ĐINH CÔNG CHƯƠNG
Người Tù Kiệt
Xuất
Mỗi lần tâm
tư tôi giao động vì những biến cố liên quan đến nước nhà, tôi lại phải ngẫm
nghĩ đến một nhân vật chống Cộng khi xưa lúc tôi còn bị đám CSVN giam giữ với
cái tên rất là nhân đạo: ‘cải tạo!’ Phải nói rằng tâm tư tôi giao động: có nên
chống Cộng nữa hay không, hay mình nên hòa hợp hoà giải cho xong chuyện. Tôi là
ai mà cứ phải mãi chống Cộng chứ? Biết bao người đã từng bạo phổi tuyên bố này
nọ, vậy mà cuối cùng cũng đã bị ‘Việt Cộng’ chiêu hồi, làm cho chính nghĩa của
chúng ta có lần đã phải điêu đứng. Gần đây nhất có những quân nhân đã từng khắc
vào tay hai chữ ‘sát Cộng’, nhưng cũng bị đám Cộng Sản Việt Nam chiêu dụ. Họ đã
mệt mõi rồi chăng? Chẳng những thế, những người đó đã về lại cái đất tự do này
tuyên truyền cho cái chủ trương hoà hợp hoà ‘giái’ ấy! Trước những sự kiện ấy,
đương nhiên là lòng tôi bị chao đảo thật sự. Tôi biết tôi chưa từng mò lên được
cái chức vụ hàng đầu là phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, cũng chưa từng làm
một nhà báo nổi tiếng, một kịch sĩ trứ danh đã khóc lóc thê thảm như cha chết
mẹ chết vậy trước sự tuyên truyền láo khoét của Việt Cộng!
Tôi chỉ biết
tôi là thằng thằng bé thuộc loại nobody của Miền Nam Việt Nam chưa từng được
diễm phúc vào học trường ‘Quốc Gia Nghĩa Tử’ để được hun đúc ý chí
chống Cộng. Tôi chỉ biết tôi là một thằng con trai có cha bị Việt Cộng cắt cổ
lôi đi mất xác, có chú bị Việt Cộng trụng nước sôi thảm tử! Tôi chỉ biết tôi là
một thằng bé tiểu chủng sinh đã từng lượm một lưỡi kiếm hoen rỉ tại một nghĩa
địa tại Qui-Nhơn mang về mài sáng chiều trong ba tháng hè cho nó trắng toát ra
với quyết tâm sẽ đi đòi mạng những kẻ đã giết cha, chú của mình! Tôi chỉ biết
tôi là một quân nhân QLVNCH có nhiệm vụ bảo vệ đồng bào chống lại sự tàn ác của
Cộng Nô, đã từng làm cái nhiệm vụ ‘sống để bụng chết mang theo!’ Nghe đâu giờ
đây cái khẩu hiệu ấy đã chỉ còn có một ý nghĩa thôi. Đó là đơn vị của tôi, một
đơn vị lúc nào cũng tiếp tục chiến đấu, cho dù đó là thời bình hay thời chiến.
Chúng tôi còn những người anh em vẫn còn bị nguy hiểm nếu kẻ thù biết được danh
tánh của họ. Vậy mà có những kẻ đã cố làm cho nó lộ ra, vỗ ngực xưng tên của
mình vì sợ rằng có những kẻ không biết đến mình! Họ có bao giờ nghĩ đến sinh
mạng của những anh em khác đang bị đe doạ không? Tôi chỉ biết tôi là một tên tù
‘cải tạo’ của các ‘trường cải tạo’ của chúng với một lập trường rõ ràng trong
sáng, từng được những anh em cùng chung lập trường chống Cộng thương yêu.
Tôi đã tiếp
xúc với rất nhiều nhân vật, từ những nhân vật đã từng nắm nhiều chức vụ then
chốt của chính quyền VNCH, những cấp sĩ quan cao cấp trong QLVNCH, đến những
người lính, những Cảnh Sát Viên mà nếu có ai nhắc tên cũng chẳng ai biết đến.
Nhưng phải nói một sự thật đau lòng là càng nắm những địa vị cao, những vị này
càng tỏ ra yếm thế, nếu không nói là khiếp sợ không dám nói năng gì cả khi đối
diện quân thù. Tôi không cố ý vơ cả đũa, vì trong số những người đó cũng có
những vị rất anh hùng. Những người dám chống đối lại bọn chúng, phần lớn là
những người rất tầm thường, những nghĩa quân, cảnh sát viên quèn, những viên
trung sĩ hoặc những viên sĩ quan cấp úy! Giờ đây chính những người ấy và con
cái của họ tiếp tục con đường chống cộng còn dang dỡ. Có người gợi ý tôi nên
hỏi xem đâu rồi các cấp lãnh đạo một thời đó hoặc con cái của họ, thế hệ một
rưỡi, thế hệ hai của họ. Sao họ không ra mặt đấu tranh chung với những người
thuộc lớp hạ tầng như chúng ta?
Xin thưa
chung chung rằng: quý vị hãy tiếp tục đấu tranh đi rồi khi nào thành công sẽ
thấy họ hoặc con cái họ đứng lên cầm cân nãy mực cho chúng ta. Lo gì chứ?
Chúng ta là những viên đá ba-lông, những viên đá móng, những viên gạch nằm dưới
của một ngôi nhà Việt Nam. Chúng ta có nhiệm vụ phải quyết tử cho tổ quốc quyết
sinh! Chúng ta là nền móng. Chúng ta không phải là thượng tầng của ngôi nhà. Nên
chi chúng ta không cần phải xem thượng tầng kiến trúc là ai. Lúc ngôi nhà được
hoàn thành, cái mái nhà ấy sẽ xuất hiện thôi. Họ là những người được sinh ra
chỉ để cho các cương vị lãnh đạo, không phải để chiến đấu, để hy sinh như
chúng ta. Vậy thì xin quý vị đừng có hỏi xem họ hiện đang ở đâu và làm gì? Họ
vẫn ở đó, lẩn quẩn quanh chúng ta thôi. Không chừng họ còn đang chén cha chén
chú với kẻ thù chúng ta cũng chưa biết chừng. Rồi một ngày nào đó khi cỗ bàn đã
dọn ra, quý vị sẽ thấy họ ngồi đầy ra đó. Lúc đó họ sẽ tha hồ mà tuyên bố vung
vít!
Xa rồi mấy
chục năm kềm kẹp. Xa rồi những loài khỉ mà chúng ta được dạy phải gọi là
ông là bà. Chúng ta, những người tù, những người họ ‘Phạm’ bất đắc dĩ, đã tạo
ra một loại súc vật mới, loại ‘ông bà’! Đám súc vật này đã cố tình hạ nhục
chúng ta, gọi chúng ta là ‘đồng bọn’ đối lại ‘đồng chí’ của bọn chúng. Thế
nhưng chúng ta đã không ngã quỵ; chúng ta đã không gục ngã, mặc dù có một số kẻ
đã mất niềm tin, đã cam tâm làm ăng ten, làm tay sai nối giáo cho giặc.Tuy vậy,
thỉnh thoảng chúng ta cũng có được những người anh hùng. Trong các trại tù của
bọn chúng, những vị anh hùng đó đều có mặt. Họ đã làm cho đám vuốt đuôi ấy có
phần hoảng sợ! Gương những người hùng ấy vẫn còn đó, vẫn không làm sao xoá mờ
được. Họ là những mẫu người đã giúp tôi sống kiên cường, không mất phương
hướng. Hôm nay, ngẫm nghĩ lại, tôi xin đưa cho quý vị một mẫu người hùng như
thế.
Trước kia,
tôi chưa từng biết Đinh Công Chương là ai. Thật ra tôi không biết anh cũng
phải, vì anh là người dân Bình Khê, thuộc đất Bình Định, còn tôi hoạt động vùng
Quảng Ngãi. Tuy trước đó tôi đã hoat động ở Bình Định được trên bốn năm, nhưng
phạm vi hoạt động của tôi cũng chỉ lẩn quẩn bên trong Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn.
Tôi thuộc Biệt Đội 5 Quân Báo cạnh Sư Đoàn Mãnh Hổ nên hoạt động của chúng tôi
vì thế bị rất nhiều hạn chế, không quen biết nhiều với các đơn vị địa phương
thuộc tỉnh Bình Định. Vã lại, vì anh cũng chỉ là một nobody như tôi, một nhân
viên Cảnh Sát sắc phục tầm thường không tên tuổi thuộc quận Bình Khê, nên làm
sao mà tôi biết đến anh được. Tôi hân hạnh được biết đến anh nhờ tôi ở chung
trại cải tạo với anh, trại Nghĩa Điền thuộc K18 Kim sơn, và nhờ một cơ duyên.
Nhắc đến cơ duyên ấy tôi bỗng rùng mình. Nếu lỡ ngày ấy mình chết thật ...
Năm 1978, tôi
bị bệnh kiết lỵ amibe; cứ năm phút là phải đi cầu. Chẳng có gì cả, toàn là đờm
thôi. Tôi bị cho vào phòng ‘cách ly’ chung với một số người cùng mắc chung
bệnh. Đây không phải là bị ‘nhốt ô’ hoặc khám tối, không có cùm kẹp gì cả. Đây
chỉ là một căn trại đóng kín suốt ngày dành riêng cho những người mắc những
chứng bệnh truyền nhiễm chờ chết nếu không có ai chữa được. Và đợt này dành cho
những người bị bệnh kiết lỵ amibe. Và quả thật, sau khi vào đó một vài ngày đã
có một số người đã thật sự ‘thoát tù’! Họ tử vì bị vi trùng amibe bào thủng
ruột của họ. Tôi nghe Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ, vị bác sĩ phụ trách, nói thế.
Bác Sĩ Trứ là
một Bác Sĩ Quân Y thuộc QLVNCH đã chịu hy sinh ở lại bệnh viện Qui-Nhơn để chăm
sóc các thương bệnh binh còn nằm điều trị tại đây lúc Việt Cộng chiếm thành phố
khoảng đầu tháng 4 năm 1975. Ông là người có công đã chôn cất cố Đại Tá Nguyễn
Hữu Thông, cùng 47 anh em tử sĩ thuộc Trung Đoàn 42/ Sư Đoàn 22 Bộ Binh tại
Qui-Nhơn lúc Qui-Nhơn thất thủ. Sau một thời gian ngắn bị lợi dụng khi chưa đủ
bác sĩ điều trị, vị bác sĩ này đã bị cho đi ‘câu gô’ như những anh em khác. Xin
mở ngoặc khi tôi đề cập đến chữ ‘câu gô’ ở đây. Không biết chữ này có phải là
một ‘từ của Việt Cộng’ hoặc một chữ do anh em tù chúng ta đặt ra, nhưng theo
tôi hiểu thì ‘câu gô’ mang một nghĩa nhất định: bị tù tội dưới chế độ Cộng Sãn.
Ở chế độ tự do, người tù đâu có đến nỗi đói khát phải ‘cải thiện’, một từ khác
của Việt Cộng chỉ việc kiếm thêm chút đỉnh rau rác gì đó để nhét cho đầy cái
bụng xẹp lép của mình! Đó là việc dùng một cái lon guigoz, sau này là một cái
xoong nhỏ có quai thép tự chế, câu chung quanh lò hoàng cầm để ăn thêm!!!
Tôi cũng như
một số anh em khác trong trại đã được Bác Sĩ Trứ cứu sống nhờ một sáng kiến táo
bạo của anh. Anh đã đi gõ cửa từng trại của các anh em họ ‘Phạm’ xin một số lọ
streptomycine, một trong những lọ thuốc quý mà trạm xá của anh không bao giờ
có. Thay vì chích, anh đã hoà với nước cho anh em trực tiếp uống. Sáng kiến phi
trường lớp này của anh rốt cuộc đã cứu sống số anh em bị bệnh còn lại, trong đó
có tôi. Trong thời gian bị nhốt chúng với nhau, chúng tôi có dịp ‘nói khó’ với
nhau, kể cho nhau nghe những chuyện anh hùng ‘chống Cộng Sản cứu đồng bào’! Tôi
đã gặp đám anh em nghĩa quân Bình Khê, những trung đội trưởng nghĩa quân. Những
anh em này đã kể lại những chiến công hiển hách của họ quanh khu vực lăng Mai
Xuân Thưởng. Họ đã chỉ cần có 60 quả mìn claymore thôi đã diệt hầu như toàn bộ
các sĩ quan cao cấp của Sư Đoàn Nông Trường Ba Sao Vàng Bắc Việt, làm cho họ
phải án binh bất động một thời gian dài để bổ sung quân số, làm cho vị tư lệnh
sư đoàn 22 BB phải khiển trách thuộc hạ vì đã để lỡ mất cơ hội lập chiến công
cho mình, làm cho vị tư lệnh Sư Đoàn mãnh Hổ Đại Hàn bực tức phải đuổi vị trung
đoàn trưởng Thiết Kỵ của mình về nước cũng vì lý do trên.
Có lẽ một số
quý vị không hiểu tại sao nghĩa quân Bình Khê lại làm được một chiến công hiển
hách như thế mà không tốn một sinh mạng trong khi hai sư đoàn chủ lực thiện
chiến lại bỏ mất cơ hội đáng tiếc ấy. Thật ra chuyện ấy cũng đơn giản thôi.
Vùng trách nhiệm chiến thuật (TAOR) của hai sư đoàn trùng lập với nhau. Vì thế
cả hai sư đoàn đều nhượng nhau ở đường ranh giới trách nhiệm ngang qua lăng Mai
Xuân Thưởng. Lợi dụng cơ hội đó, Cộng Sản đã dùng con đường này làm đường giao
liên phát xuất từ Núi Bà xuống vùng ven tỉnh lỵ. Hôm đó quả có một phái đoàn sĩ
quan cao cấp của Sư Đoàn Nông Trường 3 Sao Vàng Bắc Việt xuống vùng ven tỉnh lỵ
Qui-Nhơn để gắn huy chương cho bộ đội của chúng. Nghĩa quân Bình Khê nhờ may
mắn bắt được tin ấy và thế là họ đã tạo nên chiến thắng có một không hai như
‘xi nê của Cộng Sản’ ấy, một trận sát địch mà chỉ có tổn thất nặng cho phe
địch. Đúng là hay không bằng hên!
Trong lúc
điểm danh những chiến sĩ anh hùng của Bình Khê, anh em vô tình có nhắc đến Đinh
công Chương, một nhân viên cảnh sát rất nhỏ nhưng lòng căm thù Cộng Sản rất
lớn, hiện đang bị án 20 năm và giam giữ tại trại Một Kim Sơn, K18. K18 có nhiều
phân trại, trại chính là trại Một. Các phân trại gồm có trại 2, trại nữ, và
trại Nước Nhóc. Trại 2 và Trại Nữ cách trại 1 không xa, nhưng trại Nước Nhóc ở
một vùng núi rất xa. Rất tiếc là tôi chưa từng được đưa đến đây nên chỉ kể sơ
như thế thôi. Tôi được nghe anh em kể chuyện về anh Đinh Công Chương và ao ước
muốn gặp được anh một lần để làm quen với người anh hùng sát cộng ấy! Nhưng anh
lại ở mãi trại 1. Biết bao giờ tôi mới hân hạnh được gặp con người lừng danh
ấy.
Nhưng sự đời
có nhiều việc không ngờ. Phong trào phản động trong nước lại bùng lên. Có phải
vì việc đó hay không, tôi không biết, chỉ biết một lần nữa chúng tôi lại phải
dời trại. Trại 2 Kim Sơn bị hủy bỏ và toàn bộ trại bị dời sang Nghĩa Điền, một
trại sâu xa trong núi. Tại đây tôi may mắn được cái điều tôi luôn luôn tìm
kiếm. Một bộ phận tù nhân có trọng án cũng được chuyển đến trại Nghĩa Điền từ
trại 1 Kim Sơn. Qua sự giới thiệu của bạn bè gốc Bình Khê, tôi dần dần quen
biết với Đinh Công Chương.
Anh là một
người bảnh trai, với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Qua lời kể lại của những
người đã từng quen biết anh, anh là một võ sĩ có tầm cở, tuy anh chưa bao giờ
lên đài cả. Tất cả những võ sĩ tôi gặp trong tù đều cho rằng họ đều không phải
là địch thủ của anh nếu phải đối địch. Anh học võ chỉ vì anh có một mối thù
truyền kiếp với Việt Cộng. Anh cần phải đòi nợ những kẻ đã giết cha anh. Vì thế
anh đã gia nhập vào lực lương cảnh sát Bình Khê. Mặc dù anh không phải là Nhảy
Dù hoặc Thủy Quân Lục Chiến với dấu xăm ‘sát cộng’ trên cánh tay, nhưng anh đã
là một sát thủ thứ thiệt. Anh rất căm ghét đám Cộng Sản nằm vùng địa phương. Bộ
đội Bắc Việt anh có thể tha, vì nghĩ rằng họ bị bắt buộc phải nhập ngũ. Nhưng
cái thứ ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản, các cán bộ, bộ đội, du kích địa phương
thì anh không thể nào tha thứ được, vì họ là chính phạm đã làm tan nát gia đình
anh. Bắt được những người này là anh bắn ngay không cần phải hỏi han gì cả.
Chẳng những thế, anh còn bắn chết những tù binh do các đơn vị bạn, các đơn vị
đồng minh bắt.
Theo luật
pháp lúc bấy giờ, anh có thể bị truy tố ra tòa và đi tù vì tội giết tù
binh. Nhưng vì thương tình anh là một chiến sĩ chống cộng, nên các cấp chỉ huy
không đưa anh ra tòa, chỉ tướt súng anh thôi. Mặc dù không còn súng nữa, anh
vẫn giết Việt Cộng như thường bằng tay không. Chỉ cần cho anh bắt gặp, nạn nhân
sẽ bị vặn đầu trật khái khế ngay. Sau ngày 30 tháng 4, 1975, anh bỏ trốn vô
Sài-Gòn. Nếu anh bị bắt ngay từ đầu, có lẽ anh đã không còn mạng để trở về. Anh
đã may mắn là chỉ bị bắt khi luật pháp của CSVN đã được ổn định trở lại. Do đó
anh đã lãnh án 20 năm.
Biết rằng tôi
vẫn còn giữ vững lập trường quốc gia với cái tên cúng cơm là H. T15, anh hay
qua lại nói chuyện với tôi trong những khi rảnh rổi. Anh thường than phiền rằng
có lẽ anh sẽ phải chết rục trong tù. Để an ủi anh, tôi khuyên anh nên nhẫn nại.
Tôi cũng chỉ biết nói vậy thôi, chứ bản thân tôi, tôi cũng chẳng biết tương lai
của mình ra sao nữa. Có nhiều lúc, tôi cũng nghĩ đến chuyện trốn trại, nhưng
tôi cho là vô ích, vì không lẻ trốn về nhà để bị bắt lại. Tôi chia sẻ với anh
những gì tôi suy nghĩ trong đầu với mục đích để an ủi anh. Bây giờ cả đất nước
là của họ rồi, còn đi đâu nữa?
Không ngờ
những ý tưởng đó lại làm cho anh có một quyết tâm mới. Thà trốn trại còn hơn
chết rục trong tù. Anh lên một kế hoạch trốn trại táo bạo. Một sáng Chủ Nhật,
trong lúc nói chuyện với anh em chúng tôi, thừa lúc không ai để ý anh nói nhỏ
với tôi: “Tôi đến đây để từ giả anh. Lòng tôi đã quyết. Tôi phải đi thôi!” “Anh
đã tính kỹ chưa? Đã biết bao cuộc trốn trại từ Nghĩa Điền đều thất bại. Gần đây
nhất có cuộc trốn chay của một số anh em người Thượng vùng Sơn Hà. Họ rành
đường núi. Nhưng rồi Đinh Giàu và Đinh Văn Ôn đã bị bắn chết, còn Đinh Nía bị
chết rục trong ô.” Tôi nói. Anh cười: “Tôi mà đi, tôi sẽ không đi như mấy anh
đó đâu? Tôi phải có gì trong tay tôi mới đi. Mà đi là phải vượt biên chứ không
về nhà! Tôi chả dại để bị bắt lại lần nữa.”
Tưởng anh chỉ
nói để mà nói, không ngờ anh đi thật! Anh thuộc toán nhổ mì do tên cán bộ
Nhường phụ trách. Thật ra, trong số các cán bộ quản giáo, tên Nhường dễ chịu
nhất, không đến nỗi phải tới số. Nhưng biết làm sao được khi anh Chương lại
không có một đường lựa chọn tốt hơn. Tên Nhường đã chọn ra khoảng 15 người từ
phòng trọng án. Đa số có án 20 năm, có thể lực tốt. Lúc đầu, theo giữ toán nhổ
mì còn có một tên lính quản chế đi kèm, mỗi ngày một tên khác. Sau một thời
gian sinh hoạt, dần dần tên Nhường mất cảnh giác đi, không cần có lính quản chế
khác nữa.
Thật ra cũng
chẳng phải hắn ta tốt bụng gì đâu. Hắn ta muốn mua chuộc anh em tù nhân
dưới quyền của hắn để làm việc riêng cho hắn đó thôi. Lúc đó đang có một chiến
dịch tăng gia sản xuất trong hàng ngũ của bọn chúng. Mỗi cán bộ ‘quản giáo’
hoặc ‘quản chế’ phải trực tiếp thực hiện. Mỗi tên được cấp cho một sào đất để
canh tác. Tên Nhường lợi dụng cảm tình của anh em dành cho hắn cứ mỗi Chủ Nhật
vào nhận một số anh em ra để làm việc cho hắn. Mỗi lần như thế, hắn ta cho anh
em được mua thêm một ít khoai mì hoặc gạo của dân chúng bên ngoài để ‘bồi
dưỡng’. Như thế hắn vừa được việc vừa chẳng tốn công tí nào. Hắn lại không muốn
trên cơ quan biết đến mưu mô của hắn. Do đó hắn tìm cách bớt đi tên lính quản
chế để chúng khỏi biết được những việc làm đen tối của hắn.
Ngày thứ bảy
định mệnh năm ấy, có lẻ năm 1980 hoặc 1981 tôi không còn nhớ rõ, như thường lệ,
toán nhổ mì do anh Đinh Công Chương làm trưởng toán được tên Cán bộ Nhường dẫn
đi nhổ mì như thường lệ. Đây là một vùng núi rất sâu về phía Tây có lẻ thuộc
Quận Hoài Ân. Sau khi vượt qua một số ngọn đồi, anh em đến một đám mì thuộc
hàng cố nội. Nhìn những cây mì này anh em thấy phát ngán vì chúng rất to, cây
nào cây nấy to cao có thể mắc võng nằm được. Có lẻ đám mì này là một trong số
những đám mì đã trồng trước năm 1975 bị bỏ hoang. Vì biết công việc hôm nay sẽ
rất nặng, anh em bắt tay vào việc ngay, hy vọng sẽ hoàn thành được công việc
trước khi trời tối: mỗi người phải đào cho được một gánh đầy. Anh em chia làm
hai toán, một toán lo đi phát những sợi dây leo vướng mắc. Không phát những dây
leo chằng chịt này sẽ không cách vào len vào được chứ đừng nói đến chuyện nhỗ
mì. Toán thứ hai dùng cuốc bàn cuốc sơ quanh gốc để cho dễ nhổ. Sau đó anh em
bắt đầu chia ba người một tổ xúm nhau nhổ mì.
Vì là đất núi
rất cứng nên tuy đã đào sơ quanh gốc, nhưng không phải vì thế mà dễ nhổ. Anh em
phải hè nhau vừa lắc vừa tìm thế để nhấc nó lên. Nếu có củ nào bị sót, thì đã
có xà beng để nạy. Mì hàng chục năm nên củ nào củ nấy to bằng cái đầu nên anh
em hì hục đã buổi sáng mà chưa nhổ được mấy cây cả. Anh em nhìn nhau ngao ngán.
Không ‘đạt’ thế nào tối nay cũng sẽ bị kiểm điểm nặng!
Trong lúc
giải lao 15 phút, anh Đinh Công Chương đại diện anh em đến xin tên Nhường cho
một số anh em vào làng mua thêm gạo để ‘bồi dưỡng’, vì nếu anh em ăn không no
thì không thể nào làm tiếp được. Tên cán bộ cũng đã quan sát và biết việc anh
em xin cũng là điều hợp lý, nên đồng ý cho hai người đại diện đi mua sắm.
Khi bắt tay làm việc lại, bỗng nhiên anh Chương đưa ra một ý kiến. Anh bảo mọi
người hãy chờ anh một chút để xem anh biểu diễn sức mạnh. Mọi người đều biết
anh Chương mạnh, nhưng mạnh như thế nào thì không một ai biết. Anh đi giữa hai
hàng cây, giang hai cánh tay ra, mỗi tay nắm lấy một thân cây và nhổ một cách
nhẹ nhàng hai cây một lúc giữa tiếng reo hò cỗ võ của anh em trong toán. Họ
không ngờ anh lại quá mạnh như thế. Và cứ như thế, anh cứ tiếp tục đi và nhổ.
Anh em chỉ việc dùng rựa để cắt ra từng củ một và cho vào thúng.
Chẳng bao lâu
gánh nào gánh nấy đều đầy cả. Anh em nghỉ mệt để ăn uống. Vì đó là công của một
ngày nên sau buổi ăn trưa anh em không phải làm gì nữa cả, chỉ việc đợi đến
chiều là đi về thôi. Trong thời gian rảnh rổi này, một số anh em đi loanh quanh
hái lá cây rừng để ‘bồi dưỡng’ thêm. Anh em bỗng phát hiện một chú ‘cheo’ chạy
lạc đến. Anh em thận trong dí cho nó chạy ra ngoài trống để dễ đuổi bắt. Trong
lúc anh em lo rượt đuổi con cheo, anh Chương chẳng làm gì cả. Anh cứ ngồi đó
vấn thuốc hút, hết điếu này đến điếu khác. Bất ngờ, con cheo chay ngang qua chỗ
anh đang ngồi.
“Nè Chương,
chận con cheo ấy lại, không thì nó sỗng mất!”
Anh Chương
không cần phải được nhắc lại lần thứ hai. Lúc con cheo vừa tầm anh dùng ngay
cái cuốc bàn quật vào đầu con cheo một phát, giết nó ngay tại chỗ. Bữa hôm đó
anh em được một bữa bồi dưỡng đúng đắn. Tuy không nhiều nhưng ít ra anh em
trong toán ai nấy cũng được một ít thịt tươi trong bụng.
Chẳng bao lâu
đã đến buổi chiều. Tên cán bộ Nhường cho lệnh về trại. Anh Chương là người
trưởng toán nên anh đi sau cùng. Anh em theo con đường mòn quen thuộc để xuống
núi. Đó là một đoạn suối khô đầy đá. Anh em trong toán cố gắng xuống triền núi
thật nhanh để chờ đợi. Anh Chương vừa đi vừa kể chuyện tiếu lâm cho anh em
nghe. Vì thế anh đi không nhanh lắm. Do đó chẳng mấy chốc bị anh em bỏ rơi lại
phía sau. Không một ai biết đó là chủ ý của anh. Anh biết tên Cán bộ Nhường
cũng khoái nghe anh kể chuyện vì hắn đã nghe anh kể chuyện tiếu lâm nhiều lần.
Lúc đó trên đoạn suối khô ấy chỉ còn có một người đi trước anh, và tên Cán Bộ
Nhường đi sau anh thôi. Càng lúc tiếng kể chuyện của anh càng nhỏ dần. Vì để
nghe cho rõ hơn, tên cán bộ đã cố đi cho thật gần để nghe tiếp câu chuyện hấp
dẫn. Anh chỉ chờ có thế. Khi tên cán bộ vừa tầm. Anh ném ngay cái gánh mì xuống
đất và trở cán cuốc trên vai bổ ngang một phát ra sau. Cái cuốc bàn định mệnh
lúc sáng đã quật chết con cheo giờ cũng đã đập vào đầu tên cán bộ làm cái sọ
não của hắn bể ra óc phọc trắng xoá!
Không một
tiếng la, chỉ có một tiếng ‘bốp’ thôi. Người đang gánh mì đi trước giật
mình xoay lại xem. Anh hoảng quá khi trông thấy tên cán bộ ngã quỵ. Mặt xanh
như tàu lá, anh này cũng ném nhanh gánh mì trên vai chạy ngay xuống triền núi
nơi anh em đang đợi. Lúc anh vừa chạy đến chỗ anh em cũng vừa lúc chiếc nón cối
vàng của tên cán bộ cũng lăn theo xuống, Cái nón cối chỉ còn cái vành còn
nguyên thôi. Phần còn lại méo mó với một ít tóc, máu và óc trong đó.
Cả toán mì
sững sờ. Lại sắp có một vụ trốn trại nữa. Lần này không như những vụ trốn trại
trước. Lần này có án mạng, một vụ giết cán bộ cướp súng. Cả toán im lặng,
một sự im lặng đáng sợ! Không một ai dám phản ứng! Họ chờ đợi người đó xuất
hiện trước khi họ có sự phản ứng nào. Quả thật, anh Đinh Công Chương không phí
thời gian để xuất hiện. Anh từ từ bước xuống, một tay cầm khẩu carbine M2 của
tên cán bộ, tay kia vắt chiếc áo mưa vàng của công an vì hôm đó trời có mưa lất
phất. Không một ai dám nhìn thẳng vào mặt anh cả. Gương mặt của anh tái ngắt;
đôi mắt anh đỏ lên, cái đỏ của một sự hận thù. Những cái đó chưa hề xuất hiện
trên mặt anh. Anh như đã biến thành một người khác, không còn là một anh chàng
đẹp trai với nụ cười trên môi nữa. Vẻ mặt anh toát lên một khí thế của một
chiến binh đang ra trận. Họ có người đã từng là quân nhân. Họ quá rành về những
vẻ mặt như thế.
Bằng một
giọng từ tốn nhưng rắn rỏi, anh lên tiếng:
“Sự việc đã
như vậy rồi. Không thay đổi được nữa. Anh em chỉ còn có một đường binh thôi là
hãy đi theo tôi. Ở lại thế nào cũng bị chúng đánh chết. Thế nào anh ‘Bảo’? Có
đúng vậy không? Anh em cứ việc cho ý kiến!”
‘Bảo’ là tên
của một người có án 20 năm, từng ở trong mặt trận ‘Phục Quốc’. Thường ngày khi
nói chuyện với anh em, anh này cũng lên tiếng cứng rắn lắm về lập trường của
mình. Nhưng hôm nay, đứng trước một quyết định đi hay ở, anh là một người thiếu
dứt khoát nhất. Người anh run run, hai tay anh chắp lại, khom mình xuống lạy
anh Chương:
“Anh Chương
hãy tha cho tôi đi. Tôi còn phải sống cho vợ con tôi ở nhà. Tôi không thể theo
anh được.
“Vậy mà cũng
đòi làm phản động!” Anh Chương cười gằn. “Đi thì may ra còn chút hy vọng. Còn ở
lại thì ... Chắc anh cũng đoán được rồi đó. Còn những anh em khác, có ai dám
theo tôi không?”
Nghe vậy tất
cả mọi người đều run rẫy lạy lục anh Chương như tế sao:
“Thôi mà anh
Chương, tha cho chúng tôi đi. Anh nói sao cũng được, nhưng chúng tôi xin anh.”
“Thôi được,”
anh Chương nhìn anh em thở dài. “Tụi mày chỉ chống cộng bằng miệng thôi. Tao hy
vọng tụi mày sẽ qua khỏi cái truông này.”
“Được rồi,
anh nói tiếp. “Anh em hãy đưa tất cả các thùng quẹt đây. Gạo mua lúc sáng cũng
không được mang về trại. Và hãy về nhắn với bọn cán bộ trong trại rằng thằng
Chương đi hướng này đây. Tụi nó nếu có đứa nào muốn chết thì hãy lên đây tìm
tao!”
Anh thu lấy
tất cả các hộp quẹt, dồn tất cả số gạo đã mua lúc sáng vào một bao lớn, và từ
từ xoay lưng đi chậm chầm theo hướng củ
Chờ sau khi
anh Chương đi khuất, toán mì mạnh ai nấy ù té chạy, vì sợ anh Chương
sẽ đổi ý bắn theo. Nhưng không anh không làm vậy. Anh không bắn ai cả.
Quả vậy, đúng
như lời anh Chương đã báo trước, ngay khi báo cáo cho vọng gác về tình hình
trốn trại cướp súng của anh Chương, anh em đã bị một số bộ đội quản chế cho ăn
những đòn thù. Sau những hồi kẻng báo động, toàn bộ trại viên bị nhốt vào
phòng, mặc dầu có nhiều toán lạo động chưa về kịp. Anh em nhìn nhau, có kẻ xanh
mặt, có người điểm nụ cười kín đáo. Chẳng cần ai bảo, anh em đều biết có vụ
trốn trại, tuy chưa biết là ai.
Phòng giam
của tôi nằm sát vòng rào nơi có con đường các toán lao động thường đi nhất, nên
những gì đang xãy ra, chúng tôi đều thấy. Trừ mấy tên lính canh ra, toàn bộ bọn
Cộng Sản còn lại đều lần lượt đi qua, tên nào tên nấy đề trang bị đầy đủ với
Carbine M2, Ak 47 và M.16. Chúng chạy rầm rập như khi đụng phải quân địch mạnh.
Khoảng 7 giờ tối, có một toán quay trở lại, trong đó có tiếng phụ nữ than khóc.
“Ác chi mà ác
dữ vậy nè! Đã đập chết, còn lấy mấu rựa bằm nát mặt, và lột hết quần áo! Tui mà
bắt được nó tôi phải bằm nó ra từng khúc, ăn gan nó mới hả giận!”
Bọn chúng
đang võng tên Nhường về. “Tên này là tên thật nguy hiểm,” tiếng của một tên
trong bọn vang lên. “Nó không có trốn một cách bình thường, nó còn nấn ná lại
để ra đòn thù nữa. Không biết có đồng chí nào bị thương không.”
Thật ra, bọn
bộ đội không dám truy kích lên núi. Sau lúc lấy được xác của tên Nhường,
bọn chúng biết được lòng hận thù và quyết tâm của anh, nên không dám theo truy
kích. Chúng chỉ kích theo bìa rừng hy vọng sẽ tìm gặp anh. Đêm đó bọn chúng
không thành công. Sáng ra, nhìn vẻ mặt phờ phạc của đám bộ đội truy kích, anh
em trong trại hiểu ngay là chúng đã thất bại. Trong phòng anh em tù đoán già đoán
non về tung tích của anh Đinh Công Chương.
“Gớm thật,
dám thách thức bộ đội bằng cách chỉ hướng đi của mình, trừ Đinh công Chương,
chẳng có ai dám như thế cả.”
Sáng Chủ
Nhật, các phòng giam được mở như thường lệ để cho tù đánh răng súc
miệng tuy trễ hơn một tiếng. Hôm đó, tuy được mở cửa, anh em không ùa ra đi
giành cầu như thường lệ. Anh em cứ tụm thành từng nhóm trước cửa phòng của
mình, mắt đăm đăm nhìn về khu ‘kỷ luật’ nơi toán nhổ mì đã bị nhốt từ chiều
qua. Nhìn vẻ mặt hận thù của mấy tên cán bộ, bộ đội, anh em đoán được một bầu
không khí sát phạt sắp diễn ra.
“Thế nào bọn
chúng cũng không để yên cho toán mì đâu. Tụi nó muốn dằn mặt đám tù còn lại.”
Quả thật,
đúng 8 giờ sáng, một toán cán bộ với súng ống đầy đủ lặng lẽ đi vào cổng.
Chúng tôi đã quá rành kiểu này của bọn chúng.
“Ai về phòng
nấy!” Tên chỉ huy lớn tiếng.
Bọn chúng
nhanh nhẹn tản ra để lùa đám tù nhân hiếu kỳ vào phòng và khoá cửa lại.
“Chợ trời
chăng?” Anh em hỏi nhau.
‘Chợ trời’
trong tù không mang ý nghĩa giống như một chợ trời bình thường. Đó là một danh
từ mang một ý nghĩa nhất định. Nhất định ở đây không mang ý nghĩa ‘nhất định’
của Cộng Sản đâu nha. ‘Nhất định’ của CS có nghĩa là một cái gì đó, không nhất
thiết phải là cái gì. Nhất định theo cách dùng của chúng ta là ‘duy nhất’. Đó
là tổng kiểm soát! Từng phòng sẽ được mở ra cho tất cả người trong phòng mang
đồ đạc của mình ra ngoại sân và bày ra giống như chợ trời để bọn cán bộ ‘thu
mua’, một từ khác của CS mà người tù ám chỉ việc tịch thu những đồ gì chúng
không muốn cho trại viên sở hửu, hoặc chúng muốn dùng làm của riêng cho bọn
chúng. Vì thế anh em trại viên rất ngán cái màn chợ trời này.
Không, hôm
nay không phải là ‘chợ trời’, mà là một biến cố khác. Sau khi đóng xong
các cửa phòng giam, bọn chúng tập trung lại và vào khu kỷ luật. Anh em toán mì
từ từ được gọi ra sắp thành một hàng ngang đối diện với đám cán bộ quản chế.
Theo một hiệu lệnh của tên chỉ huy, đám cán bộ nhào vào đám tù nhân xông xáo
như sói giữa bầy chiên, vận dùng hết những kỷ năng của chúng, bá dọc bá ngang,
lên gối, kiềng ngang, kiệng dọc, đủ cả. Anh em trong phòng chỉ còn nghe được
những tiếng thét kêu đau của anh em toán mì, những tiếng than vãn xin tha mạng,
những tiếng cười dã man của bọn quỷ dữ đang hành hạ tội nhân. Rõ ràng là bọn
chúng làm theo chỉ thị của ban giám thị, chứ chẳng phải vì hận thù cá nhân! Đã
có nhiều người bị đánh té đái, phọt phân trong quần! Thật không may, trong số
những nạn nhân này có hai anh em vì không chịu nổi những đòn thù đó đã chính
thức ‘thoát trại’ hai ngày sau đó!
Người ta
bị đánh mà mình cảm thấy nóng mặt. Dù gì cũng là những người tù với nhau.
Họ cảm thấy như chính mình bị những đòn thù ấy! Tôi chứng kiến cảnh ấy với vẻ
mặt bình thản! Quý vị đừng hỏi tại sao!
Anh Đinh Công
Chương đã cho chúng tôi nghỉ mấy ngày. Những ngày ấy bộ đội bận đi kích dọc
theo bìa rừng. Họ không dám vào rừng vì nghĩ rằng anh Chương vẫn còn ở đó, chưa
đi đâu cả. Quả vậy, trong hai ba ngày đầu, anh vẫn còn trong rừng đợi bọn chúng
đến. Bằng chứng là vào tối thứ hai, trong khi bọn chúng đang kích ở triền núi,
anh Chương đã quay trở lại cơ quan của chúng lấy đi gạo và một ít đồ dùng. Đúng
là gan cùng mình! Có lẽ anh đã bỏ đi sau đó vì không ai thấy anh xuất hiện nữa.
Đúng như anh
đã từng nói với tôi, anh đã không trở về nhà, mặc dù vùng này không xa Bình Khê
mấy. Anh em Bình Khê được gia đình cho biết là bộ đội đã rình rập chung quanh
nhà anh cả tháng, nhưng không thấy anh đâu cả. Tuy vậy, mọi người cũng được
biết chút ít tin tức về đường đi của anh. Trên đường, anh đã giết 7 tên bộ đội
và du kích đã đi theo anh và tịch thu súng ống đạn dược và lương thực của họ.
Theo lời môt tên cán bộ quản chế cho biết: Cơ quan đã thuê hai viên trung
úy người Thượng, những tên rất gan dạ và có thành tích để theo dấu anh.
Một tuần sau, có kẻ đã gặp họ trong rừng, mặt bị bằm nát và treo lủng lẳng trên
cây!
Cho đến ngày
chúng tôi được cho về nhà: một số với nửa trang giấy lệnh tha; số khác như tôi
chẳng hạn, vì cho rằng có ‘nợ máu với nhân dân’ đã được cho
về đia phương bằng quyết định quản chế tại địa phương. Tôi đã cố tìm hiểu
xem anh có thoát được không. Nhưng anh như con cá đã vượt xa ra biển, không một
tin tức.
Cầu mong rằng
số phận của anh sẽ không đến nỗi nào!
Nashville, TN
07/28/2015
Song Long
304Đen -
Llttm