Ngọn Thái Sơn của Tôi
"Công
cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa
mẹ như nước trong nguồn chảy ra."
Ca
dao
Không biết lúc tôi
còn nhỏ, cha tôi như thế nào nhưng từ khi tôi có chút trí khôn, tôi thấy cha mẹ
tôi hơi khác với cha mẹ của mấy đứa bạn trong trường và trong xóm của
tôi. Thường thường các bài văn thơ toàn ca tụng "nghiêm phụ, từ
mẫu". Trong gia đình tôi, phải nói ngược lại: "từ phụ, nghiêm
mẫu" mới đúng.
Tôi có phúc hơn một
số bạn bè của tôi có cha là chiến sĩ ở chỗ cha tôi là sĩ quan không
quân, không phải đi hành quân xa nhà lâu ngày, nên chúng tôi gần gũi với
ông hằng ngày. Ngày nào không lúc ra đi thì cũng lúc về nhà, anh em chúng
tôi đều được cha tôi ôm hôn y như trong mấy phim Âu Mỹ mà tôi được xem.
Rồi thì chúng tôi bá cổ, đu vai cha tôi. Ông nhấc từng đứa
lên, ôm xoay vòng vòng. Những biểu lộ tình cảm công khai
và ồn ào kiểu này hiếm thấy trong xã hội Việt Nam thời bấy
giờ. Chiều về, lần nào ông cũng có kẹo hay bánh trái cho
chúng tôi. Mẹ tôi thì hay rên rỉ: "Anh ơi, đừng để chúng nó lờn mặt, khó
dạy dỗ lắm." Lần nào cha tôi cũng chỉ có một câu: "Anh biết
rồi. Anh sẽ chừng mực mà." Sau đó thì ông nháy mắt với chúng
tôi, và cha con tôi tạm thời tan hàng. Từ khi tôi vào lớp một, cha tôi là
người thầy dạy vỡ lòng cho tôi tập đọc, tập viết. Ông đã viết nhiều
trang chữ a, b, c... bằng bút chì cho tôi đồ lên để tập viết, từ ngày này
qua ngày khác cho đến khi tôi có thể viết một mình. Bởi vậy cho nên nét chữ của
tôi hao hao giống chữ của cha tôi. Những khi cha tôi trực đêm ở phi đoàn
thì tôi phải học với mẹ. Tôi không thích học với mẹ lắm vì mẹ tôi rất
nghiêm khắc với chúng tôi, nhưng là một cô giáo vui vẻ, dễ mến, dễ thương ở
trường. Sau này lớn lên tôi mới biết sở dĩ mẹ tôi nghiêm khắc với chúng
tôi là vì cha tôi quá dễ dãi. Mẹ tôi phải đóng vai "nghiêm
mẫu" để kềm bớt chúng tôi, không cho đi
quá đà. Chưa bao giờ cha tôi la mắng hay phết vào mông anh em
chúng tôi cả. Những lúc chúng tôi bị mẹ phạt hay bị nghe "giảng luân
lý", cha tôi thường lánh mặt, ra ngoài sân len lén nhìn vào. Chờ
chúng tôi thi hành hình phạt được một lúc, cha tôi vào bắt chúng tôi xin lỗi
mẹ. Lần nào cũng vậy, cha nói nhỏ vơi mẹ một câu là mẹ tôi đành
"tha Tào"*
Buổi tối, sau khi
học bài xong là cha kể chuyện đời xưa hoặc những chuyện vui của
các chú, các bác trong phi đòan cho chúng tôi nghe. Chưa bao giờ cha
kể những chuyện buồn, thương, chết chóc mà cha đối diện hằng
ngày cho chúng tôi biết. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu được rằng vì
sinh mạng của cha treo đầu sợi tóc, nên cha lúc nào cũng giấu kỹ
trong lòng chuyện buồn, chuyện chết chóc, chuyện lo âu... mà
sống trọn vui với vợ con. Câu mà cha thường bỏ nhỏ cho mẹ
là: "Em ơi, cho anh sống vui vẻ với con và em được lúc nào hay
lúc ấy." Một lần cha bị thương phải nằm bệnh viện. Mẹ
tôi đã khóc sướt mướt trên đường đến thăm cha, làm chúng tôi
cũng khóc theo. Khi thấy chúng tôi, cha đã cười lớn và nói: "Chỉ bị
kiến cắn một phát thôi, làm gì mà mấy mẹ con khóc dữ vậy?" Mẹ tôi
nắm lấy tay cha lặng lẽ rơi nước mắt. Cha tôi lại là người an ủi
mẹ:
- Mạng anh lớn lắm. Em đừng
lo. Tử vi nói anh thọ đến 90 tuổi, giống ba của anh.
Chúng tôi lại nhào lên
giường, níu áo lôi tay, đòi ông về nhà với chúng tôi.
Mẹ tôi phải ngăn cản chúng tôi sợ đụng đến vết thương của
ông. Khi ra về chúng tôi làm trận làm thượng đòi ông về chung
mới chịu. Cha lại hứa hẹn, chúng tôi mới chịu ra về. Cha nhìn
theo chúng tôi, miệng cười nhưng mắt đỏ
chạch.
Chúng tôi sống hạnh
phúc bên cha tôi như thế không được bao lâu. Vào tháng tư năm
1975, cha thường xuyên ở trong phi đoàn, ít về nhà. Mỗi
lần về qua nhà, vẻ mặt ông vô cùng nghiêm trọng, và vắng đi
nụ cười. Ông thường to nhỏ với mẹ, cả hai đầy lo âu,
sợ hãi. Hàng xóm chúng tôi có những người chộn rộn việc ra
đi. Đi đâu, tôi không biết. Họ đi mà không
mang theo của cải. Họ bỏ lại nhà cửa, những đồ vật có
giá trị như Ti vi, tủ lạnh, bàn ghế... Có những đứa bạn cùng xóm
với tôi, hôm trước còn đi học, đột nhiên sáng hôm sau vắng mặt, và không
thấy chúng nó đi học nữa, nhà cửa đóng im ỉm. Mẹ tôi cũng thu dọn
quần áo cả gia đình vào va-li, và ngóng chờ cha tôi về. Lần
nào ông về, cũng nói ít câu với mẹ rồi tất bật ra đi.
Rồi một ngày... cha
tôi về nhà sớm hơn mọi hôm với dáng mỏi mệt. Cha không cười. Chúng
tôi ôm lấy ông chờ đợi những nụ hôn như ngày nào, nhưng ông chỉ ôm
chúng tôi và chảy nước mắt. Lần đầu tiên tôi thấy cha tôi khóc.
Tôi, lúc đó 7 tuổi rồi, biết có chuyện quan trọng vô cùng nên ông mới buồn
như vậy. Hai em tôi vẫn nũng nịu đòi ông bế và hôn như mọi ngày.
Cha miễn cưỡng làm theo, chợt thấy tôi đứng lặng lẽ một góc nhìn, ông ôm
lấy tôi giọng sũng nước mắt:
- Cục Cưng của ba lớn rồi.
Nếu một mai không có ba ở nhà với các con, con thay ba giúp đỡ mẹ và
chăm sóc em nghe con.
- Ba đi đâu. Con không cho ba đi
đâu hết.
- Ừ, thì ba cố gắng ở bên các con.
Thế rồi từ ngày đó trở đi, trông cha
buồn và thiểu não, cha không vào phi đoàn nữa. Các chú, các bác đồng đội
của cha thỉnh thoảng cũng ghé qua nhà. Người nào cũng mất đi dáng vẻ tươi
vui ngày trước. Vào lớp học, tôi bắt đầu nghe những chữ lạ tai:
"nguỵ quân, nguỵ quyền, Cách Mạng Xã Hội Chủ
Nghĩa..." Thầy cô giáo của tôi ai cũng có vẻ mặt bơ phờ,
dáng đi mỏi mệt.
Sau đó không bao lâu,
vào một buổi sáng trước khi tôi và đưá em kế đi học, cha
tôi ôm lấy chúng tôi thật lâu và hôn anh em chúng tôi nhiều lần.
Nước mắt cha thấm ướt áo chúng tôi. Cha tôi khóc.
Lần thứ hai tôi thấy cha tôi khóc. Em tôi
ngây thơ hỏi:
- Ba, chúng con ngoan lắm, sao ba lại
buồn?
- Ba biết các con của ba ngoan
lắm. Nghe lời mẹ và chăm học nghe các con. Mẹ sẽ cho điểm
các con. Ai ngoan nhiều ba sẽ cho quà nhiều.
Các em tôi nhao nhao:
- Chiều nay con ăn cà-rem.
- Con ăn chôm chôm.
Tôi nhìn ông và rơm rớm nước mắt.
Ông hỏi tôi:
- Trưởng nam của ba, ăn gì?
- Con không thích gì cả. Con chỉ
muốn ba vui vẻ thôi.
Ông nhoẻn miệng cười và nói:
- Ờ... thì ba đang vui đây nè, vì ba có
ba đứa con ngoan và học giỏi.
Thế rồi... chúng tôi đến
trường. Trưa hôm đó, anh em tôi đi học về, quà của chúng tôi cha đã
để sẵn trong tủ lạnh. Chúng tôi chờ ông về để ăn. Chờ mãi đến
chiều... đến tối cũng không thấy. Mẹ tôi nói gạt chúng tôi là cha phải
trực ban đêm. Đêm về, tôi thấy mẹ không ngủ mà ngồi khóc. Lúc
đó, tôi còn nhỏ nhưng cũng linh cảm chuyện gì quan trọng lắm
đang xảy ra cho cha, cho gia đình tôi. Em gái út của tôi, khóc tỉ tê
đòi cha về ngủ với nó. Tiếp theo cả nhà cùng khóc vì nhớ cha. Chắc
cha tôi cũng khóc vì nhớ chúng tôi.
Cha tôi
đi một ngày, hai ngày, ba ngày... rồi một tháng, hai tháng, ba tháng...
một năm, hai năm, ba năm... liên tục không về. Cả nhà chúng tôi buồn
thảm vì thiếu cha. Chúng tôi không còn những tiếng cười dòn tan ngày trước
nữa. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhận được thư của cha. Mẹ nói cha
ở xa lắm, không về được. Lúc đầu, tôi ngạc nhiên vì có lần cha nói, máy
bay của ông có thể bay tới bất cứ nơi nào trong nước dù xa xôi cách
mấy. Tôi thắc mắc sao lần này cha không lấy máy bay lái về với chúng
tôi nhưng tôi không dám hỏi mẹ, vì mẹ tôi đang buồn. Mỗi lần nhắc
tới cha là mẹ khóc. Lớn lên một chút nữa, tôi biết cha tôi đang bị ở
tù. Cha tôi hiền lành và vui vẻ lắm, tôi chưa thấy ông nặng lời
với ai. Cha tôi phạm tội nặng lắm hay sao mà phải ở tù?
Mẹ tôi vất vả kiếm sống. Đồ đạc trong nhà tôi lần
lượt ra đi. Mỗi một món ra đi là mẹ khóc nhớ cha. Mẹ nhắc lại
kỷ niệm của mẹ và cha gắn bó với những vật đó. Mẹ tôi dù là
"nghiêm mẫu" đi nữa vẫn là đàn bà, và vẫn chảy nước mắt
nhiều lần. Từ ngày vắng cha, mẹ tôi ít nghiêm khắc với chúng
tôi. Khi mẹ viết thư cho cha, mẹ bắt chúng tôi cùng viết thư chung
với mẹ. Thư của cha gởi về, cái nào cũng nói là cha khoẻ
mạnh. Lần nào ông cũng nhắc nhở tôi là anh lớn trong nhà, phải
giúp mẹ mọi việc lớn nhỏ, các em phải nghe lời mẹ và tôi. Cha
khẳng định lúc nào cũng thương nhớ chúng tôi. Nhận được thư
cha, cả nhà vui vẻ vô cùng, vì biết cha còn sống, tuy rằng sống xa chúng tôi
muôn trùng. Nhưng đêm đó, mẹ tôi ôm lá thư vào giường để khóc lẻ loi một
mình.
Lớn thêm một chút
nữa, tôi hiểu vì sao cha tôi ở tù và ở tù khổ sở như thế nào. Tư trang của
mẹ tôi bán hết thì tới ti vi, tủ lạnh, tủ thờ, bàn, ghế... vĩnh
biệt chúng tôi, mà cha thì vẫn biền biệt ở núi rừng Trung du Miền
Bắc. Hè về, mẹ đi thăm nuôi cha, tôi phải ở nhà trông nom, cơm nước
cho hai em, và mưu sinh với những tấm vé số. Trước nhà, mẹ tôi
đặt một cái bàn để bán vé số. Tôi và đứa em kế thay phiên nhau bán phụ mẹ
những lúc không ở trường. Tôi nhớ tới câu ca dao mà mẹ tôi đã từng hát ru cho
em tôi ngủ khi còn bé mà đau xót và nhớ thương ông vô cùng:
"Còn cha gót đỏ như son,
Đến khi cha mất, gót con đen xì."
Ngày xưa, có
cha bên cạnh, tuy rằng cha phải đối diện với lằn tên mũi đạn hằng ngày, nhưng
chúng tôi chưa từng thiếu ăn, thiếu mặc, đói khổ như thế này. Cơm
tuy không cao lương mỹ vị nhưng đủ ăn mà còn có thịt cá ngon lành, áo quần
chẳng những đủ mặc mà còn mặc đẹp. Không khí gia đình chúng tôi vui
vẻ, đầm ấm. Chúng tôi sống hạnh phúc bên nhau. Bây giờ chỉ còn
một mình mẹ bên cạnh, tôi cảm thấy hụt hẫng. Bốn mẹ con
tôi thiếu đi một điểm tựa vững chắc trong đời. Có nhiều lúc
tôi thấy cần vô cùng một người cha bên cạnh để được tâm
sự. Nhìn những đứa trẻ khác có cha bên mình tôi thèm
thuồng vô hạn.
Mười năm bị đày ải trong
lao tù, cha tôi được ra về với thân xác còm cõi, gầy đét, đen đúa, tay chân
chai cứng. Ngày xưa, cha tôi đẹp trai và oai phong biết bao nhiêu.
Cha là thần tượng của tôi. Đã có nhiều lần cha hỏi tôi:
- Cục Cưng của ba, lớn lên làm
nghề gì nào?
- Con sẽ lái máy bay giống ba vậy.
- Lúc đó, hết chiến
tranh rồi. Kiếm nghề khác làm đi, con.
- Không, con chỉ thích giống ba thôi.
- Ừ, cũng được. Nhưng phải hơn cha mới
là nhà có phúc.
Bây giờ hết chiến tranh rồi,
nhưng tôi không bao giờ được lái máy bay để bảo vệ vòm trời Tổ quốc
như cha tôi. Tôi đang ngồi bán vé số đây, không biết tuơng lai rồi
ra sao. Trước viễn ảnh tôi bị gọi đi nghĩa vụ quân sự,
và bị đưa đi Campuchia để xâm lăng nước láng giềng và bỏ
thây nới xứ lạ, cha tôi tìm cách đưa tôi cùng vượt biên với ông. Cha
tôi có người cùng quê cần người biết xem hải đồ và định tọa độ, nên cho cha tôi
đi miễn phí. Cha tôi đã nài nĩ chủ ghe thêm tôi và em trai kế đi
cùng. Nhiều lần nằm bờ, núp bụi, lội sình, lội sông, ém bãi... thất bại hoàn
thất bại, lại thêm các trại tị nạn đóng cửa, cha tôi đành bỏ cuộc, lo đi theo
diện H.O. Trong thời gian chờ đợi, cha lo chuyện kiếm sống, bắt
anh em tôi lo việc học hành, bỏ bán vé số. Nhìn dáng cha ốm yếu, gầy còm
đạp chiếc xe cũ kỹ "chạy sô" dạy Anh văn tư gia, tôi thật muốn
bỏ học để cùng cha mẹ lo cho gia đình. Cha nhịn ăn, nhịn mặc gom góp
tiền "cúng" cho bọn chính quyền điạ phương để hoãn nghĩa vụ
quân sự cho tôi, tôi vô cùng chua xót. Có những buổi tối về tới
nhà, cha uể oải, ngồi vào bàn cơm đạm bạc, tôi đau lòng. Đã vậy cha còn dạy
thêm cho anh em chúng tôi Anh văn. Tuy thế, tôi chưa thấy cha
tôi lớn tiếng hay nặng lời với ai, lúc nào ông cũng ăn nói hoà nhã, vui vẻ
với mọi người.
Rồi cũng tới
những ngày chúng tôi sắp rời bỏ quê hương xóm làng, bỏ người thân
và bạn bè để đi Mỹ. Tinh thần chúng tôi phấn chấn, tuy
nhiên mặt mày cha mẹ tôi hiện vẻ u sầu. Quê hương này cha tôi đã từng đổ
máu để bảo vệ mà đành phải bỏ lại ra đi. Còn ông bà nội tôi nữa.
Ông bà tôi già lắm rồi, bỏ lại ông bà cũng là một
quyết định đau lòng của cha tôi. Tôi biết cha tôi đã
chọn tương lai của chúng tôi mà đành đoạn bỏ lại quê hương và cha
mẹ. Cả tháng trước khi đi, cha tôi nhiều lần ngồi hằng giờ và
nhắc kỷ niệm ngày cha còn bé với ông bà nội. Cha tôi là người vui vẻ
lạc quan là vậy mà ngày ra phi trường Tân Sơn Nhất, tôi thấy mắt cha
tôi đỏ hoe.
Ngay những
ngày tháng vừa đặt chân trên nước Mỹ, anh em chúng tôi được nhà
trường và xã hội Mỹ giang rộng tay đón nhận, đùm bọc. Chúng tôi
vừa học vừa làm để đỡ đần phần nào cho cha mẹ. Chả bù ngày
xưa ở VN, cha con tôi muốn tìm một việc làm mà không ai
mướn. Mẹ tôi bị bắt buộc thôi dạy học khi nộp đơn đi
nước ngoài vì "ôm chân đế quốc, tư tưởng không vững vàng, không thể
dạy học trò yêu nước yêu Xã Hội Chủ Nghĩa được". Còn mấy anh em
tôi bị bà hiệu trưởng Bắc Kỳ 75 buộc thầy cô chủ nhiệm của chúng tôi đánh
giá đạo đức trong học bạ từ hạng tốt xuống trung bình vì
"tội" theo cha mẹ "ôm chân đế quốc". Khi qua Mỹ,
tôi vào ngay Đại Học Cộng Đồng và được hưởng chương trình giúp đỡ cho
sinh viên thuộc gia đình có lợi tức thấp là Financial Aid và Work Study.
Hai em tôi vào trung học. Anh em chúng tôi quyết tâm vượt lên
trong xã hội mới này nên nỗ lực, chuyên cần học hành. Ngay cuối năm
học đầu tiên, hai em chúng tôi nhận được những lời khen
ngợi không ngớt của thầy cô giáo. Có một câu nhận xét và phê bình
của người thầy Mỹ về đứa em học lớp 12 làm chúng tôi
nhớ đời. Đó là câu: " Em... tiến bộ vượt bực.
Gương học tập này đáng để cho cả chính tôi noi theo."
Thầy noi gương trò, nếu trò làm tốt, nếu trò là gương sáng! Một nhận
xét phê phán bình đẳng, trung thực, không bị chi phối bởi chính trị,
bởi lý lịch, bởi cha mẹ làm, con bị ảnh hưởng lây như ở trường
học XHCN VN. Chả trách đất nước người tiến bộ như thế mà
ta tuột hậu là vậy.
Dần dà cuộc sống của
gia đình tôi được ổn định. Cha tôi tìm được một
việc khá hơn. Cha khích lệ mẹ đi học lấy bằng cô giáo nhà trẻ.
Có thì giờ rỗi rãnh, cha tôi tìm gặp lại bạn bè cũ, và tham gia các
công việc trong Cộng Đồng như gây quỹ giúp trẻ mồ côi, thương binh
VNCH còn đau khổ ở trong nước, tham gia những cuộc biểu tình đòi hỏi tự do,
nhân quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Cha tôi ở bên này bờ
Thái Bình Dương mà trái tim ông để lại bên kia bờ. Vào
những ngày lễ hội, cha thường dẫn anh em chúng tôi cùng tham dự. Cha
tôi mong muốn chúng dù tôi ở quê người vẫn không quên nguồn
cội và ao ước một ngày nào đó, khi cha không còn bên cạnh, chúng
tôi sẽ tiếp tục công việc dang dở của thế hệ ông. Ông thường nói
với chúng tôi thế hệ của ông đã không làm tròn trách nhiệm và bổn phận với quốc
gia dân tôc, đã để đất nước lọt vào tay Cộng Sản khiến dân tộc lầm than, mất
những tự do căn bản của con người, đất nước tụt hậu, mất đất, mất biển mà
hàng ngàn năm nay tổ tiên đã đổ xương máu để bảo vệ. Bây giờ gánh
nặng nước non này để lại cho thế hệ cháu con. Thật là một gánh quá
sức nặng! Bởi thế cho nên bây giờ còn hơi thở ngày nào
thì ông còn phải trả nợ cho nước non dân tộc ngày đó theo khả năng
của ông. Cha tôi đã phấn đấu, kiên cường trong bất kỳ hoàn cảnh
nào. Mỗi khi tôi gặp trắc trở trong đời, cha tôi là tấm gương để
tôi noi theo, ngẩng cao đầu mà tiến bước.
Bây giờ thì ông
già yếu lắm rồi, đi phải có gậy chống, và đầu óc không còn minh
mẫn nữa, nhưng cha tôi vẫn là tấm gương sáng để tôi noi theo, vẫn là cột
trụ vững chắc cho tôi dựa. Ông là ngọn Thái Sơn của anh em chúng
tôi. Nhân ngày Father's Day, tôi viết bài này để vinh danh
cha tôi, người cha trọn đời sống vì đất nước, dân tộc, và
gia đình, cũng để nói lên tình yêu thương vô vàn, lòng tôn kính không
cùng của anh em chúng tôi đối với Cha Tôi.
vhp.Hạ Vũ
(Viết thay cho con của một chiến
sĩ VNCH)
Chú thích
* Tha Tào: Nhắm mắt bỏ qua
No comments:
Post a Comment