Friday, June 5, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Ba) - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Ba)

 
Chương Ba

     Ấp Đồng Cò nằm chơ vơ giữa cánh đồng rộng mênh mông, ruộng chen lưa thưa với cỏ tranh khô cằn trong những ngày hè nắng cháy. Con đường đầu ấp dẫn ra quốc lộ Một đi Sài Gòn, dài chừng hơn cây số rưỡi, mùa này bụi mịt mù. Nhà cửa, phần lớn mái tranh vách đất, trừ mấy căn văn phòng chính quyền ấp, cái trường học phía ngoài đường, xây gạch lợp tôn, tuy gần sát nhau nhưng không mấy ngay hàng thẳng lối. Cạnh quốc lộ, cái đồn lính Nghĩa quân, hàng rào kẽm gai chằng chịt mấy lớp bao cát quanh cũ mèm, rách nát, lấp xấp vài ba vũng nước ruộng còn sót lại sau mùa gặt năm rồi.         

    Anh lính gát ngồi bó gối, trốn nắng trong chòi canh, sát bên hàng cây Trâm bầu rợp bóng, nhìn xe đò lên xuống, thỉnh thoảng ngừng bỏ khách, người trong ấp quen mặt đi đâu đó về. Ra khỏi vòng rào cuối ấp, khi gò đất trống trơn, chạy dài xuống bờ con rạch nhỏ, nước nửa chừng quanh năm suốt tháng, vài cây cỗ thụ già nua, dăm ba nhà chòi che rơm, nơi đám con nít chăn trâu tụm năm tụm ba tán dốc, chờ trâu bò mãi mê ăn cỏ trên dãy đồng dọc theo con rạch lúc nào cũng xanh rờn dù tháng mưa hay ngày nắng.
 
 

    Vợ chồng anh tư Lậy, bỏ Trà Cao về Đồng Cò, với số tiền dành dụm được từ những ngày làm thuê ở mướn, cộng thêm phần tiền giúp đở từ Tòa Thánh Tây Ninh, khi cắn răng đốt bụng đem thằng Bon bỏ vào đó, mua lại miếng đất nhỏ trên cái gò cao cuối ấp, cất căn nhà tranh lụp sụp, đi làm công, phụ cấy cày cho mấy người chủ ruộng. Mùa nước lên, chờ làm đất, hai vợ chồng xuống rạch bắt cá, mò tôm mò tép, lội bộ xuống chợ Bình Nguyên, bán đùa bàn đại, vậy mà cuộc sống cũng không mấy khá hơn, cũng túng trước hụt sau khổ sở.

    Thằng Bon về Đồng Cò, mấy ngày đầu buồn bã, nhớ ông bà Đốc Nhân rấm rứt khóc thầm, chị Búp thương con vỗ về an ủi, dẫn nó ra cái quán cóc duy nhất trong ấp, cạnh hàng rào trường tiểu học ấp, mua cho nó mấy cái bánh ngọt mốc thích, vài cục kẹo chèm nhẹp vì nắng. Bon đi ngang trường, kéo tay chị chỉ vào trong, tiếng học trò đọc bài làm nó buồn thiu, chị không nói tiếng nào. Bon quen dần, hai ba ngày rồi năm sáu bữa, không thấy bóng dáng ông bà Đốc, nó chán nản qua nhà bên xóm, nhập bọn với đám con nít chăn trâu chơi đùa, chờ ngày đi học, theo lời vợ chồng anh tư Lậy hứa.

    Trước Tết ta vài hôm, sau ngày đưa ông Táo về trời, ông bà Đốc Nhân đón xe đò đi Bình Nguyên sáng sớm, tay xách tay mang, mấy bộ đồ mới, ba bốn hộp bánh mứt đủ màu mà bà Đốc đã mua từ vài hôm trước, hỏi thăm người trên đường, đi Đồng Cò thăm thằng Bon. Xuống xe, anh lính Nghĩa quân gát đồn nhanh nhẹn chỉ nhà, ông bà thả bộ vô ấp. Chị Búp đang ngồi đan đục bắt cá trước chái nhà, thấy vợ chồng ông bà Đốc kinh ngạc, bẽn lẽn, chị mời hai người vào nhà rồi bỏ ra sân sau, kêu anh Lậy đang phụ dựng chuồng trâu cho nhà bên về hối hả. Chị rót miếng nươc mưa lạnh vô hai cái tách bể gần phân nửa, khúm núm để trên cái bàn cây xiêu vẹo mời, vợ chồng anh tư Lậy đứng một bên, gió trưa thổi lộng vào căn nhà vách thưa cột trống.

    Ngó quanh quẩn không thấy thằng Bon, ông Đốc mở lời hỏi:

-Ủa thằng Bon đi học rồi hả hai cháu?

Anh Lậy đứng làm thinh, chị Búp đở cho chồng:

-Dạ, nó chạy chơi đâu đây, để tui chạy kêu nó về. Chị vừa nói vừa chụp cái nón lá đã ngã màu nâu đen, rách hai ba lổ lên đầu, bỏ đi nhanh ra ngoài.

    Bà Đốc nhìn theo, chị Búp vội vã băng nhanh về phía cánh đồng trống. Anh Lậy, ngồi xuống khúc cây lớn dùng làm ghế, nhìn ông bà Đốc ấp a ấp úng:

-Tui không dám giấu ông bà, thằng Bon đi chăn trâu mướn cho người ta ngoài đồng từ sáng sớm,

Ông bà Đốc nghe nói ngồi chết trân, đưa mắt nhìn nhau, lắc đầu:

-Trời ơi sao như vậy được!

Anh tư Lậy rưng rưng:

-Cháu nghèo quá, làm sao hơn đây?
 
 

    Thằng Bon theo sau chị Búp vô nhà, cúi đầu dạ thưa ông bà Đốc, mặt mài buồn xo muốn khóc, áo quần rách bương, tóc tai khét nắng, đen thủi đen thui, chừng như không thường tắm rửa. Bà Đốc xót xa ôm nó vào lòng, lập tới lập lui hai tiếng tội nghiệp.

    Ông bà Đốc ở chơi không lâu, bỏ quần áo bánh mứt lại rồi buồn bã ra về. Vợ chồng anh tư Lậy lúng túng đưa, thằng Bon cũng theo ra đường lộ, đứng nhìn chuyến xe đò về tỉnh, càng lúc càng xa dần Đồng Cò. Linh tính cho biết, có lẽ sẽ không còn gặp lại ông bà Đốc Nhân nữa rồi, nó khóc gọi thầm ba má ơi, tiếng khóc lẻ loi tan tác trong chiều gió cuối ngày.

    Chiến tranh bắt đầu lớn dần sau đó, quân du kích Việt cộng, có vài người trong ấp bỏ đi theo, lấp ló chờ đêm, từ miệt hướng Đức Hòa, Đức Huệ, kéo về tấn công đồn lính Nghĩa quân ấp Đồng Cò năm ba lần. Ban đêm chó sủa vang rân, đôi khi trụ sở ấp bị đốt, lửa cháy rực trời. Khúc đường Gò Dầu, Trảng Bàng mìn nổ nhiều lần, hai ba người chết. Đám con nít chăn trâu không còn ở trễ ngoài đồng, trời vừa chưa xế bóng đã vội vả lùa trâu bò về, hết có dịp ngồi tán dốc, chờ hoàng hôn xuống.

    Mùa gặt mới bắt đầu, năm nay ruộng bỏ hoang mấy đám, nhất là phía bên kia con rạch dọc theo cánh đồng truông lầy lội, chạy dài tới tận sông Vàm Cỏ Đông. Du kích Việt cộng ban đêm, đợi lính Nghĩa quân rút vào đồn, mò ra hăm dọa dân trong ấp đóng thuế lúa. Lính Nghĩa quân cũng ít khi ra xa trừ khi có lính Địa phương quân trên quận xuống.

    Trời dạo này có mưa dầm, thường vào buổi chiều lúc mặt trời vừa lặn. Thằng Bon lùa đám trâu về chuồng nhà ông chủ, hô to cho trong nhà nghe, ôm cái túi ni lông đựng quần áo, giấu ở bụi rơm sau nhà ngày hôm trước, băng xéo cánh đồng gò về hướng truông, nhìn lại ánh đèn dầu leo lét dưới mái tranh nhà nó một lần nữa. Bon vuốt mặt, bước nhanh trên bờ đê, bóng cò ăn đêm bay lửng lờ đâu đó phía cuối truông. Bon bỏ Đồng Cò đi giữa mùa lúa, năm vừa mười tuổi.

Thuyên Huy
(Còn tiếp)   

No comments: