Thursday, December 31, 2015

Ngày Về Quê - Hoàng Hải Thủy


Ngày về Quê!


   
 
 
Từ 10 năm nay sống cô liêu trong một nhà dành cho Người Cao Tuổi Thu Nhập Thấp – Old Seniors Low Income – mỗi ngày tôi mở computer ba lần.
    Lần Một: 9 giờ sáng đến 11.30 trưa. Tắt máy. Ăn cơm. Nằm đọc tờ The Washington Post. Ngủ trưa hay nằm lơ mơ đến 2.30.
    Lần Hai: 3 giờ trưa đến 5 giờ chiều. Tắt máy. Đi bộ một giờ trong Rừng Phong, hay vào Exercise Room ngay trong nhà, đi trên treadmill 30 phút, tập tay với cặp tạ 5 ký, với máy kéo tay hiện đại. Về phòng – 6 giờ – tắm, 7 giờ ăn cơm.
    Lần Ba: mở computer lúc 9 giờ tối, mầy mò, moi móc đến 11.00. Tắt máy. Nằm đọc sách. Ngủ.
    Chẳng phải một mình tội nghiện computer. Ngày 3 cữ. Nhiều người già ở Kỳ Hoa, ở Việt Nam, nghiện computer như tôi. Tôi Tám Bó Tuổi Đời, 10 năm nay không uống rượu, dù là Vang, Laze, quanh quẩn vanh-cát suya vanh-cát – 24/24 – trong nhà. 10 năm nay tôi không xỏ tay vào áo veston, không thắt cravate, chuyên đi giầy không bí-tất, không đi gặp anh em, không đi ăn nhậu, đấu hót. Tôi có lý do là tôi ở nhà săn sóc vợ tôi.
Năm năm trước vợ tôi bị té, may chỉ bị rập xương, không nứt xương. Trong thời gian nàng nằm liệt, tôi ngày đêm xin:
“Xin Mẹ cho vợ con sống với con năm năm nữa.”
Đến hôm nay Đức Mẹ Maria đã cho tôi được sống với vợ tôi năm năm.
Vợ tôi đi lại được nhưng đi khó, rất yếu, rất dễ té ngã.
    Nhắc lại: Từ năm năm nay tôi quanh quẩn trong nhà suốt ngày đêm. Tôi bỏ anh em nên anh em tôi bỏ tôi. Biết tôi không đi, không đến, anh em tôi không mời gọi tôi nữa.
Không có computer, tôi làm gì cho hết ngày. Cũng may cho tôi, tôi có computer. Và tôi thích Viết. Tôi thích Viết Truyện từ năm tôi mười tuổi.
Nhiều lần tôi viết:
“Với tôi, Viết là Hạnh Phúc.
“Tôi Sống để Viết. Tôi Viết để Sống.”
Thợ Viết được Viết bằng computer là một Sướng Khoái Tuyệt Đỉnh. Cái Sướng Khoái ông Tầu Kim Thánh Thán không được hưởng. Viết bằng computer người viết tha hồ sửa bài. Bài viết được sửa, xóa, viết thêm mà không lem nhem, không vết sủa. Computer giúp tôi viết bài, gửi bài đi, giữ bài, tìm tài liệu, tìm ảnh, làm photoshop, tức ghép ảnh, làm ảnh dzởm, học, giải trí…
    Tôi thích làm photoshop. Có khi mê mải làm một ảnh trong cả giờ đồng hồ. Làm để chơi, làm vì thích làm, làm ảnh ghép mà không dùng đăng theo bài viết.
Bài viết xong nhấn Sent là trong một nháy mắt, trong nửa sát-na, bài tới tòa báo. Người bạn chủ báo chỉ cần lấy bài – download – và đăng lên báo. I-Meo gửi bạn cũng thế. Ngồi ở Kỳ Hoa, viết I-Meo, nhấn Sent, là ngay khi đó thư về đến Sài Gòn.
    Gọn, nhanh, sạch. Bài viết không nhem nhếch, không rập xóa, không có lỗi sai chữ – xưa gọi là phốt ti-pô, lỗi của anh em sắp chữ nhà in. Viết bằng computer nếu bài có lỗi chính tả, đó là lỗi của người viết.
    Chơi I-Meo còn vui nữa. Như tôi hiện nay ngày nào cũng I-Meo qua lại với Văn Quang ở Sài Gòn, với ông Nhà Văn Tạ Quang Khôi, ông này tuổi đời còn Bốn Que là đầy Chín Bó. Ông vượt biên sang Kỳ Hoa từ năm 1980. Bà vợ ông qua đời đã lâu. Hiện ông sống cu ky trong cùng một Nhà Già với tôi. Phòng ông ở Lầu 3, phong tôi ở Lầu 2. Tuy ở cùng nhà chúng tôi ít gặp nhau, nhưng ngày nào chúng tôi cũng I-Meo cho nhau hai, ba lần. Toàn chuyện rỡn chơi, chọc ghẹo nhau cho đỡ buồn, cho có việc làm.
Và ai nghiện computer cũng vậy, buổi sáng mở computer, việc đầu tiên là check mail, xem trong đêm qua mình có những điện thư nào gửi đến. Đêm, trước khi tắt computer, check mail lần cuối.
    Cũng may cho tôi là tôi có Người Đàn Bà cùng sống với tôi nơi Đất Trích. Nàng đã sống với tôi 60 mùa thu vàng ấm. Từ Tháng Bẩy 1954. Năm chúng tôi hai mươi, chúng tôi gặp nhau. Chúng tôi đã sống với nhau 40 năm trong thành phố thương yêu Sài Gòn, 20 năm ở Kỳ Hoa Đất Trích.
Không khác gì những cặp vợ chồng già, nàng và tôi đôi khi ủng oẳng với nhau. Từ hai năm nay, tai tôi lãng. Chưa Điếc, chỉ Lãng Tai. Tên gọi khác là Nặng Tai. Ai già cũng thế thôi. Nhiều khi tôi nghe tiếng Nàng nói mà không nghe rõ Nàng nói gì.
Tôi hỏi lại:
“Em nói gì?”
Nàng bực;
“Nói không chịu nghe. Cứ bắt người ta nhắc lại.”
Khi nghe tôi than vợ chồng tôi thường ủng oẳng, như lúc 10, 11 giờ đêm, căn phòng trong Nhà Già tối thui, chỉ có đèn sáng trên bàn viết của tôi, vợ tôi trong phòng ngủ đi ra, nàng bóc gói bánh. Không lẽ không hỏi gì vợ, tôi hỏi nàng:
“Em mở gói bánh mới đấy à? Gói cũ hết rồi ư?” Thay vì chỉ thốt lên tiếng “Ừ.” Nàng nói:
“Thấy người ta mở đây. Còn hỏi.”
Tôi kể chuyện đó qua phone với Thái Thủy – Thái Thủy ở Cali – Thái Thủy nói:
“Sẽ có ngày mày muốn ủng oẳng với bà ấy mà mày không còn bà ấy ở đó cho mày ủng oẳng.”
Hoàng Song Liêm nói:
“Vợ chồng già nào mà chẳng thế.”
Thái Thủy, Hoàng Anh Tuấn, Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh, Hồ Văn Đồng, Như Phong Lê Văn Tiến, Thanh Tâm Tuyền …, những văn nghệ sĩ sau những năm tù đầy ở quê hương, đã đến Kỳ Hoa và đã chết ở Kỳ Hoa. 

    Tìm quên trên Net, tôi thấy Lời Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất của Nguyễn Đình Toàn.
Những năm 1970 ngôn ngữ người Sài Gòn có tiếng“Về quê” gọi thay cho tiếng Chết. “Ông ấy về quê dzồi.” Nghe nhẹ hơn, đỡ buồn hơn “Ông ấy chết dzồi.”
Tiếng “Về quê” ở trong Lời Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất.
Tiếng “Về quê” từ trong lời bản Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất đến trong ngôn ngữ người Sài Gòn. 


TÌNH KHÚC THỨ NHẤT
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù Trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm Tình Yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế.

*
Ngày về quê xa lắc lê thê….
   


    Tôi không nhớ tôi gặp Nguyễn Đình Toàn lần thứ nhất ở đâu, bao giờ. Chỉ nhớ là tôi biết Toàn khoảng năm 1960. Biết nhau là mày tao ngay.
Vào những ngày cuối năm 1975, đầu năm 1976, Sài Gòn có phong trào nuôi thỏ. Vì không có việc gì làm, người ta bầy ra trò nuôi thỏ cho qua thì giờ. Một hôm – cũng không có việc gì làm – buồn quá tôi đạp xe sang Làng Báo Chí.
Nguyễn Đình Toàn bận bộ quần áo nâu, đội nón lá, cắt cỏ trong bãi cỏ đầu làng. Toàn cắt cỏ đem về nuôi thỏ.
Ghé xe gặp bạn ngay bên đường, Toàn nói:
“Mày xem. Cả năm nay tao không được ăn miếng thịt bò, mà tao cắt cỏ bị liềm xén vào tay, mất cả nửa lít máu. Còn gì là tao nữa.”
Phong trào Nuôi Thỏ ở Sài Gòn sống bệu nhệch được năm, sáu tháng là chết ngỏm.
    Tháng Bẩy 1976 Toàn và tôi đi dự cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị cho Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn, khóa học do bọn ở cái gọi là Hội Văn Nghệ Sĩ Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Nhà Toàn ở Làng Báo Chí. Buổi trưa Toàn không thể đạp xe về nhà ăn cơm, ăn xong lại đạp xe đến lớp, tôi rủ Toàn:
“Trưa về nhà mẹ tao ăn cơm với tao.”
Nhà tôi ở trong Cư Xá Tự Do, giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền. Nhà mẹ tôi ở đường Trần Quốc Toản, từ nơi học ở trong vi-la nơi Ngã Tư Trương Minh Giảng – Tú Xương tôi về nhà mẹ tôi gần hơn.
Có buổi trưa ngồi chờ giờ trở lại lớp, Toàn cầm cây đàn của con tôi, nhẹ tay đàn, hát nhẹ đôi câu, mẹ tôi nói;
“Nhạc của ông buồn quá.”
Toàn nói với tôi:
“Tao là thằng nhạc sĩ lỡ.”
Cùng dự Khóa Bồi Dưỡng với chúng tôi có Cao Nguyên Lang. Cao ký giả cũng có nhà trong Làng Báo Chí.
Toàn bảo tôi:
“Mày gọi nó là Cao Khoai Lang.. Cái tên hay đấy..”
    Toàn kể chuyện:
Trong Làng Báo Chí có phòng họp. Trên tường phòng họp này có trưng ảnh Bác Hồ. Bọn nhóc trong làng bôi cứt lên miệng Bác Hồ. Cả tháng sau dân làng mới thấy. Cứt trên mồm Bác Hồ đã khô nhưng vẫn còn đấy. Tất nhiên là dân làng vội hạ ảnh Bác xuống.
May mà thằng công an khu vực chưa kịp biết.
Cùng thời gian ấy, khoảng năm 1977, 1978, vì đói, một số em trai trong Làng lén gỡ tôn trên mái những căn nhà không người ở trong làng, gỡ đem đi bán. Trong số những em này có con của Cao Nguyên Lang.
Bị dân làng dọa:
“Ông không ngăn con ông gỡ trộm tôn, chúng tôi sẽ cho công an khu vực biết.” Cao Nguyên Lang nói:
“Mấy ông, mấy bà cứ cho công an biết con tôi gỡ trộm tôn đi, tôi sẽ cho công an biết con mấy ông, mấy bà bôi cứt lên mồm Bác Hồ.”
Đấy là chuyện Nguyễn Đình Toàn kể, tôi nghe. 

    Đời có câu: “Văn mình, Vợ người.”
Tôi nghĩ người ta không quí thơ văn của mình vì cho là Thơ Văn mình Hay mà quý là vì người ta khổ tâm khi làm những Thơ Văn ấy.
Nhân viết về Thơ Nguyễn Đình Toàn, mời quí vị đọc vài bài Thơ của tôi:

Quân lịch Kỳ Hoa, quân bất cải.
Ngã du Mỹ Quốc, ngã do liên.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Giai nhân, cùng sĩ đối sầu miên.

*
Kỳ Hoa Em vẫn là Em,
Anh sang Mỹ Quốc, đêm đêm Anh buồn.
Một đi hoàng hạc đi luôn,
Giai nhân, cùng sĩ, đối buồn nằm mơ!

*
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại,
Thủy đáo nhân gian định bất hồi.
Hoa chờ, nước chẳng về trời,
Ngàn năm mây trắng ngời ngời áo bay.
Còn nhau chẳng giữ cho hay,
Mất nhau lại tiếc những ngày có nhau.
Mắt Em ngưng ánh lệ sầu,
Về nhà chồng hỏi — Qua cầu gió cay.

*
Câu Tiễn ngồi trên ngai vàng,
Có bao giờ nhớ đến Nàng, Tây Thi.
Sang Ngô mờ vết xe đi,
Cô Tô Đài có còn gì nữa đâu.
Đêm tha hương, giấc ngủ sầu.
Trong mơ xanh biếc một mầu Tây Thi!

*
Trên ghế cà phê vỉa hè, nghe tiếng hát Lệ Thu từ casset:
Em buồn Em bỏ đi đâu
Sao Em để tiếng Em sầu ở đây!
Thu vàng, hạc lánh về Tây
Lệ rơi từng tiếng Thu này, Em ơi.
Từ Em góc biển, chân trời
Em cón Tiếng Hát Yêu Người không Em?

*
Kiếp nay đã giở giang nhau,
Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.
Kiếp này đã chẳng Em Anh,
Làm sao kiếp khác chúng mình thành đôi.
Kiếp này biết kiếp này thôi.
Hẹn làm chi để bồi hồi kiếp sau!
Kiếp nay đã chẳng cùng nhau,
Hẹn làm chi để kiếp sau bồi hồi.

*
Cuộc sống, dòng đời trôi chẩy mãi,
Ba mươi năm lẻ, một lòng đau.
Mất nhau từ cuộc thương tang ấy,
Anh vẫn buồn, anh vẫn nhớ nhau.
Độc tại Kỳ Hoa vi nạn khách,
Mỗi phùng Nguyên Đán bội thương sầu.
Anh ở Kỳ Hoa, làm khách nạn,
Mỗi năm Tết đến lại thương sầu.
Thương về đâu, nhớ về đâu?
Hà Đông Công Tử bạc đầu Rừng Phong.


 CTHĐ, Rừng Phong. Ngày 8 Tháng 8, 2015.

Ngày về quê xa lắc lê thê..
Thi sĩ ơi… Ông viết câu Thơ trên năm 1970. Năm ấy, năm 1970, ông Bốn Mươi tuổi, ông thấy ngày ông Về Quê xa lắc xa lơ. Đúng thôi.
Năm nay 2015 – 45 mùa thu vàng ấm đã qua đời ông, đời tôi, tôi chắc ông thấy rõ hơn ai hết là:
“Ngày Về Quê..” của ông, của tôi, không còn xa lắc nữa…
Chỉ có chuyện chúng ta chưa biết là ông sẽ về quê trước tôi, hay tôi sẽ về quê trước ông.
“Về quê” và “đi tầu suốt” đồng nghĩa. 


Tôi có Thơ:
Đi trước, đi sau
Chưa biết thằng náo trước thằng nào.
Thằng nào đi trước, thằng nào sau.
Không thằng nào nói: “Tao đi trước.”
Không thằng nào nói: “Tao đi sau.”
Đi sau, đi trước cùng đi cả
Thằng thì đi trước, thằng đi sau.
Thằng đi sau lậy thằng đi trước.
Thằng đi trước kệ thằng đi sau.
Đi sau, đi trước cùng đi cả
Théc méc làm chi chuyện trước sau.



Hoàng Hải Thủy
304Đen - Llttm

Vải Bao Cát - Cao Xuân Huy


Vải Bao Cát

 
 


    Toàn mơ màng, suy nghĩ. Đã nhiều lần anh chàng tự nhủ, ừ, tại sao lại không, tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ. Nghĩ thế, Toàn cứ một mình tiếp tục ung dung suy nghĩ, đố đứa nào báo cáo, chúng mày có giỏi thì kiểm thảo xem. Nghĩ, miên man hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện giày cao gót, chuyện giày saut, chuyện dép râu, rồi thì chuyện củ sắn củ khoai… Kể cả chuyện một mai anh trở về dang dở đời em…
Ấy thế mà, cái phần gia tài duy nhất ấy rồi cũng cạn dần theo năm tháng. Toàn bây giờ như phiến đá, như cây rừng. Thôi ngủ yên đi con, ngủ cho qua cơn mộng dữ này. Đừng vui, đừng buồn, đừng hy vọng thì lấy gì mà tuyệt vọng.
“Toàn, mày tiếc bữa ăn sáng phải không?”
Lại cái thằng Phương lý tài, Toàn dấm dẳn:
“Tiếc cái con củ cải tao ấy, càng đỡ phải nhịn đi cầu.”
“Không tiếc thì tại sao lại cứ thừ người ra như vậy?”
“Thừ với thiếc cái mẹ gì. Có bốn cái khoái trên đời…”
“Áp-phe thì phải vậy chứ. Muốn được cái nọ thì phải bỏ cái kia. Bỏ cái khoái thứ nhất đổi lấy cái thứ ba, lời thêm được cái thứ tư, cái đỡ phải nhịn… còn than gì nữa?”
“Cái khoản thứ ba ấy à, cái khoản này, mẹ, ’nhìn’ còn không có, có chi ‘chi’. Tao với cái khoản ấy đã ly tán từ cơn gió bụi này rồi.”
“’Ly tán’? Sắp ‘tha hương ngộ cố tri’ chứ.”
“Ừ thì ‘ngộ cố tri’.”
Không muốn nói chuyện thêm với Phương, Toàn quay đi. Nhưng cái vụ “ngộ cố tri” cứ lẩn quẩn trong đầu.
Đã bao năm rồi không thấy nó,
Mà ta vẫn sống, có lạ không?
Toàn lắc đầu, vậy mà cũng đòi làm thơ, lạ mẹ gì, thi sĩ mà không có óc tưởng tượng, hoặc kiếm được gì gợi hứng cho sự tưởng tượng, anh mới than thân như vậy. Chứ còn như ta đây:
Ta “sờ râu” ta cho đỡ nhớ
Không thanh tâm tuyền,
Không Thanh Tâm Tuyền!
Toàn bật cười, vừa ngâm nga một cách thú vị, vừa đưa tay xoa xoa, sờ sờ cái cằm lởm chởm râu. Bộ râu chẳng phải vật “tư hữu” của Toàn là gì. Vậy mà, có mỗi bộ râu để “sờ”, anh chàng cũng phải để một cách lén lút. Mà râu thì ở ngay trên mặt, ở ngay trên cằm chứ có kín đáo gì cho cam, để lén thế quái nào được, làm sao mà để “chui” cho được, hơi lởm chởm thế này cũng đã là một kỳ công rồi. Thành thử ra…
Ta sờ râu ta cho đỡ nhớ…
Râu thì cũng lại đành là, có đủ đâu để mà sờ, nhưng chút nữa đây, một chút nữa thôi, cái “cố tri”, cái mà Toàn phải sờ râu “cho đỡ nhớ” sẽ hiện ra, ngay trước mặt, bằng “xương”, bằng thịt.
Mắt Toàn sáng lên khi thấy toán tải thương thấp thoáng ngoài cổng trạm xá. Ta đợi em từ ba mươi năm. Cuối cùng thì Toàn cũng sẽ được nhìn, có thể còn được cả chạm tay vào cái “em”, cái mà lâu nay anh chàng chỉ được nhìn ngắm, chiêm nghiệm qua trí nhớ, mà mấy năm nay anh chàng chỉ được sờ, được mân mó qua chính cái… cằm của mình. “Cái ấy” đang đến gần, đang tình cờ đến gần và lọt thỏm vào tầm tay Toàn.
Toàn đã phải năn nỉ, ỉ ôi, đã phải nộp nguyên phần ăn sáng ngày hôm sau cho cái thằng Phương nhất định giành “công tác” cầm đèn với mình. Đói thì đã đói rồi, nhịn thêm một bữa ăn sáng cũng vẫn là đói, chứ có thằng Tây nào chết đâu. Nhịn phần ăn sáng để đổi lấy việc cầm đèn.
Cầm đèn!
Ừ, cầm đèn.
Chỉ cần nghĩ đến cảnh một chút nữa đây, tay trái cầm đèn soi thật rõ để tay phải lần cởi cái cúc áo, nhẹ nhàng cởi cái dải rút… Trời ơi, Phương ơi, dù có phải nộp mười phần ăn sáng cho mày tao cũng ừ, chứ đừng nói là có mỗi một phần. Thiên hạ cứ hay nói “ăn cái dải gì” một cách ngon lành, mà chắc gì đã hiểu được cái giá trị “kinh tế vĩ đại” này. Thế hóa ra cái “dải rút”, trong một vài trường hợp cũng “ăn” được đấy chứ, Phương nhỉ.
Toán tải thương dùng võng cáng vào phòng mổ một người con gái bị trúng mảnh đạn M-79 khi cô nàng đang cuốc đất. Nhìn con mồi mơn mởn nằm trên võng, mắt nhắm nghiền, mặt tái xanh, Toàn mỉm cười. Qua kinh nghiệm, rõ ràng là cô nàng thiếp đi vì sợ, chứ vết thương tuy nhiều, máu ra cũng khá, nhưng, ối giào, một loại kiến cắn, cao lắm cũng chỉ ngang với gà mổ là cùng, đâu nguy hiểm đến nỗi mà phải ngất đi như thế kia.
Bác sĩ Thông, buông dao đang băm dây lang nấu cháo heo xuống, rửa vội tay trong thau nước, quẹt quẹt hai tay vào hai bên hông, rồi chạy thẳng vào phòng mổ. Thiên chức thầy thuốc khiến bác sĩ Thông nhà ta đành phải buông dao nuôi heo chuyển sang cầm dao cứu người.
Phòng mổ, một gian nhà tranh, vách trét đất, bên trong kê một cái bàn bằng gỗ tạp để dao kéo.
Giường mổ, một cái chõng tre, có giăng mùng để che ruồi.
Toàn mặt mũi hớn hở đứng sẵn trong mùng, tay cầm đèn quơ qua quơ lại trên thân thể cô gái lúc đó vẫn chưa tỉnh, miệng không ngớt réo Phương đang ngồi hì hục quay máy phát điện bên ngoài:
“Mạnh tay lên chút coi. Đèn mờ quá.”
“Mờ cái gì? Có câm mồm đi không?”
“Mẹ kiếp, một bữa ăn sáng, nhớ nghe con.”
Bác sĩ Thông cười cười:
“Cũng mua bán được à?”
“Mua chứ! Ba bốn năm nay mới có một thuở mà, ông ơi. Vợ con thì đã chẳng…”
“Còn thằng Phương?”
“Nó dân địa phương ông ơi, vợ nó ở ngay đây, lâu lâu vẫn ‘mang’ vào cho nó. Ít nhất thì dù lén lút, ‘xuân thu’ nó cũng còn được ‘nhị kỳ’.”
“Thôi đủ rồi cha nội, làm việc đi. Mà cởi từ từ thôi nghe. Chỗ mấy vết thương, nhẹ tay nghe cha.”
“Yên tâm đi bác sĩ. Chỗ nào cũng nhẹ tay hết. Mọi chỗ, mọi chỗ đều nhẹ tay, nhẹ tay…”
Dù hai hàm răng đang trong thời kỳ giống như miền Nam vào những ngày cuối tháng Tư, Toàn vẫn dùng răng ngậm đèn để rảnh tay cởi quần áo cô gái. Cố gắng dùng thật ít ngón tay để cởi cúc áo, mấy ngón còn lại Toàn cố tình vi phạm hiệp định, lấn đất giành… da!
Người con gái vẫn nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền.
Bác sĩ Thông nhìn Toàn, khó chịu, hơi gắt:
“Nhanh tay lên! Cái ngữ anh, chỉ cần làm y tá một buổi là tôi tống cổ ra tác chiến rồi.”
Hai hàm răng Toàn vẫn cắn lấy cái đèn:
“Thế ông mới là bác sĩ. Chứ tôi có phải là bác sĩ đâu mà ông không cho tôi động lòng… lương y như từ mẫu.”
Toàn vừa banh áo cô gái ra, vừa lẩm bẩm một mình:
“Cha mẹ ơi, gái quê, suốt ngày ngoài nắng mà sao da thịt trắng đến thế này!”
“Ông đang ‘khấn tiên sư’ gì đấy?”
“’Con khô mực’ này đâu có banh ra được, phải cởi ra chứ?”
“Làm lẹ đi cha nội!”
“Ông cầm hộ tôi cái đèn.”
Toàn vòng hai tay ra sau lưng cô gái, mũi dí sát vào một bên cổ cô nàng hít hít. Mùi khét nắng từ tóc, mùi hơi thở từ miệng, mùi da thịt giống cái từ dưới vành tai thốc thẳng vào mũi Toàn. Mê mẩn, lúc này, mùi gì từ trong thân thể cô gái toát ra mà chẳng làm anh chàng mê mẩn. Không biết vì lâu ngày không “nhớ chỗ” hay vì cố tình lính quýnh, mà anh chàng cứ như thằng hậu đậu, loay hoay mãi mới tháo được cái móc.
Ôi chao trắng quá nhìn không “da”.
Toàn liếm môi, Bộ ngực bi thương “co… ó…” rợn tình. Hai cái núm như hai “nốt ruồi son” đỏ hồng, con gái nguyên si? “Vú em chum chủm chũm cau; Cho anh bóp tí, nhỡ đau anh đền”. Trời ơi. Thế này thì có chết người ta không cơ chứ. Chết chứ, chết thật chứ chẳng chơi. Đền, nhất định là anh đền, dù đền bằng gì anh cũng vẫn cứ đền. Vẫn là cứ đền…
Những vết thương loang máu trên bụng, trên ngực làm cho nước da càng như trắng thêm. Da trắng thế này mà bì bạch thì phải biết! Anh chàng ngẩn ra, bị hai “nốt ruồi son” thôi miên mất rồi.
“Cởi nốt cái quần, rồi xê ra cho tôi làm việc.”
Tiếng bác sĩ Thông khiến Toàn chợt tỉnh. Bây giờ mới bắt đầu vào cao điểm của “chiến dịch tiến chiếm mục tiêu”.
“Cố tri” ơi, ta sắp “ngộ” nhau rồi!
Hai mắt Toàn hau háu.
Hai tay Toàn lính quýnh.
Toàn từ từ kéo quần cô gái xuống.
Hồi hộp.
Đợi chờ.
Trời ơi, bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày; Hôm nay tao mới gặp mày, “cố tri” ơi. Không còn phải tưởng tượng nữa, không còn phải sờ râu nữa. Tao sẽ nhìn mày tận mắt, tao sẽ bắt mày tận tay, tao sẽ day mày tận…
Toàn háo hức đắm chìm theo những tưởng tượng…
Bất chợt, hai mắt đang hau háu chợt dịu lại.
Lúng túng.
Hai tay đang tụt quần cô gái chợt khựng lại.
Ngập ngừng.
“Làm gì mà đứng nghệt ra vậy?”
Toàn như không nghe tiếng bác sĩ Thông, vẫn đứng trơ ra, mắt như dán vào mảnh vải che phần dưới thân thể cô gái.
Đờ đẫn.
Thẫn thờ.
Mắt Toàn như dại đi.
Trong đầu, chập cToàn những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn, xác dân. Bữa ăn vội vã bên bìa rừng, một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa, bát cơm biến thành bát máu. Đôi dép râu với cặp chân xanh mét vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu một người dân, người thiếu nữ chết banh thây trên nóc một hầm trú ẩn, thịt da dính bầy nhầy trên những bao cát, óc trắng, tóc đen hòa với máu đỏ trộn lẫn với đất từ những bao cát… Cái chết bi thảm, cái hình ảnh tang thương của người thiếu nữ xuân thì ấy đã in đậm trong tâm trí Toàn, trở thành nỗi ám ảnh triền miên.
Và, bao cát, phương tiện thô sơ tận cùng, có mặt khắp mọi ngõ ngách của chiến tranh, bảo vệ người sống, chôn vùi người chết, đẫm máu người banh thây, mà lại còn có mặt như thế này sao? Phải thôi chứ, phải hết rồi chứ. Bao cát, sao lại bao cát, chiến tranh đã hết rồi mà, đã hết lâu rồi mà.
Chém giết đâu còn nữa mà trong đầu Toàn chập cToàn những hình ảnh cố quên. Đạn bom đâu còn nữa, mà trong tai Toàn vang dội những âm thanh đã cũ. Chỉ vì miếng vải thô nhám này sao?
Toàn dụi mắt, quẹt mồ hôi trán, cố trấn tĩnh nhìn lại thêm một lần nữa miếng vải duy nhất còn lại trên thân thể cô gái. Và bỗng dưng, thấy tràn ngập trong lòng một niềm cảm động, xót thương.
Bằng tất cả gượng nhẹ, với tất cả ân cần, Toàn cúi xuống gỡ nốt phần vải thô nhám loang những vết máu khô. Chàng lẩm bẩm nói với cô, như thầm nói với người thiếu nữ thịt da bầy nhầy dính vào những bao cát trên nóc hầm trú ẩn ngày nào:
“Khốn khổ cho cô, và cũng khốn khổ cả cho tôi, đã đành. Khốn khổ cho đất nước tang thương này. Nhưng chiến tranh đã qua rồi, chiến tranh đã qua lâu rồi mà, mọi chuyện rồi sẽ phải qua đi. Yên tâm đi cô bé, vết thương cô sẽ lành. Mọi vết thương đều sẽ phải lành. Ngủ yên đi cô. Thôi nhé, hãy ngủ yên và đừng sợ hãi. Sẽ không có ai làm gì cô đâu.
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm gì nữa. Không dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Và, như những phụ nữ may mắn được sống trong những nước không bị tan nát bởi chiến tranh như đất nước chúng ta, cô sẽ có lụa là mềm mại để mặc lên thân mình con gái, chứ không còn phải dùng bao cát để làm vải che thân nữa!
Chiến tranh đã hết rồi mà…”
Người viết xin mạn phép mượn thơ của các thi nhạc sĩ Linh Phương, Trịnh Công Sơn, Thị Lộ, Nguyễn Bính, Tuấn Huy, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Bút Tre, Hàn Mặc Tử, Đinh Toàn, Đoàn Thị Điểm.

 
Cao Xuân Huy

304Đen - Llttm

Liên Khúc Thơ Tình Ngỡ Còn Đây - Công chúa nhỏ & vkp Đạm Phương


LIÊN KHÚC THƠ TÌNH NGỠ CÒN ĐÂY

 1-Như Đang Khóc 
 
 


 
 
 
 
 
Tôi bỡ ngỡ bước chân vào đại học
Gặp được anh trong một buổi giao lưu

Ba ngôi sao đỏ  trên áo blouse
Làm chói mắt sinh viên”tò te mới”

*

Giờ giải lao nhiều “bệnh nhân” xin khám
Vờ đặt ống nghe, anh bảo “loạn  tim”

Tôi ngượng ngùng chỉ biết đứng lặng im
Để nhìn anh vui đùa cùng các bạn

*

Qua buổi họp ai trở về trường nấy
Thật bất ngờ… Tôi nhận được thư anh

Chữ nắn nót với lời lẽ chân thành
Nếu không chê… anh xin làm cố vấn

*

Tôi chẳng nỡ phụ lòng “người đi trước
Nhận tình anh trao… Liều thuốc tuyệt vời

Nhưng  ngăn cách vì quan niệm lỗi thời
Không thể yêu… khi chưa tròn sự nghiệp

*

Hai năm sau, gặp anh trong bệnh viện
Tay trong tay cùng cô bạn đồng môn

Tôi thẫn thờ… cúi mặt… vờ không quen
Nhưng sao mắt cay xè ? Như đang khóc

Công Chúa Nhỏ

 

2- XIN LỖI ANH

 

 Xin lỗi Anh…vì đã làm thương tổn

Tình cảm chân thành mà Anh đã trao

Bởi tim tôi đã rỉ máu từ lâu

Nên đã mượn tim Anh làm chỗ dựa

*

Anh làm lành một trái tim tan vỡ

Khi nhận mình là một Kẻ đến sau

Tô điểm đời tôi bằng sự thanh cao

Bằng máu đỏ của con tim nồng ấm

*

Từ đó đời tôi tô màu hồng thắm

Nhờ có Anh luôn chỉ dạy lo toan

Nhưng với Anh... tôi là Em gái ngoan

Chứ không thể là người tình trong mộng

*

Trăm vạn lần, xin nói lời tạ tội !

 

Công chúa nhỏ

 

3- NGƯỜI LÀ AI  

 
RỪNG  cây  xào  xạc 

GIÓ  trãi  nhạc  du  dương

Tiếng  đàn  hòa  tiếng  hát
Réo  rắc  khúc  tình  trường…

 

SÔNG  sâu  dìm  mắt  biếc
  lụt  cuốn  thân  côi

Để  AI  phài  nổi  trôi
Về  một  nơi vô  định...

 

THỦY TRIỀU  dâng  lên  cao
NƯỚC  tràn  ngập  boong  tàu

Người  đi  từ  dạo  ấy
Biết  đến  phương  trời  nào?

 

RỪNG  bao  lần  thay 
Người  xưa  cũng  đổi  thay

May  ra nếu  gặp  lại
Chắc  chẳng  nhận  ra  AI ?

                       

Chỉ    AI  mới  hiểu
NGƯỜI    AI ???

 
Vkp công chúa nhỏ

 

4- ƯỚC HẸN MÙA HÈ                                  

Nhớ về thi sĩ Nhất Tuấn
















                       
Hơn ba mươi năm đã tàn cuộc chiến
Cũng qua rồi thời gánh chịu đọa đày

Người ở đâu trên thế gian nầy
Đất nước mình hay làm thân lữ thứ?

*

Dù xa xứ hay ở nơi bản xứ
Cũng mong người luôn nhớ đến quê hương

Chốn xưa cũ, vùng nắng cháy TÂY NINH
Quay bước về, khi tâm tư thổn thức…

*

Người đã đi qua bốn vùng chiến thuật
THÁNH ĐỊA TÂY NINH, ĐẤT ẤM TÌNH NỒNG

Chan chứa nghĩa tình như nước BIỂN ĐÔNG
Bảo táp phong ba, quyết không dời đổi!

*

Đường trở về có muôn ngàn vạn lối
Cớ sao người vẫn biền biệt phương nao?

Quên trường xưa, quên bạn cũ thuở nào?
Quên ƯỚC HẸN MÙA HÈ cùng nhặt PHƯỢNG…

Saigon  1/6/2013

Vkpđp

 5--NGƯỜI ẤY ĐÂU RỒI
 
Cứ nghe bản nhạc tình buồn:
“ Đêm sương vọng gác” lại tuôn lệ sầu !
Biết giờ Người ở nơi đâu ?
Đã tàn cuộc chiến, sao lâu không về ???
Xưa dù không có ước thề…
Cũng không hề gặp, vẫn tê tái lòng
Người em gái luôn chờ mong:
Một ngày se sợi chỉ hồng nên duyên…
Bao năm chiến cuộc triền miên
Nửa vầng trăng cũ vẫn xuyên qua mành
Mãi mãi chôn chặt tuổi xanh
Chờ người trở lại trăng thanh lấp đầy
Tay trong tay phút sum vầy…
Nghe như hạnh phúc tràn đầy lối xưa…
Gió đưa nhè nhẹ song thưa…
Nửa vầng trăng lặn mây mưa kéo về
Năm canh thổn thức ủ ê…
Một thời mộng ảo đam mê qua rồi!
Dù cho vật đổi sao dời
Trăm năm vẫn mãi mơ đầy vầng trăng…
Nhìn cảnh vật, dạ bâng khuâng
Nón xưa còn đó, người thân đâu rồi?

VKP Đạm Phương




 

 

                             

 

 

 

Tuesday, December 29, 2015

Những Giòng Thơ Bất Hủ Của Langston Hughes - Nguyễn Cang (phỏng dịch)



 
HỮNG DÒNG THƠ BẤT HỦ CỦA "LANGSTON HUGHES"

 
Phỏng dịch thơ: Nguyễn Cang

 Tóm tắt tiểu sử Langston Hughes (1/2/1902-22/5/1967):

     Ông là người Mỹ da đen gốc Phi Châu, sinh tại Joplin, Missouri, Mỹ. Ông  có chân trong Phong trào Văn học nghệ thuật của người Mỹ gốc Phi Châu của thập niên 1920, mệnh danh là Phong trào Phục Hưng Harlem (Harlem Renaissance), trong đó ông là cây bút trụ cột. Thiên tài thơ văn Langston Hughes thuở nhỏ sống tại khu Harlem, là một khu phối xập xệ, bẩn thỉu, nghèo nàn ở New York. Qua thi ca, tiểu thuyết, kịch, sách thiếu nhi , ông đã nói lên tiếng nói tranh đấu cho cho bình đẳng xã hội, chỉ trích sự kỳ thị người da đen, và những bất công xã hội thời bấy giờ. Ông yêu nhạc Blues và Jazz, vì thể loại nầy thích hợp với tình cảm, cá tính của người da đen. Âm thanh những bản nhạc nầy ảnh hưởng đến Hughes nên ông có cảm hứng để sáng tác bản trường thi "Montagne of a dream deferred" mô tả cuộc sống gian nan, cực khổ của người dân da đen gốc Phi Châu ở những vùng ngoại ô thành phố. Lời thơ nói lên tâm tư và khát vọng của người da đen.
 
Xin trích ba bài thơ, trong nhiều bài hay khác của tác giả để bạn đọc thưởng thức nguyên bản:

   
Bài 1: DREAMS

 
Hold fast to dreams
For if dreams die
Life is a broken winged bird
That cannot fly

Hold fast to dreams
For when dreams go
Life is a barren field
Frozen with snow
(Langston Hughes)
     


 ƯỚC MƠ
Ước mơ xin nắm chặt

Nếu để nó tàn phai

Đời như chim gãy cánh
Mong gì cất cánh bay

Ước mơ xin nắm chặt
Một khi nó bỏ đi
Đời như cánh đồng cỗi

Băng tuyết lạnh tư bề.

 Nguyễn Cang

Bài 2: DREAM DEFERRED *

 
What happens to a dream deferred?
Does it dry up
Like a raisin in the sun?
Or fester like a sore--
And then run?

Does it stink like rotten meat?
Or crust and sugar over--
like a syrupy sweet?

Maybe it just sags
like a heavy load.
Or does it explode?
(Langston Hughes)


GIẤC MƠ BỊ HOÃN

Chuyện gì xảy ra khi giấc mơ bị hoãn?
Nó có bị khô cạn đi


Như chùm nho tươi phơi nắng cháy?

Hay sưng tấy như một vết thương
Rồi chảy mủ ra?
Nó có bốc mùi như miếng thịt ôi?
Hay đặc quánh như nước si- rô

Có thể nó chỉ lún xuống

Như có vật nặng đè lên

Hoặc nó sẽ nổ tung?

  (Nguyễn Cang)

 
*Bài thơ nầy Hughes viết năm 1950, như một báo hiệu cho những cuộc nổi loạn thập niên 1960 của người da đen đòi quyền sống, xảy ra tại các thành phố lớn của Mỹ như: Watts, Newark, Chicago...

 

Bài 3: NEGRO SPEAKS  OF  RIVERS




 
 
 
 
 
 
 
I’ve known rivers:
I’ve known rivers ancient as the world and older than the
flow of human blood in human veins
My soul has grown deep like the rivers.


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
I bathed in the Euphrates when dawns were young
I built my hut near the Congo and it lulled me to sleep.
I looked upon the Nile and raised the Pyramids above it.
I heard the singing of the Mississippi when Abe Lincoln
went down to New Orleans, and I’ve seen its muddy
bosom turn all golden in the sunset

I’ve known rivers:
Ancient, dusky rivers.
My soul has grown deep like the rivers.
(Langston Hughes)

NGƯỜI DA ĐEN NÓI VỀ NHỮNG DÒNG SÔNG
Tôi đã qua những dòng sông:

Những dòng sông cổ xưa như trái đất nầy

Và xưa hơn cả dòng máu, chảy trong cơ thể con người

Mà hồn tôi, hóa ra sâu thẳm tợ những dòng sông.

Tôi từng tắm trên dòng sông Euphrates khi bình minh vừa hé,

Dựng lều cạnh sông Congo và sóng nước ru tôi ngủ.

Tôi từng ngước nhìn dòng sông Nile, ở đó sừng sững dâng cao những Kim tự tháp

Cũng từng nghe tiếng hát của dòng sông Mississipi khi Lincoln xuôi dòng  xuống New Orleans,

và thấy cả bùn đục dưới sông ngã màu vàng chói lúc chiều tàn.

Tôi biết có những dòng sông:
Những dòng sông cổ xưa tăm tối

Mà hồn tôi, hóa ra sâu thẳm tợ những dòng sông!

Nguyễn Cang

 (12/15/15)