Thursday, March 30, 2023

Nguyệt Quế - Nguyễn Ngọc Tuyết

 

NGUYỆT QUẾ

 

Chị đăm đăm nhìn anh thoăn thoắt cột dây vào mấy thanh nan lồng tre, cố hiểu xem anh đang nghĩ gì trong đầu. Đâu rồi anh thầy giáo trẻ mỗi chiều thứ bảy mang hàng lô sách đến cho mình đọc “để cô bé hiểu biết hơn về văn chương”. Đâu rồi người đàn ông dày dạn, sâu sắc từ chiến trận trở về cùng mình gánh vác việc gia đình, nuôi lớn con cái, không từ một công việc nặng nhọc nào? Cực nhọc, quay cuồng trong vòng xoáy cuộc “đổi đời”, người đàn ông ấy vẫn vững vàng, cắn răng chịu đựng, lúc nào cũng đưa bờ vai rắn chắc của anh cho mình tựa vào…

Nửa đêm chị thức giấc, quờ tay sang bên cạnh, thấy trống không. Phải định thần một phút chị mới nhớ ra: À, mình đang ngủ một mình! Cái cảm giác “một mình” này sao đến giờ chị vẫn chưa quen. Ba năm rồi còn gì. Từ khi anh về quê sống với thằng con trai với lý do “ở vườn không khí trong lành, khoáng đãng”. Mà đúng vậy, nhất là với căn bệnh lao phổi của anh trước đây thì sự thay đổi môi trường rất có lợi cho sức khỏe vốn không tốt của anh. Vậy mà… thỉnh thoảng chị vẫn thấy hụt hẫng, ngẩn ngơ như vậy. Hay tại đêm nay trong cuộc họp mặt với đám bạn cũ, nhiều đứa đã hỏi thăm:

– Chồng mày đâu rồi? Sao mày “tấn” ông ấy về vườn vậy? Muốn sống độc thân kiểu mới hả?

Chị chỉ đáp lại bằng nụ cười.

Lại nhớ về những ngày gian khổ có nhau khi con cái còn nhỏ, đứa nào cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vợ chồng chạy vạy, xoay xở với đồng lương còm công nhân viên chức để lo việc học hành cho con. Rồi đi giữ xe, nuôi heo, nuôi dê vắt sữa bỏ quán cà phê… Có lúc cơ cực quá, chị đã khóc với chồng: “Em căm thù cái nghèo! Tại sao nghèo là phải hèn, phải khổ hả anh?”. Những lúc ấy, anh chỉ cười, thật dịu dàng, thật trầm tĩnh và chị lại thấy nguôi ngoai, lại xốc dậy đi tới. Bây giờ hai đứa nhỏ lớn hết, có gia đình riêng cả rồi, đời sống đã khác trước nhiều, vậy mà khi cuộc sống thảnh thơi chị lại nuối tiếc những ngày nhọc nhằn, chồng con quấn quýt thế kia? Lòng tham không đáy của con người ư?

*

Một lần nữa giấc mơ lại trở về. Quyển sách đọc trong đêm đưa chị vào giấc ngủ muộn và chị lại mơ. Những ngày gần đây sao chị cứ hay mơ về ngày cũ. Lại thấy mình trở về thời tuổi trẻ, nụ hôn đầu dưới vòm cây xanh lá, khu vườn rì rào gió và nắng rực rỡ trên đầu. Hình như có tiếng chim hót êm êm đâu đó thật gần, hay chỉ là chị tưởng vậy thôi. Nhưng thảm cỏ mềm dưới chân với lá ổi rụng đầy thì rất thật, thật như những trái ổi lúc lắc trên cành chỉ vói tay lên là hái được. Những trái ổi xá lị giòn rụm, chua chua ngọt ngọt như một thời thanh xuân đọng mãi trong lòng.

Mỗi lần từ giấc mơ tỉnh dậy, chị cứ nuối tiếc, muốn nhắm mắt lại, muốn ngủ thêm chút nữa để nắm níu sự lâng lâng vui sướng ấy nhưng không tài nào đắm chìm lại được, chỉ càng thêm hụt hẫng thôi. Giống như đôi lúc, những điều chị muốn quên vẫn lù lù trở lại, thoáng chỗ này, thoáng chỗ kia. Những nẻo đường gập ghềnh bụi cát, xe nhét đầy khách, nỗi phập phồng lo sợ đường bị phá, bị gài mìn. Khi thì một đồn bốt heo hút với tiếng súng nổ rền trong đêm, sáng ra khu chợ nhỏ xôn xao vì trận đánh đêm qua… Tình yêu thời con gái của chị đi qua những nẻo đường heo hút gập ghềnh như thế. Giữa nỗi say đắm, mê muội là sự phập phồng, lo lắng về bất trắc, về một sự mất mát có thể đến bất cứ lúc nào. Chính thế mà bao mùi vị ngọt nồng chua cay đắng chát gì chị cũng từng nếm qua, chính vì thế mà ly rượu tình chị đã cố uống cạn một lần cho khỏi ân hận về sau. Sau này nhớ lại, đôi lúc chị cũng rùng mình, ngạc nhiên về sự “liều mạng” của chính mình. Nhưng biết sao được, sống chết vô chừng mà, chị đâu nỡ hối tiếc vì những táo tợn, liều lĩnh một thời con gái của mình.

Có lẽ vì vậy mà sau này khi sống cùng nhau trong tình nghĩa vợ chồng, anh vẫn tự hào vì chị, vì tình yêu cuồng si, lãng mạn của chị. Quan hệ vợ chồng suốt những năm dài vẫn lấp lánh chút mơ mộng của tình yêu ngày cũ. Và phải chăng vì thế mà chị vẫn chưa quen với việc anh tách ra khỏi cuộc sống chung, lặng lẽ an nhàn nơi vùng quê ấy?

Và còn nữa, bởi những ngày mưa đang tới! Những đêm thức giấc nửa chừng như đêm nay, mùi hương nguyệt quế lại len vào phòng chị. Những cơn mưa đầu mùa đã đánh thức cụm nguyệt quế trong cái chậu nhỏ sát vách phòng kia để hoa nở trắng ngần, thơm ngát!

*

Chị lại lọc cọc trên chiếc xe đạp điện về quê. Nói cho cùng thì quê chồng chị chỉ cách thành phố khoảng chục cây số chứ có xa xôi gì. Chỉ như ở ngoại thành vậy mà. Xa là tự mình thấy thôi.

Ông chồng chị vẫn nằm đong đưa trên chiếc võng giăng ở góc vườn như mọi khi. Chẳng hiểu sao mỗi lần bắt gặp hình ảnh quen thuộc ấy, chị không vui mà lại nghe mỏi mệt trong lòng. Hay tại chị chưa quen được với ý nghĩ người đàn ông “một thời oanh liệt” trong lòng chị nay chỉ là một ông già, bất đắc chí và chai cứng trong cuộc sống đơn điệu, buồn chán ở miệt vườn.

Anh đón chị bằng nụ cười thật tươi:

– Em mới vô hả? Gặp thằng Di chưa?

Chị cũng cười:

– Chưa anh à. Chắc con nó đi cắt cỏ cho bò rồi.

– Ừ, nó chăm chút mấy con bò mới mua lắm. Có lẽ vì bò thịt giờ bán được giá. Em có thấy nó bán bớt bầy dê rồi không? Thằng nhỏ biết tính toán lắm, em đừng lo.

Chị gật đầu mà lòng như chùng xuống, như nẫu ra. Chả lẽ chuyện trò giữa vợ chồng mình giờ chỉ là vậy sao? Chuyện dê cúi, chuyện tính toán làm ăn của con trai, chuyện cháu nội dạo này ngoan lắm, nói rành rẽ cả rồi… Nhưng không lẽ mình cứ lặng thinh?

Chị nhìn chiếc lồng trên tay anh, giả vờ hỏi:

– Anh làm lồng chim à?

– Ừ, có mấy đứa nhỏ trong xóm mê chim chìa vôi lắm. Hôm trước gác được mấy con bán cho chúng, giờ chúng đòi mua thêm lồng.

Chị gật đầu, có vẻ quan tâm tuy chị biết thừa những điều này rồi. Cái nghề chơi chim, gác chim của ông chồng chị thì nổi tiếng cả xứ này chứ đâu phải vùng quê nhỏ bé này. Đến giờ, thỉnh thoảng cũng có người tìm đến anh để tìm hiểu về cách nuôi chim cu gáy, chim chìa vôi, trao trảo hoặc cách gác lục, gác lưới bắt chim, chọn chim hay chim dở đó thôi. Nhưng lẽ nào anh chỉ còn giữ lại bấy nhiêu? Lẽ nào anh không còn ước muốn gì nữa trong cuộc đời này?

Chị đăm đăm nhìn anh thoăn thoắt cột dây vào mấy thanh nan lồng tre, cố hiểu xem anh đang nghĩ gì trong đầu. Đâu rồi anh thầy giáo trẻ mỗi chiều thứ bảy mang hàng lô sách đến cho mình đọc “để cô bé hiểu biết hơn về văn chương”. Đâu rồi người đàn ông dày dạn, sâu sắc từ chiến trận trở về cùng mình gánh vác việc gia đình, nuôi lớn con cái, không từ một công việc nặng nhọc nào? Cực nhọc, quay cuồng trong vòng xoáy cuộc “đổi đời”, người đàn ông ấy vẫn vững vàng, cắn răng chịu đựng, lúc nào cũng đưa bờ vai rắn chắc của anh cho mình tựa vào… Thế mà, chỉ một cơn bệnh thập tử nhất sinh đã thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ với anh đều như vô nghĩa, mối quan hệ vợ chồng, tình gia đình, con cái… Anh thu mình lại, không muốn ai can dự vào cuộc đời mình. Có mở miệng nói về chuyện này chuyện kia cũng chỉ là cho có nói. Riêng có thú chơi ngày xưa là anh còn giữ lại như nuôi gà tre, nuôi chim, nuôi thỏ. Góc vườn này là vương quốc của anh đó. Có lẽ anh thích nghe tiếng gù gù êm ái của loài cu cườm, tiếng hót của chim chìa vôi hay tiếng “ríu” của con trao trảo trong mấy chiếc lồng treo trên cháng cây kia còn hơn gặp mình, nghe mình nói chuyện, chị nghĩ thầm như vậy…

Mấy đứa con hay cằn nhằn kiểu khác:

– Ba lớn tuổi rồi thì cứ chơi chim chơi gà hay chăm sóc cây cảnh thôi. Nhưng ba không chịu giữ gìn sức khỏe gì hết, cứ đi nhậu hoài. Ai rủ cũng đi, không có cũng tự đi kiếm mồi uống rượu!

Chị biết mấy đứa nhỏ lo cho tình trạng bệnh hoạn của ba chúng chứ không cảm nhận như chị, không thấy rõ sự thay đổi con người anh như người vợ, người tình trong chị. Nhưng chị có thể nói gì hơn! Tụi nhỏ có cách nhìn riêng mà.

Dù vậy, mỗi lần bước về đây sao chị cứ thấy mệt mỏi, buồn rầu. Cái vùng quê ngày nhỏ chị từng yêu thích giờ sao có nhiều cái khác quá. Vẫn cây cỏ đó, vẫn cái nhịp điệu lặng lờ êm ả của sáng, của chiều ấy mà sao không khí như kém trong lành hơn, tâm hồn con người như phức tạp hơn, nhiều tính toán hơn. Mà những tụ họp ăn nhậu lại càng thường xuyên với sự phân hóa giàu nghèo rõ hơn. Và ông chồng chị như lọt thỏm vào trong cái khoảnh trời chật hẹp ấy dù vẫn chưa phải bước vào tuổi “cổ lai hy”.

Vậy là lần nào cũng định ở chơi lâu một chút nhưng rồi chị cũng lại trở về thành phố với căn phòng quen thuộc, với những ồn ào, bụi bặm và công việc tủn mủn của mình. Những công việc không ai bắt chị phải làm nhưng chị cứ bám víu vào nó như một chỗ trú, một cách khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng. Và, mỗi lần đi về, lại có cảm giác như mình bỏ quên lại một ai đó, như đang phản bội một lời hứa nào đó rồi cứ áy náy, bần thần mãi suốt mấy ngày liền…




*

Chị lại thức giấc giữa khuya. Có lẽ vì cơn mưa dai dẳng hồi đêm vẫn tí tách hoài trong giấc ngủ lơ mơ của chị. Mưa đã dứt hạt và vòm trời đêm đã trong trở lại với vài ánh sao chớp tắt trên cao. Chậu nguyệt quế vẫn tỏa hương thơm ngát. Đột nhiên mắt chị nhoè nhoẹt, cay sè. Sự ra đi đột ngột của anh khiến chị như mất hết ý niệm về thời gian. Một tháng hay hai tháng? Nỗi buồn lúc đầu chỉ như cơn gió thoảng qua, thổi vào sự trống vắng trong tâm hồn chị. Rồi từng cơn, từng cơn, quay cuồng, xoáy sâu, lạnh buốt. Hai đứa con khóc nấc nghẹn trong những ngày tang lễ rồi cũng nguôi ngoai. Mỗi đứa lại chăm chắm vào gia đình riêng, chắc rằng mẹ rồi cũng vượt qua. Bề gì thì vợ chồng chị cũng sống riêng lâu rồi mà. Làm sao chúng hiểu được nỗi đau càng lúc càng cứa sâu vào trái tim vốn đã mỏi mòn của người vợ như chị, nỗi đau mà bản thân người đàn bà trong chị cũng không đong lường cho hết. Bởi đã bao năm anh đã đi bên đời chị, lúc đầu như một người tình đắm đuối, rồi một người chồng tận tụy và cuối cùng như một cái bóng lặng thầm. Nhưng lúc nào cũng là hình, là bóng ấy sóng đôi nhau, nương tựa vào nhau cho dù có ngả nghiêng, có xô lệch, có trốn tìm, rượt đuổi nhau đến mệt nhoài, ngất lịm…

Bây giờ những lần chợt tỉnh giấc trong đêm, chị lại có cảm giác hụt hẫng như những lần về quê thăm anh rồi trở ra thành phố. Có lúc chị thèm nghe một tiếng ho gằn gặn của anh đến xé lòng. Ôi, những tràng ho dài những buổi sáng sớm, những đêm khuya khoắt khiến chị nghe áy náy, khó chịu sao giờ chị cứ muốn nghe mãi để thấy anh còn đó, còn đi ra đi vào trong nhà.

Một cơn gió thổi qua. Hương nguyệt quế lại tỏa hương thơm hắc. Hình như có giọt nước mưa vừa rơi trên vai chị lạnh buốt. Chị hít một hơi thở thật sâu, thật đầy mùi hương quen thuộc, tự nhủ: Mai mình phải về quê thôi! Dù chỉ để cảm nhận sự mất mát rõ hơn. Dù để nằm võng đong đưa nghe tiếng chim cu gáy thật buồn và ngước mắt nhìn trời để thấy trời xanh ngút mắt, xanh đến tận cùng nỗi nhớ trong lòng chị…

Nguyễn Ngọc Tuyết

304Đen – llttm - OVV

No comments: