Monday, June 8, 2015

Bà Ấy Chỉ Hiểu Lầm Câu Truyện Kiều & Cô Tư Hoẻn - Ngô Tất Tố


Bà ấy chỉ hiểu lầm một câu Truyện Kiều

 


Bạn gái Hà thành, nhất là những vị tín nữ của thuyết tự do  giá thú, chắc đương chau mày, nghiến răng, bất bình thay cho cuộc gả bán của cô Đoàn Thị Tuệ. Cô Tuệ là một nữ nghệ sĩ của  gánh hát Nhật Tân, có tài hát lại có cả tài diễn kịch. Trong khi  theo gánh hát ấy đi diễn trò khắp các tỉnh Bắc Kỳ, cô ấy nổi tiếng  là một đào giỏi. Vậy mà xuân xanh chưa có bao nhiêu. Có người  bảo rằng cô ấy mới 13 tuổi. Đó là người ta muốn cho cô ấy thêm vẻ  ngây thơ. Kỳ thực, nữ nghệ sĩ ấy năm nay đã vừa tới tuần cập kê.  Nghĩa là bằng tuổi cô Kiều trong lúc bắt đầu gặp chàng Kim Trọng. Và về sự phát triển của đường tình, cô Tuệ cũng không thua gì cô Kiều. Cái người đã được cô ấy để vào mắt xanh và  đương cố đóng vai Kim Trọng là một học sinh trường tư, hiện ở với  chị tại phố Hàng Nón Hà Nội.
Không hiểu đá biết tuổi vàng từ bao giờ, lâu rồi hay mới.  Người ta chỉ biết cô cậu đã nặng lời thề thốt, nhất định cùng nhau  tạc một chữ đồng đến xương. ác nghiệt là cái bà mẫu của cô. Bà ấy  cũng như Thúc ông, cố tình nghiến răng bẻ chữ đồng làm đôi. Là vì  có ông chuyên "xếp chỗ ngồi cho khách" ở rạp Hiệp Thành cũng hỏi  cô Tuệ làm vợ. Không rõ vợ chính hay vợ thứ. Chừng như thích  phường trò hơn là học trò, nên bà Vũ Thị Định mới tựa vào công mang nặng đẻ đau, bắt cô Tuệ phải bỏ người tình mà lấy cái người  "không tình". Cố nhiên cô Tuệ không thuận. Cố nhiên bà Định vẫn  cố ép uổng.

Nhưng, những sự đó chỉ là việc bất thường trong các gia đình  nửa mới nửa cũ. Cái lạ là thứ hình phạt của bà mẫu kia đã dùng  để phạt cô Tuệ. Không đánh, không đập, không cần đến thủ đoạn  phũ phàng. Bà ấy đưa tuột cô Tuệ vào làng Đồng Quang, phủ  Thường Tín, cái làng quê mình. Rồi thì bà ta nhốt luôn cô ấy vào  buồng và đóng thật chặt các cửa. Sợ cô ấy còn có thể trốn, bà Định  lại dùng xích sắt xích chân con gái vào chân mình nữa. Nhiều người thấy vậy cho rằng vị hiền mẫu ấy đã xử với con một cách tàn  nhẫn. Nhưng mà xét cho kỹ ra, có lẽ nó không tàn nhẫn tý nào,  chẳng qua bà ta cũng chỉ vì hiểu lầm một câu Truyện Kiều mà  thôi. Cuốn Kiều chẳng có chỗ nói:
"Buộc chân tôi cũng xích thằng nhiệm trao" à? Chắc là bà đó  cho rằng "xích thằng" tức là xích sắt, nên mới dùng nó "trao" cho  con gái. Nhưng sao bà ta lại không xích cô Tuệ vào chân ông "xếp  chỗ ngồi" của rạp Hiệp Thành, mà lại xích vào chân mình. Chỗ đó  cũng khó hiểu một chút. Đáng lẽ bữa nay là ngày cô Tuệ phải xích  về nhà ông "xếp chỗ ngồi" của rạp Hiệp Thành. Vì lệnh bà mẫu cô  ấy giục phải cưới đi, kẻo chậm nữa, e rằng xích không giữ nổi.  Nhưng, cậu học sinh Hàng Nón còn đi trình Cẩm, và nhờ các nhà  đương sự can thiệp, không rõ tấn tuồng đã diễn đến cảnh gì rồi.  Dù cho diễn đến cảnh nào đi nữa, thì cô Tuệ cũng không thể vượt  quyền bà mẫu kết duyên với cậu học sinh Hàng Nón, nếu như bà  ấy không thuận. Bởi vì xứ này không phải là chỗ để chứa những  quyền tự do của cá nhân, dầu nó là quyền tự do về sự giá thú.  Chẳng thế mà quyển Bắc Kỳ dân luật đã cho chúng ta hiểu rằng:  con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, đều phải do người gia trưởng  làm chủ hôn.

Thế nhưng, nói dại đổ đi, nếu cô Tuệ vì tuyệt vọng về đường  nhân duyên mà phải sống khác với tình, thì chẳng có ai bị tội về  cái án đó! Nếu thế thì ai giết người?

Ngô Tất Tố

 

Cô Tây Hoẻn

 


Gặp phải cảnh mẹ chồng cay nghiệt, cô Hoẻn cắp áo trốn nhà  ra đi, đoạn tuyệt với anh chồng lưng đen, khố bện, từ giã cái cảnh  cà chua mắm mặn, với cái đời chân lấm tay bùn. Cô đi đâu? Bẵng  đi sáu bảy tháng trời, biệt vô âm tín khiến cho hai họ xảy nhiều  điều xếch mếch. Bỗng một hôm, lũ trẻ chăn trâu tới tấp chạy về  làng, hoảng hốt báo:
"Có tây về làng ta!" Các tướng nấu rượu lậu nhớn nhác xô  nhau cất dọn giấu giếm, cả cái lão trùm Đẩu đương du dương say  tỉnh với mấy phân thuốc phiện ngang cũng vội nhỏm dậy lẻn ra  đầu nhà vứt cái hến thuốc xuống ao! Tây càng đi gần tới, lũ trẻ  càng xô nhau chạy, mọi người đứng trong bụi hàng, hay nấp trong  cổng nhìn ra:

Một anh tây lính mũi lõ râu xồm, mình cao, bụng phệ, dắt  chiếc xe đạp đi bên cạnh một người đàn bà phấn son sặc sỡ, quần  áo lam, giày cao gót, chiếc ô xanh biếc, chiếu xuống bộ mặt phấn bị  mồ hôi loang lổ, bộ răng trắng nhom nhem khấp khểnh như rã rụa  với bộ môi cong mỗi khi cười nói. Bộ răng ấy, bộ môi ấy đã làm cho  dân làng nhận được là cô Hoẻn, con ông đĩ Hoét! Đi sau là một mụ  vú già khệ nệ vác chiếc va li to kệch. Lũ trẻ quê ngờ nghệch chắp  hai tay lên cổ, hấp háy trông theo, các "chủ lò rượu" yên tâm, chỉ  lão trùm Đầu tha thiết tiếc mấy phân thuốc phiện, giậm chân, đạp  cẳng, lẩm bẩm chửi bâng quơ cho hả giận rồi vào! Một bữa cơm  thết chàng rể mà cảnh nôn nao rộn rịp như trong làng có loạn, nào  xua gà, đuổi cá, chuốc từ nải chuối, kén từ mớ rạ, vất vả nhất là  ông anh đi lùng mua rượu, bánh. Trong khi ấy thì cô tây Hoẻn dắt  đức lang quân đi khắp đình chùa miếu mạo. Ông đĩ Hoét cũng áo  the khăn lượt dẫn theo sau, giảng giải từ bệ tế thần nông tới văn  chỉ tế thánh Khổng, mở rộng cửa đình cho con rể xem chỗ phụng  tự, chỗ ăn ngồi. Sau những tiếng rụt rè nhỏ nhẹ của ông đĩ Hoét,  cô Hoẻn lại cong môi chĩa răng ra thông ngôn lại bằng một chuỗi  tiếng bồi, lũ trẻ chạy theo xem cũng học lỏm được mấy chữ "lúy  phe", "lúy điếc".

Bác lính tẩy lúc bấy giờ trông hiền lành ngoan ngoãn tệ! Chẳng thế mà mỗi lần đi ra xa một tý, cô Hoẻn gầm lên một tiếng  "sê ghi" mà chậm lại, là cô nhả tiếng ta chửi thống cho một hồi, chỉ  thấy anh Tây há hốc mồm ra cười, chứ không hằm hằm độc dữ  như mấy anh tây đoan về bắt rượu mọi ngày. Cô Hoẻn càng thấy  dân làng đổ ra xem, lại càng trổ tiếng tây dữ! Vừa nói vừa khua  tay mua chân cười nói tự nhiên, nhưng cũng nhiều người chê là lố  bịch! Chiếc va li trong đựng những gì? Đó là những khí cụ văn  minh của tây đủ cải hóa cả một gia đình ông đĩ Hoét! Này thì đây:  Của quý mà con gái và con rể đem lại cho ông: một cái kê pi, một  cái cát két, hai thứ tiện dụng cho cha và anh lúc cày bừa, dùng nó  che nắng mà không bị gió lật như đội nón, bốn chiếc bành tô vàng  đã cũ, hai cái sơ mi đàn ông, ba cái cóc sê viền đăng ten, trông  cũng hay hay, bà đĩ Hoét tính không hay đỏm dáng, chỉ dấn vài  nước nâu là được một cái vừa làm áo vừa làm yếm, tiện biết bao!  Này lại hai đôi giày, một đôi bằng da dưới có đinh lởm chởm, đôi  này ông đĩ sẽ dùng khi có đám thứ việc làm, còn đôi băng túp thì  để cho ông anh khi đi tuần có cái dùng cho đỡ xéo phải gai. Đến cái  khăn bông tắm kích nô, tuy còn lành nhưng hân ố nhiều chỗ. Ông  đĩ Hoét bảo:

Cái này nhấn vài nước vỏ xó để mùa rét làm khăn bịt đầu thì  ấm chán! Một cuộn tranh trong có đủ cả ảnh mấy tướng Foch, lòe  loẹt, những mẫu áo tây gọn ghẽ của hàng thợ may, cô Hoẻn mắt  trông, tay chỉ cho cả nhà xem những cái hay cái lạ trong quyển cát  ta lô nào cái cối xay hạt tiêu, cái cối xay cà phê, cái cối vắt nước  chanh, cái cùi dìa, cái phóng sét.
Ai cũng nắc nỏm khen cô thông minh sáng láng, giá không đi  ra ngoài, thì đời nào biết được như thế! Cô lại quá cao hứng bắt  ông bố đặt tên hai con chó. Một con đặt tên là con phốc để thay tên  con cộc, một con đặt tên là ki ki để thay tên là cái! Vì cô rất ghét  gọi chó mà lại cứ rống lên êu-êu, cộc-cộc! Cô bắt dọn riêng cho cô  một cái chái nhà để cô đem bộ giường về kê, phòng khi đi về có chỗ  nằm, hoặc khi chồng đi "man nơp" hay đi "câu lơn" thì cô về ở cho  vui. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang, vợ chồng cô sắp từ biệt ra đi,  ông đĩ Hoét còn giữ lại việc trả của cho người chồng cũ. Cô trợn  mắt nói:
"Thây mẹ chúng nó, tôi lấy tây thì tôi tức là đầm rồi, đứa nào  vô phúc thì động đến lông chân tôi mà chơi, thầy đừng lo! Việc làm  ăn cứ chăm chỉ rồi có muốn tậu ruộng tậu vườn, nếu trong làng ai bán thì thầy cứ ra bảo tôi. Thằng này tuy khá, nhưng nó sắp phải  về tây, chẳng bòn cũng thiệt".
- Thế "anh nó" không sang nữa ư? Rồi làm thế nào? - Không sang thì thôi, lấy thằng khác, cần gì! Trong khi nói chuyện anh tây lúi húi sửa cái xích xe đạp, cô  Hoẻn cầm cái ô tần mần xỉa xuống đất thành những lỗ con, rồi  ngước mắt nói:
- Rồi tôi sẽ dắt díu cho lũ trẻ làng ta ra ngoài ấy, dạy dỗ cho  tiếng tây thông thạo, phấn son vào, ăn mặc vào rồi mối manh cho  khéo, bùa thuốc cho linh, thay quyền cha mẹ chúng nó mà gả bán  cho tây thì phải biết là khá!... Tội gì mà cứ bắt chúng nó chăn trâu  cắt cỏ ở chốn quê mùa này, khổ bỏ mẹ đi ấy.

Tiếng chuông xe đạp bấm kính coong, báo hiệu giục đi, cô  Hoẻn nhoẻn mép nghiêng mình chào bố mẹ, bác lính tây ngả mũ, chìa tay ra bắt tay ông đĩ Hoét mà bảo:
“Ông già bố cu tốt" kèm theo một tiếng cười ròn rã gửi lại cái  nhà tranh. Lũ trẻ chạy theo một cách bạo dạn hơn!

Ngô Tất Tố

 

No comments: