Tuesday, August 11, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Mười Bốn) - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc - Chương Mười Bốn

 
 


Chương Mười Bốn

 

     Hai vợ chồng Bon dọn về một căn nhà cây, trong hẻm đầu đường Nguyễn Thiện Thuật, không cách khu chung cư bao xa. Cái biệt thự trên đường Phan Thanh Giản đã giao lại cho Thành Uỷ, sau ngày Linh không còn làm giám đốc hảng dệt. Hai chợ chồng chẳng đem theo được cái gì quý giá, ngoài cái giường ngủ, hai ba cái tủ cũ, đôi cái ghế ngồi và nồi niêu bát chén thế thôi. Chị bộ đội giúp việc cũng đã về quê, mãi tận Sa Đéc. Cái biệt thự đó giờ là nhà của ông Trưởng Ban Đầu Tư Quy Hoạch thành phố, người có bà con họ hàng gì đó với đồng chí Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

    
 
 

 
    Bon tiếp tục ngày hai buổi đi về với cái việc nghiên cứu tư tưởng Đảng, cái việc hình như không mấy đồng chí trung kiên nào ưa thích. Đôi ba lần đứng chờ xe buýt về nhà, nhìn dân chúng Sài Gòn, kể cả các đồng chí của mình rộn rịp ăn uống, vui chơi, Bon thấy lòng mình chùng xuống, hình như cái lý thuyết tư tưởng này đã lỗi thời gần hết phân nửa, nhưng không ai màng báo cáo, công việc của cái uỷ ban tư tưởng Đảng không có mấy ai ở cấp trên hỏi han là đã làm tới đâu, không ai bảo ai khoan khoái làm người duy vật hơn duy tâm. Báo cáo đầu năm, cuối năm, kiểm điểm thành quả hàng chục trang giấy chỉ nhắc tới tiền là diểm nồng cốt cần nhấn mạnh và nhấn mạnh triệt để. Linh giờ qua sở giáo dục thành phố, phụ trách công việc huấn luyện giáo viên phổ thông cấp một, cũng đạp xe lộc cộc như chồng, đi hết trường sư phạm này đến trường sư phạm nọ, nói đi nói lại cái chuyện lương tâm nhà giáo, chuyện đóng góp trồng người như lời tâm niệm mà Bác đã dạy, càng nói bao nhiêu thì con số giáo viên các cấp bỏ trường càng nhiều. Lúc này vá xe đạp đầu đường, hay đi buôn đi bán có lẽ cũng kiếm được nhiều tiền hơn đồng lương chết đói.

     Cái thứ tự Sĩ Nông Công Thương xem ra đã đảo lộn từ lúc nào không ai biết. Nhiều lần Linh chợt muốn về lại Hà Nội, nhưng ở đó đâu còn ai, có còn chăng chi là một chút dấu bụi đường ngày đi về thời con gái. Về Hà Nội để chờ những cơn mưa bất chợt lạnh rung cho lòng mình ấm lại, trong cái tan tác của đời người. Bon giờ ít nói hơn xưa, nói cũng bằng không, lý tưởng của những ngày hăng say chống Mỹ không mấy ai nghe, người thân ngoài vợ thì không còn ai, cha mẹ ruột biệt tích biệt tăm, cha mẹ nuôi, ông bà Đốc Nhân, chết mang theo chút hận lòng mất mát. Ngày còn quyền, người này người nọ đến tìm không chịu đi, giờ thì cả bạn bè quen chỉ có đi mà không hề thấy đến.

    Chiều chủ nhật, chị Trâm dẫn hai đứa con đi thăm bà ngoại từ Mỹ Tho vừa về thì chị Huân đến tìm. Hai người mải mê đủ chuyện vì đã lâu rồi không gặp nhau. Chị Huân cho biết, đứa con gái kế của chị, em thằng Phong, cũng đã đi thoát hơn mấy tháng nay rồi, hiện đang ở đảo Galang của Nam Dương, chị sẽ dẩn đứa út đi nay mai. Chị Huân đến để từ giã hai vợ chồng vì không biết còn có dịp nào khác không và giới thiệu nhóm này cho chị Trâm nếu vợ chồng còn có ý định. Chị Huân về rồi, vợ chồng bàn chuyện tới khuya, hai đứa con ngủ ngon lành sau một ngày đường mệt mỏi. Trời bỗnng chợt đổ mưa nửa đêm, dãy nhà đám cán bộ ngoài Bắc vào ở, bên kia đường, vẫn còn có ánh đèn và tiếng nói cười rộn rã.

 
 
 


    Hàng ngủ đảng viên cấp thành phố lại rục rịch thay đổi, báo chí nhà nước bắt đầu nói tới chuyện hối lộ tham nhũng, tên tuổi vài ba ông làm chức lớn được kể ra và hạch tội hết loạt bài này tới loạt bài khác. Tội nào cũng là móc ngoặc, ăn chia ngoài khuôn khổ luật lệ, lạm dụng quyền thế dính líu tới các công ty xí nghiệp tư nhân nhập cảng xuất cảng. Dân chúng Sài gòn cứ tỉnh bơ làm ăn, chẳng cần biết ông nào lên ông nào xuống, ông nào mất chức, ông nào còn quyền. Trời Sài gòn thì cũng vẫn ngày nắng ráo ngày mưa dầm, chợ búa buôn bán rộn rịp, hàng lậu hàng nhập, mắc mỏ mấy cũng có cán bộ ngoài Bắc vào mua. Ai xử tội ai thì chưa biết, nhưng ông đảng ông thành phố cứ thay nhau ngồi xe hơi mới, đi tới đi lui ráng lo cho người dân nghèo có đủ tiền mua xe đạp Trung Quốc mà đi. Lúc này phường khóm không còn nghe nói tới chuyện họp tổ đọc báo nhà nước hằng đêm, công an xem ra có vẻ rỗi rảnh, thích ngồi quán cà phê lề đường hơn trước. Nhà nước tịch thu thêm nhiều nhà trống vì người bỏ đi càng lúc càng nhiều hơn, đi được hay bị bắt giam đâu đó ở Rạch Giá Cà Mau, Cam Ranh Mủi Né, thì cũng mất hết. Văn phòng phường, trụ sở đảng tha hồ mà dọn chỗ này chỗ khác. Có treo cờ, có đề bảng chói mắt, người Sài Gòn vẫn cứ gọi Sài Gòn mà không là thành phố Hồ Chí Minh, ngay cả anh công an trạm gát đầu ngõ vào từ ngoại ô xa xa hay chị bộ đội từ đất Bắc xa xôi, bận rộn với túi xách đầy ắp đồ lúng túng chờ lên xe đò cũng thản nhiên với hai chữ quen thuộc Sài Gòn.

     Chị Huân và đứa con gái út đi thoát sau ngày tết Trung Thu, vợ chồng chị Trâm cố sắp xếp đi cho được cùng chuyến nhưng không thành vì tìm chưa đủ chút ít vàng đúng ngày. Ông bác tổ chức đến nhà cho chị Trâm biết tin là tàu đến Mã Lai bình yên mặc dù biển dạo này có sóng lớn. Ông dặn dò anh chị chuẩn bị chuyến tới, chừng khoảng một tháng nữa. Mấy ngày sau, cứ hết giờ dạy là anh Mẫn đi vòng vòng mấy chợ An Đông, chợ Kim Biên, chợ cũ Hàm Nghi kiếm mua lung tung những thứ mà anh cho là cần đem theo trên tàu. Thuốc men thì có người bạn làm bác sĩ quân y trước đây, hiện còn làm việc với phòng khám khu vực Chí Hòa lo giùm, anh bạn này cũng đang chờ ngày đi với mối khác, nghe nói đã giao tiền rồi, ở miệt Cần Thơ.

    Ông chú ruột, người được vợ chồng Bon giúp thả về từ trại cải tạo Dầu Giây chết sau đó mấy ngày. Ông được chôn trong nghĩa địa hương lộ 18 nằm ở bìa xã Phú Thọ Hòa. Mẹ chị Trâm từ Mỹ Tho lên Sài Gòn phụ lo công việc ma chay, ở lại chơi với mấy đứa cháu. Hôm về lại nhà mắt vẫn còn đỏ hoe, tội nghiệp con Hà, con lớn của ông chú cứ bịn rịn ôm bà khóc sướt mướt. không chịu rời làm mấy đứa em cũng khóc theo. Anh Mẫn đứng trầm ngâm bên lề đường, ngậm ngùi quay nhìn chỗ khác.

 
Thuyên Huy

(còn tiếp)

 

 

 

No comments: