MỘT NGÀY VỚI MÙA XUÂN HÀ NỘI
Phần Một
I. Tôi sinh ra, và lớn lên, tại Nha Trang. Gia đình bên ngoại gốc “Nhe Treng” rặt, và bên nội, gốc Quảng Trị, cũng
rặt. Bởi vậy, anh em tôi trong nhà nói một thứ tiếng lai căng, ở trường học
không nói tiếng Việt, nên ra ngoài không có cái giọng, kiểu “chu che bữ nê
mềnh lợi eng cuôm dí ké nữ” (dịch nghĩa: Chu cha bữa nay mình lại ăn cơm
với cá nữa) cố hữu của dân địa phương thứ thiệt, như mấy đứa bạn cùng xóm. Rồi
sau năm 1954, người Bắc di cư vô Nam nói, ôi thôi, đủ thứ tiếng Bắc kỳ, nghe
rất mệt tai. Trong số, tôi chỉ chấm, và mê, tiếng hát mượt mà, đài các, phát âm
chuẩn xác của những nữ ca sĩ chính gốc Hà Nội, như Kim Tước, Thái Thanh, Mộc
Lan, Tâm Vấn, và những minh tinh, như Kiều Chinh, Mai Trâm. Tất cả những mỹ
nhân một thời ấy đã mang theo vào Miền Nam dáng vẻ thanh lịch và giọng nói quý
phái từ Hà Nội cổ kính, và cố đô Thăng Long ngàn năm văn vật.
Hà Nội mà tôi chưa bao giờ được thấy, nhưng biết
qua thơ văn nhờ hồi đi lính bắt đầu đọc những tiểu thuyết tiền chiến và những
tạp chí của mấy ông nhà văn nhà thơ Bắc kỳ di cư. Nhất là nghe những ca khúc
đương thời thương về Hà Nội. Trong đó có một câu, trong một bài, mà ông cậu
ruột mười sáu tuổi, em út của mẹ tôi, nghĩa là dân Nhe Treng đặc sệt, cứ âm ư
mãi, riết rồi thành lố bịch:“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết
yêu…” Lố bịch là phải, bởi lẽ không ai có thể gây xúc động mạnh lên trái
tim thính giả trong những bài hát nhớ Hà Nội cho bằng những nhạc sĩ, ca sĩ di
cư chánh hiệu Hà Nội của thời trước 1975.
Quả vậy, Trịnh Công Sơn, tên nằm vùng phản
chiến, gốc Huế, sau 1975, muốn lấy điểm với chế độ mới, cũng bắt chước viết hai
ca khúc về Hà Nội, nhưng không hay bằng, vì cảm xúc, nguồn hứng rất giả tạo, và
hình ảnh rất ước lệ, khuôn sáo: cũng vẫn là Hồ Tây, cũng mùa thu mây bay, cũng
mùi hoa sữa, cũng cây bàng lá đỏ… Chưa kể, câu kết, trong bài “Nhớ mùa thu Hà
Nội”, “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội / Nhớ đến một người để nhớ mọi người”,
muốn nhắn gửi gì đây? Chưa vội chụp nón cối, người ta phải thắc mắc:Mùa
thu nào? Tổng khởi nghĩa 1945 ư? Một ngườinào? Đồ tể Hồ Chí Minh,
với khẩu hiệu “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, mà các tù binh cải tạo đã
phải nghe lải nhải hoài, phát ớn đến tận cổ?
II. Hà Nội, tôi đã thấy, đã nghe, đã gặp một lần, vào tháng 4 năm 1983. Cách đây ba
mươi hai năm. Không như một du khách, hay một Việt Kiều yêu nước. Mà như một tù
binh cải tạo. Đúng ra gặp hai lần.
Lần đầu, cuối năm 1975, một cách chớp nhoáng,
bất đắc dĩ. Tại bến cảng Hải Phòng, tôi được bốc từ tàu Sông Hương ra và tống
lên xe lửa, chực sẵn để chở, cùng với hàng trăm ngàn đồng đội, lần lượt, đến
các trại giam vùng biên giới, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Quảng
Ninh, Cổng Trời… Khi đoàn tàu đi ngang Hà Nội, chắc quá nửa đêm, tôi cố nhướn
mắt nhìn ra bên ngoài, từ song cửa sổ hẹp. Tàu chạy nhanh, trời lại tối, và đèn
đường leo lét, chỗ có chỗ không, nên tôi không thấy gì cả, ngoài một Hà Nội còn
đang ngủ say, phố xá lặng thinh, sương rơi lả tả, và những hàng cờ đỏ sao vàng
giăng mắc, ủ rũ, trên những góc phố. Làm nhớ đến hai câu thơ oan nghiệt –đã bóp
chết đời tác gỉả, Trần Dần:Tôi bước đi, không thấy phố, thấy nhà / Chỉ thấy
mưa sa trên màu cờ đỏ…Rồi tàu rẽ lên cầu Long Biên, khá dài. Tôi thấy hai
bên đường sắt vài người dân đi bộ hay đạp xe, không biết về đâu, co ro trong
chiếc áo tơi thô sơ. Trên sông, vài chiếc thuyền câu đậu bến im lìm.
Lần thứ hai, lần này, tám năm sau, được tiếp xúc
với Hà Nội lâu hơn, đúng một ngày, nghĩa là mười hai tiếng đồng hồ. Quả thế,
một buổi sáng đẹp trời, tại trại giam Vĩnh Phú, K1, đang chuẩn bị đi lao động,
tôi nghe đọc tên mình được thả –áp chót trong danh sách một trăm mười người
thuộc tất cả các trại Miền Bắc, mà Vĩnh Phú chiếm nhiều nhất: có bốn mươi tên
trúng số độc đắc, trên toàn năm K, trong khi ở một số trại, nhỏ hơn, chỉ có vài
mạng thôi. Tôi ngạc nhiên, không biết tại sao mình lại được thả, nhưng chắc
chắn không phải vì công đức cải tạo tốt, trái lại. Thây kệ, tôi tự nhủ, thắc
mắc làm chi. Vội vàng về “buồng” (phòng), vì chỉ được mười phút sửa soạn tư
trang. Không có gì, ngoài bộ đồ tù đang mặc trên người, và mùng, mền, khăn mặt,
bàn chải đánh răng, một bịch đường táng đen, một gói bánh mì khô, hai hộp sữa
đặc, và một mớ thuốc cảm, đau đầu, đầu bụng, để dành từ những lần thăm nuôi
trước. Tôi tặng hết đồ ăn và thuốc men cho những anh em, lúc ấy, khai bệnh nằm
nhà.
Rồi tất cả lội bộ xuống K5, tức K chỉ huy, cách
khoảng 15 km, để làm thủ tục xuất trại. Tại đây, được trả lại quần áo “dân sự”,
đồng hồ, và tiền bạc bị “đăng ký” để “Cách mạng giữ hộ” khi bước chân vào trại
tù đầu tiên, ở Miền Nam. Không biết đủ, thiếu thế nào, vì sau tám năm, không
nhớ và điều đó không quan trọng nữa. Tù binh được thả sinh hoạt tại một buồng
riêng, không được “quan hệ linh tinh” với các cải tạo viên khác.
Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, chúng tôi trút bỏ bộ
đồ tù, mặc lại quần áo cũ, có anh diện giày da thay dép râu. Ai nấy mặt mày
tươi rói, đẹp trai hẳn ra, như dưới chiếc đũa thần của một bà tiên, không còn
hốc hác, bèo nhèo như dạo nào, nhất là sau mấy ngày được vỗ béo, ăn no ngủ kỹ.
Được xe trâu chở ra tận bến phà trên sông Hồng. Sau hơn nửa giờ, cập bờ Ấm
Thượng. Ở đây, phải chờ đến 10 giờ đêm mới có chuyến xe lửa từ Lào Cai đến
“rước” về Hà Nội. Đi theo có hai cán bộ. Hai tên này, bình thường thuộc loại
hắc ám, bữa nay có vẻ dễ dãi, chắc vì được dịp đi chơi Hà Nội hoặc tin rằng
không thằng tù binh nào được thả lại dại dột âm mưu làm điều “phản động”. Để
giúp thời gian qua mau, chúng tôi tụm năm tụm ba nói chuyện, cười đùa rổn rảng,
hoặc mua bún, bắp luộc, xôi vò và bánh gai của các bà và em bé bán hàng rong
tại chỗ –đã quá quen thuộc với những đợt thả tù binh. Nghe nói Ấm Thượng có đền
thờ Hùng Vương, tôi và một anh bạn xin phép đi viếng, nhưng cán bộ bảo xa lắm,
không cho. Trời hơi nóng, tôi bèn cởi áo quần nhảy xuống sông tắm. Nước phù sa
đỏ ngầu, nhuộm cả ra quần đùi mới, trắng tinh. Lội ra xa, thấy sóng lớn quá, sợ
bị cuốn đi, chết uổng mạng, tôi bơi vào, lên bờ nằm nghỉ, phơi nắng, đợi xe
lửa.
III. Ấm Thượng
không xa Hà Nội bao nhiêu, trên dưới 100km, mà ì ạch mãi đến 8 giờ sáng hôm
sau, tàu mới đến ga Hàng Cỏ, sau khi dừng lại nhiều trạm dọc đường. Đám tù phải
đợi đến 8 giờ tối mới có chuyến tàu Thống Nhất vào Sài Gòn. Hai tên cán bộ điểm
danh, và bắt tất cả “tập trung” ở một góc nhà ga, dặn không được đi đâu xa, “vì
các anh chưa được phát giấy ra trại”. Ga tấp nập hành khách và bộ đội chờ đi
các tỉnh phía Bắc, và rất đông “gian thương” (buôn bán chui) lượn tới lượn lui,
rình mồi, nhiều nhất là những người mua đi bán lại quần áo, vai vác bao tải to
kềnh, trông như một cảnh chợ trời, sau 30 tháng 4, 1975 tại Sài Gòn. Tất cả đều
quay nhìn chúng tôi, biết ngay là đám sĩ quan tù binh cải tạo từ biên giới được
thả về Nam, với cặp mắt tò mò, hoặc cảm thông. Một vài thanh niên, thiếu nữ còn
dạn dĩ, đến bắt chuyện, hỏi về “quân hàm” (cấp bậc) của anh em, và xuýt xoa với
nhau: “Ghê nhỉ! Trông trẻ thế mà đã là đại úy, thiếu tá cả, gần mười năm trước
cơ đấy!”
1) Các cô,
các bà mua bán chui thấy một số tù binh, trong đó có tôi, mặc quần jeans,
mà họ gọi là “quần bò”, liền sà đến, gạ mua. Một cô, khá xinh, mồm dẻo kẹo, chỉ
vào cái quần xanh, bạc màu, bụi đời (càng bụi càng có giá, cô nói) của tôi, và
bắt đầu dụ, ngon lành:
- Ông anh bán cái quần bò này cho em nhá!
Tôi giật mình, khoát tay:
- Đâu được cô! Hiện giờ tôi chỉ có mỗi cái quần
này trên người, bán cho cô, lấy gì mặc?
Cô vẫn nài nỉ:
- Thì em đổi rẻ cho anh cái quần tây thường
khác.
Tôi vẫn lắc đầu. Rồi cặp mắt thiện nghệ của cô
bỗng rà lên khắp châu thân tôi, như radar, ngừng trên chiếc áo pull
trắng, cổ cao, tôi đang mặc, tuy còn mới, nhưng sau tám năm “biệt giam” trong
nhà kho kín mít, đã ngả sang màu vàng nhạt, và thoang thoảng có mùi mốc, pha
lẫn với hương nách cũ, chưa kịp giặt, bay ra… khá nồng. Cô lên tiếng tán, ngọt
xớt:
- Hay là ông anh bán cái áo này cho em!
Trong túi xách tôi còn một áo sơ mi xanh, nên
đồng ý bán. Cô ta trả giá 3
đồng. Tôi ngồi im re. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến nay,
tôi có đem áo quần đi bán bao giờ đâu, làm sao biết giá cả? Một bà già, hàm
răng đen láy, ngồi cạnh cô bỗng lớn tiếng nói: “Ối giời, chỉ có quân ăn cướp
ngày mới giả cái giá đó. Tôi giả 5 đồng đấy, cậu bán, tôi lấy ngay!” Tôi lại
càng phân vân, chưa biết xử trí thế nào thì cô nọ liếc xéo bà kia: “Tôi tăng
lên 10, mụ già nhà quê Quảng Ninh có theo nổi không nào?” Nghe hai người sừng
sộ với nhau, đám tù binh và cả tên cán bộ xúm lại, xem màn bán đấu giá “đột
xuất”, càng lúc càng hấp dẫn. Một anh thiếu tá đồng tù đập đập tay xuống thềm
xi măng, hỏi: “Mại dô, mại dô. Có ai trả thêm nữa không?” Bà già cười khẩy:
“Tôi giả 12 đồng đấy, con nặc nô Hà Tĩnh có ý kiến gì không nhỉ?” Cô gái tức
khí, đáp lễ: “Tôi trả thêm 3 đồng, tổng cộng 15, mụ già nhà quê Quảng Ninh thấy
thế nào?” Cả đám vỗ tay rào rào, tên cán bộ cũng cười. “Mụ gìà nhà quê Quảng
Ninh”, cuối cùng, chịu không thấu, bỏ cuộc. Anh thiếu tá chỉ vào “con nặc nô Hà
Tĩnh”, phán: “Không ai trả thêm nữa, tôi khóa sổ nè và long trọng tuyên bố rằng
cô em gái Hà Tĩnh này được trúng tuyển mua áo pull của anh trai đại úy tù binh
ngụy Vĩnh Phú, với giá 15 đồng chẵn, không bớt xu nào”. Cả đám, tù cũng như
dân, ôm bụng cười lăn. Tiền trao áo múc,tôi bèn cởi ra ngay tại chỗ,
giao tận tay cho cô. Vào thời điểm đó, 15 đồng là món tiền phải chăng, vì giá
một tô phở khoảng 7 đồng, một ly bia 3 đồng. Tổng kết, có hai mươi tù binh “bị”
mua áo, mua quần trong buổi sáng đó. Đủ tiền bát phố Hà Nội trong một ngày.
2) Bất ngờ có tiền phụ trội trên trời rớt xuống, cộng vào món tiền khiêm
tốn được trại trả lại, tôi bỗng nổi hứng, đóng vai trưởng giả học làm sang: tắm
nước nóng. Phòng tắm kế bên sân ga, thấp, nhỏ, mái tôn và vách lợp bằng tre
đan. Trên cửa, viết nguệch ngoạc ba chữ bằng vôi trắng: Tắm lước lóng.
Phòng chỉ có một lối ra vào. Giá vé là 2 đồng, trả trước cho một chị sồn sồn,
hô răng, ngồi gác bên ngoài. Vừa lom khom chui vào, đóng cửa lại, chưa kịp làm
gì, tôi nghe có tiếng nước xối ở gian trong, và dưới ánh nắng lùa qua khe hở,
thấy vắt ngang trên tấm liếp ngăn hai gian một quần tây xanh đậm, và một áo lụa
vàng, có thêu chim cò, kèm theo hai mảnh đồ lót, trên trắng, dưới hồng, rất
“hiện đại”, rất khêu gợi mà, tôi đoán nhanh, chủ nhân chắc chắn không thể là
một trong những “mụ già nhà quê Quảng Ninh” khi nãy. Tôi đang đứng lóng ngóng,
chưa biết phải làm gì, thì từ phía trong vọng ra một giọng Bắc còn trẻ, nhưng
không phải âm hưởng Hà Nội, của một cô chắc đã nhìn thấy tôi qua khe liếp,
trong gian ngoài đầy ánh sáng: “Anh là tù cải tạo hả? Đừng ngại, cứ vô tư cởi
quần áo ra, phòng tắm công cộng, ai cũng làm như thế cả!” Tôi im lặng, vì sợ
gặp phải thứ dữ, chứ có gái nhà lành nào cả gan dám tắm truồng chung đụng như
thế, chưa kể tắm xong, làm sao đi ra, nếu gian ngoài đang có người? Tôi đứng
bất động như người trúng gió, căng mắt dòm vào, nhưng bị bóng tối ghen tuông
che kín, không cho thấy chi hết. Sau tám năm thiếu đàn bà, trí tưởng tượng vụt
bay lên, bay cao, bay xa, rạo rực, nhưng cố dằn xuống kịp thời.
Tôi múc, bằng gáo, nước từ trong hai cái vò
sành, bắt đầu súc miệng. Nước quá lạnh, buốt thấu răng, và óc, làm tê liệt giây
thần kinh thèm muốn. Tôi mở hé cửa ngoài, thò đầu ra, khiếu nại với chị bán vé.
Chị ta trả lời, đúng bài bản, như quá quen với “sự cố” này: “Bữa lay, nhiều khách
tắm quá, bác ạ, đến nượt bác thì lước lóng hết đột xuất, em đun
không kịp, bác cố gắng khắc phục tắm bằng lước nạnh hộ em!” Tôi đành rửa mặt, và nhúng khăn lau sơ phần trên, rồi mặc lại
áo, đi ra. Xong một buổi tắm “lước lóng”. Tại thủ đô nước CHXHCNVN, năm 1983.
Không biết bây giờ phòng tắm dã chiến bên hông ga Hàng Cỏ ngày ấy có còn không.
3) Vì thời gian chờ xe lửa quá lâu, theo đề nghị của anh em, trưởng đoàn tù
binh, trung úy người Huế –được bầu một cách “khẩn trương” do nhu cầu công vụ–
xin cán bộ cho phép anh em đi “tham quan” Hà Nội mùa xuân. Hai cán bộ “hội ý”
với nhau, và chấp thuận, với điều kiện không đi xa và phải trở lại ga trước 7
giờ tối, ai trễ sẽ bị bỏ lại, ráng chịu. Lúc đó mới 11 giờ trưa. Tất cả hồ hởi
phấn khởi xuất quân. Một vài anh em già, yếu, bệnh, mệt, ở lại nhà ga, và tình
nguyện giữ hộ các túi xách với lời bảo đảm sẽ được “đền ơn bội hậu” khi anh em
đi chơi về.
Tôi rủ ba người bạn khá thân cùng đội tù K1 đi
chung, trong số có một ông Thiếu tá già Tiếp Liệu Bộ Tổng Tham Mưu, cởi mở,
chính gốc Hà Nội, nói năng lúc nào cũng từ tốn, chậm rãi, rề rà, nghe sốt cả
ruột. Vừa rời sân ga, ông Thiếu tá bỗng dừng lại, vẻ mặt đăm chiêu, mắt ngó
ngang ngó dọc, chỉ chỏ cho ba chúng tôi, không phải dân Bắc kỳ, và nói:
- Hồi năm 1954, nhà tớ ở gần ga Hàng Cỏ này,
trong khu Hàng Bông - Thợ Nhuộm, tức phía Cửa Nam. Không biết căn nhà có còn
đấy không.
Rồi ông dẫn cả bọn đi loanh quanh, và cuối cùng
chui vào một dãy phố, đối diện ga. Những túp nhà chạy dọc theo con phố đều cũ
mèm, mái đã rêu phong với những viên ngói lung lay, như răng bà lão, không biết
bay theo gió lúc nào, tường vôi lâu ngày loang lổ thành màu trắng đục, có chỗ
lòi ra một lớp gạch xám xịt. Phía trước là những hiệu buôn, được ông thiếu tá
gọi là “hàng”, thấp lè tè, bước vào sơ ý là bị đụng vỡ đầu, nối liền với những
“căn hộ” phía sau, cao hơn, lớn hơn. Sau một phút lưỡng lự, ông bước vô một
gian “hàng”, không biết tên gọi là gì, có lẽ hàng Giày, vì bán toàn giày dép.
Nghe ông kể, khi cả gia đình ông leo lên tàu há mồm vào Nam, thì, dĩ nhiên, cửa
hiệu bán guốc và nhà ở của gia đình ông bị tịch thu, và đổi chủ. Chủ mới, không
biết mấy đời rồi, là một anh trung niên, nói tiếng Quảng Bình giả giọng Bắc,
lịch sự hỏi: “Các bác muốn gì ạ?” Ông thiếu tá già cười, mà như mếu, theo nghĩa
hoàn toàn đen, vì tám năm dài đằng đẵng trong tù bạn bè đã bẻ giùm ông, bằng
những sợi chỉ bện lại, mất hết năm răng cửa và hai răng hàm: “Trước năm 1954,
tôi đã ở nhà này”, ông trả lời. Rồi xin ra phía sau để nhìn lại nó, và kể hết
đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong thiên tình sử, anh chủ mới mủi lòng, ân cần mời
ông chủ cũ lên cầu thang gỗ thăm lại căn nhà của chính ông.
4) Ba thằng chúng tôi, hai Nam kỳ, và một Trung kỳ, không có dây mơ rễ má
gì với cố đô Hà Nội, hay tàu há mồm, xin rút lui, để mặc ông thiếu tá già thoải
mái đi tìm thời gian đã mất, như văn sĩ Pháp Marcel Proust. Lúc ấy có
hai đồng tù trẻ, khác K, xin nhập bọn. Tiếp tục dạo phố. Vừa đi tôi vừa quan
sát, ngắm nhìn thiên hạ, vừa nghĩ đến những giai nhân Hà Thành trước kia, mà
suốt bao năm tôi đã ấp ủ trong tim bóng hình thướt tha và giọng ca vàng đầy
chất Hà Nội được phát thanh trực tiếp trên các làn sóng Sài Gòn. Hay lãng mạn,
hư cấu hơn, những nữ nhân vật có học, duyên dáng trong tiểu thuyết của Nhất
Linh và Khái Hưng –mà khung cảnh đều là Hà Nội của những thập niên 30, 40. Và,
trên hết, các công chúa Mỵ Châu, Lý Chiêu Hoàng, Trần Huyền Trân, Lê Ngọc Hân
của Thăng Long nghìn tuổi, mang kiếp hồng nhan bạc phận trong thực tại lịch sử,
đã làm ngây ngất trí tưởng nơi người hậu thế “khéo dư nước mắt khóc người
đời xưa” (Kiều), như những giấc mơ huyền thoại quyến rũ, dị kỳ.
Những cô gái, gọi là Hà Nội, dưới thời Việt
Cộng, mà hôm nay tôi mới được diện kiến trực tiếp, thấy khác lạ quá đỗi. Đã
thiếu nhan sắc, và thước tấc, mà lại kênh kiệu, nói năng cộc lốc, không bao giờ
được học và nói hai chữ “cám ơn” và “xin lỗi”. Mặc áo sơ mi nhét trong quần
tây, theo mốt hiện hành, bỏ chiếc áo dài cổ truyền, và chân đi “sa-bô”
(sabot?), danh từ tôi mới nghe lần đầu, tức loại giày nhựa, bịt kín phía mũi,
gót để trống, đế rất cao, như một thứ dép tân thời, thay cho“thanh bình
tiếng guốc reo vui” ngày xưa của nhạc sĩ Hoàng Dương. Lại còn giọng nói
nữa. Lạ lắm, trời ạ! Tiếng Hà Nội gì mà nghe như pha với giọng Nghệ An của
“Bác”, hay Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình. Những dấu sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã
phát ra lung tung, loạn xạ, tùy tiện. Nghe chua lè, còn hơn giấm. Bởi thế, khi
giọng nói Hà Nội ấy bay vào Miền Nam, sau cuộc đổi đời, người dân Sài Gòn nhận
ra ngay sự khác biệt rõ rệt giữa hai thứ tiếng Bắc kỳ, (19)54 = 9 nút, của Kim
Tước, Thái Thanh… và Bắc kỳ, (19)75 = 2 nút, rất lơ lớ, chói tai, của những ca
sĩ trẻ, từ Hà Nội, ồ ạt Nam tiến, rồi sau đó và bây giờ, thừa thắng xông lên,
xâm nhập luôn những Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn tại Mỹ, vô tình hay hữu ý thực
hiện chủ trương “giao lưu văn hóa” của VC, tiếp tay bởi tên nhà văn MC thò lò
hai mặt. Về dung nhan, các ca sĩ ấy vượt trội những cô gái mà tôi đã gặp tại Hà
Nội năm 1983. Nhưng giọng nói “2 nút” chua lè thì vẫn y chang.
5) Lang
thang mãi, mỏi chân, và đói bụng, chúng tôi tắp vào một quán phở, không xa ga
Hàng Cỏ là bao. Ba cô gái “phục vụ” (chạy bàn), mặc đồng phục, sơ mi và quần
tây, đứng ở quầy hàng, thấy năm ông khách quý bước vào, trơ mắt ngó, không thèm
chào mời. Và phớt lờ, tiếp tục trò chuyện với nhau. Quán lúc ấy không có ai
ngoài năm đứa tôi.
Chờ lâu, một anh, cựu trung úy Biệt Động Quân,
người Nam hiền khô, nhưng tướng rất ngầu, da ngăm ngăm đen, nói năng bạt mạng,
lại ngọng nữa, sốt ruột, lớn tiếng hỏi:
- Nè, bộ mấy bà chê tụi tui không tiền hay sao
mà không ai ga (ra) tiếp dzậy?
Một cô trả lời, giọng Bắc the thé như lai tiếng
Thanh Hóa, Nghệ An:
- Ăn gì thì đến quầy mà gọi.
Kim Thanh
(Còn tiếp phần hai)
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment