KỊP
CÚNG ÔNG BÀ CHIỀU
MÙNG BA
Hai mươi ba tháng chạp, thiên hạ vừa cúng đưa ông Táo về
trời xong, chưa kịp chuẩn bị đồ đạc về Tây Ninh thì chú Hiếu nhắn xuống cho biết mẹ tôi đau nặng,
hiện nằm trên bệnh viện tỉnh. Ba tôi gởi nhà cửa
lại cho vợ chồng người cháu bà con lo liệu, theo lên lo cho bà, hiện đang ở tạm nhà chú Hiếu. Chú Hiếu không nói bệnh
gì và hiện ra sao. Chiều tối, tôi đến
gặp Chiêu từ giã về Tây Ninh trước,
hẹn gặp lại trên đó, vì vài hôm nữa
trường học đóng cửa nghỉ ăn Tết rồi. Sáng hôm sau Chiêu nghỉ giờ học đầu, lái xe Honda đưa tôi ra bến xe, đón chuyến
xe đò sớm nhất. Tôi lầm lũi lên xe quên cả
lời từ biệt, Chiêu buồn
buồn cũng chẳng giận hờn chi. Xe đò chạy khá xa rồi mà Chiêu vẫn
còn ngồi đó nhìn theo. Sương sớm tan dần trên đường,
cả thành phố lặng im chờ
sáng. Ra khỏi ngã tư Bảy hiền, xe đò dừng
lại nhiều lần nhường đường cho đoàn xe quân xa nối đuôi nhau rầm rập chạy về hướng Củ Chi. Hình như họ từ Long Khánh, Bình Long gì
đó về cho nên xe người đều bám đầy
bụi đỏ. Đoàn quân xa chầm chậm ngang qua, khách trong xe ai nấy lặng im nhìn thơ thẩn. Người lính ngồi
thu mình trong cái xe cuối
cùng, mui phủ nửa kín nửa hở, hờ hững gật đầu cười, một nụ cười rã mệt.
Xuống xe đò, tôi quàng túi
xách lên vai, thả
bộ lên đốc tòa hành chánh về hướng bệnh viện tỉnh. Trời vừa xế trưa, nắng
vẫn chang chang nóng. Hơn
sáu tháng, thành phố
vốn nghèo hình như cứ nghèo. Cái biểu ngữ vui xuân bằng vải vàng, treo phất
phơ theo chiều gió, không lớn lắm nhưng cũng đủ
che khuất lối vào của cái công viên nhỏ
nhoi, khiêm nhượng
nằm ngay ngã ba qua chợ, may mà ở đó dăm ba cụm
hoa vàng nở sớm trên gốc cây mai già có từ
những ngày tôi còn bé, người ta mới biết là sắp xuân, chớ nếu không, chắc trời ở đây mùa thu muôn thuở. Công viên gì mà chỉ có lá úa và cây khô bao quanh cột trụ đèn sắt thời Tây rong rêu buồn thảm.
Giờ này bệnh viện vẫn còng đông người. Hỏi thăm cô y tá ở
phòng chỉ dẫn ngay cổng vào, tôi tìm nơi mẹ
tôi nằm không khó lắm. Chú Hiếu đang đứng
hút thuốc đầu hành lang dãy phòng bệnh, thấy tôi chú mở
tròn xoe mắt. Chú bỏ vội tàn thuốc
xuống cái thùng thiếc nhỏ đặt trước cửa ra vào, làm dấu
đi trước, chú không nói gì hết, tôi cũng chẳng màng hỏi
han hối hả theo sau. Người qua người
lại cứ cúi đầu đi không cần
ai chào ai hỏi. Trong phòng có năm giường bệnh, mẹ tôi nằm cái cuối sát cạnh
tường trong. Bà thiêm thiếp ngủ, tôi ngồi
xuống cạnh mép giường nhìn. Mặt
bà trông xanh xao và ốm
hẳn, hình như tóc bà bạc nhiều hơn. Chú Hiếu
ngồi trên ghế sát tường, bên cạnh
cái bàn nhỏ kê đầu giường bệnh, trên có năm sáu trái
cam và nãi chuối cao vàng tươi. Chú nhìn
tôi nói:
-Chú
cũng mới vào, không biết ba con đi đâu, chắc bỏ ra ngoài kiếm
cà phê rồi.
Chú
đứng dậy nói tiếp:
-Thôi
để mẹ con ngủ một chút, mình thả ra mấy cái quán ngoài cổng
xem có ba con đó không.
Tôi
bỏ túi xách xuống dưới giường bệnh, lặng thinh theo chú Hiếu
đi ra. Ba tôi ngồi
uống cà phê trong cái quán
cốc bên kia đường, không xa cổng bệnh viện mấy. Ông vò đầu
tôi cười như thường lệ. Tôi ngồi
cạnh ông, chú Hiếu gọi cho tôi ly nước
đá chanh rồi ngồi xuống cái băng cây đối
diện. Ba tôi giờ cũng già đi lắm rồi. Nhìn ông, tuy nói nói
cười cười đó nhưng tôi nhận ra có cái gì buồn buồn trên mặt.
Ông hỏi tôi chuyện ăn ở học hành dưới Sài Gòn ra sao, tiền bạc đủ xài không, rồi cũng dặn dò thêm đôi ba câu như ngày nào trong mỗi lần đưa tôi ra bến tàu Bến Cầu lên tỉnh. Đợi ông nói xong, tôi mới
hỏi:
-Mẹ ra sao rồi, mẹ khỏe không ba, bệnh gì mà phài nằm
lâu vậy?
Như
để tôi yên tâm, ông vừa nhìn chú Hiếu vừa nhìn tôi:
-Không
sao đâu con, phổi
mẹ con có nước hơi nặng nhưng êm rồi,
chỉ kẹt là phải nằm lại bệnh viện hơi lâu, mẹ con hỏi con hoài.
Chú
Hiếu nghe ba tôi nói vậy, chú cũng gật đầu theo. Ba tôi nhìn mông
lung ra đường:
-Chắc mình không về ăn Tết kịp rồi.
Cả ba người không ai nói thêm lời nào. Phía bên quân y viện, cái cổng sắt mở rộng kêu ken két, hai ba xe cứu thương chạy
ra chạy vào. Chúng tôi quay quả trở vào bệnh viện, một vài chiếc
lá bàng vàng úa rơi dật
dờ ở cuối đường bên trong sân. Chiều hôm đó, tôi kể lại chuyện Sài Gòn như tôi đã nói với ba tôi hồi xế trưa cho mẹ nghe, bà gục gặt đầu, không nói nhiều được nhưng tôi thấy có một chút niềm
vui đâu đây trong ánh mắt
dịu dàng của bà, cái ánh mắt mà tôi không làm sao quên được hôm bà cùng ba tôi lên tỉnh, đứng trước cửa trường đón tôi về Bến Cầu chiều thứ sáu tan học
tuần lễ đầu tiên của
năm tôi học lớp đệ thất. Đêm đó, tôi theo chú
Hiếu về nhà trước, ba tôi ở
lại trễ như mấy hôm. Tiếng
đại bác cứ đì đùng xa xa lúc nửa khuya ở một góc trời nào đó. Có tiếng gà gáy sáng bên nhà ai quanh đây, tôi vẫn còn thao thức.
Trưa thứ sáu, sau giờ ăn trưa của bệnh viện, tôi thả bộ xuống nhà trọ của cô Quyên và cô Thu
trong hy vọng là hai cô chưa về Sài Gòn ăn Tết. Trên đường
học trò lưa thưa từng tốp ra về, hỏi ra mới biết hôm nay là ngày cuối, học trò được
về sớm, trường đóng cửa
nghỉ Tết. Lâu rồi, sau bữa
cơm chia tay tại quán ăn chợ cũ, tôi chưa lần gặp lại hai cô từ hôm nhờ
Chiêu báo tin tôi thi đậu.
Căn biệt thự vẫn cái cổng
khép hờ, lối vào rụng đầy hoa giấy đỏ. Mấy gốc cây thanh trà trong khu vưởn sau nhà phủ đầy lá úa mặc dù thu đã tàn từ lâu. Cô Quyên từ trong nhà bước
ra mở cửa, mở tròn mắt
ngạc nhiên nhìn tôi từ đầu đến chân:
-Trời ơi. Ngữ về bao giờ vậy?
Tôi
vừa theo sau cô vào nhà vừa trả lời:
-Em
về hôm thứ tư, hai bửa rồi cô, cô khỏe không?
Cô
Quyên gật đầu cười. Tôi ngồi
xuống cái ghế sa-lông sát cạnh cửa sổ ngó ra đường, cái ghế
mà tôi đã ngồi trong hồi hộp khi mở
gói quà Chiêu tặng
hôm mừng sinh nhật đầu đời của mình. Nắng loáng thoáng xuyên qua tấm màn hồng
che vào phòng khách. Chậu
hoa móng tay trên kệ
sách gỗ nâu cũng nhiều hoa như xưa. Cô Thu từ vườn sau trở
vào, tôi đứng dậy chào. Cả hai ngồi
đối diện tôi một hồi lâu, quanh khòng khách
có vài túi xách trông đầy
ắp.
Cô
Thu nhìn mấy cái túi xách rồi ngó tôi:
-Ngày
mai hai cô về Sài Gòn ăn Tết.
Tôi
gật đầu làm dấu biết chuyệ này:
-May
mà quyết định đến thăm hai cô hôm nay, chứ để ngày mai thì không gặp rồi.
-Ngữ về Bến Cầu ăn Tết hả? Cô quyên hỏi nhẹ.
Tôi
buồn buồn nhìn ra đường:
-Chắc là không cô ạ! Mà có lẽ
năm nay em không có ăn Tết.
Cô
Thu nhanh miệng:
-Chuyện gì đây, có giận hờn rồi phải không?
Tôi
lắc đầu:
-Nếu là giận với hờn thì có gì phải bỏ ăn Tết cô.
Cả hai cô ngồi lặng thinh nhìn tôi chờ đợi. Tôi cho biết
mẹ tôi bệnh nặng, đang nằm
trong bệnh viện tỉnh một thời gian, cho nên năm nay gia đình tôi không có
Tết. Chiều hôm đó, hai cô theo vào bà, không nói gì mẹ tôi, cả ba tôi khi có hai cô vào thăm, ai nấy đều có vẻ vui hơn ngày thường. Tôi ở lại chơi với hai cô tới khuya mới
về lại nhà chú Hiếu. Sáng thứ
bảy, mẹ tôi lên cơn sốt, tôi không có dịp
đưa hai cô ra bến
xe. Chuyến xe đò sớm đầu ngày lặng
lẽ rời tỉnh lỵ trong cơn mưa bụi sáng cuối đông, thành phố
buồn thiu theo tiếng chuông nhà thờ chầm chậm đổ.
Chiêu về Tây Ninh chiều chủ nhật với Thảo Ly và Xưa mang theo thư của Tùng gởi
hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi. Hai ngày nữa là tới Tết. Đâu đây có tiếng trống tập múa lân đì đùng trong
sân chùa Thiên Ấn
tự. Mấy gốc cây mai già trước
cổng chùa thi nhau nở sớm, vàng hực
cả một trời xuân mới.
Chiêu, Thảo Ly và Xưa cùng vào bệnh viện thăm mẹ
tôi, mang theo đủ
thứ bánh trái. Cả bọn quây quầng
hỏi han trăm thứ chuyện. Ba tôi lấy
đó làm vui, lăng xăng lời
thương lời mến. Chú Hiếu đứng bê ngoài, đi tới đi lui nhìn tôi cười tũm tĩm. Bệnh viên giờ
này vắng người đi trong mấy ngày cận
Tết. Cái bến xe bỏ túi bên công vào chỉ
còn lèo tèo vài chiếc
xe lôi máy cũ, hàng quán lộ
thiên bên kia đường
đã nghỉ bán hơn phân nửa. Mấy tấm bạt làm mái che mặc tình phất
phơ theo chiều gió cuối đông dù xuân sắp về tới nơi rồi vẫn còn lành lạnh. Chiêu vào thăm mẹ tôi rất thường, đôi lần tôi về nhà Chiêu ăn cơm chiều
rồi đi lòng vòng trên phố. Trong phòng bệnh, mấy người nằm bên cạnh
đã được xuất viện về nhà từ hai ba ngày nay, chỉ còn lại mẹ tôi một mình mặc tình mà nhớ
vườn cau gốc trầu và cái ao bèo đầy
cá lìm kìm xanh biếc.
Trưa ba mươi, sau giờ
ăn trưa của bệnh viện, buồn quá tôi thả bộ lên xuống
dọc theo con đường bên hông, nhìn phố xá vắng tanh chợt
thấy lòng cô quạnh. Chuyến bay vận
tải quân sự không thấy cất cánh như hàng ngày bên
kia phi trường tỉnh. Cánh cổng sắt của quân y viện cũng im lìm đóng kín. Tiếng nhạc mừng xuân vang lên rộn rã trên mấy cái loa đầu
chợ. Trở lại bệnh viện, ba tôi không có đó, chú Hiếu đứng ngoài cửa
nhìn vào, thấy tôi chú làm dấu bảo lẹ lên. Trong phòng, mẹ Chiêu đang ngồi gần giường mẹ tôi, bà nói nói cười
cười gì đó. Chiêu, Thảo Ly và Xưa đứng vây quanh. Tôi cúi chào bà, mẹ tôi cười
nhìn, mặt mẹ tôi vẫn còn xanh xao quá. Bọn
tôi bỏ ra ngồi ngoài bực thềm xi măng, chú Hiếu vẫn đứng đó.
Đêm ba mươi, gia đình tôi ba người, chờ giao thừa tới trong phòng bệnh
vắng tanh, không chén cơm
đón ông bà và không có mùi nhang thơm như khói lam chiều sau vườn. Hai cha con ngồi
trong cái bóng đêm trừ
tịch trước cửa phòng, không ai bảo
ai. Dưới ánh đèn điện lờ mờ trên sân, mấy cô y tá trực đêm lẳng
lặng lại qua lên xuống. Ngoài phố,
pháo đón giao thừa
đì đùng nổ giòn giả, mặc cho hỏa
châu bập bùng sáng ở góc trời biên giới.
Đã bắt đầu năm mới, tôi và ba tôi tiếp
tục ngồi đó. Có tiếng mẹ tôi ho nhẹ trong phòng, ba tôi thở dài đứng lên.
Sáng sớm mùng ba, cô y tá trực phòng đến báo tin bác sĩ quyết
định cho mẹ tôi được xuất viện vì bệnh tình bà không có gì nguy hiểm nữa. Mẹ tôi mừng quá, xuống
giường đi qua đi lại trong phòng, tôi quơ vội đồ đạc mà ba mẹ tôi mang theo, bỏ vào hai cái túi xách. Ba tôi lên văn phòng
làm thủ tục. Như thường lệ, chú Hiếu lúc nào cũng vào thăm mẹ tôi thật sớm, chú lăng xăng chạy ra cổng đón sẳn
xe lôi máy. Trời đã bắt đầu có nắng. Qua mùng ba rồi mà đường phố vẫn còn vắng tanh, xác pháo đỏ
cuốn theo chiều gió đầu xuân, bay lả
tả khắp nơi và thoang thoảng mùi thơm, cái mùi của muôn ngàn năm cũ.
Ra khỏi bệnh viện, ba mẹ
tôi ngồi xe lôi máy, tôi cùng
chú Hiếu đi xe Honda về nhà. Chú nằng nặc bảo ba mẹ tôi ở lại với vợ chồng chú vài ngày rồi hãy về, trước sau gì Tết cũng qua rồi. Ba mẹ
tôi từ chối vì nhớ nhà quá, chú thiếm
buồn buồn không dám nói thêm gì. Tôi mượn xe chú chạy qua Chiêu báo tin, cô nàng lấy xe theo tôi trở
ngược về nhà chú Hiếu, chờ đưa ông bà ra bến xe về Cẫm Giang.
Cũng như mọi lần, chú Hiếu và Chiêu đứng
chờ cho chiếc xe đò lớn ra khỏi
đầu cầu Quan rồi mới bỏ đi. Nắng sớm xuyên nhẹ qua khung cửa xe, mặt
mẹ tôi ưng ửng đỏ, chắc là bà mừng lắm vì sẽ về Bến Cầu, kịp cúng bữa cơm đưa
ông bà chiều nay, chiều mùng ba Tết.
(Trích từ tập truyện Bất Chợt Thu Về Đầu
Hạ)
No comments:
Post a Comment