Wednesday, October 28, 2015

Rau Sắng Chùa Hương - 304Đen Llttm


Rau Sắng chùa Hương


Câu chuyện Rau Sắng Chùa Hương chiếm một vị trí khá đặc biệt trong nền văn học Việt Nam cận đại. Trước khi vào chuyện, người kể chuyện xin ghi lại một vài nét background. Chùa Hương nằm trong địa phận quận Mỹ Đức mà cũng là quê bà Phủ Ba, thân mẫu của Tản Đà tiên sinh. Thị trấn Vân Đình thì nằm trong quận Úng Hoà, nhưng năm sát biên giới Mỹ Đức. Như vậy các giai thoại mới xẩy ra ở vùng này . Câu chuyện Rau Săng Chùa Hương xẩy ra giữa hai nhân vật thơ văn thời đó là Tản Đà và bà Song Khê họ Đỗ, em ruột của nữ sĩ Tương Phố.
Thi sĩ Tản Đà vốn sành ăn nổi tiếng. Rau sắng là một thứ rau hiền lành trông giống như rau bồ ngót, mọc rất nhiều trong vùng núi Hương Sơn. Ca dao có câu

Ai đi trẩy hôị Chùa Hương,
Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm
Mớ rau sắng, quả mơ non
Mơ chua, sắng ngọt có còn thương chăng?

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1923. Tản Đà có đăng trên báo bốn câu lục bát :
Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Người đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.

Ngay sau đó, một người hâm mộ đã gửi qua bưu điện cho Tản Đà một bó rau sắng kèm mấy vần thơ như sau :
Nguyễn tiên sinh nhã giám:

Kính dâng rau sắng chùa Hương
Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa
Không đi xin gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm .
Đỗ tang nữ bái tặng.

Đỗ tang nữ là cô gái hái dâu chính là nữ sĩ Song Khê. Danh hiệu này được bà giải thích như sau : Song Khê là hai giòng suối : Cẩm Khê là nguyên quán ở phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, và Thất Khê sinh quán của Song Khê.

Vì người gửi không ghi địa chỉ nên Tản Đà không gửi thư cám ơn được, cho nên đành phải đăng báo bài thơ ở mục Truyện Thế Gian :
Mấy lời cảm tạ tri âm,
Đồng bang là nghĩa đồng tâm là tình
Đường xa rau vẫn còn xanh
Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào.
Yêu nhau xa cách càng yêu
Dầu ràng suông nhạt mà nhiều chứa chan.
Nước non khuất nẻo ngư nhàn.
Ta lòng xin mượn Thế Gian đưa trình.
Nguyễn Khắc Hiếu bái phục.



 


Lúc bấy giờ -1923- Tản Đà chủ trương Tản Đà Tụ Thư Lâu ở Hàng Gai Hà Nội. Khoảng mấy năm sau đó -1927—Song Khê đang ở Mông Cáy, đọc An Nam Tạp Chí của Tản Đà, “thấy tình hình nhà báo lung lay, đường xa gánh nặng, sông cái thuyền nan”. Song Khê riêng nghĩ : Nhà thơ phen này có lẽ ưu tư không ít, bèn mua bưu phiếu gửi tặng tiên sinh cả một tháng lương, và kèm theo mấy lời khuyến khích.
Trong một bức thư ghi ngày 23-2-1968 gửi cho bạn, Song Khê cho biết thêm:
“Tuy sinh cùng trong một nước, cùng thời, với lòng cảm phục văn tài vô hạn, nhưng tôi cũng chưa được hân hạnh quen biết và tìm gặp tiên sinh bao giờ.
“Mãi đến năm 1928, khi tôi ở Kiến An, có một bữa một văn hữu ở Hải Phòng đưa thi sĩ Tản Đà đến thăm tôi mà không hề giới thiệu. Tiếp chuyện độ nửa giờ, người bạn tôi và ông khách ra về. Sau này tôi mới biết ông khách đó chính là thi sĩ Tản Đà.
“ Câu chuyện văn chương tưởng như mới ngày nào, thế mà hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đến nay chỉ là giấc mộng.
Tuổi vô dụng, giục người tóc bạc.
Trận phong sương dồn rã cuộc trăm năm
Tàn Đà Tiê Sinh nay đã gánh văn lên bán Chợ Trời, chẳng mấy nữa người rau sắng cũng sắp về Hương quy Phật, âu cũng là :
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
Kính bút
Song Khê, người rau sắng”

Câu chuyện Rau Sắng chùa Hương còn được Tản Đà nhắc lại trong bài “Tản Đà gửi người tri âm” Đại ý như sau :
“Muốn hiểu cái hay trong bức thư này, phải đọc cả hai cuốn Giấc Mộng Con, và Giấc Mộng Lớn. Con người ta sinh ra ở đời, thường lấy ít tri âm làm giận, mà không biết thực tự mình đã phụ biết bao người tri âm.
Tri âm là ai? Ai tri âm với ai, thời ai tự biết với ai vậy.
Nghĩ như: Rau sắng chuà Hương, tấm lòng thơm thảo, măng đa Mông Cái, hậu ý ân cần.
Quan hà chan chứa ái ân.
Nước mây như vẫn như gần như xa.
Giời Kiến An hai mươi mốt tháng ba, một con gió thổi, mơ màng Giấc Mông Con, Tân Thế Giới,cảm tưởng bồi hồi.

Tri âm ai đó hỡi người
Để ai sao khỏi như lời của ai?

“Tôi từ khi khi An Nam tạp chí nghỉ việc, đi Nam về Bắc, láng đáng không ra làm sao, lại càng trông thấy những chủng tộc với giang sơn, mà lòng cảm hoài lai láng:

Dân hai nhăm triệu, ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

‘Ngày tháng như trôi, mày râu đáng chán. Mỗi những lúc đêm quạnh đèn xanh, chiều thu lá đổ, nghĩ những ai ai trong bốn bể, nỗi u sầu khôn dễ tả nên thơ.

“thôi vô luận văn chương với sự nghiệp, chia làm hai hay hợp làm một, trong thiên hạ đã có người tri âm, trong thiên hạ tất cũng có người không phụ người tri âm.

Cuối mùa xuân năm Mậu Thìn(1928)
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bái bút.

304Đen - Llttm

 

No comments: