Hạ
cầm côn về làng sau mười năm biệt tích.
Việc
đầu tiên là Hạ đến nhà chị gái. Hắn muốn tính sổ với anh rể về những trận đòn
ngày trước. Tiếc thật! Anh rể đã chết sắp đoạn tang. Hạ cáu tiết mang côn ra mộ
phạt trụi cỏ. Người đàn bà góa khóc lóc van xin vẫn không ngăn nổi hắn.
Đêm
khuya. Trăng hạ tuần treo lơ lửng trên dãy đồi Bạch Bát. Làng Yên Hạ im lặng
chìm trong giấc ngủ sau một ngày lam lũ. Trong túp lều nát, người đàn bà góa
vẫn rầu rĩ kể lể cho hắn nghe nỗi đoạn trường của chị. Hắn thở dài thườn thượt,
có lúc bồn chồn, nóng ruột. Thì ra mười năm qua không riêng mình hắn lang
thang, đói rách. Chị hắn ở nhà cũng sống khổ. Hắn thương chị, căm lắm bọn sâu
mọt làng Yên Hạ.
Hắn
nhớ lại. Tuổi thơ vô khối những đòn roi. Cha mẹ mất sớm, hắn ở với chị gái cùng
bố khác mẹ. Không may cho chị đã mấy kỳ sinh nở nhưng con cái đều chết yểu. Anh
rể hắn chán, uống rượu say chửi nhà chị thất đức. Không thể chịu đựng mãi, hắn
muốn bỏ nhà ra đi. Đi đâu? Hắn chưa biết, nhưng trước hết phải có tiền.
Đêm
mùa đông gió rét tái tê. Hạ đóng khố lội qua ao mò vào chuồng lợn nhà cu Dục.
Hắn đổ tro vào bao bố chụp vào đầu con lợn. Không kịp éc, chú ỉ choai choai đã
chui gọn vào bao. Ngay trong đêm, Hạ vác con lợn đã chết ngạt đến bán rẻ cho mụ
Trương Phòng, một người chuyên bán lòng lợn tiết canh ở chợ huyện.
Dắt
bảy xu bạc bán lợn chết vào cạp khố, hắn vội vàng như ma đuổi sau lưng. Mưa
phùn gió bấc tạt vào mặt rát dạt. Mặc, hắn bỏ làng ra đi. Tảng sáng, hắn đụng
phải đường tàu. Hắn cứ dọc đường ray đi mà không biết vào nam hay ra bắc. Đến
ga Ghềnh, gặp tàu hắn nhảy đại lên. Hắn là người đâu tiên ở làng Yên Hạ đi xe
lửa. Năm ấy hắn mười ba tuổi.
Những
hình ảnh chắp nối cứ liên tục hiện về. Dạo đó, Hạ sống tha hương, cuộc đời trôi
nổi, vô định. Hắn lang thang, phiêu bạt, lúc ở trên tàu, lúc ở ga. Có thời gian
hắn rong ruổi xuống Hải Phòng, sang tận Trung Quốc. Kiếm được thì ăn, không
kiếm được, hắn chịu. Hắn làm đủ nghề, từ bốc vác thuê ở bến tàu, quét hố tiêu,
rửa bát cho hiệu phở đến móc túi. Khi hắn học võ Tàu để gác cửa cho một hiệu
cao lâu thì hắn thấy trộm cắp vặt không xứng mặt một thằng đàn ông. Từ đắng
cay, ngọt bùi đến khổ đau sung sướng, hắn nếm cả. Cuộc đời cũng dạy cho hắn
biết như thế nào là ân oán, nghĩa tình. Hắn có võ, có vàng, có gái… đủ cả. Duy
chỉ có một thứ hắn luôn thiếu, đó là tình thương.
Trời
sáng bạch. Hạ đã qua một đêm thức trắng. Chị hắn bưng lên một đĩa khoai luộc.
Không bóc vỏ, hắn chén một lèo hết sạch. Tiện tay, hắn với chai rượu trên bàn
tu ừng ực rồi cầm côn đến nhà Hội Dục. Chị hắn sợ níu lại. Hắn quắc mắt: “Không
phải việc đàn bà”. Chị hắn run cầm cập, chắp tay cầu trời khấn phật phù hộ cho
đứa em ngỗ ngược mới về làng không gặp chuyện dữ.
Nhà
Hội Dục đang giỗ bố. Sân nhà cỗ bày la liệt. Khách khứa đang nhồm nhoàm bỗng
ngừng nhai. Có người sợ đánh rơi đũa ,Hạ múa côn vun vút trước những con mắt sợ
hãi lẫn thán phục của mọi người. Hội Dục ngưng tiếp ông Chánh tổng từ trong nhà
bước ra. Với những thằng khác, chắc Hội Dục đã hô trương tuần gô cổ lại. Nhưng
với Hạ, ông xử nhũn. Ông biết đây là loại người chẳng vừa. Hắn đã đi biệt xứ
mười năm. Phàm những thằng như thế ra đi mười thằng chết tám, chín, còn lại một
hai trở về đều là những thằng kinh cả. Ông đang cần những thằng như thế. Vả lại
nhà ông đang có việc lớn, ầm ĩ lên xấu mặt nhà mình trước. Thôi thì ông cứ lui
một bước. Ông tự tay rót chén rượu nếp đầy tràn mời Hạ. Thấy mình được vị nể
trước khách khứa hàng tổng, hắn sung sướng xếp bằng ngồi uống rượu cùng đám
tuần đinh.
Hội
Dục quả là tay không vừa. Những năm làm nghề thu thuế chợ, ông hiểu lắm cái
cảnh đời nhốn nháo. Cái chợ là bộ mặt của làng, của tổng. Xấu tốt, gian manh,
đần độn, thằng móc túi, kẻ đi buôn, người sắm đồ giỗ bố cứ ra chợ mà tìm. ở đời
cũng thế, cũng có thằng thế này, thế nọ. Phải cho chúng trị nhau rồi ông trị
lại chúng. Thằng tha hương như Hạ ông cần lắm. Vài hôm sau Hội Dục bàn với Lý
Nguyễn cho Hạ làm Chánh trương. Mặc dù chẳng ưa gì Hội Dục, lại càng không ưa
Hạ, nhưng chả dại gì dây vào thằng đã từng biệt xứ. Lý Nguyễn đành phải thuận.
Từ bấy giờ dân làng gọi hắn là Trương Hạ.
Công
việc mới làm Hạ say mê. Hắn hình như quên chuyện trả thù và quyết định ở lại
làng. Từ ngày hắn làm chánh trương, đêm hôm làng Yên Hạ im ắng hẳn. Đi tuần nơi
đâu, Trương Hạ dẹp yên đấy. Có đêm hắn lôi về nhà Lý Nguyễn bảy, tám tên đánh
bạc mà không tên nào dám ho hoe. Những nhà chuyên nấu rượu lậu cũng không qua
mặt hắn. Còn mấy thằng chuyên khoét ngạch chui tường ăn trộm thì dạt đi làng
khác làm ăn. Hắn thường xuyên được ăn của đút lót.
Không
nhà cửa, cũng không thèm ở nhờ túp lều rách của thằng anh rể đã chết. Trương Hạ
nhảy ra chiếm cứ một khoảnh đất hoang cạnh bến đò ngang. Trương Hạ cũng sắm một
“chiếc đò nan”. Những lúc không làm phận sự thằng tuần, có người ới hắn cũng
cầm chèo xuống bến.
Quả
thật, đưa khách sang sông cũng là một thú vui mới của Trương Hạ.
Làng
Yên Hạ có ông Nhất Cẩn giàu có nhất vùng. Không có chức sắc nhưng nhà ông giàu
nứt đố đổ vách nên Chánh Tổng cũng vị nể. Ông thường xuyên để Trương Hạ lui tới
uống rượu phần vì quý hắn tính khí hơn người, phần vì đánh tiếng để bọn lưu
manh cạch mặt đừng quấy nhiễu. Trương Hạ biết, hắn thấy mình cao giá lắm.
Nhất
Cẩn có một người vợ bé nhan sắc. Ông rất yêu chiều. Tuổi sáu mươi, dù bồi bổ
bao nhiêu ông cũng không làm thỏa mãn cả đàn vợ. Nỗi khao khát của người vợ bé
bốn mươi tuổi như bốc lửa. Thị đã tìm được nơi trao gửi và Trương Hạ đã làm
được cái việc của thằng đàn ông thay Nhất Cẩn. Cuộc tình của gã trai tơ với
người đàn bà sắp đến tuổi hồi xuân tưởng chừng không bao giờ dứt. Họ lén lút
quấn quýt bên nhau, lúc ở bến đò, lúc trong vườn nhãn. Cuộc tình cứ kéo dài mãi
trong vụng trộm. Hắn muốn cưới người đàn bà ấy làm vợ.
Những
việc làm của Trương Hạ không qua mắt Hội Dục. Ông bảo hắn:
-Mày
đã đi khắp nơi, ăn mẻ bát thiên hạ còn dốt. Việc ấy dễ như trò trẻ con sao mày
không nghĩ ra.
Quả
thật, Trương Hạ thạo mọi việc đời, nhưng tính khí thẳng băng. Những lắt léo, âm
mưu, mánh khóe chiếm đoạt, hại người, hắn không có. Nghe Hội Dục bày cho,
Trương Hạ mừng lắm. Ngay trong đêm, một mình một cuốc, một mai. Trương Hạ đi
đào mộ cha kẻ giàu có nhất vùng. Mộ cha Nhất Cẩn đặt trên gò Lý Ngư. Đất rắn
chai tay, nhưng lòng ham, mê làm điều tai quái và tiếng gọi của ái tình đã tiếp
thêm cho hắn sức mạnh. Gà gáy canh ba, Trương Hạ đưa hài cốt của cha Nhất Cẩn
về giấu ở sau rừng. Sáng, Hội Dục sai người bắn tin. Chẳng mấy chốc tin Nhất
Cẩn mất mộ cha đã loang khắp chợ huyện. Biết tin, nhà Nhất Cẩn hoảng loạn,
hoang mang. Là người theo Nho giáo, ông ngấm nỗi khổ nhục của kẻ mất mộ cha.
Phen này mạt kiếp. Ông sai người dò la tung tích, nhưng cả tháng trời vẫn biệt
vô âm tín. Lòng ông tan nát. Đúng lúc ấy, Trương Hạ xuất hiện. Hắn trách ông
cậy nhờ người đi tìm, không bảo hắn một tiếng. Nhất Cẩn mừng vui hết nỗi. U
sầu, đau đớn quá, ông quên mất kẻ phải cậy nhờ chính là Trương Hạ. Hôm ấy, ở
nhà Nhất Cẩn rượu ngon chảy như suối.
Nhất
Cẩn trúng kế Hội Dục. Trương Hạ thực hiện kế sách khá thành công. Hắn nghi
binh, giả bộ như sắp tìm được đến nơi, khiến Nhất Cẩn đêm ngày sống trong hy
vọng. Trương Hạ biết thế càng kéo dài thời gian tìm kiếm. Cứ mỗi lần hắn đi
tìm, Nhất Cẩn lại sai người mang rá xúc bạc cho hắn mang theo. Nhưng tiền bạc
ấy chui vào túi Hội Dục quá nửa.
Một
thời gian, Hội Dục sợ Nhất Cẩn u sầu quá quỵ mất, hỏng việc liền bảo Trương Hạ
tung đòn cuối. Trương Hạ đến, mặt mũi phờ phạc, Nhất Cẩn chạnh lòng tưởng hắn
vừa qua chặng đường gian nan vất vả. Hắn bảo Nhất Cẩn rằng đã tìm được hài cốt
của cha ông. Nhất Cẩn vui mừng hết nỗi. Quả không nhầm khi ông “chọn mặt gửi
vàng”. Chờ cho niềm vui sướng của Nhất Cẩn vơi đi, hắn lễ phép thưa:
-Con
không đòi hỏi gì. Con chỉ xin ông một điều.
-Ta
coi mày như con cháu trong nhà. Cần cái gì cứ nói. Ta không tiếc.
-Thưa
ông. Con trót dại phải lòng người vợ bé của ông. Chúng con trót ăn nằm với nhau
và thị đã có bầu. Con xin cưới thị làm vợ.
Như
tiếng sét đánh ngang tai, Nhất Cẩn không tin những điều vừa nghe. Mặt ông đang
hồng hào tươi tắn bỗng tái xám. Một bên mất vợ, một bên mất mộ cha buộc ông
phải chọn một. Người ta bảo “thứ nhất là bằng mất mộ cha, thứ nhì buôn vã, thứ
ba đi bè”. Như vậy là mất vợ không bằng mộ cha.
Từ
lâu, làng Yên Hạ có lệ con trai lấy vợ phải nộp một ngàn viên gạch sành lát
đường làng. Trương Hạ nghĩ đã là lệ làng phép vua cũng thua, huống hồ cái thân
hắn một thời tha hương. Hắn sẽ lát đường làng, lát để cả làng Yên Hạ nhớ hắn.
Tên tuổi hắn dân làng phải mang theo xuống mồ. Con đường từ nhà Nhất Cẩn vắt
qua cánh đồng về bến đò ngang mới lát được non nửa. Phần còn lại, hắn thưa với
các cụ bô lão trong làng xin lát nốt. Tính ra hết hàng chục vạn gạch và cả chục
tấn vôi. Mấy tháng trời, các lò gạch, lò vôi ở bãi bồi sông Bút nghi ngút khói.
Cả chục người đóng gạch, nung vôi, vào lò ra lò tấp nập. Dân làng Yên Hạ có
thêm công ăn việc làm trong mùa giáp hạt. Nhiều người lắc đầu lè lưỡi, không
biết những năm tháng biệt xứ, hắn kiếm đâu ra nhiều tiền vàng thế. Nhất Cẩn thì
chửi thầm trong bụng: Mẹ nó! Bảy dành bạc và phúc đức nhà ông ra lát đường. Dân
làng ai có ghét Trương Hạ thì ghét chứ bằng ấy con người làm thuê chắc chắn sẽ
hàm ơn hắn. Có kẻ còn hoắng lên mong hắn cưới vợ hai, vợ ba, vợ tư nữa.
Sáu
tháng sau, mụ vợ hơn hắn gần hai mươi tuổi đẻ con trai. Đúng là “nòi nào giống
ấy” không thể lẫn. Nó giống Hạ như đúc. Trương Hạ đặt tên con là Du. Hắn bảo:
“Thằng này đến nữa cũng sống tha hương”.
Không
biết Trương Hạ có bao nhiêu tiền, vàng, nhưng người ta đồn hắn có nhiều lắm.
Chỉ thấy hắn sống thừa ăn nhờ đình đám và những lần bắt bớ trong làng. Rất lạ,
hắn không xây nhà to như ông Hội Dục, không tậu ruộng, tậu trâu như ông Nhất
Cẩn. Hắn và vợ con chỉ ở trong căn nhà tre lá giữa vườn cây.
Trương
Hạ sống hào phóng. Hắn chén ở nhà lý trưởng hay nhà chánh hội một bữa, hôm sau
làm cỗ đáp lại luôn. Cỗ nhà hắn bao giờ cũng to hơn cỗ trước. Hắn còn có thú đi
tuần ngoài đồng. Ngoài đồng bao giờ cũng mát mẻ thoáng đãng. Tầm mắt hắn nhìn
xa tít tắp. Đi tuần trong làng bó buộc lắm. Hắn chán cảnh trong làng nước đọng
đầy ao tù, cứt trâu nổi lều bều. Đường làng bé tí tẹo, ngoằn ngoèo vào các hẻm
sâu hun hút.
Một
lần, hắn gặp cô Mại, con gái ông thủ quỹ mặc váy cắm đầu vào bờ móc cua. Trương
Hạ ôm mặt cô Mại ép sát vào gối, người cong như con tôm, mông đít chổng ngược
lên trời. Mười sáu tuổi, yếu ớt, cô Mại không chống đỡ nổi tay trương tuần lực
lưỡng, giỏi võ. Cô Mại rã rời, mềm oặt rũ xuống bờ ruộng. Bên hông cô hom giỏ
bật ra. Cua đực cua cái bò lổm ngổm. Trương Hạ múa côn vun vút, phạt trụi một
đám lúa. Hắn dọa: “Mại làm ầm ĩ tôi giết. Ngày mai tôi đến nhà hỏi Mại làm vợ”.
Ông
thủ quỹ tức nghẹn cổ, chửi Trương Hạ “vuốt mặt không nể mũi”. Sau ông nghĩ kiện
cáo càng thêm khổ con gái mình. Hắn cũng có của nả, lại mượn người đến xin cưới
tử tế. Ông đành cho hắn cưới con gái mình
Cuộc
đời Trương Hạ cứ thế trôi đi. Đến một lần đánh chén ở nhà Hội Dục, hắn say mèm
nhưng vẫn cố về nhà. Bóng hắn ngất ngưởng, xiêu vẹo đến túp lều của mụ Lài bên
gốc đa làng thì quỵ. Mụ Lài sợ lắm. Mụ tưởng hắn chết. Loay hoay mãi, mụ vần
được hắn vào trong túp lều. Trương Hạ thở hồng hộc, lăn lộn trên mặt đất. Mụ
Lài chạy vội ra ngoài vặt một nắm búp dong riềng. Mụ nhai búp dong ngồm ngoàm
rồi nhả cả nước lẫn bã vào cái tô mẻ. Mụ thò tay vắt bã, cạy miệng Trương Hạ đổ
nước vào. Hắn tợp từng ngụm, nước lá giong riềng tứa ra hai mép. Chưa kịp uống
hết, hắn đã nôn thốc nôn tháo. Lổn nhổn thức ăn chưa tiêu và nước, rượu ra đầy
cái chiếu manh hắn đang nằm.
Nửa
đêm, Trương Hạ tỉnh dậy. Hắn thấy mụ Lài vét cám trong vại vỡ bỏ vào chã đất
đặt lên mấy thanh củi đang cháy dở sao vàng. Mùi rượu, mùi thịt cá tanh tưởi,
chua nồng. Miệng hắn đắng ngắt, khô rát. Hắn cựa mình, mệt quá không dậy được.
Im ắng quá. Thỉnh thoảng có tiếng thạch sùng kêu trên vách. Trương Hạ thấy
buồn, một nỗi buồn mênh mông không cắt nghĩa được.
Mụ
Lài đánh gió cho Trương Hạ. Hắn nằm im như trẻ nhỏ. Trương Hạ thấy dễ chịu. Hắn
ước ao: giá mẹ hắn còn sống. Mẹ hắn cũng đánh gió dã rượu cho hắn. Hắn thèm có
bàn tay săn sóc của người mẹ. Khổ thân hắn. Hắn lớn lên đã không thấy bố mẹ. Đi
biệt xứ về, hắn làm chánh trương, người ta gọi hắn là Trương Hạ, nhiều người
tưởng hắn họ Trương. Hắn thấy xót xa. Mọi người đều có mẹ, chỉ hắn là không.
Hai mụ vợ một già, một trẻ thật lòng thương hắn nhưng hắn vẫn thấy thiếu, thiếu
một cái gì đó mà hắn không cảm nhận được. Giờ thì hắn hiểu, cái thiếu đó là
tình mẫu tử.
Mụ
Lài vần Trương Hạ úp sấp trên manh chiếu. Mụ mím môi cầm nắm cám nóng gói bằng
mảnh vải đụp cọ mạnh trên tấm lưng trần của hắn. Mùi cám rang cháy thơm thơm
bay khắp túp lều. Hắn nhắm nghiền mắt sống trong ý muốn được nuông chiều, chăm
sóc dưới bàn tay người mẹ. Hắn thấy biết ơn bà già ăn mày cô đơn gần bảy mươi
tuổi đã cứu hắn sống lại. Thân phận mụ nhỏ nhoi, thấp hèn nhất làng Yên Hạ. Mụ
đã nhiều lần được hắn bố thí và bị hắn xua đuổi. Cũng là một kiếp người! Hắn
lang thang, ngỗ ngược. Mụ lần hồi ăn xin. Hắn cảm thấy thương hắn, thương bà
già này. Trương Hạ không khóc mà nước mắt rơi lã chã. Vì đâu? Vì đâu nên nỗi
thân này? Hình như lần đầu tiên trong đời, hắn rơi những giọt lệ nóng.
-Mẹ…
Hắn nắm lấy tay mụ Lài, giọng run run.
Sáng
hôm sau, hắn đến nhà Lý Nguyễn trả lại chức chánh trương. Hắn lại sai hai mụ vợ
đến đón bà già về nuôi như mẹ đẻ. Mụ Lài bỗng nhiên hết kiếp ăn mày. Mụ sống
thêm bảy, tám năm nữa mới chết và trở thành người thọ nhất làng Yên Hạ.
Từ
ngày ấy, Trương Hạ ít giao lưu, đêm ngày sống với bến đò, sông nước, vườn cây.
Chỉ khi nào nghe tiếng gọi: “Đò ơi”, Trương Hạ mới vác chèo xuống bến. Tuy vậy,
tên tuổi Trương Hạ vẫn không mất đi, vẫn vang lên tận hang cùng ngõ hẻm làng
Yên Hạ. Trẻ con khóc, đem tên Trương Hạ ra dọa, chúng im bặt. Trẻ chăn trâu vặt
trộm quả, đem tên Trương Hạ ra nát, chúng run lập cập. Chuyện lớn, chuyện nhỏ
trong làng xảy ra, họ đều ví như việc làm trước đây của Trương Hạ. Còn sống
nhưng Trương Hạ nghiễm nhiên bước vào huyền thoại của làng Yên Hạ. Trẻ chăn
trâu gọi bằng ông với tấm lòng ngưỡng vọng đầy khâm phục.
Cuối năm đó, đội cải cách về làng. Hội Dục và mấy người địa chủ khác bị
bắn ở gốc cây đa làng. Trương Hạ cũng bị lôi khỏi vườn cây. Người ta luận tội
Trương Hạ.
Trương Hạ chỉ có tám sào thổ, không thể quy nổi thành phần địa chủ. Lúc
làm trương tuần, ông cũng đánh người, nhưng chỉ đánh bọn chơi bạc và ăn trộm.
Cũng may không đứa nào chết, chúng chỉ lê lệt hoặc hộc máu mồm máu mũi. Chừng
ấy, chưa thể khép tội ông là cường hào gian ác, có nợ máu với nhân dân. Mặc dù
rất nhiều lần vì ông mà dân làng làm ăn khó bề yên ổn.
Cùng lúc đó, Du bị địa phương sức giấy lên trường tỉnh đòi về. Ông buồn
bực vì nỗi thất học của con trai, nỗi lòng thêm nhức nhối. Cả đời ông thất học,
tha phương, bỏ xứ. Lúc tìm về quê nhà làm lắm điều tai ách. Ông muốn sống nhân
từ, dồn sức vào chăm chút cho con để trả nỗi đau đời. Không ngờ số phận vẫn
chưa buông tha ông. Trương Hạ ngẫm lại sự đời và cảm thấy thời mình đã hết.
Chuyện đấu tố đang hăng thì có lệnh sửa sai từ trung ương về. Ai cũng sợ
Trương Hạ ra tay trả thù. Nhưng ông bảo “Vì thời thế, thế thời phải thế”. Người
đúng nhiều, nhưng cũng có kẻ “té nước theo mưa”, “giậu đổ bìm leo”; thói đời
xưa nay vẫn thế. Có người lương tâm không đến nỗi nào, nhưng vì học hành kém
quá hoặc sợ hãi nghe người ta xui bậy làm càn. Không thèm chấp! Với lại, ít
nhiều mình cũng có tì vết, cứ trắng như tờ giấy, ai thèm động đến lông chân.
Sau cải cách ruộng đất, rất ít người trong làng đi lại với Trương Hạ. Họ
ngại đã đấu tố ông. Năm sau người vợ già ông mất. Ông buồn, nỗi lòng thêm trống
trải. Du được tham gia sinh hoạt thanh niên và dạy bình dân học vụ… Trương Hạ
thấy thế không vui cũng chẳng buồn. Ông cũng không cấm đoán con trai tham gia
công tác xã hội. Phong trào hợp tác xã về làng Yên Hạ. Ông chẳng thiết tha, mặn
mà, nhưng cũng bảo vợ đem đò góp vào hợp tác xã ngành nghề. Hàng tháng thu tiền
đò được vài chục đồng công điểm gọi là. Trương Hạ sống thu mình ở vườn cây.
Suốt ngày ông cặm cụi ghi chép bằng số vốn chữ nho học mót ngày trước. Đêm ngày
nghe tiếng sóng sông Bồ vỗ ì oạp ông sướng hơn nghe tiếng kẻng giục đi làm đồng
của hợp tác xã.
Như một định mệnh sắp đặt sẵn, những ngày sinh hoạt thanh niên, cô Lự bí
thư chi đoàn đã phải lòng Du. Hai người thương nhau được một năm, chuyện loang
ra. Mẹ Lự gọi con gái lại chì chiết:
-Lão Trương Hạ năm thê bảy thiếp. Thằng Du “con nhà tông chẳng giống
lông cũng giống cánh”, tránh xa nhà ấy ra.
Ông Tam bảo con gái:
-Mày con nhà bần cố. Thằng Du con nhà thành phần, không hợp nhau. Phải
cắt ngay kẻo hối không kịp.
Lự khóc. Cô giận mẹ, giận Trương Hạ, giận cả làng Yên Hạ.
Những chuyện gièm pha, nói xấu xung quanh mối tình của con cũng đến tai
Trương Hạ. Chuyện thù oán mới dai dẳng làm sao. Mấy lần ông định mang côn đi
hỏi tội những kẻ nói xấu ông, nhưng lại thôi. Ông chép miệng: “Thời thế đổi
thay rồi”. Song ông lại bảo Du:
-Chúng nó là cành cây, ngọn cỏ. Cái làng Yên Hạ này chỉ bằng nắm tay
tao. Cốt là chúng mày phải lòng nhau và nhất quyết thành vợ chồng. Sợ đếch gì
thằng nào, con nào.
Quả thật, Trương Hạ không sợ. Cùng lắm là chết, nhưng cái chết ông cũng
không ngán. Ông nghĩ dân làng Yên Hạ không ai có máu mặt để xứng với ông. Nhưng
đến chuyện tình của con thì ông bất lực. Du chán đời, bỏ nhà đi mất tăm. Trương
Hạ than phiền:
-Thằng này giống máu bố, khổ một đời con ơi!
Lâu lâu, người ta đồn gặp Du ở bãi đào vàng tận miền tây xứ Nghệ. Du bị
bụng báng nước độc rồi chết. Người lại nói Du đi công nhân lâm trường, cả cơ
quan chuyển vào thanh niên xung phong phục vụ ở tuyến trong Quảng Bình. Những
lời đồn thổi thật hư lẫn lộn không biết đâu mà lần Trương Hạ không tin. Ông
bảo: Thằng ấy chết không thể dễ thế được. Nó vào lính mới đáng mặt thằng đàn
ông thời loạn.
Bụng cô Lự to dần. Cô than thân trách phận bao nhiêu lại căm Du bấy
nhiêu. Du đã chạy làng, cô nghĩ thế. Với cô, Du là người đàn ông bội bạc. Du bỏ
cô bụng mang dạ chửa trong nỗi khổ của người con gái hoang thai. Mẹ cô bảo:
-Đã sướng chưa con ơi. Tao biết ngay cái mặt bố con nhà nó.
Nhục quá, uất ức vì đứa con gái chửa hoang, ông Tam trói Lự vào cột nhà
gọt đầu bôi vôi. Trương Hạ biết tin cầm côn đến:
-Chưa cưới hỏi, nhưng tôi coi nó như là con dâu. Ông không được phép làm
liều.
-Vì bố con mày mà nhà tao khổ nhục. Ông Tam giận lắm cầm dao bầu xông
đến. Trương Hạ tránh được đánh văng dao. Trương Hạ bế luôn ông Tam đặt lên
giường thờ rồi bảo Lự:
-Coi như ông ấy đã chết. Con chắp tay lạy bố con đi.
Ông Tam mất mặt với dân làng vì Trương Hạ làm nhục, lại xấu hổ vì đứa
con gái không chồng mà chửa. Nghĩ ngợi nhiều, ông sinh ra ốm liệt giường. Sau
vụ ấy nhiều người khen Trương Hạ, cũng nhiều kẻ chê ông, thậm chí còn chửi vụng
ông quen thói côn đồ. Thực lòng Trương Hạ không muốn thế. Ông biết Lự và con
trai ông phải lòng nhau thật. Giọt máu trong bụng Lự là của Du để lại. Có thể
Lự sẽ đẻ con trai mang dòng họ nhà ông. Phải giữ lấy, phải bảo vệ. Đó là ý nghĩ
đầu tiên khi biết Lự có chửa với con trai mình.
Lự bị gia đình hắt hủi, làng xóm chê cười, người yêu đi mất tích. Cô
hoang mang không còn nơi bấu víu. Lự nghĩ đến chuyện ra đi.
Nắng chiều loang loáng ở mặt sông. ánh sáng yếu dần. Mây màu xám ảm đạm.
Gió nồm không thổi nữa. Trương Hạ hò vợ quay mũi đò sang bờ bên kia. Ông chạy
trước, vợ chạy sau đuổi theo bóng Lự đang cắm cúi trên bờ đê cao.
-Con đi đâu trong lúc bụng mang dạ chửa? Hãy ở lại ta lo.
-Thưa cha! Lự dừng lại. Tự nhiên cô gọi ông bằng cha.
-Con không thể…
-Gia đình ta không ai ghét bỏ con – Giọng Trương Hạ tha thiết.
-Nhưng con nhục. Con không thể sống với làng.
-Ta biết gia đình con vẫn cố chấp với cuộc đời ta. Chả lẽ quá khứ của ta
lại là nguyên nhân rẽ ràng duyên phận các con.
-Con không biết… Nhưng con phải ra đi. Con khổ lắm!
Lự gục đầu vào vai bà Mại nức nở. Hai người đàn bà ôm nhau, bóng đổ dài
xuống mặt sông.
Biết không thể giữ Lự ở lại, ông bảo vợ và Lự thôi đừng khóc. Ông lấy
trong người ra một lá vàng Kim Thành cho Lự. Cô nghẹn ngào, giắt lá vàng vào
trong người rồi chụp nón lên đầu.
Trương Hạ đứng cạnh người vợ nước mắt lưng tròng. Ông nhìn Lự bước thấp,
bước cao đi khỏi làng Yên Hạ. Lòng ông đau như cắt. Xa xa hoàng hôn đang lụi
dần trên dãy đồi Bạch Bát.
Ba mươi năm sau. Bến đò ngang đã bắc cầu mới. Có một chàng đại úy mang
phù hiệu không quân dừng lại ở đầu cầu. Anh hỏi thăm về làng Yên Hạ. Người ta
bảo: cháu Trương Hạ trở về./.
Sương
Nguyệt Minh
Nguồn: văn học nghệ thuật
Từ trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment