Tuesday, July 28, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Mười Một) - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc - Chương Mười Một
 
 

 

Chương Mười Một

 

    Nhà nước cho bộ đội tràn sang đất Kampuchea, đưa nhóm quân Khờ me đỏ ly khai chống chính quyền Pol Pot tiến vào Nam Vang, thanh niên cả nước lại được lệnh động viên thi hành nghĩa vụ quân sự. Lúc này đám con cháu gia đình Mỹ Ngụy được chiếu cố tận tình, nhất là nhà nào đang còn có cha anh kẹt trong trại tù cải tạo. Tin tức từ báo chí, truyền thanh truyền hình nhà nước hô hào thanh niên lên đường nhưng không cho biết là có bao nhiêu người đã không trở lại. Rồi thì Sài Gòn ồn ào như cơn sốt, đầu ngõ cuối đường, đâu đâu cũng bàn chuyện chạy chọt, chạy cho con cháu trốn nghĩa vụ, lo cho cha anh trong trại tù được tha về để tìm cách vượt biên. Người trốn vượt biên thoát được càng nhiều bao nhiêu thì cán bộ Đảng xem ra càng giàu thêm lên. Công an lập chốt gát chận xét thanh niên tuổi nghĩa vụ trên đuờng phố, nhưng không thấy mấy ai bị bắt, con trai con gái vẫn còn đông nghẹt.



 


    Giữa mùa hè, Sài Gòn thiếu hẳn những cơn mưa lớn, họa hoằn lắm mới có vài đám lất phất bay buổi sáng, đường phố đầy bụi trong những ngày nắng chói giữa trưa. Hoa Phượng nở chập chùng cuối ngõ về từ sân cỏ Trưng Vương đến đầu cổng Gia Long theo tiếng chuông lạnh lùng tan trên nóc chùa Xá Lợi. Chợ búa cứ ngập người như xưa nhưng người đi ăn xin nhiều hơn người mua người bán, xin một đồng bạc thương hại hay một chút nước súp lạt nhẽo thừa mà đám cán bộ lắm tiền bỏ lại trong tô phở lạnh tanh. Ở một góc nào đó, người thương binh mặc bộ đồ lính cũ rằn ri, rách không còn chỗ vá, dù cánh tay đã mất đi gần phân nửa vẫn cố gảy tới gảy lui cây đàn ghi-ta cũ rích, theo tiếng hát đứt quảng như một lời cầu kinh, lạy ông đi qua bà đi lại chút lòng thương xót, cái nón rách trước mặt hình như có chút tiền, anh nhìn xuống, nuốt chửng giọt nước mắt mặn tanh vừa tràn ra khóe. Tên công an mặt lạnh như tiền đứng nhìn anh thật lâu, hắn định tiến tới đuổi nhưng lại quay lui bỏ đi không buồn nhìn lại. Khói thuốc và cà phê từ quán cà phê Năm Đường, trên đường Triệu Đà pha lẫn nhau một mùi u ẩn. Sương sáng vẫn chưa tan hẳn, trên mấy bụi dạ lý hương trong sân ngôi biệt thự gần đó, có chiếc xe jeep quân đội và anh bộ đội mang súng đứng chờ. Đám con nít tụ tập quanh đống rác cuối bờ tường, bắt đầu chửi bới nhau giành từng cái bao ni-lông đen ngòm mặc cho mùi hôi thúi.

    Nhà nước theo chân đàn anh vĩ đại Nga Sô, cho thi hành chính sách kinh tế đổi mới, Tổng Bí Thư Nguyễn văn Linh, nhân danh đảng cho phép dân chúng được buôn bán làm ăn lẻ mọi ngành và khuyến khích báo chí phê bình, đóng góp ý kiến lề lối làm việc sai trái của cán bộ nhân viên từ làng xã phường khóm đến quận tỉnh trung ương. Hình như Nguyễn văn Linh cũng viết đôi bài ký tắt tên mình về những chuyện hối lộ tham nhũng. Dân chúng được dịp vùng lên, tiệm quán, cửa hàng mọc lên như nấm khắp đầu đường cuối ngõ. Xí nghiệp này xí nghiệp nọ, từ may vá tới nhập cảng xuất cảng ti-vi, tủ lạnh, xe gắn máy xe hơi. Chỗ nào cũng có sự đở đầu của ông to mặt lớn, không bí thư thành quận thì cũng chủ tịch ủy ban hay giám đốc cơ sở, trực tiếp hay gián tiếp, ngân hàng nhà nước cũng ngấp nghé dự phần tạo điều kiện cho vay chia chát. Buôn bán lặt vặt kiếm chút đồng ra đồng vô ngày ngày thì không nói gì, nếu tính chuyện kinh doanh lớn lao thì đừng mơ tưởng tới nếu không có móc ngoặc, ăn chịu với chính quyền, phải nhớ tên ông Vỏ văn Kiệt hay Phan văn Khải trước khi nộp đơn xin phép. Hộp đêm phòng trà được dịp sống lại, sống để có chỗ cho cán bộ xài tiền học đòi làm người văn minh, phải nghe nhạc vàng và uống bia ngoại quốc. Tội nghiệp cho đám bộ đội, không quyền thế không tiền bạc, cho nên cứ lang thang trên đường ngơ ngẩn, đếm từng bước nặng nề giữa cái nắng chang chang trong thành phố tên Bác quang vinh, nhìn anh công an quần áo thơm tho, ngồi uống ly cà phê sữa đá mát lạnh mà đau đớn nuốt nước miếng khô ngang cổ họng chờ đầu tháng lãnh khẩu phần quân binh, dù nếu đem bán ra chợ thì cũng chỉ đủ mua vài ký lô gạo.
 
 
 
 
 

    Sài Gòn đông hơn xưa, đường phố đông nghẹt người, người vất vưởng bồng bế nhau về từ các vùng kinh tế mới, người hồ hởi xuôi nam từ miền bắc xa vời. Dân chúng chợt quen lần với tiền bạc nhiều hơn là luật lệ nhà nước, cho nên cái áp lực kềm kẹp của chính quyền có vẻ đi chơi đâu đó. Kinh tế thị trường là chuyện hàng đầu, chính trị đảng đoàn bỗng dưng thành thứ yếu. Đám người tù cải tạo ngày về càng nhiều, số mà đảng còn coi là nguy hiểm đã yên thân trong rừng sâu hoang dã. Người chống đảng cũng kéo nhau bỏ đi và đến bến bờ các nước láng giềng xung quanh cũng càng lúc càng đông, ai nấy cũng muốn đi hơn là ở, như ai đó có một lần đã nói, nếu cây cột đèn mà biết đi chắc nó cũng đã đi rồi. Chính quyền thành phố đổi người vài lần, cái gọi là ủy ban xử lý chính trị do Bon làm trưởng ban đã không còn cần tới, Ban bí thư thành, theo lệnh từ Hà Nội quyết định hủy bỏ và xáp nhập thành một bộ phận nhỏ của ủy ban tư tưởng, thuộc quyền của ông Bí Thư Thành ủy.

    Bon vốn tôn thờ cái lý tưởng cộng sản tuyệt vời, tuyệt vời theo kiểu ông cha nuôi ôm mộng Hổ nhớ rừng ", đếm những ngày cuối của đời bằng hai bàn tay không sau mấy mươi năm cúc cung tận tụy, cho nên không được phe nào ưa và cũng không đứng ở phe nào, khác hẳn với Hựu, bí thư quận năm, một cái quận béo bở nhất ở Sài Gòn từ trước tới nay, Bon hãnh diện tự gọi mình là người cộng sản chuyên chính, trung với đảng hiếu với dân, không cực đoan giáo điều hay cải cách. Bon bị mất chức rồi chuyển về làm phụ tá ban nghiên cứu lịch sử, một chức vụ không quyền hành không tiền bạc và cũng không ai cần tới. Bon viết thư về báo sự việc cho ông già nuôi, không thấy ông trả lời từ Hà Nội. Bon lặng lẽ đi về những ngày sau đó trong khi đèn màu muôn màu sáng rực trên đường, không buồn chờ đêm xuống. Chiếc xe jeep cũ của Nga Sô cũng đã giao trả lại cho nhà nước ngay ngày văn phòng của Bon, nằm ở sau lưng nhà hát thành phố, đóng cửa, bây giờ là một nhà hàng sang trọng do người Đài Loan làm chủ.

    Trời Sài Gòn vào thu, lá úa rụng ngập vàng hai bên đường, lưa thưa vài cơn mưa bụi, buồn như ngày cuối thu, Bon rời Hà Nội sang Mạc Tư Khoa, ngày mà hồn Bon rộn rã theo tiếng nhạc quân hành "mùa thu này ngày hăm ba ta ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến" của những ngày cách mạng xa xưa. Bon đứng lẻ loi trong một góc phố nhìn theo đám lá me vàng rơi lả tả theo gió chiều, hình như "cái mùa thu ngày hăm ba" không còn nữa.

    Chiều thứ sáu, sau khi tan trường, anh Mẫn lên hảng dệt đón chị Trâm về để cùng xuống Phú Lâm, gặp một người bạn quen bàn chuyện vượt biên. Cuối thu rồi mà hàng bông dăm bụt quanh rào hảng dệt hoa vẫn còn lưa thưa vài cánh đỏ. Anh bảo vệ vừa kịp mở cái cánh cổng nhỏ để anh Mẫn đẩy xe vào thì chị Trâm đã vội vã đi ra, chị quay đầu lại nói gì với Linh. Anh Mẫn vẫy tay chào, Linh cười chào lại. Hai vợ chồng ra khuất cổng rồi, Linh vẫn còn đứng yên ở đó. Trên đường xuống Phú Lâm, chị Trâm nói cho chồng nghe chuyện Bon bị mất chức, anh Mẫn không hỏi gì thêm.

 

Thuyên Huy

(còn tiếp)

 


No comments: