Mối Tình của Thầy
Tăng Chùa Chí Hạ (Chí Hạ Tự Thượng Nhân chi Luyến)
Phần Một
Lời người dịch: Tam-Ðảo Do-Kỷ-Phu, sinh năm 1925, trong một gia đình công chức. Cha của
ông không thích thú gì chuyện văn chương. Ông tốt nghiệp trung học vào hạng ưu.
Học đại học Ðông Kinh. Tốt nghiệp, làm việc ở bộ tài chánh, nhưng chỉ một năm
sau, ông bỏ hẳn nghề và dành toàn thời cho việc làm văn chương. Ông may gặp nhà
văn lớn Xuyên-Ðoan Khang-Thành (Kawataba Yasunari) và được nhà văn này giới
thiệu các truyện ngắn của ông cho các tạp chí lớn.Tác phẩm khẳng định tài năng
của ông là cuốn ”Lời tự thú của cái mặt nạ”, (1949); nói về chuyện đồng tính
luyến ái của chính ông và về những gai góc khi phải sống trong xã hội với tính
cách tính dục như thế.Tác phẩm nổi tiếng khác như ”Chùa Kim Các”, viết về một
chuyện có thật xảy ra năm 1950: Một sa môn trẻ tu ở chùa Kim Các, vì giận mình
quá xấu xí, và để ngăn cho chùa khỏi rơi vào tay ngoại nhân trong thời kỳ Mỹ
chiếm đóng nước Nhật, sa môn ấy đã đốt chùa. Ngoài ra còn có bộ tiểu thuyết
trường thiên ”Sự giàu có của biển” gồm 4 cuốn. Các tác phẩm khác: ”Tiếng sóng”,
”Khát tình”, ”Sau bữa tiệc”... Tất cả gồm 40 cuốn tiểu thuyết và nhiều truyện
ngắn. Ngoài ra, ông còn làm thơ; viết văn nghị luận; viết kịch theo lối Tây, và
viết lại các tuồng tích cổ điển lại thành kịch loại mới.Toàn tập của ông gồm 35
tập, mỗi tập dày khoảng 650 trang, Ðông Kinh, 1973. Truyện ngắn sau đây lấy từ
Toàn tập này. Tôi cũng thử dùng tiếng nôm na để dịch các thuật ngữ Phật học ông
dùng trong truyện, nhưng vẫn ghi phần chữ Hán-Việt cho quí bạn đọc, vì quen
dùng hay vì lý do nào đó, thích thuật ngữ Hán-Việt hơn.Văn ông giàu hình ảnh,
trau chuốt, hoa mỹ, đôi lúc quá tay, đâm ra tối nghĩa, hoa hoè hoa sói; lại
viết văn mà như làm thơ, ít theo qui tắc văn phạm thông thường, nên đòi hỏi
những người đọc, người dịch phải đóng góp phần mình khi đọc, khi dịch.
Nhưng thế hệ trẻ lại thích bút pháp như thế của ông. Tới thập niên 60, người Nhật bớt ưa chuộng văn ông, nhưng ở Âu Mỹ người ta vẫn tiếp tục hâm mộ, và người ta vẫn còn bình phẩm nhiều cho tới ngày nay. Ông được kể là một trong những nhà văn hàng đầu của Nhật, và được đề cử tranh giải Nobel văn chương 3 lần.Trong những tác phẩm mang tính tự truyện, người ta thấy ông hoang tưởng nhiều về sức mạnh nam nhi; ông còn đề cập nhiều về thể xác khoẻ, đẹp, về sự tàn tạ của thân thể. Ông tập thể dục để có thân hình đẹp; còn là người giỏi võ Không thủ đạo, và Kiếm đạo. Ông cổ võ lòng yêu nước kiểu thời kỳ quân chủ đế quốc trước Thế chiến thứ hai; muốn phục hồi tinh thần võ sĩ đạo và tác phong hiệp khách (xamưrai). Ông chiêu dụ được 100 thanh niên, lập thành một đội quân tư. Ðội quân này, năm 1970, dưới sự chỉ huy của ông, đã chiếm được một số căn cứ quân sự của Nhật. Nhưng, thất bại, ông mổ bụng tự tử bằng thanh kiếm của chính ông, theo tinh thần võ sĩ đạo mà ông muốn phục hồi.Tuy nhiên, ông lại thích mặc đồ Tây, ở nhà Tây. / NVT.
Nhưng thế hệ trẻ lại thích bút pháp như thế của ông. Tới thập niên 60, người Nhật bớt ưa chuộng văn ông, nhưng ở Âu Mỹ người ta vẫn tiếp tục hâm mộ, và người ta vẫn còn bình phẩm nhiều cho tới ngày nay. Ông được kể là một trong những nhà văn hàng đầu của Nhật, và được đề cử tranh giải Nobel văn chương 3 lần.Trong những tác phẩm mang tính tự truyện, người ta thấy ông hoang tưởng nhiều về sức mạnh nam nhi; ông còn đề cập nhiều về thể xác khoẻ, đẹp, về sự tàn tạ của thân thể. Ông tập thể dục để có thân hình đẹp; còn là người giỏi võ Không thủ đạo, và Kiếm đạo. Ông cổ võ lòng yêu nước kiểu thời kỳ quân chủ đế quốc trước Thế chiến thứ hai; muốn phục hồi tinh thần võ sĩ đạo và tác phong hiệp khách (xamưrai). Ông chiêu dụ được 100 thanh niên, lập thành một đội quân tư. Ðội quân này, năm 1970, dưới sự chỉ huy của ông, đã chiếm được một số căn cứ quân sự của Nhật. Nhưng, thất bại, ông mổ bụng tự tử bằng thanh kiếm của chính ông, theo tinh thần võ sĩ đạo mà ông muốn phục hồi.Tuy nhiên, ông lại thích mặc đồ Tây, ở nhà Tây. / NVT.
1.
Dù đây không phải là một bài khảo cứu, tôi
vẫn nghĩ là tôi sẽ không tránh khỏi những lời thóa mạ, vu khống. Truyện này
viết dựa theo mục Ký thuật truyền thuyết, tập thứ 37, của tác phẩm Thái bình
ký. Theo ý kiến chung chung của người đời thì khi so sánh truyện viết về thầy
tăng chùa Chí Hạ, người Nhật, nơi tác phẩm này, với truyện kể về Nhất Giác Tín
Nhân, người Thiên Trúc, truyện thầy chùa Nhật chỉ là một truyện đơn giản. Dù
truyện tình này có vẻ đặc biệt, nhưng cái hay ho lại chính ở diễn biến đơn giản
về mặt tâm lý của truyện. Và tình yêu và tôn giáo cũng được đề cập đến trong
truyện. Ở phương Tây người ta nói nhiều về những chuyện như thế; không như ở
Nhật. Người đời sau có lẽ sẽ nói về nhiều vấn đề, và những vấn đề này
phải có khuôn mặt tình yêu dự vào. Người đời nay và người đời sau không phải sẽ
chỉ tranh luận về chuyện thầy chùa, mà còn về chuyện người nữ yêu đương. Xin
đại ngôn một chút: Cơ cấu của thế giới sẽ sụp đổ hay không còn tùy vào sự suy
nghĩ của người sống trong thế giới ấy. Câu truyện tình này được hình thành theo
ý hướng đó. Thực ra, phái Cõi sạch (Tịnh độ tông) (1) cực thịnh từ giữa thời
Bình An (2); và nói cho đúng ra, tín ngưỡng là một cái nhìn mới, khá lớn, về
thế giới ta nhìn, ta suy nghĩ.
Theo Vãng sinh yếu
tập, trong bộ sách Huệ tín tăng đô, nếu so với Cõi sạch, Mười điều sướng chỉ là
một sợi lông của chín con trâu. Mười điều sướng đó là: 1. sướng vì thánh nhân
đến đón rước; 2. sướng vì hoa sen nở; 3. sướng vì xác được thông với thần; 4.
sướng vì thấy năm cảnh lạ kỳ; 5. sướng vì vui vẻ không dứt; 6. sướng vì có
duyên nợ mà được chắp nối với nhau; 7. sướng vì gặp gỡ các thánh; 8. sướng vì
thấy được Phật và nghe được Lẽ lớn (Pháp); 9. sướng vì theo Phật tùy thích; 10.
sướng vì Ðường của Phật được lớn mạnh.
Nơi Cõi sạch ấy, đất là
ngọc lưu ly; đường được phân chia ra bằng những sợi chỉ vàng ròng; mặt đất bằng
phẳng, bao la. Trong mỗi vùng lại có 5 triệu cung điện, lầu gác làm bằng các
loại đá quí. Có các tấm trải giường lạ lùng trải trên các giường làm bằng bảy
món quí: vàng, bạc, ngọc lưu ly, ngọc bì ly, xà cừ, đá mã não, ngọc trai, san
hô. Nhiều người nhà trời đánh đàn trên các cung điện, lầu các đó, và vừa hát
vừa cười nụ Như lai. Trong vườn của các giảng đường, tịnh xá, cung điện, lầu
gác, đều có hồ tắm. Sỏi bạc ròng dưới đáy hồ vàng. Sỏi ngọc thủy xương nơi đáy
hồ lưu ly. Ánh sáng trải trên hoa sen rực rỡ nơi mặt hồ. Gió nhẹ thổi qua, hoa
linh loạn. Lại còn vịt, chim oanh, công, chim sẻ, vẹt, chim ca-lăng-tầm-già
(loại chim có mặt đẹp như mỹ nữ và có giọng hót hay) và các thứ chim màu sặc
sỡ khác. Chúng hót cả ngày cả đêm không ngớt. (Dù giọng hót có êm đềm cỡ
nào đi nữa, mà các loại chim đều cùng hót, có lẽ rồi cũng ồn lắm!) Cạnh bờ hồ
và nơi những chòm cây ven sông còn có những loại cây qúi; thân vàng, cành bạc,
hoa san hô in hình nơi mặt gương hồ. Thinh không giăng giăng sợi quí, và nơi
những sợi đó có treo các chuông quí và những nhạc cụ tuyệt vời không đánh mà
kêu lên những âm thanh diễn tả Lẽ lớn diệu kỳ.
Còn nếu muốn ăn, bàn thất
bảo tự nhiên hiện ra trước mắt, và những thức ăn ngon sẵn đầy trong chén thất
bảo. Rồi cũng chẳng phải dùng tay mà ăn; chỉ nhìn thấy sắc, chỉ ngửi mùi thức
ăn, xác và lòng trở nên sạch trong, mà bụng no, chất nuôi sống đã nhập vào xác
mà chẳng phải làm cái việc ăn. Ăn xong, chén, bàn bỗng biến mất.
Quần áo cũng tự nhiên
khoác vào thân mà chẳng phải may, giặt, nhuộm. Ðèn cũng chẳng cần, vì ánh sáng
rỡ ràng nơi nơi. Cũng chẳng cần phòng ấm, phòng lạnh mà chi, vì khí hậu ấm áp
quanh năm. Hương trăm loài tràn đầy không gian, và cánh sen rơi rơi không ngơi.
Lại nữa, nơi Vãng sinh yếu
tập, ở mục Quan sát, có dạy rằng những kẻ suy xét với tấm lòng nguồn cội mà vẫn
không thể đi sâu vào cõi lòng được, rồi tưởng tượng lại nổi lên, thì kẻ ấy phải
hết sức hết lòng tập trung tư tưởng; và để nhìn được Phật, con đường ngắn nhất
là phải dùng sức tưởng tượng hầu thoát ra khỏi những chiều kích của cõi thế
này. Sức tưởng tượng quá đỗi lạ lùng đó hướng về và tập trung vào một cành hoa
sen, và từ đó, sức tưởng tượng làm cho sen lớn rộng ra. Nếu nhìn dưới kính hiển
vi, và nếu dùng kiến thức của thiên văn học mà suy, hoa sen ấy có lẽ sẽ trở
thành nền tảng cho những bàn luận về vũ trụ; rồi hoa còn làm kẻ trung gian (cho
chúng ta hiểu được chân lý). Nhưng điều phải nói trước tiên ở đây là nơi mỗi
cánh hoa có tới 84 ngàn đường gân; ở nơi mỗi gân có 84 ngàn tia sáng. Cũng theo
sách trên, hoa dù nhỏ đi nữa, chúng cũng có đường kính tới 250 do-quân, mà mỗi
do-quân dài chừng 30 dặm Tàu (128km), như thế đường kính phải dài tới 7500 dặm
Tàu (3018 km).
Mỗi hoa sen lại có 84 ngàn
cánh; nơi mỗi cánh có 5 triệu đá quí phát ra ngàn ngàn ánh sáng đủ loại. Rồi
nơi đài hoa được tô điểm lộng lẫy ấy còn dựng đứng 4 cột cẩn đá quí. Mỗi cột
cao gấp 84 ngàn lần núi Tu-di. Những tấm phướn treo trên những cột ấy có đính 5
triệu hạt ngọc trai; mỗi hạt có tới 84 ngàn loại tia sáng. Mỗi tia sáng lại có
84 ngàn ánh khác nhau; và các ánh lại quyện với nhau.
Kiểu tập trung trí tưởng
tượng như thế gọi là ”phép nghĩ về toà hoa”. Những hình ảnh, ý tưởng làm nền
cho truyện ngắn này, có tầm cỡ như vừa kể.
2.
Thầy tăng chùa Chí Hạ là
một thầy tăng đức độ cao vời. Thầy, mày trắng, thân già yếu phải chống gậy,
dáng đi chậm rãi.
Cái gọi là cõi thế,
một khi hiện trong con mắt của bậc thánh nhân tu học nức hương, thời nó chỉ là
rác rến. Thời gian thầy ở trong am mà hiện nay thầy đang ở, thầy có trồng một
cây thông; cây bây giờ ôm gió lộng trên đỉnh, trong thinh không cao cao. Cho
nên, khi tiếp cận với một cõi thế đời đời phù ảo, thầy, với cái tâm của một bậc
thánh, lòng vẫn lặng lẽ, cái lặng lẽ của một đại trượng phu.
Khi thầy thấy những người
giàu có, thầy lại cười, nụ cười xót thương; xót vì tại sao họ không biết
là những cái vui, cái sướng của chuyện giàu có chỉ là mộng mị. Khi gặp những
người nữ nhan sắc mỹ miều, thầy lại thương những con người của thế giới mê lầm
ấy: Họ sẽ còn mãi nổi trôi, vướng vấp muộn phiền.
Nếu người ta không còn
đồng cảm với những lực đang vận hành cõi thế, thì trong phút giây đó, cõi thế
sẽ chững lại. Trong mắt của thầy tăng, chỉ còn có cái cõi thế đang chững lại
ấy. Cái cõi thế ấy chỉ là một bức tranh vẽ trên giấy, một loại bản đồ của một
nước nào đó. Và một cõi lòng không còn vướng víu, cõi lòng ấy quên luôn những
sợ hãi. Cho nên thầy tự hỏi: Như thế tại sao còn có địa ngục? Rõ ràng là cõi
đời này chẳng làm gì được thầy nữa. Nhưng vì thầy không phải là một người kiêu
ngạo, thầy không bao giờ nghĩ thầy được như thế là do đức độ của thầy.
Và nơi thầy, chuyện ham
muốn xác thịt hầu như mất hẳn. Những khi trong phòng tắm, thầy vui sướng khi
thấy thân xác mình chỉ còn da bọc xương. Vì thân xác đã ra như thế, thầy không
còn cần ứng xử gì đối với nó, như trường hợp những người khác. Xác thân đã ra
như vậy, thì chỉ có đồ ăn, thức uống của Cõi sạch xem ra mới thích hợp cho
thầy.
Mộng mị đêm đêm ư? Thầy
chẳng mộng gì khác hơn là mộng về Cõi sạch. Khi mở mắt ra, thầy thấy và thương
xót cho con người sống nơi cõi thế này, vướng víu vào giấc mộng
không-thường-còn.
Xuân về, khí lành, hoa nở,
nhiều khách kinh đô đến thăm làng Chí Hạ. Thầy cũng chẳng vì thế thấy phiền hà
gì, vì nay lòng thầy không còn bối rối chuyện loài người. Thầy chống gậy, từ am
cỏ đi ra. Thầy đi đến vùng quanh hồ. Vào khoảnh khắc ấy ánh chiều khoan thai
rọi vào vùng nắng sau giờ ngọ. Thầy đứng một mình bên hồ sóng lặng tăm. Thầy
đang thực hành phép nhìn nghĩ về nước (3). Vào lúc ấy có một chiếc xe của hạng
người quyền qúi chạy rảo quanh hồ, rồi ngừng cạnh bờ hồ, chỗ thầy tăng đang
đứng. Chủ nhân của xe là quí phi, xuất thân từ Kinh Cực. Nàng đến Chí Hạ để
ngắm cảnh. Và để nói lời từ biệt với cảnh vật quanh hồ, nàng vén rèm lên.
Thầy tăng bất giác thấy
nàng như thế, và thầy bị choáng váng vì cái nhan sắc đẹp đẽ của nàng. Qúi phi
và thầy tăng, bốn mắt một thoáng gặp nhau. Thầy, mắt chẳng rời, và quí phi, mắt
cũng không quay đi. Ðó không phải là một người dung tục có cái nhìn vô lễ. Tuy
kẻ nhìn đó là một lão tăng rõi theo giáo pháp của Phật, nàng vẫn đâm ngờ ý
nghĩa của cái nhìn ngưng đọng trên nàng như vậy.
Nàng ngay lập tức hạ rèm
xuống. Xe chuyển bánh rời xa, qua hẻm núi Chí Hạ, xa dần về hướng đường dẫn tới
kinh đô, rồi xe theo dọc đường chùa Ngân Các nhập kinh. Xe đã khuất nẻo sau
rừng cây mà thầy tăng vẫn còn đứng.
Cõi thế này, với một sức
mạnh khủng khiếp, đã quật ngã thầy tăng trong nháy mắt. Cái cảm nghĩ về một
đấng trượng phu giờ đã tan tành như ngói vỡ.
Khi về đến am, thầy quay
mặt về đấng Thế Tôn và ra sức kêu lên tên Phật. Nhưng hình ảnh nghĩ ngợi lung
tung cứ mãi đeo đẳng, quấy quả. Cái nhan sắc ấy là bóng dáng khói sương, là
hiện tượng nhất thời của một xác thân sẽ bị tiêu diệt. Nghĩ thế thì cứ nghĩ,
nhưng sức mạnh của cái khoảng khắc ấy đã đánh mạnh trái tim thầy, vì khuôn mặt
tuyệt đẹp ấy có cái gì đó thật hiếm hoi, thật xa vời. Thầy chẳng còn trẻ mỏ gì,
nhưng cái chuyện động lòng ấy, dù có khoác cái danh nghĩa gì đi nữa, nó vẫn là
trò quái quỉ của xác thịt bừng bừng. Nhưng xác thịt, dầu gì đi nữa, trong nháy
mắt, cũng sẽ biến mất. Nói cho đúng hơn, thầy tăng như bỗng tắm trong thuốc
độc, và tinh thần thầy đột nhiên biến chất. Thầy tăng nào có phá giới. Trong
thời trai trẻ, thầy đã chống trả với chước cám dỗ đó, và coi người nữ chẳng qua
là một cục thịt. Cái cục thịt ấy, trong trí tưởng của thầy là một cục
thịt tinh ròng. Xác thịt không gì khác hơn là một hiện hữu hoàn toàn nằm
trong ý niệm để rồi ta bắt nó khuất phục. Thầy đã dựa trên sức mạnh tinh thần;
và thầy đã thành công. Trong những người biết thầy, không một ai nghi ngờ về
thành thích của thầy. Nhưng cái dung nhan của người nữ vén rèm ngắm hồ hôm nọ,
cái hiện hữu mười phân vẹn mười đượm ánh sáng huy hoàng ấy, thầy không biết lấy
tên gì để gọi cục thịt đó cho đúng. Thầy chỉ nghĩ rằng, để đem đến cho thầy
giây phút hiếm có đang xảy trước mắt ấy, một cái gì đó bấy nay cứ lừa, cứ giấu
quanh thầy, nay bắt đầu lộ hình lộ tướng trong lòng thầy. Cõi đời này chính là
cõi đời lâu nay đã bị chững lại, rồi bỗng nhiên như từ trong tranh, nó hiện ra
và bắt đầu động đậy. Giống như khi đứng nơi ngã tư đường lớn Kinh Ðô ngựa xe
dập dìu, người ta lấy tay bịt tai lại, và bỗng nhiên thả tay ra, thế là tiếng
huyên náo lại ào ào xô vào tai.
Va chạm vào giòng chuyển,
nghe được những âm thanh ấy, như thế là đã hội nhập vòng tròn đời nầy. Dù người
ta có cắt đứt với mọi mối liên hệ, cuối cùng lại vẫn cứ trói mình vào những
liên hệ này khác.
Cả khi xem kinh sách, thầy
vẫn cứ buông tiếng thở dài nhẫn nhục không biết bao nhiêu lần. Thầy ngẫm nghĩ,
liệu cái tự nhiên ấy đang phân mảnh lòng mình hay sao đây. Vời trông mây vắt
rặng núi chiều hôm, lòng thầy chỉ làm rối rắm hình tượng mây và lòng mê mải
trôi theo giòng mây. Khi nhìn trăng, ý nghĩ thầy lại đi hoang như trước. Thầy
quay về với đấng Thế Tôn và đinh ninh mình đang lọc cho trong lòng mình, nhưng
khuôn mặt của Phật, khuôn mặt ngài lại thấp thoáng dung nhan nàng quí phi. Cái
cõi thế của thầy đã nhập vào vòng tròn nhỏ; ở một điểm đằng này của vòng tròn
là thầy tăng, và đằng điểm kia là quí phi.
3.
Nàng quí phi người quê
Kinh Cực đó đã quên bẵng chuyện thầy tăng đứng cạnh hồ ngắm nhìn dung nhan của
nàng.
Nhưng rồi đã bắt đầu có
tin đồn đãi, và nó làm nàng nhớ tới chuyện cũ. Có người dân làng Chí Hạ đã thấy
bóng dáng thầy tăng vời theo bóng xe quí phi. Người đó đã kể lại chuyện ấy cho
một vị quan trong triều, nhân dịp quan đến làng ngắm hoa; và kẻ ấy còn bảo là
từ độ ấy thầy tăng như điên như cuồng. Quí phi làm ra cái vẻ mình chẳng hay
biết gì về chuyện người ta đồn đãi. Và vì thầy vốn nức danh đức độ, cái tin đồn
ấy lại càng làm cho quí phi thêm kiêu kỳ, bởi nàng đã quá chán chường chuyện
ong bướm thế thường. Nàng biết rõ mười mươi về sắc đẹp của mình; nhưng nàng lại
bị lôi cuốn bởi những sức mạnh dám coi sắc đẹp là vô giá trị, cho nên chẳng lạ
gì nàng đã trở nên một tín nữ nhiệt thành tin vào đạo pháp. Vì có khuynh hướng
mãnh liệt xa lánh cõi thế như vậy, nên nàng đã theo phái Cõi sạch. Cái thuyết
nhà Phật dạy rằng cõi đời rực rỡ, đẹp đẽ nầy chỉ là đất đai dơ dáy; thuyết ấy
đã an ủi lòng nàng vốn chán chuyện vinh hoa mà người ta cứ nghĩ đó là hoa trái
đời này.
Trong hàng những kẻ thích
chuyện yêu đương, quí phi chính là một hiện thân tao nhã chốn cung đình. Cho
nên, nàng đã không khấng ban tình yêu cho bất cứ ai. Nàng cao giá là ở chỗ đó.
Ai cũng thấy là nàng chẳng yêu vua hết lòng. Nàng ước mơ có được khối tình si
vượt mọi biên cương.
Thầy tăng chùa Chí Hạ đức
độ cao với, tuổi trời đã cao. Ai cũng biết là thầy đã hoàn toàn từ bỏ cõi thế
này. Và nếu tiếng ong tiếng ve có thật, thì như thế thầy đã quá mê cái nhan sắc
của quí phi, và đành cam lòng hi sinh bỏ hết cõi đời sau. Chẳng có một sự hi
sinh nào to lớn hơn thế, chẳng có một tặng vật hiến dâng nào vĩ đại như vậy.
Văn nhân tài tử chốn cung
đình, chẳng ai rù quyến được nàng; và lòng nàng không mảy may xúc động trước
cái vẻ hào hoa phong nhã của bọn vương tôn công tử. Nàng đau đáu tìm kiếm một
người nam sẽ yêu nàng mãnh liệt, yêu nàng thâm sâu. Người nữ nào cứ ôm ấp trong
lòng mình nỗi đau đáu chờ mong ấy, người nữ ấy là một kẻ đáng sợ. Nếu nàng chỉ
là một cung phi tầm thường, phú quí đời này cũng là đủ cho nàng rồi. Nhưng nàng
quí phi này tuy đã được mọi phú quí đời này, nàng còn chờ một người sẽ dâng
nàng trọn phú quí của cả đời sau.
Nơi chốn cung đình chuyện
đồn đãi thầy tăng chùa Chí Hạ mê quí phi càng ngày càng râm ran, và người ta
nửa đừa nửa thật tâu cho vua biết.
Dĩ nhiên, nàng chẳng lấy
gì làm vui, khi nghe những lời đàm tiếu đó, nhưng nàng vẫn làm mặt lạnh. Nàng
biết rằng người ta thoải mái nói về chuyện ấy, hoặc để ca tụng cái nhan sắc đã
làm mê muội được cả thầy tăng đức độ, hoặc để trấn an nhau là một mối tình giữa
lão tăng và một nường quí phái như thế chẳng làm sao mà xảy ra được.
Riêng nàng, nàng còn nhớ
rõ bản mặt của lão tăng khi nàng từ trong xe nhìn ra, nhưng mặt của ông ta
không giống bất cứ mặt của người đàn ông nào mà nàng đã từng đem lòng luyến ái.
Mishima Yukio (Tam-Ðảo Do-Kỷ-Phu)
(còn tiếp phần hai)
1 comment:
Đã xemP,1 chờ P.2.
Cám ơn người dịch và người post bài
Post a Comment