Friday, March 24, 2023

Những Chiếc Thuyền Giấy - Nguyễn Thị Ấm

 

NHỮNG CHIẾC THUYỀN GIẤY

 

Một lần, khi đứng bên bờ hồ Tây, mặt hồ còn lạnh sương đêm. Tôi đứng trong cái ánh sáng nhạt nhoà của buổi sớm bình minh mùa hè mà lòng thanh thản. Tôi đã kiếm được tiền. Tuy không giàu nhưng tôi không còn nỗi khổ của kiếp người lo ngày hai bữa cơm nữa.

Hồ Tây sớm. Ven hồ còn vắng. Tôi chợt thấy một người đàn ông trạc ba mươi tuổi đương ngồi gấp những con thuyền bằng giấy thả xuống mặt hồ. Anh ta gày gò, nước da đen đủi, áo quần đã cũ nhưng vẫn có dáng của một kẻ có học.

Thấy chuyện lạ, tôi đến gần. Anh ta nhìn tôi rồi nhìn những con thuyền giấy nổi lềnh bềnh. Tôi đến bên anh cầm một tờ giấy anh đương định gấp thuyền lên đọc. Ôi! hoá ra là một trang văn hay. Tôi vẫn yêu văn chương, nhưng phải là văn chương hạng nhất. Tôi nghĩ, có lẽ anh này là nhà văn mới vào nghề, tủi hờn gì đây. Tôi nhìn anh, định nói điều gì nhưng tôi không nói nữa. Xưa nay tôi vẫn trân trọng những nhà văn. Văn họ hay như vậy nên họ dễ tủi hờn. Tâm hồn họ mỏng như sợi tơ nhện, dễ đứt lắm. Tôi liếc nhìn anh. Anh có cái gì na ná như một cô gái thất tình.

Đứng nhìn những con thuyền giấy, nó không chịu trôi ra xa. Khéo nó là một phần máu thịt của anh, dù anh có hắt hủi nó cũng không nỡ ra đi.




Tôi biết làm thế nào, chẳng nhẽ tôi lại đứng nhìn anh xua đuổi những đứa con do anh đẻ ra. Còn đi khuyên bảo một kẻ quá đau đớn tủi hờn thì thật là buồn cười. Tôi xắn quần lên lội ra ven hồ. Tôi vớt những chiếc thuyền giấy của anh. Anh nhìn tôi bằng con mắt ngớ ngẩn rồi lại tiếp tục thả. May mà buổi sáng bên hồ không có trẻ con, nếu không tôi lại trở thành một thằng đàn ông ngớ ngẩn. Đất nước, con người bây giờ họ làm điều gì cũng vì miếng cơm, manh áo, có ai lại làm những điều ngớ ngẩn như anh và tôi!

Anh lặng lẽ thả. Tôi xắn quần vớt. Tất cả chỉ khoảng hai chục con thuyền giấy. Thằng thả thuyền thì hết giấy. Thằng vớt thuyền cũng xong việc. Tôi ôm những con thuyền giấy lên ghế đá ngồi. Tôi gỡ từng con thuyền ra, rồi xếp lại theo số trang. Phúc đức, đó là những tờ giấy chữ đánh máy, các ”em“ chỉ bị hắt hủi chứ không bị nước hồ dày vò.

Anh ta, thản nhiên châm thuốc. Anh hết giấy gấp thuyền ngồi tư lự. Mùa hè bắt đầu nắng đỏ. Nó báo hiệu một ngày nóng bỏng. Tôi giở truyện anh ra đọc. Truyện hay lắm. Anh viết về những con sông, về tình yêu con người, sự tự do mà từ lâu con người hằng khao khát. Tôi đọc mãi, quên tịt cả con người ngồi ven hồ. Tôi bị rơi vào thế giới khác, cái thế giới tôi chưa một lần nhìn thấy. Bao nhiêu năm qua tôi bị cằn đi vì tuổi tác, vì nặng nhọc, hôm nay tôi mới thấy mình trẻ lại. Bao năm qua, tôi quên béng mất tình yêu, bây giờ tôi mới thấy nóng người lên. Và lần đầu tiên tôi thèm khát vô tận.

Ngày xưa, tôi làm việc ở toà báo. Tôi biết thừa những ông chủ bút. Chẳng hiểu ai đưa các ông lên hay các ông làm cách nào leo lên tôi không biết. Nhưng các ông thường to béo bệ vệ. Các ông đối với văn chương nghệ thuật chỉ ở mức trung bình. Nhưng có cái này là các ông nhất: quần áo sạch sẽ phẳng phiu như mấy cô gái đỏm dáng, nói những mẩu chuyện ngắn thường hóm hỉnh thông minh. Cái nhìn của các ông cực kỳ khinh bạc. Các thi hào, văn hào thế giới chắc gì đã tự tin bằng các ông.

Hằng ngày, thơ văn và truyện ngắn v.v… gửi đến các ông hàng chồng. Các ông chẳng buồn xem. Hoặc nếu có đọc thì chỉ là do bạn bè thân thiết nhắn gửi hoặc nhân viên mách bảo. Bẩy giờ các ông đến làm việc, mười một giờ các ông về. May mắn thay nếu có một tác giả vô danh nào được ông cầm đến, nhưng vô phúc phần mở đầu mà viết không khéo thì ông trề môi rồi ấn vào ngăn kéo. Số phận nó đã được định đoạt. Một ngày nào đó nó sẽ được nằm trong mớ giấy lộn đi ra mấy cái cửa hàng giấy cũ ở phố Nguyễn Khuyến.

Cũng chả nên trách các ông. Bởi nhà văn thì ít, mà kẻ hám danh thì nhiều. Các ông ngồi mãi, ngồi mãi giống như một cô gái quá lứa vác ghế ra ngồi ở cửa kén chồng, lâu quá không kén được chồng rồi ngồi ngủ gật. Công bằng mà nói, các ông cũng có một tí văn chương. Nếu có tiền các ông thường ngồi mơ màng đến các cô bồ nhí. Các cô này thường không xinh, nhưng cực kỳ háo danh nên thấy tên các ông các cô cũng đủ sướng tê người.

Đất Bắc Kỳ là cái nôi của văn chương nước Việt. Người tài nhiều, nhưng kẻ háo danh thì nhiều vô tận. Các bà mẹ đôi khi thấy con gày tọp và ngu đần nhưng vẫn khoe con có bằng đại học. Các cô gái trẻ thường háo danh đến mức độ khốn khổ hơn. Các cô đi học, tri thức chưa đủ phân biệt cái gì hay dở. Các cô bắt thân với những ông dạng như vậy, tất nhiên bọn này thì khéo loè lắm. Thánh nhân đôi khi cũng bị chúng nó bịp nữa là các cô. Nó chỉ yêu các cô phần vật chất, còn phần linh hồn nó biến mẹ nó mất. Tôi cam đoan một phần tư các cô có học ế chồng là sản phẩm của các ông chủ bút, nhà văn loại hai, nhà thơ loại ba. Các cô vẫn tưởng là mình bất tử trong tình yêu. Nếu có ai vô phúc nói ra điều đó thì các cô chửi cho mục mả.

Nhưng tôi không hề san bằng những người chủ bút hiểu đời thông minh, những nhà văn trẻ có tài. Tôi không viết được cái gì, nhưng tôi hiểu được giá trị những gì người đời viết ra. Tôi trân trọng nhìn anh chàng thả thuyền giấy bên hồ. Tôi đoán không lầm thì một ngày không xa, anh ấy sẽ trở thành văn hào. Cái gì cũng vậy, bao giờ nó cũng có mầm mống. Phần nhiều những kẻ có tài thưuờng có lòng tự trọng quá cao đến mức ngớ ngẩn. Nếu không có tôi vớt những con thuyền giấy, không biết chừng một ngày nào đó hết giấy thả thuyền, anh ta nhảy xuống hồ như không. Người đời sẽ gán tội cho tất cả những người đàn ông trẻ tự tử là chết vì tình. Anh ta cũng sẽ bị gan tội như vậy.

Tôi đi lại phía anh, mời anh đi uống cà phê. Trong túi tôi chỉ có đủ tiền mua hai cốc cà phê đen với vài điếu thuốc lá ngon. Sáng ra tôi thường được vợ cho một số tiền vừa đủ mua bát phở. Mụ vợ của tôi tuy xấu xí nhưng kiếm tiền rất tài. Thị rất sợ chồng mình sa ngã. Bao giờ cũng vậy, khi tôi về nhà, thị cũng dí cái mũi tẹt vào mồm tôi ngửi. Nếu không ngửi thấy mùi phở là thị lại than vãn. Trong tâm trí của thị tôi chỉ là đứa trẻ to xác và mơ mộng. Nhưng hôm nay tôi quyết tâm đi. Tôi cũng là con người, tôi không sợ thị nữa. Tôi với anh đi qua hàng phở thơm lừng. Chưa ăn gì mà uống cà phê thì xót ruột lắm. Nhưng anh đương đau buồn, anh không để ý, anh đi theo tôi như một thằng ngớ ngẩn đi theo mẹ.

Tôi với anh ngồi trong quán cà phê. Nhìn cái khuôn mặt không hồn của anh tôi nghĩ đến thân tôi. Ngày xưa, hồi còn trẻ tôi cũng đã bán một bức tranh. Lần đó vào mùa đông, tôi vẽ được một cô gái ngủ bên những bông sen trắng đương ấp nụ. Nhìn tranh người ta có cảm giác thanh cáo giữa hư và thực. Không hiểu nàng ngủ hay những bông sen kia đang ngủ. Người đàn ông nhìn vào vừa có cái ham muốn trần tục lẫn sự kính sợ ánh sáng thánh thiện của nàng.

Tranh vẽ vừa xong, có một thằng bạn dắt một thằng Tây đến. Thằng này chắc là người Bắc Âu. Mặt mũi gồ ghề. Nó mê ngay, mặc dù tôi chỉ là hoạ sĩ vô danh. Nhưng cái hương sắc nàng toát ra trầm lặng, rất phương đông làm nó thèm rỏ rãi. Nó giầu có, nó dí vài mũi tôi từng cuộn bạc mới tinh. Tôi nghèo, sự cám dỗ của đồng tiền nó át cả người đẹp của thế giới tâm linh. Tôi tự nhủ, thôi đưa nàng đi, ta sẽ tạo ra một cô nàng khác. Cô sau ta không bán, cô sẽ ở với ta suốt đời.

Nàng đi rồi. Người nàng còn ướt mùi sơn dầu. Nàng tủi hờn, nàng không nói với tôi lời nào. Nàng đi trong trận mưa đêm của mùa đông giá lạnh. Tôi nhìn theo nàng. Cái thằng tây tóc vàng nó quắp nàng đi. Nó là thằng có mùi hôi nách nặng cực, khốn khổ thân nàng. Nàng đi. Tôi khóc. Nước mắt không chảy ra ngoài mà chảy vào trong. Những giọt nước mắt ấy nó như những mảnh thuỷ tinh vỡ, nó cứa vào lòng tôi và để tôi chảy máu đến tận bây giờ.

Tôi về ở một mình trong căn buồng vắng. Bao nhiêu năm qua nó không hề trở lại trong bút vẽ của tôi. Thậm trí trong tâm linh tôi nàng cũng không. Tôi đã phụ bạc nàng, tôi phải trả giá. Tôi thèm ra đứng nhìn mặt hồ thật rộng. Tôi thèm ra đứng nhìn mặt biển bao la. Thực ra tôi nhớ nàng. Hãy tha thứ cho tôi, kẻ đàn ông tham tiền. Không phải mình tôi, nhiều thằng đàn ông khác cũng tham tiền như tôi.

Cốc cà phê đặc, mấy điếu thuốc ngon làm anh tỉnh lại. Anh đẹp hơn tôi. Người tình của anh là những con thuyền giấy nhỏ, anh chia tay với người tình đẹp vậy, thì người tình khác đẹp lại đến với anh. Anh không giống tôi, một kẻ tham tiền thô lậu.

Số phận của tôi đã được an bài. Từ nay tôi phải về sông chung với mụ vợ vừa xấu, vừa đen và cực kỳ vật chất. Cạnh một mụ vợ như vậy thì nàng tiên nào dám về với tôi?

Tôi vuốt thẳng những con thuyền giấy đưa cho anh. Anh tỉnh hẳn. Anh bắt tay tôi. Chúng tôi chia tay. May là mùa hạ. Một ngày nóng bỏng. Ve sầu kêu đến chết lịm trên những ngọn cây. Máu của anh sẽ được mùa hạ hun nóng, những con thuyền giấy sẽ không phải chia lìa anh nữa.

Từ hôm đó trở đi tôi thấy truyện của anh lác đác trên các báo. Anh sáng dần, sáng một cách không ngờ. Trái đất, bà mẹ vĩ đại duy nhất của loài người, đôi khi bà nóng ruột vì những đứa con của bà chậm nhớn, bà cũng quay tít mù cho chúng chóng nhớn. Anh chàng thả thuyền giấy hôm nay lớn thật. Tất cả những kẻ hôm qua còn nhục mạ anh, bây giờ nhắc đến tên anh họ phải ngượng cúi đầu. Thế giới bắt đầu dịch truyện của anh. Bạn bè kháo nhau anh có tám nghìn đô la tiền nhuận bút. Đối với các nhà văn nước tôi, viết văn bằng chữ quốc ngữ, tôi cam đoan rằng không ai nằm mơ tới một số tiền như vậy.

Bây giờ tôi mới nhận thấy một điều là các nàng tiên nghệ thuật dù hư ảo đến đâu cũng chỉ đến với những nghệ sĩ, những nhà văn có ăn và có tiền. Nếu họ bận lo miếng cơm manh áo thì có khấn nàng, nàng cũng chẳng về.

Anh chàng thả thuyền giấy hôm nay thành tài rồi. Anh thâm thù nhớ chuyện ngày xưa, anh chưỉ cung tất cả. Những kẻ bị anh chửi nhiều nhất là những nhà phê bình. Khốn nạn thay, anh chửi cả tôi nữa, người đã vớt những con thuyền giấy của anh. Bởi thân tôi vừa háo danh vừa bất tài nên nghề gì tôi cũng thò mũi vào. Anh chửi thâm lắm, tự cổ chí kim chưa hề có. Các nhà văn Tàu ngày xưa kết tóc đuôi sam cũng không bằng anh. Văn anh viết ra, mới đọc nghe buồn cười, nhưng ngồi nghĩ một lúc thì thấm thía lắm.

Anh không chửi bình thường, mà chửi ”tam đại con gà“. Anh chửi cả con gà chọi lẫn những con gà hiền lành ngày ngày đi nhặt những hạt cơm rơi.

Tôi viết truyện này không phải để trách anh. Hình như trong lòng ai cũng có bóng của một vài con thuyền giấy. Các bạn đừng để nó trôi đi, nếu nó trôi đi mất thì cuộc đời buồn lắm.

Nguyễn Thị Ấm

304Đen – llttm - ovv

 


No comments: