Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ - Chương Hai
Chương Hai
Tôi về Bến Cầu ở chơi với ba mẹ vài ngày
trước khi xuống Sài Gòn thi tú tài một. Hàng dừa lùn bên bờ mương cuối vườn
nặng chình chịch trái. Mấy cây bưởi góc sân sau, chổ ba tôi mắc cái võng tòn
ten cho tôi nằm chờ gió từ khi còn bé, hoa trắng rụng đầy hương thoang thoảng.
Cái ao nhỏ giữa vườn toàn là bông súng úa. Nhà tôi nằm trên đường cái cách chợ
xã không mấy xa, xế bến xe lam đi chợ quận. Ba tôi vốn là người sinh ra ở Bến
Cầu nhưng mang máu rong chơi cho nên đã bỏ Bến Cầu đi từ những ngày mới lớn.
Ông lưu lạc giang hồ, từ Hớn Quản Xa Cam miền đông rồi Cai Lậy Mỹ Tho miền tây
sông nước. Ông làm không biết bao nhiêu là nghề nhưng đời vẫn trắng tay mặc dù
tiếng Tây không đến nổi tệ. Có lần ông lên tận Nam Vang làm việc cho đồn điền
cao su Chup, không lâu lại theo ghe buôn về Cai Lậy, võ nghệ ông cao cường cho
nên dân mối lái chợ dưa hấu vùng này đều phải nễ mặt. Nghe nói Bảy Viển, xếp
Bình Xuyên có lần mời ông làm cố vấn gì đó nhưng ông từ chối. Hơn nửa đời, chắc có lẻ gối chồn chân
mỏi hoặc chán chê đời, ông về lại Gò Dầu sống bằng nghề hùn chạy xe đò với một
người bạn cũ. Ở đây ông gặp mẹ tôi, cô gái đẹp nhất vùng Trâm Vàng, hai người
lấy nhau. Bà con họ hàng bên mẹ tôi sống gần bên nhau, nhà này cách nhà kia chỉ
một khoảng sân hay một con đường đất nhỏ. Ai nấy đều thương ba tôi ghê lắm, một
thằng hai hai cũng thằng hai. Vài năm sau, bà ngoại tôi mất, ba mẹ tôi để căn
nhà của ngoại lại cho người cậu thứ ba, rút phần hùn xe đò rồi đưa nhau về Bến
Cầu. Ở đây ba tôi có căn nhà ngói âm dương và cái vườn trồng cau dừa cùng với
dăm miếng ruộng gần biên giới Miên, tất cả là do phần ông bà nội tôi chia cho
ông và bà cô hai. Cô tôi sống ở đây từ đó đến giờ, riêng ba tôi, lúc còn ở Gò
Dầu, mọi thứ ông giao cho anh ba Thương là người con trai kế của cô hai tôi coi
sóc. Từ ngày về Bến Cầu, anh Thương vẫn tiếp tục phụ giúp ba mẹ tôi công việc
mà anh đã làm hơn mười mấy năm qua. Anh chị ở căn nhà bên cạnh sát hông nhà ba
mẹ tôi, hai nhà có cùng một sân trước. Mấy đứa con trai anh, thằng Thiết, thằng
Tha tuy gọi tôi bằng chú theo vai vế nhưng nhỏ hơn tôi không bao nhiêu. Tụi nó
học ở trường trung học quận Gò Dầu. Tụi nó coi vậy mà gần gủi ba mẹ tôi nhiều
hơn vì tôi học trường tỉnh, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Thường thì tôi về
vào mùa ghe chở dừa cau của nhà tôi đi giao mối, không kể mấy tháng hè và ngày
tết.
Từ chợ Bến Cầu đi ra quận lỵ cũng có đường
xe đò chạy ngang qua Long Chử, Trà Cao, Gò Dầu Thượng. Đến chợ người ta sẽ đón
xe đò lớn nếu muốn đi lên Tây Ninh. Tôi thích đi bằng tàu đò hơn, mặc dù tôi
không biết lội, sợ nước. Trên đường chở khách đến chợ Cẩm Giang, tàu ghé qua
cầu Long giang, chợ xóm ngã ba Ông, bến nào cũng có sen nở hai màu trắng đỏ che
kín cả mặt sông hai bên cầu gỗ. Từ trên tàu, người ta có thể nhìn thấy sương
sớm tỏa từng cụm xa xa, mù mờ trên chòm cây thốt nốt phía trời biên giới, tưởng
như là khói bếp chiều của nhà ai hay nhà mình đâu đó.
Hôm đi Sài Gòn mới biết là tôi đã quên
không qua thăm cô tư Hòa như đã hứa trước ngày bải trường. Trời bây giờ là mùa
hè, cho nên ở đâu cũng có nắng, nắng chói chang, nắng đỏ lửng. Bạn bè trường
tỉnh xuống thi, đứa ở nhờ chổ này đứa ở nhờ chổ nọ, sáng sớm ngày thi gặp nhau
trước cổng trường thi, mặt mày ngơ ngác. Hồi chuông reo báo giờ nộp bài nghe
rùng rợn, không thua gì hồi chuông báo tử, cây viết trên tay rung rẫy cố thêm
một hai câu. Đứa nào học sớm không sao, đứa nào năm nay mười tám thì chử nghĩa
kia là lá số định mạng, may thì áo thư sinh năm nữa, không may thì áo quân
trường. Trưa đứng tụm bên nhau ở một góc đường, ăn vội khúc bánh mì nguội nhìn
trời hiu quạnh, chờ giờ thi buổi chiều, lòng dạ ngỗn ngang, thấy con gái Sài
gòn nhởn nhơ lại qua cúi đầu không dám ngó.
Tôi đậu tú tài một năm đó nhưng lại không
xuống Sài Gòn học đệ nhất như đã tính. Vào học trở lại, hàng phượng quanh sân
trường vẫn còn hoa dù trời đã cuối hè. Nam ký túc xá có thêm đám học trò mới đệ
thất, mặt mày chưa sạch màu ruộng rẫy. Cô quản lý tha hồ làm dáng làm oai, nhà
ăn phòng khách chưng đầy hoa huệ trắng, cô Vân dọn xuống căn phòng nhỏ cạnh nhà
ăn làm việc. Chổ cũ bây giờ để cho thầy Vương, giáo sư hội họa của trường, mới
đổi về năm nay từ trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Ký túc xá đáng lý phải có thầy
nào đó làm giám thị, nhưng không ai chịu ở trong này, cho nên công việc giao
cho anh Hội, học đệ nhất trông coi. Thầy
Vương gốc người xứ Huế, nói năng nhẹ nhàng chậm rãi, tuy có cười nhưng không
thấy nụ cười nào trọn vẹn. Chiều nào cũng vậy, sau giờ cơm xong, thầy bắt cái
ghế dựa ngồi cạnh cửa sổ trước phòng nhìn trầm ngâm xa xa thật lâu, chờ đến khi
học trò tập sách xuống phòng học rồi thầy mới đứng dậy. Hơn ba mươi rồi mà thầy
vẫn còn độc thân, đám học trò đệ thất đệ lục học môn vẽ, lúc nào cũng có điểm
cao, trừ đứa nào tệ quá, vì thầy Vương cho điểm rất rộng rãi. Cô quản lý thường
hay tìm thầy nói cười luôn miệng chuyện nọ chuyện kia, nhất là vào giờ cơm
chiều thứ bảy. Chủ nhật thứ bảy ký túc xá vắng tanh, sân chơi thênh thang rộng
mặc cho đám chim se sẻ tung hoành đuổi nắng. Nhà ăn lèo tèo vài đứa học trò
trong đó kể luôn thầy Vương và cô quản lý. Phần học trò lớp nhỏ, chiếm hơn hai
phần ba nhân số của ký túc xá đều về quê sau giờ tan trường chiều thứ sáu.
Vài tuần sau, tôi đón xe lôi máy qua thăm
cô tư Hòa chiều thứ bảy. Tính từ ngày đầu bải trường đến giờ chắc cũng hơn mấy
tháng. Con Hạ, em kế của thằng Phúc đứng chơi đâu đó trong nhà bên cạnh, thấy
tôi không nói không rằng, bỏ chạy một mạch vào nhà la ơi ới khi tôi vừa xuống
xe. Cả nhà túa ra trước cửa, tôi ngại ngùng chào rồi theo mọi người vào trong.
Tôi báo tin thi đậu và tiếp tục học năm chót ở Tây Ninh. Ai nấy nghe tin xốn xa
xốn xáo đi ra đi vào, ngoài sân trước có tiếng người xì xào càng lúc càng
nhiều. Cũng như lần trước, tôi ở lại ăn cơm chiều, cô tư dẫn tôi qua làm quen
với mấy nhà bên cạnh. Hai ba cô con gái trạc tuổi tôi hỏi han con Hạ gì đó rồi
len lén nhìn, tôi làm như không biết. Trên đường Phúc đưa tôi về, hai anh em rủ
nhau xuống ăn chè sâm bổ lượng dưới bờ sông đầu chợ cá. Ở một phía trời xa vài
ba tiếng súng lẻ loi đì đùng nổ.
Thuyên
Huy
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment