CHỢ TRỜI CỦA MỘT THỜI
Chợ
trời là một hiện tượng nở rộ tại Sài Gòn trong thời điêu linh, kể từ sau
30/4/1975. Về mặt kinh tế, những nơi nào có nhu cầu mua-bán thì ở đó có chợ
trời. Tuy nhiên, xét cho cùng, chợ trời thời điêu linh là một hình thức tự phát
khi nhu cầu của người miền Nam cần bán những mặt hàng được coi là không còn cần
thiết trong tình hình mới gặp nhu cầu của người mua là những người đến từ
phương Bắc, họ săn nhặt những mặt hàng lạ còn sót lại từ thế giới tư bản niền
Nam.
Phan
Tất Đại
– Mại dzô… Mại dzô… Đồng hồ mười hai trụ đèn, không người lái, hai cửa
sổ… Xem thử đi các đồng chí… Cái đồng hồ này đáng giá cả một gia tài, nhưng bây
giờ chỉ bán với giá ủng hộ…
– Chụp ảnh lấy liền chỉ mất 30 giây bằng máy Polaroid tối tân của Mỹ…
Chụp đầy đủ cả bộ Đạp-Đổng-Đài để làm kỷ niệm… Chỉ còn một ít giấy ảnh, chụp
ngay kẻo hết… Giá chỉ một ngàn đồng Ngụy một tấm…
Vài chú bộ đội tần ngần dừng chân đứng lại, một chú thắc mắc:
– Chụp 30 giây “nà thế lào” ?
– Chỉ sau 30 giây là đồng chí có một tấm ảnh bên cạnh xe đạp, đồng hồ
đeo trên tay và radio đeo bên nách… Chụp đi đồng chí rồi gửi về Bắc làm kỷ
niệm, chỉ mất có 1 đồng tiền mới, không có tiền mới thì trả tiền Ngụy cũng được
!
Đạo cụ’ của anh thợ chụp hình gồm chiếc xe đạp, cái vỏ radio bằng da và
nếu người chụp không có đồng hồ anh ta sẵn sàng cho mượn để thực hiện một bộ
sưu tập Đạp-Đổng-Đài như quảng cáo.
Mặt hàng ăn khách nhất ở chợ trời là “3D” (Đạp, Đổng, Đài) được đánh giá
là ‘đỉnh cao’ của sự sung túc theo tiêu chuẩn người miền Bắc. Đồng hồ họ thích
loại có nhiều cửa sổ’, một cửa sổ thì có ngày, hai cửa sổ thì có cả ngày lẫn
thứ nhưng không biết họ có hiểu những chữ Mon, Tue, Wed… hay không ?
Radio thì ở miền Nam hầu như gia đình nào cũng có, nào là Sony,
National, Zenith… có đủ cả AM lẫn FM và máy phát băng nhạc hiệu Akai. Tình thế
đã thay đổi nên nhu cầu nghe radio không còn cần thiết, cách tốt nhất là đem ra
chợ trời bán lấy tiền mua gạo.
Xe đạp thì Sài Gòn cũng không hiếm và chạy đầy đường, kiểu cách thì đa
dạng không như xe Phượng Hoàng của Trung Quốc vốn lâu nay làm chúa đường phố Hà
Nội.
Chợ trời là ‘nền kinh tế mới nổi’ trong thời kỳ Sài Gòn vừa đổi chủ. Chợ
trời, ve chai, lạc soong nở rộ khắp hang cùng ngõ hẻm. Bụng đói nên mọi người
phải ra đường kiếm kế mưu sinh. Trong hàng ngũ dân chợ trời, những người chân
chính kiếm sống gồm đủ thành phần.
Người ta đồn ca sĩ Thái Thanh đi bán xôi ở khu vườn hoa Công lý, nhạc sĩ
Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) ra chợ trời Sài Gòn. Thế là gần như ban Thăng Long
xuống đường hợp ca bản… chợ trời !
Nhà văn Nguyễn Thụy Long với tác phẩm nổi tiếng Loan Mắt Nhung vốn hiền
lành là thế nhưng cũng phải chạy chợ trời để nuôi con khi bị vợ bỏ. Nguyễn Thụy
Long tâm sự : “Ra chợ trời có nhiều mánh kiếm ăn nhưng tôi chẳng được ‘quý
phái’ như nhiều tay chợ trời khác. Như ký giả Hồng Dương buôn bán vàng ở chợ Lê
Thánh Tôn, vải vóc, quần áo cũ hay sách báo lậu, môi giới ăn hoa hồng. Tôi cũng
là dân chợ trời nhưng mua đi bán lại vài ba cái bù loong dỉ nên rất là đói
rách…”
Nhà giáo vì ‘mất dậy’, ‘vô lương’ nên phải đứng chợ trời. Công chức mất
sở làm phải ra chợ trời còn sĩ quan ‘ngụy’ bận đi cải tạo… Từ xưa, trong mắt số
đông người miền Nam, chợ trời đồng nghĩa với sự lừa đảo, dối trá, ma lanh, láu
cá. ‘Dân chợ trời’ là một cụm từ miệt thị chỉ những tay mua bán theo cơ hội,
thời cơ nhưng trong thời điêu linh, Sài Gòn biến thành một chợ trời khổng lồ,
trong đó đủ các thành phần xã hội, thượng vàng hạ cám. Tất cả chỉ vì miếng ăn,
có cái tọng vào họng là được, bất kể sang hèn.
Chợ trời là một hiện tượng nở rộ tại Sài Gòn trong thời điêu linh, kể từ
sau 30/4/1975. Về mặt kinh tế, những nơi nào có nhu cầu mua-bán thì ở đó có chợ
trời. Tuy nhiên, xét cho cùng, chợ trời thời điêu linh là một hình thức tự phát
khi nhu cầu của người miền Nam cần bán những mặt hàng được coi là không còn cần
thiết trong tình hình mới gặp nhu cầu của người mua là những người đến từ
phương Bắc, họ săn nhặt những mặt hàng lạ còn sót lại từ thế giới tư bản niền
Nam.
Bước vào khu vục chợ trời, bạn sẽ được chào đón bằng câu : ‘Có gì bán
không anh ?’. Nhiều người tỏ vẻ bất bình trước câu hỏi sỗ sàng đó, có người lại
trả đũa một cách khó chịu : ‘Tôi bán tôi, anh có mua không ?’. Sau này, không
ngờ câu hỏi cay cú đó lại được sử dụng ở các chợ người, hay còn gọi là ‘chợ lao
động’.
Ở gần khu vực tôi sinh sống có chợ trời Lăng Cha Cả. Chợ buôn bán đủ các
loại mặt hàng, từ ‘thượng vàng’ đến ‘hạ cám’. Tại đây, tôi đã từng đem bán cái
nhẫn tốt nghiệp United States Defense Language Institute và chiếc quần jeans có
cái nhãn Levi’s gắn bên cạnh túi. Bán được 2 món đồ thấy nhẹ hẳn người vì không
còn ‘tàn dư Mỹ Ngụy’ trên người mà lại có tiền cho vợ con đong gạo ‘bông cỏ’,
mua khoai lang sùng, khoai mì chạy chỉ và cả ‘cao lương’ tức hột bo bo cứng như
đá để độn cơm. Thật đúng là thời ‘cao lương mỹ vị’ đến độ ‘cao lương’ trở thành
món tầm thường mà ai cũng ngán. Phải nói là ngán ngẩm mới đúng.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy vốn là người rất ít khi làm thơ nhưng chợ trời đã
khiến ông ‘tức cảnh’ với những dòng dưới đây :
Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui
Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi
Vỉa hè này những khóc cười bầy ra
Lạc loài áo gấm, quần hoa
Này trong khuê các, sao mà đến đây ?
Chợ bầy những đọa cùng đầy
Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa
Bán đồ toàn những người ta
Mua đồ thì rặt những Ma cùng Mường
Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường
Đầu âm phủ, cuối thiên đường là đây !
Ở chợ trời, người bán nhiều hơn người mua, dĩ nhiên đa số người mua là
những ‘Ma’ cùng ‘Mường’, họ là những từ phương xa đổ vào thành phố. Họ là những
chiến binh chất phác, chân quê, ‘xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước’ và khi được đặt
chân lên Hòn Ngọc Viễn Đông họ ngỡ ngàng như trong mơ, hàng hóa phong phú như ở
các nước… Đông Âu!
Bên cạnh những chiến binh chân chất là những anh bộ đội có tính ‘sĩ diện
hão’. Hỏi anh ngoài Bắc có ‘ti vi’ không, anh trả lời như một cái máy ghi âm Akai:
“Thứ đó chạy đầy đường”. Hình như, theo sự hiểu biết của anh, TV là một loại xe
Honda nên nói liều là… chạy đầy đường !
Đến khi thân nhân ở nước ngoài gửi quà về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn
Nhất và bưu điện đường Hai Bà Trưng lại phát sinh một nghề mới, nghề chợ trời
mua thu gom đồ. Họ bám lấy người đi lãnh đồ như ruồi, không tiền đóng thuế cho
hải quan, họ tình nguyện đóng thuế giùm, miễn là bán lại đồ cho họ.
Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh cười ra nước mắt ở chỗ lãnh đồ gửi từ Mỹ
về. Trong thùng đồ gửi về có một cây thuốc lá Pall Mall. Cây thuốc thơm tho đã
nằm trên bàn kiểm hàng, thủ tục thuế má cũng đã đóng đủ cả chỉ còn việc người
lãnh đồ chờ nhận. Tuy nhiên, nhân viên Hải quan (quan thuế) cho biết rằng thân
nhân bên Mỹ đã gửi đồ một cách… phạm pháp. Người lãnh đồ thắc mắc, hồi hộp hỏi
:
– Thưa… trong những gói thuốc này có… héroin hay sao ?
– Không, nhưng nhà nước xử nhẹ thôi, sẽ mua lại với giá chính thức, và
cho lại anh một gói hút lấy thảo gọi là tình nghĩa với bà con.
Người lãnh đồ sống trong tâm trạng của kẻ đi xin và được cho những gì…
nhà nước không cấm. Thuốc Pall Mall vẫn bầy bán trên lề đường Đồng Khởi, hồi
xưa gọi là Tự Do. Người ta mới hiểu ra, thuốc lá tịch thu ở chỗ lãnh đồ có chân
chạy ra đường Đồng Khởi.
Hàng từ ngoại quốc gửi về, nằm trong kho, người nhận quà được giấy báo,
đôi khi hỡi ơi, chỉ còn thùng bị rút ruột hoặc bị đánh tráo. Vải từ bên Mỹ gửi
về cho thân nhân ở quê nhà toàn dệt ở Việt Nam, nhà máy dệt Nam Định chẳng hạn.
Gặp những chuyện đó chỉ có nước cắn răng chịu trận. Thân phận con kiến sao kiện
được củ khoai.
Chuyện đó xảy ra hàng ngày nên không còn là chuyện la. Rồi giai cấp mới
làm kinh doanh qua việc nuôi chó bẹc giê kiếm lời. Một giai cấp nhà giầu mới ra
đời, người ta chăm sóc chó, cho chó ăn cả ký lô chả quế, ăn phở tái nạm gầu.
Lời đồn đại về lối sống của giai cấp mới này nhiều vô số kể, nhưng tôi
không thể tin hết nếu chưa kiểm chứng. Trong hồi ức này những điều tôi viết ra
đều đã được kiểm chứng và đúng là sự thật. Tôi không “bắt” ai phải tin hay nghĩ
gì khác.
Cái cột đèn trong thành phố nó bị trồng cứng xuống lề đường nên đành
đứng nguyên một chỗ, còn đồ Mỹ có chân, nó chạy ra chợ trời ! Nồi cơm điện, bàn
ủi, hay đổng-đài nó có thể chạy ra đến chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm.
Nơi đây người ta bán chúng với bất cứ giá nào, dân chợ trời mua tùy theo túi
tiền có sẵn và người mua về bao giờ cũng vui vì có được món hàng mà mình ao ước
!
oOo
Chợ trời thuốc tây lớn nhất Sài Gòn trải dài suốt một con đường bên hông
chợ Tân Định. Người ta có thể tìm mua đủ các loại tân dược tại đây, từ những
viên thuốc cảm, sổ mũi, nhức đầu cho đến thuốc ‘đặc trị’ huyết áp, tiểu đường,
thấp khớp – cái thì còn ‘đát’ nhưng có cái hết ‘đát’ từ mấy năm về trước. Nguồn
hàng có xuất xứ đa dạng : thuốc từ các viện bào chế trước 1975, thuốc từ các
nước ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ và sau này còn có cả thuốc từ các nước tư bản do
thân nhân từ nước ngoài gửi về.
Nguồn thuốc gửi về có đến 90% tìm đường ra chợ trời vì người nhận thuốc
không phải để uống mà để bán đi lấy tiền lo cơm áo hàng ngày. Người ta quan
niệm, chống đói quan trọng hơn chống bệnh tật gấp nghìn lần. Thân nhân ở nước
ngoài được báo là cứ gửi thuốc về, mặt hàng này có giá rất cao nếu so với quần
áo, vải vóc, mỹ phẩn, kẹo bánh. Hơn nữa, trọng lượng lại rất nhẹ cân nếu so với
các ‘hàng viện trợ’ khác, đỡ tốn cước phí đối với người gửi.
Từ Mỹ, từ Pháp cũng xuất hiện những công ty của người Việt chuyên gửi
thuốc tây về Việt Nam với danh sách các loại thuốc ‘hot’ nhất, có nghĩa là bán
được nhiều tiền nhất trên thị trường chợ trời. Tại Sài Gòn có cả một hệ thống
thu mua mặt hàng thuốc tây, họ là dân chợ trời nhưng đến tận nhà. Hệ thống chân
rết này bắt đầu từ những tay ‘cò’, có mặt tại khu lãnh hàng trên phi trường Tân
Sơn Nhất hay bưu điện, thấy ai lãnh thuốc là xin địa chỉ đến tận nhà để mua,
vừa kín đáo lại vừa an toàn, không sợ công an ‘vồ’.
Dân chợ trời thuốc tây cũng xuất thân đủ mọi ngành nghề: từ ông dược sĩ
chính hiệu bị mất sở làm đến anh “sỹ quan ngụy” vừa tốt nghiệp cải tạo, từ tên
chuyên nghiệp mánh mung đầu đường xó chợ đến kẻ trong túi không có tiền uống cà
phê cũng ra chợ trời buôn nước bọt. Họ đứng ra làm trung gian, dẫn mối.
Bạn cải tạo của tôi ra chợ trời kiếm ăn cũng không ít. ‘Tổng hành dinh’
của đám chợ trời chúng tôi là nhà Nam ‘đầu bạc’ ở đường Hai Bà Trưng, ngay chân
Cầu Kiệu, nên rất gần với chợ trời thuốc tây trên đường Nguyễn Hữu Cầu, bên
hông chợ Tân Định.
Nam vốn là bác sĩ quân y, khi đi học tập về sống chung với ca sĩ Phương
Hồng Quế và mở phòng mạch trên đường Triệu Quang Phục trong quận 5, Chợ Lớn.
Căn nhà mặt tiền đường Hai Bà Trưng vốn là của gia đình Quế nên được đám bạn
chọn là nơi ra vào từ chợ trời.
Thuốc tây thu gom ở chợ Nguyễn Hữu Cầu được gửi tạm tại đây trước khi
sang tay, mua đi bán lại. Mỗi khi bác sĩ Nam cần thuốc cho phòng mạch cũng đều
nhờ anh em chợ trời săn lùng, anh em không ra chợ trời Nam cũng sẵn sàng mua
ủng hộ mỗi khi có thuốc tây từ nước ngoài gửi về làm quà. Phần tôi thỉnh thoảng
cũng có chút quà nên nhờ Nam mua giúp. Tôi hiểu, những lọ vitamin nếu đem ra
chợ trời bán sẽ bị chê ỏng chê eo nên hễ có là tôi nhờ Nam mua… ủng hộ!
Nhóm chợ trời thuốc tây chúng tôi gồm đủ thành phần đã tốt nghiệp ‘đại
học cải tạo’: Huệ (sĩ quan Hải quân… mắc cạn), Cường ‘điếc’ (pháo binh Thủy
quân Lục chiến nên tai bị nghễnh ngãng vì tiếng súng), chú Định (dân Quốc gia
Hành chính, đã từng là phó quận), Quyền (Giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội
bị… ‘mất dậy’)…
Riêng tôi được miễn ‘công tác ra chợ trời thuốc tây kiếm sống’, thay vào
đó là chân ‘gia sư’ kèm Anh Văn cho Phương Hồng Quế, Phương Dung, Thu Hiền và
một số bạn bè của Quế cũng như con cái của các bạn cải tạo. Ông thầy ngày một
đông học trò nên cuộc sống cũng có phần dễ thở trong suốt thời điêu linh.
Tan chợ, anh em thường tụ họp tại Hai Bà Trưng, thỉnh thoảng vào cuối
tuần lại chung tiền tổ chức ‘giải lao’ sau những ngày ‘hành sự’ tại chợ Nguyễn
Hữu Cầu. Tết Trung Thu, Quế lại còn tổ chức cho con cái ‘cái bang’ về Hai Bà
Trưng đốt lồng đèn, ăn bánh Trung thu…
Giờ thì anh em cải tạo, người nào cũng ‘sáu, bẩy bó’, lưu lạc bốn
phương, kẻ ở lại trong nước, người đã ra nước ngoài. Ngồi viết lại chuyện chợ
trời để nhớ lại một thời điêu linh. (theo Hướng Dương txd)
Phan
Tất Đại tổng hơp chuyển tiếp
Nguồn: cafevannghe
https://cafevannghe.wordpress.com/2014/12/15/cho-troi-cua-mot-thoi/
No comments:
Post a Comment