Wednesday, June 17, 2015

Cuộc Đời Đi Học - Nguyễn Thành Nhơn


CUỘC ĐỜI ĐI HỌC

 

 

 

Trích: “ Sài Gòn, cùng với những trường nữ trung học công lập Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sương Nguyệt Anh cũng còn trắng trời áo dài với những trường nữ trung học tư khác như Thánh Linh, Hồng Đức… đã nhốt hồn những chàng trai mặt bắt đầu nổi mụn trứng cá và vỡ giọng với những thổn thức “áo ai trắng quá nhìn không ra”..(thơ Hàn Mặc Tử).. (Hoàng Thanh Trúc (Danlambao ) = Không có Hồ Chí Minh, Trưng Vương Gia Long thơ mộng biết bao! )

“ Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song

Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ
Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ
Hè về gieo ánh tơ ! “

Để gởi cho ai một thời áo trắng Gia Long

Giữa lúc Mùa Thu của cuộc đời, ngồi buồn lẩn thẩn vẽ vời về kỷ niệm tuổi Thanh Xuân. Thuở nhỏ, ai cũng từng cắp sách đến trường, ít thì cũng đôi ba năm sơ cấp trường làng, cho biết đọc, biết viết với người ta. Khá hơn một chút thì lần mò ra tỉnh kiếm cái bằng Tiểu học lận lưng. Còn như trì chí, lấy cho được cái bằng Thành Chung, hoặc bảnh hơn, là cái “đíp lôm” Tây (B.E.P.C. Trung Học Đệ Nhất Cấp, chương trình Pháp), thì chức Thầy Thông, Thầy Ký, Thầy Giáo Sư Phạm là trong tầm tay. Còn những ai gan lì, xông pha xuống tận Saigon, vác cho được cái bằng Tú Tài thì…ôi thôi! cuộc đời sắp sửa nở hoa. Tiến lên thì Giáo sư, Kỹ sư, Luật sư mấy hồi. Đặc biệt, những tay yên hùng, chen chân được vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Saigon thì cái câu thách đố “Phi cao đẳng bất thành phu phụ” dư sức thừa đương.

Nhưng mà, muốn được như vậy thì cũng phải trầy vi, tróc vảy, chịu lắm gian nan chớ đâu phải dễ. Thử nghĩ mà coi, suốt mười lăm mười bảy năm trường, miệt mài đèn sách, trí óc hao mòn, thân hình gầy guộc chứ đâu phải ít. Đã vậy thì chớ, từ buổi thanh thiếu bước vào tuổi trưởng thành, làm sao tránh được việc yêu đương. Cho nên ngoài cái “hành” của việc học còn đèo bồng thêm cái “hành” của việc yêu. Gặp khi tình yêu trắc trở thì nỗi gian nan của việc học làm sao so sánh được nỗi đau đớn của việc yêu. Cho nên mới nói:

Lưu ly nửa nước, nửa dầu

Cuộc đời đèn sách, qua cầu mới hay!

Trường làng Bưng Cầu

Hè năm 1944, ba tôi gởi tôi vào học trường xóm của thầy giáo Ợt để tập làm quen với mặt chữ trước khi chánh thức vào học lớp chót trường làng. Làng nói đây là làng Tương Bình Hiệp, Quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Tôi học lớp chót với Thầy Ngộ. Thầy tuy nghiêm khắc nhưng ít đánh, mặc dầu có sắm cái roi ngựa cùn cầm tay dá dá, dọa nhiều hơn đánh. Năm đó tôi học giỏi đến nỗi có lần Mợ Sáu Hà Văn Khuyên dạy lớp Nhì, mượn tôi qua làm toán chia, biểu diễn cho các anh, chị lớp trên xem chơi. Thế rồi kỳ nghỉ hè đến. Những cuộc rượt đuổi, bắn ống thụt nước tiếp diễn từ Mội Chợ đến Mội Thầy Thơ. Sau buổi cơm chiều, lơn tơn xuống bãi chợ. Nào đạp lon, cút bắt. Nào rượt đuổi, cá sấu lên bờ trên các sạp chợ.

Bất đồ, quân Nhật kéo đến, chiếm trường làm đồn bót. Kế đến biến cố “Mùa Thu rồi, ngày hăm ba…” tức là Nam Bộ Kháng Chiến. Rồi tản cư lên tận Long Nguyên, Bến Cát. Lúc hồi cư thì trường học lại bị Tây chiếm, làm bót. Viên chức Làng mới mượn rạp hát phía sau Nhà Việc, tạm làm lớp học. Tôi vào học lớp Nhì trường Làng với Cậu Sáu Hà Văn Gương. Cậu la hét cũng dữ mà khẻ tay, cốc đầu cũng nhiều, cho nên thằng cháu họ học cũng giỏi. Chưa hết niên học, thì ban đêm Việt Minh lò mò về gần xóm Chợ, nên ba tôi lật đật dọn nhà về chợ Thủ.

Trường Tiểu học Phú Cường, Thủ Dầu Một

Tôi vào học lớp ba với cậu hai Hà Văn Hạnh (Mấy cậu họ ngoại làm thầy giáo hơi nhiều). Cậu nghiêm nghị, dạy giỏi, nhưng ít rầy, đánh. Chỉ khi nào mấy cậu công tử ở chợ lên bảng làm toán trầy trật thì cậu gọi thằng cháu lên dứt điểm, rồi nói kháy: Coi, học trò trường làng học như vậy đó. Năm đó, tôi đậu bằng Sơ học với Mention Francais chữ đỏ đàng hoàng.

Năm sau, tôi học lớp nhì với thầy Lê Văn Nghĩa. Không hiểu sao lúc nầy tôi học rất dở. Chẳng những bị xếp vào “xóm nhà lá” cuối lớp, lại còn bị đưa xuống lớp Nhì C của thầy Lê Văn Ngữ mới thuyên chuyển về. Tuy vậy, cuối năm vẫn thi đậu lên lớp nhất.

Học lớp nhất với thầy Nguyễn Văn Kia là bạn đánh tứ sắc với ba tôi, nên thầy chăm sóc hơi kỹ, nghĩa là ăn đòn cũng bộn. Đặc biệt, tới giờ viết “đít tê”, không phải là tê cái đít, mà là u cái đầu. Bắt đầu, thầy cởi cái đồng hồ mạ vàng để lên bàn. Tay cầm cây double décimeter dài hai tấc, bản to, dày cộm lên. Lập tức, âm thanh cốc, cốc, bịch vang lên. Càng về phía xóm nhà lá, âm thanh càng nhặt. Chẳng là khi thầy gỏ cốc, cốc lên đầu thì phản ứng tự nhiên, đưa tay ra đở. Thầy bèn nện xuống lưng cái bịch.

 Còn mấy tháng tới kỳ thi Tiểu học thì chẳng may ba tôi bị Việt Minh bắt cóc. Tôi phải bỏ học, lăn lộn mãi tận miệt Tân Long, Hoá Nhựt để tìm kiếm, rồi lo tiếp tế, thăm nuôi.

Cho nên năm đó, thi rớt bằng Tiểu học.

Năm sau, ngồi lại lớp Tiếp Liên. Lúc nầy tôi sống lêu bêu. Nay ở với cậu Bảy đánh xe ngựa. Mai lên ở với cậu Tư thâu tiền chỗ ở chợ Thủ. Như vậy làm sao học hành cho được, nên cuối năm lại thi rớt Tiểu học lần nữa. Tưởng đã phải bỏ học, may đâu, người cô họ mới lấy chồng nhà binh, đóng ở Châu Đốc, mới đem tôi theo cho có bạn.

Trường Tiểu học Châu Phú, Châu Đốc

Dượng tôi làm quan một (Thiếu Úy) chỉ huy một Đại đội thuộc Tiểu đoàn 11 Khinh Binh. Doanh trại đặt ngay bên bờ Châu Giang, cạnh trường Tiểu học Châu Phú. Chính quan Quản Thường vụ Đại đội (Adjudant de compagnie) là người dắt tôi vào xin học lớp Nhất với thầy Lê Văn Phú.

Không hiểu vì sống lâu lên lão làng (lớp nhất 3 năm) hay nhờ sống giữa đoàn chiến binh hào hùng mà việc học đâm ra khởi sắc. Tôi giỏi toán nhất lớp. Pháp văn chỉ kém bạn Cảnh, giỏi nhất lớp, chút ít. Năm đó là năm đầu tiên Việt hoá chương trình bậc Tiểu học nên Pháp văn trở thành môn phụ kèm. Tôi là học sinh duy nhất của trường Tiểu học Châu Phú đậu bằng Tiểu học với Mention Francais.

Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Bất ngờ Dượng tôi tử trận. Vậy là đành chào giả biệt Dòng An Giang sông sâu, nước biếc, qui hồi xứ Thủ, quê nhà.

Trường Trung học Tư thục Nguyễn Trãi, Bình Dương

Lúc nầy ba tôi đã trốn khỏi trại giáo hóa của Việt Minh, trở về làm việc trên Tòa Bố (Tòa Hành chánh Tỉnh). Nhà cửa không có. May được ông cậu họ, chỉ huy Partisan, Phú Cường, cấp cho căn trại nhỏ xíu, chỉ để vừa đủ cái giường. Đêm đêm, tôi phải vác ghế bố ra dãy nhà bếp của doanh trại nằm ngủ.

Lại thi rớt vào trường Pétrus Ký Saigon, đành phải theo cái nghiệp trường tử, trường tư, vào học lớp Đệ Thất, trường Tư thục Nguyễn Trãi mới lập. Thấy Chị Nô, anh Mười học Pháp văn rất giỏi, nên tức mình quyết học cho bằng. May đâu, thầy Phạm Duy Nhượng (bào đệ của Thạc sĩ Văn phạm nổi tiếng Phạm Duy Khiêm) mới từ ngoài Bắc vô, dạy Pháp văn, rèn luyện cho một chặp. Vậy là cuối năm, tôi đã vượt mặt chị Nô, anh Mười.

Cho nên kỳ nghỉ hè năm đó thật là hào hứng. Nào vượt sông Thủ, từ bến Trường Mỹ Nghệ qua tận cầu Bà Bếp bên phía Củ Chi. Nào đạp xe đạp đường trường lên tận Bến Cát, Dầu Tiếng. Có khi thăm thú núi Châu Thới, Bửu Long bên xứ bưởi Biên Hòa.

Năm sau, vào lớp Đệ Lục. Hồi đó, trường dạy theo chương trình Trung học Pháp nên tất cả các môn học đều được diễn giảng bằng tiếng Pháp. Cho nên. hể trò nào cứng Pháp văn là ăn trùm hết thảy. Tôi học giỏi hầu hết các môn học, kể cả môn Sử Địa do thầy Nhạc sĩ Lê Thương giảng dạy.

Qua năm Đệ Ngũ, quí thầy thấy học trò của mình học cứng cựa nên mới toan tính chọn ra một nhóm học giỏi để cho đi thi nhảy lớp bằng Brevet. Năm đó học hành như điên. Hết lớp ban ngày, tới lớp luyện thi ban đêm do thầy Phạm Duy Nhượng rèn cặp. Cả thầy lẫn trò đều ra sức. Thầy dạy tận tình, trò học hết sức. Chẳng may, cả nhóm 21 trò gởi đi thi năm đó đều rơi đài. Thật ra là duy nhất có một mình tôi đậu thi viết mà không hay, chỉ vì mặc cảm thi rớt nên làm biếng đạp xe đạp xuống Saigon xem kết quả, nên mới ra nông nỗi. Mãi đến cận ngày thi khóa 2, được giấy gọi đi thi vấn đáp mới tá hỏa tam tinh. Đã học mói lại thiếu chuẩn bị nên phải rớt kỳ thi vấn đáp là lẽ dĩ nhiên.

Năm Đệ Tứ, coi mòi không êm nên thầy Phạm Duy Nhượng mới đề ra chương trình song ngữ, để vừa thi Brevet, vừa thi Trung học Đệ Nhất cấp, mới đưa vào Nam để thay thế bằng Thành Chung thời Pháp thuộc. Năm đó, trường mở cuộc thi thử để trắc nghiệm khả năng học sinh. Trong bài thi viết chính tả tiếng Pháp, có một câu thuộc loại biệt lệ ngữ pháp tréo ngoe: Le participe passé s’accorde en genre et en nombre avec l’objet direct placé avant. Cả lớp chỉ có một mình tôi là viết trúng. Vừa về tới nhà đã thấy cô nhỏ “trán vồ, bướng bỉnh” bước vô. Mới thấy mặt, cậu Cả đã run rồi. Kịp khi cô nàng nghiêm nghị hỏi: Tại sao câu đó phải viết như vậy mới đúng? Anh chàng lính quýnh bèn đọc câu thiệu ngữ pháp kể trên. Cô nhỏ chận lại, gắt: Biết rồi! Nhưng tại sao lại như vậy? Bí quá, anh chàng bèn nói đại: Thì tại tiếng Pháp nó như vậy! Cô nàng trán vồ dễ thương bĩu môi, biểu: Nói vậy là trớt he.

Rồi ngoe nguẩy đi dìa.

Lúc nầy, anh chàng đã là thanh niên mười tám, mười chín tuổi, chớ đâu còn bé bỏng. Cho nên có lẽ nào để cho vụ “thắc mắc ngữ pháp” đó trớt he cho đặng. Cho nên kể từ đó mà đi, trong giấc ngủ cô miên, thường mơ màng, lãng đãng bóng hình mái tóc dài, tà áo trắng đó. Những khi rảnh rang, ngồi thơ thẩn, chợt nhớ tới vụ thắc mắc ngữ pháp, bèn rỉ rã ca câu Sơn Nữ:

…Đừng làm thắc mắc cho lòng… trong một thời gian…rồi thương, rồi nhớ.

Sơn nữ ơi! Chiều sương xuống dần…Đợi chờ ai đây?

Thời gian lững lờ trôi… Rồi cũng tới kỳ thi Trung học. Mặc dầu học hành có khi mơ màng, lãng đãng như vậy, nhưng tôi vẫn oanh liệt đậu một lượt cả hai bằng Trung Học Pháp, Việt.

Nơi làng quê, tỉnh nhỏ, vụ nầy trở nên sôi nổi. Ở tỉnh, ông cậu họ nội trăm tiếng Tây: Tu es maintenant double diplomé (cháu nay là Trung học lưỡng khoa). Nơi làng quê Bưng Cầu, Ông ngoại tôi mua tờ báo Tiếng Chuông có đăng danh sách thí sinh thi đậu bằng Brevet, rồi lấy viết chì đỏ, gạch một gạch bự dưới tên thằng cháu ngoại, cầm đi khoe khắp làng, khắp xóm: Nè, coi nè, thằng Đực con của Hai Kim Anh đậu bằng “đít lôm Tây”, nè. Nơi làng quê, tỉnh lẻ, tình gia đình đơn sơ mà thắm thiết là như vậy đó. Sự thành tựu của con cháu nhỏ nhoi như vậy mà vẫn trầm trồ, khen lao không ngớt.

Trường Trung học Tư thục Văn Lang, Saigon

Thừa thắng xông lên. Nghe lời thầy Phạm Duy Nhượng, nhảy qua chương trình Việt để học cho nó lẹ. Bèn vọt xuống Saigon tìm đường nhảy lớp. Hè năm đó, tôi ghi danh vào trường Văn Lang, học lớp Đệ Tam theo chương trình rút ngắn để đầu niên khóa vào lớp Đệ Nhị, thi lấy bằng Tú Tài phần I.

Ngồi chưa ấm chỗ đã thấy cô nàng “thắc mắc ngữ pháp”, áo dài mới trắng tinh, ỏn ẻn bước vô, ngồi ngay bàn học trước mặt. Thế là, ngày ngày, mái tóc huyền che phủ bờ vai đó hiển hiện ngay trước mặt, chớ phải nào trong mơ. Nhưng đành phải cắn răng, ngoảnh mặt làm ngơ, vì chương trình lớp Đệ Nhị hồi đó nặng lắm. Tôi ở nhà người Dì trong xóm nhà lá Vạn Chài, phía sau rạp Văn Hoa, Tân Định. Hàng ngày, đạp xe đạp ra chợ Cầu Ông Lãnh, rồi xuôi xuống cuối đường Cô Giang tới trường. Lớp học là mấy căn phòng của dãy nhà phụ lợp tôn, thấp lè tè và nóng bức, phía sau ngôi nhà xưa, cũ kĩ. Nhưng mà có nhằm nhè gì, miễn thầy dạy giỏi thì thôi. Mà ban giảng huấn lớp Đệ Nhị năm đó cừ thiệt. Đích thân thầy Hiệu trưởng Ngô Duy Cầu dạy Toán. Việt văn do thi sĩ trứ danh Vũ Hoàng Chương đảm trách. Nghe thầy Vũ giảng Kiều thì thôi, hết biết! Vạn vật thì do thầy Nguyễn Văn Đỉnh là giáo sư số một về môn nầy giảng dạy.

Đêm đêm, dưới ngọn đèn ống thông tỏa khói tù mù, ngồi cặm cuội học hành cho đến quá nửa đêm mới nằm lăn ra ngủ. Người Dì cũng đâu có khá giả gì, cho nên việc ăn uống cũng có bề kham khổ. Cuối tuần, lại đạp xe đạp về Bình Dương xin tiếp tế. Nhọc nhằn, vất vả cả năm như vậy, nên công khó cũng được đền bù. Mặc dầu học nhảy lớp, lại thêm nghỉ bệnh cả tháng trời, tôi vẫn hiên ngang thi đậu Tú Tài phần I ngay từ khóa đầu. Cả hai ban A, B của trường gồm cả trăm nhân mạng đi thi, chỉ vẻn vẹn có 8 người thi đậu chớ đâu phải dễ. Vậy là đành phải tạm biệt mái tóc huyền che phủ bờ vai!

Trường Trung Học Pétrus Ký, Saigon

Thời vận hanh thông. Vừa đậu xong Tú Tài phần Một, ông già liền sắm cho chiếc Vespa để đi học. Lúc nầy, thằng Đực làng Bưng Cầu đích thực trở thành cậu Tú chợ Thủ. Cậu Tú muốn nhong nhong lái “ếch bà” chợ Thủ-Saigon đi học cũng được, mà làm biếng ở lại nhà cô Hai cũng xong. Lại còn khỏi phải lo vụ học phí trường tử, trường tư, bởi vì hồi đó, có cái bằng Tú Tài Một cầu chứng thì muốn vào Chu Văn An thì vào, còn muốn vô Pétrus Ký thì vô.

Tôi vào học lớp Đệ Nhất, Pétrus Ký. Đây là lớp Đệ Nhất đầu tiên dạy chương trình Việt của trường, nên quí thầy giảng bằng tiếng Việt xem chừng kém phần lưu loát. Môn Triết do Cha xứ Củ Chi Nguyễn Khiết giảng dạy. Mặc dầu Cha có tới 3 bằng Cử nhân mà giảng dạy có phần “kiệm ước”. Tôi phải chạy ra học lớp đêm với Giáo sư Trần Bích Lan (Nhà thơ Nguyên Sa) dạy Triết nổi tiếng, mới từ bên Pháp về. Vạn vật là môn chính yếu của Ban Khoa Học Thực Nghiệm do Giáo sư Lê Văn Tuyên giảng dạy. Tuy thầy rất quen thuộc chương trình Việt và dạy Vật Lý khá nổi tiếng, nhưng xoay qua dạy Vạn Vật lại thiếu sắt bén. Để cho chắc ý, tôi lại phải chạy đi học lớp đêm với thầy Nguyễn Văn Đỉnh. Lại thêm không biết tại sao đầu óc lúc nầy dường như trống rỗng, nghe giảng Thiên văn học, tai nọ xọ tai kia. Cho nên, đáng lẽ năm Đệ Nhất học hành thong thả mà lại thành ra luộm thuộm. Tuy vậy vẫn giựt được cái Tú Tài Toàn Phần êm ả.

Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Saigon

Đậu Tú Tài Toàn Phần xong, tôi ghi danh vào học chứng chỉ Lý-Hoá-Sinh, chuẩn bị vào Đại Học Y Khoa, lăm le ra làm Bác Sĩ. Học được nửa năm, coi mòi không kham, bèn dòm quanh, dòm quất tìm đường di tản. Đầu tiên, nạp hồ sơ dự thi vào Đại Học Sư Phạm. Nhưng, nhìn lại bộ ngực Oméga, lép kẹp, xem ra không khá, bèn nạp đơn thi vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Tôi chỉ biết tên Học Viện qua hình dáng hào hoa, phong nhã của vị Phó Đốc Sự trẻ, mới thuyên chuyển về làm việc trên Tòa Bố (Đại huynh trưởng Bùi Quang Hinh, khoá 1). Đề thi tuyển năm đó khá độc đáo. Đề thi nghị luận chỉ vẻn vẹn có một câu: Tổng Thống VNCH nói “Học tận nơi, hiểu tận gốc, hành chu đáo”. Trong suốt 3 giờ, tôi chỉ quanh quẩn theo yếu lược của thuyết tri hành hợp nhất của Vương Dương Minh, rồi tịt.

Đề thi Sử chỉ có 3 chữ: Cuộc Nam tiến. Tôi bỗng nhớ tới cuốn sách hình Vua Đế Minh tuần thú phương Nam…bèn múa bút một lèo, cho tới khi Mạc Cửu khai phá vùng Hà Tiên thì ngừng. Viết quảng, viết tiều như vậy xem ra không khá.

Đề thi dịch Văn cũng chỉ có 3 chữ: Tôi đi học, của Thanh Tịnh. Bài nầy dịch ra tiếng Pháp tương đối dễ vì cách hành văn gọn gàng, đơn giản. Nhưng muốn dịch cho hay để ăn điểm hơn các thí sinh khác là không phải dễ.

Cho nên, thi rồi, bỏ đó, mặc cho số phận đẩy đưa. Bất ngờ, giáp Tết Âm lịch, nhận được giấy gọi nhập học Khóa 6, niên khóa 1959-1961. Ôi thôi! Cả nhà mừng vui, hỉ hả. Ba tôi cao hứng, hô: Rồi, trong nhà sắp có một Ông Phó Đốc Sự con. Thật ra, ba tôi hồ hởi hơi sớm, bởi vì Ông đâu có biết cậu con trai trưởng của Ông còn nhiều phen lận đận mới đạt được “tước hiệu Phó Đốc Sự”.

Vào học năm thứ nhất thật là bở ngỡ, bởi vì các môn học chẳng có dính líu gì tới những kiến thức thu thập được thời Trung học. Ví dụ như môn Công Vụ do Giáo sư kiêm Tổng Giám Đốc Công Vụ Tôn Thất Trạch diễn giảng. Nó vốn chỉ là khóa giảng về Qui Chế Công chức mà Thầy lại đưa nó lên thành ý tưởng thượng thừa về “Công ích, Công thiện” để rồi xuống xề bằng câu chữ Nho: Tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu. Hậu thiên hạ chi lạc, nhi lạc. Rồi đến môn Hành Chánh Nhập Môn do Giảng sư kiêm Chi Vụ trưởng Chi Vụ Giảng Huấn Trương Ngọc Giàu phụ trách. Tên môn học rặt từ Hán Việt, nhưng khi diễn giảng, Thầy tương lên bảng hàng chữ: POSCoRB. Không ai biết nó là chữ Pháp hay chữ Anh và có nghĩa là gì. Té ra đó là chữ tắt của tiếng Anh để biểu thị các đề mục trong khoa quản trị. Tuy rằng “bảy chữ” nhưng lại biểu thị có “sáu đề mục”, bởi vì chữ Co là chữ viết tắt của chữ Coordinating, chỉ biểu thị có một động tác phối hợp. Tôi tức mình bèn nhại lại câu Kiều: Bề ngoài bảy chữ, bề trong “sáu” nghề. Rồi đến cái vụ Đại Nghị chế hay Tổng Thống chế, Thủ Tướng mạnh hay Tổng Thống mạnh, trong môn học Chánh Trị do Giáo sư trẻ Vương Văn Bắc diễn giảng. Thầy tuy trẻ, nhưng giảng bài gọn gàng, mạch lạc mà lại sắc bén như chém đinh, chặt sắt. Khốn nỗi, vì bài giảng gọn gàng, súc tích, nên khi làm bài thi, muốn triển khai thành bài nghị luận trình độ Đại học, mới thật là mướt mồ hôi. Lại còn môn Kinh Tế, do Giáo sư trẻ, Tiến Sĩ Kinh Toán Học Phan Tấn Chức giảng dạy, với học thuyết Kinh Tế Biên Tế, chi li, bí hiểm. Rồi, nào là Phương pháp Tổ Chức, Phương pháp Thống Kê, Phương pháp Sưu Tầm Tài Liệu, kể cả Khoa Học Giao Tế Nhân Sự, hằm bà lằng, xắng cấu, thập bát ban võ nghệ, đều tập trung vào Năm Thứ Nhất.

Mặc dầu niên học ở đây kéo dài đủ 12 tháng, chớ không phải 9 tháng như các khóa khác, trong khi thiên hạ nghỉ hè, thì các chàng trai Hành Chánh trần thân “ắc ê” Cao Đẳng Quân Sự.

Để đối phó tình hình, bộ tứ Thêm, Quân, Quí, Nhơn bèn kết hợp để trao đổi sổ ghi chép, bổ túc lẫn nhau để thành bài học đầy đủ để học thi. Thế rồi, ngày đêm miệt mài đèn sách, không dám dễ duôi. Vậy mà tới cuối năm, trong số 51 hiệp sĩ thượng đài, có tới 11 chàng rơi rụng. Đến nỗi, Thầy Trương Ngọc Giàu thốt lên câu an ủi, thật cảm động: Tôi biết công khó học tập của các bạn. Gỉa như tôi có đầy đủ thẩm quyền, sẽ không đánh rớt bạn nào hết.

Lên Năm Thứ Hai, việc học có phần dễ thở hơn vì đã quen thuộc với các môn học và có kiến thức cơ bản về khoa quản trị khá vững. Đã vậy, Ông Già còn sắm cho Cậu Cả chiếc xe hơi, tuy đời cũ nhưng còn chạy ngon lành lắm. Vì vậy, đã thong dong lại thêm lả lướt. Có khi cao hứng, bộ tứ thượng xế hộp, ra Vũng Tàu tắm biển. Có lần, đang đêm, Cậu Qúi, Công tử Củ Chi, bốc đồng xúi: Tối nay, ở nhà người quen dưới Mỹ Tho, có tổ chức bal de famille (khiêu vũ tư gia). Xuống đó, nhảy cho đả một bửa, trước khi “luật cấm nhảy” ban hành. Vậy là, xứ Định Tường tiến phát. Nhưng, thường khi ngồi kề một bên, là “Người Đẹp Bình Dương”, tức là cô nhỏ tóc dài “thắc mắc ngữ pháp” năm nào. Khi thì bãi biển Vũng Tàu náo nhiệt, lúc lại bãi Tân Thành vắng vẻ, xứ Gò Công.

Học hành lả lướt như vậy mà cuối năm vẫn đậu lên Năm

Thứ Ba đàng hoàng. Lên Năm Thứ Ba, tôi cặp kè Nguyễn Minh Quân, dựa hơi Thủ Khoa Triệu Huỳnh Võ, về thực tập ở xứ Cần Thơ, Tây Đô.

Nói rằng thực tập chứ tự tay không có làm công việc gì. Chỉ là đi nghe quí vị Trưởng Ty, Sở thuyết trình, rồi cung cấp Qui chế Điều hành Cơ quan cho quí Ông “Phó” (cách gọi tắt Phó Đốc Sự để gọi tưng các sinh viên đi thực tập) để ghi chú làm tài liệu viết Luận văn Tốt Nghiệp. Thường khi chỉ ngồi xem Huynh Trưởng Nguyễn Khắc Kính, “hàm” Phụ Tá Phó Tỉnh Trưởng (chức vụ không có phụ cấp) duyệt xem công văn để phân phối cho các Ty, Sở.

Thời kỳ nầy, nhàn nhã, lả lướt. Có câu ca dao rằng:

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, vạn đèo cũng qua.

Mấy sông thì không có đâu, chớ Bac Cái Vồn xa tắp trên dòng sông Hậu, trong buổi chiều tà lộng gió, cô nàng áo trắng đã từng vượt qua, để rồi ca câu:

Em đến thăm anh chiều lộng gió…

Em đến thăm anh chiều tắt nắng…

…Và quên…đường về…

Còn vạn đèo thì đâu có nhiều như vậy. Chỉ có cái đèo Blao trên đường lên Đà Lạt hoặc Đèo Ngoạn Mục xuôi xuống Nha Trang thôi, mà vượt qua đà ná thở nói chi đến vạn đèo.

Cho nên chưa đến giữa năm Thứ Ba, bà xã đã mang bầu. Khổ hơn nữa là cô nàng tên Ngoan mà ngang bướng đó, đã sớm hứa hẹn với người bạn học thời Đệ Thất, Đệ Lục. Càng khổ hơn vì vài năm trước đây, cô nàng đã chánh thức hứa hôn. Cho nên, sự thể đã bế tắc, càng thêm bế tắc.

Hai đứa đành khăn gói, gió đưa, trở lại Xóm nhà lá Vạn Chài, tá túc nhà Cậu Út. Đêm đêm, dưới ngọn đèn dầu tù mù, chàng cặm cuội viết Luận văn Tốt Nghiệp. Còn nàng thì còn tâm trí đâu để ngâm nga: Bên chàng đọc sách, bên nàng quay tơ. Có chăng, chỉ là: Bề ngoài cười “gượng”, bề trong khóc thầm.

Đâu có đủ tiền để in ấn Luận Văn, lại phải nhờ Cậu Út ăn cắp giờ công sở, gò lưng đánh máy dùm cho. Mà nào đâu đã được yên thân. Vị hôn phu của cô nàng truy lùng tìm tới.

Vậy là, bắt đầu cuộc sống lang thang, rày đây, mai đó. Bửa trưa, xẹt vô nhà Cô Hai ăn cơm. Buổi tối, dọt vô nhà Dì Sáu ngủ. Lắm khi lăn lóc nơi nhà kho của vườn ương Bộ Canh Nông, ở gần ngã ba Cây Quéo.

Cho nên, kỳ thi Tồt nghiệp năm đó, thi đậu mà không biết vì sao thi đậu! Buổi tối, sau khi nghe kết qủa, mừng mừng, tủi tủi, rủ “bà bầu trẻ” ra rạp Văn Hoa xem phim Les Canons de Navarrone. Ngồi xem phim mà ngơ ngẩn, ngẩn ngơ như lạc vào giấc mơ huyền thoại.

Vậy đó, cuộc đời đi học dày dạn phong trần, kéo dài suốt mười tám năm đoạn trường là như vậy đó. Cho nên mới ca cẩm rằng:

Thời gian nước chảy qua cầu

Cuộc đời đi học dãi dầu gian truân.

Lời Kết

Nói rằng “Qua cầu mới hay”, vậy chớ hay là hay cái gì vậy? Phải chăng nỗi vất vả của những ngày đầu đi học, lay quay mầy mò con chữ, con toán? Ba cái vụn vặt, lẻ tẻ làm sao sánh được với niềm vui hồn nhiên của tuổi thơ. Hay là nỗi nhọc nhằn của những năm dài miệt mài đèn sách để thi Tú Tài? Sự cực nhọc đó làm sao sánh được với niềm vui lãng đãng, mơ màng về thứ tình yêu mỹ miều mà không hiện thực của tuổi vừa biết yêu đương? Còn như nổi băn khoăn, trăn trở, nhọc nhằn xây dựng tương lai của thời Quốc Gia Hành Chánh làm sao sánh được với vị ngọt của nụ hôn thắm thiết đầu đời?! Nói tắt một lời, cho dẫu việc học hành dầu có cực nhọc đến đâu, tình yêu dù có ngọt ngào hay cay đắng đến thế nào đi nữa, tất thảy đều là những nét đẹp duy nhất đầu đời, một đi không bao giờ trở lại. Có ai bắt lại được “cái phút ban đầu lưu luyến ấy”, thử nói nghe coi?

Cho nên, trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, vẫn thanh thản ngâm nga:

Tình yêu, mơ ước đầu đời

Cuộc đời đi học, một trời Thanh Xuân

 Nguyễn Thành Nhơn

Người chuyển bài – Nhan Tử Hà

 

No comments: