Saturday, March 18, 2023

Hai Thằng Khốn Nạn - Nguyễn Công Hoan

 

HAI THẰNG KHỐN NẠN

 

Năm 1926, nước to, đê vỡ tứ tung, nhân dân bêu rếch, khổ sở. Nhất là khi nước đã rút rồi, trông cảnh tượng mới lại càng đáng ngậm ngùi nữa.

Cỏ tàn khắp cánh đồng xa,

Bên làng hoang huỷ mấy nhà lơ thơ,

Đầu đường mẹ bế con thơ,

Người tìm sang Bắc, kẻ đưa về Đoài.

Bởi thế, bác Lan luôn mấy tháng, nào nhà đổ, nào trâu chết, nào đất bán, nào ruộng cầm. Gia tài tuy chẳng được là bao, nhưng đến cái cảnh tai bay vạ gió mà sạch sành sanh, thì dẫu ông vua đời xưa mất nước, hay thằng bé bây giờ mất tiền, cái tâm lý cũng đau đớn ngang nhau vậy.

Không những thế, vợ bác lại mới chết về bệnh dịch, để cho bác một dứa con trai mới biết ngồi. Cái cảnh gà sống không còn mồi mà nuôi con mới đáng đau lòng. Bác Lan thực là một thằng khốn nạn vậy.

Đêm hôm trước, bác ngồi nghĩ mà rớt nước mắt. Của chìm của nổi đã không còn gì, nhịn cơm từ sáng nhường con đã lả cả dạ dày. Nếu mai cũng thế này nữa, thì bố chết đói, con chết đói. Âu là trong nhà còn một thứ của nổi nữa, đem bán nốt đi chăng?

Bác Lan nghĩ thế thì làm thế. Bác xin được cái thúng sứt cạp bện đôi quang và chẻ cái đòn gánh. Sáng sớm, gánh thằng bé con đi. Một bên quang là một tảng gạch để thăng bằng thúng hàng bên kia. Một bên quang là một cái thúng đựng hàng. Trên cái thúng, tùm hum manh chiếu rách che hàng cho đỡ nắng.

Bác đi lang thang làng này, làng khác, qua chợ nọ, chợ kia. Nhưng chỉ thấy có người xem, mà không thấy có người mua.



Bác Lan đói quá, mắt đã mờ. Thằng bé con trần truồng trong thúng, nằm ngả ra, mồm miệng bê bết những dãi, mũi và vỏ khoai lang. Đi đường, bác gặp toàn bọn khóc dở mếu dở như bác cả. An ủi nhau cũng chỉ có một câu:

- Này, bác đến nhà ông nghị Trinh, may ông ấy hiếm hoi, thì ông ấy mua cho.

Đi lần mãi mấy làng, bác mới đến nhà ông nghị Trinh. Trời đã sắp xẩm tối. Đứng ở cổng, trông vào trong nhà, bác thấy gạch tây đánh bóng lộn, sập gụ, tủ chè, gương đứng, giường tây, thật có vẻ đỉnh chung sung sướng.

Bác Lan đánh liều gọi cổng. Anh bếp ở trong chạy ra:

- Nhờ cậu vào bẩm với ông bà rằng có người bán con đương ở cổng.

Cậu bếp hỏi han một vài điều ra dáng tử tế, săn sóc, nhanh nhẹn lắm, rồi mới đi vào.

Bác Lan, vì cái đói khát cấp bách quá, nên tưởng tượng ngay độ dăm phút nữa thì bụng sẽ được no đầy. Nhưng tưởng tượng thế là lầm. Độ một giờ sau, bác thấy một người mặt mũi phương phi, cổ rụt, bụng phệ môi trề mà không râu, mặc quần áo lụa, phe phấy cái quạt, ra vườn chơi.

Bác đoán là ông Nghị, bèn đánh tiếng. Thì quả là ông Nghị thực. Vì nghe giọng nói hách dịch lắm:

- Sao không giật chuông gọi người nhà nó vào bẩm?

Bác Lan kể nỗi cơ cực, và ngỏ ý dạm bán đứa con. Ông Nghị nhìn qua bác, nhìn qua đứa bé, rồi nói:

- ừ, để rồi tao nói chuyện với bà sẽ hay. Chờ đây, tao ra ngay.

Nghe câu ấy, bác Lan tuy trong bụng lép kẹp, nhưng thấy như được no một nửa vậy.

Hơn nửa giờ nữa, ông bà Nghị mới ra.

Bác Lan chào, rồi cũng những câu khi nãy, bác nói với bà Nghị. Bà Nghị ra ý cảm động. Bà bế đứa con vào lòng, ngắm nghía mãi.

Ông Nghị thấy bà có vẻ vừa ý, bèn hỏi giá:

- Mày định bán bao nhiêu, nói cho thực.

- Bẩm tùy ông bà cho.

Người bán không nói giá, người mua không biết giá, thì làm thế nào? Độc giả các ngài đánh giá hộ đi? Một người như chúng ta đấy, khéo nuôi, khéo dạy, thì chưa biết chừng, vĩ nhân cũng nên đấy. Một trăm nhé! Hai trăm nhé! Năm trăm nhé!

Ông Nghị thấy bác Lan lưỡng lự, không muốn nói giá, thì đương ngồi xổm ở trước cái thúng, bỗng ông đứng phắt dậy:

- Đáng lẽ anh cho không tôi, tôi cũng không lấy, vì tôi phải nuôi nó cho anh. Nhưng thôi, việc phúc đức, tôi cho anh ba hào, cầm lấy!

Vừa nói, ông vừa móc túi lấy tiền đưa. Bác Lan gãi tai thở dài. Có lẽ không ngờ đâu cái giá trị một thằng bé con có thế mà thôi.

- Thưa ông...

- Tôi không nói lôi thôi. Ông với ênh gì! Tôi không quen mặc cả. Ba hào không bán thì thôi!

Nói xong ông quay lưng vào, gọi bà đi, và đóng cổng lại.

Bác Lan vơ vẩn nghĩ ngợi mãi. Chờ mãi cũng không thấy có người ra trả thêm xu nào.

Nửa giờ sau, bác không thể nào nhịn nổi được cái dạ dạy rỗng tuếch từ hôm trước. Thôi thì ba hào thì ba. Con mình được chỗ ấm no nương tựa, còn hơn là bố con bêu rếch, xó chợ đầu đường. Nghĩ vậy, bác giật chuông. Một lát, ông Nghị ra.

- Thế nào? Anh có định bán như thế không mà gọi?

- Thôi, lạy ông, ông thương phận nào, con nhờ phận ấy.

- Thương là thế nào! Nói cho dứt khoát. Bằng lòng bán ba hào không?

Bác Lan mỉm miệng, gượng cười một cách rất chua chát:

- Vâng!

Ông Nghị đưa bác vào trong nhà. Làm giấy má xong, ông còn xem xét đứa bé rất kỹ càng. Khi thấy sau lưng nó có nhiều nốt ruồi quá, thì ông có ý không bằng lòng, chê bai mãi rằng xấu. Xấu thì phải bớt tiền. Cho nên khi trả, ông không cho bác cả ba hào, mà phạt hai xu nốt ruồi!

Bác Lan lạy van mãi. Nhưng bác nghĩ, nếu cố nằn nì hai xu, thì chưa chắc đã được, mà không khéo thì bị trả tiền lại. Nghĩ nực cười, mình đã khốn nạn, lại gặp phải một thằng khốn nạn hơn, thì thôi, chịu cầm hai hào tám vậy.

Bác bế đứa con lần cuối cùng, hôn hít, dặn dò mãi, mới dứt. Khi ra ngoài cổng, bác đi không nỡ, tình cha con vướng vít, bác nghĩ muốn trả lại hai hào tám mà lấy con về.

Bác đứng lại, quay nhìn trong nhà ông Nghị, thì thấy kẻ bưng chậu nước, người lấy xà phòng, người tìm khăn mặt. Bà Nghị thì tự tay tắm cho đứa bé, ra dáng âu yếm, nâng niu. Bác nhìn mà cũng hả tấm lòng, nỗi đau đớn cũng như tiêu tan vậy.

Còn ông Nghị, hai mắt vẫn nhìn cái lưng nốt ruồi, nét mặt còn như tiếc món tiền tiêu vô ích khi nãy. Một chốc, ông ra ý hối hận, nói với vợ:

- Bà ạ, hoài của, giá bớt hẳn năm xu, nó cũng phải chịu.

- Sao ông nghiệt thế! Tiền hàng vạn lo nghị viên không tiếc, mà mấy xu này lại tiếc hay sao?

Ông Nghị đang tức hơi, phát gắt mà rằng:

- Tiêu những món đáng tiêu thì còn tiếc cái gì! Thằng bếp đâu! Mày chạy đi tìm thằng bán con ban nãy, bảo nó giả tiền tao mà lấy lại con lập tức!

Bác Lan giật nẩy mình, co cẳng, ù té chạy bán sống bán chết, vừa chạy vừa đếm:

- Một, hai. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám...

Viết 7-6-1930

Annam tạp chí số 12; 1930

Nguyễn Công Hoan

No comments: