Nhớ Xưa Ngày Tết
Tết Thầy
Ngày đó
chúng tôi là một nhóm nam nữ gốc gác Miền Nam "tiên phong" ra
Huế học Viện Hán Học trực thuộc Đại Học Huế được thành lập do mỹ ý của
Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Những năm đầu chúng tôi còn
gắng dành dụm tiền để về ăn Tết với gia đình. Những năm sau vì tình hình
an ninh không được tốt: Xe đò, xe lửa bị "mấy ảnh" vì sống trong rừng
với khỉ nhiều quá nên buồn chán, bèn ra ngoài để được gặp loài người,
thường "ưu ái" tặng cho mấy "trái lựu" (đạn) hoặc
mìn nên chúng tôi sợ "ăn" vô bị mắc nghẹn... chết yểu hoặc "ngộ
độc" phải cưa chân, cưa tay làm "giai nhân độc cước" hay
"giai nhân độc thủ," đành không về Sài Gòn ăn Tết với gia đình
mà ở lại Huế, tự tổ chức vui Tết với nhau. Nói là "Vui
Tết" chứ thật ra "Buồn Tết." Nhưng chúng tôi có niềm an ủi
lớn từ các thầy và gia đình các thầy đem lại.
(Linh mục Cao Văn
Luận đọc diễn văn khai mạc Niên Khóa 1961-1962)
Cái
Tết đầu tiên mà chúng tôi xa nhà, nếu nhớ không lầm, là vào năm
học thứ ba. "Cư dân Xóm Trong" của tôi chỉ có ba
người mà Ngân thì "bay" về Sài gòn với gia đình trước
đó vài ngày rồi, chỉ còn lại Ngọc Minh và tôi. "Xóm
Ngoài" cũng chỉ còn vài ba người gồm luôn cánh
chim đầu đàn là chị Hai Cam. Hai "xóm nhà lá" này cùng
một số nam sinh viên gốc Miền Nam ngụ tại Đại Học Xá Nam
Giao họp nhau tổ chức ăn Tết. Đúng ra chỉ tổ chức được một buổi tối
Giao Thừa "Tống Cựu Nghinh Tân" mà thôi, còn những ngày khác mỗi
người "tự biên tự diễn."
Huế những năm đó ăn Tết không tưng bừng pháo nổ, không "ngựa xe như nước áo quần như nêm," (Truyện Kiều của Nguyễn Du) không rộn rã, ồn ào, náo nhiệt như Sài Gòn. Huế trầm lặng. Huế ấm cúng. Huế của gia đình. Ngày Mùng Một, bà chủ nhà dẫn hai con đi chúc Tết người thân thuộc. Minh và tôi buồn muốn khóc, nhưng sợ xui bèn "ngậm cười" nơi... Bến Ngự(!) Sau một lúc hối hận vì đã không về Sài Gòn ăn Tết với gia đình, tôi đưa đề nghị:
- Người ta Mùng Ba Tết Thầy, mình cứ
"Tết Thầy" cả ba Mùng luôn đi.
Ngọc Minh đáp:
- Mình biết tim đen
của Phi rồi. Muốn "ăn chực" thì cứ nói thẳng
đi. Mình có bánh mứt... làm quà cáp hay không mà ra điều... Tết
Thầy... Học trò có tình có nghĩa dữ... a... a...!!!
Tôi cố chống chế:
- Thì Chúc Thầy... Các thầy biết
tụi mình học trò nghèo, Tết xa nhà buồn, mang quà đến còn bị rầy thêm. Tình
nghĩa là quan trọng nhất.
Minh đưa thêm một thắc mắc:
Hôm nay Mùng Một, coi chừng "xông
nhà" đầu năm... không hạp thì phiền lắm đó.
- Thầy mình Tây Học mà, không dị đoan
đâu.
Minh lý giải:
- Ờ... ờ... Tên Minh của tui có
nghĩa Sáng Rực. Mặt trời và Mặt Trăng ráp lại với nhau
thì còn gì sáng bằng.(1) Vậy nếu là người "xông nhà" thì
tốt quanh năm à nghen.
(Chú thích 1: Theo chữ nho Minh 明 là do hai chữ Nhật 日 & Nguyệt 月 ghép lại).
Tôi chọc:
- Chứ không phải Ngọc Minh 玉 冥 là viên ngọc giả cho
nên mờ mờ (2)
(Chú thích 2: minh 冥 còn có nghĩa là mờ
mịt, tối tăm trong chữ u minh).
Minh phản kích:
- Thôi, mình không đi chung với Phi
đâu. Hai đứa Phi Minh(3) bước vô nhà Thầy thì "chẳng
sáng sủa" cả năm.
(Chú thích 3: Phi 非 : có nghĩa chẳng
phải ví dụ: phi lý 非 理 . Phi còn có nghĩa là trái, phản
nghĩa với phải như trong chữ thị phi 是 非 .)
Tôi cự nự:
- Bậy! Phi 飛 của mình có
nghĩa là bay. Cụ Bột dạy sử Trung Quốc cho nghĩa tên Hồng Phi 鸿 飛 của mình là "cánh
hồng bay bổng tuyệt vời." Cụ bảo: Chim hồng là loại chim bay cao
và xa, ý chỉ người có chí lớn.
Minh cười ha ha ha... xong
"phán":
- Đúng rồi. Cụ Bột già vậy mà
thấy rõ chí trên đầu của bạn. Thế thì nó phải lớn lắm rồi, ai chả biết!!!
Tôi đưa đề nghị:
- Thôi đi! Đầu năm đầu tháng, nói
bậy bạ không hà. Tính chuyện ba ngày Tết này đã. Trong mấy ngày Tết,
O bán Bún Bò dạo mỗi tối, "ân
nhân cứu đói" của bọn mình, bận ở nhà vui Xuân với gia
đình, không đi bán mô. Bọn mình đói rả họng. Chúng ta ra
"xóm ngoài" xem có tổ chức ăn uống chi không để ăn ké.
- Mới ăn Tất Niên hôm qua rồi, tổ chức
gì nữa. Chị Hai Cam sợ gãy móng tay khi làm bếp, không nấu nướng từ lâu
rồi. Bọn mình mặc áo đẹp vào, rũ nhóm ngoài cùng đi chúc Tết các thầy.
Thế là chúng tôi lôi áo đẹp ra
mặc. Trong lúc tôi còn đang loay hoay thay xiêm đổi áo, thì nghe Minh
reo:
- A! Chị Hai Cam "Xóm
Ngoài" tới kìa. Không biết cam này ngọt hay chua đành
phải nuốt đây? (4)
(Chú giải 4: Cam 甘 có nghĩa là ngọt,
cũng có nghĩa là đành chịu).
Chị Hai Cam bước vô hỏi:
- Hai đứa định đi đâu đó, cho tháp tùng
với. Mấy đứa ngoài đó đi chùa Thiên Mụ rồi. Chùa này mình đã đi nhiều lần
nên chán. Ở nhà buồn quá bèn tìm hai đứa để tán dóc cho vui.
Minh hí hửng đáp:
- Có chị tới thì tốt quá: Ngọt
Ngào đi trước, Rực Rỡ tiếp theo, Chí Lớn vào
cuối.
Chị Hai ngơ ngác hỏi:
- Minh nói gì dzậy?
Tôi giành nói:
- Đi xông nhà các thầy: Cam đi số
1, Minh số 2, Hồng Phi số 3 đem ngọt ngào, rực rỡ, vinh quang vào nhà
các thầy.
- Có đem thiệt không đó hay ăn Tết
chực?
Tôi nhỏ giọng:
- Thôi mà chị... Mình mang tư tưởng tốt
và lời chúc đẹp vào nhà thầy là được rồi.
(Thầy Phan Văn Dật (thứ 2 từ trái)
& Môn sinh VHH)
Cả ba lên xe đạp vào Thành
Nội, đến chúc Tết Thầy Giám Học trước. Nói tới Thầy họ
Phan này là phải nói tới sách, e rằng sách của Thư Viện Huế cũng
không bằng. Chỗ nào trong nhà cũng có sách, toàn là sách quý
hiếm, phần lớn được viết bằng chữ Pháp và chữ Hán. Học trò hay bất cứ
bạn bè nào cần là Thầy sẵn sàng cho mượn. Sau 1975 Thầy bị đứa học
trò thời học Quốc Học với Thầy, thuộc loại "nằm vùng" và là
một trong ba tên đồ tể khét tiếng ác ôn năm Mậu Thân 68 ở Huế, lừa lấy gần hết.
Nhờ đó bây giờ anh ta trở thành nhà Nghiên Cứu Huế. Thật xót xa cho Thầy!
Thấy chúng tôi
tới chúc Tết, thầy vui vẻ thân ái bảo người nhà dọn ra đủ
thứ bánh, kẹo, mứt, bánh chưng, dưa món... Ba đứa tuy bụng
đói mà cứ giữ kẻ, ăn như "mèo liếm." Khi ra về tiếc hùi
hụi: "bánh chưng ngon quá, phải chi ăn thêm miếng nữa cho đỡ thèm!"
Chị Hai Cam an ủi:
- Nữ thực như miêu mà...
không lẽ thực như hổ thì làm sao "yểu điệu thục
nữ" để "quân tử hảo cầu!" cho được!
Thôi, đừng tiếc nữa, lo đi tiếp.
Chúng tôi tiếp tục lên đường, tiến
về Bao Vinh, hướng nhà thầy Phó Giám Đốc họ Võ. Vừa
bước vào cổng nhà cũng là lúc Thầy và Cô cùng đứa con nhỏ chuẩn
bị "xuất hành đầu năm." Ba đứa nhìn nhau ngầm ý: kiểu này là
đói! Chúng tôi vội vả chúc Tết. Chưa nói hết câu thì cô hỏi:
- Các O nì, có muốn đi chùa lễ
Phật và xin lộc đầu năm không? Muốn thì vô xe, còn ba chỗ trống đủ cho ba
O.
Ba cái miệng đồng reo:
- Dạ, muốn... muốn... muốn...
Miệng nói, chân mau mắn theo
Thầy Cô vào xe, chỉ sợ Thầy Cô đổi ý. Ở Huế lúc đó cả tỉnh chỉ
có một vài người có xe hơi nhà. Thầy Phó Giám Đốc là một trong số đó.
Chúng tôi được ngồi xe hơi nhà với gia đình thầy
cảm nhận ấm cúng vây quanh và sung sướng vì thấy mình được
coi như con cháu trong gia đình.
Thầy tự lái xe lên chùa Châu Lâm.
Theo Thầy Cô, ba đứa lễ Phật hết bàn này đến bàn khác. Sau đó, trong khi
Thầy Cô đàm đạo với sư Trụ Trì thì ba đưá chúng tôi dạo quanh chùa mà quên mất
nỗi "buồn vào hồn..." có tên... "Nhớ
Nhà." Chùa này vào ngày Mồng Một Tết, khách thập phương đi lễ
không đông lắm, và phần đông không ai ở lại ăn Cơm của Chùa, do đó chúng tôi
ăn cơm chùa no bụng. Cơm chay, không cao lương mỹ vị sao
mà ngon chi lạ! Lúc về nhà thầy, chúng tôi được Cô gói cho vài cái bánh
chưng. Thế là ngày Mồng Một Tết được lộc của Chùa và của
Thầy. Hên suốt năm.
(Cha Thích và các môn
sinh VHH)
Trên đường về lại chỗ trọ, chúng tôi đến chúc Tết Cha Thích. Đến nhà Cha
không lúc nào là không có bánh kẹo. Vườn sau nhà của Cha là Vườn Trẻ
cha lập. Cha thuê một cô mẫu giáo để trông coi và dạy
dỗ một số trẻ em. Do đó bánh kẹo không hề thiếu ở nhà
Cha. Vườn Trẻ có nhà Thủy Tạ với hoa và cây kiểng rất
đẹp mắt, vừa để thư giản vừa làm chỗ chơi cho đám con nít. Cha sáng
tác các bài nhạc cho thiếu nhi. Lúc rảnh rổi cha chơi với trẻ và dạy cho các
cháu và cả cô giáo hát. Bài:
Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà
mà chúng tôi vẫn thường hát
trước đó, mãi đến khi ra Huế học mới biết tác giả là Cha Thích.
Bài này Cha đem cả vào Viện Hán Học để cho đám sinh viên chúng tôi
tuy "già đầu" nhưng trái tim còn... con nít hát cho vui mà bớt
nhớ nhà, bớt sự căng thẳng trong học đường.
Cha có chiếc xe vận tải
nhỏ, thuê tài xế đưa rước trẻ em cho Nhà Trẻ và chở Cha đi
khi có việc cần. Cha cho biết vào ngày Mùng Hai đi nhà thờ La
Vang, nếu chúng tôi muốn đi thì sáng hôm sau đến sớm. Thế là
chúng tôi nhao nhao xin Cha cho theo. Vài anh chị em cùng quê
Miền Nam nghe tin cũng xin đi cùng, ngồi chật xe.
Nhóm
chúng tôi không có ai theo đạo Công giáo nên không biết kinh kệ gì
hết. "Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự
trên cao" cho nên vào nhà thờ, thấy ai làm gì cũng làm theo
một cách kính cẩn. Đức Mẹ La Vang linh thiêng nổi tiếng
nên chúng tôi không ai dại gì mà không xin Đức Mẹ đủ thứ chuyện,
kể cả chuyện tình gió đã thổi bay.
Tết năm đó chúng tôi: Mồng Một có cơm Chùa, Mồng Hai được cơm
Chúa. Chúng tôi được hồng ân của cả hai tôn giáo,
vì đạo nào chúng tôi cũng thành tín cả. Bởi vậy suốt 5 năm
học chẳng những Chúa và Phật phù hộ cho ăn học tử tế, sức khỏe dồi dào, mà
còn có cuộc sống an lành.
Hôm sau lại tiếp tục... "Mùng Ba Tết Thầy" rồi Mùng Bốn, Mùng Năm
cũng Tết Thầy luôn, và tiếp tục... nhận "lộc" từ gia đình các thầy.
Thầy - trò chúng tôi là như thế. Có lẽ không có ngôi trường nào có
được tình thầy-trò như vậy. Người Thầy vừa là Sư vừa là Phụ. Cảm ơn ngôi
trường độc nhất của Việt Nam Cộng Hòa được sinh ra do Tổng Thống Ngô Đình
Diệm và chết theo Tổng Thống họ Ngô này, chỉ "sống" được
vỏn vẹn 6 năm: Viện Hán Học Huế (1959 - 1965).
Tết Ất Mùi 2015
No comments:
Post a Comment