Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ
(Chương Mười Bốn)
Chương
Mười Bốn
Vào học trở lại không bao lâu, từ Bến Cầu
xuống Sài Gòn, Chiêu cho biết Tường về
Sài Gòn nghỉ phép vài ngày, có hỏi thăm tôi dạo này ra sao. Cứ theo như lời
Chiêu, thì Tường trông vẫn còn vui vẻ như ngày nào, hắn không nhắc nhở gì tới
chuyện mấy cái thư mà hắn đã gởi cho Chiêu. Tường mời bọn Chiêu, Thảo Ly và Xưa
đi ăn và nghe nhạc vài lần, lúc ở Queen Bee lúc ở quán Gió. Tường cũng đôi lần
đến chờ ba cô trước cổng trường Đại Học Sư Phạm trong bộ quân phục sinh viên sĩ
quan Đà Lạt. Hôm Tường trở lên Đà Lạt, sáng sớm trời lất phất mưa như bụi,
không ai đưa Tường ra phi trường vì kẹt giờ học. Cả bọn chia tay nhau ngay tại
quán ăn nhỏ đầu đường Cộng Hoà, Tường hỏi Chiêu chừng nào hắn sẽ có được tin
vui, trước khi lên xe ta-xi. Thảo Ly làm thinh nhìn Chiêu, Chiêu đáp lời bằng
nụ cười ngày nào mà không nói gì cả. Hai cô bước vội lại trường, hình như không
ai quay nhìn về hướng chiếc xe ta-xi lăn bánh chầm chậm mù mờ trong màn mưa.
Rồi không ai nhắc nhở gì chuyện này, Tường đi rồi Sài gòn vẫn vậy, bọn tôi vẫn
ngày qua ngày đi về với cổng trường, sân cỏ.
Sáng thứ bảy, tôi, Chiêu và Thảo Ly lại rủ
nhau theo Tùng về Tầm Vu. Lần này ba mẹ Tùng mời chúng tôi, xuống ăn mừng cô em
gái Tùng đậu tú tài một. Theo chuyến xe sớm,
bọn tôi tới Tầm Vu trời vẫn chưa có nắng cho lắm. Ba mẹ Tùng và Thủy, em gái
Tùng, đã đứng chờ tự hồi nào ở bến xe. Như có cái gì quen quen, tôi cố nhìn
hàng cây xê-ri bên rào, mùa này không thấy trái. Thủy nhập bọn với Chiêu và
Thảo Ly, nói nói cười cười trên đường về lại nhà. Ba mẹ Tùng hỏi thăm tôi đủ
thứ chuyện, từ chuyện học hành tới tình hình trên nhà tôi ở Bến Cầu. Về đến nhà
không lâu thì anh bà con của Tùng cũng vừa tới, anh ta về Long An rồi mới ngược
lên đây. Mấy cô gái quây quầng phụ mẹ Tùng trong nhà bếp, bọn tôi rủ nhau đi
lòng vòng ra chợ xã. Ở bên kia phía sông Vàm Cỏ Tây trời vẫn còn giăng đầy
sương sớm. Buổi chiều, bọn tôi về Sài gòn, Tùng ở lại Tầm Vu. Trên đường về
hình như Thảo Ly xem ra có cái gì đó vui hơn thường ngày, trời còn một chút
nắng chiều muộn trên mấy cánh đồng xa xa đâu đó.
Mùa thu năm nay tàn muộn hơn mọi năm, trời
đã chớm lạnh như ngày lập đông, phố xá ít ngày có nắng sớm. Sài Gòn chiều nào
cũng vậy, cũng vội vàng, cũng chật cứng người đi người về. Sài Gòn vẫn vắng
những cơn mưa muộn. Thảo Ly đến tìm Tùng rồi hai người bỏ đi đâu đó, tôi cười
nhìn theo không hỏi han gì cả. Sau cái ngày từ Tầm Vu về với nụ cười vui hơn
ngày thường đó, Tùng và Thảo Ly đã yêu nhau, một cái yêu hết sức tình cờ và bất
chợt mà cả bọn không ai ngờ. Hai người đi rồi, tôi ngồi một mình lặng thinh
trong bóng đêm vừa xuống nhìn ra, căn nhà đối diện mở máy truyền hình thật lớn,
đám con nít trong hẽm bắt đầu kéo nhau tới đứng ngồi chật cả sân. Bà bác chủ
nhà từ trong đi ra, mở cánh cửa sổ song sắt rộng thêm. Có tiếng người đàn bà
nào đó nói cám ơn, bà bác mĩm cười, một nụ cười thật gọn. Tôi khép cửa, bỏ vào
bàn học. Nhìn tấm ảnh Chiêu trên đầu kệ sách, tôi mĩm cười, một nụ cười cũng
thật gọn như bà bác chủ nhà bên kia. Không lâu Tùng về, không có Thảo Ly, không
đợi tôi hỏi, Tùng cho biết là Thảo Ly có hẹn đi đâu đó với Chiêu nên không ở
lại chơi được. Tùng lấy trong cái túi giấy ra hai khúc bánh mì Nguyễn Ngọ, còn
nóng hổi đưa cho tôi một khúc, tôi chưa cầm trọn tay thì Tùng đã cắn khúc kia
ăn ngon lành:
-
Cơm chiều của mình hôm nay đó, Thảo Ly mua và dặn là phải nhớ đưa cho mầy một
khúc. Ăn đi, kẻo cô nàng buồn.
Tùng
vừa nói vừa cười thoải mái. Có tiếng con gái khóc từ trong máy truyền hình,
vẳng ra, Tùng lắc đầu:
-
Lại kịch Sống Túy Hồng hay Kim Cương gì nữa đây!
Chiều thứ sáu, tan học sớm, tôi và Tùng
đón xe buýt đi ngã sáu. Hai thằng xuống xe thong thả lội bộ tới trường đại học
Sư phạm chờ đón Chiêu và Thảo Ly. Hàng cây phượng già rợp bóng che mát rượi
phía bên này đường. Phía bên kia, trong vòng rào của bộ tư lệnh cảnh sát quốc
gia, cảnh sát dã chiến tập họp rần rộ với súng ống và xe cộ, mặt người nào
người nấy trông đằng đằng sát khí. Tùng nhìn tôi thắc mắc, tôi nhìn Tùng lắc
đầu không nói gì hết. Sinh viên bắt đầu lưa thưa ra cổng, từ ngoài nhìn vào, Chiêu lửng thửng đi trước,
vừa đi vừa quay lại nói gì đó, Thảo Ly cười ngặt nghẽo, không thấy Xưa như ngày
thường. Gió thổi nhè nhẹ, đưa từng vệt nắng nhỏ lắc lư trên đường, trời chưa
muốn về chiều. Bọn tôi đi ngược lên hướng đường Phan Đình Phùng rồi kéo vào
quán chè Hiển Khánh ngồi tán dốc. Chiêu cho biết ba của Xưa đau nặng, Xưa về
Trãng Bàng hai hôm rồi không nghe tin gì nữa, không biết bác có sao không, mấy
ngày rồi thấy Xưa có vẻ buồn buồn gì đó mà không chịu nói gì hết.
Sáng thứ bảy, như đã sắp xếp, chúng tôi đón
chuyến xe sớm đi Trãng Bàng. Xe ngừng lại ngã tư Bảy Hiền đón khách quen, trời
chưa có nắng. Sương sớm còn mù che kín trên tháp chuông nhà thờ Đắc Lộ dù tiếng
chuông lễ sáng đã đổ từng chập một. Trời vừa có chút nắng thì xe tới đầu phố
Trãng Bàng, sáng rực lác đác trên hàng cây Phượng già hai bên đường, Trãng Bàng
xem ra vẫn còn ngái ngủ. Đám con gái bán hàng của mấy cái quán dọc theo bến xe
chưa chịu kẹp tóc lên, để mặc tóc thả dài theo từng cơn gió sớm lẻ loi ươm mùi
sương sáng. Cây trứng cá quen thuộc ở ngã ba đường vào chợ rợp đầy trái chín
ửng từng giọt sương, long lanh như pha lê. Trên đường vào nhà Xưa, trong màn
sương vừa thấp thỏm tan chờ sáng chiếc xe tang chở cái quan tài phủ lá cờ quốc
gia ướt đẩm sương chầm chậm qua từng bước một, người con gái còn quá trẻ, chắc
không quá tuổi hai mươi, phủ cái khăn tang trắng trên đầu, tay bưng chặt tấm
hình người chồng trong quân phục quân nhân khóc nức nở, ngã nghiêng đi lờ đờ
như một bóng ma. Mười mấy người đi theo sau lặng thinh cuối gầm nhìn xuống đất,
mặc ai cứ khóc. Chiếc xe tang đi qua lâu rồi, nghe tiếng Chiêu gọi, tôi quay
lại, giọt nước mắt chảy dài xuống môi, thì ra tôi đã khóc và hình như đây không
phải là khóc lần đầu. Tôi chợt thấy mình quá quen thuộc với hình ảnh những
chiếc xe tang và những cái khăn tang trắng của buổi sáng lạnh câm mịt mờ hay
của buổi chiều mưa chập chùng nức nở.
Xưa kinh ngạc, mở tròn xoe mắt, đứng nhìn
bọn tôi đẩy cổng vào nhà, cánh cửa sổ căn phòng bên hông đóng kín dù trời đã
ngập đầy nắng. Như người trong nhà, Chiêu đẩy cửa vào trước, bọn tôi nấn ná chờ
Xưa. Cả bọn chưa nói với nhau một câu nào cả. Vào nhà, mẹ Xưa và cô em gái kế
từ nhà trong bước ra chào, tôi giới thiệu Tùng với bà, chưa kịp nói gì thêm thì
Chiêu, Xưa và Thảo Ly lặng thinh bỏ vào trong. Hai thằng ngồi xuống hai cái ghế
kê sát cạnh tường, ngay cửa sổ ngó ra đường. Bác gái bảo cô em gái vào trong
lấy nước rồi ngồi xuống bên cạnh tôi, bà nhìn ra đường chậm rãi nói:
-
Bác trai vừa mới khỏe chừng hai bữa nay thôi, bác cứ tưởng là đã xong rồi...
Bà
thở dài, lặng thinh.
Tôi
tìm lời an ủi nói với bà, bà nắm tay tôi rưng rưng:
-
Cám ơn mấy đứa đã lên thăm gia đình bác. Tôi, Tùng theo bà vào phòng ba của Xưa
nằm. Bác trông xanh xao và gầy guộc quá. Thấy bọn tôi, tuy không ngồi dậy nổi,
nhưng bác cũng cố gượng cười chào. Một vài sợi nắng sáng len vào khe cửa sổ
chẳng đủ sức hâm nóng căn phòng. Bác gái kéo hờ tấm mền đắp che ngang người
ông. Tôi làm dấu cho cả bọn xin phép ra ngoài để bác trai nằm nghỉ. Bác nhắm
kín mắt gật đầu, quanh đây có tiếng gà gáy muộn vọng vào, bác gái theo chúng
tôi đi ra. Bọn tôi ở lại ăn cơm trưa với gia đình Xưa cho tới quá giữa trưa.
(Còn
tiếp)
No comments:
Post a Comment