ÁN VĂN NGHỆ VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Mấy hôm nay, vài tờ báo nhắc đến tên tuổi
thi sĩ Vũ Hoàng Chương sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi có trách nhiệm xét
và trao giải Nobel văn chương “giải mật” công bố danh sách những người được đề
xuất nhận giải danh giá này năm 1972. Suốt năm 50, một đề xuất bị cất giấu
trong bí mật theo quy định của giải. Còn người được nhà văn Thanh Lãng đề nghị,
thi sĩ Vũ Hoàng Chương, cũng bị thể chế “cách mạng” chôn vùi sự nghiệp lừng
danh, cả khi ông sống lẫn đã chết.
Nói
chính xác, Vũ Hoàng Chương là một tên tuổi, danh tiếng lẫy lừng trong đời sống
văn chương văn nghệ nước Nam ta. Chỉ có điều, sự tỏa sáng bị đứt đoạn theo thời
cuộc, nhất là theo thể chế chính trị cầm quyền.
Nhắc
tới Vũ Hoàng Chương trước năm 1945, tức là trước cách mạng tháng 8, nếu bỏ
khuyết Vũ Hoàng Chương thì đó là sai lầm không thể chấp nhận. Không có thơ Vũ,
nền thơ bấy giờ sẽ bị lỗ hổng rõ to, chống chếnh, thiếu thứ gì đó rất cơ bản,
mặc dù khi ấy đã có những Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Thế Lữ, Chế Lan
Viên, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Nhược Pháp… sáng rực
rỡ. Mỗi người một vẻ nên không ai trên bầu trời thi ca ấy có thể thay thế được
bản sắc riêng của Vũ Hoàng Chương.
Anh
em ông Hoài Thanh – Hoài Chân năm 1942 đã viết về Vũ Hoàng Chương sau khi đọc
tập thơ đầu tiên của Vũ, tập “Thơ say”: “Kể, cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là
một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà chưa hẳn là trụy lạc”. Thời đó, khi
chưa bị chính trị chi phối, dắt mũi thô bạo, người ta nghĩ về nhau một cách công
tâm vậy.
Sau
khi đất nước bị chia cắt năm 1954 (còn lực lượng nào “có công”, thủ phạm chính
trong sự chia cắt ấy, sau này lịch sử sẽ khách quan, đánh giá đúng đắn hơn), Vũ
Hoàng Chương sống định cư trong Nam, là một thứ tên tuổi hàng “top” của làng
văn nghệ. Nói tới thơ miền Nam trước năm 1975, có lẽ vị trí đứng đầu phải là Vũ
Hoàng Chương.
Trái
ngược với miền Nam, ở miền Bắc những năm đó, Vũ Hoàng Chương bị án “tử hình về
văn nghệ”, đã “chết” như khá nhiều người có số phận giống ông, những Đinh Hùng,
Phạm Duy, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Vỹ, Nhất Linh, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Võ
Phiến… Thậm chí cả những tên tuổi như Vũ Bằng (sau này nghe nói được cài vào
Nam hoạt động), Nguyễn Bính một hồn thơ hiền lành đa cảm tài hoa nhất mực, Vũ
Trọng Phụng vốn chả gây thù chuốc oán gì với họ, Khái Hưng đấng bậc của nhóm Tự
lực văn đoàn… mà họ còn nghỉ chơi, cấm tiệt thông tin, cấm tiệt xuất bản, loại
hẳn khỏi sách giáo khoa và đời sống văn nghệ, huống hồ là những người đang
sống, sáng tác trong chế độ “ngụy quyền”. Với phe cộng sản, văn nghệ phải đi
với chính trị, tuyệt đối phục tùng chính trị. Chỉ cần trái ý họ, không làm theo
lời họ là bị thi hành án, mà rõ nhất là Nhân văn giai phẩm với những nhân vật
chiếu trên trong đời sống văn nghệ khi ấy như Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan
Khôi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán…
Nói
thế để thấy rằng một người như Vũ Hoàng Chương, cộng sản luôn coi là kẻ không
đội trời chung, có tài mấy hay mấy cũng phải bị hủy diệt, cả danh tiếng lẫn con
người.
Vũ
Hoàng Chương người gốc Bắc, làm thơ, nổi tiếng từ trước cách mạng tháng 8.1945
và trong giai đoạn 9 năm sau đó (1945-1954), hạng cây đa cây đề, nhưng từ khi
đất nước phân chia hai miền Nam Bắc thì bị “phân biệt đối xử” hoàn toàn trái ngược.
Suốt thời gian 1954 tới 1975 ông sống trong Nam, con người và sự nghiệp của ông
như thế nào, tôi không dám nhận xét bởi chỉ được nghe lại, nhưng có lẽ đây là
thời vàng son, bởi thi sĩ từng rất được yêu mến kính trọng, từng làm Chủ tịch
Trung tâm Văn bút Việt Nam (chính quyền miền Nam), được giải văn chương toàn
quốc (miền Nam), được dân chúng và giới văn nghệ xưng tụng là “thi bá”. Nếu
không có tài, không có uy tín, dễ gì được vậy.
Tôi
suốt thời gian dài trong vòng ba thập niên sống ở miền Bắc, từ nửa cuối thập
niên 50 đến nửa đầu thập niên 70 nên biết rõ việc Vũ Hoàng Chương được chính
quyền cộng sản đối xử thế nào.
Nói
có người làm chứng, bởi thế hệ trong độ tuổi 60 – 80 giờ còn sống rất nhiều. Có
thể nói mà không sợ sai rằng hầu như gần hết dân Bắc không biết gì về Vũ Hoàng
Chương. Đài báo không đề cập, không nhắc tới. Sách giáo khoa lại càng không.
Chỗ trong sách giáo khoa chỉ dành cho những Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, Chế
Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Ngô
Tất Tố…, làm gì còn đất cho những tài năng khác. Ngay cả những Nguyễn Bính,
Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh… lừng lững cây cao
bóng cả một thời văn nghệ cũng còn bị văng ra, vùi dập, huống hồ Vũ Hoàng
Chương khác chính kiến quan điểm. Thói xấu của nhà cầm quyền là đã ghét thì
“đào đất đổ đi” (ghét tới mức ngay cả chỗ đất mà kẻ bị ghét in dấu chân lên
cũng phải đào vét ném đi), phải tận diệt đủ mọi cách. Không đài, không báo,
không sách, mà những thứ này do nhà nước độc quyền, nên “đương sự” chỉ từ chết
tới bị thương. Bộ máy cai trị ở miền Bắc đã khá thành công trong chính sách ngu
dân, chặn sự hiểu biết của dân chúng suốt mấy chục năm giời.
Cũng
có lúc, rất ít ỏi, người ta nhắc tới Vũ Hoàng Chương và những người như ông,
chẳng hạn Phạm Duy, Nhất Linh, nhưng là để… chửi. Đội ngũ những nhà này nhà nọ
của văn học phục tùng chính trị như Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Như Phong, Xuân
Diệu, Huy Cận…, những bạn bè cũ của Vũ Hoàng Chương, từng một thời khâm phục
ông, ca ngợi ông, đề cao ông, nay quay ngoắt chửi ông ra rả, rằng đồi trụy,
trai gái, nghiện ngập, khốn nạn, điên khùng, phản động, chống cộng, thơ chẳng
ra thơ, người chả ra người, v.v.. Những sự quay ngoắt như thế, tra tìm tư liệu
trên mạng chả khó gì. Nếu họ có nhắc tới Vũ và thơ Vũ, thường đưa ra những câu
nhằm hạch tội, đủ thứ tội: “Say đi em/Say cho lơi lả ánh đèn/Cho cung bậc ngả
nghiêng/Cho điên rồ xác thịt” (tội trụy lạc, trai gái), “Bao giờ ta trở lại cố
đô/Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” (tội phản động, chống cộng), “Ta van cát bụi bên
đường/Dù nhơ dù sạch đừng vương chân này” (tội ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân)… Cứ
kiểu kết tội ấy thì thời nay đám văn nghệ sĩ đi tù hết.
Mà
cũng biên thêm, vừa rồi trên phây búc có cái tút của một vị giáo sư người Việt
sống ở Úc, nói rằng câu thơ “Lưỡi lê no máu…” ấy không phải của Vũ Hoàng
Chương, mà do ông Trần Bạch Đằng bịa đặt, chính ông Trần sáng tác rồi gán cho
Vũ, trong cuốn “Ván bài lật ngửa” ra đời năm 1982. Tôi khẳng định vị giáo sư đã
sai, không công bằng với ông Trần Bạch Đằng, bởi mấy câu thơ ấy chúng tôi đã
nghe từ hồi học đại học, năm 1972 – 1976, từ mồm ông Xuân Diệu (tới nói chuyện
thơ), từ các thầy khoa văn. Câu thơ này đã xuất hiện từ sớm, có phải của thi sĩ
Vũ Hoàng Chương không thì tôi không biết, nhưng dứt khoát không phải của ông
Trần Bạch Đằng.
Bọn
chúng tôi, hồi đại học được học cái chuyên đề của GS Phan Cự Đệ, đang rất “hot”
lúc bấy giờ, tên gọi “Phong trào thơ mới”. Cũng như những vị kể trên, thầy tôi
đã chốt lại về Vũ Hoàng Chương thế này: “Từ con đường ca ngợi trụy lạc, ca ngợi
xác thịt của Vũ Hoàng Chương đến con đường theo địch cũng không phải là xa
lắm!” (Phong trào thơ mới, NXB Khoa học xã hội, 1982, trang 106). Nghĩ cũng
thương, trong thời buổi nhiễu nhương, lộng giả thành chân, thầy cũng chỉ nghiên
cứu được đến thế thôi.
Về
sau, có lần tôi nêu băn khoăn với một đồng nghiệp, đồng môn, thầy Nguyễn Văn Vy
học trước tôi một khóa, sao người ta lại ghét Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nhất
Linh đến thế, thậm chí đốt cả sách, coi là văn hóa độc hại. Thầy Vy bảo thế là
còn may, chứ các ông ấy mà sống ở ngoài mình lại chả bị lôi ra xử bắn chứ đùa.
Đầu năm 1976, ngay sau khi tốt nghiệp, thầy Vy vào nhận công tác ở Sài Gòn, còn
tôi gần giữa năm 1977 mới có mặt. Nhớ hôm tôi mới vào, thầy Vy bảo tôi, mày đã
biết gì chưa, Vũ Hoàng Chương chết một năm rồi, sau khi được hỏa lò Chí Hòa thả
về vài ngày. Thầy còn đọc cho tôi nghe câu tương truyền của Vũ Hoàng Chương
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý/Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do” rồi cười, thằng
cha tài thật.
Xung
quanh những người nổi tiếng thường có nhiều giai thoại, những chuyện truyền
khẩu, cả hào quang và bóng tối. Chúng cứ tồn tại và phát tán theo thời gian,
thực và bịa không biết đâu mà lần. Nhân vật lịch sử, nhất là những lãnh tụ là
lắm giai thoại nhất, kiểu như biết 29 ngoại ngữ (không tin cứ hỏi ông Hoàng Chí
Bảo), giỏi thuật thôi miên, biết Tạ Đình Đề trốn trên nóc nhà, biết tiên đoán
tương lai hậu vận chính xác, biết cả ngày chết giờ chết của mình, hôn hòn
đất, bọc gạch ngủ, “nhà mày có khỉ già lắm”, v.v.. Văn nghệ sĩ cũng bị bao bọc
tá lả giai thoại. Thế hệ sinh trong thập niên 50 chúng tôi được “trang bị” khá
nhiều chuyện hư hư thực thực về các cụ Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Hữu Loan,
Quang Dũng, Phạm Duy, Xuân Vũ, Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ, thậm chí cả những
truyền khẩu về Tố Hữu, Việt Phương, Bằng Việt, Xuân Quỳnh. Tất nhiên, một thi
bá, một “tên phản động”, một người bị cả dàn tuyên giáo, văn nghệ miền Bắc chửi
như Vũ Hoàng Chương thì khó tránh khỏi chịu sự tô vẽ, bôi ma bôi mèo này nọ.
Bằng chứng là cho tới nay người ta vẫn không thể xác định mấy câu thơ kiểu
“lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” có phải do ông viết không, hay là tuyên giáo cộng
sản sáng tác hộ rồi gán cho.
Thập
niên 60 – 70, một trong những cuốn sách có liên quan tới Vũ Hoàng Chương và
những nhà thơ đang sống ở miền Nam, đã bị cấm một cách không chính thức. Đó là
cuốn “Thi nhân Việt Nam” của anh em Hoài Thanh – Hoài Chân (tức Nguyễn Đức
Nguyên – Nguyễn Đức Phiên). Hai ông này đều nổi tiếng, đều là yếu nhân của văn
nghệ miền Bắc, nhưng lệnh miệng từ trên, trên, trên… không cho tái bản, xuất
bản, không cho lưu hành thì cũng phải chịu. Thứ văn nghệ phục tùng chính trị ở
miền Bắc những năm đó là vậy. Không có văn bản giấy trắng mực đen, không ai
công bố cấm này cấm nọ, chỉ rỉ tai nhau, chỉ nói như nói đùa, nhưng văn nghệ sĩ
và tác phẩm cứ lăn ra chết. “Khẩu thiệt vô bằng”, rồi về sau có vụ nào đó được
nhìn nhận lại, phục hồi, chiêu tuyết, thì ối ông nhảy ra phân trần tôi đâu có
ác thế, thậm chí còn kể công. Những vụ liên quan tới Hà Minh Tuân, Hữu Loan,
Việt Phương, Phùng Quán, Phù Thăng, Hoàng Cát… đều vậy. Văn sĩ cộng sản có tính
đảng còn bị đầy oan ức, thân tàn ma dại, sự nghiệp tan tành, huống hồ “phản
động” Vũ Hoàng Chương.
“Thi
nhân Việt Nam” ra đời năm 1942, tất nhiên hai ông Hoài chả phân biệt đâu là
cách mạng hay không cách mạng, vô sản hay tay sai thực dân đế quốc. Cứ tài, thơ
hay là được đưa vào. Có thể nói, đó là công trình vào hạng hay nhất về đánh giá
văn nghệ Việt Nam đương thời, cùng với cuốn “Nhà văn Việt Nam” của Vũ Ngọc
Phan. Mà chúng chỉ do các cá nhân tự mày mò làm, nghiên cứu, đánh giá, không
như sau này đủ các thứ viện, ban bệ, tổ chức nhưng chả sản phẩm nào ra hồn.
Điều đáng buồn là, sau này, khi đã đi với cách mạng, thì ông Hoài Thanh lại phủ
nhận ngay tác phẩm tâm đắc của mình, coi nó như thứ sai lầm, vớ vẩn, kém giá
trị. Tương tự, Xuân Diệu từng ca tụng hơi ngượng miệng “Hôm nay học hết kỳ
chỉnh đảng/Thấy bốn phương ánh sáng lùa vào”. Thế mới biết cộng sản tẩy não con
người ta ghê gớm thật. Cá tính, ngang tàng như Nguyễn Tuân mà còn nín khe, chịu
ngoan ngoãn lép một bề, nhận mình đã được cộng sản tái sinh trong “cuộc tái
sinh màu nhiệm”, vậy thì đố ai dám “phá vây”. Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Xuân
Diệu… đều dạng đáng thương cả, nạn nhân của thời cuộc sắt máu búa liềm.
Cuốn
“Thi nhân Việt Nam” trong đó có Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ, Quách Tấn, Đông Hồ…
“đang phục vụ cho chế độ Mỹ ngụy” nên phải chịu sự phân biệt đối xử. Hay mấy
giỏi mấy cũng là địch. Ở miền Nam, Vũ Hoàng Chương là thi bá, là ông vua trong
làng văn nghệ, nhưng ở miền Bắc ông bị khai tử.
Đám
chúng tôi được biết, được đọc thơ Vũ Hoàng Chương là nhờ sự chiếu cố “đối tượng
chính sách”. Sinh viên văn trường Tổng hợp ngoài việc hằng tháng được đến rạp
Kinh Đô hoặc Tháng Tám xem những cuốn phim “tư liệu” không cho chiếu rộng rãi
ra ngoài như Anh em nhà Karamazov, Người thứ 41, Đàn sếu bay qua, Chiến tranh
và hòa bình, Con đường đau khổ, Giamilia…, còn được cấp cho cái thẻ mỗi tuần
một lần vào đọc ở phòng tư liệu khoa. Vũ Hoàng Chương bị án treo nằm trong này.
Phòng tư liệu khoa Văn trường Tổng hợp những năm 70
khá nhỏ, cỡ 20 mét vuông, chỉ bằng một nửa thư viện khoa của bác Chinh, cùng
tầng 2 nhà C1. Phụ trách phòng tư liệu là cô Quý vợ thầy Đỗ Hồng Chung. “Lính”
của cô là những cây đa cây đề, những tên tuổi lừng danh, trong đó có thầy Cao
Xuân Hạo, thầy Phan Ngọc. Hai thầy bị quy dính vào Nhân văn Giai phẩm nên chính
quyền truất dạy, còn chút thương tình “tài thì nên trọng mà tình
nên thương” cho làm ở phòng tư liệu. Cũng là một dạng án treo. Nhiệm vụ
của các thầy là dịch tác phẩm văn học nước ngoài (Pháp, Anh, Nga, Trung, Đức…)
làm tư liệu cho khoa.
Nếu
ai đã đọc những bản dịch “Chiến tranh và hòa bình” (của L.Tolstoi, người dịch
Nhữ Thành và Trường Xuyên), “Những dòng nước mùa xuân” (Tsekhov, người dịch Nhữ
Thành), “Triết học Hegel” (Nhữ Thành), “Con đường đau khổ” (A.Tolstoi, Cao Xuân
Hạo dịch), “Cây phong non trùm khăn đỏ”, “Người thầy đầu tiên” (T.Aitmatov, Cao
Xuân Hạo dịch), “Sử ký Tư Mã Thiên” (Nhữ Thành)… thì hẳn biết tầm của các thầy
lớn, cao, thậm chí vĩ đại tới mức nào. Nhữ Thành là bút danh của thầy Phan
Ngọc, còn Trường Xuyên là thầy Cao Xuân Hạo. Chúng tôi không có cái may mắn
được học hai thầy bởi các đấng bậc khi ấy đang chịu án treo, nhưng dẫu sao vẫn
còn chút an ủi được nhìn thấy họ làm việc, được thừa hưởng những thành quả
tuyệt vời của họ.
Kể
lại chuyện này, lại nhớ đến bao nhiêu tài năng sáng chói đất Bắc năm tháng đó
bị vùi dập. Phùng Quán bị cấm xuất bản nên phải viết chui, nhờ người khác đứng
tên, mà cũng năm thì mười họa chứ không dễ dàng gì. Ai đã đọc những tác phẩm
tuyệt vời của nhà văn Paustovski, nhất là “Bông hồng vàng”, “Chuyến xe đêm”,
“Chiếc nhẫn bằng thép” đều khâm phục dịch giả Vũ Quỳnh tài hoa trác tuyệt,
chuyển tải ngôn ngữ hay không thể tả, nhưng ít người biết đó là bác Vũ Thư
Hiên, người bị treo bút bởi cái án vớ vẩn “Nhóm xét lại chống đảng”. Bác chịu
cảnh tha phương lưu lạc xứ người gần ba chục năm sau khi ra tù, vừa trở về cố
hương hồi tháng 1, hiện ở Hà Nội, ai không tin cứ hỏi bác là rõ. Tương tự bác
Hiên và nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Đoàn Phú Tứ công lao hãn mã với cách mạng
cũng bị cấm in sách bởi sự ghét bỏ của nhà cai trị, phải mượn bút danh Tuấn Đô
dịch các tác phẩm văn học Pháp cổ điển để kiếm chút nhuận bút còm sống qua
ngày.
Biết
bao nhiêu tài năng, trí thức bậc thầy đã bị chính quyền cộng sản vô hiệu hóa khả
năng đóng góp cho đất nước, cho đời, phải sống trong sự đè nén bức bối
"oan này còn một kêu trời nhưng xa", không phát huy được tài đức của
mình. Nói cho cùng, đó cũng là tội ác, mà nhà cai trị cộng sản là thủ phạm.
Quay
về với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tại phòng tư liệu của cô Quý thầy Hạo thầy Ngọc,
tôi lần đầu được đọc Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Lam
Vị Thủy, Đinh Hùng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng…, những tập thơ in trên giấy đen sì
quay roneo, mới vỡ ra biết rằng thơ của họ đâu phải như mình từng nghe tuyên
truyền, chửi bới, rằng nọc độc này, rác rưởi nọ. Suốt bao năm, bị đọc mãi nghe
mãi giọng thơ sắt máu, ùng oàng, giờ được lẩm nhẩm trong cảnh lén lút phòng tư
liệu những câu như “Trả núi sông ta! lời dĩ vãng/Thiên thu còn vọng đến tương
lai/Trả ta sông núi! câu hùng tráng/Là súng là gươm giữ đất đai” (Vũ Hoàng
Chương) hoặc “Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết/Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng
vì đâu/Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau/Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại”
(Nguyên Sa)… Từ cái phòng tư liệu con con chật chội ấy, tự thấy mở ra một thế
giới mới khác hẳn những gì mình được nhồi nhét, bị bít bùng, nhưng không phải
dạng “cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi”.
Năm
1977 tôi vào Nam nhận việc. Những khi rảnh, mượn chiếc xe đạp từ quận 5 mò lên
quận 1, lang thang đường Lê Lợi, Đặng Thị Nhu mua sách cũ. Sau cuộc đốt sách
(may mà họ không giết học trò) bài trừ văn hóa đồi trụy năm 1975 – 1976, vẫn
còn sót lại những tàn dư, người ta bán lén lút trên hè phố. Tôi mua được cả tác
phẩm của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Hàn Mạc Tử, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Vũ
Trọng Phụng… Lúc ấy bần thần tự vấn, sao “bọn ngụy” nó lại không cấm sách những
người phục vụ cho chế độ ngoài Bắc nhỉ. Sao nó không sắt máu, cấm đoán, đè bẹp
như ngoài kia đã làm nhỉ… Cuốn "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân
được in trên giấy lụa có hoa văn chìm đẹp vô cùng. Cuốn này ngay cả khi Nguyễn
Tuân còn sống cũng bị miền Bắc xếp kho.
Thầy
Vy vào trước một năm, có lần kể cho tôi nghe chuyện Vũ Hoàng Chương không đi di
tản, hình như ông còn hơi tin tin vào sự tử tế của “bên thắng cuộc” (khi ấy
chưa có mấy chữ này, mà là phe giải phóng), ông cũng không bị bắt bớ, đi tù,
nằm trại cải tạo như nhiều văn nghệ sĩ bạn bè ông, như Thanh Tâm Tuyền, Du Tử
Lê, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Mạnh Côn, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Dương
Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam… Tưởng là may, nhưng chỉ một năm sau, họ tóm ông nhốt
vào Chí Hòa, được mấy tháng thả về thì ông qua đời. Không chết trong tù thì
cũng coi như chết bởi tù. Một bi kịch thời đại.
Nguyễn
Thông
https://www.facebook.com/profile.php?id=100024722048900
No comments:
Post a Comment