Ngày xưa làm báo Tết
Hàng năm cứ đến ngày giáp Tết Âm Lịch,
mọi người đều thấy các cửa hàng bán báo rực rỡ hẳn lên bởi hình bìa của những
tờ báo xuân. Đủ thứ màu sắc của những tờ báo khổ lớn treo toòng teng trên những
chiếc dây trước sạp báo phay phất phới, không khác gì những cái lồng đèn Trung
Thu. Những tờ báo khổ nhỏ, hầu hết là những tờ tuần báo hoặc đặc san nằm dưới
kệ hàng cũng được tô điểm sặc sỡ báo hiệu mùa xuân đang về.
Mùa xuân dường như bắt đầu từ đấy. Và
mỗi nhà thường mua một tờ báo Xuân, đôi khi đợi Tết trưng ra trong phòng khách
cho vui cửa vui nhà. Điều đó không hẳn là một tục lệ mà chỉ là thói quen, một
thứ thói quen đáng yêu của hầu hết người Việt chúng ta dù bất cứ ở đâu. Nó cũng
như cái hình ảnh của nhà thơ Vũ Đình Liên:
ÔNG ĐỒ GIÀ
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...”
Hình ảnh ông đồ già có thể mất dần theo
năm tháng, nhưng những tờ báo thì vẫn còn y nguyên từ thời xa xưa cho tới thời
nay, chắc chắn nó sẽ còn mãi mãi, cho dù nhiều bạn lo xa rằng báo in có thể
“chết dần” bởi thời đại internet.
Nhưng internet không thể bày ra bàn,
không thể trang trí cho phòng khách của ngôi nhà, không thể mang linh hồn của
mùa xuân đến từng người đọc, không thể mang hương vị ấm cúng cho cả gia đình
bạn và cũng không thể mang cả mùa xuân tô điểm cho phố phường của bạn.
Hình bìa những tờ báo thường bao giờ
cũng có những người đẹp, những giai nhân đủ loại từ ca sĩ đến tài tử màn ảnh,
từ cô gái nông thôn đến thành thị uốn lượn đủ kiểu trên sạp báo còn hơn là một
cuộc thi sắc đẹp. Bạn không thích thú sao? Ngắm free mà. Và chỉ có năm hết Tết
đến mới có cái cảnh ấy.
Tất cả những thứ đó khiến tôi nhớ đến
cái không khí làm báo Tết thời xa xưa. Hồi đó bạn làm được một tờ báo ra hàng
ngày hay hàng tuần đã khó khăn lắm rồi chứ chưa nói đến làm báo Tết. Ngày nay
làm báo chỉ cần đánh máy cho lên máy in, nó chạy rèn rẹt ra luôn ba bốn năm màu
và hàng chục ngàn số trong một vài giờ, được đóng sẵn sàng đưa ra thị trường.
Nhưng ngày xưa thì khác.
Cái thời đại typo
Vâng, phải nói chính xác đó là thời đại
mời ra lò của những tờ báo, thời đại in typo. Trước hết là những con chữ được
đúc bằng kẽm hay bằng chì, từng chữ một, mỗi chữ xếp vào một cái bát hay một
ngăn dưới tay người thợ, gọi là thợ sắp chữ.
Phải sắp từng chữ một và chữ in nghiêng
phải được tác giả viết bài hay anh Tổng thư ký tòa soạn phải gạch dưới bản thảo
đánh máy hay viết tay hàng chữ “ital” chữ viết tắt của italic.
Đấy chỉ là một thí dụ. Còn có hàng chục
ký hiệu như thế nữa dành cho hàng chữ in đậm, sửa dấu sắc huyền hỏi ngã, thêm
chữ vào dòng, bớt chữ đi. Anh thợ “cả” được gọi là chef typo chịu trách nhiệm
chung cho trang báo đó, phải xem lại từng trang.
Còn muốn đưa một tấm hình vào trang báo,
phải làm bản kẽm. Tôi nhớ hồi đó ở Sài Gòn có Cliché Dàu là nơi cung cấp những
bản kẽm cho các nhà in và các báo. Khuôn khổ bức hình ra sao để nó nằm gọn lỏn
trong trang báo phải được tính toán trước hết. Đến lúc thợ lên khuôn mới đưa
vào bài báo được.
Trước khi in, thợ nhà in phải làm một
bản vỗ, tức là lấy tờ giấy thấm nước như loại giấy bản, đặt lên khuôn trang có
dính chút mực, vỗ nhẹ để mực thấm vào giấy, chúng tôi gọi là morasse, người làm
việc sửa morasse được gọi là “thầy cò”. Thường morasse phải sửa đến lần thứ hai
thứ ba, lần cuối cùng do anh Tổng Thư Ký tòa soạn sửa và ký vào tờ dernière
morasse đó chịu trách nhiệm nếu có sai sót.
Sau thời kỳ in typo là thời kỳ “vàng
son” của kỹ thuật in offset. Cả trang báo 4 màu chỉ cần đưa lên máy in 1 lần.
Nhưng nói về thời kỳ này nữa thì quá dài dòng. Xin trở với thời đại báo in
typo.
Tôi suýt bị tù vì mất chữ T.
Nói sơ qua như thế để bạn có thể hình
dung ra phần đầu của công việc làm báo, đấy là báo thường chưa nói đến số Tết
còn “ly kỳ rùng rợn” hơn. Đúng là một công việc bỏ ăn bỏ ngủ chứ không đùa. Tôi
đã từng làm ở tòa soạn báo từ anh viết bài đến anh “thầy cò” rồi nhảy lên làm
Trưởng ban biên tập và làm Chủ bút báo Chiến Sĩ Cộng Hòa của Quân Đội VNCH. Hồi
đó báo ra bán nguyệt san, mỗi kỳ 200.000 số. Một con số xuất bản lớn nhất vào
thời đó.
Báo được Bộ Quốc Phòng tài trợ và gọi
đấu thầu, nhà in tư nhân đảm trách việc in ấn. Tôi là người chịu trách nhiệm
sửa và ký tên vào bản dernière morrase tức là bản vỗ cuối cùng. Sau này làm
thêm tờ Thông Tin Chiến Sĩ ra hàng tuần nữa càng vất vả hơn. Tòa soạn chỉ vỏn
vẹn có chừng chục người .
Năm nào báo Chiến Sĩ Cộng Hòa cũng ra
báo Xuân như thường lệ. Có một năm, có lẽ là vào năm 1960, khi đó Đại Tướng Lê
Văn Tỵ làm Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH (đến năm 1963 Ông mới được vinh
thăng Thống Tướng, vị Thống Tướng duy nhất của VN). Mỗi năm thường có một Thư
chúc tết của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng được đăng trên báo Xuân CSCH.
Khi báo ra, chúng tôi đưa lên trình văn
phòng Đại Tướng. Không hiểu tại sao cuối thư đó lại ký tên Đại Tướng Lê Văn
Ỵ. Thì ra tên của Người bỗng mất biến đi chữ T.
Ông Đại Tá Hoàng Ngọc Tiêu tức thi sĩ
Cao Tiêu làm chánh văn phòng Đại Tướng gọi điện thoại cho tôi nói ngay: “Phen
này ông đi tù là cái chắc”, tôi tưởng ông nói dỡn chơi, nhưng ông nghiêm giọng
nói: “Anh cứ xem lại Thư chúc Tết của Đại Tướng đi là biết ngay, tôi không nói
nhiều”.
Tôi mở tờ báo ra xem, quả nhiên là chữ Tỵ
mất biến chữ T ở trước, thành ra là Đại Tướng Lê Văn Ỵ. Tôi choáng người, cầm
chắc đi tù rồi còn gì. Tôi gọi nhà in, đòi xem bản vỗ cuối cùng. May quá, bản
vỗ cuối cùng còn nguyên chữ T. Đây là một lý do “giảm khinh” cho một phần lớn
tội của tôi. Nhưng tôi vẫn là người chịu trách nhiệm chính khi tờ báo đưa lên
trình và gửi đi khắp các đơn vị trong toàn quốc. Tôi đã không kiểm soát lại.
Về phía nhà in, điều tra cũng chẳng ra,
bởi khi bản vỗ đưa lên máy in vẫn còn nguyên, nhưng vì là thợ xếp
từng chữ nên khi bê lên bê xuống có thể nó rơi mất chữ T. Rơi ở đâu, khi nào
hay có kẻ phá hoại không ai biết. Mà làm sao kết tội là phá hoại khi không có
bằng cớ chắc chắn, luật pháp là luật pháp thời đó rất nghiêm minh. Tôi đã chuẩn
bị sẵn tư tưởng để từ giã quân ngũ hay ít ra cũng bị “hạ tầng công tác” đi đến
một đơn vị khác, rất có thể là binh nhì vì cái tội quá nặng “bôi bẩn thanh danh
Đại Tướng”.
Nhưng ông Cao Tiêu chánh văn phòng Đại
Tướng lại gọi điện thoại ngay cho tôi nói là chưa kịp trình Đại Tướng vì sáng đó
ông bận đi dự lễ. Ông Cao Tiêu cũng là bạn tôi nên ông đã hủy ngay tờ báo, ông
nói tôi phài lấy chữ Tỵ khác đóng lên trên chữ Ỵ để ông mang vào trình.
Tôi cấp tốc làm ngay. Nhưng làm 1 tờ thì
dễ, còn 200 ngàn số đưa đến các đơn vị cũng phải làm như vậy. Thế là cả cánh
thợ nhà in tư nhân và toàn phòng báo chí của chúng tôi phải cùng làm suốt một
đêm một ngày mới xong. Lúc đó tôi mới hoàn hồn.
Và cũng từ đó tôi có thêm kinh nghiệm
“xương máu” về nghề làm báo cũng như sau đó sang làm ở Đài Phát Thanh Quân Đội.
Tôi cẩn thận từng chữ, từng câu trong các bản tin.
Lại chuyện ở đài Phát Thanh
Tôi nhớ hồi đó nhiều đoàn thể, nhiều
giáo phái có tiếng nói trên các đài phát thanh Sài Gòn cũng như Đài PTQĐ.
Một lần vào khoảng năm 1970 hay 71, Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu đi dự một cái lễ ở Long Xuyên do Phật Giáo Hòa Hảo tổ
chức. Sau đó tổ chức này có một bản tin gửi cho các báo trong nước. Đài PTQĐ
cũng nhận được bản tin này.
Bản tin chia làm ba hay bốn phần gì đó,
cả mấy phần trên đều là những lời lẽ ủng hộ chính phủ, duy đoạn cuối cùng có đề
nghị chính phủ phát súng cho giáo phái để tự giữ gìn an ninh tổ quốc.
Tôi suy nghĩ mãi mới bỏ đoạn cuối cùng
này. Bởi nếu phát súng cho một tổ chức khác chẳng khác nào một quốc gia có hai
quân đội nên tôi sửa lại chỉ tóm tắt nội dung chứ không cho đọc nguyên văn,
cuối cùng chỉ loan tin là những đề nghị khác sẽ được Tổng Thống và Chính Phủ
cứu xét cẩn trọng.
Quả nhiên bí thư của Tổng Thống lúc đó
là ông Hoàng Đức Nhã, được gọi là “ông trùm truyền thông” thời đó điện thoại
cho tôi hỏi “Anh có cho đọc nguyên văn bản tin của Phật Giáo Hòa Hảo không?”.
Tôi thẳng thắn trả lời: “Không, tôi chỉ
tóm tắt nội dung chính còn đề nghị phát súng tôi không loan bởi vì…”. Ông Hoàng
Đức Nhã ngắt lời tôi ngay: “Đúng rồi, anh làm vậy là đúng lắm”.
Từ đó ông Nhã nhìn tôi bằng con mắt
khác. Đúng là môt câu hỏi “mẹo” rất khôn khéo của ông “trùm truyền thông”.
Đi làm phóng sự Tết
Phòng báo chí của chúng tôi có cái lệ là
phải đi làm phóng sự Tết ở các đơn vị từ miền Nam đến miền Trung và
Cao Nguyên. Tòa soạn quá ít người nên chính tôi cũng phải làm phóng viên. Anh
em đi hết, chẳng lẽ trưởng phòng ngồi nhà nên dù mới cưới vợ cũng phải bò đi
làm phóng sự Tết.
Tôi nhớ năm đó, vào ngày 28 Tết có trận đá
bóng giữa đội của Tổng Tham Mưu VN với 1 đội Peru. Thế mà tôi phải rong
ruổi ra miền Trung làm phóng sự. Tôi là dân mê đá bóng từ nhỏ nên mang theo cái
radio transistor, đi trên xe lửa nghe anh Huyền Vũ tường thuật trận đấu cho đã
ghiền.
Giao Thừa trên đỉnh đèo Hải Vân
Ra đến Đà Nẵng tôi vào chào Trung Tướng
Đỗ Cao Trí là Tư Lệnh Phó Quân Khu 2, tôi còn một mục đích khác là lôi Thanh
Nam mới bị tái ngũ học ở trường Huấn luyện ra cùng đi. Tướng Trí ra lệnh cho
Thanh Nam ra đi cùng tôi ngay hôm đó.
Chúng tôi đi qua đèo Hải vân vào buổi
chiều sắp tàn. Nhìn thấy một tiền đồn đóng tuốt trên ngọn núi Hải Vân nằm lẫn
trong mây. Tôi thấy sinh hoạt ở đơn vị nằm cao tít tắp chín từng mây này chắc
là đặc biệt nên tôi cho xe jeep theo đường mòn leo lên đỉnh đèo.
Anh lính gác ở đồn canh cho tôi biết đây
là một trung đội Địa Phương Quân trấn giữ mỏm núi. Phía sau còn 2 trung đội
khác. Tôi và Thanh Nam quyết định ăn Giao Thừa cùng anh em
trong đơn vị này.
Một buổi tối khác hẳn mọi buổi tối,
chúng tôi nằm giữa những đám mây mỏng không nhìn thấy lưng đèo. Giao thừa thật
thú vị với những màn lửa trại và thi hát, thi nói chuyện vui.
Có một anh tân binh nói chuyện tình yêu
của chính mình rất láu cá. Anh em chất vấn tại sao mày lấy được vợ giàu và đẹp
thế? Anh ta kể rằng bị gia đình nhà vợ phản đối, hai đứa bàn nhau “ăn cơm trước
kẻng”. Em bị con vợ em nó tát cho một cái nên thân, tưởng em lợi dụng nó. Em
nói chúng mình chỉ giả vờ thế thôi mà. Em cứ giả vờ thú nhận với mẹ em là có
bầu rồi. Con vợ em nó đồng ý.
Thế là nhà nó bắt em phải làm đám cưới
ngay. Cưới xong vài tháng thì em vào địa phương quân rồi lên đây.
Thanh Nam khoái chí bèn tặng ngay cái khăng quàng mà cô bồ là ca sĩ
trẻ đẹp vừa gửi tôi mang ra tặng chàng làm quà Tết. Trong đời tôi sẽ không bao
giờ có được một đêm giao thừa như thế nữa.
Nhưng làm báo ngoài thì sướng
Hồi đó tôi thường viết khá nhiều
feuilleton cho các báo. Mỗi dịp xuân về, chẳng cần biết các ông ở tòa soạn bận
rộn ra sao, chúng tôi chỉ việc gửi bài rồi ung dung chờ lãnh tiền lương tháng
13 và dự tiệc tất niên của chủ báo.
Có lẽ làm với báo Truyện Phim của ông
Nguyễn Ngọc Linh vào khoảng những năm 58- 60 là khoái hơn cả. Tờ báo lớn đầu
tiên về điện ảnh quốc tế và VN do anh em ông Linh sáng lập ở đường Ký Con. Cái
tòa soạn bé tẹo nhưng rất… Ăng Lê.
Chủ nhiệm ngồi một mình trong phòng
kính. Bên ngoài là bàn giấy của Tổng Thư Ký tòa soạn, hồi đó là ông Quốc Phong
nên chúng tôi gọi là “ông Tổng Cóc”, cạnh đó là chiếc bàn nhỏ xíu cùa biên tập
viên Gia Tuấn đeo kính trắng, gọi là “Gia Tuấn Sì Cốp”.
Tờ báo được hầu hết các bạn trẻ, học
sinh, sinh viên đón đọc hàng tuần. Tất nhiên năm nào cũng có báo xuân và đặc
biệt khán giả mua báo được tặng một cuốn lịch thật đẹp của hãng Paramount
Pictures, in màu trên giấy couché trắng nõn với 12 tấm hình tài tử thượng thặng
quốc tế như Marilyn Monroe, Ava Gardner, Audrey Hepburn, Grace Kelly… cũng nõn
nà chết người.
Riêng anh em cộng tác, cuối năm còn được
tặng một tập báo đủ 12 tháng đóng gáy da mạ chữ vàng cẩn thận. Sau đó lại là
một chầu ăn uống nhảy nhót tưng bừng tại một nhà hàng lớn, tăng 2 có thể đi có
thể không tùy thích. Tôi chưa bao giờ quên được những kỷ niệm đó.
Nhật báo Chính Luận và ông chủ nhiệm
đáng yêu của tôi
Đó là phía tuần báo còn phía nhật báo có
tờ báo lớn là Chính Luận, do bác sĩ Đặng Văn Sung làm chủ nhiệm. Cuối năm cũng
có chầu tất niên tưng bừng nhưng ông chủ nhiệm đứng đắn nên không cho anh em
“múa tay múa chân” ở vũ trường. Ông tổ chức đánh phé ở nhà ông thủ quỹ Lê Tâm
Việt.
Tôi nhớ năm đó vừa lãnh lương xong, về
chơi phé với anh em trong tòa soạn. Chẳng may thua nhẵn túi. Tôi đứng dậy ra về
thì ông chủ nhiệm hất đầu cho anh thủ quỹ Lê Tâm Việt ra lệnh “Phát cho cậu ấy
lương tháng 13 đi”. Lê Tâm Việt nói em phát rồi. Ông BS Sung cười hiền lành “Nó
thua hết rồi, lấy gì cho nó ăn Tết, phát cho cậu ấy ngay đi”.
Thế là tôi lãnh thêm 1 tháng lương nữa
rồi ra về. Lương tháng viết feuilleton cho báo Chính Luận tôi nhớ mang máng là
12.000 VNĐ. Hồi ấy đó là một khoản tiền khá lớn, dư sức có “thịt mỡ
dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh ở nhà”.
Thật thú vị cho một năm mệt nhoài người
vì viết, nhưng hồi đó viết là viết chứ không phải lách như bây giờ.
Bạn đã thấy công việc của dân làm báo
hay nói chung làm truyền thông xã hội không hề dễ dàng chút nào. Nhưng tôi vẫn
nhớ, vẫn chưa bao giờ từ bỏ được cái “nghiệp” của tôi.
Tính ra bây giờ là hơn 60 năm rồi, cuộc
đời tôi vẫn chẳng làm được nghề ngỗng gì ngoài viết và viết. Tết cũng chẳng bao
giờ được nghỉ vì “báo bà nghỉ thì báo ông ra” cho nên cứ phải có đủ bài cho
báo. Năm nay cũng vậy thôi. Nhưng đã trở thành thói quen, tôi chưa bao giờ ân
hận vì cái nghề này.
Đấy cái nghề làm báo nó long đong như
thế, nhưng các bạn trẻ vào nghề rồi khó lòng dứt áo ra đi cho đành. Nó có ma
lực quyến rũ đấy các bạn ạ.
Văn Quang
(ngày giáp
tết Bính Thân 2016)
304Đen -
Llttm
No comments:
Post a Comment