Chuyện Là Vậy Đó
Chuyện viết bằng tưởng tượng, từ bối
cảnh, tình tiết tới tên người trong đó có nhân vật tôi
Ở Sài Gòn, ba má tôi có căn nhà trong dãy phố gạch mái tôn trên con đường
đủ lớn cho xe hơi qua được nhưng ít khi thấy, chạy từ bên ngoài đường Nguyễn
Văn Thoại băng qua cái chợ nhỏ tới bên ngã ba Ông Tạ, ba má tôi ở trên tỉnh,
tôi ở một mình từ những ngày xuống Sài Gòn học, nhà không có đồ đạc gì nhiều, vừa
đủ bàn, ghế, giường chõng tầm thường nhưng vì tánh tôi ngăn nắp, thứ tự nên mọi
thứ trong nhà đâu đó đặt để lớp lang, cái nào ra cái đó, chỗ nào ra chỗ nấy. Cái
thứ tánh tình này, cả bà con nội ngoại đều biết, khi nói tới thì ai nấy cũng cười
khì “cái thằng gì còn hơn con gái” vậy mà ai cũng thương thiệt thương.
Quê ngoại tôi, bà con tụ ở chung quanh một xóm, nhà này ngó qua nhà kia,
cách nhau một khoảng sân, con đất đường mòn, chạy vòng vo nhà này qua nhà khác,
ngoại tôi cũng ở đó, sau lưng nhà ngoại là bà dì Năm, xế bên kia là nhà ông cậu
Bảy rồi ngang hông nhà bà dì Năm là nhà cậu Tư, con cháu chạy qua chạy lại hà rầm,
má tôi chị cả thứ Hai, thì ngoại lệ, bà theo chồng bỏ Trâm Vàng lên tỉnh từ lúc
tôi chưa sinh ra, nhưng mỗi tháng, tháng nào cũng vậy, không biết từ bao lâu,
cũng về nhà ngoại, phụ tiền, phụ gạo cho bà, tôi có ông cậu, em má nhưng ông nội
này học hành dang dỡ, rất sợ ba tôi, đi lang lang miệt dưới, không thèm lấy vợ,
tuy vậy cũng về nhà mấy ngày giỗ ngày tết, đôi ba lần má tôi dắt theo về ngoại,
chạy qua nhà ông này bà kia, dạ dạ, con con, cho tới những năm đầu trung học
trường tỉnh. Sau ngày ngoại tôi mất, ba má tôi thỉnh thoảng mới về dưới đó, tôi
cũng từ đó không về chơi thường lắm, chỉ đôi ba lần khi được ba tôi mua cho chiếc
xe Honda, như món quà thưởng ngày thi đậu Tú Tài Một, nhất là những ngày tôi xuống
Sài Gòn học Đệ Nhất ở trường Mạc Đỉnh Chi.
*
Lần nào từ trên nhà trở xuống trường, đi ngang qua xóm ngoại, tôi đều tạt
vào nhà bà dì Năm chơi, trước khi đi tiếp, mấy lần về Trâm Vàng đó, ngoại không
còn, hể thăm mộ Ngoại xong, tôi thường qua nhà bà dì Năm ăn cơm trưa, rồi nằm
võng bên hè, nói chuyện với hai dì, Thắm lớn, Thêm nhỏ, theo vai vế vì dì gọi
má tôi là chị, tôi thích họ hơn là thằng em con cậu, con ông Bảy, nhà giàu hơn
trong số bà con, vì cậu, vai em của má tôi, làm chức gì đó ở dưới quận đường,
thằng em này cũng làm tàng lắm, tôi không mấy ưa, nhưng đôi khi cũng mầy tao
vài lần, anh ta học bằng lớp tôi ở trường quận. Hai dì hồi nhỏ có đi học hay học
tới đâu, hổng biết nhưng ăn nói dễ thương, vui vẻ cười luôn miệng, mỗi lần ghé
vô là hai người nấu đủ món cho ăn mệt nghỉ.
Tôi xuống Sài Gòn học Đệ Nhất. Hai dì đi buôn hàng này kia, không phải
hàng lậu hay có lậu từ chợ trời biên giới miệt Trà Cao, tôi chẳng biết, chuyến
đi chuyến về Sài Gòn Gò Dầu, thường ngủ lại dưới Sài Gòn một hai đêm, chờ đủ
chuyến rồi mới chở về. Lúc tôi chưa có nhà ở Sài Gòn, không biết hai dì ở đêm ở
đâu nhưng sau ngày có nhà, hai dì thường xuống ở dưới nhà tôi, vậy mà cũng nhớ
cái tính ngăn nắp, kỹ càng của tôi, nên hai dì phải lên tận trên tỉnh hỏi ba má
tôi cho phép, ba má tôi phì cười, ông bà dễ mà nhưng hỏi “thằng Hiếu”
đi, nó ừ thì xuống ở. Thế là hai dì xuống ngủ lại, hôm nào có hai dì tôi không
phải chạy xe ra tiệm cơm bình dân ở đường Trần Bình Trọng, chợ nhỏ trong xóm
trong mặc sức hai dì mua thứ này thứ kia, nấu kho nhiều khi tôi ăn cả mấy ngày
chưa hết, khỏi lo chuyện chợ búa, nói chuyện chợ búa của tôi cho vui, chứ trứng
vịt, trứng gà, dưa leo dưa chuột, chao tương là chính.
Đậu Tú Tài Hai, tôi vào đại học, hai dì cũng không còn thường xuyên đi
buôn như năm trước, ngủ lại vài ba lần thế thôi, có cái ngộ là bên ngoại, cả
bên cậu con ông Bảy cũng không ai biết tôi học cái gì, ba má tôi cũng không
nói, ai đó quen, bạn bè hỏi tới ông bà chỉ nói là nó đi học dưới Sài gòn, vậy
thôi. Bẳng đi một thời gian cũng lâu, tôi thì cũng ít khi về nhà thường như trước,
nhưng mỗi lần về, trở xuống Sài Gòn thì lúc nào cũng ghé vào nhà bà dì Năm, ở
chơi tới gần xế trưa mới đi, hai dì tới giờ này cũng chưa thấy ai lấy chồng, chẳng
biết tại sao, tôi cũng chẳng hỏi, hai dì bây giờ, sang lại một sạp bán hàng tạp
lục, nồi niêu, bao bị, như tiệm hàng xén, gì đó ngoài chợ quận, công việc yên ổn,
đồng ra đồng vô, không giàu nhưng cuộc sống an lành, thoải mái.
*
Lần về chơi Tết dưới này năm thứ hai đại học, dì Thắm lấy chồng, chồng
dì làm nhân viên gì đó ở bệnh viện quận, hiền hậu vui tính mặc dù có tật ở
chân, đi đứng hơi khập khễnh chút xíu, chắc nhờ vậy mà không phải vào lính, còn
ở nhà với bà dì Năm, dì Thêm vẫn vậy, bên ông cậu Bảy thì cái thằng em làm tàng
đã vào Thủ Đức, nghe nói vì rớt Tú Tài Hai, biết thì biết vậy chứ lâu lắm rồi
tôi chưa hề gặp hắn ta. Lên năm thứ ba, tôi không còn ghé nhà bà dì Năm thường
nữa, chỉ hai ba lần, thăm hỏi vội rồi đi cũng vội. Tôi ít gặp lại họ, những người
bà con bên ngoại từ đó, nhất là hai dì Thêm và Thắm, trên tỉnh thì ba má tôi
cũng không biết gì nhiều hơn trừ một hai lần, ông cậu Tư, hay bà dì Năm, dì Thắm
có ghé qua khi lên chợ tỉnh mua mấy thứ cần mà dưới quận không có.
Qua Tết cũng năm hoc thứ ba, tôi gặp lại dì Thêm khi về ghé ngang ăn đám
giỗ của ông dượng Năm, và lần đó nghe dì nói có người dạm hỏi cưới rồi, chắc
không lâu sẽ có đám cưới theo chồng dì về dưới Vĩnh Long, bận rộn việc học thi
ra trường năm thứ tư, tôi đã không gặp lại
hai dì, bà dì năm và mấy người bà con bên ngoại từ đó, mãi sau này, tốt nghiệp
xong, sạch nợ bốn năm sách đèn, ghế giảng đường, sách vở, nghỉ về tỉnh thăm
nhà, tiện trên đường về, một lần nữa, có lẽ còn lâu mới có lần sau, tôi ghé vào
nhà bà dì Năm, trước thăm gia đình, sau để từ giã đi làm, dì Thắm vẫn còn ở với
bà dì, dì Thêm không có, ở nhà nói theo chồng cả năm nay rồi, Ở chơi với ba má vài ngày, báo tin rồi từ giã ông bà, để cái xe Honda lại, trong
nhà còn có người chị con nuôi lo chuyện trong chuyện ngoài nên tôi yên lòng
không phải lo lắng. Rồi tôi nhận việc ở Tuy Hòa, căn nhà trên Sài Gòn đóng cửa,
lâu lâu ba má tôi và chị nuôi xuống thăm lom dọn dẹp như đi thăm bẫy ở chơi một
hai ngày, mua thứ này thứ kia gọi là đồ Sài Gòn mà trên tỉnh hiếm có.
*
Miền Nam thua cuộc, cũng như hàng ngàn người đồng cảnh ngộ làm người ở lại,
tôi về tỉnh ở với ba má mươi ngày, thời buổi lúc này còn nhọc nhằn, nhá nhem,
chưa đâu ra đâu, người có quyền từ đâu đó về thành, mạnh ai nấy ra oai, quyết định,
thù ghét, hăm he, thượng vàng hạ cám, mình buồn cho mình một thì ba má buồn cho
mình mười, mọi thứ đổ vỡ, mộng có chút danh gì với núi sông đã tan tành theo
mây khói, núi sông bây giờ xem ra đã đổi tên, dường như không còn là cái núi sông
mà mình ấp ôm từ ngày chập chững vào trường làng. Tôi trở xuống Sài Gòn, loay
quay vài ngày ở nhà, đối diện bên kia đường là trụ sở phường, căn biệt thự của
một gia đình thương gia khá giả đã bỏ trống từ tối 30 tháng 4. Một sáng mưa lất
phất, theo lệnh của nhà cầm quyền mới, Ủy ban Quân quản thành phố, tên mới, Sài
Gòn không còn nữa, cũng như nhiều người làm việc cũ, tôi xách túi vải sắp hàng
theo dòng người, lơ láo, ngỡ ngàng đến trình diện để được “đi học tập cải tạo”
tại một trường nữ trung học lớn.
Đứng sau hai người nhìn về phía bàn có hai cô du kích, áo quần xanh lục
nón tai bèo mới toanh, chờ tới phiên mình, cô ngồi đầu bàn ngước lên kêu người
kế tiếp, cũng là lúc tôi bước lên, còn cách chừng hơn một thước, tôi giựt thốt
người, vừa chết trân vừa kinh ngạc, nhưng cũng còn kịp nhận ra, trước khi cô
cúi xuống, ghi chép gì đó, tôi buột miệng thầm “trời ơi, dì Thêm”. Tới
lượt mình, tôi bước lên, đứng trước mặt cô chờ, dì Thêm ngước lên, mặt biến sắc
nhìn trân trân, tôi nghẹn lời, muốn nói nhưng không nói ra được nhưng có nói
thì, trong cảnh ngộ này, phải nói gì đây, ký ức của những ngày bên dì, từ xóm
nhà ngoại Trâm Vàng đến những bữa cơm chiều ở nhà dưới Sài Gòn, trong phút chốc
hiện rõ mồn một trong đầu, tôi vẫn đứng lặng yên, cố xua đi những gì vừa chợt
nhớ, dì thẩn thờ trong giây phút, lấy lại bình tỉnh, lật tờ giấy tiếp theo,
không nhìn lên, không hỏi như đã hỏi những người trước đó, họ tên, cha mẹ, chỗ ở
chỗ sinh, dì biết hết rồi, dì cứ ghi ghi chép, hai dì cháu lặng thinh, rồi cũng
xong, dì đóng cái mộc đỏ thô sơ, trên tờ giấy chứng nhận đã trình diện, hơi run
tay, chỉ về hướng người đang tập họp nghe ông cán bộ, cũng áo quần xanh lục,
nón tai bèo, có thêm cây súng lục K54 bên hông, chỉ chỏ gì đó, tôi cầm tờ giấy,
dì nhìn tôi, lắc đâu “thôi Hiếu đi qua đó đí”. Tôi rời hàng, lầm lũi đi,
quay lại, dì còn nhìn theo, mặc dù có người đang đứng chờ.
*
Tôi cùng một số đông người khác, bị đưa lên một trại giam trên vùng tam
biên, tại làng Plei Cân, rừng sâu hun hút, sương mờ gió chướng, đèo heo hoang lạnh,
sau vài tháng học tập bảy tám bài của chế độ mới đưa ra, nhưng không còn ai
nghĩ tới cái ngày về mà luôn nghe nói qua nói lại, học xong chín bài sẽ về, đám
cán bộ đọc bài hay canh tù, chỉ hậm hừ không xác nhận nhưng nói rõ là khi nào họ
xét người tù có tiến bộ theo định nghĩa của họ thì được thả. Cũng như các trại
tù khác, chuyện đi lao động, chặt cây phá rừng, trồng trọt bắp khoai là chuyện
chính yếu vì có “lao động mới vinh
quang” mà lao động vinh quanh mới là “con người mới của xã hội chủ nghĩa”,
đói thiếu ăn, sức yếu, lực tàn, bệnh tình bắt đầu tới, không người này thì cũng
người khác, cầm cự, ngậm than mà sống nhưng bao lâu thì không thấy bản án tù
nói tới. Tôi cũng bắt đầu yếu nhất là cái bệnh tiêu chảy, thường có khi trước,
lúc nào cũng có thuốc trong nhà, mệt mỏi, nhiều lần bị phê bình, tự giác tự kiểm
nhưng chưa khá hơn, chuyện ngày mai phần số thôi để trời già quyết định.
Tôi theo anh bộ đội coi tù, buổi sáng, trời lạnh, sương mù mờ mờ giăng
cây cỏ quanh trại, ra chỗ căn nhà dùng làm chỗ thăm nuôi, vì hôm nay tôi có người
thăm. Lúc nghe báo tin, tôi sửng sờ thắc mắc, ba má cũng già, cũng yếu, có đủ sức
đâu mà đi năm bảy chặng đường, hai ba ngày, ngủ bờ ngủ bụi, chưa kể là biết chỗ
nào đâu mà đi, người chị nuôi thì cũng vậy, tôi lại không có ai khác là người
thân, thì cái này lạ thật, nhưng đã như vậy thì cứ đi xem sao. Gia đình, con
cái của người tù ngồi sẳn đó lâu rồi trên mấy cái băng ghế bằng cây rừng do người
tù đóng, hai ba anh bộ đội coi tù mang
súng AK47 đứng xa xa ngoài hiên nhìn vào xem xét. Một lần nữa, giống như lần tới
trình diện đi tù ở Sài Gòn hơn hai năm trước, tôi đứng chết trân lặng người,
góc bàn cuối gần tấm vách lá che hờ, dì Thêm đang ngồi đó với cái giõ đầy ắp gì
đó trên bàn, dì cười, tôi cũng cười nhưng cái cười của xót xa hơn là vui mừng.
Hai dì cháu ngồi thật lâu, bỗng dưng tôi muốn hỏi tại sao nhưng lại
thôi, có hỏi thì chắc không ích gì mà chưa chắc dì nói hết, chuyện muốn nói thì
có quá nhiều nhưng toàn là chuyện xa xưa, giờ không làm gì có lại được. Dì cho
biết, sau ngày gặp tôi trình diện ở sân trướng đó, dì thương cho tôi, người tù
lần lượt giải đi các trại tù, sau đó dì tìm kiếm tin tức để theo dỏi tôi bị đưa
đi đâu và cuối cùng dì tới đây, dì có về lại trên nhà bà dì Năm, có lên tỉnh
thăm, nhà chỉ còn ba, má tôi đã qua đời năm ngoái, ba đem bà về chôn tại khu đất
gần mồ của ngoại, người chị nuôi giờ thường đi lên đi xuống coi chừng nhà dưới
Sài Gòn, cũng báo cho ba biết nơi tôi đang bị giam và hứa sẽ thay ông mà lo cho
“thằng Hiếu”.
Tôi bật khóc, anh bộ đội khi nãy,
nhìn vào, định bước vào nói gì đó nhưng lại thôi, mắt dì đỏ hoe, không nói được
gì. Hết giờ thăm, cầm cái giõ rời căn nhà, tôi loạnh choạng bước đi, không dám
nhìn lại, anh bộ đội đi sau giục nhanh chút xíu, tới cuối đường vào dãy nhà ở,
quay lại, trời đã có nắng từ lâu, người thăm người tù lần lượt tản dần, chia
tay và khóc gọi, dì vẫn còn đứng bên ngoài vòng rào, cố vẫy tay giữa đám người
thân lố nhố.
*
Được thả sau lần dì ra thăm, chắc
cũng gần một năm, về nhà ở Sài Gòn vài hôm, trình diện công an phường một tuần
một lần, xin giấy đi đường về tỉnh thăm ba, thăm mộ má, cám ơn người chị nuôi,
vẫn ở vậy một mình, thay mình săn sóc ba má, trông coi nhà cửa. Thăm mộ má, lạy
tạ xin tha thứ cho không có mặt ngày đưa má an nghỉ, lạy mộ ngoại, khóc rồi
cũng ngưng, rồi qua bên mộ dì Thêm, chôn gần đó không xa, tôi không kiềm được
nước mắt, tôi trách dì đường trăm ngả sao lại chọn ngả này, nhưng trách móc để
được gì, tôi cám ơn dì đã khoát lên người, một con người khác với bộ quân phục
xanh lục nón tai bèo, lặn lội xa xôi mang quà cứu tôi sống thêm, bao lâu nữa chắc
dì cũng không biết, thương cho dì rồi thương cho mình, nay mai không biết phận
mình ra sao. Giữa trưa, trời không nắng, mây xám xịt từng đám nhỏ lẻ loi, cứ lẩn
quẩn thấp trên đầu, một màu buồn bã.
Dì Thắm buồn buồn kể lại chuyện, bà dì Năm ngồi trên võng, cái võng mà
tôi thường nằm tòn ten, cười đùa mỗi lần ghé qua ngày trước, lặng thinh nghe. Buổi
trưa, sau khi từ trại tù về, trời tốt có nắng, đám người đi thăm tù phải đi bộ
lần nữa trên khoảng đường gồ ghề, quanh co, đồi dốc khi cao khi thấp về lại cái
buôn Thượng Dak Wak mà họ đã ngủ ở đó đêm qua, cách trại tù chừng sáu bảy cây số,
ở đó chiếc xe đò cũ kỹ chạy ì ạch từ dưới Dak Tô mướn lên chờ, vì xe không thể
lên tới trại tù được. Xuống tới buôn thì trời cũng lấp lửng chiều tối, họ lại ở
đêm nữa, sáng mai trở về Dak Tô, rồi từ đó mới có xe về tới Kontum.
Buổi sáng sớm, sương mù nhiều nhưng trời có nắng hé đôi chút, chiếc xe
đò đưa đám người đi thăm tù chậm chạp từng khúc quanh, lên đồi cao xuống dốc thẳm
phun khói xám đen, lặng lặng trên con đường, đất không ra đất, đá không ra đá
nhắm hướng xuôi về Dak Tô. Mới êm ả đó bỗng dưng tối sầm, gió cuốn rít lên
thình lình, người trên xe nhìn nhau lo lắng khi xe vừa qua ấp làng Dak Chum
không bao xa, rồi mưa trút xuống ầm ầm như thác đổ, con đường bắt đầu trơn trợt,
chiếc xe lắc lư, một trong hai bánh trước nổ , xẹp hơi, chiếc xe chúi lũi qua một
bên đường, mưa cứ tuôn xối xả, rồi lật ngang một bên, lăn không biết bao nhiêu
vòng rớt xuống vực dốc sâu, tiếng người la hét không át nổi tiếng mưa lùa và tiếng
gió hú, dân trên ấp làng nghe tin do một người đi gát rẫy đêm về, ùa nhau chạy
tới, họ chen cây rừng xuống chỗ xe lật, không may, người đi thăm tù chết gần hết
vì đầu bị đập vào thành xe nhiều lần, trong số đó có dì Thêm.
Cái võng ngưng lắc qua lắc lại, dì Thắm ngừng chuyện, bà dì Năm lặng
thinh từ đầu câu chuyện, hai người bật khóc, nhìn ra hướng mộ dì Thêm tôi không
khóc thành tiếng nhưng nước mắt cứ tuôn, lăn dài trên má.
*
Trở lại tỉnh thăm nhà, có lẽ là lần
cuối, ngày mai, trước khi bỏ đi xa, xa lắm, có thể không có ngày về, từ biệt ba,
giã từ người chị nuôi, cho tròn bổn phận, hai người không khóc vì biết rằng ở lại,
tôi sống nhưng chỉ khổ mà thôi. Bó nhang thơm đốt chia ba phần, một cho mộ má, một
cho ngoại, lạy từ mai con đi, một phần cho mộ dì Thêm ở lại yên nghỉ, không hẹn
chừng nào gặp nữa, tôi lại muốn hỏi dì hai tiếng “tại sao” như đã hỏi ở
trại tù Plei Cân nhưng nghẹn lời, rồi thôi. Đứng chờ xe ở ngã ba đầu đường,
ngoài quốc lộ quay nhìn vào gò mả, nắng thưa dần, chiều xuống, môi mình chợt mặn,
tôi đã khóc.
Thuyên Huy
Viết để nhớ những ngày thống khổ đổi
đời một chín bảy lăm.
No comments:
Post a Comment