Có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời
Trong cõi trần, có những loài
cây nở hoa đẹp và buồn như những huyền thọai, như những triết nhân. Người ta
khó vui được khi nhìn thấy một giàn hoa ty-gôn đỏ như màu máu vẳng về những câu
thơ của TTKH. Nhìn hoa sen, lòng người chợt nhận ra lẽ vô thường thanh sạch của
kiếp người. Ai đã từng có một đêm thức với hoa quỳnh, hẳn khó cầm được tấc lòng
trước hình ảnh cái đẹp quá đỗi mong manh, mau chóng tàn phai. Người xưa một lần
qua núi, thấy hoa lau nở trắng bạt ngàn, đã thảng thốt buông một câu hỏi buồn
trong gió: Sao vừa nở ra đã vội bạc đầu thế hở lau ơi?...
Và có một lòai cây chỉ nở hoa
lúc cuối đời, nở xong là chết; nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi trong cuộc
đời; nở như những giây phút dọn mình để giã từ thế giới; nở tưng bừng như điệp
khúc một giai điệu tráng ca. Loài đó là TRE.
Tôi nghĩ đã là người Việt Nam,
dù ở đâu và làm gì, ai cũng mang trong mình một bóng tre của quê hương, xứ sở.
Sau lũy tre làng, đó là nơi hội ngộ buồn vui của cả một cộng đồng người, của
hàng bao thế hệ. Không biết tự bao giờ, tre đã tham dự vào cuộc sống con người
như một thành tố không thể thiếu được. Chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa đã có
cây tre trăm đốt. Và dẫu bây giờ nông thôn đã công nghiệp hóa, tre vẫn không
thể thiếu được đối với người. Đó là cái đòn gánh có thể đàn hồi làm nhẹ vai cô
thôn nữ gánh nước từ bến sông, gánh hàng ra chợ. Đó là mười sáu vành nón lá của
mẹ tảo tần qua nắng qua mưa nuôi ta khôn lớn, của em dấu nụ cười e ấp mối tình
đầu. Đó là giàn bí, giàn bầu nặng lòng câu ca” bầu ơi thương lấy bí cùng” mà
cha ngồi hóng mát mỗi chiều. Đó là sợi lạc buộc chiếc bánh chưng xanh luôn gợi
nhắc truyền thuyết Lang Liêu...Tre thủy chung một mối tình vĩnh cửu với người
dân Việt.
Tre lặng lẽ hiến dâng cho đời
và hy sinh tất cả. Trong hành trình dâng hiến của mình, tre dâng tặng con người
âm thanh từ máu thịt của nó. Tre tạo nên tiếng sáo Trương Chi làm điêu đứng
người con gái cành vàng lá ngọc. Tre tạo nên cây đàn bầu khiến cả thế giới phải
nghiêng mình trước ngón độc huyền của một dân tộc, mà dân tộc ấy lại đa tình
làm sao:
Đàn bầu
ai gảy nấy nghe,
làm thân con gái chớ nghe đàn bầu!
làm thân con gái chớ nghe đàn bầu!
Trên non ngàn Tây Nguyên, hồn
tre nứa nhập vào đàn t’rưng, nhập vào đàn klông put, đàn chim đing, đàn đinh
pah, và cả ching kram (chiêng tre) nữa... tạo nên âm sắc núi rừng Việt Nam độc
đáo, không nơi nào có được. Và trong những ngày hội tưng bừng trên đỉnh non
ngàn này, không thể thiếu những ché rượu cần mà những chiếc cần như những chiếc
cầu của tình bạn, tình yêu, của men nồng cuộc sống.
Từ măng non, tre vươn thẳng
làm bạn với người, làm ngọn roi dạy dỗ con người, giúp con người bao điều trong
cuộc sống, để rồi một buổi sáng kia, tre nở một chùm hoa và chết. Rất hiếm khi
được nhìn thấy hoa tre nở. Cho đến nay, tôi cũng chỉ thấy hoa tre nở hai lần. Lần
thứ nhất vào năm tám mươi lăm thế kỷ hai mươi. Năm đó, vào một buổi sáng mùa
hè, rặng tre la ngà dọc bờ sông Bồ trước làng tôi đột nhiên bừng nở. Cả một
rặng tre bung nở từng chùm hoa vàng xuộm màu thổ hoàng. Cái màu đất bình dị nổi
lên nhờ màu xanh của lá, bình dị đến nao lòng. Cả lũ học trò chúng tôi hồi đó
chiều nào cũng rủ nhau nhìn ra sông vì nghe nói tre nở hoa xong là chết. Nhiều
đứa, trong đó có tôi, cố cãi lại lời tiên tri ấy, đến mức phải chia phe thách
nhau. Nhưng ngày qua ngày, cả rặng tre từ màu xanh dần chuyển sang ngà. Cho đến
một chiều nọ, không tin nổi vào mắt mình khi rặng tre cứ nhạt thếch hẳn đi,
chúng tôi chạy ra xem thì thân tre đã khô lại. Trên cao kia, những chùm hoa tre
khô cong rủ xuống như một bàn tay tiễn biệt. Bất giác cả bọn cứng lưỡi không
nói nên được câu nào, cũng không thấy mấy đứa thắng cuộc yêu sách một điều gì.
Trong làng có chú Tin đã ngoài bốn mươi vẫn còn độc thân chưa vợ. Chú xin làng
chặt một cây tre về làm đàn bầu. Đêm đêm, tiếng đàn của chú nỉ non vang vọng
khắp làng. Chẳng bao lâu sau thì có người chịu cùng chú kết tóc se tơ. Người
già nói, tre nở hoa cả rặng như vậy là có điềm lành. Quả nhiên sau đó ít lâu
thì không khí công cuộc đổi mới cũng tràn về nông thôn, đời sống của người nông
dân có đỡ cực nhọc hơn. Nhưng cũng sau khi rặng tre la ngà ấy chết, làng không
còn một cây tre la ngà nào nữa. Bấy giờ cả làng mới thấy do tre la ngà nhiều
gai nên ít người trồng. Sau này tôi lang thang khá nhiều nơi, chú tâm tìm gặp
một bóng dáng tre la ngà, ấy vậy đến giờ vẫn chưa một lần thấy lại.
Lần thứ hai tôi nhìn thấy hoa
tre nở chỉ mới cách đây vài năm, vài tháng sau cơn đại hồng thủy tháng 11 năm
1999. Ấy là một hôm giá rét đầu năm 2000, qua khỏi cầu Tây Thành bỗng thấy một
bụi tre nhỏ bên sông nở hoa trong mưa.
Cũng những chùm hoa tre vàng
nhạt như màu đất, vươn giữa trời xanh bất chấp mưa gió phủ phàng, rét buốt, bản
lĩnh vô cùng. Bây giờ nghiệm lại, thấy loài tùng bách như người quân tử ẩn dật,
tre lại như người quân tử dấn thân. Từ khi sinh ra, tre đã sống và trả nghĩa cho
đất cho người, đến khi hoa tre nở lần đầu tiên, cũng là lúc tre từ giã sự góp
mặt của mình trên trái đất. Đó là một cách đi vào cõi chết rất đẹp: cả tre và
hoa đều chết đứng như phơi gan ruột cùng trời đất chứ không chịu rủ xuống, lụi
tàn như bao loài hoa khác. Cái chết ấy không hề làm cho người ta thấy một chút
bi ai nào, ngược lại, nó tạc dáng hình giữa trời đất mênh mông, giữa muôn vàn
hoa lá như một triết nhân đã ngộ ra chân lý về lẽ sống chết của con người.
Không
đề tên tác giả
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment