CHỜ MÀ EM KHÔNG VỀ
Hai chị em nó mồ côi, ba mẹ mất sớm, bỏ lại cho ngoại
nuôi, mất hồi nào không biết chỉ nghe bà bảo là hồi hai đứa còn nhỏ lắm, ngoại
không nói vì sao chết, chắc bà không muốn nhớ lại nổi đau mà bà đã chịu đựng từ
bao nhiêu năm dài qua, hai chị em cũng không dám hỏi, không dám nhắc tới trước
mặt ngoại. Ngoại già, nhà tranh vách lá, mái dột cột xiêu, tảo tần hôm sớm, nằm
xéo ở khoảnh đất trũng, cuối góc bìa ấp dưới, đan rỗ đan đục tre bán trên chợ
xã, một cái xã không giàu không nghèo, cách đó chừng hai ba cây số dọc theo tỉnh
lộ, cơm cháo ngày lại tháng qua, tạm cho ba bà cháu sống, bữa thiếu bữa dư, bù
qua sớt lại nhưng chưa gọi là đói.
*
Tuy nhà nghèo, trong
xã ai cũng biết, ngoại cũng ráng chắt chiu cho hai chị em đi học trường tiểu học
xã, năm nó lên lớp Ba, chị lên lớp Nhất, ngoại già yếu hơn, tay chân có khi
không cầm nỗi cái dao chẻ tre chẻ trúc, chầm cọng lạt khi trật khi trúng, chị
nó biết, đi học về, phụ nấu cơm, giặt giũ, quét dọn sáng chiều, chị nó thức
khuya phụ nhưng quanh quẩn chỉ giúp việc cắt, chặt mấy cọng lạt cho bằng cho
ngay, vậy thôi, nó ngồi bên thui thủi nhìn qua nhìn lại, trong ánh đèn dầu leo
lét mơ mờ ba bóng người chập chờn trên vách lá, gầy buộc, buồn thiu.
*
Cuối năm lớp Nhất chị nghỉ học, ngoại
cũng mòn mỏi rồi, tuổi già sức yếu, tay chân run rẩy, nhưng ngoại vẫn cố ngồi
đan đục đan giỏ nhưng chẳng được bao nhiêu, thương ngoại thương em, tình cảnh
nghèo khổ, nhìn ngoại mà hai chị em muốn khóc và đã ngồi bên hè khóc sướt mướt
bao nhiêu lần, nó cũng khóc theo chứ thật chưa biết thương ngoại tới độ nào,
thương thì biết thương vậy thôi.
*
Chị lên chợ xã làm
công cho vợ chồng bác chủ tiệm hàng xén khá giả, sáng sớm hai chị em dắt nhau đi
bộ dọc theo tỉnh lộ lên chợ, cũng như những ngày trước nhưng giờ thì tới chợ,
nó vào trường chị nó tới tiệm, chiều tan trường, chị nghỉ làm, tới cổng chờ, rồi
hai chị em cười nói, dắt nhau về nhà như những ngày chị còn đi học với nó. Nó tiếp tục học lên lớp Nhất rồi thi đậu vào Đệ
Thất, ngoại mừng chị cũng mừng,chị dành dụm tiền, đồng nào có được, nhất định
phải nuôi cho nó ăn học tới nơi tới chốn.
*
Chị không còn làm
công việc phụ bán sai vặt ở tiệm hàng xén, thấy chị lạnh lẹ, ăn nói ngọt ngào
vui vẻ, nên bác gái chủ tiệm cho chị đi theo, xuống quận lên tỉnh, đặt hàng, đếm
hàng, lo xem cái nào cần thêm cái nào nên bớt, cảnh nhà cũng vậy, đở hơn đôi
chút chứ nghèo vẫn nghèo. Phần nó, đi học thì thôi, không có chị ở nhà như trước,
nó thay chị quét sân nhổ cỏ, phơi cũi, trông chừng giúp ngoại đi đứng, chiều chị
về nấu cơm và lo việc còn lại, thứ bảy chủ nhật, thương chị vất vả lam lũ, nó cũng
chịu khó, sáng sớm ra đồng, xế trưa ra sông, câu cá, bắt cua, nhà có ăn, bữa
nào nhiều, đem ra chợ xã, ngồi bán, vậy mà nó thấy vui, chị đở lo cũng vui.
*
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm
qua năm, kiếp đời của ba bà cháu cứ vậy mà trôi qua, ngoại già thêm, chị và nó
lớn thêm, đậu Tú Tài Một nó vào lính, nó vắng nhà, chị ngoại ai cũng buồn cũng
nhớ, chị thôi làm ở tiệm hàng xén, mặc dù hai bác chủ tiệm một hai bảo chị ở lại,
ngày ngày về sớm cũng được vì nhà đâu có gì xa đâu, nhưng chị xin lỗi, ngoại
không đi đứng được, yếu quá rồi, rũi té ngã bất thần thì có ai đâu mà lo vì nó
không còn ở nhà. Mản khóa quân trường, nó về lại nhà nghỉ phép trước khi ra đơn
vị, một nơi địa đầu giới tuyến, xa nhà xa tít mù xa, đâu đó tận miền Trung mưa
phùn gió bấc.
*
Rồi có người trên ấp
trên, qua lời làm mai mối của hai bác chủ tiệm hàng xén chợ xã, tới nhà dạm hỏi,
anh này hiền lành, chăm chỉ làm ăn, tử tế, ấp trên xóm dười, cả chợ cả làng đều
biết, nhà không khá lắm nhưng không nghèo như nhà hai chị em nó, ngoại bằng
lòng, chị cũng bằng lòng.
Qua Tết năm sau đám cưới chị, nó nhất định sẽ
về đúng ngày, mừng ngày vui của chị.
*
Ngày cưới, hai bà
cháu chờ, người bên đàng trai cảm thông thương tình cũng chờ, chờ mà không thấy
nó về như đã nói, rồi biết làm sao hơn, chị cũng phải theo chồng, người hàng
xóm đở ngoại ra trước cửa, tiễn chị ra xe lam rước dâu, hai bà cháu ôm nhau sụt
sùi, dù nhà chồng về nhà chị, đi bộ cũng tới.
*
Vài hôm sau,
chị về lại nhà, hai bà cháu, môt già một trẻ, một lần nữa ôm nhau khóc sướt mướt,
khóc sụt sùi. Tin từ xa về, nó đã tử trận trên chiến trường Lam Sơn, Hạ Lào,
ngay trưa hôm chị theo về nhà chồng, bỏ lại ngoại một mình trong căn nhà tranh
quạnh vắng, nhưng chị vẫn còn chỗ đi chỗ về, còn nó, nó đã bỏ ngoại và chị đi
xa, một nơi rất xa và không bao giờ về nữa.
Thuyên Huy
Đã sang mùa 2020
No comments:
Post a Comment