NGỨA CỔ
Tôi
là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hát chơi/ Khi gió sớm vào reo um khóm lá/
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời…/ …/Chim ngậm suối đơm trên cành bịn rịn/
Kêutự nhiên nào biết bởi sao ca... Xuân Diệu thời tiền chiến đã viết như vậy.
Vĩnh
Phúc
Nhưng giả sử loài chim có thể nghe và nói được tiếng người, ắt hẳn đây
đó sẽ nổi lên không ít lời phản đối. Có thể một anh chích chòe hay một chú họa
mi nào đó sẽ sửa lưng nhà thơ rằng: “Này thi sĩ hay mộng mơ và giàu
tưởng tượng! Khi chúng tôi hót, không phải chỉ vì ngứa cổ hát chơi và nào biết
bởi sao ca đâu. Chúng tôi biết rõ tại sao chúng tôi hót. Có chủ đích
đấy!”
Như vậy là khi cất tiếng hót, chim có chủ ý. Nếu theo dõi một con chích
chòe hay một con hoàng oanh đang hót chẳng hạn, bao giờ ta cũng thấy chúng hay
chọn những cành cây cao mà đậu. Hễ con nào càng tự tin, càng có đởm lược, thì càng thích đậu những chỗ thật cao.
Như thế tiếng hót của chúng sẽ vọng được đi xa.
Và khi cất tiếng hót, con chim trống đang làm một việc nhắm hai mục
đích: lấy le và tán các con
chim mái quanh đó, đồng thời xác định lãnh vực ngự trị của mình. Cũng chẳng khác gì chúa sơn lâm dùng
tiếng gầm của mình để thị uy với các đối thủ, đồng thời thu hút phe khác phái.
Một con chim trống có tiếng hót càng véo von, càng dũng mãnh, thì càng dễ quyến
rũ những con mái, đồng thời làm cho các con trống khác đang có mặt trong khu
vực lân cận, nếu tự nhận thấy non cơ hơn, sẽ phải
lảng xa, không dám bén mảng tới gần. Giả sử có một con trống nào chưa chịu
khuất phục, muốn thử tài, tất sẽ cất tiếng hót đối đáp lại. Cuộc tranh tài diễn
ra cho tới khi một bên phải chịu thua và bỏ đi. Đó là một cách tranh tài cao
thấp giữa những con chim trống. Con gà tức nhau tiếng gáy, thì con chim cũng vậy. Chúng dùng giọng hót
để phân định tài sức, chứ ít khi phải sử dụng tới móng cựa như mấy chú gà trống
vũ phu sống tầm thường nơi góc sân cuối vườn. Sau khi thi thố nội lực qua tiếng
hót, đấu thủ nào tự lượng sức thua kém, sẽ lặng lẽ bỏ đi. Không việc gì phải xù
lông phô cựa. Cao thượng biết chừng nào!
Về nghệ thuật chơi chim hót, người Trung hoa đã đạt đến một trình độ rất
cao. Phải gọi là một nghệ thuật, vì nó đòi hỏi nhiều dụng công và kiên nhẫn.
Người ta có thể căn cứ vào giống chim được nuôi, vào giọng hót của con chim,
vào công phu tỉ mỉ trong việc huấn luyện và chăm sóc chim, để đánh giá về nhân
sinh quan, về tính tình, tư cách và trình độ thẩm âm của người chơi chim.
Cũng có rất nhiều người Việt chơi chim đã đạt tới một trình độ thưởng
ngoạn cao. Nhưng lắm khi ‘cái khó nó bó cái không
khả năng tài chính là một yếu tố quan trọng quyết định sự chọn lựa giống chim
nuôi của khách tài tử. Vì tốn kém không ít, chưa kể công phu chăm sóc chim. Đám
thanh thiếu niên thường thích nuôi chào mào: hay hót,
dễ nuôi nhưng bình dân. Chim cu gáy là thú
chơi của các nhà phú nông, các ông lý trưởng, chánh tổng.
Bên cạnh chào mào thì chim khuyên (tức vành khuyên) được ưa chuộng bởi những người thích
một cái gì nhẹ nhàng, không ồn ào, không đồ sộ. Cũng như chào mào, chim khuyên
là loại thường thấy ở Việt Nam – dễ bẫy, dễ nuôi, không tốn kém. Chỉ cần một
miếng chuối, một cái hoa mướp hay dâm bụt, thỉnh thoảng thêm vài con châu chấu,
cũng đủ đem lại hạnh phúc cho chú chim nhỏ bé xinh xinh, để chú cất tiếng hót
thánh thót. Có hai loại chim khuyên: một loại mình nhỏ, nhiều lông xanh, tiếng
hót nhỏ nhưng thánh thót, và ưa hót; một loại mình lớn hơn, lông nhiều sắc vàng
hơn, tiếng hót lớn, nhưng không véo von bằng tiếng chim xanh.
Cao hơn một bực và cũng đắt tiền hơn một chút, là chim yến. So với các loài chim hót nuôi trong lồng, chim yến
là loài chim dễ thuần hóa nhất. Chúng sinh sản dễ dàng như ở ngoài thiên nhiên
vậy. Cho nên có một số người nuôi chim yến để kiếm lời. Yến được phân loại tùy
theo sắc lông. Ví dụ hồng yến, bạch yến, hoàng yến, thanh yến. Tiếng hót chim
yến thường thường giống nhau. Chỉ những con hót hay mới thay đổi cung bậc trong
giọng hót.
Trên chim yến có sơn ca. Sơn ca là
tiếng hót của bầu trời xanh vút, của bao la cánh đồng cỏ, của trùng điệp nhấp
nhô những rặng núi. Hãy tưởng tượng ta đang đứng giữa cảnh mênh mông của bầu
trời và đồng cỏ, bỗng nghe tiếng hót của sơn ca. Ngẩng đầu lên, cố phóng tầm
mắt về phía phát ra những âm thanh thánh thót trong veo như tiếng những tấm
phong linh bị làn gió khua động, ta bỗng nhận ra một chấm nâu nâu đen đen. Cái
chấm lớn dần cho đến khi hiện ra một chú sơn ca đang nhấp nhô đùa với gió trên
bầu trời xanh ngắt. Mọi ưu tư bỗng nhiên tiêu tan hết, thay thế bằng một cảm
giác thanh thản thoát tục. Cảm giác này khác hẳn cái cảm giác khi giữa trưa hè
nghe tiếng chim cu từng nhịp lơi vọng ra từ
lũy tre trước ngõ. Tiếng cu gáy giữa trưa hè đem lại cho người nghe cảm giác
như bị đè nặng bởi một nỗi buồn làm cho muốn nghẹt thở.
Trái lại, cũng giữa trưa hè mà nghe tiếng ríu ríu nho nhỏ của một chú
chim khuyên thì tuyệt vời. Mắc cái võng dưới một giàn thiên lý với những chùm
hoa màu lá chuối non buông thõng quanh một lồng chim khuyên nho nhỏ. Trong giấc
ngủ chập chờn, tiếng chim líu lo riu ríu bên tai, chẳng khác chi tiếng thỏ thẻ
thì thầm của một người yêu bé nhỏ ru ta vào giấc mộng. Chim khuyên không hót
lớn bằng các loài chim khác, vì vóc dáng nó nhỏ bé mảnh mai. Bởi vậy muốn
thưởng thức giọng hót của chim khuyên, phải lựa lúc thật yên tĩnh như buổi sớm
mai, hay giữa trưa hè khi mọi sinh hoạt đều lắng đọng. Nằm mơ màng trên chiếc
võng mắc dưới giàn thiên lý; mỗi lần bị làn gió lay động nhẹ nhàng, những chùm
hoa nho nhỏ phả vào khứu giác một làn hương nhẹ nhàng thoang thoảng, và nghe
tiếng chim khuyên dịu dàng thỏ thẻ tâm sự, ta tưởng như đã lạc sang một thế
giới thần tiên nào rồi. Cho nên không lấy làm lạ khi thấy những ông già người
Hoa nghiện thuốc phiện thích nuôi chim khuyên. Sau khi đốt một hai bị, nghiêng
đầu hớp một ngụm trà nóng cháy môi từ cái bình đặt bên cạnh, rồi xoay mình nằm
vắt chân chữ ngũ, đệ tử Phù Dung Tiên Nữ thả hồn lâng lâng theo khói thuốc, bên
tai thoang thoảng tiếng chim khuyên đang líu lo. Lúc đó tiên ông đang đằng
vân!
Lộng lẫy hơn nhiều, kiêu sa hơn nhiều so với vành khuyên, đó là hoàng
oanh. Nếu vành khuyên được ví như một người yêu bé nhỏ
dịu dàng giản dị thuộc tầng lớp dân dã, thì hoàng oanh là người đẹp xuất thân
từ chốn đài các thượng lưu. Tuy nhiên, có giọng vương giả hơn, chính là họa mi. So với hoàng oanh, họa mi thua về dung mạo,
nhưng giọng hót vượt trội hơn.
Người ta thấy các nữ danh ca của chúng ta thích dùng tên chim làm ca
danh. Dĩ nhiên, phải là tên những loài chim biết hót,
và hót hay. Nhưng họ cũng kén chọn lắm. Bằng chứng là không hề thấy danh ca nào
mang tên Chào Mào hay Chích Chòe, mà chỉ toàn những tên đẹp như Họa Mi, Bạch
Yến, Hoàng Oanh, Sơn Ca, Kim Tước. Hẳn là các cô muốn ngụ ý rằng giọng hát của
mình cũng du dương, ngọt ngào, véo von, thánh thót… như tiếng hót của các loài
chim quí này.
Nhưng ít người để ý biết rằng tất cả những con chim hót hay và đẹp đều
là chim trống!
Nguồn: Vĩnh Phúc, Phiếm 2006, Nxb Tam
Vĩnh, London, 2006
304Đen – llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment