Nam Kinh ngày ấy,
bây giờ
Nam Kinh, cố đô của nhà Hậu Lê, mặc dù chỉ xây
dựng và an vị ngắn ngủi trong vòng chưa đầy hai mươi năm, sau đó vua Lê Thái Tổ
quyết định dời đô về đất Thăng Long, Nam Kinh trở thành nơi đất thánh, nơi thờ
phụng thân mẫu và thân phụ của vua Lê, cũng là nơi thờ bà hàng dầu, thờ ông Hầu
bà Hầu, những người đã giúp Lê Lợi trong lúc sa cơ lỡ vận một thuở. Ngoài ra,
Nam Kinh còn là nơi thờ phụng và ghi danh những hiền tài đã giúp vua gây dựng
cơ đồ. Qua thời gian, Nam Kinh cỏ mọc hoang vu, đến những năm đầu thế kỷ 21,
Nam Kinh được phục dựng trên nền cũ ở đất Thọ Xuân, Thanh Hóa. Chuyện dâu bể
lại tái hiện...
Chánh điện Nam Kinh (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Ngược dòng lịch sử
Có thể nói
rằng Nam Kinh là một kinh thành dã chiến rất đặc biệt bởi chủ nhân của Nam Kinh
đã thoát được nếp nghĩ đậm chất “Ðại Minh” thời ấy. Mặc dù ra đời sớm hơn cố đô
Huế rất nhiều nhưng lại không bị mang dấu vết kiến trúc “Ðại Thanh” như cố đô
Huế.
Cũng xin
nói thêm, đất Thọ Xuân là vùng núi, gần với núi Chí Linh, nơi có hang đá Lũng Nhai
và hội thề Lũng Nhai vào năm 1416, nơi mà Nguyễn Trãi đã gặp Lê Lợi trong tình
huống hết sức kỳ cục. Sau khi tiễn cha đi lưu đày với danh nghĩa là đi sứ,
Nguyễn Trãi tìm về đất Thanh Hóa để tầm minh chủ, nuôi mộng phục quốc. Vì lúc
này, ông nghe đồn có Lê Lợi ở núi Chí Linh đang chiêu binh mãi mã, uy lực khác
thường.
Khi tìm đến
nơi, trong lúc nhà Lê Lợi có đám giỗ, ông đóng vai người đi bán dầu lỡ đường,
vào xin ăn cơm và nghỉ trưa. Ông theo dõi một lúc, biết được người thanh niên
lực lưỡng đang ngồi trên phảng gỗ xắt thịt chó sắp vào miếng lá chuối, thỉnh
thoảng bốc một nắm thịt bỏ vào miệng nhai nhoàm nhàm kia chính là Lê Lợi. Ông
hơi thất vọng.
Cây đa cổ thụ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Vờ say, ngủ
qua chiều, tối đến ông tiếp tục theo dõi, thấy Lê Lợi nai nịt chỉnh tề, đeo
gươm đi ra khỏi nhà. Ông bám theo, đến khi Lê Lợi vào hang núi, có một số thanh
niên, trai tráng đang ngồi trong đó chờ Lê Lợi. Ông tiếp tục rình nghe Lê Lợi
bàn chuyện với các tráng sĩ, càng nghe, ông càng thấy nước tính của Lê Lợi mắc
phải sai lầm chết người, ông buột miệng: “Minh chủ đã tính sai rồi!.”
Lê Lợi và
các tráng sĩ rút gươm, xông ra bắt ông vào hang tra hỏi. Sau một hồi giãi bày
về thân phận và ước nguyện phò minh chủ cứu nước của mình. Lê Lợi nhận ông làm
quân sư. Hội thề Lũng Nhai diễn ra sau đó không lâu. Và cũng từ đó, khắp nhân
dân, có một điềm triệu là kiến bò trên lá cây, thân cây theo hình dòng chữ
“Nguyễn Trãi làm tôi, Lê Lợi làm vua.” Thanh niên trai tráng khắp nơi kéo về
đầu quân cho Lê Lợi vì tin vào điềm trời báo này. Trong thực tế là Nguyễn Trãi
đã bí mật cho người viết chữ bằng mật ong lên lá cây, thân cây, kiến theo dấu
mật ong mà bâu vào.
Sau đó
không lâu, những trận chiến khởi đầu của nghĩa quân núi Chí Linh làm cho quân
Minh phải nhiều bận tan tác. Nhưng cũng có nhiều bận nghĩa quân phải thất bại
nặng nề. Ðó cũng là lúc Lê Lai, người em kết nghĩa của Lê Lợi ra tay cứu anh
trai Lê Lợi, bỏ mình trên sa trường.
Đường vào chánh điện Nam Kinh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Trong một
thời gian ngắn với nhiều binh biến diễn ra, cuối cùng, Lê Lợi toàn thắng, xưng
vương vào năm 1428. Nguyễn Trãi tiếp tục làm quân sư cho Lê Thái Tổ. Ðây cũng
là giai đoạn rực rỡ nhất của Nam Kinh, Lê Thái Tổ chọn đất Nam Kinh, nơi của cỏ
cây hiền hòa, thảo dược quí hiếm và có những loại danh mộc như gỗ huỳnh đàn, gỗ
lim gụ, lim xanh, gỗ kiền kiền, la hán tùng, bạch đầu tùng, thủy tùng... để xây
dựng kinh đô theo mô hình “kinh đô năng lượng.”
Kinh đô năng lượng
Mô hình
“kinh đô năng lượng” không hiểu do Nguyễn Trãi, Lê Lợi hay do một quân sư nào
khác vẽ ra nhưng thực sự là quá đặc biệt so với Hoàng thành Thăng Long hay cố
đô Huế, cố đô Hoa Lư... Vẫn với kiến trúc quân sự, chung quanh khuôn viên là
hào nước sâu hai mét đến bốn mét, rộng mười mét. Có cầu Ngọ Môn ở hướng Ðông
làm cổng chính và có ba cổng phụ đóng ở ba hướng Nam, Tây và Bắc. Ðặc biệt, Nam
Kinh vẫn giữ nguyên cấu trúc rừng, nơi vua nghỉ ngơi, làm việc và sinh hoạt nằm
lẩn trong rừng cây.
Văn Miếu tại cố đô Nam Kinh của nhà Hậu Lê.(Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Binh lính
được bố trí canh gác dọc theo thủy hào và doanh trạnh của họ nằm sâu trong rừng
cây rộng hơn 2,000 hecta. Hào nước luôn có các loại gàu sòng, gàu vai và nhiều
loại gàu dùng để chữa lửa, phòng khi kẻ địch đánh hỏa công. Mọi vấn đề quân sự
thời đó xem như tạm ổn. Vấn đề năng lượng và lương thực, chung quanh Nam Kinh
là cư dân và nhà các quan lại, họ được chia đất để canh tác, để làm thông
thoáng tầm nhìn và họ cũng là vòng bảo vệ bên ngoài của Nam Kinh.
Có một số
ruộng lúa của nhà vua, do lính canh tác, cộng thêm khoản sưu thuế của dân. Nhà
vua chỉ còn mỗi việc toan tính chuyện lớn. Vấn đề năng lượng được Lê Thái Tổ
đặc biệt quan tâm, ngoài chuyện ăn uống điều độ, dưỡng sinh, rừng cây chung
quanh Nam Kinh còn là bầu năng lượng sạch để ông và các quan dưới triều thụ
hưởng.
Mộ vua Lê Thái Tổ, sau lưng mộ là đền thờ bà bán Dầu và Ông Hầu, Bà Hầu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Rất tiếc,
vua Lê Thái Tổ quyết định dời đô. Nam Kinh trở thành cố đô của nhà Hậu Lê. Và
sau khi biến cố Lệ Chi Viên xảy ra, hầu như Nam Kinh dần chìm vào bóng tối quên
lãng mặc dù mộ của vua Lê Thái Tổ an tọa ở nơi đây. Ðến thế kỷ 20, Nam Kinh
hoàn toàn vùi trong cỏ dại. Mãi cho đến khi công nghiệp du lịch ghé đến đất Thọ
Xuân, Thanh Hóa, Nam Kinh được tái thiết trong một diện mạo hết sức mới lạ.
Không hiểu
người ta khai thác du lịch theo hướng nào nhưng khi đến thăm Nam Kinh, khi mua
vé vào cổng, người bán vé hướng dẫn khách mua thêm nhang, lễ vật để vào cầu
xin. Khi vào bên trong Nam Kinh, có hẳn một nơi để sắp lễ vật và đốt nhang cho
khách giống như các điện thờ vẫn làm. Người hướng dẫn cũng nhắc khá nhiều đến
chuyện van vái, xin xỏ tài lộc, cầu tự khi vào đây và không quên giới thiệu cây
ổi cười như một bằng chứng linh thiêng của đất Nam Kinh.
Cây ổi cười
là một cây ổi xẻ nằm trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Mỗi khi khách
đụng tay vào bất kỳ bộ phận nào trên cây, dù là một cái chạm tay rất nhẹ, nó
cũng rung lên bần bật, cảm giác như đang bị nhột. Và nó được giới thiệu như một
biểu tượng linh thiêng. Nhưng khi chứng kiến cây ổi cười bần bật rung, tôi lại
chạnh nghĩ đến vua Lê Thái Tổ và những mối chuyển luân bí huyền theo nghiệp
duyên của một hữu thể.
Khu chánh điện Nam Kinh được mở rộng để phục vụ du lịch. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Khi chết,
theo như lịch sử để lại thì vua Lê Thái Tông (con trai vua Lê Thái Tổ) chết
trong lúc Nguyễn Thị Lộ (lớn hơn Lê Thái Tông 20 tuổi, là thiếp của Nguyễn
Trãi) đang hầu hạ ông trong phòng riêng nhà Nguyễn Trãi ở Lệ Chi Viên (năm
1442). Thời đó, vợ của các quan mà nhà vua thấy thích thì đêm đó phải đến chăn
gối với vua, các quan phải xem đó là ơn mưa móc của vua ban. Nguyễn Trãi cũng
không ngoại lệ.
Và trong
một đêm trăng gió, Lê Thái Tông chết trên giường Nguyễn Thị Lộ, cái chết của
ông kéo theo cuộc tàn sát tru di cửu tộc nhà Nguyễn Trãi... Tự dưng, tôi nghĩ
đến vong hồn của vua Lê Thái Tổ, có lẽ do duyên nghiệp nào đó, cây ổi lại xuất
hiện bên mộ ông với tính khí hết sức nhạy cảm và tội nghiệp. Ai đó chạm vào thì
nhột, thì cười nắc nẻ. Và trận cười kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ nọ, khi
nào con người chạm vào thì nó lại cười, cười như là để quên đi nỗi đau, cười
như thể có một nỗi đau, mối trắc ẩn nào đó?!
Tạm biệt
lăng mộ vua Lê Thái Tổ, tạm biệt cây ổi cười, chúng tôi đi tìm nơi thờ Nguyễn
Trãi, hoàn toàn không có. Bởi vì ông đã bị tru di cửu tộc rồi còn gì. Chạnh
buồn, chúng tôi quay trở lại lăng mộ vua, nhìn một lúc, phát hiện ra ngoài các
bức tượng voi, ngựa, khỉ đứng hầu cạnh lăng mộ, có một bức tượng của Nguyễn
Trãi đang chắp tay hầu vua. Ông đứng gần cây ổi cười.
Chúng tôi
tạm biệt Nam Kinh, tạm biệt khu rừng hùng thiêng và bi tráng một thuở. Nam Kinh
khuất dần sau màn sương xứ núi, như câu chuyện mờ ảo, đầy dụ ngôn của nó.
Liêu Thái
Người chuyển
bài – Nhan Tử Hà
No comments:
Post a Comment