
chim hót: “...Cháu nhớ bà nội lắm, và rất
buồn bà nội không đến ngày sinh nhật bà. (Ngày 15 tháng 7 là sinh nhật
của tôi, khăn gói lên thăm gia đình cháu. Khi đến phi
trường, biết bị nhiễm Covid 19 tôi vội trở lại nhà) Nhưng cháu vui mừng lắm bà à, vì chiều đó phần bánh sinh nhật của bà
cháu ăn luôn...” Tôi cảm động trong nước mắt yêu thương con bé thơ ngây, mà
bật cười thành tiếng!
Nhớ năm xưa, lúc còn sinh thời má tôi thường
bảo với mấy đứa con bà khi bị bịnh cảm, cúm. “...Bị bịnh con thèm thứ gì thì cứ
nói để má nấu cho ăn, ráng mà ăn để có sức sẽ mau hết bịnh...” Nay thì má tôi
đã ra người thiên cổ từ mấy mươi năm rồi, nhưng tôi không quên... Nên tôi vẫn
nhớ, và thể theo lời dạy của bà, trong thời gian trị bịnh muốn ăn gì thì tôi
gọi mua ở tiệm họ đem đến, hoặc tôi tự nấu mà ăn không cữ kiêng chi ráo trọi
trơn! Hễ khi nào khó chịu trong người, hoặc no thì tôi nằm nghỉ ngơi, nghe nhạc,
xem truyền hình, xem phim bộ... khi khỏe một chút thì tôi lật đật làm những món
mình muốn ăn, như là: bún thịt xào, tôm chiên, cháo gà, cháo cá... Cho nên tha
nhân sau khi bịnh, thường bị sụt cân không nhiều thì ít... Còn như tôi đây, tha
hồ ăn uống thứ gì, món gì mình ưa thích... Mèn ơi, cho nên nay hết bịnh thì tôi
mập như cái khạp da bò đựng nước mưa của ngoại năm xưa!
“...Kính chúc toàn gia quý vị an lành khỏe
mạnh...”
Tôi cũng giữ gìn sức khỏe cho chính mình, nhưng
ai có thể biết trước được “Ngày sau sẽ ra
sao”.
California, mùa
Hè 2022
Tệ xá Diễm Diễm
Khánh An.
Dư Thị Diễm Buồn
No comments:
Post a Comment