Saturday, October 31, 2015

Món Quà Giáng Sinh - vhp Hạ Vũ



Món Quà Giáng Sinh
 
 

 

    Bà Hồng dẫn hai đứa cháu: một gái, một trai vào một trung tâm thương mại lớn để mua quà Giáng Sinh.  Đứa cháu gái đang tới tuổi dậy thì, cho nên bắt đầu biết chưng diện, cứ năn nỉ bà dẫn đến những cửa hàng nữ trang.  Đã đến cửa hàng thứ năm rồi mà cháu chưa chọn được món nào vừa ưng ý mà lại phải vừa túi tiền của bà.  Chợt bà nghe cháu gái reo:

-Bà, cái "necklace" này "so pretty"!  Cháu "like it".

Lối nói "nửa nạc nửa mỡ" này đã được bà nhắc nhở nhiều lần, mà cháu bà không thay đổi, có lẽ vì cháu tìm từ tiếng Việt để diễn đạt ý tưởng của mình khó khăn, nên dùng tiếng Mỹ cho nhanh.  Bà nói:

-Necklace là cái gì, bà không hiểu, cháu phải nói tiếng Việt Nam bà mới biết.

-Thì... là... cái sợi dây mình "mặc" ở cổ.

-Cháu phải nói cho đúng là: sợi dây chuyền đeo nơi cổ.

Con bé lập lại, rồi nắm tay bà dẫn tới quầy trưng bày, chỉ một sợi dây chuyền.  Nhìn sợi dây này, tim bà chợt đập loạn nhịp.  Sợi dây này sao giống sợi dây chuyền quà Giáng Sinh ngày xửa ngày xưa của bà, chỉ khác một chút là sợi dây này làm bằng vàng trắng, còn sợi của bà bằng vàng 14K. Sợi dây chuyền kỷ niệm đó đã đem đến niềm vui nỗi buồn cho bà.  Bà đã gắn bó với nó một thời gian dài và đã chôn nó sau vườn vào một ngày pháo đỏ rộn sân nhà...

       Một quá khứ vừa buồn vừa đẹp ngủ yên mấy chục năm, bừng sống dậy...

                                                                   ***

Năm đó, cô gái Sài Gòn là Hồng ra Huế học năm cuối Viện Hán Học có thêm mục chi tiêu mới: viết thư qua Mỹ cho Đông, một anh "người dưng khác họ" của nàng đang thụ huấn nghiệp vụ lái máy bay.  Thế nên nàng phải tiết kiệm tối đa, lại nhịn ăn sáng, quà vặt để có tiền mua tem mà gởi thư.  Thư từ cho nhau phải mất thời gian dài mới đến.  Nơi quê người, nhớ quê hương, Đông đành làm người thua cuộc trước cái đỏng đảnh của Hồng.  Anh viết thư thường xuyên dù có hay không có thư của nàng.  Những lá thư tình chưa ngỏ đã cho nàng một cảm giác ngọt ngào chi lạ. 

Đông kể chuyện đời sống khác lạ, văn minh, tươi đẹp nơi quê người.  Anh vẽ tương lai đẹp đẽ với ngày về góp phần bảo vệ Tổ Quốc, chặn làn sóng đỏ, để cho người dân xây dựng đất nước và nàng an lành góp công sức đào tạo thế hệ trẻ cho Tổ Quốc.  Nàng kể cho anh nghe nơi quê nhà đang như dầu sôi lửa đỏ.  Sinh viên, đồng bào Phật tử Huế xuống đường chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm về vụ Phật Giáo.  Cha mẹ nàng đã thư từ khuyên lơn hầu như năn nỉ nàng đừng tham gia xuống đường với lý do gia đình ở quá xa, lỡ nàng có chuyện gì ông bà làm sao lo cho được.  Đông cũng khuyên nàng cẩn thận, coi chừng bị lợi dụng.  Cả đám nam nữ sinh viên gốc Miền Nam không ai tham gia biểu tình hoan hô đả đảo cùng với sinh viên Huế, nàng nghĩ họ có chung một lý do.

                                                                 ***

    Năm đó không có Lễ Khai Giảng, nàng đang cùng với đám bạn đứng lóng nhóng ở sân trường, thì Cẩm Vân kéo nàng ra một góc vắng nhỏ giọng:

- Thầy Phó Giám Đốc của chúng ta bị bắt vào tù cùng với toàn thể Khoa Trưởng các Phân Khoa Đại Học Huế.  Nghe đâu hồi tháng 8 - 1963 vừa qua  các vị cùng với các giáo sư đại học ra tuyên cáo chống Chính Phủ vụ Phật Giáo và đồng loạt từ chức để phản đối.  Còn Linh Mục Viện Trưởng thì bị bãi chức.  Tất cả các phân khoa của Đại Học Huế tạm thời đóng cửa. Cẩm Vân lớn nhất trong đám nữ sinh viên gốc Sài Gòn nên được "phong chức" chị Hai và "cố vấn tối cao" cho đám em khác họ này.  Nàng liền hỏi ý kiến:

- Mình làm sao bây giờ, chị Hai?  Về Sài Gòn hay ở lại đây chờ?

- Từ từ, chờ xem sao đã.

Nàng góp ý với chị:

- Đám sinh viên đang xuống đường phản đối vụ bắt giam này.  Chắc lần này bọn mình phải tham gia, chứ không lẽ...

- Ừ, phải tham gia để ủng hộ các thầy của mình.  Mặc kệ, tới đâu hay tới đó.

Thế là nhóm sinh viên nam nữ gốc  Sài Gòn cùng đám sinh viên của trường nghỉ học, xuống đường rùm beng.  Đại học Huế đang đứng chênh vênh trên miệng hố.  Toàn thể sinh viên như rắn mất đầu, không biết tương lai đi về đâu. 

Hai tháng trôi qua.  Tiếp theo là cuộc Đảo Chánh xảy ra ngày 1-11-1963 lật đổ Chính Phủ Đệ Nhất Cộng Hòa.  Hôm sau Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu bị thảm sát.  Cuộc Đảo Chánh thành công.  Các thầy được thả ra.  Đại Học Huế mở cửa trở lại.  Sinh viên lại tung hô vang trời.  Riêng nàng lặng lẽ mặc áo dài trắng ba ngày, để tang cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cha đẻ của Viện Hán Học.   Nàng không dám thố lộ cho ai biết, trước khí thế hăng say của người dân xứ Huế.  

Trong mấy tháng xuống đường ủng hộ các thầy, không phải thức đêm học hành, nàng được rảnh rỗi mặc sức cho tình thư như bươm bướm bay.  Khi Đại Học mở cửa trở lại, lễ Giáng Sinh cũng sắp đến.  Không khí ngày lễ ở Huế năm ấy trầm lắng, không rộn ràng như mọi năm.  Vừa xong một lớp ở Văn Khoa, nàng vội vàng phóng xe về nhà để xem có thư không.  Niềm vui của những sinh viên xa nhà là đọc thư gia đình và thư người yêu.  Khi nàng vừa bước vào nhà, Cẩm Vân đưa cho nàng tờ Giấy Báo Lãnh Quà:

- Có quà từ Mỹ nè!  Sắp hết giờ làm việc rồi, chạy ra Bưu Điện gấp đi.

Chưa kịp nghỉ ngơi, Hồng lên xe đạp vọt lẹ.  Bưu điện vào những ngày gần lễ lớn lúc nào cũng đông, nhưng vì gần hết giờ làm việc nên nàng không phải chờ đợi lâu.  Sau khi nhân viên kiểm tra xong, nàng gói lại cẩn thận, lòng phơi phới vì được quà của Đông.

Vừa bước vào nhà, cả bọn xúm lại đòi xem.  Chị Hai lên tiếng trước:

-Hồng này, mở ra mau, đừng sợ bọn mình xem rồi bị mất màu.

Ngọc hóm hỉnh xen vào:

- "Em" còn đang thưởng thức hương vị tình yêu đang quẩn quanh quấn quýt bên mình.  Anh chàng này có cái tên nghe sao như có mùa Xuân với màu vàng rực rỡ của hoa mai lẫn màu vàng thơ mộng của lá mùa Thu đang len lén vào hồn... ai dzậy.

Một người chen vào nói:

-Xuân đâu mà Xuân, Đông mà.  Đã tên Đông, gặp mùa đông bên Mỹ, chỉ còn nước nằm co ro đắp mền, ngâm "bạch tuyết thi," làm gì có hoa mai mà ngắm. 

Ngọc cãi lại;

- Đông là hướng Đông.  Hướng Đông  tượng trưng cho mùa Xuân.

Chị Hai xen vào:

- Đông Tây Nam Bắc, Xuân Hạ Thu Đông gì cũng được cả.  Đừng cãi lung tung nữa, để nó mở ra xem. 

            Rồi cả đám hát ghẹo:

-  "Mắc cỡ gì mà chẳng chịu lẹ giùm..."

Hồng đành mở hộp quà trước sự nôn nóng và tò mò của các bạn.  Một sợi dây chuyền vàng nhỏ rức với mặt hình phụ nữ bán thân màu trắng ngà nổi bật trong hộp trang sức nền nhung đỏ thẩm.  Hồng đang xúc động nói thầm: "Cám ơn anh, sao anh khéo chọn món quà thế" thì có tiếng cười rúc rích của Ngọc vang lên.  Vẫn là Ngọc, người lúc nào cũng vui tính, có óc khôi hài  nói như  reo:

- Sợi dây chuyền này nằm trên chiếc cổ nõn nà của... em thì... chao ôi... tuyệt! 

Câu nói này làm cho Hồng thêm thích thú.  Sợi dây chuyền vừa xinh đẹp, vừa lạ mắt, chưa chắc đám con gái trong lớp và ngay cả đám con gái trong xóm có được một sợi giống như vậy, vì nó được mua ở Mỹ mà dạo đó rất hiếm người được xuất ngoại.  Đang sung sướng ngắm nghía món trang sức, Hà, khóa đàn em, tò mò hỏi:

- Anh chàng Không Quân này là người yêu của chị phải không?  Bí mật dữ nghe!  Em ở chung nhà với chị bao lâu rồi mà không biết.

Nàng e lệ đáp nhỏ:

-Không phải là người yêu đâu.  Bạn thân của ông anh Không Quân của chị đấy.  Anh ấy chỉ coi chị như em thôi mà.

Ngọc, lại là Ngọc, lém lỉnh cắt lời:

    - Chao ôi!  Anh mi cũng khéo kiếm người để... làm anh của mi dữ hí. 

Chị Hai xen vào:

  -   Này, xạo vừa vừa thôi nhé.  Coi như em mà tặng món quà như thế này.  Vậy chứ ông anh của Hồng tặng quà gì cho Hồng nào?  Hay cũng tặng quà cho "người dưng khác họ"... coi như em gái, kẹt một chút là... lỡ "đem lòng nhớ thương?"  Kể cho bọn mình nghe duyên kỳ ngộ của "nàng" đi.

Buộc lòng Hồng phải kể sơ qua chuyện nàng cùng Minh Tuyết gặp gỡ Đông khi đi thăm anh Quân của nàng vào dịp nghỉ hè vừa qua ở Nha Trang, vừa liếc nhìn Minh Tuyết  đang đứng im lặng nhìn nàng tủm tỉm cười.  Trên ngực áo của "chị" có đính một tượng thiên thần làm bằng ngọc trai nàng mới thấy lần đầu.  Minh Tuyết khôn lắm.  Chị này - Hồng phải gọi "hắn" bằng chị cho quen miệng, cứ mày tao hoài có ngày anh Quân của nàng cho giập mỏ - mượn địa chỉ ở Huế của người bạn Văn Khoa gốc Nha Trang mà hai nàng có dịp tá túc mấy ngày kỳ nghỉ hè vừa rồi, để nhận thư.  Do đó, không ai biết “chị” Minh Tuyết có quà để mà trêu.

Chao ôi, anh thật sành tâm lý.  Con gái ai mà chẳng thích nữ trang chứ.  Hồng đang xúc động vì được món quà như ý, lại thêm mấy lời chọc ghẹo của bạn bè làm nàng  bối rối và ngẩn ngơ, chị Hai Cẩm Vân lại hạch hỏi: 

-Này, làm gì mà ngẩn tò te vậy?  Mấy anh chàng Không Quân như những cánh bướm chỉ lượn vành mà chơi.  Không ai chung thủy cả.  Cẩn thận nghe... em.  Ai ngu thì chết.

Ngọc cầm sợi dây chuyền đeo vào cổ nàng, dí dỏm nói:

- Chàng khéo chọn thật, vừa với cổ của nàng.  Từ giờ trở đi nàng mang theo chàng bên người.  Hai ta trở thành "chim liền cánh cây liền cành."  Ha ha ha... tình tứ quá!

Chị Hai Cẩm Vân xen vào:

- Đừng làm nó đỏ mặt chứ.

Hồng năn nỉ:

- Tội cho mình quá, Ngọc à.  Thật sự là anh ấy đâu đã mở lời hay nói xa gần về tình yêu đâu mà bồ với bịch.  Tình cảm giữa anh ấy và mình chỉ giới hạn ở mức bạn bè thôi.  Xin đừng làm um sùm, mình "ốt dột" (mắc cỡ) lắm.  Mình hứa chừng nào có thư tỏ tình sẽ báo cho bạn biết và nhờ làm cố vấn viết thư trả lời. 

- Nếu không phải là bồ thì có ngon, hãy trả sợi dây "định tình" này lại cho chàng đi. 

Chị Hai phản đối:

  - Ông bà mình nói: "Bắc thang lên hỏi Ông Trời, ‘tặng quà’ cho gái có đòi được không?"  Ngu sao mà trả.  Đừng trả nghe, Hồng. 

Thế rồi nàng đã đeo sợi dây chuyền này hằng ngày và hãnh diện được những cặp mắt tò mò của bạn bè cùng lớp len lén nhìn, bên cạnh cũng không thiếu ánh mắt lém lỉnh của những người bạn thân chung nhóm.  Nàng thầm nói:  “Cám ơn anh, anh Đông!”

 
 
  
 
                                                                       *** 

   Hai người tiếp tục thư từ qua lại cho tới khi nàng ra trường nhận sự vụ lệnh bổ nhiệm dạy học tại Kontum, một tỉnh lỵ giáp ranh ba biên giới: Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên.  Nàng vội thông báo địa chỉ mới của nàng, nhưng muộn rồi.  Lá thư đó được hoàn trả, vì anh mãn khóa học đã về nước.  Anh nhận nhiệm sở và ra đơn vị hành quân.  

   Hai người chưa kịp trao đổi địa chỉ mới cho nhau thì tiếp theo nghỉ Tết và "biến cố" lớn trong đời nàng xảy ra.  Nhân dịp nghỉ Tết, nàng về Sài Gòn.  Anh cũng từ đơn vị  lấy phép về Sài Gòn để thăm nàng.  Lần đó anh tặng nàng một lọ nước hoa Chanel 5 và một máy sấy tóc mang về từ Mỹ làm nàng cảm động vô cùng.  Anh thật sành tâm lý của con gái!  Ngày anh đến nhà, nàng đang đi bát phố với bạn bè.  Anh đã ngồi đếm tiếng tíc-tắc của đồng hồ nhà nàng cả giờ.  Nàng đang vui mua sắm với bạn, không biết có anh đang sốt ruột đợi chờ.  Thương Xá Tax, Chợ Bến Thành đã hại nàng! Thế là hụt gặp mặt và hụt một dịp dung dăng dung dẻ với nhau sau bao nhiêu năm tháng gắn bó qua thư từ.  Điều này làm nàng ân hận mãi.  Có phải vì không duyên không nợ nên xui khiến "bất tương phùng"?  Nếu khoa học kỹ thuật phát triển sớm một chút, để nàng có thể sử dụng "email" và "cell phone" thì đâu có chuyện bẽ bàng đáng tiếc này!

   Hôm sau anh bay trở về đơn vị.  Nàng đã bỏ nhiều thời giờ nắn nót viết một lá thư cám ơn và xin lỗi, chờ có địa chỉ KBC của anh là nàng gởi đi.  Nàng nuôi hi vọng anh sẽ gởi một bức thư trách móc tới địa chỉ nhà cha mẹ nàng ở Sài Gòn thì lá thư này sẽ là con chim xanh tung cánh nối lại nhịp cầu.  Nhưng anh bặt thư từ.  Nàng thắc mắc, và tự vấn nhiều lần:  Có thể lần này anh sẽ có một mở lời, một ngỏ ý, vì điều kiện cho phép: cả hai không còn là sinh viên nữa?  Anh đang hụt hẫng, buồn giận vì nghĩ rằng nàng đi bát phố với người yêu, và anh chậm một bước?  Hay... anh cũng chỉ là "con bướm lượn vành mà chơi" như lời cô bạn Cẩm Vân cảnh cáo ngày nào?  Không! Không!  Nàng có niềm tin mãnh liệt là mình chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim anh.  Và, anh cũng chiếm một chỗ đứng không khiêm tốn chút nào trong  trái tim nàng. Nàng cũng hiểu rằng anh đã bỏ nhiều tâm tư vào hai món quà này vì nàng.  Chỉ có tình cảm mới khiến người ta làm được như vậy.  Anh chỉ hờn giận nàng mà thôi.  Nàng hi vọng chỉ một hai tháng sau nguôi giận, anh sẽ viết thư cho nàng.
 
 
 

      Anh không tìm nàng thì nàng tìm anh.  Nàng đã nhờ người anh của nàng tìm địa chỉ KBC của chàng để gởi lá thư mà nàng đã bỏ nhiều tâm tư và thời gian viết đi viết lại nhiều lần mới xong.  Người anh của nàng một phần vì bận việc quân, một phần vì bận việc tình cảm với "người dưng khác họ" nên nửa năm sau... nàng chết lặng khi nghe anh nàng báo tin chàng đã hi sinh trong một phi vụ tiếp tế, để lại cho nàng một bức thư viết còn dang dở.  Tai nàng lùng bùng với lời xin lỗi của anh mình: "Anh... đã vô tâm, vô ý... đã hẹn lần hẹn lữa, không tích cực tìm hỏi địa chỉ KBC của nó cho em. Anh đã đánh mất thời gian quý báu ngắn ngủi của hai người.  Anh chỉ biết có anh mà quên mất nó cũng như anh: tính mạng mong manh treo đầu ngọn súng.  Anh thật tệ!  Anh xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi..."   

   Nàng ân hận tự trách, rồi trách Trời trách Đất.  Không biết bao nhiêu đêm nàng thì thầm với anh:  "Xin lỗi anh, em đã không biết anh đến tìm gặp em ngày đó.  Nếu biết, em đã bỏ mặc đám bạn bè rồi.  Sao anh đi luôn?  Sao anh gấp gáp bỏ em, bỏ tuổi thanh xuân, bỏ cuộc đời, để em không có được một cơ hội nói lên lời xin lỗi và cám ơn anh?  Có phải anh để em mắc nợ anh, một món nợ ân tình không thể nào trả được ở kiếp này, vì anh muốn em phải trả cho anh ở kiếp sau?"  

    Khi anh ngủ yên trong lòng đất mẹ, nàng mới biết đơn vị của anh là vùng II Chiến Thuật, phi đoàn của anh đóng ở Pleiku.  Kontum - Pleiku gần nhau gang tấc nhưng hai người lại xa cách muôn trùng!  Nàng quay ra trách Ông Trời: Đã không duyên không nợ thì cho anh và nàng gặp gỡ làm chi, để mỗi lần nghe tiếng trực thăng bay trên bầu trời là nàng đưa mắt dõi theo, bất kể lúc đó nàng đang thao thao trước mấy chục học trò hay nàng đang nằm ru giấc ngủ.  Nàng trách Ông bất công với những người trai nước Việt cùng thế hệ với nàng.  Ông đã nhẫn tâm xuống tay, sớm cắt đi mạng sống của những thanh niên tuấn tú nước Việt trong đó có anh, khiến nàng trải qua rất nhiều đêm rơi nước mắt cho mối tình đầu đời vừa chớm nở, đã vội vã ra đi. 

     Và... nàng đã nâng niu gìn giữ sợi dây chuyền đó, tất cả thư từ của anh gồm bức thư viết dang dở, và lá thư chưa kịp gởi của nàng cho đến ngày vu quy.  Thư nàng đốt.  Dây chuyền nàng chôn cùng với nước mắt ở cạnh gốc cây mai của gia đình.  Bây giờ thì nàng đang tiếc nuối:  Sao lại chôn?!  Sao không giữ nó cho đến cuối cuộc đời?!

                                         ***

Đang thả hồn về quá khứ, cháu bé lay tay nàng nói:

-Bà!  Con thích "cái" dây chuyền này. 

-Được rồi. Yên chí, cháu sẽ có một sợi.

Bà bảo cô bán hàng gói hai sợi.  Đứa bé ngạc nhiên hỏi:

-Sao lại hai sợi, bà mua cho "my Mom" nữa hả?

-Không. Bà mua cho bà, cháu à.

         
vhp. Hạ Vũ

       
















 

 

Hán Văn Giáo Khoa Thư - Nguyễn Công Thuần


Hán Văn Giáo Khoa Thư  và Viện Hán Học Huế

             

Nguyễn Công Thuần Khóa 3 VHH Huế
 

 
 

Khi mới vào năm thứ nhất Viện Hán Học (niên khóa 1961 - 1962), ngoài việc học những bài trong sách Luận Ngữ với Linh mục Nguyễn Văn Thích, chúng tôi còn được các thầy Ngô Đình Nhuận và Châu Văn Liệu dạy cho những bài trong sách Học Chữ Hán của hai thầy Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao biên soạn. Lúc bấy giờ, tôi có nghe nói hai thầy Võ và Nguyễn còn đang biên soạn một bộ sách khác rất công phu, nhưng chưa thấy xuất bản. Đến giữa niên khóa 1964-1965 thì có tin Viện Hán Học giải tán, tôi chuyển qua học Đại Học Sư Phạm và học thêm ở Văn Khoa với các giáo trình khác.  Khi ra đời đi dạy, tôi chỉ vận dụng những kiến thức căn bản đã học được ở Viện Hán Học để tra cứu các từ điển chứ không không có thì giờ học thêm sách giáo khoa nữa. Vì thế tôi không biết sách của hai vị thầy ở Viện Hán Học trước xuất bản khi nào. Sau 1975, tôi chỉ dạy học vài năm, rồi nghỉ dạy vào Sài Gòn làm việc khác. Những khi rảnh rỗi, tôi thường đến các cửa hàng sách cũ lục tìm những sách cần thiết. Tại một tiệm bán sách cũ bên đường Điện Biên Phủ Q.I. Sài Gòn, tôi thấy quyển HÁN-VĂN GIÁO-KHOA THƯ (HVGKT) Tập I (Đệ thất - Đệ lục), Soạn giả: Võ Như Nguyện - Nguyễn Hồng Giao, in lần thứ nhất, 1965, Bộ Giáo Dục xuất bản. 

 Tôi liền mở ra xem. Trang đầu sách là Lời giới thiệu của L.M. Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế:

277Bộ Văn Hóa Giáo Dục có ủy thác Viện Đại học Huế soạn thảo một bộ sách dạy Hán văn cho các lớp Trung học Đệ Nhất cấp. Mục đích của Bộ không phải chỉ để giúp ích riêng cho những học sinh theo đuổi Hán văn thuần túy mà còn cho tất cả học sinh nào muốn viết và nói tiếng Việt cho đúng. Hẳn ai cũng biết, muốn giỏi Việt văn cần phải am hiểu Hán văn, để trong khi viết và nói, khỏi bị lầm lẫn về từ ngữ. Sở dĩ trong sách, báo ta thường thấy những chữ dùng sai như “xán lạn” thì viết “sáng - lạng”, “tháp nhập” hóa thành “sát nhập”, “yếu - điểm” lẫn lộn với “nhược - điểm”, “tái nhóm” thay vì “tái hội”, v.v.. Đó là điều khiếm khuyết rất quan trọng mà chúng ta không thể nào bỏ qua được. Viện tôi đã giao việc soạn thảo bộ sách ấy cho hai giáo sư Viện Hán Học là Ông Võ Như Nguyện và Ông Nguyễn Hồng Giao. Hai ông không những là giáo sư giàu kinh nghiệm về việc dạy Hán Văn mà còn là tác giả những cuốn sách giáo khoa có giá trị về ngành này. Khi hoàn thành bản thảo (gồm 2 tập, tập I cho các lớp Đệ Thất và Đệ Lục, tập II cho các lớp Đệ Ngũ và Đệ Tứ) hai ông đưa cho tôi xem, tôi lấy làm vừa ý lắm. Sách soạn công phu và đạt được mục đích của Bộ đã đề ra, nghĩa là hai tác giả đã khéo chọn lựa những câu, những đoạn văn, trong đó những chữ Hán Việt đã giữ một vai trò quan trọng. Hiện nay, những sách dạy Anh văn, Pháp văn bán đầy dẫy các tiệm sách, nhưng sách dạy Hán Văn lại quá khan hiếm. Những học sinh nào muốn trau giồi thêm tiếng Việt Hán đã phải bối rối trong việc tìm kiếm sách học. Bộ sách giáo khoa Hán Văn của hai Ông Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao ra đời, tôi tin chắc sẽ đáp ứng được nhu cầu đã nói. Và tôi cũng trông mong các ông tiếp tục soạn thêm những sách khác cho các lớp trên.

 

Huế, ngày 14 tháng 1 năm 1964.

L.M. CAO VĂN LUẬN

Viện trưởng Viện Đại học Huế

 
Tiếp theo là bài Tựa của thầy Phan Văn Dật, Giám Học Viện Hán Học Huế: Theo chương trình cải tổ của Bộ Văn Hóa Giáo Dục, “phần Hán Tự trong chương trình không phải là một phần biệt lập mà là một phần có quan hệ mật thiết với phần Việt Văn Môn học Hán Tự nhằm mục đích gây cho học sinh một căn bản tri thức Hán Việt cần yếu cho việc trau giồi Việt Văn và để cho học sinh có thể thưởng thức được cổ văn Việt Nam với cái phong vị đặc biệt kỳ thú của nó để duy trì những giá trị cổ truyền của dân tộc.”  Phần cuối chương trình còn nói thêm rằng “trong khi chờ đợi đủ sách giáo khoa và giáo sư phụ trách, giờ Hán Tự sẽ được thay thế bằng giờ dạy các thành ngữ Hán Việt.”  Trong năm 1959, hai ông Võ Như Nguyện và Song Anh Nguyễn Hồng Giao có soạn thảo và cho xuất bản quyển “Học Chữ Hán” bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, tập I theo đường lối và dụng ý nói trên của Bộ. Từ ba năm nay, quyển sách ấy đã giúp rất nhiều cho các học sinh trong giờ Hán tự. Sách ấy cũng chỉ mới ra tập đầu, chỉ vừa dùng cho một lớp Đệ Thất. Cách đây không lâu, trong một tư văn đề ngày 13 tháng 12 năm 1960, gởi cho Linh mục Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, Ông Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục có nhã ý nhờ Linh Mục Viện Trưởng giao cho các giáo sư Viện Hán Học soạn thảo một bộ sách giáo khoa Hán Tự và Hán Văn

theo đúng tinh thần của chương trình 1959.  Hai ông Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao hiện nay lại đều là giảng viên Hán Văn của Viện Hán Học nên hai ông đã sốt sắng đảm nhiệm công việc này. Sẵn có kinh nghiệm khi biên soạn sách “HỌC CHỮ HÁN” cũng như mấy năm đã từng giảng huấn ở Viện Hán Học, hai ông bắt tay ngay vào việc và ra công soạn nên bộ “SÁCH GIÁO KHOA HÁN VĂN” gồm hai tập, tập I cho các lớp Đệ Thất, Đệ Lục và tập II cho các lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ. Bộ sách sau này dày gấp bốn quyển “HỌC CHỮ HÁN” và riêng cho mỗi năm số bài soạn có phần nhiều hơn số bài cần thiết cho cả niên khóa, để học sinh có bài học thêm ngoài những bài đã dạy ở lớp và cho quý vị giáo sư có thể tùy nghi lựa chọn. Sách soạn rất công phu và có phương pháp, bắt đầu giảng về cách cấu tạo chữ Hán, phép lục thư, cách tập viết và tính nét, thứ tự các bộ phận trong chữ v.v. Học xong phần đầu nầy, học sinh đã có một ý niệm khái quát về môn học chữ Hán. Từ bài thứ nhất trở đi mới giảng về ngữ vựng, theo lối tiệm tiến, từ dễ tới khó, trong phần nầy có giải nghĩa rõ ràng về cách phối hợp các loại chữ với nhau, văn phạm, từ ngữ, thành ngữ, những chữ đồng căn, đồng nghĩa, hoặc đồng âm dị nghĩa, cách đặt câu, cách dùng hư tự, v.v. và cuối mỗi bài lại có một bài tập. Những thơ văn trích giảng đều được chọn lọc kỹ càng và đều có thể bồi dưỡng cho sự hiểu biết của học sinh về phương diện nào đó. Thỉnh thoảng ta lại tìm thấy một vài giai thoại hay một cuộc so sánh hứng thú làm cho bài học không bao giờ có vẻ khô khan. Với cách trình bày như vậy, học sinh có lẽ không bao giờ đến nỗi nhàm chán và sợ môn Hán tự; ở đâu họ cũng gặp những chữ thường nghe, thường nói, nhưng chưa hiểu được một cách minh xác tường tận. Người học chỉ cần nhận kỹ những điều giảng giải và chỉ dùng trí nhớ về chữ viết thôi. Học hết bộ nầy có thể nói rằng học sinh sẽ biết dùng một cách chắc chắn đa số danh từ Hán -Việt thường gặp trong các sách báo ngày nay. Quý vị giáo sư dạy về môn quốc văn đã phải nhiều phen phàn nàn rằng học sinh lúc nầy dùng chữ sai lầm, cẩu thả, đại để “ngoan cố” hiểu ra “ngoan ngoãn”, “bộc phát” hiểu ra là “bộc lộ” hoặc chưa phân biệt được “công dụng” với “công hiệu”, “tác dụng” với “tác động”, thậm chí dùng lầm “thân chinh” cho “thân hành”, như nói “ông thân chinh ra phố mua hàng”, v.v. những lối dùng chữ sai lạc như trên không thể nào kể hết được. Đó là chưa nói học sinh Trung - Nam vì phát âm không đúng, hay dùng lẫn lộn “bàn hoàn” với “bàng hoàng”, “bàng quan” với “bàng quang” v.v. Trong các giờ giảng văn, nhiều khi giáo sư cũng phải sửng sốt nghe học sinh giảng nghĩa các từ ngữ một cách không ngờ. Cứ cái đà ấy thì sự học quốc văn không khéo sẽ lâm vào một tình trạng rất hỗn độn. Vì những lẽ trên, chúng tôi nhận thấy quyển sách nầy ra đời rất nhằm lúc và sẽ đỡ nhiều khó nhọc cho quý vị giáo sư quốc văn. Nó cũng giải thuyết được một phần nào sự thiếu thốn sách giáo khoa về môn Hán tự. Tuy nhiên, vì sách được soạn thảo trong một thời gian gấp rút để kịp cung ứng cho học sinh một khóa bản sẵn có dưới tay, nên thế nào cũng không tránh được ít nhiều khuyết điểm, những khuyết điểm ấy chỉ khi đem dùng mới thấy. Nếu đợi cho được hoàn toàn, có lẽ còn phải lâu lắm; cứ như vậy, chúng tôi tưởng bộ “SÁCH GIÁO KHOA HÁN VĂN” nầy cũng là một cố gắng đáng khen ngợi và khuyến khích.

 

PHAN VĂN DẬT

Giám học Viện Hán Học Huế.

 Sách chỉ có Tập I chứ không có Tập II, nhưng tôi vẫn mua để lưu lại một di vật của các thầy thời Hán Học và cũng là kỷ niệm về trường xưa.  Sau đó, tôi đến nhiều tiệm khác để tìm tập II cho đủ bộ mà không có. Tình cờ một hôm ghé tiệm sách quen ở đường Lý Chánh Thắng, Q.3, người chủ tiệm khoe mới mua được cả bộ hai quyển HVGKT. Tôi mở xem thì thấy trang đầu cả hai tập đều ghi: Trung tâm Học liệu - Bộ Giáo Dục xuất

bản. Tập I : Lớp sáu - Lớp bảy, In lần thứ nhất, 1965, 2000 quyển (đó là quyển sách tôi đã mua); in lần thứ 2, 1972, 5000 quyển; Tập II, Lớp tám - Lớp chín, in lần thứ nhất, 1972, 5000 quyển. Phía dưới, cả hai tập đều ghi Hội Đồng Duyệt gồm: Bửu Cầm - Thuyết trình viên; Thẩm Quýnh - Hội viên; Nghiêm Toản - Hội viên. (Điều này ở Tập I tôi đã mua trước thì không có). Tiếp đó, cả hai tập đều có in Lời Giới Thiệu của Linh mục Cao Văn Luận và lời Tựa của thầy Phan Văn Dật. 
 
 

 
                                           (Sách HVGKT I & II do Trung Tâm Học Liệu xuất bản)
Sách này thuộc loại bán giá cao nên tôi nhờ chủ tiệm phô-tô cho một bản Tập II rồi trả tiền theo giá “hữu nghị” như một vài bộ sách đắc giá trước đây tôi đã từng mua tại tiệm này. Nhưng lần này chủ tiệm bảo: Ông cứ đem về phô - tô vài ba hôm rồi trả cho tôi cũng được. Tôi liền đem về tiệm quen hối phô - tô gấp rồi chưa hết ngày đã đem trả lại và chủ tiệm cũng không lấy đồng nào. Thế là tôi đã có được đủ bộ một di vật về thầy xưa trường cũ. Sau khi có đủ bộ, thỉnh thoảng tôi mở ra xem, mỗi lần vài ba bài. Tôi nhận thấy các thầy biên soạn rất công phu và khoa học. Sách đi từ dễ đến nâng cao nên những người đã học được ít nhiều như tôi cũng có thể dựa vào đó để củng cố lại căn bản Hán Văn của mình. Có lẽ cũng vì thế nên từ năm 1997 đến nay, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã in lại bộ sách này 3 lần: Năm 1997 in trọn bộ, chia thành 2 quyển như sách của Trung Tâm Học Liệu trước; về sau, năm 2009 và 2013 mỗi lần cũng in trọn bộ nhưng dồn chung 01 quyển 832 trang. Các sách này đều không có Lời Giới Thiệu, bài Tựa, và phần Phàm lệ như sách của Trung tâm Học liệu trước, còn nội dung thì mỗi bài cũng đủ các mục nhưng tôi chưa đối chiếu chi tiết. Tôi nêu lên việc sách HVGKT do Trung Tâm Học Liệu xuất bản trước đã trở thành quí hiếm và việc Nhà xuất bản Đà Nẵng về sau đã nhiều lần in lại bộ sách ấy mà vẫn bán chạy là để chia sẻ niềm tự hào cùng các bạn đồng môn xưa về giá trị của một công trình có thể nói là “vượt thời gian” của các thầy chúng ta trước đây nửa thế kỷ. 

 

                                                 (Sách HVGKT I & II - Nhà Xuất bản Đà Nẵng)
Mỗi lần cầm quyển sách đọc vài bài, tôi đều lướt qua một đoạn trong lời tựa và mường tượng như nghe thầy Dật nói chuyện ngày xưa. Qua mỗi bài học, tâm trí tôi lại hình dung cả dáng điệu và giọng nói của các thầy khi giảng bài thuở trước; đọc mấy bài văn vần cụ Hồ Đắc Định dịch thơ chữ Hán, tôi như còn nghe rõ giọng cụ ngâm thơ trong lớp ngày xưa. Ngoài ra, khi tra cứu những quyển trong bộ Tứ Thư, tôi cũng thường nhớ lại giọng ngâm bài “Xuân du phương thảo địa” của Linh mục Nguyễn Văn Thích; nhớ cụ Hà Ngại luôn luôn nghiêm chỉnh trọng bộ quốc phục áo dài khăn đóng; đọc những sách của Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam tôi lại nhớ đến thầy Nguyễn Duy Bột hiền lành và tận tụy.  Qua những mốc thời gian ghi trong Lời Giới Thiệu của Linh Mục Viện Trưởng và bài Tựa của thầy Phan Văn Dật, kết hợp với tài liệu của anh Lý Văn Nghiên ghi trong bài viết ở Đặc San kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hán học Huế 1959  – 2009, tôi nhận ra việc biên soạn sách của hai thầy Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao rất phù hợp với mục tiêu và quy trình đào tạo sinh viên Viện Hán học:

 1. Sắc lệnh 389-GD thành lập Viện Hán học của Tổng thống ban hành ngày 18/10/1959. Tiếp theo là Nghị định tổ chức số 1505- GD của Bộ trưởng QGGD ban hành ngày 9 /12/

1959. Điều 27 của Nghị định này quy định rằng những sinh viên tốt nghiệp có thể được bổ dụng vào các chức vụ sau đây với chỉ số lương 370:

- Chuyên viên các tòa đại sứ ở các nước Đông Nam Á.

- Chuyên viên tại các viện khảo cổ.

- Giáo sư Trung học đệ nhất cấp ngành Hán học.

Căn cứ Sắc lệnh và Nghị định trên, Viện Hán Học đã được thành lập và nhanh chóng tổ chức thi tuyển khóa 1 vào ngày 25/12/1959, khai giảng vào ngày 4/1/1960.

 2. Sau đó, ngày 13/12/1960, Bộ trưởng Giáo dục đã ủy thác Viện Đại Học Huế soạn thảo bộ sách dạy Hán Văn cho các lớp Trung học đệ nhất cấp (theo tinh thần của chương trình 1959). LM Viện Trưởng bèn giao cho hai Giáo sư Viện Hán Học là thầy Võ Như Nguyện và thầy Nguyễn Hồng Giao thực hiện công trình này.

 3. Cuối năm 1963, hai vị G.S của Viện Hán Học đã hoàn thành việc biên soạn bộ sách ấy nên sau khi bị bãi chức trở về nhận lại nhiệm vụ cũ, ngày 14/1/1964 LM Viện Trưởng mới viết Lời Giới Thiệu để chuyển giao bộ sách ấy cho Bộ Giáo Dục. Và Bộ Giáo Dục đã tiến hành in đợt đầu 2000 quyển để sử dụng.

 4. Về chất lượng của bộ sách thì ngoài những nhận xét của LM Viện Trưởng Viện Đại Học Huế và thầy Giám Học Viện Hán Học còn có Hội Đồng Duyệt xét gồm những vị Giáo Sư chuyên ngành rất uy tín đã tán đồng, nên Trung Tâm Học Liệu trước đây mới in cả vạn quyển và đến bây giờ sách vẫn còn được tiếp tục xuất bản. Như vậy là việc biên soạn bộ sách HVGKT rất phù hợp với quy trình đào tạo của Viện Hán Học, là từ năm 1964 về sau, mỗi năm đều có sinh viên Viện Hán Học tốt nghiệp ra trường để giảng dạy Hán Văn tại các lớp Trung Học Đệ Nhất Cấp một cách bài bản theo sách giáo khoa đã soạn. Thế nhưng việc thành lập Viện Hán Học theo sắc lệnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và theo Nghị định của Bộ Giáo Dục, mà không có quy chế rõ ràng nên khóa đầu tiên tốt nghiệp đã không được bổ dụng và đương nhiên các khóa sau cũng chẳng hy vọng gì. Lúc bấy giờ, các quan chức đương quyền đều e ngại việc bảo vệ cho một quyết định của ông Ngô Đình Diệm. Ông Bùi Tường Huân, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, cũng cho rằng Viện Hán Học chỉ là một viện tô đẹp cho “mỹ ý” của Tổng Thống Diệm và đã trở thành gánh nặng dư thừa của Viện Đại Học Huế. Lãnh đạo Viện Hán Học là thầy Trần Điền đã vào Nha Bộ vận động cho việc tuyển dụng và duy trì Viện Hán Học nhưng chỉ đạt được kết quả là những lời hứa. Sau đó, toàn thể sinh viên Viện Hán Học đã lãn khóa và cử đoàn đại diện vào Sài Gòn trực tiếp yêu cầu Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục giải quyết việc bổ dụng sinh viên đã tốt nghiệp và bổ sung quy chế tuyển dụng các khóa sau. Khi ấy tôi cũng được cử vào đoàn đại diện. Nhưng khi vào đến Bộ Giáo Dục thì được biết ông Tổng Trưởng Phan Tấn Chức đang thu xếp mọi việc để bàn giao cho ông Tổng Trưởng mới là Nguyễn Văn Trường, nên phái đoàn chỉ được ông Đổng Lý Văn Phòng Bộ Giáo Dục tiếp kiến để ghi nhận nguyện vọng của sinh viên chứ không giải quyết được gì. Nhưng theo ông thì những nguyện vọng chúng tôi đã nêu rất khó được chấp thuận. Chúng tôi chỉ chờ đợi vài hôm chứ không thể ở lại lâu nên cuối cùng đã gởi lại bản kiến nghị nhờ ông Đổng Lý trình lên Tổng Trưởng mới. Trong thời gian ở lại, tôi và anh Lý Văn Nghiên có đến La-San Đức Minh ở đường Hiền Vưong thăm Linh Mục Cao Văn Luận và thưa với ngài về tình hình hiện tại của Viện Hán Học. Lúc ấy ngài không còn giữ nhiệm vụ gì ở ngành giáo dục, nhưng ngài nói ông Nguyễn Văn Trường sắp làm Tổng trưởng Bộ Giáo Dục trước kia là giáo sư của Viện Đại Học Huế, nên ngài sẽ đến nhờ ông tìm cách giải quyết cho sinh viên khỏi bị thiệt thòi. Chúng tôi trở về đem theo nỗi thất vọng cho toàn thể các bạn đồng môn. Sau đó, anh Lý Văn Nghiên với cương vị Chủ Tịch Ban Chấp Hành Sinh Viên Viện Hán Học đã tham khảo ý kiến nhiều giới chức và nhiều thành phần sinh viên của Viện nên đã phát động việc đấu tranh đòi Bộ Giáo Dục giải quyết quyền lợi của tất cả sinh viên Viện Hán Học một lần để sinh viên khỏi phải chờ đợi và chịu thiệt thòi thêm nữa. Bộ Giáo Dục đã chấp thuận và thực hiện đúng những điều khoản đã đề ra. Nhưng đó chỉ là biện pháp chữa cháy, vớt vát để khỏi quá thiệt thòi, chứ không phải là kết quả thỏa đáng. Nếu Bộ Giáo Dục chấp nhận biện pháp duy trì Viện Hán Học thì có khả năng đến nay viện đã phát triển thành một Trung Tâm Văn Hóa. Từ đó đến nay đã bao nhiêu năm danh hiệu Viện Hán Học chỉ còn trong hoài niệm của những cựu sinh viên và không bao lâu nữa thì chẳng còn ai để nhớ đến!

 
Nguyễn Công Thuần Khóa 3 VHH Huế

T.T.C

(Trích Đặc San 55 Năm Nhớ Lại của cựu sinh viên Viện Hán Học Huế biên soạn)

 
Người chuyển bài - vhp Hạ Vũ