SÀI GÒN CỦA TÔI
Sài
Gòn vẫn rất dễ thương/ Cái tên dù lạ con đường vẫn quen. Tôi hay “viện dẫn” hai câu thơ của mình mỗi khi
phải hồi âm một cánh thư xa nào đó, thường là câu hỏi “Sài Gòn bây giờ ra sao?”
Lý
Thụy Ý
Thật ra trong cảm nhận của tôi, Sài Gòn vẫn thế. Bởi dù trải qua nhiêu
bao biến cố thăng trầm, thì Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, thủ đô trong những
trái tim miền Nam ngày nào vẫn không bao giờ thay đổi. Sài Gòn của một thời tôi
mới lớn, những “con đường tình ta đi” Duy Tân, Trần Quý Cáp, Tú Xương, Công Lý.
Những chiều bát phố Lê Lợi, Tự Do. Những rạp ciné. Món bánh tôm hẻm Casino (Sài
Gòn). Những xe bò viên Nguyễn Thiện Thuật. Bánh mì thịt trước chợ Trương Minh
Giảng, gỏi đu đủ – khô bò – nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi – Pasteur)
Sài Gòn của tôi “sáng nắng chiều mưa”. Mưa như được lập trình sẵn. Hoặc
chiều hoặc sáng, có khi… cùng giờ nên người Sài Gòn có thể nhởn nhơ bát phố khi
“cơn mưa qua”, rất ít khi mưa như… đòi nợ, điều này những năm gần đây hình như
thay đổi, mưa dầm và mưa… mất trật tự, người Sài Gòn vốn quen kiểu “xưa” chẳng
biết đâu mà lần! Nắng Sài Gòn không quá gắt. Có lẽ nhờ thế nên mới chợt mát chỉ
qua màu áo lụa Hà Đông.
Sài Gòn của tôi có những ngôi trường đi vào thơ và nhạc như Văn Khoa,
Luật, Gia Long, Trưng Vương, những con đường địa chỉ báo như Lê Lai, Phạm Ngũ
Lão… Hồn đất và hồn người quyện nhau hồn hậu, chân tình.
Sài Gòn của tôi quốc vương Cam-Bốt từng du học, người Sài Gòn chê hàng
Thái, không thèm xài Colgate vì đã có kem Hynos “anh yêu em, anh yêu luôn kem”
xịn hơn.
Sài Gòn của tôi trẻ – luôn luôn trẻ. Không phải vì thiếu phố cổ hay
người Sài Gòn không thích “ra vẻ cụ” mà vì Sài Gòn luôn luôn mới, hồn nhiên và
dễ thương, không điệu đà, kệch cỡm.
Sài Gòn của tôi còn nhiều hơn thế. Không diễn tả hết dù văn hóa cách
mấy. Chỉ giản dị như lời hát “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!” Không
lớn lao gì, kỷ niệm chỉ chứa đầy ngăn cặp học trò. Sự ồn ào sống động, dễ
thương của vùng đất và con người. Đi xa, cứ về đến cầu Sài Gòn hay cầu Bình
Điền là coi như đến nhà.
Như bạn bè cùng trang lứa, tôi giữ Sài Gòn như giữ chính cuộc đời mình.
Khóc một ngày khi thương xá Tam Đa bị thiêu rụi. Thức một đêm khi Eden bị đập
bỏ. Có thể thay vào sẽ là một tòa nhà đẹp hơn, nhưng Eden của ngày nào:
“Qua
hành lang Eden ghi kỷ niệm
Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi, không lạnh – lính mà em!”
thì không bao giờ còn nữa.
Vẫn biết có những sự đổi thay tốt hơn, đôi khi cần thiết, nhưng sao vẫn
thấy chạnh lòng. Hơn sáu mươi năm hãnh diện làm “dân Sài Gòn”. Bỗng chợt giật
mình tự hỏi, có khi nào người ta phù phép để Sài Gòn biến mất không nhỉ? Có khi
nào Vương Cung Thánh Đường, chợ Bến Thành, bưu điện Sài Gòn, một sớm mai thức
dậy người Sài Gòn ngơ ngác hay tin sẽ trở thành trung tâm thương mại, cao ốc chọc
trời…
Ôi! Sài Gòn của tôi!
Tôi vẫn nói vui rằng mình giữ lại “Sài Gòn xưa”. Từng tên đường, góc
phố, giữ lại những buổi chiều hẹn hò: “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”
và giữ lại mãi mãi, những dấu yêu xưa!
Và rồi lại buốt tim khi nghĩ đến một ngày nào “Sài Gòn của tôi” sẽ chỉ
còn là hoài niệm. Vô tình ai đó sẽ tìm thấy trong những trang sách hằn dấu thời
gian ở một hiệu sách cũ.
Sài Gòn ơi!
Tôi gặp lại họ rất tình cờ, trong một… tiệm sách cũ, nơi thường lưu lại
những gì mà ta còn nhớ hay đã quên.
Những trang giấy đã không còn nguyên màu trắng. Những dòng chữ như cũng
nhạt theo năm tháng. Nhưng hình ảnh, dù phôi pha, thì nụ cười, ánh mắt cũng gợi
nhớ một thời ta đã sống. Thời mà tên tuổi họ trên môi người hâm mộ Nghệ thuật
thứ bảy, và họ được gọi một cách trang trọng là tài tử minh tinh.
Chưa xa lắm nhưng cũng đủ để quên những gì không muốn nhớ. Khi mà muốn
xem phim người ta không thể làm gì khác hơn là đến rạp, và cứ có phim hay là
rạp chật như nêm… Và rạp hát nào cũng treo đầy ảnh minh tinh tài tử, không phải
Hồng Kông, Hàn Quốc như bây giờ mà toàn Việt Nam. Tôi say mê điện ảnh, dù
chưa tới tuổi “đến rạp một mình” và yêu họ, dĩ nhiên…
Dạo đó chưa có những chương trình giao lưu, tài tử điện ảnh, ca sĩ tân
nhạc cũng chưa phải “chạy sô” như bây giờ. Họ coi nghệ thuật như cứu cánh của
đam mê và cả cuộc sống thực tế, nghề tay trái hầu như không có.
Chẳng ai nghe nói Thẩm Thúy Hằng phải đi… biểu diễn tân nhạc để kiếm
thêm, cũng không thấy Kiều Chinh tham gia chương trình “đại nhạc hội”. Họ cũng
chẳng đóng cùng lúc hai, ba phim như các diễn viên “đắt khách” bây giờ. Dù đó
là những tên tuổi lớn của điện ảnh Sài Gòn thuở ấy, những tên tuổi mà lứa tuổi
40, 50 hôm nay, nếu yêu điện ảnh khó mà quên được.
Một Kiều Chinh tuyệt vời trong “Hồi Chuông Thiên Mụ”, Thẩm Thúy Hằng với
“Người Đẹp Bình Dương”, Kiều Nguyệt Nga – Thu Trang trong “Lục Vân Tiên”, Túy
Phượng diễm kiều với vai Công chúa của “Thạch Sanh – Lý Thông”… Tôi yêu nét
thùy mị của Thu Trang, vẻ sắc sảo của Kiều Chinh, và nét đẹp duyên dáng Thẩm Thúy
Hằng. Nam tài tử có La Thoại Tân, Anh Tứ, Lê Quỳnh, Anh Sơn, Đoàn Châu Mậu, Tâm
Phan, Huy Cường, Trần Quang… Vân Hùng chuyên đóng kịch với kỳ nữ Kim Cương,
thỉnh thoảng cũng “lên phim”. Rất nhiều, thời nào thì nghệ thuật cũng cần rất
nhiều. Dù trong số họ không phải ai cũng đến được vinh quang, và để hoàn thành
tác phẩm nghệ thuật, không chỉ có diễn viên chính.
Tình cờ gặp lại họ trong tiệm sách cũ. Nơi mà quá khứ lẫn với hiện tại,
nơi mà thời gian chừng như bất lực, tôi thấy chút vui pha lẫn ngậm ngùi khi bắt
gặp Lê Hoàng Hoa thời “mới làm quen với máy quay”, một Lê Mộng Hoàng hơn ba
mươi năm về trước vẫn nhăn nhó… như bây giờ. Nụ cười Kiều Chinh và ánh mắt Thu
Trang vẫn còn đó.
Một thời tôi đã lớn lên cùng với tên tuổi họ. Rồi tất cả bỗng như không
còn, bỗng như chưa từng có. Người ta trôi theo nhịp sống bằng những cách khác
nhau, và lưu giữ hay xóa đi dĩ vãng tùy thuộc mỗi người. Có điều chắc chắn rằng
những gì đã có thì vẫn còn đâu đó, và ta sẽ gặp khi tình cờ một lúc nào đó đảo
ngược được thời gian…
Và… thời gian đã đảo ngược với tôi, trong một tiệm sách cũ… Tình cờ!
Lý
Thụy Ý, 28/5/2010
(Trong
hợp tuyển Bến Tâm Hồn – Sài Gòn Ngày Ấy… Bây Giờ do Thiên Hà chủ biên xuất bản
tại Sài Gòn cuối năm 2010)
*Hình: Trích từ trang Sài Gòn Kỷ Niệm
No comments:
Post a Comment