TỐNG TIỀN
Đêm
khuya. Sau cuộc tổ tôm, bữa cháo gà thết khách đã hầu tàn.
Đồng
hồ rè rè buông hai tiếng, rời rạc, mỏi mệt như hai cái ngáp dài. Một bà bé nhỏ,
gầy gò, ngước nhìn, cặp mắt lộ sợ hãi:
-
Chết chửa! Hai giờ!
Bà ta
thuật cho mọi người nghe một vụ vào nhỏ ra to cách đây chỉ độ nửa tháng, thuật
rành rọt có đầu có đuôi và tỉ mỉ từng li từng tí, làm như những người kia toàn
là khách xa lạ mới tới, không ai biết chuyện gì trong cái thành phố nhỏ hẹp yên
tĩnh của bà.
Tiếp
lời người đàn bà, một ông rồi lại một ông kể sang những chuyện khác, toàn
chuyện trộm cướp, tống tiền, báo thù. Chuyện quân gian phi đem thực nhiều pháo
đến mừng tuổi Tết để lấp tiếng phá phách và tiếng kêu gào cầu cứu. Chuyện bọn
cướp theo và chẹt cổ người đánh bạc về khuya giữa lúc người ấy ngủ gà ngủ vịt
đứng đợi mở cổng. Chuyện người con dắt cướp về nhà cha mẹ vì không xin được
tiền để chơi bời.
Mọi
người như đều tỉnh hẳn ngủ. Riêng một bà từ nãy vẫn ngồi im chăm chú nghe
chuyện. Mặt bà ta không hề đổi sắc, không tỏ vẻ kinh dị hay bực tức, hay thương
hại. Bà ta đã nổi tiếng, trong khắp các phố, là một người lãnh đạm, ít nói, ít
vui. Cặp mắt bà ta như không có tinh thần, cái miệng cười nhạt nhẽo, mái tóc
điểm bạc đã trở nên màu chì, tuy năm nay bà mới trong vòng bốn mươi và người
trông lại còn trẻ lắm. Hình như sau ngày chồng bà ta bị tống tiền hụt, bà ta
sinh ra như thế: có lẽ vì bà ta sợ hãi quá.
Chồng
bà ta, ông hàn Năm, là một nhà cự phú, nhờ về cho vay lãi hơn là nhờ về buôn
bán mà trở nên có bạc vạn. ở vùng, ai ai cũng biết ông ta là một người keo bẩn,
ít giao du. Ngoài cái thú làm giàu dễ ông ta không còn cái thú gì khác nữa.
Hai
người lấy nhau không phải vì tình, điều ấy đã cố nhiên, nhưng cũng không phải
vì môn đăng hộ đối: nhà chồng mấy đời theo nghề lái trâu, còn bà vợ là con một
ông quan võ cuối thời vua Tự Đức, đã nhiều phen đương đầu chống cự với binh
nước Pháp... Họ lấy nhau chỉ vì người bố chồng thấy ông đề đốc có nhiều tay môn
hạ ăn chơi ở rải rác khắp vùng nên xin kết thân gia để đỡ mối lo sau này.
*
Trong
khi ai nấy đua nhau mắng nhiếc thằng con bất hiếu, bà hàn chỉ mỉm cười, cái mỉm
cười bí mật và chua chát nữa. Rồi bà ta nói:
-
Biết đâu trong câu chuyện dắt cướp ấy lại không có nhiều ủy khúc mà người ngoài
không trông thấy, không đoán biết được. Phải, biết đâu không vì lòng hiếu thảo
mà người con kia đã dắt cướp đến nhà cha mẹ?
Tiếng
cười phá lên:
- Vì
lòng hiếu thảo?
-
Vâng, biết đâu!
Chờ
cho im hẳn huyên náo, bà hàn bình tĩnh, thản nhiên kể:
- Tôi
biết một câu chuyện ly kỳ có lẽ chẳng kém gì chuyện người con dắt cướp về nhà
cha mẹ. Chuyện có thực, vì chính tôi biết nó thực, vì vai chủ động trong
truyện, là bạn tôi, một người bạn thân của tôi. Người bạn ấy không giấu giếm
tôi một tý gì, thuật lòng đầu tuyệt vĩ câu chuyện cho tôi nghe. Trong bao năm
tôi giữ bí mật những lời bạn thú với tôi - vì đó chính là những lời thú tội.
Nhưng nay tôi có thể không cần phải giữ kín nữa. Người có liên can tới việc ấy
nay đã... được tha về...
Bà
hàn cúi mặt suy nghĩ. Mọi người lắng tai chờ nghe. Bà hàn thoắt ngửng lên mỉm
cười:
- Đây,
câu chuyện thế này: vợ chồng người bạn tôi buôn bán ở một tỉnh nhỏ, nhà cửa vào
bực giàu có. Người chồng hơi chặt chẽ. Người vợ, trái hẳn, lại có tính rộng
rãi. Nhưng quyền bính trong nhà ở cả người chồng. Người vợ chẳng được dúng tay
vào một việc quan hệ: cần tiêu món gì phải xin người chồng chi cho từng đồng,
từng hào. Vả bạn tôi cũng không thiết từng công việc làm giàu làm có, chỉ thích
được nhàn rỗi mà đánh tổ tôm, cùng đọc truyện, truyện Tam quốc, truyện Chinh
đông, Chinh tây và hầu hết những truyện Tàu đã dịch ra quốc ngữ.
"Một
hôm, vào buổi chiều, bạn tôi thấy có người đến chơi ngồi nói chuyện với chồng.
Người chồng từ chối, gắt gỏng luôn miệng, còn người khách thì có giọng van xin
khẩn thiết.
"Sáng
hôm sau, người ấy lại đến. Bạn tôi mới kịp nhận ra là ông chủ Giây thép.
"Buổi
trưa, ông ta trở lại một lần cuối cùng. Hình như chồng bạn tôi có hứa với ông
ta một câu vu vơ cho xong chuyện, vì hứa rồi bỏ đi xa liền, hẹn vợ mãi khuya
mới về.
"Bạn
tôi ngồi tiếp khách và biết rằng ông chủ Giây thép vì ham mê cờ bạc đã trót
tiêu lạm mất năm trăm vào tiền "két". Sáng hôm sau, ông thanh tra về
xét sổ sách, nếu thấy thiếu tiền trong quĩ thì ông chủ Giây thép không những bị
mất việc mà chắc chắn còn bị tù tội nữa.
"Ông
khách tìm những lời cảm động để làm chuyển lòng bạn tôi. Ông ta nói ông ta có
một mẹ già, một vợ và bảy đứa con nhỏ. Một nhà gần mười miệng ăn chỉ trông vào
ông ta, vào lương ông ta để sống, ông ta mà mất việc thì không biết cái gia
đình ấy sẽ ra sao. Ông ta lại kể lể ông ta chơi rất thân với chồng bạn tôi: hai
người cùng học một lớp ở trường tiểu học, vì công việc phải xa cách nhau hơn
mười năm bây giờ lại được cùng nhau ở cùng một tỉnh.
"Bạn
tôi động lòng thương khách, và thầm trách chồng xử tàn nhẫn thế được với một
người bạn thâm niên! Nhưng bà chỉ thở dài bảo ông chủ Giây thép:
"
- Thưa ông, nếu tôi có thể giúp được thì tôi giúp ông ngay, nhưng quả tôi không
có cách gì.
"Thấy
mắt khách rớm lệ - hai con mắt sâu hoắm trong cái mặt hốc hác - bạn tôi ngồi
im. Hồi lâu mới hỏi:
"-
Thế sáng nay nhà tôi dặn ông những gì?
"Ông
kia đáp:
"
- Ông dặn trưa nay lại, ông sẽ liệu.
"Bạn
tôi không ngờ chồng lại ác được đến thế. Không cứu giúp người ta thì thôi, bảo
thực cho người ta biết chứ sao lại nói dối người ta để nhỡ việc người ta ra. Bà
liền bảo khách:
"-
Tôi nói câu này, ông đừng khinh tôi nhé, không hi vọng gì nhà tôi đâu, liệu đi
vay chỗ khác, chẳng nữa không kịp mất.
"Khách
buồn rầu đáp:
"-
Thưa bà, tôi đã đi khắp mọi nơi, nhưng đều không ăn thua. ở cái tỉnh hẻo lánh
này trừ ông bà ra còn có ai có nổi năm trăm bạc một lúc cho vay... Thưa bà, tôi
xin làm văn tự cẩn thận tháng tháng xin trả góp cả vốn lẫn lãi. Lương tôi hơn
một trăm làm gì không trả nổi...
"Bạn
tôi ngắt lời:
"-
Ông kể với tôi vô ích, vì tôi không thể làm gì được đâu mà.
"Ông
chủ Giây thép thở dài nói một mình:
"-
Thế thì chỉ có việc...
"Lòng
đầy trắc ẩn, bạn tôi ngắm người đàn ông khổ sở, và càng căm tức chồng đã quá
tàn nhẫn.
Khách
lảo đảo đi ra, bà chợt nghĩ tới một điều, liền gọi lại:
"-
Hay thế này... Thử liều...
"Ông
chủ Giây thép đứng đợi, hi vọng. Nhưng bạn tôi cũng chỉ nói có thể, rồi im lặng
nhìn vơ vẩn ra sân, vẻ mặt lo lắng. Ông kia hỏi:
"-
Thưa bà dạy thế nào ạ?
"Bạn
tôi cố trấn tĩnh, ghé gần khách thì thầm:
"-
Hay thế này... Thử liều xem... Nhà tôi nhát lắm cơ đấy... Tối nay ông cứ trá
hình, bôi nhọ mặt đến ... đến tống tiền xem. Tôi sẽ làm tay trong cho ông: Năm
trăm bạc đối với nhà tôi có lẽ chẳng mùi mằn gì, nhưng có thể cứu được cả gia
đình ông... Với lại, rồi ông sẽ trả cơ mà".
Một
người nghe chuyện phá lên cười:
- Bà
bạn của bà ghê gớm quá!
Bà
hàn vẫn thản nhiên kể:
"-
Bạn tôi dặn đủ các mưu kế, rồi hai người hẹn nhau đúng một giờ đêm ra tay...
"Nhưng
tối hôm ấy ông chủ Giây thép vừa trèo qua tường đã bị ngay lính cảnh sát tóm
được. Khám trong người ông ta, thấy một khẩu súng lục giả và một con dao
nhọn..."
Bà
hàn ngồi lặng, tâm hồn xúc động, một lát sau, bà kể tiếp:
"-
Ngày ấy đương phong trào Quốc dân đảng nên ông chủ Giây thép bị nghi ngay là
người đảng sai đi tống tiền. Khám quỹ thấy thiếu năm trăm bạc, người ta càng
tin chắc điều ấy lắm. Bị tra tấn, ông ta không dám thú sự thực, sợ liên lụy tới
người đàn bà hào hiệp đã hết lòng cứu vớt mình. Ông đành nhận liều những tội mà
người ta buộc cho ông, nghĩa là có chân trong hội kín, và thụt quỹ và đi tống
tiền để giúp hội.
"Bạn
tôi ngày đêm buồn phiền và hối hận. Định làm ơn ngờ đâu lại gây nên tội vạ tầy
đình. Từ đó bạn tôi sống khổ sở, thiếu thốn, không dám tiêu phí một đồng nào,
sắm sửa một thứ gì, chắt bóp để dành rồi gửi đến cho vợ con người mắc tội oan.
Bà ta thú với tôi rằng lúc ban đầu bà ta đã toan ra tòa án nhận hết tội nhưng
sau lại nhút nhát không dám. Vì các ông các bà tính bà ta cũng còn danh dự của
bà ta. Một người đàn bà có chồng với năm mặt con. Nếu thú nhận thì nghiễm nhiên
là tình nhân ông chủ Giây thép mất. Bà ta lại tiếp được một bức thư của ông này
gửi đến xin bà đừng để lộ một điều gì..."
Bà
hàn ngừng vài giây rồi mỉm cười kết luận:
"-
Đó, câu chuyện của tôi. Các ông các bà có cho là thảm không? Câu chuyện ấy có
lẽ không bao giờ tôi kể cho ai nghe, nếu người trong chuyện không vừa được ân
xá mới rồi..."
Ai
nấy ngơ ngác nhìn nhau, và kinh dị nhìn người kể chuyện, như thầm hỏi:
-
Chuyện ai thế?
Khái
Hưng
Rút từ tập truyện ngắn Đợi chờ
Nxb Đời nay, Hà Nội, 1940.
No comments:
Post a Comment