Saturday, July 11, 2015

Suýt Nửa Không Có Hai Sắc Hoa Ti Gôn - Xuân Lộc


Suýt nữa không có Hai sắc hoa ti gôn

 


    Cuối mùa thu năm 1937, tòa soạn báo Tiểu thuyết Thứ bảy nhận được bài thơ nhan đề Bài thơ thứ nhất, rồi sau đó ít ngày, nhận được một bài thơ nữa, nhan đề Hai sắc hoa ti gôn, đều của một tác giả ký tên T.T.Kh. Sau đó, tòa soạn không nhận được bài thơ nào nữa của T.T.Kh, cũng không biết tác giả này ở đâu.
Sau khi báo đăng hai bài thơ, làng văn xôn xao lắm, nhưng không hề thấy T.T.Kh liên hệ với tòa soạn. Có mấy người đã nhất quyết, T.T.Kh chính là người yêu của mình, nhưng chả có ai đưa ra được chứng cớ thuyết phục. Tác giả T.T.Kh vô hình vô ảnh trong cuộc đời, nhưng thơ của bà được giới phê bình luận bàn náo nhiệt (và không hiểu sao mọi người đã tin chắc ngay rằng T.T.Kh là nữ giới). Đương thời, có người không ngần ngại đánh giá đó là những áng thơ tuyệt tác, nhất là bài Hai sắc hoa ti gôn.

Về những ý kiến cho hai bài thơ đầu tiên đó của T.T.Kh là kiệt tác thì tác giả Thi nhân Việt Nam đã nói rõ quan điểm của mình: “Nói thế đã đành là quá lời, nhưng trong hai bài thơ ấy cũng có những câu thơ xứng đáng với vẻ lâm ly của câu chuyện. Cô bé T.T.Kh yêu...”. Có lẽ, với cách đánh giá như vậy nên Hoài Thanh và Hoài Chân đã không chọn in thơ T.T.Kh vào tập Thi nhân Việt Nam... Tuy vậy, thực tế đời sống văn chương Việt Nam hơn 70 năm qua, T.T.Kh luôn được độc giả mến mộ, nhất là đối với bài Hai sắc hoa ti gôn. Dường như càng trải thêm thời gian, bài thơ này càng biểu lộ vẻ đẹp đặc biệt, càng có sức sống lạ lùng. Chúng tôi nghĩ, nếu có cuộc điều tra tỷ mỷ để tìm hiểu những bài thơ Việt Nam nào trong 70 năm qua được bạn đọc yêu mến nhiều nhất, thì chắc sẽ có cả Hai sắc hoa ti gôn.
Chúng tôi phải trình bày lại sự ra đời và giá trị của bài thơ Hai sắc hoa ti gôn trong đời sống văn chương nước ta như vậy để chúng ta ý thức rằng: nếu không có bài thơ Hai sắc hoa ti gôn, trong đời sống văn chương nước ta sẽ có sự thiệt thòi lắm! Và trên thực tế, việc đó đã suýt nữa xảy ra. Mà mãi đến năm 1990 chúng tôi mới biết việc ấy...

 Năm 1990, nhà văn Ngọc Giao lên thượng thọ, 80 tuổi. Ông nguyên là Thư ký tòa soạn của báo Tiểu thuyết Thứ bảy. Có một tâm sự ông giữ mãi trong lòng hơn nửa thế kỷ, khi vào tuổi 80 mới thổ lộ với bạn bè tâm giao. Rằng đó là một buổi trưa, cuối mùa thu năm 1937, ở tòa soạn báo Tiểu thuyết Thứ bảy. Những đồng nghiệp trong tòa soạn đã về nghỉ gần hết, chỉ còn lại Trúc Khê Ngô Văn Triện và Ngọc Giao. Trúc Khê Ngô Văn Triện còn nán lại để dịch Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ra quốc ngữ. Ngọc Giao thì đã tiến đến chỗ mắc áo để lấy mũ và ra về. Nhưng đúng lúc đó có tiếng kèn đám ma. Đám tang đang đi qua phố Hàng Bông. Ngọc Giao là người rất sợ nghe tiếng kèn đám ma, nên ông mới nán lại thêm cho xe tang đi qua đã. Đã khoác áo, đội mũ chỉnh chu, ông không muốn quay vào phòng trong mà kéo ghế ngồi tạm lại chỗ gần cửa, gần nơi để cái sọt đựng giấy loại. Không biết điều gì xui khiến, ông đưa tay vào sọt giấy loại, nhặt lên mấy tờ bị vo tròn và quẳng vào đó chờ đi đổ xe rác. Tẩn mẩn, ông vuốt một tờ ra và đọc. Đó là một tờ giấy học trò khổ nhỏ. Một bài thơ. Chữ viết bằng bút chì nguệch ngoạc, nét run, nét mờ, như thể viết ra một lần là xong và gửi luôn cho tòa báo. Lệ của báo là bài lai cảo phải viết trên một mặt giấy sạch sẽ. Còn bài thơ nét chữ bút chì này lại viết trên cả hai mặt giấy. Nhưng bài thơ đã khiến Ngọc Giao xúc động lạ thường, đó là Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh. Và ông đã ngồi lặng đi trong mối rung cảm đặc biệt. Rồi ông bước vội đến đưa bài thơ cho Trúc Khê, yêu cầu đọc ngay. Trúc Khê Ngô Văn Triện thấy Ngọc Giao đang quá xúc động, cũng bỏ bút, cầm đọc bài thơ. Và ông cũng ngồi lặng đi, rồi đọc lại lần nữa. Ông già Trúc Khê vỗ tay xuống bàn, nói với Ngọc Giao: “Sao lại có bài thơ tuyệt đến thế này...!” Rồi ngay sau đó, Ngọc Giao gọi ông cai thợ sắp chữ nhà in lên, bảo sắp chữ ngay bài thơ ấy cho số báo sắp ra. Vậy là Hai sắc hoa ti gôn đi vào đời sống thơ ca Việt Nam...

    Kể câu chuyện tâm sự mấy mươi năm xưa cũ, nhà văn Ngọc Giao còn cầm bút ghi vào cuốn sổ lưu niệm của một bạn văn cùng thời là nhà văn Phạm Văn Kỳ cũng từng làm thư ký tòa soạn tuần báo Tiểu thuyết Thứ năm. Những dòng lão nhà văn Ngọc Giao ghi vào sổ lưu bút của lão nhà văn Phạm Văn Kỳ có đoạn: “... Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh bị bỏ rơi sọt rác như vậy đó. Nó càng được bạn đọc nhắc đến bao nhiêu, tôi càng ân hận về lỗi làm ăn cẩu thả, sơ xuất bấy nhiêu... Nếu không có cái đám ma qua phố thổi kèn rầu rĩ đó thì tôi đã đội mũ lên đầu, không cúi xuống sọt rác... thì đóa hải đường Hai sắc hoa ti gôn đành an phận nằm trong đó, rồi người ta mang đi theo thường lệ, người ta phóng lửa đốt cả... Trong đó, rất có thể cả những áng văn hay mà cái anh thư ký tòa soạn quan liêu, nhác lười, cẩu thả đã ném đi!...”.

    Vậy đấy, câu chuyện pha chút hài hước “nếu không có cái đám ma qua phố...” lại là một tâm sự canh cánh trong lòng nhà văn Ngọc Giao suốt 53 năm trời. Vì tế nhị, nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện cũng giữ kín suốt đời câu chuyện này. Nghĩ rằng, chuyện có thể hữu ích với nghề báo chí văn chương hôm nay, chúng tôi đã xin phép nhà văn Phạm Văn Kỳ và mạn phép nhà văn quá cố Ngọc Giao viết ra trong bài này. Chúng tôi cũng muốn được khép lại bài viết này bằng mấy dòng di bút cao thượng của lão nhà văn Ngọc Giao viết mùa thu năm 1990: “Tôi xin cúi đầu nhận lỗi đã có hành vi bất kính đối với một tài năng văn học. Tôi xin bà mãn xá cho tôi nếu bà đã qua đời, cũng miễn thứ cho tôi nếu bà còn ở cõi thế gian này với mái tóc cũng bạc trắng như tôi, như tất cả chúng ta cùng chung thế hệ đoạn trường văn bút”.

 (từ FB Xuân Lộc)

Người chuyển bài – vhp Hạ Vũ

 

No comments: