Những cái cột đèn
Thời thơ ấu,
ở trong một thành phố nhỏ, có hai thứ âm thanh luôn luôn ám ảnh tôi, đó là
tiếng chuông chùa và tiếng còi tàu. Trong khi tiếng chuông chùa mang lại sự
thanh thản, an nhiên cho những cuộc đời thầm lặng thì tiếng còi tàu luôn luôn
thúc giục, kêu gọi thoát ra khỏi những cảnh đời trói buộc, như lời vẫy gọi cho
những chuyến đi xa.
Con tàu sẽ đi qua những cánh đồng bát ngát, hít thở lấy mùi vị của cỏ
cây, đồng nội; con tàu sẽ chạy qua những nhịp cầu với dòng sông còn ngái ngủ,
phủ đầy màn sương buổi sáng; con tàu sẽ chạy đến những thành phố xa lạ, mái
ngói lô nhô đầy ánh nắng, gửi những tiếng còi dội vào vách núi, tỏa ra trên bờ
cát trắng đang được vỗ về bởi những đợt sóng biển nhẹ nhàng.
Tôi có những người bạn đã may mắn, một ngày lên những con tàu ấy để ra
đi. Khi trở lại, họ đã là một con người khác, những thay đổi dưới mắt tôi, là
sự tươi tắn, tự tin và cả cuộc sống mới đã làm tôi thèm thuồng, mơ ước.
Còn tôi, trong tuổi ấu thơ, tôi trở về dưới mái nhà tù mù ánh điện vàng, ngạt thở
với cái gia đình, nơi đó, tôi đã sinh ra và lớn lên. Mái ấm gia đình nào cũng
thân quen, hiền hậu, quyến luyến, không ai muốn bỏ đi, nhưng với tôi là một
khung cảnh buồn thảm, phiền muộn.
Những đứa trẻ vừa mới lên quá tuổi mười lăm vẫn thường ghét gia đình
cũng như tâm trạng một người vừa đến tuổi trưởng thành muốn rời bỏ thành phố
mình đang ở để đi đến một nơi khác. Cho đến một ngày kia, tôi đã được lên con
tàu ấy, khởi đầu cho một chuyến đi xa. Rồi con tàu bỏ nhà ga, để lại tất cả
ngôi nhà, con sông, chiếc cầu, những khuôn mặt thân quen, bạn bè, cùng những kỷ
niệm của thời học trò. Tất cả hình ảnh hai bên con tàu đều chạy giật lùi về
phía sau, xa dần, rồi khuất trong tầm mắt. Tôi không hề tiếc nuối, lưu luyến
những gì giờ đây đã ở lại sau làn khói đen. Con tàu chạy mãi về phía trước, đi
xa và xa mãi.
Không những chỉ đến Sài Gòn, từ Sài Gòn tôi đã vượt qua đại dương, đi
hết nửa vòng trái đất, để đến những phương trời xa lạ, được tự do thở hơi mặn
nồng của gió biển đại dương, hay may mắn nghe hương thơm của những cánh rừng
lục địa.
Tôi có nhiều người bạn thời thơ ấu, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà
của cha mẹ, khi cha mẹ qua đời ở lại trong ngôi nhà ấy. Người bạn này trở thành
thầy giáo và trở lại dạy ở ngôi trường cũ mình học, kết hôn với một cô giáo
cùng trường và nuôi con cũng lớn lên trong ngôi nhà cũ, mái ngói đã rêu phong
ấy. Ngôi nhà mà hai mươi năm về trước tôi đã đứng ở ngoài cổng gọi tên anh cùng
đi học, hai mươi năm sau, trở về thành phố cũ, tìm thăm lại bạn ngày xưa, cũng
đã gặp lại anh trong ngôi nhà ấy, có thể cũng được ngồi lại trên bộ “trường kỷ”
ngày xửa ngày xưa ấy. Có khác chăng là chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành mỗi
người mỗi cách, và gần như định mệnh đã trói buộc anh, gần nửa cuộc đời, gắn bó
với những gì, mà có lẽ đối với tôi, đã trở thành dĩ vãng. Trong câu chuyện,
người bạn cũ của tôi đã thổ lộ ý nghĩ của anh, là được như tôi, không phải vì
cái địa vị hay công việc tầm thường của tôi, mà chuyện được đi xa và sống xa cái
thành phố này.
Đối với cư dân Huế, được sống ở Sài Gòn đã là một điều mơ ước. Đối với
người Sài Gòn, những người vượt qua đại dương, đi đến những phương trời xa lạ,
hẳn cuộc sống phải tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Trong cảnh đời thay đổi, nay sống, mai chết, cơn lốc của chiến tranh đã
chia lìa, xô đẩy người ta đi xa, từ một ngọn nguồn, chia ra làm trăm hướng. Có
những sự thay đổi khốc liệt đến ngỡ ngàng, đau xót, cảnh “thương hải, tang
điền,” chuyện “sông kia rày đã nên đồng,”để một đêm trở mình xót xa thế sự, “giật
mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!”
Thế nhưng vẫn có những người ở một chỗ, đứng một nơi, vẫn có những cuộc
đời bất di bất dịch như một cái nhà ga nhỏ, ở một quận lỵ xa xôi nào đó, chứng
kiến biết bao những chuyến tàu đi qua, hối hả với những tiếng máy hào hển, nhả
những tàng khói đen trở lại, trong khi nhà ga vẫn đứng đó nhìn theo, và vì nhà
ga không có đôi mắt nên không cảm thấy hơi cay mà nhỏ lệ.
Câu chuyện này làm tôi liên tưởng người cô già, trong khi anh em, con
cháu đã tản mác hay lưu lạc bốn phương trời, cô vẫn còn ở đó, dưới mái từ đường
cũ nát, nơi cô đã sinh ra và lớn lên, chịu cảnh thiệt thòi góa bụa, để lo hương
khói và mồ mả cho ông bà, cha mẹ. Không có cô, ai còn lo được chuyện này!
Tôi còn nhớ rõ người đàn bà ngồi bán vé sau “guichet” của rạp chiếu bóng
thường trực Vĩnh Lợi trên đường Bonard ngày nào, sau ngày gần một triệu người
bỏ miền Bắc di cư vào Nam. Tôi nhớ rõ khuôn mặt và hình ảnh của bà, trong những
ngày bỏ học cùng bạn bè chui vào rạp giữa một ngày Sài Gòn nóng bức. Lúc nào
cũng thấy bà mặc một bộ y phục màu đen, không hề nghe bà nói, cũng chẳng bao
giờ thấy bà cười. Hơn mười năm sau, sau khi lập gia đình, sinh con đẻ cái, vào
quân đội, đi nhiều nơi, một ngày trở về thành phố, ngang qua rạp Vĩnh Lợi ngày
xưa, tôi vẫn thấy bà lặng lẽ ngồi đó, như tôi đã thấy bà nhiều năm về trước.
Hình như mọi sự thay đổi, xáo trộn ở ngoài kia, bà không có can dự hay bà không
cần biết tới.
Tôi nghĩ đến những cái cột đèn cùng những số phận của nó.
Ngày xưa ở cái thành phố nhỏ, nhà chật, trời nóng, nhiều muỗi, lũ trẻ
vẫn thường đem sách ra ngồi dưới vùng ánh sáng của ngọn đèn đường để học bài.
Rồi lũ trẻ lớn lên, đỗ đạt, ra đời, mỗi người đi mỗi hướng, già đi hay thay đổi
cùng thời gian. Chúng đã trở lại cái xóm cũ ấy đã bao lần, nhưng vô tâm, thờ ơ,
có bao giờ nhớ tới hay nghĩ tới cái cột đèn ngày xưa đã cho bọn trẻ một vùng
ánh sáng của chữ nghĩa trong thời thơ ấu.
Bây giờ những chiếc cột đèn không còn mang nguồn ánh sáng vàng vọt nữa,
mà tràn đầy một vùng ánh sáng của ngọn đèn huỳnh quang, nhưng vẫn chôn chân nơi
ấy, như mỗi số phận đã được an bài cho mỗi người.
Cũng những cái cột đèn đó, trên mình đã mang bao nhiêu khẩu hiệu, qua
thời gian và thời đại, được cột trên mình với bao nhiêu sợi thép cứng, da thịt
là vôi vữa trên thân thể đôi khi đã vỡ nát, có nơi lòi cả bộ xương sắt thép đã
hoen rỉ.
Có những cái cột đèn mà số kiếp đọa đày, bỗng dưng một ngày nọ chịu mang
trên mình bao nhiêu chiếc loa nặng nề, để từ đó nhận bao nhiêu lời nguyền rủa.
Có thể ngày xưa, những chiếc cột đèn đó đã mang lại ánh sáng cho những vùng tăm
tối, nhưng ngày nay chúng mang lại tai họa cho mọi người trong thành phố, với
những âm thanh cuồng nộ, chát chúa, như giọng sủa hỗn xược của những con chó
muốn chồm đầu vào khung cửa nhà người khác.
Có những chiếc cột đèn mà số phận hẩm hiu sinh ra và nằm cạnh chiếc cửa
sổ nhà ai, có thể ngày xưa đã có lần hãnh diện, dù đêm đã khuya, còn rọi ánh
sáng vào căn phòng của cô tiểu thơ nhà nọ, nhưng hôm nay lại mang đại họa lại
cho cả gia đình này, khi mà người ta không thể bỏ đi, chạy trốn số phận cay
nghiệt của định mệnh, đành phải ở lại với tai ương suốt cuộc đời còn lại.
Những cái cột đèn đã bị chôn chân, bị trói tay, không đường vùng vẫy,
cựa quậy.
Những cái cột đèn chờ một trận động đất, một cơn bão lửa, hay một trận
cuồng phong.
Tôi thấy tôi thương cho những cái cột đèn!
Những cái cột đèn chôn mình suốt đời theo cùng số phận.
Huy Phương
(304Đen – Llttm)
No comments:
Post a Comment