Friday, March 10, 2023

Nông Dân Và Con Cò - Duyên Anh

 

NÔNG DÂN VÀ CON CÒ




 

Có ai mơ ước chân cứng đá mềm? Có những ai mơ ước chân cứng đá mềm? Trên thế giới, ở

nước nào, có người mơ ước chân cứng đá mềm? Chắc chắn là không. Nhân loại chỉ mơ ước chân cứng thôi. Chân cứng làm gì nhỉ? Để đạp lên mọi trở ngại mà đi. Để thôn tính chóng vánh đất nước ta cần thôn tính. Để bước những bước dài vạn lý trường chinh. Để chiến thắng đối phương mang về cúp thể thao quốc tế làm đẹp màu cờ xứ sở. Ôi, chân cũng là niềm mơ ước của đủ hạng người.

Bây giờ, trở lại câu hỏi, có những ai mơ ước chân cứng đá mềm? Tôi bảo có. Nhiều lắm. Người Việt Nam. Người nông dân Việt Nam ở Đàng Ngoài. Tổ tiên ta đó. Chẳng hiểu giấc mơ chân cứng đá mềm của tiền nhân ôm ấp tự thuở nào? Cứ coi như từ xa lắm. Bốn nghìn năm hay hai nghìn năm. Một nghìn năm hay một trăm năm. Đến khi nào giấc mơ chân cứng đá mềm mới toại nguyện? Nước ta, đã một cuộc cách mạng san phẳng ruộng đất và muốn làm giấc mơ của tiền nhân chìm vào bóng tối. Nhưng chỉ thấy oán thù chập chùng cùng khắp. Máu và máu đỏ lòm từng luống cày. Người nông dân, ngoài giấc mơ chân cứng đá mềm, còn chứa chất trong đầu óc những căm phẫn vô duyên cớ. Lúa hai vụ chiêm và mùa đã thành bốn vụ. Vẫn thế thôi. Giấc mơ còn ray rứt, chưa khi nào quên được. Mà khi này nó ám ảnh nông dân đến chết. Không gian và thời gian có nghĩa là một. Nghĩa là, chả có gì thay đổi cả, ở miền quê chân lấm tay bùn, dẫu rằng cách mạng đã hô hoán cách mạng thành công.

Giấc mơ ấy ra sao? Có lẽ, những nhà lãnh tụ không biết, không một lãnh tụ nào biết cả. Vậy nhẩn nha chúng ta đọc mấy câu ca dao:

Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời trong đất trồng mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho CHÂN CỨNG ĐÁ MỀM
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng

Bài ca dao này đang ở cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị. Xưa, còn bé, lớp tư, tôi học thuộc lòng để mà thuộc lòng. Thầy giáo không giảng giải giấc mơ ấy. Mà thầy giáo hiểu nổi, cái đầu nhỏ xíu học lớp tư trường huyện làm sao hiểu nổi. Nay, lớn rồi, năm mươi sáu tuổi, một hôm đọc lại Quốc văn giáo khoa thư, mới thấy câu ca dao thấm thía. Tôi đâm ra cảm phục giấc mơ chân cứng đá mềm và bỗng thương xót đồng bào nông dân mình quá. Phải biết rằng, người đi cấy trong ca dao là một phú nông, nhà có một mẫu đất, ít hay nhiều hơn một chút. Mẫu đất Đàng Ngoài khác với mẫu đất Đàng Trong. Đàng Ngoài một mẫu đo được 360 thước vuông, Đàng Trong thì những 1.000 thước cơ. Theo phú nông, sướng hơn người có vài sào đất “đi cấy lấy công” là bần cố nông. (Bị quẫy lộn vì cách mạng, bần cố nông sướng nhất, đói nhất và vẫn nghèo mạt hạng). Còn phú nông đi cấy cho chính thửa ruộng của mình thì phải trông nhiều thứ lắm.

Kể sơ qua nỗi khổ mà người nông dân “trông trời trông đất trồng mây”. Có vẻ thi sĩ quá. Đi cấy mà còn thì giờ ngắm trời, ngắm mây. Khốn nỗi, trông trời để lo hạn hán, trông đất để lo lụt lội, trông mây để lo gió đổi chiều. Ai ở nhà quê Đàng Ngoài chẳng thấy được mùa nhãn. Nhãn được mùa là mối lo khôn cùng của nông dân. Hễ năm nào nhãn sai trái, dơi không đủ sức phá hoại, thì y rằng không vỡ đê cũng nước lớn. Mùa nước lớn lại là mùa mưa tầm tã. Cả bão nữa. Nông dân thức suốt đêm nghe tiếng trống canh đê. Còn tiếng trống ngũ liên vọng lại, còn tin tưởng vì đê chưa vỡ. Khi đê vỡ, tiếng trống canh đê im bặt. Niềm tin tưởng bị cuốn theo giòng nước lụt. Bấy giờ, nỗi tuyệt vọng không biết nặng bao nhiêu, đè xuống người nông dân muốn tắt thở. Cả gia tài của mình để ngoài ruộng. Hôm qua, lúa còn xanh con gái, mộng mị vừa nhú nụ, hạnh phúc mới đâm chồi, nông dân nằm mê thấy nhà nhà no ấm. Hôm nay, lúa đã chìm ngập dưới nước đỏ ngầu phù sa, mộng mị đã tan biến, hạnh phúc đã về dưới đáy mồ sâu. Cái giấc mơ của người Việt Nam luôn luôn thế. Cứ tạo ra ước mơ rồi chả bao giờ mơ ước nằm trong tay. Ôi, “Xuân đời chưa hưởng kịp, Mây mùa thu đã sang”.

Làm sao mà kể xiết những dây thòng lọng cuốn chặt cổ nông dân? Mới vài dòng ngắn ngủi về lụt lội đã lấy làm kinh dị. Ngắn một chút nữa, sau lụt lột, nông dân sẽ sống ra sao và mơ mộng gì, có lẽ, tôi không diễn tả nổi. Thế đấy, người giàu ước mơ là người Việt Nam. Không quá đáng đâu, hai chữ Việt Nam, vì dân ta sống bằng nông nghiệp. Cho nên, nông dân ta suốt đời chỉ trông ngóng: “Trông mưa trông gió trong ngày trông đêm”.

Cái dân tộc ấy, dân tộc Việt Nam ấy, không biết căm thù. Chỉ ngóng trông vào thiên nhiên, và rồi trách móc thiên nhiên. Trời cho ấm no, mình ấm no. Trời bắt khổ sở, mình khổ sở. Cám ơn trời, và than khổ với trời. Chưa tìm ở đâu một vần ca dao chống đối lãnh tụ cách mạng, vì đã xúi nông dân đứng lên phát động. Chưa tìm ở đâu một vần ca dao biết ơn lãnh tụ cách mạng, vì đã giúp nông dân lấy ruộng đất về làm chủ, không phải làm tôi mọi. Nông dân Việt Nam chỉ cần một đấng đầy quyền uy. Trời. Trời là đủ. Ngoài trời ra, chả có ai được quyền thay thế, mặc dù, người ta muốn lắm, con người vĩ đại choán chỗ, song, con người vĩ đại chỉ là con người, cũng mở miệng lạy trời như tất cả chúng ta. Vậy thì, nông dân Việt Nam đã cầu trời cho mơ ước của mình biến thành sự thật.

Trông cho chân cứng đá mềm
Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng

Chao ôi, một cơn mơ đã gây xúc động cho cả và thiên hạ chưa? Như đã nói ở đoạn đầu, nhân loại chỉ mơ ước chân cứng thôi. Là đủ rồi. Là thừa sức dẫn đến thành công. Muôn mặt. Người Việt Nam giầu giấc mơ, “trông cho chân cứng đá mềm,” mới hả dạ. Có bao giờ bạn nghĩ chân bạn cứng như đá, và đá thì mềm nhũn ra không? Chắc, chả bao giờ cả. Giầu tưởng tượng cách mấy, bạn cũng đành chào thua người nông dân Việt Nam. “Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng”. Trời có thể êm, biển có thể lặng, ít lâu, đủ để con người yên lòng. Vậy chân cứng đá mềm, thì không khi nào xảy ra. Nỗi ước mơ thường vượt quá tầm tay, nên dễ hóa thành không tưởng. Vậy, chân đã không cứng, đá cũng chẳng mềm. Trời ơi, sao mà thương nông dân mình quá, mà yêu câu ca dao xao xuyến mộng mơ. Từ bao năm, trông cho chân cứng đá mềm, kéo dài đến tận ngày nay, vẫn trông cho chân cứng đá mềm. Có nhiều người đủ sức làm cho nông dân Việt Nam quên hẳn giấc mơ chân cứng đá mềm, khi họ chỉ nghĩ đến hạnh phúc không phải chân đất lội ruộng cấy lúa. Đó là quý vị lãnh đạo đất nước. Ui da, ai dại tin quý vị. Thì lại ước mơ không tưởng như nông dân. Không tưởng, không tưởng và không tưởng. Đến nỗi, người nông dân Việt Nam sẽ giống như con cò.

Hãy hình tưởng một nông dân đi trên đường đất sét đầy sống trâu vào ngày mưa dầm gió bấc, khoác chiếc áo tơi bằng lá, đầu đội chiếc nón cũ kỹ, mặc chiếc quần đùi. Hãy hình tưởng con cò đứng im lặng một chân giữa cánh đồng không mông quạnh; con cò đứng một chỗ rất lâu, mưa gió lạnh con cò chẳng nhúc nhích và cá tôm cũng chẳng có để con cò nhúc nhích. Hình tưởng xong rồi chứ gì? Người nông dân Việt Nam sao giống con cò thế.

Sự lầm than của nông dân và con cò tưởng như trời đã định sẵn. Bắt đầu bằng cách kiếm ăn.

Con cò lặn lội bờ sông
Cẳng dài mỏ cứng cổ cong lưng gù
Bãi xa sông rộng sóng to
Vì lo cái bụng đi mò cái ăn

Vì lo cái bụng mà lúc nào cũng phải nghĩ cách kiếm ăn. Đói đầu gối phải bò. Con cò sống hẩm hiu như vậy. Tại sao người ta không nghĩ tới bất cứ sắc chim nào, cho nó đi kiếm ăn nhục nhã, khổ sở vẫn không no, thân hình hom hem xác xơ? Ấy thế con cò mới giống hệt con người nông dân. Con cò đã đi vào ca dao. Lừng lững đi vào. Nó vào ca dao để thắp sáng nỗi nhục nhằn, oan khiên của người Việt Nam. Nhiều lắm. Bởi ở ca dao, chỗ nào cũng ra con cò. Nó bị oan ước điều gì, con người giống hệt.

Con cò con vạc con nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi
Chẳng tin ông đến mà coi
Mẹ con nhà nó còn ngồi chỗ kia

Làm sao con cò có thể dẫm nát lúa ở ruộng? Hắn mọi người đều rõ, con cò hiền lành lắm. Nó im lặng chịu đựng cảnh trở trêu của cuộc đời và cứ thế mà sống ngày này qua tháng khác, không hề van xin một lời an ủi, cho đến khi nhắm mắt về với đất. Người nông dân Việt Nam cũng thế. Con người và con cò tuy hai mà một, tuy một mà hai. Con cò bị vu oan, không cãi lại, chỉ trần tình thôi. Cái triết lý sống như thế là cao thượng lắm rồi. Đừng đòi con cò phải nín khe rồi lâm râm Bài giảng trên núi: “Phước cho người khi người ta lăng nhục, bắt bở và vu oan cho mọi điều ác”. Tôi dám cá rằng, con cò trong ca dao có trước chúa Jesus. Nhưng, có một câu đời xưa hay đời sau cùng chung một tư tưởng: “Đừng chống cự kẻ ác”, Jésus dạy, và con cò cũng không chống con vạc, con nông và ông phú hộ. Rồi lại tiếp tục sống đau khổ.

Con cò đậu cọc cầu ao
Ăn sung sung chát ăn đào đào chua
Ngày ngày ra đứng cổng chùa
Trông lên Hà Nội thấy vua đúc tiền

Con cò, ít khi, đậu cọc cầu ao lắm. Hôm nay, nó cần đậu cọc cầu ao để thở than một đời sống không có ngày mai và cũng chẳng ai thèm biết tới. Nó có ăn sung, ăn đào bao giờ đâu. Thế mà nhấm nháp quả sung thì sung chát, quả đào thì đào chua. Chán ngán miếng ăn, ngày ngày nó tếch lên cổng chùa đứng chơi. Lâu lâu, nó ngước nhìn lên Hà Nội thấy vua đúc tiền. Con cò nói đến đó thôi. Nó chả cần thêm câu hỏi vua đúc tiền làm gì, phát cho ai. Đói rách mà trông thấy vua đúc tiền thì dễ nổi phồng sự giận dữ. Cò không giận dữ, không nuôi thù hận. Người nông dân chất phác không nuôi thù hận. Phải nói người nông dân mã thượng biết bao! Đi tìm ca dao mà xem, có câu nào oán vua, oán thống trị không? Xin trả lời: Ca dao bay bổng lưng trời, không muốn là đà mặt đất.

Khi sống đã đẹp tuyệt vời, khi chết ra sao?

Con cò chết tối hôm qua
Có bảy hột gạo với ba đồng tiền
Đồng thì mua trống mua kèn
Đồng thì mua mỡ đốt đèn thờ vong

Ôi, con cò nghèo quá. Con người nông dân giàu hơn chăng? Gia tài để lại chỉ có bảy hạt gạo, ba đồng tiền. Cò mua mỡ đốt đèn thờ vong hồn mình. Con cò chết, nó sợ cái chết không trống không kèn, nên lúc còn sống nó cố dành dụm bảy hạt gạo, ba đồng tiền để làm ma chay cho xứng đáng. Có chết vẫn sợ vong hồn mình thất thểu nơi trần thế. Ba đồng tiền mới chỉ có hai, còn một mua cái gì? Con cò không nhắc tới. Chắc là để cho cò con. Chết như thế đủ đẹp rồi, cò nhé! Cái chết dưới đây của cò mẹ mới tuyệt vời. Nghĩa là nó làm xúc động những trái tim của con người sống.

Con cò đi kiếm ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông với tôi vào
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Bài này nói đủ triết lý sống của con cò. Tôi nghèo, phải đi kiếm ăn vào lúc mọi người đang ngon giấc ngủ. Cành tre bên bờ ao mềm quá, chẳng may tôi líu quýu ngã lộn xuống ao. Ông ơi, ông làm ơn vớt tôi vào, đi ông. Nếu ông nghi tôi đem lòng phản bội, qua sông chửi sóng hay những gì tồi tệ tôi sẽ làm khi thoát chết thì ông hãy dùng tôi mà xáo măng. Cò xáo măng ngon lắm, ông ạ! Xin ông một ân huệ trước khi chết: Có xáo tôi với măng, ông nên xáo với nước trong vắt. Lạy ông, trăm lạy ông, ông đừng xáo với nước đục bẩn, ông nhé! Tấm thân tôi chết nhơ nhuốc làm đau lòng con cái tôi. Con cái tôi sẽ sống thế nào được, khi biết mẹ chúng chết ô uế dưới tay ông.

Đấy, cảm động chưa cái nhân sinh quan của người nông dân Việt Nam, của con cò Việt Nam. Cảm động liên hồi, tôi đâm lẩn thẩn, chẳng hiểu mình sẽ kết luận bài này ra sao.

Mỗi người thường có hai cuộc đời. Cuộc đời sống thật và cuộc đời mộng du. Sống thật buồn nản, muốn ly dị với trần thế ngay lập tức. Sống mộng đẹp tươi, muốn bám lấy cõi mơ đừng để mất. Khi người ta sống đời sống thật, bi quan không thích sống nữa, đành tự tử cho xong. Nhưng, lúc ngồi bên bờ tự tử, người ta lại sợ tự tử. Sợ thực. Không biết mình chết sẽ ra sao. Cuối cùng, cuộc đời mộng du cứu rỗi người ta. Vì thế, mỗi người sống bằng hai cuộc đời.

Người nông dân Việt Nam sống cuộc đời thật rất đỗi kinh hoàng. Họ cũng thoát từng lúc mà đi vào cuộc sống mộng. Buồn thay, mộng của họ được nói ra và thành không tưởng. Bởi vậy, cái không tưởng nó nhập hồn con cò để người nông dân lại sống cuộc đời thật. Bây giờ thì cả hai. Đời sống thật nông dân và đời sống thật con cò. Ai đã ví người nông dân giống con cò nhỉ?

 

Duyên Anh

Robinson, 11-10-90

 

 

No comments: