CON NGƯỜI VÀ CÁI CHẾT CỦA TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG.
(qua Ghi Chép Của Một Tình Báo Mỹ – James E Parker Jr.)
Lý Minh Hào trích dịch.
James
E Parker Jr, tác giả cuốn sách « Last Man Out – A Personal Account of the
Vietnam War », là một giới chức tình báo của CIA rời khỏi Việt Nam cuối cùng
vào ngày 01/05/1975 sau 10 năm phục vụ, giai đoạn đầu là với vai trò một quân
nhân, và giai đoạn sau trong ngành tình báo Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến tranh Việt
Nam, tác giả tự hào là «I was among the first men in and I was the last man
out» và cuốn sách trên được Đô Đốc Elmo Zumwalt, vị Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ trẻ
tuổi nhứt trong lịch sử hiện đại, đánh giá là sống động và thuyết phục …
Đặc
biệt trong «Last Man Out» rải rác trong nhiều chương, tác giả đề cập qua ghi
chép và nhận xét, đến nhiều nhân vật quân sự tên tuổi mà ông có nhiều cơ hội và
thời gian làm việc chung, như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Hồ
Ngọc Cẩn.
Tác
giả mô tả tướng Nguyễn Khoa Nam điềm đạm, làm việc mẫn cán, chu toàn trọng
trách tướng chỉ huy … Tướng Trần Văn Hai thâm trầm, khép kín, hút thuốc nhiều,
và có vẻ ít nhiều định kiến với các cố vấn, giới chức Mỹ. Nhưng vị tướng này có
tài quân sự, đã cho tác giả biết trước vào ngày 22/04 là Sàigòn đã bị Cộng Sản
bao vây rồi sẽ «mất trong 7 ngày» sau đó. Tướng Hai nghiêm mặt, nâng cao ly cà
phê được đặt trong chiếc bình giữ ấm, mời tác giả cụng ly để cầu nguyện cho
những chiến sĩ đã hy sinh và chúc lành cho nhau …
Tác
giả dành cho Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn sự cảm mến nồng hậu. Trước khi làm tỉnh trưởng
Chương Thiện, Đại Tá Cẩn đã nổi tiếng với những chiến công, nhứt là những trận
đánh giải vây cho An Lộc, và một phần bên mặt bị thương, dù đã giải phẫu chỉnh
hình vẫn còn để lại vết sẹo dài dọc theo hàm. Tác giả nhận xét Đại Tá Cẩn là
«lính của lính, can trường và thanh liêm» (he was a soldier’s soldier, brave
and incorruptible).
Riêng
Tướng Lê Văn Hưng, tác giả James E Parker Jr. ghi lại nhiều chi tiết hơn. Trong
suốt thời gian về làm việc tại vùng châu thổ Cửu Long (Vùng 4), chủ yếu tại Cần
Thơ và các tỉnh lân cận, tác giả do vai trò «case officer» trong ngành CIA nên
luôn có dịp gặp Tướng Hưng. Ngày đầu tiên diện kiến ông Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn
21 Bộ Binh, tác giả «hơi lấy làm lạ» về cách đánh giặc và điều quân của Tướng
Hưng là «thủ nhiều hơn công» khi đôi bên trao đổi và thảo luận, về kế hoạch
quân sự trong vùng. «Tại sao lại đánh một trận chiến đang thua ?”. Tác giả thắc
mắc, thì Tướng Hưng cười và hỏi lại : «Tôi còn có những lựa chọn gì nữa đâu?».
Sau
nhiều tháng liên tục làm việc để lập mạng lưới tình báo tại vùng châu thổ, tác
giả ghi nhận Tướng Hưng dành rất nhiều thời giờ cho việc trận mạc: Sáng sớm
thường đáp trực thăng đi thị sát và trao đổi với các đơn vị trưởng địa phương.
Trở về họp tổng kết tại Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn và thỉnh thoảng họp khẩn về đêm.
Càng về sau tác giả mới hiểu ra thêm tổng quan (outlook) của một ông tướng Việt
Nam trong cuộc chiến giữa những người Việt Nam ngay trên quê hương của mình.
Tướng Hưng tin rằng sự chiến đấu thực sự cho vùng châu thổ Cữu Long đang diễn
tiến ở những nơi khác, có thể trong các cuộc họp hành ở Sài Gòn, hay tại Paris,
Hoa thịnh Đốn. Vả lại, là một người theo đạo Phật, ông tin vào định mệnh, những
gì xảy ra với những hậu quả gì đem đến đều là sự an bài, xếp đặt trong vạn vật
cả.
Tuy
nhiên, tháng 02/1975, theo đòi hỏi của cấp trên từ Cần Thơ và Sài Gòn, Tướng
Hưng đã phát lệnh tấn công một lực lượng quân sự trọng yếu của Cộng Sản tại mạn
đông của tỉnh Chương Thiện, nằm trong một mật khu lâu đời thuộc rừng U Minh –
Theo tác giả, đây là chiến dịch động binh lớn nhứt và khổ cực nhứt của Tướng
Hưng với những điều kiện khó khăn và phương tiện hạn hẹp. Chỉ còn cách tấn công
địch theo lối «liệu cơm mà gắp mắm» thiếu hụt đủ thứ : Phi vụ không quân hạn
chế nên không vận chuyển kịp thời các quân cụ, khí giới nặng, điều động nhanh
các đơn vị chiến đấu tấn kích thần tốc. Quân đội Hoa Kỳ tuy để lại nhiều súng
đại bác nhưng thiếu đạn, còn nhiều mìn claymore nhưng không có đủ bộ phận khởi
động (activators), còn nhiều loại đạn dược, nhưng ngòi nổ đã tịt ! Tuy vậy nhờ
sự chỉ huy tài giỏi, sự can trường và thiện chiến của quân lực Việt Nam Cộng
Hoà, lực lượng cộng sản Bắc Việt đã bị đẩy lùi sâu vào rừng U Minh khi kết thúc
chiến dịch. Trận đánh lớn như vậy hẳn nhiên chiến trường tàn cuộc phải tang
tóc, sự chết chóc và thương tật cả đôi bên phải nhiều. Tác giả ngậm ngùi ghi
chép tâm trạng Tướng Hưng trong hoàn cảnh tàn cuộc chiến đó: General Hưng was
not sure if he had, in fact, secured the net advantage He had used much of his
limited resources. For what ? … He suffered extensive casualties. “Tướng Hưng
không biết chắc là trong thực tế mình có thắng lợi thực sự hay không. Ông ta
gần như đã xả láng những gì còn có trong tay. Để cho gì đây ? Ông đã chịu đựng
bao thứ tai ương”.
Trong
con người võ tướng còn có một văn nhân. Tác giả đã sống với Tướng Hưng những
buổi chiều đằm thắm: Hỏi thăm chuyện gia đình, bàn chuyện nước Mỹ, chuyện thời
sự, thảo luận văn chương. Kiến thức ông tướng uyên bác, nhiều nhà văn và tác
phẩm văn chương Mỹ ông đề cập mà chính tác giả còn chưa đọc tới dù rằng là «
mọt sách » đọc không dưới hai ba cuốn sách mỗi tuần. Còn Tướng Hưng ưa kể
chuyện lịch sử Việt Nam và Chiến tranh Đông Dương. Ông ăn nói cân nhắc, từ tốn,
luôn tươi cười , ngay cả những khi tranh luận các vấn đề quan trọng. Tướng Hưng
có được những nét tự tin đặc biệt và quanh người ông như toát ra vẻ thanh thản,
trầm tĩnh. Tánh tình khả ái, rất dễ gây được cảm tình của mọi người. Từ đó, ông
tướng đã thu phục « con tim » của một điệp viên Mỹ, tạo thành tình bạn thân
thiết giữa hai người. Và tác giả đã dành riêng phần lời bạt ( Epilogue ) để kể
lại cái chết bi tráng, thương cảm của Tướng Lê Văn Hưng. Dưới đây là phần dịch
của Lời Bạt .
Photo:
Google – Ảnh Tướng Hưng.
Ngày
30/04/1975, đúng lúc 7 giờ tối, Tướng Hưng, Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân
Lực Việt Nam Cộng Hoà và cũng là người bạn của tôi, đã nhắn gọi vợ ông đến văn
phòng làm việc tại Cần Thơ. Tướng Hưng cho vợ biết là có 10 người dân địa
phương đến thỉnh cầu ông đừng chống trả với lực lượng Việt Cộng đang tiến quân
vô thành phố. Họ nói bọn Cộng Sản sẽ pháo kích nát Cần Thơ thành đống gạch vụn
và gây thương vong cho nhiều dân lành. Tướng Hưng nói với vợ rằng ông hiểu rõ
chuyện đó và đồng ý sẽ không để thành phố Cần Thơ biến thành một bãi chiến
trường tuyệt vọng. Ông cũng cho biết kế hoạch khẩn cấp rút lui cùng một số
thuộc hạ vào một mật khu xa xôi vùng châu thổ đã hẹn trước, nơi sự sống khó tồn
tại. Đầu hàng giặc không phải là một giải pháp lựa chọn. Tướng Hưng cũng không
hề nghĩ tới việc diện kiến và thảo luận với một quan chức Việt Cộng trách nhiệm
trong vùng Thượng Tá Hoàng Văn Thạch, để bàn giao vùng Châu thổ Nam Bộ cho Cộng
Sản. Ông không bỏ nước để thoát thân. Ông có một trách nhiệm với những quân
nhân đã dành mạng sống của họ ở lại vị trí trấn thủ. Ông đã ở lại bằng một lựa
chọn vinh dự. Ông phải tự quyết định sinh mạng của mình. Vợ của Tướng Hưng bật
khóc và năn nỉ ông hãy suy tính lại. «Tại sao mình không thể bỏ ra ngoại quốc
giống như những người khác ?», bà hỏi chồng. Tướng Hưng lập lại lần nữa với vợ
về trách nhiệm riêng đối với xứ sở và binh lính. Ông ôn tồn và chậm rãi nối
tiếp: «Mình đừng để anh bị mất lòng kiên định. Giờ đây cứ đánh tiếp cũng chỉ
đem lại rắc rối và mất mát không những cho gia đình và bà con mình, mà còn cho
binh lính và dân lành nữa. Và anh không muốn thấy mặt thằng Cộng Sản nào hết».
Rồi Tướng Hưng đứng dậy, ôm vợ vào lòng, và rớt nước mắt. Sau cùng, ông nói
cùng vợ : «Lẹ lên đi mình, tới mời Má và dẫn các con vô đây gặp anh». Khi người
Má vợ và các con bước vô văn phòng làm việc của ông rồi, Tướng Hưng nói lời
chia tay và cúi xuống hôn từng đứa con.
Bên
ngoài văn phòng, nhiều sĩ quan và binh lính thuộc cấp lần lượt kéo tới, đứng
sắp hàng ngoài sân, chờ đợi lệnh. Tướng Hưng tuyên bố việc chiến đấu đã chấm
dứt. Ông nói, nước đã mất là do lãnh đạo kém tại Sài Gòn, và xin thuộc cấp tha
thứ lỗi cho ông, nếu như cá nhân ông đã có những lỗi lầm nào đó. Bầu không khí
xung quanh nặng nề. «Tôi xin chấp nhận cái chết. Vĩnh biệt các anh em» , Tướng
Hưng dứt câu. Tướng Hưng đưa tay lên chào và đưa tay bắt từng người một. Ông
yêu cầu mọi người ra về . Một vài quân nhân vẫn đứng tại chỗ không chịu lui
bước, nên Tướng Hưng buộc lòng phải bước tới đẩy và giục họ về. Rồi ông bảo vợ
đừng có nài nỉ thêm điều gì nữa và chỉ một mình bước vô văn phòng làm việc Chỉ
trong khoảnh khắc sau đó vang lên một tiếng súng nổ. Tướng Hưng đã tự sát bằng
súng ( Hết trích ).
Sau phần Lời Bạt và xếp ở cuối trang sách « Last Man Out » James E Parker Jr đã
chọn bài thơ của một chiến binh Mỹ ẩn danh (Làm việc tại Cao Nguyên Trung Phần
Việt Nam khoảng năm 1969 ). Từ và ý bài thơ hoa mỹ, lãng mạn và phảng phất siêu
thoát, nhưng dứt bằng một câu thơ đầy hào khí tang bồng hồ thỉ như khí tiết của
những chiến sĩ hiệp khách Đông Phương :
Do
not stand by my grave and weep.
I am not there . I do not sleep …
I am a thousand winds that blow
I am the diamond’s glint on snow
I am the sunlight on ripened grain
I am the gentle autumn’s rain
When you awake in the morning’s hush
I am the swift uplifting rush
Of quiet birds in circle flight
Do not stand by my grave and cry:
I am not there . I did not die.
Tạm
dịch nghĩa:
Đừng
đứng bên mộ anh và nhỏ lệ
Anh không ở trong mộ này. Anh không ngủ đâu
Anh là ngàn ngọn gió thổi khắp năm châu
Anh là kim cương lấp lánh trên tuyết lạnh
Anh là ánh nắng nhuộm vàng hạt lúa chín
Anh là giọt mưa của trời vào thu
Khi em thức giấc lúc ban mai thinh lặng
Anh là lực xua đàn chim vụt bay cao
Những cánh chim lặng lẽ lượn những đường vòng
Đừng đứng bên mộ anh và khóc lóc:
Anh không ở trong mộ này. Anh không chết đâu em.
Bài
thơ không tựa và tác giả ẩn danh trên, tác giả James E Parker Jr xếp liền ngay
sau phần mô tả cái chết của Tướng Hưng để xem như vòng hoa tang cho một ông tướng
cốt cách hào hoa. Bởi vì trong đời thường và trong quân ngũ, Tướng Hưng vẫn
không giấu được ngay cả dưới lớp quân phục những nét nho nhã và dáng hào hoa
của một người đàn ông. Nhiều người nhận xét, Tướng Lê Văn Hưng “có tướng quan
văn hơn là võ tướng», chẳng qua ông quan văn này phải khoác chiến y trong thời
chiến và trên chiến trường, để bảo vệ miền Nam tự do mà thôi. Tướng Hưng
cũng có tiếng là “người chịu chơi” , nhứt là thời còn trai trẻ, sĩ quan còn
mang lon cấp uý, cấp tá, nhiều phen “quậy tới bến » sau chiến trận được về lại
hậu cứ nghỉ ngơi Ôi, đó là những năm anh còn trẻ của một người trai thời ly
loạn sống nay chết mai. Thiết nghĩ không ai quá khắt khe đối với ông tướng.
Nhưng
rồi ông tướng không mấy năm sau đó cũng có cơ hội, gặp thời thế để trả nợ chí
trai và làm đẹp non sông: Khí tiết Lê Văn Hưng đã thăng hoa giữa chiến trường
Bình Long và hoa anh hùng Lê Văn Hưng đã nở đẹp tại phòng tuyến An Lộc. Và rồi
hấp hối theo vận nước, phút cuối Lê Tướng Quân đã chọn cái chết bi hùng để trở
thành bất tử trong lịch sử và quân sử Việt Nam Cộng Hoà.
Phụ Lục: Tôi Nguyễn Đồng Danh, hân hạnh phục vụ dưới
quyền tướng Hưng hơn 1 năm. Năm 1967, tôi bị động viên khoá 26 sĩ quan
trừ bị Thủ Đức. Đáng lý sau khi học xong 9 tháng quân trường, tôi sẽ
được biệt phái trở về bộ Giao dục, nhưng vì ra trường nhằm sau tết
Mậu Thân, nhu cầu chiến trường cần sĩ quan, nên tôi bị kẹt.
Tôi về vùng 4 chiến thuật, sư đoàn 21 Bộ binh, Trung đoàn
31, đóng tại Chương Thiện. Trung đoàn trưởng lúc đó là Trung tá Lê văn
Hưng. Tôi nằm trong đại đội Trinh sát của Trung đoàn, nên theo sát
tướng Hưng cho đến ngày biệt phái.
Tôi nhớ lúc đó Trung đoàn đang hành quân tại Rạch Giá, bộ
chỉ huy hành quân đóng tại phi trường. Buổi chiều cơm nước xong, tôi
đang chuyện trò cùng binh lính dưới quyền, thì có lịnh trình diện
Trung tá Hưng. Ông nói có công điện từ hậu cứ ở Chương thiện, cho
biết “tôi có lịnh biệt phái về bộ Giáo dục” rồi ông nói “Toa về
bàn giao trung đội, xong lên đây làm việc”. Từ đó tôi chỉ loanh quanh
tại bộ tư lịnh hành quân phụ trách “bản đồ hành quân”.
Tuần lễ sau, có trực thăng từ Chương Thiện đưa sĩ quan tài
chánh đến Rạch giá phát lương cho trung đoàn, ông Hưng cho tôi theo trực
thăng về hậu cứ để lấy giấy tờ biệt phái và trở về Sài gòn đi
dạy lại. Ông ôn tồn dặn dò:
“Toa
lên trực thăng nhớ đừng ngồi bẹp xuống sàn. Mấy tháng trước, thiếu úy Minh cũng
được biệt phái như toa, ngồi trên trực thăng trở về hậu cứ, bị đạn AK từ dưới
đất bắn lên xuyên thủng sàn máy bay. Viên đạn nằm trong đốt cuối của xương sống
không thể mổ được. Minh bị tê liệt tứ chi và tàn phế suốt đời. Nhớ để cái nón
sắt trên sàn trực thăng và ngồi lên đó”.
Tôi
cảm động trước lời dặn dò cuối cùng của một người anh cả, lúc nào cũng lo lắng
cho sự an toàn của đàn em. Tôi chỉ biết chúc ông được an lành trong quân ngũ và
sớm thăng quan tiến chức. Đó là lần gặp mặt cuối cùng giữa ông Lê văn Hưng và
tôi, vì ông đã oanh liệt tuẫn tiết trong ngày miền Nam thất thủ, cùng với các
vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Phạm văn Phú và Trần văn Hai.
Tướng
Hưng đã tự sát vào tối ngày ngày 30.04.1975 tại văn phòng riêng ở Bộ Chỉ Huy
Quân Đoàn 4, sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt tất cả quân
sĩ bảo vệ Bộ Chỉ Huy. Sau đó, ông đã quay vào văn phòng, khóa chặt cửa và tự
sát bằng súng lục vào lúc 8 giờ 45 phút tối.
Anh
hùng tử, nhưng khí hùng nào tử. Xin thắp một nén hương lòng cho hương hồn Chuẩn
tướng Lê văn Hưng “anh hùng An Lộc”, người anh cả của Trung đoàn 31 trong những
năm 1968-1969 mà tôi được hân hạnh phục vụ dưới quyền.
Nguyễn
Đồng Danh.
Từ trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment