Kiếm kho tàng trong
lăng tẩm Huế
Soạn giả Hoa
Phượng trả nợ bà Bầu Thơ
Năm 1961, bà Bầu Thơ đưa đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga đi lưu diễn miền Trung. Các soạn giả thường trực phải theo đoàn để tập tuồng mới. Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang, Nguyễn Phương ở chung một phòng trong khách sạn. Trước đây trong những chuyến lưu diễn các tỉnh miền Hậu Giang, chúng tôi 4 người cũng ở chung một phòng, thường đi ăn điểm tâm chung, ăn cơm hội cùng một mâm, đến địa phương nào chúng tôi cũng tìm chỗ đi du ngoạn hoặc tìm thưởng thức những món ngon vật lạ. Nhưng trong chuyến lưu diễn miền Trung kỳ này, đến Nha Trang thì Hà Triều và Hoa Phượng tách ra đi chơi riêng, hai anh sa đà trong việc bài bạc được tổ chức ngay trong đoàn hát.
Cô Năm Hay, em ruột của bà Thơ, bày ra việc đánh tứ sắc trong phòng khách sạn với Út Trà Ôn, Hoàng Giang và bà bầu Thơ; Hữu Thìn, con bà bầu, tổ chức binh xập xám với các soạn giả Hoàng Việt, Hà Triều, Hoa Phượng.
Ba ngày liên tiếp, các danh thủ “đỏ đen” sát phạt nhau tận tình. Hà Triều, Hoa Phượng thua 15.000 đồng. Hai anh bán đứt cho bà bầu Thơ một vở tuồng để có tiền trả nợ cờ bạc. Tôi rủ Hà Triều, Hoa Phượng và Kiên Giang ra quán ở bãi biển, nhậu rượu, giúp cho Hà Triều, Hoa Phượng mượn tửu binh giãi phá thành sầu. Hoa Phượng cười hề hề sảng khoái, nói: “Thua bạc, bán đứt tuồng cho bà bầu được hai chục ngàn đồng. Mười lăm ngàn trả nợ, còn lại năm ngàn, tôi bao các anh ăn xài cho hết, vậy là vui rồi! Tôi sẽ viết một tuồng, dài 40 trang, như vậy mỗi trang giấy đánh máy tuồng của tôi đáng giá 500 đồng”.
Mấy ngày sau, Hoa Phượng rủ tôi và Kiên Giang đi viếng Tháp Bà, đền thờ thần Ponagar, rồi ra bờ sông Cái Nha Trang, đứng trên cầu đá chụp hình Cù Lao Xóm Bóng. Tôi đinh ninh Hoa Phượng sẽ viết một tuồng với cốt truyện về thần nữ Thiên Y A Na, truyện Vua Chế Bồng Nga hoặc chuyện Huyền Trân Công Chúa. Hoa Phượng nói chưa xài hết năm ngàn thì chưa có tính tới chuyện viết tuồng trả nợ. Anh rủ chúng tôi đi thăm Hải học viện, viếng Nha Trang thành và định đi đến thăm Lầu Bảo Đại tức biệt thự Cầu Đá trên đỉnh núi Cảnh Long nhưng chúng tôi chưa kịp đến xem Biệt Thự Cầu Đá thì đoàn hát di chuyển qua các tỉnh Phan Thiết, Qui Nhơn, sau đó ra hát ở Huế.
Sân khấu được dựng trên bãi đất trống sát bờ sông Hương, gần Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đường. Thay vì ở khách sạn Thuận Hóa, bốn soạn giả chúng tôi mướn ghe để ngủ trên sông Hương, ghe đậu gần vòng bao của sân diễn. Tôi đã quên chuyện Hoa Phượng phải viết tuồng trả nợ cho bà Bầu nên khi ra hát ở Huế, tôi hoạch định một chương trình đi du ngoạn, viếng chùa Thiên Mụ, vô thăm các lăng tẩm các vua triều Nguyễn, đi ăn cơm âm phủ, ăn cơm hến, đi chợ Đông Ba và vào nội thành Huế kiếm xem các rạp hát bội của vua.
Chúng tôi được hướng dẫn viên du lịch của địa phương đưa đến xem nhà hát bội ở cung Diên Thọ dành riêng cho Hoàng Thái Hậu và các bà Mẹ khác của vua. Nhà hát này được gọi là Thông Minh Đường, xây cất bên phải sân, sát cửa Chính Điện, trước được gọi là Hữu Túc Đường, đối diện với Tả Túc Đường tức là nhà Tả Trà, nơi dùng để đãi trà các quan khách.
Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng từ thời vua Minh Mạng thứ 7 (năm 1826). Duyệt Thị Đường ở ngoài tường phía đông điện Quang Minh, nằm trong phạm vi Cấm Thành. Đây là nhà hát lớn nhất trong các nhà hát ở Hoàng Cung. Chiều dài của nhà hát Duyệt Thị Đường từ trước cửa đến sát vách sau sân khấu dài 40 thước, bề ngang 16 thước. Sân khấu để trình diễn hình vuông, mỗi bề 8 thước, sân khấu cao hơn mặt bằng của khán phòng 8 tất nên khán giả ngồi ở các hàng ghế đầu có thể thấy rõ suốt mặt bằng của sân khấu. Trong khán phòng có hai hàng cột gỗ lim thật lớn chống đỡ. Trần nhà và vách phông trong của sân khấu được chạm nổi cảnh trăng sao, tinh tú, mặt trời, biểu hiện vũ trụ.
Cách mặt tiền sân khấu độ ba thước, ngay giữa khán phòng có hai ghế chạm trổ hình con rồng nơi tay vịnh để cho vua và hoàng hậu ngồi xem hát. Phía sau là hai hàng ghế bọc nệm gấm dành cho các vị quan đại thần và khách của vua. Chỗ ngồi của các vị quan khách là hai dãy ghế trường kỷ đặt dọc dài từ dãy cột lớn đến sát vách hai bên phải trái của sân khấu. Sau hai hàng ghế dành cho vua, hoàng hậu và các quan đại thần, hai bên sân khấu có cầu thang gỗ để lên trên gác cao bằng gỗ đen bóng, nơi dành cho khán giả là các bà các mệ trong nội cung. Trên hai gác lầu này, bên mặt có một giá gỗ treo vài chục chuông bằng đồng đen lớn nhỏ khác nhau. Trên gác bên trái có giá giàn đờn đá và nhiều mỏ.
Minh Khiêm Đường là nhà hát bội dành để hát cho vua Tự Đức, Hoàng hậu, các nội thị hầu cận và các quan thân cận của vua xem. Minh Khiêm Đường nằm trong khuôn viên của Khiêm Lăng (tức lăng mộ của vua Tự Đức), được xây dựng năm 1864, nằm giữa khoảng Hòa Khiêm Điện (nơi vua Tự Đức làm việc) và Lương Khiêm Điện (nơi vua Tự Đức ăn ngủ, nghỉ ngơi mỗi khi lên chơi ở Khiêm Cung).
Có một đêm, Nha Du Lịch tổ chức tại nhà hát Duyệt Thị Đường một chương trình múa cung đình và đờn ca nhã nhạc cho du khách xem. Chúng tôi mua vé vào xem. Vãn hát, về đến đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, chúng tôi thấy vắng mặt Hà Triều. Có người nghĩ Hà Triều đi ăn khuya ở các quán cơm âm phủ hay cơm hến. Có người nghĩ anh ta bắt bồ được với một nàng Huế nào đó nên đi chơi hoang một đêm. Lần đầu tiên chúng tôi mới đến Huế nên không dám thả rong ban đêm để kiếm Hà Triều, đành nói cho bà bầu Thơ biết để bà nhờ thầy bảy Liêm quản lý của đoàn hát báo cho cảnh sát địa phương biết để nhờ cảnh sát giúp.
Hôm sau, 9 giờ sáng, khi các nghệ sĩ đang tập tuồng thì cảnh sát địa phương dẫn Hà Triều đến gặp bà bầu Thơ. Cảnh sát cho biết nhân viên cảnh vệ trong Lăng thấy Hà Triều ngủ ngồi trong vách Nhà Bia trong lăng Minh Mạng. Hỏi ra họ biết là soạn giả của đoàn hát, đêm rồi coi hát trong Duyệt Thị Đường, khi về đi lạc nên phải ngủ tạm nơi Nhà Bia để chờ sáng. Bà Bầu xin đóng tiền phạt nhưng cảnh sát cười: Người lạ đi lạc ban đêm trong lăng tẩm là chuyện thường, có chi mô mà phạt?
Các nghệ sĩ cười Hà Triều, có người nói cốt tử của Hà Triều thuộc về hoàng tộc nên ra Huế ngủ đêm trong lăng vua là hạnh phúc lắm. Hà Triều cười: “Mấy cha nói hạnh phúc thì thử ngủ một đêm trong lăng thì sẽ biết nó ra sao! Lạnh thấy mẹ! Lại còn bị muỗi chích, bù mắc với kiến cắn nổi mận đầy mình đây nè... May mà đêm hôm có gói thuốc và cái ống quẹt này, phì phà suốt đêm cho nó đỡ buồn. Ngủ gà ngủ gật trong lăng, chết còn sướng hơn!”
Hoa Phượng bỗng phá cười thật lớn: “Cám ơn, Hà Triều! Mầy ngủ quên trong lăng làm cho tao nảy ra ý tuồng để viết trả nợ cho bà Bầu”.
Bà Bầu Thơ nghe Hoa Phượng nói vậy, bà hỏi liền: “Chú nói chú có ý tuồng mới, vậy đó là tuồng gì? Tuồng xã hội hay tuồng hương xa?”
- Dạ, chỉ mới có cái tựa, nhưng mà nội trong một tuần lễ là tôi sẽ viết xong.
- Tựa gì? Nói cho tôi biết, được hông?
- Dạ, được chớ chị Năm... Tựa tuồng là Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng. Tựa tuồng vừa được Hà Triều gợi hứng bằng cái chuyện ngủ trong lăng vua nhưng cốt chuyện mới tượng hình, tôi xin phép vắng mặt trong một tuần để thai nghén cái chuyện này mới được.
Hoa Phượng lặn đâu mất trong bốn ngày hát chót ở kinh thành Huế. Khi hát ở tỉnh Quảng Ngãi được ba bữa chúng tôi mới thấy Hoa Phượng trên xe đò từ Huế vô. Anh ta đã có cốt chuyện và bắt đầu viết vở Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng.
Câu chuyện tuồng như sau:
Tướng cướp Vi Hạc Linh bồng thây vợ là Lạc Thy Kim vô hoàng lăng để chôn. Anh ta bất mãn vì vua khi sống thì được ở trong cung điện nguy nga, khi chết được an táng trong hoàng lăng tráng lệ. Còn dân nghèo sống thì chui rúc trong chòi lá, khi chết không mảnh đất chôn thây, nên Vi Hạc Linh muốn cho vợ anh sau khi chết cũng được ngang hàng với các vì vua đang an nghỉ nơi chốn hoàng lăng. Y sĩ Sa Tần đang lẫn trốn trong hoàng lăng vì bị hoàng hậu Thúy Nhi đuổi bắt, ông ta dùng thuốc cứu sống Lạc Thy Kim. Lúc đó Ý Mỹ Thơ, vợ của Sa Tần, mang bình nước đến cho Sa Tần mang theo khi vượt qua sa mạc. Ý Mỹ Thơ đẹp đến nỗi Vi Hạc Linh quên ơn của Sa Tần, muốn cướp đoạt Ý Mỹ Thơ và phụ rẫy vợ nhà. Sa Tần đi khỏi hoàng lăng, hoàng hậu Thúy Nhi đến, Vi Hạc Linh biết Sa Tần vì không tuân lịnh thuốc chết vua Sĩ Tước Hoa theo lịnh của hoàng hậu nên mới bị truy sát. Vi Hạc Linh nhận thực hiện kế của hoàng hậu, giết vua Sĩ Tước Hoa để lấy ngôi vua lại cho con trai của bà. Khi giết được vua Sĩ Tước Hoa, Vi Hạc Linh cướp luôn ngôi vua và giết hoàng hậu Thúy Nhi và hoàng tử. Có quyền thế trong tay, Vi Hạc Linh cướp luôn vợ của y sĩ Sa Tần.
Ý Mỹ Thơ không theo Vi Hạc Linh được vì còn vợ của Hạc Linh là Lạc Thy Kim. Vi Hạc Linh bèn cho lịnh đưa vợ đến, định giết đi để chiếm cho được Ý Mỹ Thơ. Lúc đó Sa Tần xuất hiện, nói rằng ông ta có phương thuốc Trường sinh nhưng cần đôi mắt của người vợ chung thủy, tự nguyện hiến mắt để làm thuốc cho chồng. Lạc Thy Kim đến, Vi Hạc Linh giả đau, cần đôi mắt của vợ để chữa trị. Lạc Thy Kim thương chồng, hiến đôi mắt để y sĩ Sa Tần làm thuốc cho Vi Hạc Linh. Thuốc đã chế xong nhưng khi bỏ đôi mắt của Lạc Thy Kim vào thì sấm nổ vang, đôi mắt bay lên trời và y sĩ Sa Tần cũng biến mất.
Sau khi Lạc Thy Kim hiến đôi mắt, Vi Hạc Linh bỏ vợ vô rừng sâu để cho thú dữ ăn thịt. Bà khóc vì sự bội phản của ông chồng. Nước mắt của người vợ hiền nhỏ xuống làm cho khối đá nơi bà ngồi vỡ tan. Một vị thần bị nhốt trong khối đá đó với lời nguyền là khi nào có nước mắt của người vợ hiền nhỏ xuống thì vị thần sẽ được giải thoát khỏi bị giam cầm trong đá. Nước mắt của Lạc Thy Kim cứu được vị thần. Ông cho bà được ba điều ước: 1- giàu có với vàng bạc châu báu đầy kho, 2- làm nữ vương cai trị một vùng đất rộng lớn phì nhiêu, 3- có một cái hộp thần kỳ, bất cứ kẻ nào muốn xâm phạm đến quyền lực và tài sản của bà, chỉ cần mở nắp hộp ra là sẽ tiêu diệt kẻ đó.
Vi Hạc Linh biết có một vương quốc giàu sang mới ra đời, anh ta đem quân đến định xâm chiếm, bất ngờ gặp lại vợ cũ là Lạc Thy Kim. Lạc Thy Kim mở nắp hộp ra định giết Vi Hạc Linh trả thù người chồng bội phản thì tiếng sấm nổ vang, tất cả đều biến mất, hiện lại cảnh hoàng lăng, Vi Hạc Linh còn bồng xác vợ, anh ta qua một giấc mộng dài để thể hiện dục vọng của con người trước sắc đẹp và quyền thế. Ý Mỹ Thơ là tượng đá trên vách hoàng lăng, vị thần và y sĩ là một người, tất cả đã đi vào giấc mộng của Vi Hạc Linh để nói lên mặt trái của những lời ơn nghĩa lúc đầu hôm và khiến cho con người sống thật với lòng mình cho đến khi tàn mộng đẹp.
Soạn giả Hoa Phượng có biệt tài viết những đoạn văn mượt mà, làm tăng thêm chất văn học cho các tuồng của anh. Dưới đây là đoạn văn thể hiện miệng lưỡi của kẻ háo sắc minh biện cho dục vọng của mình:
- Vi Hạc Linh (nói với vợ của Sa Tần): Ý Mỹ Thơ! Nếu ta muốn bắt buộc khanh thì chắc chắn là ta bắt buộc được. Nhưng không! Ta muốn nói cho khanh hiểu rằng: bất cứ người đàn ông nào, khi bước ra khỏi ngưỡng cửa của gia đình, đều mang tâm trạng của một con thú trở về rừng cũ. Và sự chung tình của vợ nhà chỉ có giá trị bằng một sợi dây xích có tâm hồn. Những đêm rừng ngóng mỏ đợi cô đơn, thú nhớ xích nhưng ngại vòng dây ràng buộc. Còn khanh, khanh hãy nghĩ kỹ đi. Nếu khanh chết, có ai chịu bỏ một số thời giờ vô ích, ngồi tán dương người tiết phụ hay chăng? Trong khi đó thì gả Sa Tần lo cưới vợ để yên bề gia thất. Tại sao khanh cứ mãi tôn thờ đạo đức, không hay rằng thời gian đã biến nó thành chiếc áo vá quàng. Luân lý của sanh linh phải tùy thuộc chiếc ngai vàng, mà hoàng đế là kẻ cầm cân nảy mực. Ý Mỹ Thơ, tất cả trân châu bảo ngọc, đợi chờ khanh để bay đến cổ tay khanh và vị hoàng đế như ta cũng phải cúi mình hôn gót ngọc của người giai nhân tuyệt sắc.
Và đây là lời phỉnh gạt của Vi Hạc Linh, nói dối với vợ là Lạc Thi Kim để xin đôi mắt luyện thuốc trường sinh:
- Vi Hạc Linh (nói với vợ là Lạc Thy Kim): Khanh có biết khi ta đội chiếc vương miện này thì ta nhớ đến gì chăng? Ta hồi tưởng lại một đêm mưa như trút, sấm chớp liên hồi; từ sa mạc xa xôi, ta ghì lưng ngựa phi nhanh về xóm cũ. Vết thương trên ngực này vẫn loang máu đỏ, mặc tình cho đàn chó hoang buông những tiếng sủa vô tư. Ngựa mò về ngôi nhà cũ với ngọn đèn xanh leo lét hiền từ. Qua phên rách ta thấy khanh ngồi chống tay ủ rũ. Lạc Thy Kim! Tất cả những hình ảnh đó đã nói lên lòng người thiếu phụ...
(Ca vọng cổ)
1- đang thắt thẻo mong chồng... Trong đêm khuya đối ngọn đèn mờ, nàng lắng nghe từng tiếng động trong mưa. Như một linh hồn dò dẫm lối hư vô. Thương làm sao mái tóc buông hờ như giòng suối con lặng lờ chảy luồn qua hoang vắng.
- Kim: Tâu hoàng thượng, những lúc ấy không phải thần thiếp buồn thân mình đơn chiếc, mà chính là lo cho người đang lăn lóc giữa rừng gươm.
- Linh (ca câu 2): Ngày ngày làm bạn với xe tơ cùng tiếng thoi đưa dìu dịu tấu thành một bản đàn độc điệu u trầm... Tuổi xuân trôi theo tiếng nhạc âm thầm mà khanh không một lời than thân trách phận. Kẻ làm chồng như ta thật là vinh hạnh. Nhưng mà, Lạc Thy Kim ơi, khanh càng tỏ ra kiên nhẫn thì ta càng cảm thấy lòng mình đau đớn xót xa.
- Kim: Đã là vợ chồng, sao hoàng thượng còn nghĩ đến những việc đó làm chi cho sanh ra phiền muộn. Đời người ta cũng có khi trầm khi bổng đâu phải bản đàn độc điệu như tiếng thoi đưa. Nếu nghĩ đến ngày cay đắng thuở xưa thì tình nghĩa ngày nay xin đừng phai lạt.
- Linh (ca câu 3): Làm sao ta quên được hình bóng của khanh khi ta đội chiếc vương miện này. Ngai vàng kia không phải là bức rào ngăn đôi chồng vợ. Nên ta vội vàng cho triệu khanh về để cùng chung hưởng những ngày phú quý. Nhưng mà định mạng trớ trêu có lẽ đây là lần gặp mặt sau cùng. Khanh ở lại hoàng cung còn ta thì trở về nơi cát bụi, ngàn năm sương khói lạnh lùng.
- Kim: Hoàng thượng, tại sao hoàng thượng lại thốt ra những lời trăn trối trong khi sức khỏe vẫn khang cường?
- Linh: Y sĩ Sa Tần vừa báo cho ta biết, ta vướng phải một chứng bịnh vô phương điều trị, nội ngày nay sẽ gặp mặt các tiên vương. Trừ phi khanh bằng lòng cho ta đôi mắt thì Sa Tần mới cứu ta thoát chết...
Đầu thập niên 60, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, soạn giả được tự do sáng tác nên chỉ trong 7 ngày cao hứng, soạn giả Hoa Phượng đã sáng tác được vở tuồng Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng, vừa có tác phẩm hay để cho đào kép thi tài ca diễn, vừa có những đêm hát lý thú cho khán giả giải trí mua vui và cũng là một cách trả số nợ 20.000 đồng một cách rất có ý nghĩa.
Nếu chuyện xảy ra sau năm 1975, khi bắt buộc phải viết tuồng theo định hướng chính trị của đảng thì 10 anh Hoa Phượng hợp lại cũng không thể nào viết được một tuồng cải lương theo định hướng cho ra hồn!
Nhớ thời vàng son của cải lương.
Soạn giả Nguyễn Phương, 2012
304Đen -
Llttm
No comments:
Post a Comment