Wednesday, July 8, 2015

Người Quân Tử - Linh Bảo


Người quân tử

 

 

 Người Quân Tử là truyện ngắn trích từ Tầu Ngựa Cũ, tác phẩm văn học được trao giải thưởng văn chương 1961. Người Quân Tử và Áo Mới của Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút Quốc tế / PEN International tuyển chọn là hai trong số 26 truyện ngắn hay nhất thế giới năm đó.


Dung băn khoăn suy nghĩ lăn lộn trên giường đã hơn một tiếng đồng hồ. Đáng lẽ nàng phải đi chợ nhưng hôm nay có cớ để cho nàng giận dữ nên định đâm liều một bữa xem sao.

Dung còn nhớ rõ hôm ấy nàng đang chạy dưới đám mưa đạn thì gặp hắn. Hắn đón nàng về nhà hắn trong khu vực an toàn. Vợ hắn về quê không trở lại nên hắn rất tự do. Luôn mấy ngày hai người bị kẹt trong cái tổ ấm đó. Thế là hắn thành ra “chính phủ bảo hộ” của Dung. Kể ra lúc đầu hắn cũng mất một ít công phu. Nào là mua nước hoa đắt tiền tặng nào là tắm rửa cho hai đứa con riêng mồ côi cho nàng, nào là thức dậy từ ba giờ sáng khuấy cà-phê cho nàng uống để đi làm. Nhưng hắn thuộc về loại đàn ông tán gái chỉ mất ba bó hoa là về sau lấy lại cả vốn lẫn lời.

Khi hãng máy bay Dung làm đóng cửa, hắn hết sức dỗ dành cho Dung đừng làm nơi khác, hắn hứa sẽ trả lương cho Dung gấp đôi nếu Dung làm thư ký cho hắn. Hắn nói:

– Tôi đã có vợ rồi nên không thể cưới em được. Tôi chỉ là một người ân nhân, một người quân tử giúp em qua khỏi lúc khó khăn tai nạn. Em cần có một người đàn ông làm hậu thuẫn cho em để em dựa vào đó mà làm ăn, để tinh thần em có chỗ ký thác. Con em cần phải có cha, người ta cần phải có mái nhà như con chim cần tổ ấm. Em không thể sống mãi cái cuộc sống cô độc, trống trải tâm hồn và phải phấn đấu lo miếng cơm manh áo cho con như thế mãi được.

Hắn tán ngọt như mía lùi. Dung nghe như ăn phải bùa mê. Nàng ký thác trọn thể xác lẫn tâm hồn. Mỗi năm nàng đẻ cho hắn một đứa con. Những đứa bé này đều theo họ mẹ và gọi hắn bằng bác.

Với mọi người hắn chỉ nhận Dung là thư ký của hắn. Mà cũng đúng như thế thực. Như phải viết thư đòi nợ cho hắn; giao thiệp với trạng sư, vì hắn rất thích đi kiện; đi thu tiền nhà, lo chạy các giấy tờ trong việc buôn bán của hắn, nay Sở này mai Bộ nọ toàn là phận sự của cô thư ký cả. Còn những việc “phi phận sự” thư ký như lau nhà, làm bếp, đẻ con, hắn cũng giao cho Dung nốt. Hắn rất hà tiện nhất định không mướn người làm trong nhà, hắn lấy cớ là không tin ai hết để bắt Dung làm lấy tất cả. Hắn đưa cho Dung mỗi tháng ba nghìn gọi là tiền lương thư ký. Và trong số ba nghìn đó cô thứ ký phải nấu cơm cho ông chủ ăn nữa.

Số tiền ấy chỉ bằng một phần năm lương Dung đi làm trước kia. Nhưng biết làm sao được khi từ một thư ký thường người ta đã biến thành cô thư ký “vạn năng”. Và người “quân tử” lại là hạng quân tử khôn chứ không phải quân tử dại. Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn. Hắn thuộc về loại quân tử khôn. Còn Dung xưa nay vẫn nổi tiếng khôn nhưng lại là khôn dại.

Hắn sợ Dung tiếp xúc với bạn bè bà con nhỡ người ta bày khôn bày khéo nên cấm nàng không được giao thiệp chơi bời với ai cả. Hắn không cho Dung diện và đi phố vì hắn biết Dung còn đẹp lắm, nhỡ gặp người “cao tay ấn” hơn hắn thì hắn mất một món bở. Còn biết tìm đâu trên đời này một người đàn bà “ngon một cách thuần tuý” như Dung? Trong kỹ nghệ làm vợ “chợ đen” ai cũng đòi được hưởng thụ vật chất đầy đủ để đền bù sự thiệt hại về tinh thần. Chỉ có một mình Dung đã làm cách mạng trái với định luật ấy. Khi Dung đẻ cho hắn đứa con trai thứ hai hắn mua cho nàng một cái nhẫn hột xoàn giả. Đó là món quà đầu tiên từ khi nàng về làm “vạn năng thư ký” cho hắn. Không đeo thì sợ hắn giận, đeo thì cũng khổ tâm lắm! Cuối cùng Dung nghĩ được cách đeo nhưng quay mặt nhẫn vào trong. Nàng sợ người ta biết nhẫn giả nên quay mặt nhẫn như vậy cố ý để mập mờ thế cho mọi người tưởng mình giầu nhưng khiêm nhượng không muốn ai biết.

Dung được hắn nhồi sọ rất kỹ; bắt nàng tâm niệm hắn là người ân nhân của nàng, hắn là người quân tử đã cưu mang và cứu vớt nàng trong cảnh lửa đạn và Dung cũng tin như thế thật.

Nàng vẫn giữ lòng tin ấy cho đến hôm “bác” của mấy đứa nhỏ chạm trán với Loan, một bạn gái từ thuở bé của nàng.

“Bác” của mấy đứa nhỏ nói thao thao bất tuyệt như lên diễn đàn:

– Tôi là người quân tử, tôi là người ân nhân của Dung. Nếu không có tôi Dung đã chết giữa đám đạn lạc. Tôi chỉ bảo Dung cách thức làm ăn. Tôi không nuôi Dung có tính ỷ lại ăn sống nhờ vào đàn ông như những người đàn bà khác, nhỡ khi chồng chết thì làm sao? Vì thế nên tôi không nuôi Dung; tôi tập cho Dung phải làm lấy mà sống, và sống “Độc-lập”!

Hắn nói xong chừng biết mình nguỵ biện, sợ chỉ có một mình Dung nghe lọt tai và tin, chứ còn ngoài ra chẳng ai tin những lời quỷ quái của hắn hết, nên vừa dứt câu, hắn sợ Loan trả lời vội chân sau đá chân trước chạy ra cửa như bị ma đuổi:

– Tôi xin lỗi, tôi đi đây có chút việc!

Hắn đi rồi, Loan cáu lên với Dung. Nàng cười mũi:

– Hừ quân tử! Hừ ân nhân! Đã quân tử đã ân nhân sao lại làm cho người ta có con? Đồ không chịu trách nhiệm, thừa nước đục thả câu còn dám mở miệng xưng là ân nhân, quân tử!

Dung làm trạng sư cho hắn:

– Nếu không có hắn hôm ấy thì tôi thực chết đấy Loan ạ.

Loan cười gằn:

– Nếu là em thì chết phứt đi còn hơn! Hắn chỉ nghĩ đến phần hắn mà không nghĩ đến phần người ta. Hắn giúp chị thì chả có gì là lạ. Trong hoàn cảnh ấy ai chả giúp nhau! Nhưng đâu có phải giúp một tí rồi bắt người ta phải là tôi mọi suốt đời để trả ơn không? Người quân tử như thế sao?

– Tôi nghĩ ra lạ quá! Thì ra hắn đòi trả ơn như thế đấy!

– Người đàn bà cũng cần phải có một người đàn ông riêng của mình, yêu mình và hoàn toàn thuộc về mình. Cần phải có gia đình. Hắn quân tử gì? Ân nhân gì? Hắn hại chị thì có. Hắn lấy chị đẻ con ra mà hắn khỏi nuôi. Chị không phải là vợ hắn mà cũng không còn mong lấy ai được nữa, không mong gì có một gia đình riêng của mình. Chị chỉ là một kẻ nô lệ của hắn, chỉ làm bổn phận mà không có quyền lợi gì hết! Con đẻ ra mang họ chị! Đấy chị xem hắn nhẫn tâm biết bao nhiêu? Chị phải nai lưng ra suốt đời làm tôi mọi nuôi con cho hắn, làm giầu cho hắn trong khi hắn có tiền chở chuyên về cho vợ lớn hết. Đến lúc hắn đá chị thì chị đã thành một bà già đi ở đợ nuôi con! Hắn chỉ lợi dụng, ích kỷ thế mà dám xưng là quân tử cho nó nhục nhã cái chữ quân tử đi. Chẳng thà cứ vỗ ngực nói: Tao là một cái thằng đểu, ai ngu thì mắc mưu ta! Nghe còn sảng khoái hơn!

Dung ngơ ngác như vừa bị mất cắp! Đúng là nàng đã bị mất cắp ngay cả cuộc đời. Kẻ đánh cắp ngay giữa thanh thiên bạch nhật còn cười vào mũi người bị mất cắp nữa!

Loan thấy Dung sững sờ, nói tiếp:

– Em còn nhớ câu chuyện “áo người quân tử” của ba em kể ngày xưa: “có một chàng nọ có một cái áo rất đẹp. Một hôm anh túng tiền liền vào một tiệm cầm đồ hỏi cầm. Chủ tiệm bảo:

“- Cái áo này tôi cầm cho ông hai trăm. Ba tháng nữa ông chuộc phải trả thêm hai trăm tiền lời nữa thành bốn trăm đồng.

“Anh chàng kia bằng lòng, cởi áo giao cho chủ tiệm và cầm tiền xong ra về. Anh vừa ra đến cửa thì chủ tiệm gọi giật lại:

“- Này ông, tôi có ý kiến này hay lắm. Tôi thấy ông thật thà tôi thương tôi làm phúc làm đức nói hơn thiệt cho ông nghe. Ông bây giờ trong túi không có lấy một đồng đến nỗi phải đi cầm áo. Vậy ba tháng nữa ông lấy đâu ra bốn trăm để chuộc áo về. Nếu lúc ấy ông không trả đủ vốn lời cho tôi, để quá ba tháng nữa thì sẽ phải trả gấp đôi thành tám trăm đồng. Tôi hỏi ông, ông sẽ đào đâu ra số tiền ấy?

“Anh chàng kia gật đầu cho là phải:

“- Vâng, ông nói đúng lắm. Ba tháng nữa tôi cũng không làm sao xoay được bốn trăm đồng.

“Chủ tiệm cười híp cả mắt lại:

“- Tôi biết mà! Vì vậy tôi mới khuyên ông, nếu ông chịu nghe tôi thì đỡ khổ. Này nhé, bây giờ trong túi ông đã có hai trăm đồng rồi. Vậy ông trả trước cho tôi hai trăm đồng đi. Ba tháng sau ông chỉ phài trả có hai trăm đồng nữa thôi chứ không phải bốn trăm đồng. Như thế có phải lợi biết bao nhiêu! Nếu ông không trả được, trễ đến ba tháng nữa cũng chỉ thành có bốn trăm đồng chứ không phải tám trăm đồng. Lời đến một nửa, ông nghĩ thế nào?

“Anh chàng nghĩ đi nghĩ lại, thấy quả thực đúng lý vô cùng. Anh móc túi lấy hai trăm đồng ra trả cho chủ tiệm và ra về.

“Anh về nhà thấy lạnh, chợt nhớ ra mình không có áo khoác nữa. Anh ngẫm nghĩ:

“- Lạ quá! Khi mình chưa bước chân vào tiệm cầm đồ thì tuy túi mình rỗng nhưng vẫn còn có áo khoác ngoài mặc và không nợ. Bây giờ ở trong tiệm bước ra, túi vẫn trống không, áo không có nữa lại có một số nợ phải lo trả lạ quá!”

Dung thét lên:

– Thôi, tôi biết rồi! Chính tôi mới là người quân tử! Tôi là cái anh chàng đem áo đi cầm. Khi tôi chưa bước chân vào nhà hắn, thì tôi không có chồng, tôi trẻ, tôi đẹp, tôi tự do, tôi có việc làm để nuôi con tôi. Bây giờ ở nhà hắn bước ra thì tôi mất tự do, mất việc. Tôi phải hầu hạ hắn, nấu cơm cho hắn ăn, nuôi con cho hắn. Tôi vẫn phải làm việc lấy đồng lương để sống mà phải đội ơn hắn nữa. Tôi vẫn không chồng, hắn ở nhà hắn, tôi ở nhà tôi thế mà tôi vẫn phải thuộc quyền hắn xử dụng…

Loan ngắt lời:

– Chị hiểu thế là đủ! Em về nhé!

Loan về rồi, Dung gục đầu lên gối khóc nức nở. Nàng muốn liều lĩnh không nghĩ tới bữa cơm chiều nhưng chợt nhớ tới những cái tát như trời giáng của hắn, Dung vội vàng mặc áo đi chợ.

Dung không có cách nào để kháng cự lại hắn được, nàng đâm ra giận Loan. Phải, tại Loan tất cả! Trước khi gặp Loan nàng thấy đời vẫn êm đẹp. Tuy nhà cửa nàng bẩn thỉu thực, tuy con cái nàng rách rưới thực, tuy những lời hắn đều láo thực, tuy nàng phải làm việc quần quật suốt ngày cho hắn, tuy hắn hay gây gổ mắng chửi nhưng nàng đã coi như một sự dĩ nhiên. Ngày trước hắn khuyên nàng lấy hắn để cho con nàng được sung sướng, ngày nay con nàng giống như con mồ côi cả cha lẫn mẹ, nàng không hề phàn nàn, băn khoăn, thắc mắc, nghĩ ngợi, tìm hiểu ai hơn ai thiệt. Tất cả mọi sự đều thành ra dĩ nhiên cả rồi. Nàng chỉ biết cố nấu cơm ngon cho hắn ăn. Lo đi đòi được tiền nhà và nợ về cho hắn vui. Mỗi ngày đến nhà hắn làm tròn phận sự và “phi phận sự” xong tối về ngủ với con. Dung không hề thấy khổ hay nghĩ đến khổ. Nhưng không ngờ hôm nay những câu nói của Loan làm đảo lộn cả tâm hồn nàng.

Không lẽ lại chửi người đàn ông đã từng âu yếm mình. Dung nghĩ được cách giải quyết là trút hết cả tội lỗi lên đầu Loan. Nàng nghiến răng lẩm bẩm:

– Đồ ranh con! Mày thì đã hơn ai! Còn mày cũng phải tự nuôi lấy lại còn nhiếc tao! Chỉ được cái tài nói dóc, chửi người ta là giỏi, chính mình thì cũng ngu như bò!

Dung thấy thoả mãn như đã được trả thù, nàng nghĩ đến lúc hắn khen món ăn nàng làm ngon. Hắn cười tít lên rung rinh cả cái thân hình đồ sộ và cái bộ mặt “đồng tháp mười”, bộ mặt bí hiểm, thâm trầm, dữ tợn và cũng “phì nhiêu” ấy! Bỗng nàng thấy buồn nôn. Không phải nôn vì nghĩ đến hắn nhưng chắc là tại có một người “quân tử bé con” nữa sắp ra đời.

[Trích Tầu Ngựa Cũ, tr. 43-52, Nxb Ngày Nay, Sài Gòn 1961]


Linh Bảo


Sau các nhà văn nữ tiền chiến như Thuỵ An, Mộng Sơn của thập niên 1940s, Linh Bảo và Nguyễn Thị Vinh là hai nhà văn đi trước thế hệ đông đảo các nhà văn nữ của thập niên 1960s về sau này như Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Tuý Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương, Trần Thị NgH…

Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tần là tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.

Nhà văn Linh Bảo, tên Võ thị Diệu Viên, sinh 14 tháng 4, 1926 trong một gia đình quan lại triều đình Huế: cha Võ Chuẩn nguyên tổng đốc Quảng Nam, mẹ gốc hoàng tộc Tôn Nữ Thị Lịch. Từ thời rất trẻ, Linh Bảo đã nuôi tham vọng được đi du học, rời xa gia đình sớm, sống lưu lạc qua nhiều quốc gia ngoài Việt Nam: Trung Hoa (Nam Kinh, Quảng Châu), Hương Cảng, Anh, Pháp, và Mỹ. Linh Bảo còn có hai tên khác: Lại Cẩm Hoa là tên trên chiếc vé xuống tàu vượt biển sang Hương Cảng, Vũ Trung Thư / Mo Chung Shu là tên ghi danh đi học ở Nam Kinh và Quảng Châu. Các bức thư nhà văn Nhất Linh gửi Linh Bảo khi còn ở Hương Cảng đều gửi với tên Lại Cẩm Hoa.

Mới xong năm thứ hai (1947-1949) Đại học Tôn Trung Sơn [do tôn kính người Hoa không gọi tên Tôn Dật Tiên / Sun Yat Sen University], thì Hồng quân của Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục 1950, Linh Bảo một lần nữa từ Quảng Châu chạy tỵ nạn sang Hương Cảng. Tại đây, cô đã làm mọi việc để kiếm sống: từ phụ tá nha sĩ / dental tech tới lồng âm tiếng Việt cho các bộ phim Tàu đang thịnh hành thời bấy giờ.

Năm 1951, Linh Bảo lập gia đình với một người Hoa mang quốc tịch Anh, và trở thành công dân Anh do cuộc hôn nhân này. Bút hiệu Linh Bảo, có nguồn gốc rất đơn giản, đó chỉ là tên người chồng Trần Linh Bảo / Ling Po Chan và bút hiệu ấy gắn mãi với văn nghiệp của chị trong văn học sử Việt Nam.

Đến 1954, khi Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hoà mới được thành lập, Linh Bảo là người Việt Nam hiếm hoi lúc đó biết tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại, tiếng Anh và dĩ nhiên cả tiếng Việt, cô được tuyển làm nhân viên của toà Lãnh Sự Việt Nam tại Hương Cảng. Làm việc tới 1957, trở về nước và chỉ sau 2 năm, 1959 Linh Bảo lại chọn một cuộc sống xa quê nhà.

Từ Hương Cảng, qua Pháp rồi qua Anh một thời gian, cuối cùng Linh Bảo chọn định cư ở Mỹ sau khi được tuyển dụng vào giảng dạy môn Việt ngữ 14 năm [1962-1976] tại trường Sinh ngữ Quân đội Mỹ / Defense Language Institute, Monterey, California cho đến khi ngôi trường bị giải thể sau Chiến tranh Việt Nam.

Linh Bảo hiện sống tại Nam California.

Tác phẩm:

– Gió Bấc, truyện dài, Nxb Phượng Giang 1953
– 
Tầu Ngựa Cũ
, tập truyện ngắn, Nxb Đời Nay 1961
– 
Những Đêm Mưa
, truyện dài, Nxb Đời Nay 1961
– 
Những Cánh Diều
, tập truyện ngắn, Nxb Trí Đăng 1971
– 
Mây Tần, tuyển tập đoản văn, Nxb Việt Nam Hải Ngoại 1981

Sách Nhi đồng:
– 
Chiếc áo nhung lam
, Sách Hồng, Nxb Đời Nay 1953
– 
Con Chồn Tinh Quái, truyện Nhi đồng, Nxb Ngày Mới 1967

Tác phẩm Tàu Ngựa Cũ được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1961. Trừ truyện dài Gió Bấc và truyện nhi đồngChiếc áo nhung lam được in từ 1953, các tác phẩm chính của Linh Bảo đều được xuất bản trong thời kỳ 1954-1975.

Người chuyển bài – Nhan Tử Hà

 

No comments: