PHO TƯỢNG SỐNG
Đã một ngày rồi tôi đi gần khắp Sài Gòn tìm mướn phố. Nhưng muốn
được một phố yên lặng, đến hôm nay, đi mỏi cả chân mà vẫn chưa thấy. Một người
quen chỉ ở đường T. có một căn lầu rộng, giá hạ, có vườn chung quanh.
Tôi đến nơi, cùng một lúc có một người đàn ông có vẻ nghệ sĩ, cũng hỏi
thuê. Bà chủ phố đã hơi già kể lể thành thật:
– Cái lầu tuy đã hơi cũ nhưng tầng trên còn tốt. Chồng tôi chết nên
nghèo không có tiền sửa sang lại mới. Ai đến thuê cũng bảo là rộng quá và xa
thành phố, nhưng tôi chắc rằng hai ông được vui lòng vì ở đây yên tĩnh lắm.
Chúng tôi đi xem qua. Phía dưới lầu đã hư hao ít nhiều, bà chủ phố ở còn
bốn phòng tầng trên thông với nhau, có cửa khóa. Nếu một người mướn thì rộng
lắm và phải trả nhiều tiền vô ích. Người cùng hỏi thuê với tôi nói:
– Hay là ông với tôi cùng thuê chung, tiền phố chia hai trả mỗi người
hai mươi đồng. Tôi xin lấy hai căn phòng ở trong và sẽ vui lòng trả thêm, nếu
ông muốn.
– Nhưng mỗi lúc đi đâu ông phải ngang qua chỗ ở của tôi hẳn không tiện
lắm, với lại…
-… Tôi và ông chưa quen nhưng sẽ biết nhau. Tôi chỉ ở một mình thôi.
Tôi nhận lời và ngay hôm đó đã dọn đến ở, cùng một lúc với người kia đưa
đồ đạc lại tự giới thiệu.
– Nguyễn Thư.
Ngày hôm sau tôi ngủ dậy hơi trưa như thường lệ, khi bà chủ phố vào
phòng quét dọn, tôi hỏi xem ông Thư đã dậy chưa.
– Lúc bảy giờ.
Tôi thấy dễ chịu vì hôm nào ông cũng dậy sớm như thế thì không làm phiền
đến tôi. Và một độ lâu tôi không thấy mặt Nguyễn Thư. Tôi ở tại đây đã được nửa
tháng và gần như quên người cùng trọ.
Một đêm vào lúc mười hai giờ, có tiếng gõ cửa phòng rồi Nguyễn Thư vào.
– Chào ông. Hẳn tôi làm phiền ông?
– Không đâu. Tôi vừa viết xong.
– Vậy tôi có thể ngồi đây trong chốc lát cùng ông?
– Ông cứ tự nhiên.
Lấy một cái píp ở trong túi, nhét thuốc vào, ông còn hỏi tôi:
– Thật tôi không làm phiền ông đấy chứ?
– Tôi vừa đến chỗ trắc trở của nguồn văn. Tôi đang nghĩ về trạng thái
tâm hồn những người điên.
Nguyễn Thư mỉm cười.
– Có lẽ tôi giúp được ông một phần.
Rồi Thư nói rành mạch về vấn đề ấy.
– Hẳn trước đây ông có học ở trường thuốc?
– Tôi chỉ đọc trong sách.
Từ hôm ấy trở đi thỉnh thoảng tôi mới gặp ông. Có đêm khuya ông Thư mời
tôi đi uống rượu hay tôi mời lại ông. Chúng tôi bàn cãi rất hợp ý về các vấn
đề. Thư tỏ ra thông thái và sâu sắc, nhưng tránh nói đến mình.
Người có vẻ hơi bí mật. ở cửa sang phòng tôi, ông treo một tấm màn dày,
ngăn không để lọt một tiếng động ở trong. Khi đi đâu ông khóa cửa lại rất kỹ và
bà chủ phố chỉ được vào quét chùi trong phòng lúc sáng sớm trong khi Thư ngồi
đọc sách đợi. Căn phòng không có vẻ gì đáng chú ý. Nhưng cái buồng phía sau ông
có thể để được lắm đồ đạc. ở cửa treo tấm màn dầy kín ông lại đặt thêm hai
thanh sắt với thìa khóa chữ. Lẽ tất nhiên là bà chủ phố tò mò muốn biết đến cái
buồng bí mật này. Một hôm bà trèo lên một cây cách xa cửa sổ cái buồng độ mươi
thước để nhìn vào. Nhưng không thấy gì hết. Ngoài cửa sổ có treo một tấm vải
xanh.
Sau đó bà chủ phố kiếm chuyện hỏi ông Thư:
– Ông che kín cái cửa sổ làm gì vậy?
– Tôi không muốn ai tò mò nhìn vào phòng tôi.
– Nhưng ở phía dưới, có ai nhìn lên được đâu?
– Nếu có kẻ trèo lên cây trong vườn thì sao?
Bà chủ phố kể lại câu chuyện này với tôi và kết luận rằng chỉ có một
người làm việc gì bí mật mới như thế.
– Có lẽ ông ấy làm bạc giả chăng?
Từ đó mỗi cắc hay bạc giấy ở tay Thư đưa ra bà chủ phố xem xét rất kỹ,
nhưng không có vẻ gì nghi ngờ được.
Không có người đi lại với ông Thư, thỉnh thoảng ông nhận những hộp,
thùng gỗ to hay nhỏ, nhiều kiểu khác nhau do mấy người cu li đưa đến. Cái gì
đựng ở trong, bà chủ phố rất muốn biết đến nhưng cũng không làm sao rõ được.
Ông Thư đóng cửa phòng lại, lấy đồ đựng ở trong ra rồi đưa các thùng không cho
bà.
Nếu có hỏi, ông lạnh lùng trả lời:
– Tôi không muốn ai để ý đến!
Một buổi chiều, một người bạn gái đến với tôi. Tôi ngồi ở bàn viết, nàng
nằm đọc báo. Trong lúc ấy có tiếng gọi cửa ở ngoài nhưng không thấy ai mở.
Thơ bảo tôi:
– Để em xuống mở cho. Nếu người ta hỏi anh thì sao?
Thơ xuống lầu vài phút sau trở lên.
– Có một cái hộp gửi đến cho anh.
Tôi đứng dậy ngắm nghía cái hộp không đề tên ai.
– Anh chẳng hiểu cái này gửi cho ai. Có lẽ người ta lầm chăng?
– Người cu li mang đến tay cầm một miếng giấy đề đường và số nhà này thì
của anh chớ ai?
Trong lúc ấy tôi quên không nghĩ đến Nguyễn Thư. Thơ nói:
– Anh mở ra xem cái gì trong ấy?
Tôi lấy một con dao nhọn cạy nắp ra nhưng mũi dao gãy. Tìm chung quanh
không thấy có một vật gì để dùng vào đây được.
– Chịu thôi!
Thơ cười:
– Anh tầm thường lắm.
Rồi nàng chạy xuống phía dưới đem lên một con dao lớn lấy ở trong bếp bà
chủ phố. Thơ ngồi xuống cố mở một cách khó khăn vì nắp hộp cứng. Đôi má nhợt
thành đỏ, và tôi nghe tiếng trái tim đập trong làn áo mỏng. Thơ đưa tay lên
ngực.
– Anh làm thế cho em! Lại đau tim rồi.
Thơ đẹp như mùa thu, tươi trẻ nhưng yếu. Nàng đau tim đã lâu.
Tôi rút mấy cái đinh và cạy nắp mở ra. Trong hộp thấy bọc giấy láng, Thơ
thọc hai bàn tay xinh trắng vào. Tôi xây lưng để con dao trên bàn.
– Anh, cái chi mềm mềm!
Thình lình nàng hét lên một tiếng khủng khiếp rồi ngã lui. Tôi vực nàng
đặt lên đi văng; Thơ bất tỉnh. Tôi vội vàng cởi áo nàng ra, lấy dầu măng xát
vào màng tai và hai cánh tay một lúc mới nghe tiếng đập nhẹ nhàng của trái tim
thoi thóp.
Lúc ấy có tiếng gõ cửa:
– Ai?
– Tôi.
– Cứ vào.
Nguyễn Thư bước vào hỏi:
– Gì thế?
Tôi kể lại chuyện vừa xảy ra.
– Cái hộp này của tôi.
– Của ông? Mà trong đựng cái gì làm cho em tôi đến khiếp đảm như thế?
– Chẳng có gì lạ.
– Mèo chết! – Thơ đã tỉnh nói. – Cái hộp đựng toàn mèo chết!
Ông Thư lấy cái nắp định đậy lên hộp, tôi đến nhìn kỹ vào trong. Thật
thế, cái hộp đầy cả mèo chết, và trên hết con mèo đen lớn.
– ồ! Ông định để làm gì thế?
Nguyễn Thư mỉm cười tự nhiên rồi thong thả nói:
– Chắc ông cũng biết người ta nói rằng da mèo trị bệnh đau nhức xương
cốt rất hay. Tôi có một người bị bệnh ấy khá nặng nên tính gửi cho những da mèo
này!
Nói thế rồi ông lễ phép chào, lấy cái hộp đi qua phòng mình.
Một tuần lễ sau, một cái hộp khác gửi đến cho ông Thư, lần này bằng dây
thép, ở Pháp qua. Tôi nhận thấy ở ngoài đề của một nhà hàng bán sáp thơm.
Thật vậy, ông Thư là một người lạ lùng.
Một lần khác, bà chủ phố hốt hoảng đến nói với tôi khi tôi vừa bước về
nhà.
– Hôm nay có đến một cái thùng lớn bề dài tới hai thước tây, bề cao cũng
gần nửa thước. Chắc là xác người ở trong!
Nhưng vài giờ sau ông Thư đưa cái thùng ra cho bà chủ phố, và luôn mấy
ngày bà lục soạn khắp nơi trong lúc quét chùi cũng không tìm ra được dấu vết gì
hợp với sự nghi ngờ.
Lần lần chúng tôi cũng không để ý đến những hành động của ông Thư nữa.
Tuy thỉnh thoảng ông ta vẫn nhận được thùng, hộp bí mật, phần nhiều nhỏ như cái
đựng mèo chết, có khi một cái dài. Tôi không muốn dò xét nữa, vì ông Thư chẳng
có vẻ gì đáng chú ý hơn. Ban đêm, khuya, có khi ông đến vài giờ với tôi, mà tôi
phải thú thật rằng nói chuyện với ông Thư là một cái thú.
Mỗi khi Thơ đến nếu ông Thư vào phòng tôi vài phút thì thế nào cũng có
một chuyện xảy ra rồi nàng phải chết giấc. Tim nàng đã đến thời kỳ đau nặng nên
chết bất kỳ lúc nào, rất thường lắm, không duyên cớ nữa. Thơ bị chết giấc như
người ta ngủ.
Và những cơn chết giấc mỗi lúc kéo dài thêm, đáng lo ngại. Tôi vẫn sợ sẽ
phải thấy nàng chết trên tay.
Một buổi chiều, Thơ đến tươi cười khác thường.
– Cô em đi vắng, em có thể ở lại với anh cho đến mười giờ.
Nàng gọt cam mang đến cho tôi rồi ngồi dựa đầu vào vai.
– Để em đọc bài của anh viết.
Hôm nay nàng vui lắm, và thấy được khỏe.
– Em chắc trái tim đã bớt nhiều, đập đều như thường.
Rồi nàng đưa hai tay ôm lấy đầu tôi để tai ghé vào một bên trái tim
nàng, nghe tiếng đập. Tối lại, Thơ gọi bà chủ phố nhờ đi mua đồ ăn để ở lại
dùng cơm với tôi.
– Hôm nay ở với anh thích ghê. Miễn là ông Thư kỳ dị không đến!
Bỗng có tiếng gõ cửa.
– Vào đi.
– Hẳn tôi làm phiền…
– Phải, lẽ tất nhiên ông làm phiền. – Thơ nói lớn – Ông không thấy sao?
– Tôi xin đi ngay.
– Ông đã làm phiền chúng tôi. Chỉ có mặt ông ở đây cũng đã khó chịu rồi.
Vậy ông còn đợi gì nữa?
Thơ nói xong thì giọng nói tắt, hai mắt nhắm lại, hai bàn tay run rồi
ngã trên đi văng.
– Lại chết giấc nữa! Ông Thư, xin lỗi ông, em tôi đau nhiều lắm, chỉ
đáng thương hại.
Tôi cởi áo nàng ra rồi bắt đầu xát với dầu măng như mỗi lần trước nhưng
không kết quả. Nàng nằm cứng đờ.
Tôi nhờ ông Thư xuống bếp kiếm chai dấm mang lên nhưng cũng vô công
hiệu. Ông Thư vào phòng mình đem ra một cái hộp, bảo tôi lấy cái khăn để trước
mũi rồi lấy một miếng long não trong hộp để dưới mũi Thơ. Hơi rất nồng làm cho
tôi phải hắt hơi.
Thấy Thơ có vẻ dễ chịu, một phút sau thân thể nàng rung động dữ dội. Tôi
nói:
– Cảm ơn, thế là được.
Thơ uốn nghiêng mình, hai mắt mở ra.
Nhưng mà nàng gặp mặt ông Thư. Một tiếng hét hãi hùng từ đôi môi ngậm
cứng đưa ra và nàng lại chết giấc. Chúng tôi thử qua đủ các phương pháp cấp cứu
nhưng Thơ vẫn như một pho tượng, không cử động.
Tôi để tai lên ngực nàng nhưng không nghe một tiếng đập nhỏ. Phổi cũng
ngừng thở. Tôi lấy một cái gương đặt trên mũi nàng nhưng không có hơi làm mờ.
Ông Thư nói:
– Tôi tưởng rằng…
Rồi ngắt lời:
– Chúng ta đi tìm một viên thầy thuốc.
Tôi đứng thẳng người lên:
– Phải rồi, trước mặt nhà có một người, nhờ ông đến đấy. Tôi chạy lại
cuối đường có bác sĩ Nam, bạn tôi.
Chúng tôi nhảy xuống tầng cấp lầu. Tôi chạy mau đến nhà bác sĩ Nam, bấm
chuông ngoài cổng. Một lúc thấy bác sĩ Nam mặc quần áo mát và đi dép ra.
– Xin lỗi, tên bồi đi khỏi, chỉ có một mình tôi ở nhà. Nhưng việc gì
thế?
– Đi với tôi ngay bây giờ! Lập tức!
– Để tôi mặc quần áo đã. Vào đây, tôi sửa soạn gấp và anh kể việc gì đã
xảy ra?
Tôi theo vào nhà.
– Anh biết Thơ chớ, tôi tưởng anh đã gặp một lần ở nhà tôi rồi. Thơ…
Rồi tôi kể lại việc đã xảy ra. Bác sĩ Nam đã sẵn sàng. Ra đường, ông Thư
đến gặp chúng tôi. Tôi hỏi:
– Thầy thuốc ông kêu có đến không?
– Không! Ông ta đi vắng.
Chúng tôi hối hả về nhà, bước lên thang lầu. Bác sĩ Nam vào phòng trước
hỏi:
– Người bệnh ở đâu?
– Trên đi văng.
– Trên đi văng? Không có ai hết.
Tôi đến gần… Thơ không còn nằm ở đây nữa. Tôi kinh ngạc không nói gì
được hết.
Bác sĩ Nam bảo:
– Có lẽ nàng đã tỉnh dậy đi vào nằm giường trong.
Chúng tôi vào phòng ngủ, không thấy có một người nào. Trên giường vẫn y
nguyên. Đến trong phòng ông Thư, cũng không có ai hết. Rồi tìm trong nhà bếp,
buồng của bà chủ phố, khắp cả. Thơ đã đâu mất.
Bác sĩ Nam cười:
– Chắc nàng tỉnh dậy rồi về một cách bình thường trong lúc các ông tưởng
đến những câu chuyện dị kỳ.
– Nhưng, vậy thì lẽ tất nhiên ông Thư đã thấy nàng, vì ông ở mãi dưới
đường.
– Tôi đi lại trước nhà nên có lẽ khi trở ra nàng đã lẻn đi phía sau lưng
tôi chăng?
Tôi nói lớn:
– Không có thể như thế được! Nàng đã nằm thẳng, cứng người, trái tim
không đập nữa, hơi thở cũng ngừng. Trong trường hợp này, không một người nào có
thể đứng dậy và đi một cách tự nhiên như thế được.
– Nàng đã gạt ông bạn tôi và cười ngặt nghẽo khi ông bạn hấp tấp đi
xuống lầu.
Bác sĩ cười chào chúng tôi, vừa lúc bà chủ phố đi mua thức ăn trở về.
– Cô ấy đã đi rồi sao?
– Phải. Tối nay ông Thư dùng cơm với tôi nhé?
– Cám ơn, tôi xin nhận lời.
Chúng tôi ăn, uống rượu, nói chuyện vui vẻ.
– Tôi thật buồn cười về câu chuyện vừa rồi. Có lẽ nàng đã giận tôi.
Ông Thư hỏi:
– Ông sẽ viết thư cho nàng?
– Có. Ngày mai đây tôi sẽ đến tận nhà nếu biết được chỗ của nàng.
– Vậy ông không biết nàng ở đâu sao?
– Không. Tôi chỉ biết nàng ở Gia Định, không còn cha mẹ, ở với một người
cô, mà hình như chẳng được tử tế cùng nàng.
Thấy ông Thư có vẻ suy nghĩ, tôi nâng ly rượu nói:
– Chúng ta uống đi. Nếu em tôi không chịu được ông thì cũng đã nhường
chỗ lại cho ông bạn tối nay.
Chúng tôi uống nhiều rượu, nói chuyện đến khuya.
Tôi vào phòng ngủ đến gần cửa sổ. Dưới vườn, lá cây rung động lấp lánh
ánh trăng. Tôi bỗng nghe văng vẳng như có tiếng ai gọi tên mình. Tôi chăm chú
lắng nghe một lần nữa… thì ra giọng của Thơ.
Tôi kêu trong đêm lặng:
– Thơ! Thơ!
Không có tiếng trả lời. Tôi ngờ mình uống rượu say, nghe lầm lạc. Tại
sao nàng lại đi trong vườn giờ này?
Vào giường, vừa đặt mình xuống, tôi đã say ngủ thiếp đi. Tôi lại nghe
tiếng Thơ gọi tên tôi một lần nữa.
Tôi thức giấc, lau mồ hôi ở trán và lắng tai nghe. Bây giờ nữa, thật yếu
ớt, nhưng rõ ràng tôi nghe tiếng nàng kêu. Nhảy xuống giường, tôi chạy lại cửa
sổ.
– Thơ! Thơ!
Có gì đâu? Tất cả đều yên lặng. Tiếng tôi gọi rung trong bóng tối rồi
tan mất. Tôi muốn đi ngủ lại, nhưng một tiếng kêu, một tiếng cuối cùng, rõ ràng
hơn hết, như từ một chuyện ghê gớm trong cơn mê hoặc đưa ra.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính là tiếng của Thơ. Nhưng lần này tiếng
không từ ở vườn đưa lên mà tôi nghe như ở trong một căn phòng bên đây.
Tôi đốt đèn nến lên, tìm dưới giường, sau màn, trong tủ. Không ai có thể
ẩn núp ở đây được. Tôi ra bàn giấy. Chẳng có một ai.
Nếu Nguyễn Thư… mà sao tôi có ý nghĩ đen tối như thế! Nhưng biết đâu, có
cái gì là không thể có? Không nghĩ gì nữa, tôi chạy lại cửa phòng Thư vặn quả
nắm. Cái cửa đã sét hư, tôi lấy hết sức đẩy, ống khóa gãy, và cửa mở toang ra.
Tôi cầm đèn đâm sầm vào.
– Cái gì thế?
Thư nằm thẳng trên giường đưa hai tay dụi mắt hỏi. ý nghĩ của tôi hẳn vô
lý quá! Tôi nói:
– Xin lỗi ông bạn về sự quấy rầy này. Một cơn mê hoặc làm cho tôi mất cả
lý trí.
Nói thế rồi tôi trở về phòng. Ngày mai lại, tôi viết một bức thư dài cho
Thơ. Ông Thư vào ngay lúc tôi đề bì, nhìn qua trên vai tôi, rồi nói:
Mong rằng ông bạn nhận được sớm bức thư trả lời.
Nhưng tôi không nhận được gì hết. Bốn ngày sau, tôi viết một bức thư
nữa, và lần thứ ba, nửa tháng sau.
Cuối cùng tôi nhận được một bức thư ngắn, nhưng với một tuồng chữ khác
hẳn:
Anh,
Tôi đọc những dòng này cho một người bạn viết hộ.
Chắc anh cũng đoán ra một cách dễ dàng vì sao tôi lại chẳng muốn biết
đến anh nữa. Anh đưa người bạn quái gở của anh đến một bên tôi, nên tôi muốn xa
anh, vả lại tôi cũng sắp lấy chồng.
Thơ
Theo bức thư này kèm ba cái thư trước của tôi đã gửi đi chưa mở, đề trả
lại. Tôi viết cho Thơ một lần nữa, nhưng vài ngày sau thì cũng được trả lại.
Hai tháng sau, một hôm ông Thư cho tôi hay rằng ông ta sắp thôi ở đây.
– Ông bạn định xa Sài Gòn?
– Phải, tôi lên Đà Lạt.
– Bao giờ thì đi?
– Thật ra thì tôi đã tính đi rồi, nhưng có người bạn ăn lễ lục tuần, tôi
đã lỡ hứa đến dự. Nếu ông bạn cùng đi với tôi thì vui lắm.
– Đến nhà ông bạn?
– Phải. Trong bảy tháng chúng ta tử tế chung sống một nhà, vậy ông bạn
không nên từ chối một đêm cuối cùng với tôi. Chỗ ấy ông bạn không phải ngại
ngùng chi.
– Được. Cám ơn.
Tối lại ông Thư đến rủ tôi đi. Ông Thư đã mướn sẵn một cái xe hơi. Khi
xe mở máy chạy, tôi không để ý đến các con đường đi qua, và nửa giờ sau xe
ngừng.
Thư xuống trước, bảo người sốp phơ ở đợi rồi cùng tôi đi vào cái cửa
trắng đưa đến một khu vườn tăm tối. Rồi đến cái sân rộng vào một căn nhà ngói,
phía sau là một khoảng tối rộng.
Tôi theo Thư bước vào nhà. Một gian phòng đầy cả tràng hoa. Hẳn người
bạn già của ông Thư là một kẻ có danh vọng. Tôi chưa thấy ở đâu, trong một buổi
lễ mừng lại có tràng bằng cườm, bằng vải nhiều như thế, từ vách lên đến trần
nhà treo khắp nơi.
Thư giới thiệu tôi.
– Đây là bạn của tôi. Ông Đa, và những người thân thuộc.
Người gọi là ông Đa đưa hai tay bắt lấy tay tôi mà dặt, nói:
– Rất hân hạnh cho chúng tôi.
Người thấp, ốm, vẻ mặt ông Đa khô khan.
Một ít râu trên mép, hai môi thâm, có lẽ vì ghiền ả phiện, khi cười để
lộ hàm răng thưa.
Bốn người mặc quần áo, bịt khăn, toàn màu đen đứng dậy chào chúng tôi.
Ông Đa nói:
– Đây là con tôi – vừa trỏ người chỉ có một mắt – còn là mấy người giúp
việc.
Người giúp việc? Và ông Đa làm gì mà có những tràng hoa quý đẹp khen
tặng như thế? “Kính tặng đồng nghiệp yêu quý của chúng tôi. Hội ái hữu Đồng
Nai”. Đây là một người có địa vị khá? ở một tràng hoa khác: “Kính tặng một vị
quan thanh liêm”. Ông Đa là một quan chức hưu trí? “Tặng một người bạn tận tụy
với nghề thuốc”, Hội y sỹ Pháp Nam. Thế nào? Ông Đa là một vị danh y nữa sao?
Một người như thế mà chưa bao giờ tôi được nghe nói đến. Một hàng chữ khác:
“Kính tặng một vị ân nhân”. Hội Phúc thiện Nam kỳ”. Còn ở một tràng hoa tím:
“Tặng một đồng nghiệp tài hoa”, Kịch đoàn Sài Gòn. Người lạ lùng này thuộc vào
hạng nào mà ai cũng trọng như thế?
Bắt đầu bữa tiệc, ông Thư mở cái gói đem theo lấy ra một cái sọ người
trắng tinh:
– Tôi xin tặng ông bạn già một vật làm kỷ niệm tình giao hảo trong bao
lâu của chúng ta.
Rồi Thư lấy chai rượu đỏ thẫm rót vào sọ dừa cưa ở trên đầu lâu như
miệng ly uống một hơi. Đến ông Đa, rồi chuyển qua cho mỗi người.
Nửa chừng bữa tiệc ông Thư nhìn đồng hồ ở tay nói:
– Xin lỗi các ông, tôi phải đi ngay kẻo trễ chuyến xe lửa chín giờ. Còn
ông bạn tôi, xin vui lòng ngồi lại nói chuyện rồi về sau.
Ông Đa ân cần giữ tôi lại. Nguyễn Thư chào mọi người hấp tấp ra đi.
Một lần nữa, ông Đa rót rượu đầy cái sọ dừa mời tôi.
– Ông uống đi cho. Ông là bạn của ông Thư thì đối với tôi rồi cũng thân
mật như vậy.
Ông Đa lại nói với một giọng đầy rượu:
– Khi nào ông có cần gì, xin mời ông lại đây. Tôi sẽ làm vui lòng ông.
Ông hỏi ông Thư thì biết, chỉ toàn những đồ tốt.
Thì ra ông này là một người buôn bán!
– Lẽ tất nhiên, nếu cần dùng gì, tôi nghĩ ngay đến ông. Hiện thời tôi đã
có đủ rồi.
– Sao? Vậy ông mua ở đâu? Ông Đa hấp tấp hỏi tôi với sự kinh ngạc.
Thật ra tôi cũng không hiểu rõ là ông ta muốn bán gì, nhưng giữ phép
lịch sự, nói qua cho rồi chuyện:
– ở một người bạn hàng quen. Mà ông có giá nhất định không?
Thì ông Đa ngạc nhiên vô cùng:
– Giá nhất định? Người quen ông bán giá nhất định.
– Phải, giá nhất định, phải chăng, đồ lại tốt tươi, sống cả.
Ông Đa hốt hoảng lên rồi ngã trong tay con người một mắt, rền rĩ:
– Ông nói gì vậy? Người quen ông bán đồ sống à?
Thừa lúc lộn xộn, tôi lẻn mình chạy thẳng ra đường, gọi một chiếc xe
ngựa đi về ngay.
Người đánh xe nói với tôi:
– Đó là nhà của kẻ đào huyệt chôn người.
Cách một tháng sau khi Thư đi, tôi cũng đổi chỗ ở. Bà chủ phố giúp tôi
dọn đồ đạc. Tôi ràng buộc mấy bức tranh lớn nhưng thiếu dây gai. Bà chủ phố vừa
xếp dọn sách báo cho vào rương thấy thế nói:
– Tôi có sẵn trong hộc bàn buồng sau.
– Được, để tôi đi lấy.
Tôi vào sục soạn bất ngờ tìm thấy tấm hình mẹ Thơ trong mảnh kính tròn
đã mờ, mà trước đây Thơ vẫn thường đeo với dây chuyền ở cổ, và có nói cùng tôi:
– Em giữ tấm hình này cho đến lúc chết.
Tôi đem ra hỏi bà chủ phố:
– Bà được vật này ở đâu?
– Nơi góc buồng của ông Thư, trong lúc quét dọn sau khi ông ấy đi. Tôi
định nếu ông ấy có trở lại thì đưa trả.
Tôi giữ lấy vật ấy và nghĩ rồi đây gặp Thơ tôi sẽ đưa lại cho nàng, có
lẽ đã làm rơi đứt khi bị chết giấc.
Nửa tháng sau, tôi nhận được giấy mời đến dự cuộc triển lãm Mỹ thuật của
hội “Nghệ sĩ Việt Nam”. Tôi đến gặp lúc ông hội trưởng đã đọc quá nửa bài diễn
văn. Người rất đông, tôi chen đứng gần sau cùng. Tôi hỏi phóng viên một tờ báo
hàng ngày, y đưa ra mấy lời ghi tóm tắt trong cuốn sổ tay:
– “Hội “Nghệ sĩ Việt Nam” do một nhóm họa sĩ, điêu khắc đi du học ở Âu
Mỹ về bày ra một cuộc triển lãm đồ sộ có lần thứ nhất ở Đông Dương”.
Ông hội trưởng kết cấu đoạn diễn văn:
– Và bây giờ xin mời các ngài đến gần xem những công trình quý báu mà các
nhà nghệ sĩ tài hoa đã đặt hết tâm hồn mình vào đấy!
Rồi ông kéo tấm màn che những tranh tượng lên. Giữa những lời bàn tán,
khen ngợi và kinh ngạc của mọi người, ông hội trưởng tiếp:
– Đây là một tác phẩm rất thần tình, mới lạ, nặn bằng sáp… “Nàng Thơ”.
Nói xong ông đỡ tấm vải phủ sau cùng lên. Mọi người đều tấm tắc.
– Ô! ồ!…
ở phía giữa, trong cùng, pho tượng thân ngà phủ qua làn suối tóc dài.
Hai mắt xanh biếc mơ màng, lông mi đen dài in bóng lên đôi má hồng tươi, thoáng
trông như người sống thật.
Tôi đến gần, theo những người tới trước, thật gần, để trông rõ hơn…
– Trời ơi! Thơ! Em Thơ!…
Tôi kêu lên, nhưng tiếng mất hẳn trong lớp sóng người ồn ào. Tôi muốn la
nhưng không thể uốn được lưỡi, chăm chú nhìn pho tượng với sự hãi hùng. Máu đập
mạnh, óc rung động, tôi phải dựa vào một cái ghế cho khỏi ngã, thì một bàn tay
đặt lên vai tôi.
Tôi quay lại, thấy một cái mặt lạnh lùng… Nguyễn Thư.
Thư nắm tay tôi đưa ra khỏi đám đông. Tôi theo hắn như một kẻ không hồn.
– Tôi đi báo cáo ông với nhà chức trách.
– Ông bạn không nên làm thế, vì vô ích. Ông không thể bắt được tôi, vì
tôi không là ai, không phải ai hết. Ông hội trưởng “Nghệ sĩ Việt Nam” cũng
không rõ tôi là ai nữa, vì tôi lấy một tên khác. “Nàng Thơ” cũng như các pho
tượng khác, tôi đã bán cho hội.
Rồi hắn lại thì thầm bên tai tôi:
– Vả lại như thế có hơn không? Ông là thi sĩ, có phải ông muốn người yêu
đẹp đời đời hơn là bị sâu bọ rúc rỉa dưới mồ không?
Tôi hét lên:
– Đồ chó của Sa tăng!
Nghe tiếng bước nhẹ, tôi nhìn lại thấy Nguyễn Thư đi ra ngoài theo một
cánh cửa khép lại. Ông hội trưởng đang tỏ lời cảm ơn giữa những tiếng hoan hô
ồn ào và nhận những lời khen ngợi, những bắt tay.
Tôi đến gần “Nàng Thơ” mà không ai để ý, chăm chú nhìn nàng:
– Thơ ơi! Thơ ơi!
Trọng Miên
No comments:
Post a Comment