Saturday, July 11, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc - Chương Tám - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc - Chương Tám
 
 

 

Chương Tám

 

 

Chị Trâm đứng lấp ló, định chờ Linh trước cửa văn phòng, nhưng nghe có tiếng bàn cãi ồn ào bên trong nên chị bỏ đi, chưa được mấy bước thì cửa phòng bật mở, hai ba người mặc đồ bộ đội tay xách, tay mang cặp da bước ra, chị Trâm nép vào một bên hành lang nhường lối cho họ đi qua, chị khẽ gật đầu chào lấy lệ vì không quen biết lắm. Chị còn đang phân vân, chưa biết là có nên trở lại tìm Linh không, thì Linh đã lên tiếng. Chị Trâm nhìn đồng hồ trên tay rồi gật đầu, Linh vẫn đứng bên ngoài cửa chờ, cũng đã sắp đến giờ nghỉ ăn trưa.

Linh quơ vội đống giấy tờ ngổn ngang trên bàn, nhìn chị Trâm :

- Chị chưa đi, định tìm em sao không vào ?

Chị Trâm thong thả :

- Thấy em bận rộn họp hành cho nên chị không muốn làm phiền.

- Đâu có họp hành gì chị, mấy người trên Thành Ủy xuống hỏi em về tình hình công nhân ra sao đấy mà, chẳng có gì khẩn trương cả.

Linh ngồi xuống ghế, tiếp tục hỏi :

- Chị có cần em giúp gì không ?

Chị Trâm kéo cái ghế trống bên cạnh cửa sổ ngó ra sân, trời có vẻ nắng gắt quá, hơi nóng bốc hừng hực trên đường nhựa, hàng tường vi quanh rào gạch chỉ toàn lá với lá, dãy quán ăn bên kia đường ồn ào người vô người ra, cái trạm gát, kiểm soát người đi xe đò trước khi vào thành phố cũng còn như ngày xưa, nhưng mất rồi người quen năm cũ. Chị Trâm chợt lặng thinh, không biết nói gì. Thấy chị im lặng, Linh lại lên tiếng :

- Tới giờ nghỉ ăn rồi, hay là chị em mình qua bên kia đường kiếm cái gì ăn, hôm nay em không có mang cơm theo !

Chị Trâm khẻ gật đầu, theo Linh đi ra ngoài

Sau bữa ăn, chị Trâm không ngờ là Linh cũng đi theo lên Bà Điểm dự đám ma ba của Phong, sau khi chị xin phép về sớm vì chuyện này. Gia đình anh chị Huân vốn là bạn cũ, anh Huân trước là Thiếu Tá, trưởng phòng ba của tiểu khu Phước Long, nhà ở phía trước hồ tắm Nguyễn Văn Thoại. Phong là đứa con trai lớn, học sinh xuất sắc của trường trung học Petrus-Ký, đậu tú tài hai hạng bình, nhưng không được vào đại học, vì một lý do hết sức đơn giản, cái sơ yếu lý lịch gia đình Ngụy quân do chính quyền phường phê. Anh Huân bị bắt đi cải tạo, đày ra Bắc ngay những ngày đầu, chị cùng đám con dắt díu nhau bỏ về Bà Điểm tá túc với bà ngoại, sau khi nhà anh chị bị tịch thu trong đợt đánh tư sản mại bản của chính quyền thành phố. Chị Trâm đưa Phong vào hảng dệt, làm công nhân trong khu sửa chữa, sau lần đến thăm chị và mấy đứa con trên Bà Điểm. Lần cuối ra Bắc thăm chồng cũng là lần anh Huân được chính quyền tha về, vì cái bệnh ung thư gan, nó đã làm anh chết đi sống lại mấy lần trên trại rừng âm u Lào Kai Yên Bái. Về nhà không lâu, anh Huân còm cỏi gồng gánh nồi nêu lên vùng kinh tế mới Bù Đăng theo đúng chính sách khoan hồng của nhà nước. Chị Huân lầm than đi về nuôi chồng từ đó. Cuối cùng anh Huân chết lẻ loi trong một sáng mưa dầm tầm tã vì không chịu nổi sự hành hạ tàn bạo của cái bệnh ngặt nghèo. Chị xin phép xã quận đem xác anh về chôn ở Bà Điểm. Phong sụt sùi báo tin và xin phép chị nghỉ vài ngày làm đám tang, chị Trâm nắm tay nó ngồi gục trong góc văn phòng, hai cô cháu nhìn nhau khóc sướt mướt.
 
 
 
 
 

Đám tang anh Huân, chẳng có mấy người đưa, hai ba người bạn làm cùng hảng dệt vừa về nhà sau ca đêm, năm sáu ông bà chòm xóm, thế thôi, không kèn không trống, không nhạc quân hành, không khúc ngâm chiêu hồn tử sĩ. Cái quan tài bằng gỗ vụn chấp nối thiếu trước hụt sau, lặng lẽ chìm sâu dưới huyệt. Phong rải mấy nhánh hoa huệ trắng cùng vài nắm đất xuống mồ lặnh thinh, chị Huân cùng mấy đứa con gái nhỏ khóc rấm rức, tiếng mất tiếng còn. Bác gái ngồi chết trân dưới bóng cây. Nghĩa địa không một ai, hình như ma quái ở đây chưa kịp về đón bạn. Chị Trâm ôm chầm lấy chị Huân và mấy đứa con, thấy môi mình như biển mặn. Linh đứng gần đó nhìn, không ai buồn nói với cô ta một tiếng ngay cả chị Trâm, Linh quay mặt đi đôi lần, phía đó vẫn còn có mặt trời. Mẹ con dắt dìu nhau trở lại nhà, nấm mồ cao chưa bằng ngọn cỏ tranh lần khuất dần sau lưng. Chị Huân cám ơn sự có mặt của Linh trước khi hai người ra về. Ra đến đầu quốc lộ, chị Trâm vẫn còn thấy lòng mình tan tác. Không biết Linh có hiểu được nổi lòng chị không, cô ta buồn buồn lặng thinh trên đường. Chị Trâm đưa Linh đến nhà thì trời cũng vừa sẩm tối, anh Mẩn đi dạy thêm toán tư cho mấy đứa con cán bộ lớn, dưới cư xá Hai Bà Trưng vẫn chưa về, nhà tối om trước sau như mực.

Sau đám tang anh Huân, vợ chồng chị Trâm lên Bà Điểm thăm viếng ủi an chị Huân cùng gia đình dăm ba lần rồi thôi vì quá bận rộn kiếm sống. Vật giá, đồ đạc, cái gì trong thời buổi này, mọi thứ đều mắc mỏ. Số tiền lương của hai vợ chồng cho một gia đình với hai đứa nhỏ chẳng thấm vào đâu, may mà anh Mẫn còn được có chỗ dạy tư, tuy vậy anh chị nhất quyết không bỏ chuyện vượt biên. Có dư chút xíu nào thì mua lấy mua để mấy chỉ vàng, cất dấu kỹ càng chỗ này chỗ khác trong nhà chờ khi hửu sự. Hảng dệt mấy ngày gần đây chợt dưng xôn xao trong ngoài, vì năm sáu người công nhân bên khu bốc dỡ đã bỏ đi và đã đến Mã Lai. Trong mấy buổi sáng họp giao ban, Linh không nói tới gì chuyện này, nhưng có lần cũng đã hỏi chị Trâm, tại sao lại phải bỏ đi, mà không dùng danh từ phản động, ôm chân đế quốc để gọi họ. Chị Trâm giả vờ không để ý ba cái chuyện này khi gặp gở Linh. Chi bộ đảng ủy hảng dệt Vinatexco cho họp toàn thể công nhân, học tập chính sách dảng và nhà nước hai hôm liền về việc này, đe dọa ai không chấp hành tốt sẽ bị trừng trị, trong số những người của chi bộ, ông Ba Bưng, bí thư chi bộ có vẻ hung hăng lớn tiếng nhất, thật ra thì cũng lập đi lập lại mấy câu mà mấy ông cấp thành phố nói thôi. Ông ba Bưng, cũng gốc người Bắc nhưng hình như không ưa Linh lắm, ông nằm vùng ở đây lâu rồi nên thường hay coi Linh không biết gì, trước mặt thì vâng vâng nhưng lúc nào cũng tìm cách bắt bẻ Linh, mặc dù cô ta là giám đốc, từ điều nhỏ việc to, nhất là ông bất bình ra mặt khi thấy Linh thân thiện với chị Trâm, một người mà ông cho là "người của Mỹ Ngụy". Chị Trâm biết nhưng chị phớt tỉnh ăng-lê, chị thừa sức biết là họ vẫn phải cần tới chị trong cái tài giỏi của một kỹ sư ít nhất là cho tới lúc này. Giống như anh Mẩn, chị giả mù sa mưa, làm tròn công việc, nói cười nhất trí dù trắng có bảo là đen, vàng bảo là đỏ.

Qua Tết, số người cải tạo được thả về lai rai, Sài Gòn lại ồn ào thấy khác, công an phường khóm lăng xăng bận rộn, làm khó làm dễ bọn Mỹ Ngụy thua cuộc trình diện quản chế, hạch sách đủ điều. Gia đình có người về cũng lăng xăng, nhưng lăng xăng trong mừng mừng tủi tủi từ sau nhà ra tới góc phố. Bạn tù gặp lại nhau trên đường phố lạ lùng, con đường Duy Tân không còn nữa cây dài bóng mát, ly cà phê lạt lẻo trong một góc lề, tưởng chừng đắng hơn là chén thuốc độc hy sinh đời của ông Phan Thanh Giản. Thằng Phong, con của chị Huân, mấy ngày nay không thấy đi làm và cũng không thấy lãnh tiền lương kỳ này, chị Trâm cũng hơi nghi nhưng mừng thầm nếu sự việc đúng như mình nghĩ. Người nhân viên phụ trách phát lương còn giữ phần của Phong, vì thấy chị Trâm quen biết nó nên tìm lên văn phòng gặp chị hỏi thăm. Người phát lương vui tánh nhưng cũng là cán bộ tập kết từ Bắc về, cho nên chị đề nghị chung chung, chờ vài bữa xem sao, có thể Phong bị bệnh không đi làm nổi.

Chiều chủ nhật, hơn mười ngày Phong không đến hảng làm, sau khi cùng anh Mẩn đi thăm một người bạn cùng thời, gốc sỉ quan của quân đoàn ba cũ, được thả về, nhà ở trong cái hẽm nhỏ bên hông trường trung học Đắc Lộ, thấy trời còn sớm lại cũng tiện đường, anh chị đi ngược lên Bà Điểm thăm chị Huân và mấy đứa nhỏ. Chị Huân cho biết, Phong với số tiền dành dụm, nhịn ăn nhịn mặc của gia đình, theo bạn vượt biên từ Long Xuyên, tàu đã đến đảo Kijang của Nam Dương hai ba ngày trước đây, tin làm cả nhà mừng muốn khóc. Vợ chồng chị Trâm thở phào nhẹ nhõm, nhìn chị Huân mà rưng rưng nước mắt. Trên đường về, hai người bàn với nhau tìm lý do để trả lời với đám cán bộ trong hảng dệt, nhất là với Linh về Phong, nếu có ai hỏi đến, vì dù sao chị Trâm chính là người đã đưa nó vào làm ở đây. Sáu bảy giờ chiều, mây chiều xám xịch nặng nề xuống chậm chạp từ phía cuối trời, bến xe ngã tư Bảy Hiền vẫn còn đông người lên xuống, nhất là mấy chuyến xe đò về miệt Củ Chi, Tây Ninh, Đức Hòa Đức Huệ, đầy ấp mấy anh bộ đội tay xách nách mang.

 

Thuyên Huy

(còn tiếp)

 

No comments: