Người Cộng Sản Cô Độc -
Chương Mười Hai
Chương Mười Hai
Đáng lý người ta đã cho chôn ông trước đó, nhưng chưa có xe chở nên Bon
mới còn có dịp kịp nhìn. Bon thấy thương cho ông và thương cho cảnh đời cay
nghiệt. Gia đình ông, người vợ trước và đám con ruột, sống không cần ông và
thật ra ông cũng đâu có nuôi nấng dạy dỗ con cái bao giờ, ngày tháng của ông là
những tháng ngày hy sinh cho ước mơ vinh quang cách mạng, miệt mài trong rừng
sâu, Mỏ Vẹt Trường Sơn thề thoát ly gia đình vì Bác Đảng. Vào Sài Gòn, Bon đôi
lần tìm đến cái địa chỉ gia đình ông để thăm hỏi và nếu tiện thì báo tin ông
còn sống, nhưng họ đã bỏ đi hôm 29 tháng 4 theo đoàn người di tản, giống như
những người miền Bắc năm xưa, theo tàu há mồm vào Nam tự do khi hiệp định
Geneve ký cách đây hơn 20 năm. Bon báo tin ông biết, ông ngồi trầm ngâm suốt
mấy ngày, có lẽ vậy cho nên ông không muốn vào Nam lại, dù là ước mơ giải phóng
quê mình đã thành công.
Chiều hôm đó, với sự phụ giúp của đôi ba người làm lao công trong bệnh
viện và bà y sỉ ít nói ít cười, thấp và mập bề ngang, giống hệt mẩu người nữ bộ
đội kéo pháo hay vượt Trường Sơn, bệnh viện sắp xếp được chiếc xe vận tải Nga
Sô, đưa quan tài ông già nuôi Bon ra nghĩa địa. Nấm mồ được đấp hấp tấp và vội
vàng, không Cha, không Thầy, không tiếng kinh, tiếng mõ và cũng không có khói
nhang, chỉ vỏn vẹn giọt nước mắt ngậm ngùi của Bon, thằng con nuôi mà ông mong
nó thay thế cho ai đó trong khoảng đời nhiều tủi nhục hơn là vinh quang. Bon đứng
lặng câm, cố nhớ vị trí nấm mồ trong trí ức. Nhớ thì nhớ đó nhưng biết bao giờ
sẽ trở lại chốn này, Hà Nội Sài Gòn một trời xa thăm thẳm. Ở nán lại Hà Nội,
thăm viếng vài người quen xa hôm sau rồi Bon vô lại Sài Gòn ngay. Lá bàng rụng
vàng khô suốt hai bên đường ra sân ga Hà Nội. Trời về chiều, quanh đây dăm ba
đưá trẻ con vẫn còn đốt lửa. Tiếng còi tàu báo khởi hành xé nát cõi lòng, Bon
nhìn về một hướng trời xa, nơi có một nấm mồ còn ở lại.
Một lần nữa, thành phố cử hành ăn mừng chiến thắng ngày giải phóng miền
Nam. Cờ xí biểu ngữ đầy đường, đâu đâu cũng một màu vàng đỏ rực trời, năm ba
đảng viên cao cấp thay mặt Đảng vào Sài Gòn dự lễ, mặt mài phương phi hồng hào,
không như ngày nào xanh xao màu lá cây rừng rụng sớm, ngồi chễm chệ trên bục
khán đài, nghe đám chính quyền thành phố báo cáo thành công đại thành công, khó
ai tìm thấy hai chữ thất bại. Thật ra có xây dựng thêm gì đâu mà thất bại, tài
sản, nhà cửa, thóc gạo miền Nam đầy ấp ra đó, tha hồ mà xung công làm của cho
Đảng cho Bác. Công an ai nấy yên tâm làm công tác, tiền bạc rủng rỉnh trong cặp
táp, sáng đi trống trơn tối về đầy ấp, xe đạp giờ chắc chỉ còn bộ đội lính trơn
xài, tệ lắm anh công an quèn cũng đã chạy honda từ hơn năm nay. Bọn gọi là Ngụy
miền Nam, lớp bỏ chạy ra nước ngoài níu chân tư bản, lớp nặng nợ với cách mạng
bị nhốt kín trong rừng sâu hoang dã, không chết hôm nay cũng sẽ chết ngày mai.
Ông Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố vừa đọc diễn văn vừa liếc nhìn
chiếc xe hơi Mẹt-xơ-đét và anh tài xế đứng chờ trong bãi đậu xe của nhân viên
cao cấp cười thỏa mãn khi chấm dứt bằng hai chữ thắng lợi. Bon đứng bên một gốc
cây già, giữa đám đông vỗ tay như pháo tết, nhìn hờ hững về phía khán đài, dựng
giữa sân cỏ trước của dinh Thống Nhất, ngày trước là dinh Tổng Thống miền Nam,
trên bục vẫn còn đám cán bộ cao cấp Đảng và chính quyền lố nhố, chỗ đó, hai năm
trước đây, Bon đã ngồi, say sưa theo từng tiếng vỗ tay của dân chúng, tung hô
Bác muôn năm.
Bon lắc đầu rồi lầm lủi ra đường Lê Thánh Tôn, lá me rụng giữa trưa lất
phất bay như bụi, ở một góc cuối sau chợ Bến Thành, anh công an ngồi trên xe
honda cười cười nói nói với đám con gái bán chợ trời, nhìn Bon có vẻ đắc chí.
Bon lặng thinh đi nhanh về hướng trạm xe buýt đầu đường Phạm Hồng Thái, đường
phố hình như sắp nghỉ trưa. Lá cờ đỏ sao vàng bạc màu trên nóc nhà ga Sài Gòn
không ai buồn thay cái mới dù hôm nay là ngày mừng mùa xuân đại thắng 30 tháng
tư.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment