Đất
Cũng Biết Đau
Sau mùa nước lớn, năm thằng Chuẩn chưa tròn tuổi rưỡi, ba nó bỏ
Thới Trị đi, mang theo người, dăm ba bộ quần áo cũ, vài thứ lặt vặt, trong một
sáng mưa tầm mưa tả, mù mờ phủ trắng mấy đám ruộng một màu bùn lầy lội, không
từ giã tiếng nào và không về từ ngày đó. Mẹ và chị nó, Trâm đã lên ba, khóc
ròng rã cả mấy ngày đầu, người quen trong ấp, nhà cách nhau lưa thưa, khoảng
hai ba con đê, thương tâm qua lại, ủi an thăm hỏi, trách đất trách trời “tại sao anh Tân nở đan tâm đành lòng như
vậy cho được”, sáng chờ, đêm ngóng, ngày qua ngày riết rồi cũng đành buông
xuôi, đau buồn không xiết nhưng biết làm gì hơn, đêm chong đèn, ru con ngủ,
nước mắt dầm dề giữa màn đêm tối đen, ngoài sân trời nổi gió. Căn nhà cất ở một
xẻo góc, miếng đất không mấy cao, lẻ loi giữa miếng ruộng, nước lấp xấp hai
mùa, vốn xiêu vẹo từ trước, giờ càng thêm xiêu vẹo hơn, tấm liếp che cửa ghép
bằng lá dừa, bắt đầu khô đét và nhiều chỗ hở, gió mặc gió lùa, mưa mặc mưa hắt,
may mà chưa bị ướt vì dột.
Hai vợ chồng, không bà con
thân thích, cũng không nói là sinh quán ở đâu, tuổi trạc dưới hai mươi, từ miền
xa đâu đó, trôi giạt về tới Thới Trị, Mộc Hóa, kiếm kế sinh nhai, gặp nhau
trong một buổi sáng ở chợ xã Thới Trị, đầu mùa gặt, khi chờ theo mấy người chủ
ruộng về nhà, ở tạm, chờ ngày đi cấy lúa sớm cho mấy đám ruộng lớn chung quanh
và trên miệt Nhơn Bình, Nhơn Ninh của
quận Kiến Bình. Họ bẽn lẽn hỏi tên, nhìn nhau làm quen, khi cùng đến mua mấy củ
khoai lang tím tại một sạp bán rau cải nhỏ, món ăn cho bữa cơm giữa trưa, dưới
mái thiếc, chợ xã nóng hâm hấp từ lúc mặt trời chưa lên khỏi hàng cây bên kia
sông, ngoài đường lộ, chỗ đá chỗ đất lồi lõm, chiếc xe lam chỡ khách về miệt
Bình Hòa Thôn, Tuyên Thạnh không có mấy người chờ, hai người ngồi đại xuống cái
nền xi măng ngay hông chợ, có chút bóng mát, che ngang từ hai ba cây trứng cá
già, mùa này chưa thấy trái, vừa ăn vừa hỏi nhau tiếng mất tiếng còn rồi họ mến
nhau từ đó. Mùa cấy xong, hai người quyết định lấy nhau nhưng chưa biết tính sẽ
ăn ở sao đây, thấy hai người siêng năng, nói năng nhỏ nhẹ và bà con trong ấp
trong xã ai cũng mến cũng thương, gặp nhau đầu đường làng hay cuối bờ đê ruộng,
ai nấy cũng “một con Bương hai thằng
Tân”, cười cười hỏi ghẹo “chừng nào
có tin vui”, vợ chồng bác ba Thọ, chủ đất, cho họ mướn miếng ruộng nhỏ, ở
một góc của đám ruộng dư của nhà mình, cuối đường đất ra hướng bờ sông lớn với
giá rẽ, để hai vợ chồng cấy cày sinh sống. Tân, tuy có tật chân thấp chân cao
nhưng trông còn khỏe khoắn, cũng may, chính quyền xã ấp, thông cảm, cho tạm trú
đàng hoàng, không làm khó làm dễ. Bà con, người giúp bó tranh, người góp cột
kèo, phụ dựng cái nhà nhỏ vách đất trên khoảnh gò cao chính giữa, tạm cho hai
vợ chồng gọi là nhà sau những năm tháng lầm lũi, lang thang tha phương cầu
thực.
Hai vợ chồng, chăm chỉ, đầu
hôm sớm mai, không ngại nắng mưa, cuốc cày đầu tắt mặt tối, tạo dựng đời người
trong mồ hôi nước mắt. Tân kéo lưới cắm câu, Bương trồng bầu trồng bí, tay xách
tay mang, đem ra chợ xã bán ngày qua ngày lại, ăn uống tiền tặn, quần áo cũ xì,
vui lòng với phần số. Đến mùa cấy, vợ chồng Tân, không quên qua phụ lo cho xong
mấy đám ruộng của vợ chồng bác ba Thọ trước như những ngày còn đi làm mướn rồi
mới về lại miếng ruộng mình, may mà trời đất
còn thương nên, mùa gặt năm đầu cũng có được số lúa kha khá, hai vợ
chồng hì hục, đong đủ số, mang đem trả thay tiền mướn đất cho vợ chồng bác ba
Thọ ngay, trước ngày Tết đến, nhưng hai người không nhận, bảo đem về cất để
dành, vài năm nữa, chừng nào khá hơn thì mới tính chuyện nợ chuyện nần, hai vợ
chồng cám ơn không biết bao nhiêu mà nói, ngó nhau mừng muốn rơi nước mắt. Năm
sau chị Bương sinh đứa con gái đầu lòng, con Trâm, tròn trịu và bụ bẫm mặc dù
mẹ cha quanh năm cơm khô cá mặn.
Chiến tranh bắt đầu tăng dần,
tiếng đạn đại bác, súng máy, tiếng máy bay gầm gừ trên trời, tiếng máy tàu tuần
trên sông của quân lính VNCH nghe lanh lảnh trong đêm lạnh. Quân cộng sản từ bên
phía biên giới Miên tràn qua Mộc Hóa, đánh nhau từng trận một, đôi khi kéo dài
cả hai ba ngày, không giống như trước đây vài năm, lâu lâu mới có chuyện du
kích Việt cộng kéo về ấp, bắn năm ba tiếng súng lẻ tẻ, với nghĩa quân xã, nổi
lửa đốt chợ đốt nhà, thỉnh thoảng mò ra từ rừng sâu, truông rạch nào đó gài
mìn, đấp mô, chặn xe cộ lại qua vậy thôi, dân chúng hoảng hốt, đường xá vắng
tanh, ai nấy phập phồng, đêm ít khi ngủ trọn giấc, lính của xã ấp đi tuần đi
canh từng nhóm, không còn thấy đi lác đác một hai người như trước. Qua mùa gặt
năm sau, Bương sinh thêm thằng con trai, thằng Chuẩn, thêm một miệng ăn nhưng bù
lại, cả nhà lúc nào cũng rộn ra rộn rịp tiếng cười tiếng nói, hai vợ chồng đổ
thêm gần đầy bồ lúa bên hiên nhà sau, đặt cẩn thận trên cái giàn cây cao, cho
đừng bị ngập trong mùa nước lớn và mái che được anh Tân cặm cụi, đan từng bó
tranh dầy, chặc kín, nhà có thể bị dột nhưng nhứt định cái bồ lúa phải giữ khô
ráo. Vợ chồng bác ba Thọ, có một người con gái một, lại lấy chồng đi xa, ở tận
mãi đâu đó dưới Rạch Sỏi, Rạch Giá nhưng không may, đã bị chết vì tai nạn xe đò
lật, hai ba năm trước, thương Bương như con, nên thấy hai đứa nhỏ cũng mến tay
mến chân, bỏ qua chuyện mướn đất, quyết định cho không, để hai vợ chồng chị làm
của. Những ngày rãnh rỗi, vợ chồng lội bộ, chồng dắt vợ bồng, hai đứa nhỏ đi
dọc theo con đường làng, qua ở chơi với họ cả buổi trời, bà con quanh ấp cũng
chạy tới chạy lui, hỏi thăm nhau năm lần bảy lượt mỗi khi nghe tiếng thằng
Chuẩn khóc hoài, không nín.
Mùa cấy tới, sau ngày Tân bỏ đi, bác ba gái mất vì bệnh đứng tim,
một mình còn lại, không còn có người thân nào ở Thới Trị nữa, sớm hôm ra vào
một mình thui thủi, vài tháng sau, bác trai bán lại đám ruộng, miếng vườn, căn
nhà và đàn trâu cho một người quen từ dưới Thuận Nghĩa Hòa lên, rồi từ giã chòm
xóm láng giềng, trở về quê cũ Bạc Liêu, ở đó đã có mồ mã của đứa con gái và bác
gái được chôn tại cái nghĩa địa của giòng họ và có gia đình người chị lớn đang
sinh sống. Miếng ruộng nhà, không còn Tân nữa, Bương cũng không màn lo tới,
nước có lên có xuống cũng mặc đất trời, số lúa trong bồ ngày cạn dần, nhưng
chưa đến nổi đói. Trong làng giờ, lâu lâu cũng có một vài anh bỏ đi mất biệt,
không ai biết đi đâu, hỏi ra thì họ đã tới tuổi đi quân dịch, những anh còn
lại, đã vào lính nghĩa quân xã, tay súng tay gươm giữ làng đuổi địch. Xong mùa gặt, qua Tết, sau ngày quân cộng sản từ
biên giới Miên, tràn xuống tấn công xã Thới trị đông như kiến, đánh nhau, chận
đường hành quân của lính sư đoàn 7 VNCH, nhà cửa trong ấp trúng đạn pháo kích,
cháy sụp khá nhiều, đồng ruộng trơ gốc rạ, lưa thưa đâu đó mấy cái hố bom lớn, như
vũng trâu nằm, đen màu khói súng còn thấy rõ ràng, Bương quyết định bỏ Thới Trị
sau mấy năm dằn dặt đau buồn với “cảnh cũ người đâu”, người chủ mới của đất bác
ba Thọ, vui vẻ nhận lời mua lại miếng ruộng còi và tặng thêm Bương một chút
tiền, gọi là làm quà cho hai đứa nhỏ.
Qua người bạn gái quen cùng đi
cấy mướn từ Bến Đá, Tuyên Nhơn, Bương dắt hai đứa nhỏ về ở tạm tại căn nhà ngói
xưa cũ, lup sụp của bà hai Thơm, tuổi ngoài bảy mươi, không chồng con, tu tại
gia, kinh kệ nhang đèn, bên bờ sông, cách chợ Thủ Thừa không bao xa, có cái cầu
cây bắt ra ngoài dòng, ngang đường tàu đò chuyến lên chuyến về Long An - Mộc
Hóa. Thấy tội nghiệp cho tình cảnh mẹ chiếc con côi, bà hai Thơm, thương tình
lo cho hai đứa nhỏ như con cháu ruột, Bương giờ thay cho bà, làm cái nghề chèo
đò đưa đón người bên xóm trong, qua lại đi chợ Thủ Thừa mỗi ngày, ăn nói dịu
dàng, nói cười luôn miệng, tính tình hiền hậu nên lúc nào đò cũng có đông người
lên xuống. Mùa tựu trường năm đó, con Trâm tròn sáu tuổi, Bương mừng vui đưa
con đi học, trường tiểu học nằm sát bên kia hông chợ, không xa bến đò, ghe
xuồng tấp nập, nên cũng tiện việc đón đưa, chiều không còn mấy người đi, Bương
thả xuồng dọc theo bờ, kéo lưới bắt cá, sau khi đón con Trâm tan trường về, con
Trâm giờ cũng lăng xăng, biết phụ mẹ đút cơm cho em ăn, nấu cơm rữa chén, phụ
bà bưng nhang bưng đèn, ê a tiếng mất tiếng còn theo nhịp câu kinh lúc trầm lúc
bỗng.
Thỉnh thoảng, một hai lần,
Bương dắt con, đi tàu đò từ Thủ Thừa ra chợ tỉnh Long An, mua sắm cho con hai
ba bộ quần áo mới, mấy thứ lặt vặt cần dùng trong nhà, nếu không có bán ở chợ
này. Bên sông, trước sân, thấy con ngây thơ, chạy nhảy chơi đùa, dưới nắng
chiều thoi thóp xuống từ phía trời xa, Bương thấy lòng mừng vô hạn, quên cả
buồn cho mình, Tân giờ chỉ còn là bóng chim tăm cá, biệt vô âm tính, những đêm
dài trằn trọc, những ngày tháng đơn côi, nhớ nhung khóc thầm, đã qua rồi, nguôi
ngoai từ lâu và yêu thương dường như cũng đã trở thành nguội lạnh dù tuổi đời
vẫn còn quá trẻ. Năm con Trâm lên lớp ba thì thằng Chuẩn cũng theo chị đến
trường vào lớp năm, Bương mua hai cái cặp đựng tập vở bằng ni lông, có hình
chim cò xanh đỏ, cái mới cho thằng Chuẩn, cái khác thay cho cái túi đan bằng
tre mà con Trâm mang từ ngày mới đi học, bà hai Thơm, ngày hai buổi chuông mõ
kệ kinh, câu cuối cùng, luôn luôn là câu “cầu
xin ơn trên Phật tổ thương tìnhphù hộ, độ trì cho mẹ con Bương bình an may mắn”,
ngày hai buổi, bà cũng thấy vui lây, cái vui hết sức bình thường, mà từ lâu
rồi bà chưa hề nghĩ tới là mình sẽ có. Hè về, bãi trường, không phải đưa con đi
học, Bương thường chèo xuồng dọc theo hai bên bờ, kéo lưới bắt cá bắt tôm từ
lúc tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa lên, rồi mới quay về, lo cho con, trước khi
chèo đò ra bến chợ đón khách.
Mấy hỗm rày, trên miệt Mộc Hóa, ngày nào cũng có đụng trận lớn giữa
hai bên, tiếng súng tiếng bom nghe văng vẳng từ xa, đôi khi tàu đò lớn từ Long
An lên không thấy chạy hai ba hôm. Cũng như thường ngày, Bương đốt mấy cây
nhang cắm trên bàn thờ Phật, xá mấy xá, có tiếng bà hai Thơm ho khan bên giường
trong, Bương kéo cái mền bông đắp ngang hai đứa nhỏ, còn ngái ngủ, chậm rãi vừa
nhìn vừa lấy nón lá đội lên, nhè nhẹ đi ra sân sau, quàng cái lưới ngang vai,
bước nhanh về chỗ cột cái xuồng ngay bờ con rạch cùn, rồi chầm chậm chèo ra ngã
nhánh sông lớn, trời vẫn còn tối mù, dòng nước đục màu sương, gió không lớn
nhưng có phần lành lạnh, lưa thưa lác đác bờ bên kia, hai ba chiếc ghe đi câu đêm
về, lững lờ thả xuôi xuống hướng chợ Long An, bên trong đèn dầu treo lắc lư
chưa tắt. Vừa có chút mặt trời hé lên ở phía cuối ngã ba sông, khỏi khu nhà dân
ở khá xa, trời chưa sáng lắm nhưng đã có thể nhìn thấy được, ở trên dòng, nhiều
mảng lục bình lớn và dầy đặc, chậm chậm trôi thành một hàng dài, xen kẻ nhau
trên sóng nước.
Bương quày xuồng trở lại, quăng
cái lưới xuống lần nữa trước khi trở lại nhà, sóng từng đợt lờ đờ lúc lên lúc
xuống, đập nhè nhẹ bên hông xuồng chòng chành, cái lưới mắc kẹt vào rể đám lục
bình lớn đầy bông tím trôi sau cùng, khi Bương chưa kịp tắt ngang qua, cái
xuồng khựng lại, không nhúc nhích, Bương gát cây dầm lên phía sau xuồng, loay
hoay, vươn người ra, lựa thế ngồi, ráng sức, vừa lắc vừa kéo cái lưới, nhưng
không tài nào gỡ ra, chị bỏ xuồng, lần mò bước dẫm lên mảng lục bình, mìn do du
kích Việt Cộng gài, từ đêm hôm qua, chận phá tàu hải quân VNCH từ Long An lên,
nổ tung, nước, bùn và xác lục bình bắn tung tóe lên cao cả một khoảng sông, xác
Bương ngã xuống, nằm chết lấp xấp nửa người theo nhịp sóng trên cái lưới cá
rách nhiều chỗ, bên cạnh cái xuồng lắc lư quanh đó, ở phía trên miệt chợ Long
An, tiếng máy của đoàn tàu hải quân VNCH, chỡ quân tiếp viện cho Mộc Hóa, nghe
rõ từ sáng sớm nhưng vẫn chưa chạy đi, người nhà ở hai bên bờ, gần chỗ mìn nổ,
gọi nhau ơi ới, chèo ghe chèo xuồng chạy ra, đám lục bình còn lại, tiếp tục
trôi theo dòng lặng lẽ dưới ánh nắng vừa lên trên sông, người này kéo cái
xuồng, người kia đở xác Bương lên, đem về nhà, bà hai Thơm ôm hai đứa nhỏ vừa
thức giấc chưa bao lâu, khóc ròng ròng, con Trâm thằng Chuẩn, không biết gì,
cũng sướt mướt khóc theo gọi má hởi má ơi, mấy củ khoai lang nguội vẫn còn nằm
trên cái ghế nhựa nhỏ màu đỏ, bạc màu, ngay đầu giường.
Sau ngày chôn cất Bương không
lâu, từ Thủ Thừa, bà hai Thơm, theo lời mấy bác trong hội thánh Cao Đài Long
An, dẫn con Trâm, thằng Chuẩn, đón xe đò đi Tây Ninh, mang theo quần áo, giày
dép lên cô nhi viện tòa thánh. Sáng sớm, mấy chiếc xe đò về Tây Ninh, chạy vừa
ra tới ngã tư Bảy Hiền thì kẹt, phải ngừng lại cùng với các xe về Củ Chi, Hậu
Nghĩa và xe hàng lớn nhỏ, nối đuôi chờ, vì trên đầu trên, đoàn GMC chở đầy quân
sư đoàn 25 của VNCH, mấy chục chiếc, súng ống đầy trời, bụi đường áo trận, đang
rục rịch, rần rộ di chuyển trước, nhưng rồi lại ngưng, không ai biết chờ gì,
nên họ để cho đám xe đò chờ từ sáng qua trước, tài xế, lơ xe, hành khách gọi
nhau vang rân cả một khoảng đường dài.
Hai chiếc xe đò lớn về Tây
Ninh, chạy nối đuôi nhau trước sau, bị trúng mìn, vì bốn năm cái mô đất ruộng,
cao khoảng tới nửa người, chắn ngang gần hết bề ngang đường, cùng với mấy khúc
thân cây, đầy nhánh lớn, do Việt cộng gài khi cố lách để qua, tại khoảng vừa
khỏi ấp Đồng Dù, cách Củ Chi khá xa, tiếng nổ long trời, đất bụi mù mịt, xe bị
hất tung lên cao, bể tan tành thành mấy khúc, rớt xuống bên này đám ruộng, hơn
mấy chục hành khách chết, người còn lại, không thương tích, bơ phờ hớt hãi
nhưng cũng ráng phụ nhau, khiêng xác chết để nằm ngay ngắn, thành một hàng dài,
trong đó có xác con Trâm thằng Chuẩn, dọc theo bên lề đường bám đầy vết máu, bà
hai Thơm bị thương ở ống chân trái, được một chị gái, áo quần đầu tóc dính đầy
bùn đất, kèm một bên tay, đở bước ráng lê lết lên trên đường, không nặng lắm
nhưng ra nhiều máu, nhăn nhó vì đau, bà cứ luôn miệng hỏi “cháu tôi đâu cháu tôi đâu”, chị gái dìu bà tới bên chỗ để xác, bà
ngồi quỵ xuống, hai bàn tay già khô đét, rung lên từng chập, rờ tời rờ lui mặt
mũi hai đứa nhỏ rồi tức tối, đập từng cái mạnh dưới đường, nức nở than khóc “trời ơi trời ơi”, nước mắt tuôn chảy,
rớt thành từng giọt dài trên mặt trên môi của hai đứa bé, mắt nhắm nghiền, chừng
như đang nằm yên ngủ. Người còn sống, người bị thương, kẻ đứng người ngồi, lờ
mờ trong màn sương sớm chưa tan, thở dài, lặng thinh cùng nhìn về phía rừng già
xa xa, ở cuối đường, dưới miệt Củ Chi, tiếng máy nổ của đoàn quân xa chỡ lính
sư đoàn 25 nghe rõ dần và càng lúc càng gần hơn, trời vẫn chưa chịu có nắng.
Tân dẫn đầu toán quân du kích Việt cộng, khoảng vài chục người, sau
một đêm đấp mô gài mìn, phục kích, băng đồng ngược lại hướng khu rừng già rậm
rạp và dầy đặc, về tới nơi họ đã xuất quân và chọn làm chổ an toàn, để chờ rút
về mật khu Hố Bò trước khi trời sáng, vì đoàn quân xa VNCH đã không chạy ngang
qua sớm hôm nay, như tin họ có được. Họ xúm ngồi quanh, lấy thuốc ra đốt hút,
người sửa lại súng đạn, người phủi sương ướt trên áo, Tân chấp tay sau lưng đi
qua đi lại, chân thấp chân cao, cây súng lục K54 lủng lẳng bên hông, nhìn về
phía ngoài xa đường lộ, không thấy được bóng người, anh du kích mang túi vải
đựng vật dụng cứu thương, hít một hơi thuốc dài rồi đứng lên, đi theo bên cạnh,
nói vừa đủ nghe “hai chiếc xe đò hư hết,
chết vài chục mạng, trong đó có hai đứa nhỏ, một gái một trai chừng năm sáu
tuổi, mất toi mấy trái mìn”, Tân khẻ nhếch miệng, cười nhạt, vỗ vai anh ta:
-Thôi vậy
cũng tốt, đạt yêu cầu rồi, trước sau gì cũng chết mà.
No comments:
Post a Comment