Thursday, August 13, 2015

Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước Và Mối Tình Đầu - Đoàn Dự


Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và mối tình đầu







Thưa quý bạn, đầu tháng 06/2010, bạn bè ở nước ngoài có mail cho Đoàn Dự một bài của ông Nam Minh Bách ở Virginia, cháu gọi Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bằng bác họ. Thấy bài này có nhiều điểm đặc biệt có lẽ nhiều người chưa biết về vị Nhạc sĩ tài hoa, sáng tác những bản nhạc rất hay, bản nào cũng trở thành bất hủ nhưng rất kín tiếng đó, Đoàn Dự bèn nghiên cứu thêm rồi mạn phép ông Nam Minh Bách thuật lại để quý bạn rõ. Sau đây là lời kể của tác giả Nam Minh Bách với sự đóng góp bổ sung của Đoàn Dự. Xin mời quý bạn thưởng thức.

Dương Thiệu Tước & mối tình thời đi học

Năm 2000, tôi về thăm Hà Nội, bạn bè cho đọc một bài báo trên tờ Công An, bài này đã từng làm dư luận dân chúng Hà Nội lúc đó xôn xao. Nhân dịp năm thứ 5 kỷ niệm ngày vĩnh biệt Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ông được ca ngợi là một Nhạc sĩ đã có công hòa hợp cổ nhạc và tân nhạc, đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam phát triển mạnh mẽ cho tới ngày nay. Và trong mấy dòng tiểu sử, bài báo đó có nhắc tới mối tình đầu của chàng trai “con cụ Thương tá Hưng Yên Dương Tự Nhu” và nàng con gái con cụ Tổng đốc Hưng Yên Vi Văn Định. Chàng và nàng yêu nhau thắm thiết và hai gia đình đã trao đổi trầu cau, nhưng tình duyên của họ dang dở vì có một chàng trai bằng cấp đầy mình nhào vô, loại được anh chàng Nhạc sĩ tài hoa nhưng lúc đó chưa nổi tiếng này ra khỏi vòng chiến.
Theo báo Công An, con người có diễm phúc chiếm được nàng là chàng bác sĩ tây học từ Paris trở về, họ Hồ Đắc, con của một vị đại thần lớn nhất triều đình Huế.
Sau khi tờ báo tung ra, gia đình Hồ Đắc phản ứng ngay lập tức. Bà Vi Kim Phú - tức Hồ Đắc Di phu nhân, con gái của vị cựu Tổng đốc Hưng Yên và Thái Bình Vi Văn Định ngày trước - nói rằng nhà báo nói láo ăn tiền, bà không hề có chuyện nhận trầu cau, sêu tết hay đính hôn với Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bao giờ cả.
Báo Công An im lặng không trả lời, vì họ Hồ Đắc cả thời Pháp thuộc lẫn thời này vẫn rất mạnh, chính tờ báo này đã từng có bài đề cao Quận công Hồ Đắc Trung - Thượng thư bộ Lễ, “quốc trượng” (bố v&#7907... vua Khải Định, thân sinh của Bác sĩ Hồ Đắc Di - là nhà chí sĩ ái quốc. Bác sĩ Hồ Đắc Di trước đây là người sáng lập đồng thời cũng là Khoa trưởng Đại Y khoa Hà Nội. Còn “lệnh ái” Hồ Thể Lan - con gái của Bác sĩ Hồ Đắc Di - năm 2000 đang là Vụ trưởng Vụ Báo chí và cũng là vợ của Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chính phủ CS Hà Nội.
Nhưng tờ báo không xin lỗi, cũng không đính chính, bởi vì họ chỉ lầm có... một nửa. Tổng đốc Vi Văn Định có hai người con gái. Người em là Vi Kim Phú, lấy Bác sĩ Hồ Đắc Di năm 1935 khi mới 17 tuổi. Người chị là Vi Kim Ngọc, lấy Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Tiến sĩ Văn chương Đại học Sorbonne, từ Pháp về, cưới vào năm 1936, khi nàng 20 tuổi. Báo Công An lầm ở chỗ người trả lại trầu cau cho Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là bà chị, vợ ông Nguyễn Văn Huyên, chứ không phải bà em, vợ Bác sĩ Hồ Đắc Di. Cả hai chị em đều đẹp lộng lẫy như nhau và đều nổi tiếng Bắc Hà về nhan sắc cũng như về gia thế. Đến năm 1944, một người cháu nội của ông Vi Văn Định tên Vi Nguyệt Hồ, 15 tuổi, được gả cho Bác sĩ Tôn Thất Tùng (sau này làm Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Minh). Năm 1946, khi bà Vi Nguyệt Hồ sinh con trai đầu lòng ở vùng thượng du Bắc Việt, ông Hồ đến thăm và đặt tên là Tôn Thất Bách (sau này cũng là bác sĩ, mới mất tại Hà Nội cách đây hai năm)
Dân chúng Hà Nội không ai lạ gì ông Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giáo dục 30 năm của chính phủ Phạm Văn Đồng. Hồi thập niên 30, họ gọi ông Nguyễn Văn Huyên và người bạn của ông tên Nguyễn Mạnh Tường là “Nghè Huyên” và “Nghè Tường”, vì hai ông đều đậu tiến sĩ bên Pháp.
Báo Công An nói lộn về người nhận trầu cau của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Bà Vi Kim Phú (bà em), phu nhân của cố Bác sĩ Hồ Đắc Di phản ứng. Thiên hạ bàn tán quá vì họ biết người trả trầu cau là bà Vi Kim Ngọc (bà ch&#7883..., vợ của ông “Nghè Huyên” họ Nguyễn. Đến lượt con cháu họ Nguyễn ra tay. Chỉ con cháu thôi, bởi vì năm 2000 những người trong cuộc đã thành thiên cổ. Bà Nguyễn Kim Hạnh, con gái của ông bà Nguyễn Văn Huyên-Vi Kim Ngọc, xuất bản cuốn sách “Hồi ức về Nguyễn văn Huyên”, trong đó có trích những đoạn nhật ký của thân mẫu, tức bà Kim Ngọc:
“Cha mẹ tôi làm đám cưới với nhau vào ngày 12/4/1936. Mẹ tôi ghi lại những ngày đầu quen biết giữa cha và mẹ trong nhật ký như sau:
“Em đi chơi cùng cha mẹ vào Huế, khắp Trung Kỳ rồi Lục tỉnh Cao Mên, Thái Lan... Nhiều khách quốc tế trầm trồ khen ngợi em là giai nhân”.
“Đôi ta gặp nhau ở Huế, trong lễ hội Nam Giao. Sau đó em tiếc không từ biệt anh. Khi lên xe, cha đưa thư của anh do anh Toại trao giùm (tức bác Phan Kế Toại, chồng cô Mão là chị của cha tôi - K.Hạnh) cho em xem. Đó là thư cầu hôn giữa anh và em ”.
“Sau đó bà ngoại mấy lần nhận điện từ Hà Nội gửi vào cầu hôn.Khi có thư trực tiếp của anh viết cho ông ngoại gửi lời thăm em “người đáng yêu nhất” thì em mới nhận lời cho nhà trai xuống Thái Bình cầu hôn”.
Tác giả Kim Hạnh ghi tiếp:
“Mẹ tôi kể là năm mẹ tôi 16 tuổi, ông ngoại tôi nhận lời gả mẹ tôi cho người họ Dương Thiệu. Năm 19 tuổi, khi biết điều này, mẹ tôi nhất định đòi ông tôi phải trả lại sêu tết ba năm. Vì mẹ tôi không chấp nhận cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Mẹ tôi ghét cay ghét đắng chuyện năm thê bảy thiếp trong chế độ phong kiến”.
“Năm 1977, sau khi cha tôi mất được 2 năm, mẹ tôi viết: “Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh là quyết chọn người tài đức mới trao thân. Nếu không gặp được nam nhi hào hùng đó thì ở một mình suốt đời. Thế mà em đã mãn nguyện”.
Và trang sau, nhật ký nhắc tới Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước:
“Năm 1976, được tin của một người bạn cũ ở Đà Lạt nói rằng có gặp ông Dương Thiệu Tước và vợ của ông là bà Minh Trang lên chơi Đà Lạt”.
Đoạn này rất sơ lược, hình như vô tình nhớ tới thì ghi nhật ký vậy thôi, không có gì quan trọng.
Trong cuốn “Hồi ức về Nguyễn văn Huyên”, nói về Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, tác giả Kim Hạnh ghi: “Bác Tước là cháu nội cụ Nghè Dương Khuê, chúng tôi thường gọi là bác Cả Tước, không thể ví với người đã đậu Tiến sĩ Văn chương Đại học Sorbonne, Bộ trưởng Giáo Dục 30 năm. Năm 1954, bác di cư vào trong Nam, làm chủ sự Ban Âm nhạc Đài Phát thanh Sài Gòn, cả đời sống thanh bạch và rất lương thiện”.

Rất rõ, như vậy người quen biết Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là “bà chị” Vi Kim Ngọc, vợ ông Nguyễn Văn Huyên, chứ không phải “bà em” Vi Kim Phú, vợ của Bác sĩ Hồ Đắc Di. Bây giờ chúng ta thử xem xét về vị Nhạc sĩ tác giả Đêm Tàn Bến Ngự, Ơn Nghĩa Sinh Thành..., nhất là bản Ngọc Lan được ông sáng tác với nhiều kỷ niệm. Ông thường giải thích với các ca sĩ là hai chữ Ngọc Lan viết hoa, nhưng ít người hiểu, đa số đều nghĩ rằng ông ca ngợi loài hoa ngọc lan.

Tiểu sử Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995) quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là một quận của Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình Nho học truyền thống, ông là cháu nội cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học tỉnh Nam Định, tác giả bài hát nói “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” danh tiếng, đến nay các nghệ sĩ hát ả đào vẫn còn sử dụng. Và ông cũng là bác ruột của Nhạc sĩ Dương Thụ hiện nay.
Thuở nhỏ ông học tại Hà Nội. Trong thập niên 1930, ông gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa Lưu ly) gồm Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh... Dương Thiệu Tước cũng là người có sáng kiến soạn “nhạc Tây theo điệu ta”. Những nhạc phẩm đầu tay của ông thường viết bằng tiếng Pháp. Mặc dầu theo học nhạc Tây, nhưng nhạc của ông vẫn thắm đượm tinh thần dân tộc. Trong một tác phẩm viết tay, ông ngỏ ý: “Theo tôi, tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền”.
Ông di cư vào Nam năm 1954. Tại Sài Gòn, ông làm chủ sự Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn, đồng thời được mời làm giáo sư dạy Tây Ban Cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Sau năm 1975, nhạc của ông bị cấm và ông cũng không được dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc nữa.

Vợ chính thất cũng là vợ đầu của ông là bà Lương Thị Thuần, hiện con cái đang sống tại Đức và Hoa Kỳ. Vợ sau của ông là bà Minh Trang, một ca sĩ nổi tiếng thập niên 1950, có con riêng là ca sĩ Quỳnh Giao. Đầu thập niên 1980, ông về chung sống với bà Nguyễn Thị Nga tại quận Bình Thạnh, có một con với bà này và được bà chăm sóc chu đáo.
Ông mất ngày 01 tháng 08 năm 1995 tại Sài Gòn. Gần đây, sau thời kỳ đổi mới, nhạc của ông đã được lưu hành lại trên khắp nước Việt Nam và ông rất được ca ngợi.
Các sáng tác nổi tiếng của ông gồm:
Áng Mây Chiều, Bến Xuân Xanh, Bóng Chiều Xưa, Cánh Bằng Lướt Gió, Chiều (phổ thơ Hồ Dzếnh), Đêm Tàn Bến Ngự, Kiếp Hoa, Ngọc Lan, Ôi Quê Xưa, Ơn Nghĩa Sinh Thành, Thuyền Mơ, Tiếng Xưa, Ước Hẹn Chiều Thu.

Mối tình đầu

Năm đó là đầu thập niên 1930, ở tỉnh lỵ Hưng Yên, chàng 18 tuổi và nàng 17 tuổi. Chàng là con cụ Thương tá Dương Tự Nhu, sau này lên Bố chánh (coi về hành chánh; còn tổng đốc thì trông coi toàn bộ, cả dân sinh, an ninh lẫn các quan lại trong tỉnh; Bố chánh tương đương với phó tỉnh trưởng hành chánh - ĐD), và nàng là con cụ Tổng đốc Vi Văn Định. Tư dinh hai nhà gần nhau, phía trước là một chiếc hồ rộng lớn, ngăn đôi bởi một con đường nhỏ, hai bên hồ thông nhau bằng một con lạch, có một chiếc cầu gỗ vồng cao lên bắc ngang qua, sơn màu đỏ. Quang cảnh rất tĩnh mịch, rất nên thơ, nhất là khi có ánh trăng êm dịu tỏa xuống.
Chiếc cầu đỏ trên hồ là nơi trẻ con vui chơi, câu cá khi bãi trường. Chàng học ở Hà Nội. Nàng học tại tỉnh nhà. Hai dinh thự gần nhau, mỗi lần chàng về, họ gặp nhau. Nàng đang tuổi dậy thì, cực kỳ xinh đẹp, còn chàng thì khôi ngô tuấn tú, đang học trung học, cháu nội của cụ nghè Dương Khuê, sử dụng được 7 loại nhạc cụ kể cả nhạc “Tây” lẫn nhạc “ta”, trong đó thông thạo nhất là Tây Ban Cầm (Guitare) và Hạ Uy Di Cầm (Guitare Hawaienne), lại hát rất hay, có tiếng ở Hà Nội.

Việc gì xảy ra là phải xảy ra, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết với sự trong trắng và bồng bột của mối tình đầu. Họ Vi biết rõ cậu cả cháu nội cụ Dương Khuê này, gia đình quan Bố chánh Dương Tự Nhu bèn đem trầu cau sang đính ước.
Nhưng mối tình trong sáng đó có những đám mây đen kéo tới. Nhà gái dần dần biết Dương học Tú tài chỉ là phụ mà việc Dương ưa thích nhất là học âm nhạc tại trường Ecole Francaise de Musique en Extrême Orient tại Hà Nội, cùng với Nguyễn Xuân Khoát. Khoát chuyên về Dương cầm, còn Dương chuyên về Tây Ban Cầm. Đồng thời, bà mẹ vợ tương lai với trực giác nhạy cảm của phụ nữ cũng nhận ra nguy cơ cho con gái: anh chàng này đẹp trai quá, đàn hát lại hay, sẽ là một tai họa cho con mình.
Trong khi đó, trường Ecole Francaise de Musique en Extrême Orient sau ba năm hoạt động phải đóng cửa vì kinh tế khủng hoảng, Dương lâm vào cảnh dang dở. Phía bên nhà gái có những bà đã bắt đầu chê bai: “Cậu Tước mặt mày sáng rỡ, đẹp trai như Phan An Tống Ngọc mà chỉ có bằng Diplôme, thi rớt Tú tài”.
Rồi họ Vi chuyển từ Hưng Yên sang làm Tổng đốc Thái Bình. Xa mặt cách lòng, đúng lúc ấy thì “nghè Huyên” có sự gặp gỡ. Và rồi, ngày 14-02-1936 nàng lên xe hoa về nhà chồng. Lúc ấy nàng 20 tuổi còn chàng 21 tuổi.

Chàng buồn, bèn đem tâm hồn mình viết thành bản nhạc “Ngọc Lan” bất hủ (xin nhắc lại: nàng tên Vi Kim Ngọc): Ngọc Lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng. Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song... Nhưng mãi tới năm 1953 bản nhạc này mới được xuất bản và phổ biến rộng rãi với giọng ca Thái Thanh tại Hà Nội.
Nói tóm lại, chàng sinh năm 1915, yêu nhau năm 1934, tan vỡ năm 1935, nhìn người yêu đi lấy chồng năm 1936, lúc ấy chàng 21 tuổi. Còn nàng, sinh năm 1916 (kém chàng 1 tuổi), yêu nhau năm 17 tuổi và lấy chồng năm 20 tuổi.

Suy cho cùng, hôn nhân có lẽ là do duyên số nhưng một người tính tình nghệ sĩ, không coi trọng bằng cấp như Dương Thiệu Tước, giả sử nếu lọt vào làm rể gia đình ông Vi Văn Định thì cũng khó sống. Ông là người Nùng, con trai của quan Tri châu Vi Văn Lý. Đối với người dân tộc thiểu số, quan Tri châu cũng giống như “ông vua” ở vùng thượng du. Họ kính trọng ngài và tuân lời ngài răm rắp chứ không cần biết Toàn quyền Pháp hay triều đình Huế là ai cả. Ngoài ra, chức vị này có tính cha truyền con nối. Khi Vi Văn Lý qua đời, Vi Văn Định nối nghiệp và được Pháp chuẩn y cho giữ chức Tri châu. Nhưng Vi là “ông trời con”, dân chúng người Tày, người Nùng cả vùng Cao Bằng, Lạng Sơn vừa sợ vừa coi ngài như ông thần. Ngài lập rất nhiều chiến công cho... thực dân Pháp: dẹp giặc nổi loạn, đánh giết nghĩa quân yêu nước chống Pháp... Công lao và uy tín mỗi ngày một lớn, người Pháp sợ nếu cứ để như thế, e rằng ngài sẽ xưng hùng xưng bá, chiếm riêng cho mình vùng thượng du hiểm trở để lập triều đình theo kiểu Nùng Trí Cao ngày trước thì rất nguy hiểm. Bởi vậy họ “điệu hổ ly sơn”, thăng chức cho ngài, đưa ngài về làm tổng đốc các tỉnh đồng bằng để ngăn ngừa hậu hoạ. Bây giờ chúng ta thử xem sau khi về dưới xuôi, ngài vẫn “hét ra lửa” như thế nào và lý do tại sao sau khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, các ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Khái Hưng, Tạ Thu Thâu v.v... đều bị giết chết, còn ngài, một tên đại Việt gian, đại tàn ác như thế mà vẫn tồn tại mãi đến năm 1975, khi ngài 96 tuổi (ngài sinh năm 1879, mất cùng năm với ông con rể lớn Nguyễn Văn Huyên).
Cụ Đặng Hữu Thụ, nguyên Chánh thẩm Tòa Thượng thẩm Sài Gòn trước năm 1975, hiện định cư tại Pháp, quê ở làng Hành Thiện, Nam Định, kể:
“Vi Văn Định là người Nùng, làm Tổng đốc Hưng Yên, sau đó làm Tổng đốc Thái Bình, nổi tiếng hống hách nên dân chúng rất sợ. Vi bắt quan lại dưới quyền phải cởi giày để ở ngoài văn phòng mỗi khi vào ra mắt Vi, phạt chánh tổng, lý trưởng phải ăn bèo tây (bèo lục bình) khi Vi ra lệnh vớt mà sai thời hạn hoặc vớt không hết, vẫn còn sót lại ở các sông ngòi (bèo lục bình phát triển rất mạnh, nhất là về mùa hè, phải vớt kẻo tắc sông ngòi - ĐD). Vi cấm các hàng rong từ 12:30 đến 14:30 là giờ của Vi ngủ trưa, không được rao hàng khi quẩy gánh hàng qua dinh Vi. Có một anh hàng phở gánh, quên mất luật lệ, khi đi qua dinh, rao lớn, bị Vi ra lệnh cho lính bắt vào, nện cho một trận rồi bắt phải gánh gánh phở đi vòng chung quanh sân dinh, rao từ trưa đến tối mới cho về.
Vi có người con trai là Vi Văn Lê, đang học Luật tại Pháp, là bạn của ông Nguyễn Thế Truyền, đảng viên đảng Việt Nam Độc Lập do ông Tạ Thu Thâu lãnh đạo. Năm 1929, Lê gia nhập đảng Việt Nam Độc Lập. Cây đắng mà sinh trái ngọt chăng?
Khi Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu hưu trí, Vi Văn Định đổi qua thay thế, trong dân gian truyền tụng câu: “Hoàng trùng đi, Vi trùng lại. Suy đi xét lại, Vi hại hơn Hoàng”. Hoàng trùng ám chỉ Hoàng Trọng Phu, Vi trùng ám chỉ Vi Văn Định. Hoàng Trọng Phu là con trai Tổng đốc Hoàng Cao Khải và là con rể Tổng đốc Đỗ Hữu Phương ở Nam Kỳ, toàn những tay sai khét tiếng của Pháp cả, nhưng “Vi hại hơn Hoàng” thì chúng ta đủ hiểu Tổng đốc Vi Văn Định đáng sợ như thế nào”.
Khi việc cướp chính quyền xảy ra năm 1945, Vi bị Việt Minh bắt nhưng ông Hồ chẳng những không giết mà còn cho tạm lánh trong một biệt thự ở Hà Nội, đãi ngộ như thượng khách chỉ vì Vi là một “ông vua Nùng” mà ông Hồ và đảng của ông vẫn còn cần đến. Cũng có người cho rằng sở dĩ ông Hồ tha chết cho Vi, vì Vi là nhạc phụ của hai nhà đại khoa bảng đang phục vụ trong chính phủ Việt Minh là Bác sĩ Hồ Đắc Di (được Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Decoux phong giáo s&#432... và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên. Ngoài ra, Vi còn là ông nội của tiểu thư Vi Nguyệt Hồ, vợ của Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Y tế VM nữa. Bác sĩ Tôn Thất Tùng tốt nghiệp Y khoa tại Pháp, rất nổi tiếng về môn giải phẫu tim và gan.

Những mối tình sau

- Bà Lương Thị Thuần: Sau khi mối tình đầu tan vỡ, Dương rất buồn. Rồi phụ thân Dương Tự Nhu cũng mất sớm, gia đình có bề sa sút. Sau khi hết tang và Dương cũng tạm có công ăn việc làm tại Hà Nội (điều khiển ban nhạc trong các tiệm khiêu vũ và cộng tác với Đài Pháp Á cùng Nguyễn Xuân Khoát), gia đình bèn cưới cho ông người vợ chính thức là bà Lương Thị Thuần, nhưng người ta ít biết về bà này và cũng không hiểu nguyên nhân của sự ly tán. Hiện nay các con của bà đang sống tại Đức và Hoa Kỳ.

- Bà Minh Trang: Tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1921 (kém Dương 6 tuổi) tại Huế. Thân phụ bà là ông Nguyễn Hy, một công chức cao cấp trong Bộ Lại (tương đương với Bộ Nội v&#7909... của triều đình Huế. Thân mẫu bà là con gái của công chúa Mỹ Lương (thường gọi là Bà Chúa Nhứt), chị cả của Vua Thành Thái.
Trong nhà Bà Chúa Nhứt có riêng một ban nhạc (loại nhạc cung đình) tới mấy chục người và một ban ca Huế. Vì thân phụ thường phải đi công cán xa trong thời gian lâu, có khi đem cả gia đình đi theo nên cô bé Ngọc Trâm thường ở nhà bà ngoại. Nhờ vậy, ảnh hưởng của ca nhạc đã thấm sâu vào tâm hồn cô bé từ thời thơ ấu. Mới bảy tuôåi cô đã thuộc lòng những đoạn ca Huế trong các tiết điệu Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy...
Tuy thân phụ là người Quảng Ngãi nhưng thân mẫu là người Huế, dòng dõi hoàng tộc, nên “tính chất Huế ” và “giọng nói Huế” hoàn toàn chiếm hữu con người cô bé Ngọc Trâm. (Chúng ta nên nhớ Dương Thiệu Tước là người Bắc nhưng nhiều tác phẩm của ông, như bản Đêm Tàn Bến Ngự chẳng hạn, mang đặc tính chất Huế thì đủ hiểu ông yêu “người vợ Huế” đó như thế nào).
Thuở nhỏ, Ngọc Trâm theo học tại trường Jeanne d' Arc, một trường dòng danh tiếng ở Huế và bắt đầu làm quen với những phím đàn dương cầm do các sơ dạy đồng thời cũng học hát nữa. Lên trung học, cô theo gia đình ra Hà Nội. Vào khoảng năm 1941, thân phụ trở về nhậm chức tại Bộ Lại ở Huế, cô lại theo về Huế và học tại Lycée Khải Định (sau này, từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, đổi tên là trường Quốc học Hu&#7871....
Tại Lycée Khải Định, cô gặp Giáo sư Ưng Quả - thầy dạy môn Văn chương Việt Nam và cũng là người dạy tiếng Việt cho Thái tử Bảo Long. Hai thầy trò tâm đầu ý hợp. Mặc dầu Giáo sư Ưng Quả là người góa vợ, đã có hai con trai, nhưng hai gia đình rất môn đăng hộ đối: cha của Giáo sư Ưng Quả là con trai của Tuy Lý Vương; cha của Ngọc Trâm là con của Diên Lộc Quận công. Hai bên tiến tới hôn nhân và sinh được hai người con, một trai, một gái. Người con trai tên Bửu Minh (vai chú của Vua Bảo Đại) người con gái tên Công tằng Tôn nữ Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao sau này). Bà Ngọc Trâm dùng tên hai người con ghép lại làm tên trong ngành âm nhạc của mình.
Năm 1951, Giáo sư Ưng Quả đang làm Giám đốc Nha Học chánh Trung Phần thì đột nhiên bị bệnh, qua đời. Bà Minh Trang đem hai con vào Sài Gòn sinh sống và kiếm được chân vừa làm xướng ngôn viên vừa làm biên tập viên tin tức (tiếng Pháp) trong Đài Pháp Á (France-Asie).
Sự việc sau đó bà Minh Trang trở thành ca sĩ hết sức tình cờ. Trong một chương trình ca nhạc hằng tuần của Nhạc sĩ Đức Quỳnh trên Đài Pháp Á, ca sĩ chính không đến hát được, bắt buộc Minh Trang phải “hát giùm” thế chỗ. Bà chỉ thuộc có mỗi một bản nhạc Đêm Đông của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là tiếng Việt, còn ngoài ra là thuộc tiếng Pháp (bà rất giỏi tiếng Pháp). Mà chương trình của Đức Quỳnh lại là tiếng Việt, vậy là Minh Trang bèn hát “Đêm Đông”.
Nhờ giọng ca thiên phú và cái “duyên” bất ngờ nói trên, dần dần Minh Trang trở thành một ca sĩ chính của Đài Pháp Á (sau này là Đài Phát Thanh Quốc Gia tức Đài Sài Gòn). Từ đấy, Minh Trang còn đi hát phụ diễn trên các sân khấu, một dạng trình diễn rất thịnh hành hồi đó tại các rạp chiếu bóng trước khi cuốn phim chính được trình chiếu.
Tiếng hát của Minh Trang bay ra Hà Nội và được các Nhạc sĩ đương thời ngoài đó, như Vũ Thành, Hoàng Giác, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Thiện Tơ v.v... yêu mến và họ thường gởi tác phẩm vào cho Minh Trang hát mặc dầu chưa biết mặt.
Trong một lần Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí tổ chức hội chợ tại Hà Nội, ông mời Minh Trang và nhiều nghệ sĩ khác ra hát với phần nhạc đệm của Ban Việt Nhạc. Người đứng đầu Ban Việt Nhạc là Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, người mà Minh Trang rất ngưỡng mộ. Họ gặp nhau và tiến tới hôn nhân.
Hai nghệ sĩ Minh Trang-Dương Thiệu Tước kết hôn năm 1951 tại Sài Gòn nhưng vẫn sống cách xa nhau cho đến năm 1954, khi ông Dương Thiệu Tước di cư vào Nam, họ sống với nhau. Họ sinh được năm người con, một trai, bốn gái: Dương Hồng Phong, Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hòa, Vân Dung. Cũng như Bửu Minh và Đoan Trang, các con của ông bà đều được theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc với sự dìu dắt của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Sau này, Quỳnh Giao và Vân Quỳnh trở thành ca sĩ. Dương Hồng Phong tốt nghiệp vĩ cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc còn, Bửu Minh thì du học tại Pháp năm 1961 và nay giữ địa vị pianiste chính trong ban đại hòa tấu “Staatsphihlarmonic Rheinland Plalz” của Đức.
Sau biến cố tháng 04-1975, hai cô con gái lớn đã lập gia đình thì theo gia đình nhà chồng ra đi. Ông bà Dương Thiệu Tước và hai cô nhỏ bị kẹt ở lại. Ngoài ra, người con trai duy nhất của ông bà là ông Dương Hồng Phong - được gọi đi sĩ quan Thủ Đức năm 1972 - bị bắt tại mặt trận và cũng đang kẹt trong tù tại Chu Lai. Cùng lúc đó, với số lương 64 đồng/tháng nhưng Giáo sư Dương Thiệu Tước dạy Guitare classique trong trường Âm nhạc-Kịch nghệ (trường QGAN ở đường Nguyễn Du, mới đổi tên) cũng không được dạy nữa, nhạc thì bị cấm, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Năm 1978, Thiếu úy Dương Hồng Phong được ra tù, bà nghĩ đến việc phải rời đất nước. Tới chuyến, Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lúc ấy đang ốm nên không thể đi. Tiền bạc có bao nhiêu thì đặt cọc hết rồi, ông đành hy sinh ở lại.
Bà Minh Trang cùng ba con đến Thái Lan vào cuối năm 1979, sau đó được định cư tại Virginia.
Hiện nay, bà và các con ở Quận Cam, riêng Bửu Minh ở Đức và Dương Hồng Phong ở New York.
Năm nay, bà đã 89 tuổi (bà sinh năm 1921) nhưng tương đối vẫn còn khỏe mạnh. Bà nói: “Tôi thích nghe nhạc và theo dõi tin tức thời sự, không cần nấu nướng gì cả, vì các con ở gần “có bát canh cần nó cũng đem cho”.
Năm 1995, khi ông mất, bà và mấy người con - kể cả ca sĩ Quỳnh Giao - có về dự đám tang.

- Bà Nguyễn Thị Nga
Năm 1982, trong một cuộc nói chuyện về âm nhạc ở Sài Gòn, ông Dương Thiệu Tước gặp lại bà Nguyễn Thị Nga, một học viên cũ tại trường QGAN ngày trước, người vẫn hâm mộ và thầm yêu “thầy”. Nay bà Nga đã có một cơ sở buôn bán rất tốt về các sản phẩm âm nhạc nhưng vẫn còn độc thân. Ông về sống với bà và có với nhau được một con trai.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mất ngày 01 tháng 08 năm 1995, tại Sài Gòn, thọ 80 tuổi. Các tác phẩm của ông vẫn còn tồn tại và sẽ mãi mãi bất hủ với thời gian, trong đó có bản Ngọc Lan.

Đoàn Dự
ghi chép 304Đen - Llttm

No comments: