Friday, June 5, 2015

Hoan Hô, Đả Đảo & Mùa Đổ Xoài - Bình Nguyên Lộc


Hoan hô, đả đảo

 


Cũng cứ những năm tôi lên năm, lên sáu hay lên bảy không còn nhớ kỹ vì tôi viết hồi-ký nên hơi lẩm-cẩm chớ không thể đích-xác được như cụ Vương-Hồng-Sển viết theo tài-liệu của viện khảo-cổ.

Năm ấy có một ông quan gì to lắm đi học bên Tây về nước.  Về sau tôi mới biết đó chỉ là một du-học-sinh hồi-hương, sau khi đỗ bằng kỹ-sư canh-nông tên là Bùi-Quang-Chiêu chớ còn đối với dân-chúng thuở ấy và trẻ con chúng tôi hễ ai nổi danh là quan lớn tuốt hết.

 Ông Bùi-Quang-Chiêu sắp đổ-bộ ở bến tàu Sàigòn thì có một bọn đa-sự có lẽ cũng cứ cái bọn bán xác cụ Phan-Châu-Trinh tổ-chức đi đón „cụ“ mà họ cho là một nhơn-tài lỗi-lạc làm rạng danh nước nhà.

Kể ra thuở ấy mà đỗ bằng kỹ-sư thì cũng le thật đó, nhưng cho là nhơn-tài lỗi-lạc thì hơi ngờ.

Cụ Bùi vừa đổ-bộ thì có một anh Tây lai làm ký-giả tên là De Lachovrotière xuống bến tàu gây-sự với cụ và uýnh nhau với cụ.

Tức thì cả Sàigòn nổi lên biểu-tình đả-đảo họ Đờ, cho rằng y đã xúc-phạm đến một nhà đại ái-quốc Annam.

Tờ báo hằng ngày Trung-lập-báo của họ thì đang chạy như tôm tươi nhờ đăng tiểu-thuyết của nhà văn Phú-Đức, bị tẩy-chay, không làm được một số, có lẽ nhờ chính ông Phú-Đức cũng tẩy-chay báo ấy, không thèm viết cho Tây lai nữa, chớ độc-giả thì chắc đã trung-thành với tờ báo bởi họ mê Phú-Đức quá sá mê.

Hai động-từ hoan-hô, đả-đảo đã được dùng từ thuở ấy rồi và bọn nhái ranh như tôi cũng hoan-hô đả-đảo còn mạnh hơn người lớn nữa.

Tôi thú-thật là tôi hoan-hô đả-đảo theo ông Phú-Đức mà tôi mê, chớ tôi không hề biết ông Đờ, ông Bùi gì hết ráo.

Tôi vẫn cứ là một cậu bé nhà quê nhưng mọi tháng được theo cha mẹ đi Sàigòn lối ba bốn chuyến nên có thể tự coi mình là dân Sàigòn ngang xương không thèm mua Trung-lập-báo nữa, lại còn đùa bằng câu đùa cửa miệng của dân Sàigòn: „Trung-lập-báo nói láo ăn tiền“.

Mãi về sau tôi mới biết rằng cụ Bùi trung-thành với mẫu-quốc Lang-sa còn hơn anh Tây lai kia nữa, và trận đánh lộn chỉ là một trận đánh cụi, do công-an Pháp tổ-chức để gây uy-tín cho cụ Bùi mà phủ Toàn-quyền đã chọn làm „con ngựa“, một chánh-khách có vẻ yêu nước, trung-lập, nhưng bên trong vẫn cứ là người của Pháp.

Ơ hơ … té ra thuở ấy chánh-trị cũng đã khá đểu-giả rồi và người ta đã biết dựng đứng lên những anh-hùng dân-tộc rất là uy-tín … nhân-tạo.

Cũng như vụ đám tang cụ Phan đã làm cho tôi sợ các tổ-chức, vụ hoan-hô đả-đảo ông Đờ làm cho tôi sợ chánh-trị kể từ thuở thiếu-thời, mà cái tức ấm-ách là không được đọc tiểu-thuyết đánh nhau chí-tử của ông Phú-Đức nữa.

Tôi đã thề rằng ngày sau lớn lên, tôi sẽ viết tiểu-thuyết đánh nhau giỏi như ông Phú-Đức để cho tôi đọc.  Nhưng tôi đã lỗi hẹn với tôi vì xin thú-thật rằng (không phải khiêm-nhường giả đâu nhé) tôi không biết viết loại đó.

Dầu sao, tôi cũng đã phục lăn ông Phú-Đức đã dám bỏ chén cơm để ủng-hộ một anh-hùng dân-tộc … giả.  Nhưng thuở ấy nào ai biết là giả hay thật.  Sự hy-sinh của nhà văn Phú-Đức vẫn đầy-đủ giá-trị như thường.

Bình Nguyên Lộc

 

Mùa đổ xoài
 
 

Dân-tộc Việt-Nam đã khá văn-minh rồi, nếu đứng về khía-cạnh xoài mà nói.

Thuở ấy, tháng nầy xoài mới kết quả, và trái xoài phải đợi mấy tháng trường để lớn lên, để chín, chớ có đâu mà hăm ba Tết đã có bán xoài như ngày nay.

Nhưng y như ngày nay, vào thuở ấy bắt đầu các mùa dịch ở Sàigòn.
Vì bài có giới-hạn nên kỷ nầy chỉ nói đến dịch thổ-tả mà thôi.

Thuở ấy, dân Sàigòn đã trả một giá rất nặng cho Quan-Ôn, vì ta chưa tin lắm rằng có con vi-trùng, chưa tin nơi sự linh-nghiệm của việc chích thuốc ngừa, và tệ hơn, ta lại tin rằng chích-thuốc ngừa dễ chết hơn là cứ để vậy.

Đô-thành đã phải cho cảnh-sát đi đón đường để lùa khách bộ-hành cho các thầy y-tá chích thuốc, ai mau chơn, thoát khỏi tay cảnh-sát mới bị Quan-Ôn bắt đi, còn kẻ nào chậm bước được xuống mồ trễ muộn.

Tuy-nhiên mỗi năm cũng chỉ có vài ngàn người chết dịch mà thôi, không hơn bây giờ mà mỗi năm cũng có đến vài ngàn cô cậu cởi xe gắn máy rồi cởi chạy luôn xuống âm-phủ cho hay ta có văn-minh hơn, biết tự-động đi chích thuốc ngừa dịch-tả, ta cũng chẳng thoát chết.

Ta chỉ hơn người xưa là nhựt-trình có loan tin ta chết vì cởi xe Honda, xe Suzuki, còn người xưa thì chết âm-thầm trong nhà thương Chợ Quán.

Vậy Đô-thành đã làm tròn sứ-mạng.

Đô-thành lại còn làm hơn sứ-mạng nữa.  Cứ hễ tới mùa dịch là ty vệ-sinh Đô-thành phái nhơn-viên săn-sóc vệ-sinh khắp các phố, chỉ-thị rất rõ, chỉ phiền là rõ đối với người có học, chớ nó rất là mơ-màng đối với người dốt.

Chỉ-thị là xem nơi nào có rác-rến thì cho sở rác hay sở ấy tẩy-uế, ở đâu bán thực-phẩm sống-sít thì đổ đi, nếu người bán không bằng lòng mang về đổ lấy ở nhà họ.

Các bác nhơn-viên ấy, không buồn biết đến con vi-trùng, cho nên những xe bán bánh mì thịt, những gánh bì cuốn ruồi nhặng xanh, con nào cũng to bằng ngón tay, bu đầy các thúng mẹt, vẫn được yên thân, trong khi đó thì các gánh xoài sống bị đại-bố-ráp.

„Sống-sít“ của ty vệ-sinh có nghĩa là không được nấu chín, như bì cuốn chẳng hạn.  Nhưng các bác nhơn-viên lại hiểu rằng đó là trái cây chưa chín.

Xoài có vỏ.  Ruồi bu Xoài, chỉ bu ngoài vỏ thôi.  Người ăn Xoài, luôn-luôn gọt vỏ mà bỏ.  Như thế, ăn Xoài sống, đâu có nuốt phải vi-trùng như ăn bì cuốn!

Vì sự thi-hành lịnh trên, không được kiểm-soát, mà ông thông-ngôn dịch hai tiếng „non cuits“ ra là sống-sít, không giải-thích rõ-ràng, nên xoài sống bị tịch-thu hết gánh nầy đến gánh khác mà dân Sàigòn vẫn cứ lăn đùng ra mà chết dịch thổ-tả, khiến không ai biết đâu mà rờ cả, các chị bán xoài không hiểu sao xoài của họ bị tịch-thu hoặc bị đổ xuống sông Ông Lãnh, sở vệ-sinh không hiểu sao họ hoạt-động mạnh thế mà Quan-Ôn cứ hoành-hành, các bác nhơn-viên kinh-ngạc thấy rằng họ làm đủ phận-sự mà sếp lại không vừa lòng.

Thời nay, ta hơn thuở ấy rõ-rệt là không còn phải nhờ thông-ngôn dịch lịnh trên một cách mơ-hồ nữa!

Tuy nhiên lịnh trên vẫn còn bị thi-hành sai-lệch (không còn nói chuyện thổ-tả nữa đâu nhé) là tại làm sao?

Người dân mong-mỏi không còn mùa đổ xoài nào nữa cả.  Mùa đổ xoài, nên hiểu là những trường-hợp quan bảo một đường, thơ-lại làm một ngã, cố-ý làm sai vì lợi riêng, chớ không thể bảo rằng hiểu lầm chỉ-thị.

Những „Mùa đổ xoài“ là những việc thất-nhơn-tâm do cấp thừa-hành gây ra.  Nhưng cấp chỉ-huy nên biết rằng có sự-kiện sai-lệch ấy!  Ra lịnh không chưa đủ.  Cần kiểm-soát.  Người kiểm-soát phải là những người đại-liêm-khiết, không có tinh-thần bồ-bịch mới xong.

Bình Nguyên Lộc

 

 

 

 

No comments: