Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ
Chương Ba
Tôi chơi thân với Tường từ những ngày mới
lên tỉnh, lúc đó chưa có ký túc xá. Ba tôi gởi tôi ở trọ tại nhà chú Thảo, một
người quen gốc miền Bắc, đơn độc vào Nam làm phu đồn điền cao su trước năm
1945, thời mà ba tôi làm việc cho đồn điền Xa Cam Hớn Quản. Chú Thảo bị chánh
quyền Bà Rá bắt giam vì không có tiền đóng thuế thân, thứ thuế do chánh quyền
Pháp đặt ra. Vì chú làm trong khu vực ba tôi trông coi, thấy tội nghiệp ba tôi
đóng tiền thuế, bảo lảnh chú đem về ở chung nhà cho có bạn. Hai anh em đùm bọc
nhau, người Nam người Bắc cho đến ngày ba tôi bỏ Xa Cam. Chú Thảo ở lại không
bao lâu rồi cũng trôi giạt vào miền Đông, họ không gặp lại nhau từ đó, có lẽ
cũng hơn mười mấy năm. Ba tôi gặp lại chú Thảo hết sức tình cờ trong chợ tỉnh,
hôm ông đi tìm mua thêm một số dây thừng cột ghe chở cau dừa. Chú Thảo có tiệm
buôn bán tạp hóa bên hông nhà lồng chợ. Hai người ôm nhau mừng mừng tủi tủi,
chú Thảo khóc sướt mướt, đóng cửa tiệm sớm đưa ba tôi về nhà gặp mặt vợ con, ba
tôi cầm lòng không được đành phải đi theo. Chú có hai đứa con, một trai một gái
nhỏ hơn tôi chừng bốn năm tuổi. Tôi ở với chú Thảo cho đến cuối năm đệ ngủ,
trong ba năm trời vợ chồng chú lo cho tôi không khác gì con ruột và từ ngày gặp
lại ba tôi, năm nào vợ chồng cũng dắt con về Bến Cầu ăn tết. Ngày bải trường dù
có ba mẹ tôi lên đón, chú vẫn theo về quê. Trước ngày tựu trường một hôm, làm
cái gì thì làm, chớ chú không hề quên xuống Bến Cầu dắt tôi lên tỉnh lại.
Tôi và Tường, hai thằng cùng học một lớp.
Nhà Tường là một ngôi nhà ngói kiểu xưa, trước sân trồng toàn là hoa sứ ở khúc
cuối đường Ngô Quyền, cách nhà chú Thảo cái hàng rào bông bụp. Trừ những giờ đi
học, ở nhà, hai thằng chạy qua chạy lại như ăn cơm bửa. Có khi tôi lại ăn cơm
chiều bên nhà Tường mặc cho thiếm Thảo tìm kiếm gọi một gọi hai. Tường có hai
người chị làm việc dưới Sài Gòn, thỉnh thoảng về chơi đôi ba hôm, mỗi lần mấy
chị về là tôi và hai đứa con chú Thảo có bánh tây ngọt ăn đã đời. Ba của Tường
làm công chức cao cấp trong tòa hành chánh tỉnh, thỉnh thoảng ba tôi cũng có
tạt qua chơi khi lên nhà chú Thảo thăm.
Ngày một lớn, tôi thấy đời ở trọ buồn buồn
làm sao, may mà với chú Thảo, nếu với người khác không biết thế nào. Đầu năm đệ
tứ, hội phụ huynh học sinh tỉnh bắt đầu mở hai ký túc xá, tôi nhanh nhẹn xin
vào nam ký túc xá nằm trên khu đồi bên cạnh trường ngay ngày đầu. Ba mẹ tôi lên
tỉnh cám ơn sự săn sóc của gia đình chú Thảo, chú Thảo buồn hết mấy ngày, tuần
nào chiều trên đường về nhà từ tiệm, chú cũng ghé vào ký túc xá thăm tôi cho
được. Hè năm sau, ba mẹ thôi không còn lên tỉnh đón tôi như xưa và chú Thảo
cũng không còn theo tôi về Bến Cầu nữa. Tường thì chủ nhật nào mà tôi không về
quê thì hắn đạp xe đạp vô ký túc xá, hai thằng đèo nhau vòng vòng chợ cũ chợ
mới, ăn bánh mì xíu mại, uống nước mía suốt buổi sáng rồi về nhà. Tôi qua chú
Thảo chơi với hai đứa em tới chiều, cơm nước xong, Tường đạp xe chở tôi về lại.
Chiến trận mỗi ngày mỗi lan rộng hơn, bạn
bè năm rồi đã có nhiều thằng rớt tú tài một vào lính. Tôi bình thản đứng bên lề
cuộc chiến với áo trắng mực xanh dù co đôi lần chạnh lòng xót xa khi hay tin
người quen, mới đó đã nằm xuống ở một chiến trường xa xôi với tuổi đời chưa quá
hai mươi. Mấy anh đệ nhất ở ký túc xá năm rồi chỉ còn dăm ba người lên đại học,
trong đó có anh Hội. Dạo này đêm nào cũng thấy hỏa châu bập bùng ở phía biên
giới và tiếng quân xa dồn dập kéo dài nửa khuya ngang qua phố tỉnh. Chuyến xe
đò cuối ngày từ Sài Gòn, cũng bắt đầu có vài hôm về muộn, vì quốc lộ bị quân du
kích cộng sản đấp mô chận đường, nhất là khoảng rừng cao su xã Hiệp Thạnh hay
khoảng nhà thờ họ Bình Nguyên, cái nhà thờ nghèo nàn nằm chơ vơ giữa đám ruộng
khô cằn bên đường, trước khi tới Trãng Bàng. Tôi làm quen Sài Gòn sau hai ba
lần theo Tường xuống thăm mấy bà chị. Sài gòn bây giờ trời chập chững vào thu,
có lá rơi và những cơn mưa bụi. Tôi ngu ngơ giữa đường phố đông người, tôi bắt
đầu thương bóng dáng ai đó chưa quen trên lối nhỏ công viên Tao Đàn vàng lá úa,
nhớ đường Nguyễn Du hiu hắt lá me bay, biết đứng trước cổng trường Gia Long chờ
người dù chỉ là người trong mộng.
Sáng thứ bảy, tôi và Tường cùng hai ba
thằng bạn khác rủ nhau vào toà thánh Cao Đài xem hội chợ. Tòa thánh có nhiều
cửa vào nhưng người ta thường nhắc cửa số một số hai nhiều hơn vì đây là khu
chính của nhà chánh toà và nằm trên đường chính của hai ngã ra chợ tỉnh, xe cộ
lúc nào cũng rộn rịp xuống lên. Trời chưa có nắng mà người đã đông nghẹt trong
khuôn viên, trên đường dọc theo khách đình, nơi có nhà ăn lớn dọn cơm chay miễn
phí cho khách thập phương từ xa đến và tín đố đi cúng lễ trong những ngày lễ
lớn như hôm nay chẳng hạn. Bọn tôi tuy không phải là người có đạo nhưng tiếng
chuông mõ vang vang rập rình trong sương sớm mờ mờ ảo ảo trên Bá Huê viên chen
hoa chen lá cũng làm ai đó cúi đầu lâm râm cầu nguyện. Biết đâu chút lòng thành
nhỏ nhoi sẽ cho mình may mắn. Nhìn qua ngó lại, học trò trường tỉnh không thiếu
ai, từ nhỏ đến lớn, chen chút người qua gọi nhau ơi ới.
Bọn tôi kéo vào nhà ăn của khách đình ngay
lúc giữa trưa, tiếng chuông lễ ở đại chánh điện chưa dứt tiếng ngân dù khúc
kinh cuối đã ngưng từ lâu. Người bắt đầu
vào lưa thưa, tôi tự dưng cười một mình, họ cũng như bọn tôi, đều là những
người không đạo hay không ngoan đạo. Bọn tôi chọn cái bàn phía ngoài, có sẳn
phần ăn cho bốn người, ngó ra khu vườn hoa hồng. Ở đây vừa ăn vừa ngắm trộm mấy
cô trong sóng người "ngựa xe như nước áo quần như nêm". Tôi cầm đủa,
chưa kịp bắt đầu, có tiếng con gái gọi. Tôi và Tường cùng quay lại dãy bàn bên
trong. Thảo Ly, cô bạn đệ nhất A, con ông chủ tịch hội phụ huynh học sinh đang
ngồi với hai ba cô khác, vẩy tay chào cười híp mắt. Đông người quá, tôi ngồi
xuống bảo Tường làm dấu hẹn gặp nhau trước sân chánh điện khi xong bữa ăn.
Người càng trưa càng đông, bên trong không còn chổ ngồi, bên ngoài sắp hàng chờ
dài qua khỏi sân giữa. Rừng thông rực nắng, mấy anh Bảo Thể bắt đầu dẹp trống
đường từ cửa số hai lên, để chuẩn bị cho xe diễn hành.
Gặp Thảo Ly, chúng tôi kéo nhau ra cái quán
nước bên ngoài khuôn viên, ngay ngã ba gần rào cổng. Hai thằng bạn đi chung bỏ
về trước sau khi chào hỏi mấy cô gái qua loa vài ba câu. Thảo Ly lúc nào cũng
vậy, nhanh nhẩu và cười luôn miệng
-
Sao hôm nay anh Ngữ kiếm được người đẹp nào vừa ý chưa?
Tôi
đưa mắt nhìn, Tường cũng chưa nói gì thì Thảo Ly kéo hai cô bạn đi cùng ngồi
xuống ghế tiếp lời:
-
Em giới thiệu với hai anh, bạn em. Thảo Ly cầm tay cô bên cạnh tóc ngắn:
-
Đây là Chiêu, dân Tây Ninh xuống Sài Gòn học mấy năm giờ chắc chán ở dưới rồi
nên về lại tỉnh học năm cuối. Còn đây là Xưa, nhà ở Trảng Bàng, chắc anh Tường
có gặp rồi, hôm đến nhà em ăn giỗ bà nội.
Tường
lên tiếng:
-
Anh thấy ngờ ngợ, không chắc lắm nên không dám hỏi.
Thảo
Ly nuốt ngụm nước đá chanh ngon lành:
-Tụi
em năm nay học chung một lớp.
Rồi thì câu qua lời lại, chúng tôi nói
chuyện trường chuyện đời, dù đời của mình chưa hẳn được bao nhiêu. Không ai
nhắc nhở gì chuyện trở vào toà thánh xem xe hoa, xem đại lễ. Trời gần về chiều,
xe vắng dần nhưng bụi đỏ cứ cuốn bay hai bên đường vì người qua người lại chưa
ai chịu dừng chân. Gió từ một nhà làm kẹo bánh tráng đậu phọng nào gần đây thổi
qua, mang thêm mùi thơm ngọt của đường mía tây thoang thoảng. Về đến đầu ngã rẽ
vào chợ tỉnh, bọn tôi chia tay nhau ngay cổng trường tư thục Văn Thanh. Tôi
thấy Tường vui hẳn lên, hình như tôi nghe hắn hát hò gì đó, lúc bỏ tôi xuống xe
trước cổng ký túc xá. Mây tím xuống thấp tự lúc nào ở phía bên kia sông, chưa
tối hẳn nhưng một vài căn nhà tranh cuối xóm đã lên đèn sớm. Tôi bất chợt gọi
tên Chiêu, cô quản lý đứng chào từ phía hành lang nhà bếp. Đêm nay cũng như
những đêm thứ bảy khác, ký túc xá vắng tanh và thiếu tiếng cười.
Thuyên
Huy
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment