Vài ý nghĩ và truyện ngắn
Cái truyện đầu tay trong đời viết văn của
tôi là một truyện dài. Tôi đưa cho bạn hữu xem; xem xong, các anh ấy nói: “Mầy
dại quá, sao lại bắt đầu bằng tiểu thuyết dài? Phải viết truyện ngắn trước đã
mà tập viết cho xong cái đã rồi hẵng hay. Tôi chẳng biết ất, giáp gì hết về vụ
đó, nên tôi nghe lời bạn.
Nhưng rồi
bạn tôi bèn lấy chương đầu của tiểu thuyết đó, cho đăng báo, và nhà báo ban cho
nó một cái danh hiệu là truyện ngắn.
Truyện ngắn giả hiệu ấy xuất hiện trên mặt báo là bạn đọc có cảm tình với nó
ngay, và tôi được người trong làng văn đếm xỉa tới ngay. Nhưng cái may mắn đó,
thật ra không làm cho tôi sáng mắt đâu. Tôi tự sáng mắt ra sau khi nghiên cứu
cái truyện của tôi: bạn hữu của tôi đã sai lầm to. Truyện ngắn không hề là bài
tập vở lòng trong văn nghiệp của một người nào đó.
Truyện
ngắn là một loại văn riêng biệt, có kỹ thuật riêng, có nghệ thuật riêng, chớ
không là một đoạn văn ngắn nào đâu, cũng không phải là truyện dài rút cho ngắn
gọn, và nhứt là không phải là cái bậc thang dùng để leo lên địa vị tiểu thuyết
dài. Tôi có mấy người bạn về sau đó, họ viết được ba bốn tiểu thuyết dài, mỗi
quyển dài một ngàn trang mà là truyện liên tục, chớ không phải là ba, bốn
truyện khác nhau mà cùng chung ý đâu. Đó là hai nhà văn Lê Xuyên và An Khê.
Không thể nói là hai anh đó không biết viết văn. Thế mà suốt đời, hai anh đó
chẳng hề viết được cái truyện ngắn nào cả. Cả hai anh đều có thử mấy lần, và
đều thất bại. (Xin nói rõ là hai anh trên kia đã viết mỗi anh mấy mươi tiểu
thuyết dài, nhưng tôi nói là có ba bốn tiểu thuyết thôi, là nói đến những tiểu
thuyết dài một ngàn trang sắp lên của họ, mà không kể những tiểu thuyết ngắn
hơn).
Truyện
ngắn và tiểu thuyết (mà cũng có người gọi là Truyện dài) chỉ có một điểm chung
với nhau. Cái điểm chung đó là danh từ Truyện, ngoài ra, cái gì cũng khác cả,
cũng như quần vợt và túc cầu, cả hai đều có chung một điểm là thể thao, ngoài
ra hai thứ thể thao đó khác nhau như chó với mèo. Cái điềm chung là danh từ
Truyện lại là một điểm chung mà thiên hạ gán ghép bừa cho hai thứ đó, chớ nó
chẳng là điểm chung thật sự tí nào hết. Ngày nay, các nhà văn biết viết văn, họ
chẳng buồn lòng dùng câu chuyện nào cả, nhưng họ vẫn sáng tác được những truyện
ngắn rất có giá tri, mà trong ấy chẳng ai tìm thấy đầu và đuôi ở đâu cả, đôi
khi lại không có cả khúc giữa nữa. Đọc báo hoặc đọc sách, độc giả nào mà gặp
một truyện ngắn bắt đầu đại khải như thế nầy: “Nguyên cô Mít là con của bà Hai, ở làng Tân Thuận từ bé đến lớn. Năm 18
tuổi, cô đi Sài gòn để tìm việc vân vân...”. Viết như vậy là rất có đầu có
đuôi nhưng chắc không có ai thèm đọc tới nữa hết. Khác với xưa, người thời nay
bất kể đầu đuôi ra sao, mà cũng bất kể khúc giữa nữa. Bất kể chuyện. Cái gì xảy
ra trong lòng người, chỉ năm mười phút thôi, mà đáng nói ra cho họ thấy được
một điều gì mới lạ, là đủ cho họ lắm rồi.
Khi mà
người Tàu chính thức gọi Truyện ngắn là Đoản thiên tiểu thuyết là họ đã lầm lẫn
nhiều quá rồi. Chẳng có gì là tiểu thuyết hết, trong một truyện ngắn. Chàng và
nàng gặp nhau hồi nào, tại đâu, trong trường hợp nào, họ chẳng ham nghe đâu, và
sau đó chàng và nàng có lấy nhau không, họ cũng bất kể.
Chàng dùng súng lục để bắn nàng chết. Có vài giây
thôi. Vì nàng đi làm nên chàng ghen bóng ghen gió. Vài giây nữa. Thế mà cả một
tấm thảm kịch được phơi bày ra, mà không hề là thảm kịch giết người ngoạn mục
đâu, cái thảm kịch đó là thân phận người đàn bà ở giai đoạn trung gian, giai
đoạn chuyển tiếp từ thời “khuê môn bất xuất đến thời khuê môn năng xuất”. Đó,
người đọc thích biết rõ những băn khoăn, những niềm đau, những nỗi vui thầm
lặng hoặc còn mơ hồ trong lòng họ, nếu ai nói ra được những thứ ấy là họ cần
nghe. Và như thế, không riêng gì Truyện ngắn mới mang tánh cách đó, mà cả tiểu
thuyết dài tràng giang đại hải cũng làm y như vậy. Đố ai tóm lược được câu
chuyện của bộ tiểu thuyết đồ sộ của Marcel Proust, mang tên là “Đi tìm lại thời gian đã mất”. Có câu
chuyện gì có đầu có đuôi trong đó đâu để mà tìm được. Và đố ai tóm lược được
câu chuyện của quyển tiểu thuyết lớn của bà P. Buck, quyển “Gió Đông, gió Tây”. Có gì trong đó đâu.
Nhưng thật ra thì có rất nhiều.
Vậy
truyện ngắn là cái gi? Câu trả lời để đáp câu hỏi nầy, tưởng phải nằm ở nơi
khác, chớ không phải ở đây. Người viết những dòng nầy, chỉ trình ra vài nhận
xét về truyện ngắn, chớ không dám có tham vọng dạy ai viết văn cả, nên không
định nghĩa gì hết. Xin tiếp tục nhận xét vậy:
Người Anh, người Mỹ gọi loại văn đó là Short Story,
thì cũng chẳng hơn gì Việt Nam chút xíu lào cả. Đâu cần có story nào trong đó.
Có cũng không sao, nhưng không cần, và thường không cần. Xưa ta gọi văn thể ấy
là “Đoản-thiên-tiểu-thuyết”, là bắt chước theo sai lầm của Tàu. Tự lực văn đoàn xuất hiện, thì gọi nó là
Truyện ngắn. Vậy là bắt chước Anh, Mỹ, vì hai từ Truyện và Ngắn là dịch thẳng
từng chữ, ở danh từ Short Story mà ra. Vài năm trước biến cố 1945, ở Sài gòn có
một nhóm người viết lách, cầm đầu là Nguyễn Đình Thản, và gồm có Nguyễn Đình
Thản, Huy Cận, Xuân Diệu, Nghiêm Xuân Việt, Nguyễn Hoàng Tư và Bình Nguyên Lộc,
đưa ra danh từ tân truyện, dùng được
mấy năm trong làng báo Sàigòn rồi thì danh từ ấy cũng chết. Tại sao nó chết ?
Vì tân truyện cũng chẳng ổn gì hơn truyện ngắn, mà cũng lại là bắt chước ngoại
quốc, chớ không phải là tìm được một danh từ nào mới lạ hơn, Tân truyện là dịch
thẳng ở danh từ Pháp ra, danh từ Nouvelle.
Người Pháp cũng đã bí lắm, chẳng biết gọi văn thể ấy là gì, mới bày ra danh từ Nouvelle, nó hoàn toàn vô nghĩa. Nếu là
hình dung từ thì Nouvelle có nghĩa là
Mới, còn như là danh từ, thì thật
chẳng biết nó là cái gì. Thế nên nhóm nói trên mới phải dùng từ Truyện để ghép
vào Tân truyện: truyện mới. Nhưng mới
cái quái gì mới được kia chớ.
Khi Tân truyện chầu Diêm chúa rồi thì nhà
viết lách Đông Hồ, cũng cứ ở Sài gòn là đất ba hoa, lộn xộn, bèn ra báo. Đó là
báo Sống. Và Đông Hồ tiên sinh cổ vũ cho một cái tên khác nữa là Truyện vừa. Kẻ viết bài nầy, mặc dầu là
hậu sinh, vẫn dám bật cười trước mặt nhà thơ danh tiếng đó: “Ông nội ơi, ông
nội cũng chỉ bắt chước Tảu, bằng cách dịch danh từ trung thiên tiểu thuyết ra đó thôì, chớ ông nội đâu có phát minh
cái gì mà cổ võ dữ vậy.”
Ông Tàu
thật là ngớ ngẩn. Quả ngày nay Nouvelle, được viết rất dài, đôi khi dài ba chục
trang sách, nhưng không vì thế mà gọi nó là Trung thiên tiểu thuyết được, vì
như đã nói, chẳng có gì là tiểu thuyết trong đó hết cả đâu nhé. Một cô gái Việt
Nam, mới từ cố quốc sang Huê Kỳ, và rất nhúc nhác trước cuộc đời mới. (Ám chỉ
đến một truyện ngắn của cô Trần Diệu Hằng). Nào có câu chuyện gì, hơn thế chẳng
có bịa cái gì trong đó hết, sao gọi là Trung thiên tiểu thuyết ? Dĩ nhiên danh
từ truyện vừa của cố thi sĩ Đông Hồ
cũng trở đầu về núi như tân truyện
của nhóm Lục lăng nói trên kia.
Cả thế
giới đều bí, trong việc đặt tên cho văn thể nầy. Và hiện nay thì Anh Mỹ cứ còn
tiếp tục gọi nó là Short Story, Pháp tiếp tục dùng danh từ Nouvelle, ta tiếp
tục thừa hưởng danh từ của Tự lực văn đoàn là truyện ngắn. Ông Tàu đi riêng thì
mặc ổng.
Còn cộng
sản Việt Nam? Trong những năm thân Trung Cộng hết mình thì họ dùng đoản-thiên tiểu thuyết. Giờ thì họ trở
về với danh từ do ông Nguyên Tường Tam đặt ra, trong khi tác phầm của Nhất Linh
thì bi cấm.
Quên nói là hiện nay Pháp đôi khi cũng gọi truyện
ngắn là conte. Conte có nghĩa là
truyện cổ tích. Tại sao họ lại gọi như vậy ? Số là khi văn thể truyện ngắn của
Pháp mới ra đời thì họ viết có đầu có đuôi, loại Cô Mít là con của bà Hai. Lối
viết đó giống hệt lối viết truyện cổ tích, mà họ thì đang bối rối về tên của
văn thể mới. Vậy họ đặt nó là Conte cho xong, chớ sáng tác thì nhọc trí lắm.
Nhận
xét thứ nhì. Ở Paris, có nhà xuất bán Paul Seghers, cũng là một nhà xuất bản có
tên tuổi. Nhà nầy đã cho in nhiều tuyển tập truyện ngắn, lấy tên là 20 truyện ngắn hay nhứt của Hoa Kỳ, 20
truyện ngắn hay nhứt của Pháp, 20 truyện ngắn hay nhứt của Trung Mỹ vân
vân... In xong, ta thấy, trừ một truyện độc nhứt của Hoa Kỳ trong đó, còn thì tất cả đều dở hơn truyện ngắn của
Việt Nam, của Việt Nam trước 1975 ấy, chớ nếu kể thêm Việt Nam hải ngoại vào đó
nữa, thì Việt Nam lại càng thắng hơn.
Điều trên đây, nói ra, không phải để các nhà viết
lách ta khoái chí rồi ngủ yên trên vòng hoa chiến thắng của ta, mà để cho những
người mang nặng mặc cảm là ta còn quá kém, để giúp họ bỏ được mặc cảm đó đi.
Nhận xét
thứ ba. Trước 1975, ở miền Nam nước Việt, truyện ngắn bán không chạy bằng tiểu
thuyết. Một tiểu thuyết dở nhứt của tôi, vẫn bán chạy hơn một tập truyện ngắn
hay nhứt của tôi. Còn về riêng truyện ngắn của tôi thì quyển dở lại chạy hơn
quyển hay. Thí dụ tập truyện ngắn Nụ cười
nước mắt học trò của tôi, không có gì đặc sắc cho lắm, thế mà trong vòng có
ba tháng, phải in lại ba lần. Lần đầu do tôi in lấy. Hai lần sau do nhà Sống
Mới tái bản. (Sống Mới đây là Sống Mới
thứ thật ở Sài gòn, chớ không phải Sống mới giả hiệu ở các nước khác, ra đời
sau 1975). Trong khi đó thì một quyển đã được dich ra ba thứ tiếng: Đức,
Pháp, Anh thì chỉ in được có hai lần. Ông Võ Thắng Tiết hiện đang in lần thứ ba
tại Los Angeles.
Tại sao
có chuyện khó hiểu như trên ? Theo tôi nghĩ thì chỉ có những người có tâm hồn
phong phú, hoặc có văn hóa đến mức nào đó mới thưởng thức được truyện ngắn, còn
tiểu thuyết thì, trừ loại tiểu thuyết triết lý ra, bất kỳ trình độ văn hóa nào
cũng đủ khả năng thưởng thức cả. Tôi đã viết trên một ngàn truyện ngắn, nhưng
chỉ được các nhà xuất bản mua có mười tập, vì sách bán chậm, họ sợ phải chôn
vốn lâu. Tập truyện Tình Đất là tập
truyện ế độ, chẳng có ma nào dám mua hết, may mà anh Võ Phiến xuất bản giùm
cho, bằng không, nó sẽ chẳng còn bóng dáng trên đời nầy, như mấy trăm truyện
ngắn khác chưa được in, rồi thì đã mất đi trong các kỳ tịch thu, truyện nào
không bị tịch thu thì tôi cũng đành bỏ lại ở nước nhà.
Người ta
hỏi tôi: Tập “Phấn thông vàng” của Xuân Diệu có phải là Truyện ngắn hay không.
Tập đó hoàn toàn không có câu chuyện, không có đầu, không có đuôi, và “Không có
sáng hôm trước chiều hôm sau” (nguyên văn của Xuân-Diệu). Tôi dứt khoát đáp:
Không, nhứt định không. Đó chỉ là Tùy bút mà thôi. Ở đây, tôi không thể nói gì
thêm, vì tôi tránh định nghĩa Truyên ngắn
là gì trong bài nầy. Chỉ có thể thêm được rằng không phải hễ mỗi lần không
đưa ra một câu chuyện là bài được gọi là truyện ngắn đâu. Phải có nhiều thứ
khác nữa, một câu chuyện giả vờ là câu chuyện chẳng hạn.
Ở Sàigờn,
có hai người xuất bản hai tuyển tập truyện ngắn. Nhà văn Ngọc Linh xuất bản tập
20 nhà văn, hai chục truyện ngắn; một
anh bạn khác, nhà văn Nguyễn Đông Ngạc, xuất bản tập Những truyện ngắn hay nhứt của quê hương chúng ta. Ở cả hai tập,
tôi đều có truyện in ở trang đầu. Nhưng tập Của Ngọc Linh thì bán chạy vo, còn
tập của anh Nguyễn Đông Ngạc thì bán quá chậm. Tôi thấy điều nầy: Trong tập của
Ngọc Linh, truyện của tôi là truyện tình lãng mạn (Truyện Tình thơ dại, chưa hề được in riêng bao giờ). Trong tập của anh
Nguyễn Đông Ngạc thì truyện của tôi là truyện xã hội (truyện Rừng mắm, rất là khô khan, người ít văn
hóa không thèm đọc). Có phải tôi là thủ phạm trong tình trạng bán sách chậm của
anh bạn thứ nhì hay chăng. Tôi e rằng là như vậy. Nhưng xin khuyên các bạn trẻ
đừng nghe nói như thế mà đua nhau viết truyện tình. Viết truyện tình cũng cứ
được, trong chế độ tự do chẳng có ai cấm đoán cái gì đâu. Nhưng nếu quả có đau
khổ vì tình, để trong bụng chịu không nổi thì viết, bằng như nhắm mục đích bán
chạy thì xin can.
Người
mình viết truyện ngắn bằng ngoại ngữ có thành công chăng ? Tôi thấy là đã có.
Đó là truyện Eurydice của Nguyễn Tiến
Lãng, và truyện La reine et la vilain
của Nguyễn Văn Nho. Mà thành công hơn cả người ngoại quốc đã cho mượn ngôn ngữ
nữa. Bằng chứng ? Hai truyện nói trên đều là truyện dự thi một cuộc thi
truyện ngắn do người Pháp tổ chức. Eurydice được giải
nhứt, La reine et la vilain được giải nhì. Giải ba, lọt vào tay một người Pháp
chính hiệu con gà trống.
Nhưng trong một trăm năm, tôi
chỉ thấy có hai truyện ấy là thành công. Giải tự do ông Nguyễn Phan Long, cựu
thủ tướng của vua Bảo Đại giựt, truyện Cannibale
par persuasion, truyện này quá kém, không thể nói là thành công nhỏ được,
mặc dầu ông Nguyễn Phan Long đã viết tiếng Pháp rất ... đúng văn phạm.
Bình Nguyên Lộc
Văn Học. Số 3, tháng
4.1986
No comments:
Post a Comment