Saturday, December 10, 2022

Tiếng Dương Cầm Phố Quận - Thuyên Huy

 

Tiếng Dương Cầm Phố Quận

Mượn tên người quen làm nhân vật để viết, câu chuyện tưởng tượng từ bối cảnh tới tình tiết

   

     Đầu năm học, nhờ một chị dạy trước cùng trường giới thiệu, Điền dọn tới ở trọ, tại căn nhà cây nhỏ, cách tiệm thuốc tây, ngay đầu ngã ba dốc đường xuống chợ có lầu, cùng một bên đường chừng năm sáu căn, mà người chủ là một bà bác già, mộ đạo Phật, theo cô con gái về Cần Thơ, lấy chồng cho ở, coi nhà giùm, không lấy tiền lấy bạc, chuẩn bị dạy năm mới đầu tiên ở trường trung học quận, sau khi tốt nghiệp.

    Cũng như mấy chiều trước, từ hôm dọn tới, chiều nào cũng có tiếng đàn dương cầm của ai đó với những bài tình ca quen “nước mắt mùa thu, hương xưa, lá đổ muôn chiều, tình khúc thứ nhất, bài không tên một ,hai…” khá hay, vọng ra nghe rõ từng nốt nhạc từ hướng cái tiệm thuốc tây đó. Trong cái hiu cái hắt mưa đầu thu cuối hạ bất chợt về ngang phố quận nhỏ, một lần nữa tiếng đàn chiều nay với bài “giọt mưa thu” buồn da buồn diết, Điền ngồi lặng im bên cửa sổ, nhìn ra xa xa, nơi tiếng đàn vọng ra, thả hồn man mác theo, bài nhạc không dứt mà lập đi lập lại mấy lần, mưa vẫn còn rơi nhè nhẹ như từ lúc bắt đầu. Và cũng từ những buổi chiều đó, hôm nào như hôm nấy Điền cũng chờ nghe cho được, anh bổng dưng thương tiếng đàn và thương cả người đàn.




    *

    Lớp Đệ nhị, ngày đầu vào học, mới bắt đầu, Điền có hơi bở ngở, lúng túng chút ít nhưng rồi cũng qua mau, mấy chục cô cậu học trò săn đón, ân cần làm anh yên tâm vã lại vốn có khiếu ăn nói, dễ thu hút người nghe từ trung học, dù dạy môn Toán khô khan, không bao lâu thầy thầy trò trò, nói cười không ngớt. Vậy thì ổn rồi, ngày hai buổi đi về trên đường, tiếng thầy tiếng em chào nhau của đám học trò nhỏ lớn “nửa quê nửa chợ” nghe riết quen rồi nhớ.

   Chiều thứ bảy, từ cái quán cơm xế ngã ba đường lên tỉnh xuống Sài gòn, cái quán Điền tới ăn cơm chiều như mấy ngày qua, về tới nhà trọ, nắng còn giăng mắc đong đưa qua lại trên đường, gió từ hướng dưới sông lùa lên mát dịu, chưa vào nhà Điền còn đứng nhìn xuống dốc chợ, nhìn người qua người lại mà vui, vui của buổi chiều chợ quận, có tiếng “chào thầy”, Điền quay lưng lại thấy Thảo Nguyên, cô học trò lớp anh dạy, má lúng đồng tiền, tóc dài óng ả, cô mà anh đã để ý ngay hôm đầu, lăng xăng hồn nhiên, luôn miệng hỏi này hỏi nọ, đi dâu đó về, Điền chưng hửng, Thảo Nguyên đã nhanh miệng, “nhà em cũng ở gần đây?”, Điền cười mà không nói ở đâu “trời mát thầy đi loanh quanh làm quen đường phố”, cô nàng tròn xoe mắt ‘dạ” rồi cúi đầu chào một lần nữa “em đi mua đồ cho má chút xíu”, vừa nói vừa thong thả bỏ đi xuôi xuống ngã ba, Điền nhìn theo, mĩm cười một mình.  

    *

    Vậy mà cũng dạy được hơn môt tháng, mọi chuyện đâu đó êm xuôi từ trường lớp, thầy cô đồng nghiệp tới học trò, Điền không còn gì phải lắng lo như ngày đầu mới về, đường phố giờ hết lạ, từ nhà trọ tới trường quận, sáng đông vui, chiều thưa vắng như cái chợ quận bên bờ sông, những con đò chờ người hay các chiếc ghe chở hàng tấp nập sáng sớm tinh mơ đã quay chèo về xa đâu đó, hình như mới đó mà Điền đã nhớ từng tên tiệm quán, nhớ tên người chủ niềm nở “chào thầy” mỗi lần anh ngang qua, từ đó Điền chợt biết thương cái phố quận mà anh đang ở, thương từ con đường quanh ngỏ cụt tới hàng cây phượng già thiếu bóng nắng bên lề gạch vụng về, giản dị không xa hoa, phấn son, ngựa xe xiêm áo.

    Dạo này, cũng chừng đã hơn một tháng, không còn nghe tiếng đàn dương cầm mỗi chiều như trước, cũng còn những bản nhạc réo rắt du dương tình ca cũ nhưng chỉ vài ba ngày trong tuần, thoạt đầu nó làm Điền bổng dưng hụt hẫng, bổng dưng thấy trồng vắng, thiếu thiếu cái gì đó. Xong bữa cơm chiều ngoài quán, anh không còn cố ăn nhanh về sớm nữa, cái chờ cái đợi để nghe cho được như những ngày trước đây, đã không còn háo hức nhưng Điền vẫn chờ dù có chiều chờ thật lâu mà không được gì, những chiều không có tiếng đàn là những đêm Điền không trọn giấc, Điền từ đó tưởng chừng như có cái gì mất mác trong đời sống xa nhà hàng ngày của mình.

    Không biết đám học trò hỏi ai, dù Điền không nói nhưng từng ba bốn cô cậu vài hôm lại kéo tới nhà, người mang “bánh quê” người mang “trái làng” từ bánh ú bánh ít tới trái quýt trái xoài, để đầy ắp trên bàn, nói cười “thầy ơi, em hỏi’. Thảo Nguyên cũng có mặt cùng đám bạn, cũng nhanh nhẩu, lăng xăng, bày binh bố trận, thầy trò nói nhau, kể cho nhau nghe chuyện đời chuyện người hơn là chuyện sách vỡ, có cái ngộ là không ai nói về tiếng đàn dương cầm vọng ra chiều chiều từ ngã ba đầu chợ, chắc họ đã quá quen rồi, nên anh cũng không hỏi, khác với anh, vì tiếng đàn đã khơi lại trong Điền một nổi buồn quặn đau ngậm ngùi mà anh đã cố quên. Tới giờ này, Điền cũng chưa hỏi nhà Thảo Nguyên và cô cũng không có lần nói, đám còn lại thì cô này cuối ngã ba đường đi Sài gòn, cậu kia thì xế bến xe chợ quận, cô nọ bên kia sông cậu này bên này rạp hát. Tình thầy trò, ngày càng thân thiết, gọi là thầy là gọi theo tôn ti trật tự, phép tắc lễ nghĩa “thầy trò” chứ thật ra Điền cũng chẳng hơn họ bao nhiêu tuổi, anh em cũng được.

    *

   Sau ngày tới ăn đám giỗ và thỉnh thoảng ăn cơm chiều ở nhà Thảo Nguyên vài bữa, tình thân giữa Điền và gia đình cô nàng càng ngày thắm thiết hơn, hai đứa em kế, cũng học chung trường trung học quận, Thảo Trường, cậu trai lớp đệ Ngủ, Thảo Vy cô gái lớp đệ Thất, cũng thích anh cũng lăng xăng như chị, ba má Thảo Nguyên, trạc cở tuổi ba má anh dưới Trung Lương, hiền hậu cởi mở, lúc đầu thì “thầy thầy” với Điền nhưng rồi thì “Điền này, Điền kia”, mặc cho Điền cản, ngày này ngày kia hết bánh hết trái, món này món nọ cho hai đứa nhỏ đem qua nhà, vậy đó, Điền từ đó không còn là người lạ. Nhưng có điều anh vẫn ấm ức trong lòng, hể đến nhà Thảo Nguyên là anh nghĩ tới tiếng đàn dương cầm mà mình đã nghe, có lúc ngồi một mình thèm nghe thật, nhưng chưa dám hỏi, Điền nghĩ là từ nhà Thảo Nguyên, chứ không chỗ khác, vì dưới dốc, đầu chợ cũng có nhiều căn phố lầu nhưng cách con đường ngang xa, thì không thể là nơi vọng ra, anh muốn biết lắm nhưng ngặt một nổi, cả nhà Thảo Nguyên không ai tỏ ra có liên quan gì tới chuyện đó, anh đành thôi, và chờ.

    Qua Tết, vào học trở lại, tan trường, buổi chiều, trời mát, nắng đầu xuân dìu dịu, Điền thả bộ tới tiệm cơm, nửa đường thì con bé Thảo Vy cùng cô bạn từ hướng ngã ba chân nhịp chân nhàng, nói cười đi xuống, thấy Điền, cả bọn đứng khựng lại cúi đầu chào, chưa đi, chợt nhớ tới tiếng đàn, có con bé Thảo Vy một mình đây, Điền cười cười khen con bé “Thảo Vy đàn thay quá, chiều nào thầy cũng nghe đó”, Thảo Vy nhoẻn miệng nhìn Điền chưa kịp trả lời thì con bé bạn đã nói trước “dạ không phải Thảo Vy đâu, chị Thảo Nguyên đàn đó”, rồi hai con bé nắm tay nhau, cười ngặt nghẻo, một lần nữa cúi đầu “chào thầy” bỏ chạy đi, chẳng màng ngó lại. Vây là hết thắc mắc vẩn vơ gì nữa trong đầu, Điền mĩm cười một mình, thong thả đếm từng bước vui đi nhưng bổng dưng lại sợ, sợ là mình có phải “thương tiếng đàn và thương cả người đàn” hay không, Điền chùng bước, đứng lại nhìn ngươc xuống dốc ngã ba, gió từ hướng sông thoáng lùa ngang mang theo chút ấm của nắng chiều muộn, rồi một lần nữa anh mĩm cười nhủ thầm “chắc là không”.

     Mấy cô mấy cậu lớp lớn rục rịch vào mùa thi, tuy còn xa đôi chút, nhưng lo chạy kẻo không kịp một khi “thời gian như thể tên bay”, không lo nó tới hồi nào không hay, cũng vì vậy, cho nên, dạo này không còn tiếng đàn của Thảo Nguyên thường nhưng vẫn còn, vậy Điền cũng đủ vui, cái vui không trọn vẹn như anh muốn có. Quen với công việc nên có phần rảnh rổi, thứ bảy cuối tuần, Điền dạy kèm luyện thi Tú Tài Một năm nay cho đám học trò, ba bốn cô cậu quen, có cả Thảo Nguyên, thường đến nhà nấu nướng từ những ngày anh “chân ướt chân ráo” mới về trường quận, vừa học vừa vui, với ba bốn cô cậu này, thỉnh thoảng thầy trò cũng đạp xe đèo nhau đi thăm cảnh này cảnh nọ hay đi đò qua sông hái Sen, vào vườn cây mua trái chín đầu mùa hoặc kéo nhau qua bên kia cù lao câu cá, cả một trời kỷ niệm thầy trò khó quên được.

*

    Trên cành hàng phượng già bên này đường tới trường những chùm hoa phượng ửng đỏ đầu hạ bắt đầu lưa thưa nở, đâu đó đã có tiếng ve sầu buồn gọi nhau trên phố, ngày hè cuối năm học cũng ngấp nghé tới nơi không còn bao lâu nữa. Đám học trò quen, học thêm với Điền không còn bận bịu với những buổi luyện thi ở nhà Điền mà lo bận bịu, miệt mài với mớ sách vở khác, Thảo Nguyên cũng vậy, mấy ngày gần đây Điền cũng ít khi qua như trước, tuy vậy bên nhà Thảo Nguyên chiều vẫn còn có tiếng đàn và hình như những bài tình ca “thương vay khóc mướn” hơn là “lá đổ muôn chiều”, và cái ca khúc mà học trò, từ nhỏ tới lớn đều thuộc đều biết “Nổi buồn hoa phượng, Ba tháng tạ từ” nghe thường hơn, đôi lúc nghe mà Điền bất chợt tự dưng tự hỏi “chẳng lẽ” nhưng hai tiếng “chẳng lẽ” chỉ thoáng qua phút giây phù du ngắn ngủi rồi thô, chẳng lẽ cái gì, chỉ có riêng anh ta hiểu.

    Rồi cái gì đến cũng đã đến, ngày cuối nghỉ học, tan trường sớm, Thảo Nguyên và đám bạn chơi thân quen kéo tới nhà Điền, đem theo bánh trái gọi là bữa tiệc tạm chia tay cuối năm, hẹn thầy hẹn bạn, gặp lại nhau năm sau, chúc nhau thi cử nhiều may mắn. Cũng cái không khí vui tươi, thân thiết như đã có, họ cười nói huyên thuyên,bàn chuyện tương lai, không ai màng chuyện bút nghiên sách vở. Trong bữa tiệc “cây nhà lá vườn” này, Điền quyết định hỏi một lần cho khỏi vướng mắc trong đầu, nhưng không hỏi thẳng Điền cười nhẹ lên tiếng “Thảo Nguyên đàn hay quá, nghe mà mê luôn, chiều nào không nghe thầy thấy buồn ghê”, Thảo Nguyên chưa kịp nói gì thì cả đám bạn đã rộ lên tiếp lời “tụi em biết từ khuya rồi thầy ơi, hay lắm, ủa thầy không biết Thảo Nguyên là người đàn hả?”, Điền gật đầu, Thảo Nguyên lúc này mới nhỏ nhẹ nhận “dạ em học đàn lâu rồi nhưng đàn cho vui chứ đâu có hay gì đâu mà thầy khen dữ vậy ”, cả hai thầy trò nhìn nhau cười.

   Buổi sáng, trời nắng sớm, nắng đầu mùa Hạ, xe lôi xe kéo rục rịch hối hả chở người chở hàng xuống chợ, cả bọn đưa Điền ra bến xe về Trung Lương nghỉ hè, ngồi quây quần ngoài trước cửa tiệm cơm quen, ngay ngã ba nhìn qua bến chờ, ăn sáng. Cái vui của bữa tiệc ở nhà chiều qua dường như không còn nữa, cả thầy lẩn trò nhìn nhau cười nhưng đượm chút buồn trên mặt. Chiếc xe đò đầu chuyến rục rịch nổ máy, hành khách, lơ xe gọi nhau ơi ới, thầy trò bịn rịn chia tay, Điền mang túi xách bước qua đường, đám học trò đứng đó vẫy tay không trọn vẫy, xe rời bến rồi khuất mất ở đầu ngả rẻ, đám học trò từng người bỏ đi cũng hơi lâu, Thảo Nguyên vẫn còn đứng bên lề bên này nhìn theo, buồn hay vui, không ai biết.

*

   Khệ nệ xách cái gái giỏ đựng chôm chôm, mận từ vườn cây của nhà, qua tiệm thuốc nhà Thảo Nguyên, biếu gia đình Thảo Nguyên ăn lấy thảo, Điền trở lại trên này từ hôm qua, trước ngày tựu trường năm mới hai ngày, để có thì giờ sửa soạn chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng, bài vở dạy thì chẳng có gì lo, xong một năm rồi, đâu đã vào đó, nên sáng nay mới qua, nôn nóng biết tin thi cử của Thảo Nguyên và đám bạn mà anh kèm luyện thi ra sao, mong trời mấy cô mấy cậu “êm chèo mát mái”. Sáng sớm, nắng ấm song đôi với một chút mặt trời, đong đưa rớt lưa thưa từng hoa nắng hanh vàng, gió từ hướng sông lên mang theo cái lành lạnh của gió đầu thu, chợ cũng vừa ồn ào tiếng người tiếng xe trên đường ngang ngõ dọc đầu dốc phố, cửa tiệm mở như từ trước, con bé Thảo Vy ngồi ăn cái gì đó, ngay ngạch cửa, thấy Điền, cúi đầu chào rồi bỏ chạy một mạch vào trong, vừa chạy vừa gọi “má ơi thầy Điền, thầy Điền”. Điền thấy lạ, không thấy bóng Thảo Nguyên, chú, ba cô và Thảo Trường đi Sài Gòn chưa về.

    Điền để giỏ xuống trước phòng ăn, định là vào phòng ăn, nằm ngăn phía sau phần tiệm thuốc như mấy lần trước, thì thiếm bảo cùng thiếm lên lầu, cây đàn dương cầm, nằm sát cửa sổ, ngó ra hướng ngã ba đường tỉnh lộ, cũng là hướng nhà Điền trọ, bên cạnh bàn học, sách vở ngổn ngang bề bộn, che một chút khuôn hình chụp rõ gương mặt khá đẹp thêm nụ cười muốn nhìn hoài của Thảo Nguyên. Thiếm gỏ cửa căn phòng đầu dãy phòng ngủ, đẩy cửa nói vọng vô “có thầy Điền qua nè con”, tiếng Thảo Nguyên dạ nhẹ, đi ra, Điền chưng hửng nhìn, qua cái áo ngắn tay, canh tay trái hình như không bình thường cho lắm, trông có vẻ mệt mỏi, gượng cười “dạ chào thấy mới qua”, hai thầy trò ngồi xuống mấy cái ghế bên cạnh tường, thiếm đứng nhìn lắc đầu, Thảo Vy từ dưới kêu có khách, thiếm cười bảo Điền ở chơi rồi bỏ xuống lầu, Thảo Nguyên vừa cho biết tin thi cử, tất cả cô cậu học với Điền và cô nàng đều đậu, có người vào mua thuốc ồn ào dưới lầu nhưng cũng nghe tiếng thiếm nói với đó “con đi lên lầu, Thảo Nguyên ở trển” rồi có tiếng con bé Thảo Vy “có thầy ở trển nữa”.

    Sương, cô bạn thân của Thảo Nguyên lên tới, cười cúi đầu chào như mọi lần,  ngồi xuống cái ghế trống bên cô, Điền lên tiếng chung vui tin thi đậu, qua loa hai ba điều năm học tới rồi ngó Thảo Nguyên, nhất là cái tay trái thấy là lạ mà anh đã để ý lúc cô nàng từ trong phòng đi ra, Thảo Nguyên cũng đoán được điều này nhìn qua Sương, hai cô nhìn nhau, Điền lặng thinh chờ nghe.

*

    Xem bảng kết quả có tên mình xong, trời cũng còn sớm, chưa giữa trưa, Thảo Nguyên, Sương quyết định trở về trên tỉnh thay vì lòng vòng dưới Sài Gòn này, hai người từ trên nhà xuống bằng xe Honda, chuyện lái xe Honda đi Sài Gòn là chuyện bình thường của người dân ở quận, vì từ đó xuống đây đường tốt và không mấy xa, dễ đi về. Nói vậy chứ rồi cũng chạy một vòng mua chút đỉnh, nhìn phố phường ngựa xe cho vui chung với cái vui thi đậu trước khi về. Sương lái chở Thảo Nguyên ngồi sau, ghé ngã tư Bảy Hiền, mua mấy ổ bánh mì thịt rồi, thong thả đi, gió lưng lửng sắp trưa, nắng hong hóng nắng, lùa tóc hai cô pha màu nắng dài bay bay nhịp nhàng ngược gió.

    Tới cầu Tham Lương, trới bổng dưng đổ mưa, trút nước xối xả, chiếc xe vận tải lớn chở đầy ăp thùng phuy, không biết tài xế lơ đảng hay ngủ gục sao đó, băng ngang vụt nhanh ra đường từ phía trong ngã ba, xe trợt bánh, lật ngang tông vào chiêc xe lam chở rau cải và mấy cái xe Honda, trong đó có của Thảo Nguyên, bật ngã tung tóe trên đường, người văng ra khỏi xe, Sương và Thảo Nguyên té nằm bất động sát gầm chiếc xe vận tãi, đang nằm vắt ngang đường, đường tắc nghẻn, xe cộ đậu lại nối đuôi chật cứng hai đầu lên xuống.

   Anh tài xế chết tại chỗ vì đầu đập vào tay lái, Sương, Thảo Nguyên và mấy người bị thương nặng nhẹ khác được đưa xuống bệnh viện Vì Dân ở ngã tư Bảy Hiền, Sương bị nhẹ chỉ xây xát, chân sưng tím bầm nhức chút đỉnh, Thảo Nguyên thì nặng hơn, cánh tay trái từ khuỷu xuống cổ tay, có đoạn xương bị nứt, lệch qua, được giải phẩu chỉnh lại, Sương về nhà sau một hai ngày, Thảo Nguyên nằm lại ở bệnh viện, tay băng bột, chú thiếm lên xuống lo gần hai tuần lễ, cô được bác sĩ cho về hơn một tháng nay, vẫn khỏe nhưng cái tay còn hơi đau đau, cử động chưa bình thường, chuyện ngừng ở đó, Điền không hỏi thêm. Trên đường về lại nhà, chợt dưng Điền nhớ tiếng đàn, nhớ mà lo lo, trong đầu Điền dường như hai cô còn giữ lại một chút gì đó mà không chịu nói hết.

*

   Tựu trường, đám học trò quen Điền giờ lên Đệ Nhất, nên không còn tới nhà thường như năm ngoái, dù lâu lâu hai ba cô cậu cũng ghé qua, hỏi han chuyện vãn, cũng chút bánh chút trái, tới trường tan trường, đường đi về giờ thì Sương và Thảo Nguyên thường cùng đi chung với nhau, trong trường, giờ chơi vẫn thầy thầy thân mật với Điền như trước. Điền thì cũng ít khi qua bên nhà Thảo Nguyên, trừ vài bữa cơm chiều mà chú thiếm mời, có điều là anh đã không còn nghe tiếng đàn của Thảo Nguyên những chiều trước đây, dù một hay hai lần thôi, hôm gặp hai cô sáng hôm đó, từ hôm đó cái vui mỗi buổi chiều ngồi thả hồn chờ nghe bên cửa sổ cũng mất dần theo sự thiếu vắng của tiếng đàn, nhiều lần gặp Thảo Nguyên trong trường nhưng không thấy cô ta nhắc nhở hay tỏ vẻ vui buồn gì về chuyện đánh đàn, Điền hỏi thầm trong bụng “tại sao” nhưng không nói ra.

    Bẳng đi chừng gần một tháng, Chủ Nhật trời bất chợt đổ mưa lất phất, chợ quận chiều vắng ngắt, đường chập chờn vàng vỏ, ngồi nhìn ra đường, đường không người, bầy chim hoang tắm mưa, đuổi nhau từng đôi từng cặp trên cái sân xi măng bốc hơi nắng của trường tiểu học quận, bổng giựt thót khi nghe tiếng đàn vọng ra từ lầu nhà Thảo Nguyên, lạc nhịp, từng nốt gảy vụn, lập đi lập lại nhiều lần, nghe giống như ai đó đang học đàn, không lâu rồi ngưng hẳn, tan mau trong tiếng mưa, Điền tự nhiên cười “chắc con bé Thảo Vy học đàn đây”, nhưng, tiếng nhưng thở dài tự hỏi “tại sao”. Thắc mắc không còn tiếng đàn của Thảo Nguyên bổng đâu khơi lại trong đầu, kéo dài tới nửa khuya.

   *

   Buổi sáng, giữa thu, trời vẫn còn nắng trong, âm ấm, gió nhẹ có chút lành lạnh, thứ Bảy không dạy, không có chuyện gì làm, Điền ra quán cơm, ngã ba đường tỉnh, ngồi ngoài hiên, ly cà phê nóng hổi, thơm nồng trên bàn, nhìn thiên hạ lại qua, xe kéo xe lôi rộn ràng ngược xuôi xuống chợ sớm cho vui, ai đó chắc quen vẫy tay chào từ bên kia bến xe đò, anh cũng tay vẫy tay chỉ ly cà phê nhưng không nhận ra là ai.

   Sương đi đâu đó, tay không qua ngang, không có vẻ vội gì, đứng lại chào, Điền mời cô nàng ăn sáng, Sương cám ơn, bỏ đi được độ vài bước, bổng dưng chần chừ rồi quay lại, ngồi xuống ghế trống, Điền tưởng cô nàng đổi ý nhưng không, Sương ngập ngừng đôi chút, rồi nhỏ nhẹ cho biết, định là không nhưng thôi, nói cho Điền nghe một chuyện, chuyện mà Điền muốn biết mà chưa hỏi ai được, thiếm chủ quán đem thêm ly cà phê ra bàn, cười chào vì không lạ gì cô khách mới, một lần nữa như lần gặp Sương ở nhà Thảo Nguyên, hôm vừa ở dưới Trung Lương lên, Điền lặng thinh nghe.

    Tai nạn trước đây ở cầu Tham Lương, cánh tay trái của Thảo Nguyên, như Điền thấy là lạ, không bình thường đúng thật, cánh tay trái của Thảo Nguyên mất đi hơn 25% sức cử động, vì xương gảy phải kéo ngay lại, do vậy nó có hơi cong đi chút xíu và phải tránh bưng, xách hay làm việc gì nặng, bạn bè thân, ngoài ba má Thảo Nguyên chỉ có mình Sương biết, ngay cả hai đứa em của cô ta cũng không biết gì, ngoài chuyện cái tay bị thương, vậy thôi. Đây là điều mà Thảo Nguyên sợ nhất, buồn nhất vì cho dù cô có cố đàn thì, tiếng đàn đã không còn như ngày trước, sợ “ai đó không còn thương tiếng đàn rồi không thương người đàn” nữa, nói tới đây Sương mĩm cười nhìn ra đường, nhỏ giọng hơn “hình như em nhớ có lần thầy đã khen tiếng đàn của cô nàng mà, lời khen đầu tiên mà Thảo Nguyên có từ ngày mới biết đàn, cả đám bạn chẳng có người nào khen cho một tiếng dù đã nghe hàng trăm lần, ngay cả em, người thân nhất”. Chuyện ngừng ở đó, Sương đứng dậy xin phép đi trước, nói thêm “thôi những gì chưa nói được, em xin giữ lại vì đã hứa”. Sương đi xa rồi, Điền ngẩn ngơ trong đầu “không lẽ có chuyện người đàn thương người nghe đàn sao”, Điền ngồi bất động nghĩ miên man, nhìn mông lung, hai ly cà phê chỉ vơi đi phân nửa, nguội lạnh lâu rồi.

*

    Điền về Trung Lương từ sáng thứ Bảy, lặng lẽ, để lo chuyện đổi về trường Lê Ngọc Hân dưới Mỹ Tho gần nhà, hoán chuyển với một bà chị quê ở trên này. Sáng thứ hai, vào lớp, học trò lớp Đệ Nhị ồn ào chờ Điền như thường lệ, ai nấy chưng hửng, im bặt khi thầy hiệu trưởng đi cùng một cô lạ vào lớp, thầy giới thiệu cô Thư, sẽ thay thầy Điền từ hôm nay, cả lớp nhốn nháo thắc mắc, cô cho biết thầy Điền đã đổi về dưới Mỹ Tho. Ngoài sân giờ chơi, dưới gốc cây Sao già cao rậm mát thường ngày, Thảo Nguyên ngồi bên Sương ngẩn ngơ buồn ra mặt, mấy cậu trai cùng nhóm, đi qua đi lại, nhìn vào dãy lớp học thẩn thờ, lặng thinh, khi biết tin từ mấy cô lớp Đệ Nhị. Sương biết, Sương hiểu  Thảo Nguyên nên cũng không nói gì, có tiếng chuông vào lớp, vẫn im tiếng cả hai uể oải đứng lên, dường như Thảo Nguyên đang khóc.

    Điền trở lên trường quận hôm Chủ nhật cuối tuần sau, để lo việc giao lại nhà cho ông sư trụ trì chùa , vì bà bác chủ nhà có dặn Điền trước khi đi Cần Thơ, khi nào không còn ở nữa. Buổi chiều từ chùa về, Điền ghé qua nhà Thảo Nguyên thăm và chào từ giã, chú đưa Thảo Nguyên đi tái khám dười Sài Gòn hôm qua, không có nhà, thiếm nghe tin chưng hửng, trông buồn buồn ra mặt, có vẻ muốn nói gì đó nhưng lại thôi, tuy cũng hiểu được chuyện về ở gần nhà của anh, hai đứa em thật ra, có Điền hay không có Điền thì tuổi thơ chưa đủ để thắc mắc gì. Vẫn nói cười luôn miệng, Điền ở chơi, không ăn cơm chiều, hẹn sẽ lên thăm khi có dịp, và gởi lại địa chỉ dưới Mỹ Tho

    Sáng thứ Hai, vào trường từ giã thầy cô đồng nghiệp, vừa ra khỏi phòng hiệu trưởng thi có chuông nghỉ trưa, đã thấy Điền đi ngang qua lớp khi sáng đám học trò đệ Nhị ùa chạy tới, giành nhau nói, giành nhau hỏi vang rân, vừa trả lời cũng không đầu không đuôi vừa bước đi, Sương và mấy cậu học trò thân năm rồi ôm cặp, đứng bên cổng chờ, nhìn vào. Thầy trò tay bắt mặt mừng ra đường, chúc may chúc mắn mọi thứ, không lâu đám con trai tản ra bỏ đi, còn lại Sương, Điền cùng cô nàng băng qua ngã ba, rồi ngừng lại trước quán cơm quen, hai người ngồi nán lạị, bữa ăn trưa tạm biệt, nhà trọ đã trả cho chủ, chuyến xe chiều về Sài Gòn cũng còn khá lâu mới rời bến. Nắng cuối thu trải dài ngoài phố, lưa thưa đâu đó vài ba chiếc lá vàng cuối mùa nấn ná là đà theo chiều gió trưa, đường vắng xe vắng người. Một lần nữa, Điền cũng ngồi nghe, lần này Sương nói ra hết những gì cô chưa nói được với anh lần trước.

    Lại một lần nữa, Điền nghe tiếng đàn dương cầm, từ trong phòng học nhạc của trường, của em nào đó trong đám học trò giờ nhạc, bỗng dưng Điền thờ thẩn, nhìn ra sân trường, bận làm bài nên đám học trò không ai hay biết, là thầy Điiền đang nhớ, nhớ tiếng đàn mỗi chiều ở phố quận, nhớ để rồi biết rằng mình không những thương tiếng đàn đó mà thương cả người đàn từ ngày đó mất rồi, thương da diết nhưng chưa lần nào nói ra.

*

    Đứng chờ bên lề đường, dưới hàng cây cao rậm lá, ngó qua cổng trường Gia Long, trời giữa trưa, nắng Sài Gòn nóng gay gắt, cái nóng của đầu Hạ, buổi thi cuối của kỳ thi Tú Tài Hai, cha mẹ, bạn bè, anh em, người và người, xe và xe chờ dông nghẹt cả một khúc đường Phan Thanh Giản, sân trường lắng im, đôi ba con chim rối rít đuổi bóng những cánh hoa nắng rụng lưa thưa đâu đó, Điền cười một mình. Trả lời thư của Sương, cám ơn cô nàng đã cho biết ngày và chỗ thi, hẹn sẽ gặp ở đó nhưng không nói ngày nào, dặn đừng cho Thảo Nguyên biết.

    Giờ thi chấm dứt, cô cậu học trò lần lượt từng tốp ra cổng, Thảo Nguyên chưa thấy, Sương đứng chờ nhìn qua đường, thấy Điền vẫy tay, chỉ vào trong, Điền gật đầu cười. Thảo Nguyên thong thả tới, trong sân đã có đông người ra về, ai nấy đều lặng thinh, không biết vui hay buồn, hai cô đi bên nhau ra đường, Sương quay qua nói gì đó, Thảo Nguyên chưng hửng, thảng thốt nhìn quanh nhìn quất, Sương chưa chịu nói ra, nhìn Điền bên kia đường cười tủm tỉm. Sương nắm tay cô nàng, chen đám người tụ chật cả hai bên đường, người gọi người kêu vang rân, băng qua chỗ Điền đứng chờ, Thảo Nguyên bẻn lẻn gở tay Sương, ngượng ngập chào mà muốn khóc, Sương bấy giờ mới nói ra “thầy có hẹn tụi mình nhưng tao giấu mầy, nhưng không nói sẽ tới khi nào, thôi, thầy đây rồi, xin lỗi nghe cô nương”, Thảo Nguyên tròn xoe mắt hờn dỗi. Điền theo đưa hai người ra bến xe về trên tỉnh sau bữa ăn cơm trưa tại cái tiệm cơm bình dân ở góc đường Trần Bình Trọng, cái tiệm cơm mà anh đã quen từng cái ghế ngồi trong những ngày còn học, rồi cũng chia tay, chiếc xe đò anh cũng từng đi ngày đó rời bến, khuất mất cuối đường Lê Văn Duyệt lâu rồi, Điền vẫn còn đứng bên lề nhìn theo, vui như chưa được vui bao giờ.

*

   Bữa tiệc nhỏ có cả Sương mừng Thảo Nguyên thi đậu tại nhà cô nàng, Điền chạu xe Honda từ Trung Lương lên tới cũng vừa lúc mọi người nhốn nháo chờ, trời chưa trưa, phố chợ đông người từ sáng sớm, gió mát, cũng cái mát mùi lục bình dưới sông như trước, nôn nao và xao xuyến. Đã không còn nghe hai tiếng “thầy Điền” trong nhà. Trên đường về Trung Lương, tiếng đàn của Thảo Nguyên ngày xưa một lần nữa vang lên trên lầu sau bữa ăn, lái xe mà Điền vẫn còn nghe rót nhẹ rót nhàng trong tai, dịu dàng trìu mến, như ngày nào, vẫn vậy đó, tiếng đàn mà anh đã “thương tiếng đàn và thương cả người đàn” ngay buổi chiều ngày đầu làm quen phố quận và giờ đây có một người “người đàn đã thương người nghe đàn”.

Thuyên Huy

Tháng đầu hạ quê xa 2022

   

 

      

 

 

No comments: